Tôi tắt hộp thư thoại, không giấu được sự nhẹ nhõm. Từ lúc về nhà đến giờ, tôi không ngừng nghĩ cách để bắt chuyện trước với Minh… nhưng vô vọng. Kể cả bây giờ, dù vẫn nghĩ rằng nói về mẹ là cách duy nhất để cứu vãn bầu không khí chỉ trực chìm sâu trong sự im lặng, thì tôi vẫn cảm thấy e dè trước những cái nhíu mày rất vô thức của Minh.
Tôi lén nhìn sang Minh. Cậu vẫn đang tỉ mỉ giúp tôi làm sạch vết thương trên đầu gối và băng bó lại cẩn thận.
Tóc Minh ướt sũng, không rõ là mồ hôi hay sương đêm đọng lại. Cậu không cởi áo khoác, nhưng hơi thở nóng hực khiến tôi biết thời tiết lạnh giá của mùa đông không thể khiến tấm lưng cậu khỏi ướt đẫm. Tôi đã thử bảo cậu cứ đi tắm trước, tôi sẽ tự xử lý nhưng cái liếc mắt sắc lẻm của Minh khiến tôi đầu hàng, đành ngoan ngoãn làm theo những gì cậu muốn.
Minh cõng tôi lên lầu. Cậu đặt tôi xuống giường, giúp tôi gạt mái tóc lòa xòa trên mặt. Tôi xoay lưng về phía Minh, cố nhắm mắt nhưng vẫn cảm nhận được Minh đang nhìn mình. Rất lâu sau, khi tôi đang thắc mắc không biết cậu có nhận ra tôi đang vờ ngủ hay không bởi tôi không thể ngăn được hàng mi khỏi run rẩy, thì Minh đã tắt đèn rồi ra ngoài.
Tiếng đóng cửa rất nhẹ. Tôi ngồi dậy. Vết thương ở đầu gối cọ vào tường khiến tôi suýt bật thành tiếng, nhưng bàn tay vẫn kịp chặn lại âm thanh sắp thốt ra từ cổ họng. Sự tĩnh lặng và bóng đêm tịch mịch khiến những tiếng động dù là nhỏ nhất được khuếch đại lên nhiều lần, bao gồm cả tiếng bước chân khựng lại của Minh.
Minh đang đứng ngoài kia? Cậu đã dừng lại khi nghe được tiếng động nhẹ từ căn phòng này. Minh gõ cửa.
“Nhi?”
Minh gọi tôi, giọng trầm đục, nghèn nghẹt như bị cảm. Có lẽ cậu đang gục đầu trên cánh cửa. Bóng đêm dày đặc như muốn nuốt chửng cậu, nuốt luôn cả trái tim tôi.
Tôi không dám đáp lại, bởi thừa hiểu nếu tôi lên tiếng bằng chất giọng khản đặc này, Minh sẽ có một đêm thức trắng.
Tiếng bước chân lại vang lên.
Tôi nằm xuống, bật đèn ngủ. Cố giữ cho lồng ngực không nổ tung, tôi đặt tay lên ngực mình, tôi cảm nhận rõ ở đó thật trống trơn. Sợi dây chuyền Minh tặng tôi đã biến mất, để lại một lỗ hổng, rất rộng… cũng rất sâu.
…
Tôi có một đêm mất ngủ.
Ánh nắng xuyên qua căn phòng khiến tôi buộc phải tỉnh giấc. Đồng hồ điểm bảy giờ sáng.
Tôi sờ lên trán mình. Nhiệt độ đã hạ, cổ họng không còn nóng rát, đầu óc cũng không nặng trịch như đêm qua. Xem ra liều thuốc Minh đưa cho tôi có tác dụng khá nhanh, và với thể lực của Minh, tôi nghĩ cậu sẽ hồi phục tốt hơn thế này nhiều.
Tôi trở dậy. Đi ngang qua phòng Minh, cửa đang khép hờ. Có lẽ cậu ấy đã dậy từ sớm và điều đó khiến tôi không khỏi tự trách mình. Tôi đã nghĩ về việc sẽ giúp cậu chuẩn bị bữa sáng như một cách để chuộc lỗi, nhưng việc thức trắng gần như là xuyên đêm khiến tôi không thể làm điều đó giúp cậu. Vào toilet, tôi thấy bộ đồ đêm qua Minh mặc đã được giặt sạch sẽ, nhưng đi quanh nhà lại không thấy cậu đâu. Cửa vẫn khóa trong từ đêm và điều đó khiến tôi không khỏi nghi ngờ.
Chẳng có lý do gì khiến Minh dậy muộn như vậy, trừ khi Minh bệnh nặng hơn tôi nghĩ.
Tôi chạy xồng xộc lên tầng hai, quên cả việc phải gõ cửa. Cửa sổ đang mở, trên sàn nước tạt vào ướt đẫm một góc. Gió cuốn bức rèm trắng tung bay, chạm nhẹ lên vai Minh nhưng cậu vẫn lặng thinh. Minh nằm co người trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, hơi thở mỏng manh như một đứa trẻ.
Tôi cúi xuống nhặt tấm chăn đang cuộn lại một góc, nâng lên nhưng cứ đờ đẫn như vậy, không thể đắp lại cho Minh.
Ánh mắt tôi dừng trên gương mặt tái nhợt của Minh, trên vầng trán mướt mồ hôi nhưng đau đớn hơn là vết máu rịn ra ở bên hông sau tầng vải mỏng. Dưới lớp áo, tôi biết đấy là đường băng được Minh xử lý một cách vội vã khi không thể chống chọi lại cơn váng đầu và cả sự mệt mỏi khi phải cõng tôi trong nhiều giờ liền. Tôi quỳ xuống cạnh giường, bàn tay run run đưa về phía Minh.
Rốt cuộc vết thương sâu đến mức nào mà lớp băng dày đến vậy vẫn không thể ngăn nó bị rỉ máu?
…
Cái siết mạnh ở cổ tay khiến tôi ngẩng đầu lên.
Minh mở mắt. Ánh mắt sắc lạnh và phòng bị. Cậu nhìn chằm chằm vào tôi:
“Ai cho cậu tự tiện vào đây vậy Nhi?”
“Không, tớ…”
“Ra ngoài ngay!”
“Minh?”
“Đừng bắt tớ phải lặp lại!” Minh gắt lên.
“Không!”
Tôi cố giật tay ra khỏi cái siết chặt của Minh nhưng vô ích. Dù đang bệnh nặng nhưng cậu vẫn có thể lồng lên, tóm lấy tôi ném ra ngoài.
“Mở cửa ra Minh!”
“…”
“Nhanh, mở cửa ra cho tớ!”
Minh vẫn im lặng. Sự im lặng của cậu khiến tất cả những lo lắng, nghi hoặc, bất an đã dồn nén trong lòng tôi phát nổ.
Minh bị thương. Nhưng từ bao giờ? Đêm qua hay là lúc nào khác?
Tôi không nhận ra bất cứ điểm khác thường nào từ cậu, vậy nên nói cậu đã đóng kịch quá giỏi, hay tôi đã quá vô tâm đây? Tôi vẫn yên chí để cậu cõng, vẫn vô tư dựa vào bờ vai cậu, vẫn để cậu băng bó vết thương, vẫn…
Nhưng Minh thì sao? Từ đầu đến cuối cậu chỉ có một mình.
“Tớ nói lại lần nữa. Rốt cuộc cậu có chịu mở cửa không?”
Không có tiếng đáp lại.
Tôi như phát điên. Sự im lặng của Minh đang thách thức sự kiên nhẫn của tôi, và tôi phải đầu hàng trước sự ngoan cố của cậu.
…
Tôi đứng phắt dậy, chạy lên gác mái. Lục lọi một hồi, cuối cùng cũng tìm được thứ mình cần, tôi nắm chặt nó trong tay. Mồ hôi rịn ra khiến vật bằng kim loại càng trở nên lạnh và nặng hơn đôi chút.
Tôi chạy xuống, tra chìa khóa rồi mở cửa phòng.
Người tôi tìm đang ngồi trên giường, xoay lưng trần về phía tôi.
Tôi nhìn chăm chăm vào bóng lưng trước mắt. Vị giác chua chát còn dạ dày đang cuộn lên từng khúc. Hình ảnh chân thực trước mắt đang đánh úp vào thị giác khiến trái tim tôi rơi tõm xuống. Cổ họng như thít chặt, chỉ có thể phát ra vài âm tiết rã rời.
“Minh? Cậu…”
Tôi nhìn cậu không chớp mắt. Bóng lưng đầy ám ảnh ấy đang phơi bày trước mặt tôi một cách trần trụi, và dù cố ý hay vô tình, thì tôi cũng là người đã tàn nhẫn xé rách lớp vỏ toàn vẹn mà Minh luôn muốn khoác lên.
Minh của tôi, như một con thú hoang đang tự liếm láp vết thương của mình.
Cậu không quay lại, vẫn chăm chú thay băng. Không lên tiếng, không rên rỉ.
Tôi dõi theo Minh. Bóng lưng với chằng chịt những vết sẹo, đường băng rướm máu ở bên hông và cả hình xăm tinh xảo ở bả vai trái. Đây không phải là Minh tôi vẫn biết, nhưng tuyệt đối là Minh duy nhất khiến tôi có cảm giác trở thành tội đồ.
“Minh?”
Tôi lại gọi tên cậu, nhưng không có tiếng đáp. Cậu gài cúc áo sơ mi, rồi tiến về phía tôi:
“Nếu đây là điều cậu muốn thì đủ rồi. Giờ thì ra ngoài ngay.”
…
Tôi không nhớ sau đó đã xảy ra những chuyện gì.
Đầu óc trống trỗng. Tôi về phòng mình, ngồi sụp xuống giường.
Ánh nắng chói chang đậu trên cửa kính, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, nhưng sao nhìn mãi, nhìn mãi lại thành một màu xám xịt.
Tôi đang mơ sao?
Nếu chỉ là mơ, tại sao cảm giác đau như bị bóp nghẹt lại chân thực đến vậy?
Tôi lang thang trong miền ký ức của mình. Từ ngày bố đưa Minh về, đến ngày tiễn chân bố và kể cả sau này, khi mẹ luôn đi vắng và chúng tôi phải dựa vào nhau, Minh mà tôi biết luôn là một cậu bé trầm mặc, khép kín nhưng đầy sự quan tâm. Cậu thậm chí còn không thể dùng lời lẽ gay gắt để tranh cãi với người khác. Minh của tôi là cậu bé hiền lành, thậm chí là nhẫn nhịn.
Giả dối. Tất cả chỉ là giả dối.
…
Khi tôi tỉnh lại đã là mười một giờ rưỡi. Cơn cồn cào của dạ dày khiến tôi buộc phải xuống bếp và làm dịu nó bằng vài lát bánh mì. Mở tủ lạnh, ánh mắt tôi dừng ở mấy quả trứng gà và ít hành lá mẹ để sẵn trước khi đi, đầu không khỏi nghĩ về món cháo trứng mẹ thường nấu để giải cảm.
Tôi sụt sịt mũi. Khả năng nấu nướng của tôi không tốt như Minh, nhưng những món thông thường vẫn tự xử lý được. Nấu xong, tôi múc cho mình một bát cháo, húp một hơi dù nóng như phải bỏng. Nhưng tôi không có ý định chừa phần Minh. Cậu đáng phải nhịn đói bởi không biết cảm ơn người khác lúc khó khăn.
…
Tôi nhìn nồi cháo còn hơn một nửa.
Đắn đo một lúc, tôi vẫn múc cháo ra một tô lớn, rồi chạy ra ngõ mua ít thuốc sát trùng lẫn giảm đau, cả thuốc cảm nữa. Sự cẩn thận của tôi khi hỏi về phản ứng phụ nếu kết hợp thuốc khiến dược sĩ phải bật cười, và tôi chỉ bỏ về khi có được sự khẳng định chắc chắn.
Vết thương của Minh nhẹ hơn những vết sẹo trên lưng khá nhiều, chỉ là vết thương ngoài da. Có lẽ Minh nói đúng, cậu có thể tự trông nom và chúng tôi không cần phải đến bệnh viện. Nhưng bệnh cảm của cậu khá nặng. Đó là lý do khiến Minh không thể dậy nổi vào sáng nay.
Tôi mang hết lên đặt trước cửa phòng Minh, nhắn tin cho cậu rồi thay đồ đi học. Tôi đã làm hết trách nhiệm với cậu rồi.
Đúng không?
...
Tháng mười hai, mưa bụi giăng kín như chiếc lưới nhện khổng lồ. Những giọt nước chảy dọc trên má như những nhát cắt sắc lạnh. Mưa không lớn, chẳng đủ để khiến tóc hay bờ vai ướt đẫm, chỉ để lại hơi ẩm trong từng thớ vải.
Vuốt lại mái tóc hơi rối của mình, tôi nhìn màn mưa đang càng lúc càng trĩu nặng. Người bạn cùng ca trực với tôi đã về từ sớm, chỉ có tôi vẫn luẩn quẩn đi dọc hành lang. Một cách vô thức. Tôi chẳng biết mình nên làm gì, nên đi đâu, cũng chẳng biết làm sao để vơi đi những suy nghĩ điên cuồng đang thành hình càng lúc càng rõ rệt. Việc liên tục chuyển trường từ bé khiến tôi không có nổi một người bạn thân đúng nghĩa. Tôi chẳng biết phải tâm sự với ai. Thế giới tình cảm của tôi đã từng bị vây giữa bốn bức tường mang tên “gia đình”, cho đến khi Minh xuất hiện và phá hỏng tất cả.
Thành, đội trưởng đội bóng đá đã hẹn Hân đến nhà thăm Minh. Hân sẽ chăm sóc Minh, Thành sẽ pha trò thay phần Minh nếu cậu ấy tỏ ra kiệm lời, và Minh sẽ giữ họ lại để làm bữa tối.
Còn tôi thì sao?
Tôi không muốn gặp cậu, mà có lẽ cậu cũng vậy. Cậu giận tôi vì bí mật cậu đang giấu. Tôi giận cậu vì đã giấu tôi. Chúng tôi đang kéo giãn thời gian đối diện nhau, bằng cách thức trẻ con nhất.
Tôi nhìn đồng hồ. Dù đắn đo nhưng tôi vẫn nhắn tin cho Minh trước, bảo là sang nhà Trinh lấy xe và sẽ ở lại dùng bữa tối. Tin nhắn vừa được gửi đi thì Minh gọi lại cho tôi.
Tôi hơi chần chừ, nhưng vẫn bắt máy. Đầu dây bên kia truyền đến giọng nói hơi nghẹt vì bị cảm của Minh.
“Bao giờ cậu về để tớ đi đón?”
“Không cần đâu. Tớ tự về được mà.”
“Ừm.” Minh ngập ngừng. “Nhi… Tớ xin lỗi. Chuyện lúc sáng…”
“Trinh gọi tớ rồi. Đi đã nhé!”
Tôi vội vàng gập điện thoại, không dám nghe Minh nói tiếp chỉ bởi không biết phải phản ứng thế nào? Vậy nên tôi chọn cách trốn tránh, bằng cách hèn nhát nhất có thể.
Mãi đến sau này, tôi luôn tự hỏi nếu như ngày ấy tôi không chọn cách lẩn tránh và bình tĩnh đối diện, phải chăng tổn thương và lầm lạc ấy sẽ chẳng thể xuất hiện, hoặc nếu có thì chúng cũng chẳng thể cản bước hay khiến chúng tôi phải ngược đường.
Nếu như ngày ấy Đăng không xuất hiện, tôi thắng được sự tò mò khi nhìn thấy cậu trò chuyện hòa nhã với thầy hiệu trưởng. Nếu như Đăng chỉ đơn giản là Đăng, mà chẳng phải là thủ lĩnh đám côn đồ đã khiến Minh bị thương.
Nếu như..
Chẳng có nếu như.
Nếu như chứ “nếu” được xảy ra, cũng như mỗi chữ “nếu” là một giả định được phép thử sai là sửa lại, thì chẳng có chỗ cho hối hận hay ăn năn, cũng chẳng có chỗ cho những tai ương hay tổn thương vì lạc đường.
Khi tôi chuẩn bị rời khỏi trường thì một hình ảnh khác khiến tôi phải dừng bước.
Ở hành lang đối diện, tôi thấy thầy hiệu trưởng đang tiễn chân hai người. Một người trung niên mặc vest khá đạo mạo, và một người nữa chỉ trạc tuổi tôi, xem chừng là hai cha con.
Thầy nở nụ cười rất hiền từ, còn vỗ vai người con và dõi theo cho đến khi người lớn tuổi hơn ngồi vào xe ô tô.
Gượm đã.
Tôi kéo ô che mặt mình theo phản xạ.
Chúa ơi, cậu ta là người hôm qua, thủ lĩnh đám côn đồ đã khiến Minh bị thương.