Yêu thương mong manh - Cập nhật - Minh Ruby

suongthuytinh

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/6/14
Bài viết
423
Gạo
300,0
Chương này gây cho mình nhiều thắc mắc quá! Tiếp đi bạn ơi :)!
 

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Bánh viết hay quá bạn ạ. Những tình tiết, kể cả những chỗ không phải là quá đặc biệt, qua cách viết của bạn nó cũng trở nên rất lôi cuốn. Mình ngóng chương tiếp!

Có một lỗi dấu câu nhỏ mà mình để ý trong câu này:
“Trinh gọi tớ rồi. !”
 

lyta2206

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
22/5/16
Bài viết
138
Gạo
900,0
PART 5:

Tôi đi theo Đăng.

Mà nói đúng hơn, ngày hôm ấy tôi còn chẳng biết tên Đăng, nhưng bước chân vẫn chậm lại rồi ngước nhìn cậu đang vùng vằng bước xuống xe ô tô. Đăng không che ô, cậu lẳng lặng đứng đấy. Dưới tán cây bằng lăng thưa thớt lá, từng giọt nước mưa len lỏi chảy xuống, trượt dài trên gương mặt tái nhợt nhưng bướng bỉnh đến ngoan cố của Đăng.

Đăng rất cao. Chiếc bóng đổ dài trong cảnh hoàng hôn quạnh đỏ năm ấy rất lớn nhưng lại run rẩy như ánh nến chứ không vững chãi như chiếc bóng đổ khổng lồ trùm lên tôi đêm hôm nọ. Đăng siết chặt tay, đôi mắt nhắm nghiền. Vị trí nơi hàng cúc áo đang hé mở, sợi dây chuyền tôi đang tìm kiếm yên ổn dựa vào lồng ngực cậu, hài hòa như thể nó là vật bị đánh rơi mà hôm qua cậu mới tìm được về.

Tôi siết chặt chiếc ô. Vật bị tước đoạt đang nằm ngay trước mắt, nhưng điều tôi có thể làm là nhìn chằm chằm vào người đã lấy nó đi.

Tôi sợ Đăng, bởi vậy nên chần chừ không dám tiến gần hơn. Tôi ghét Đăng, vậy nên hình ảnh ảm đạm của cậu trong cơn mưa hôm ấy khiến tôi hả hê như được trả đũa. Dù là cảm giác gì đi nữa, thì tôi vẫn nhớ ngày ấy trong vô thức tôi đã chú ý đến Đăng, và vận mệnh đã buộc tôi, cậu lẫn Minh vào một chỗ, chật hẹp đến không thể giãy giụa.



Mưa rơi dày đặc như mắc cửi.

Tôi nhìn Đăng rất lâu, lâu đến mức tôi cảm thấy đầu óc như quay cuồng. Ở phía bên kia, Đăng không hề chú ý đến tôi, bởi tôi chỉ là một trong số rất nhiều người đang tò mò nhìn cậu. Đăng đứng im, bất động như một pho tượng. Nước mưa thấm ướt mái tóc vốn được vuốt keo dựng ngược cầu kỳ của cậu, chiếc áo khoác jeans đắt tiền và áo đồng phục còn hằn những đường gấp. Khi tôi bắt đầu liên tưởng đến việc Đăng chọn cách xuất hiện như vậy ở trường để tạo nên ấn tượng cực đoan với bạn học, hoặc để chống đối người đã đưa cậu đến đây thì gương mặt căng thẳng của Đăng khiến tôi sững sờ. Cậu khuỵu xuống. Gò má cậu áp lên nền đất ẩm ướt, lẫn với bụi đất và cả những nhành cỏ khô quắt lại.

Mưa rơi càng lúc càng nặng hạt.

Tôi buông cây ô. Sự biến đổi chóng vánh khiến tôi quên mất điều mình định làm, quên cả sự ghét bỏ và cả sự sợ hãi xen lẫn tò mò khi tình cờ gặp lại cậu. Mưa rơi càng lúc càng xối xả. Trong cơn mưa tầm tã ngày ấy, chỉ có tôi ôm chặt lấy cậu, gào thét trong sự bất lực để tìm một sự giúp đỡ hoặc một bàn tay để có thể dựa vào.



Bảo vệ đưa cả hai chúng tôi vào phòng.

Tôi vừa lau tóc, vừa nhìn gương mặt của Đăng. Gương mặt như một đứa trẻ khiến tôi suýt quên đi những gì Đăng đã làm, bình yên và dịu dàng làm sao.Cậu ngủ không hề an giấc. Nốt ruồi lệ ở khóe mắt thi thoảng lại giật nhẹ, tựa như sắp nứt ra. Đôi môi đang mấp máy những âm tiết không rõ ràng, như một cái tên, cũng như lời thở than khi vết thương trở nặng.

Bác bảo vệ quay trở lại với bông băng và thuốc sát trùng. Bác giúp Đăng thay một bộ đồ khác, rồi nâng người cậu nghiêng sang một bên để tôi thoa thuốc khử trùng.

“Đáng ra nên đưa thằng nhóc đến bệnh viện.” Bác bảo vệ rầm rì, “Con nhà ai đánh mà không nương tay chút nào, không biết xót sao? Còn thằng nhóc này cũng ương ghê, để vậy nhưng nhất định không đi bệnh viện.”

Vết thương trên lưng Đăng đan chéo vào nhau, thể hiện rõ việc cậu vừa lãnh một trận đòn nhừ tử. Đăng dường như đang mê man, hoặc mệt mỏi đến mức không buồn phản ứng khi tôi thoa cồn để khử trùng. Cậu co người lại, tư thế cuộn người như một đứa bé đang nằm trong bụng mẹ, vô hại đến mức đáng thương.

“Cháu có biết nó ở lớp nào không để bác điện hỏi cô chủ nhiệm lớp nó thử?”

“Hình như cậu ấy mới chuyển đến thì phải. Cháu chưa từng gặp cậu ấy trước đây.” Tôi lắc đầu, cố nói vế thứ hai một cách bình thản nhất có thể. Lời nói ấy chính xác là một lời nói dối, nhưng được nói một cách trơn tru đến mức tôi không hề cảm thấy chột dạ.

“Vậy để bác gọi hỏi thử đợt này có ai vừa chuyển đến. Cháu trông thằng bé nhé Nhi.”

Bác bảo vệ để lại một câu rồi ra ngoài. Trong phòng chỉ còn tôi và Đăng. Cậu đang nằm trên giường, còn tôi thì ngồi một bên lật mở một tờ tạp chí đã cũ chỉ để ngăn lại cảm giác đói và buồn ngủ. Bây giờ đã là bảy giờ tối. Sân trường vắng hoe, đèn điện leo lét khiến tôi bắt đầu liên tưởng đủ thứ quái dị. Cố gạt hết ra khỏi đầu và tự dặn lòng bớt xem phim kinh dị, đôi mắt tôi đảo liên hồi rồi bất chợt dừng ở chóp mũi Đăng.

Đăng thở đều hơn, không gấp gáp như lúc mới được đưa vào. Cậu sốt khá cao, dù đã được uống thuốc và hạ nhiệt bằng khăn ướt nhưng mồ hôi toát ra trên cổ khá nhiều.

Tôi cất tờ tạp chí sang một bên, vươn tay chạm vào vầng trán cậu. Nhiệt độ đã giảm đi khá nhiều, khăn đã hơi khô lại. Tôi cầm lấy khăn, tính chạm vào cổ để lau đi mồ hôi giúp cậu nhưng chợt khựng lại khi bắt gặp sợi dây chuyền.

Điều gì khiến tôi đã quên đi sự tồn tại của nó? Điều gì đã khiến tôi bỏ qua tất cả rồi ngồi lại đây trong hoàn cảnh nực cười thế này?

Tôi đứng dậy toan bỏ đi, nhưng ra khỏi cửa lại tức tốc quay trở lại.

Đây chẳng phải là thời điểm tốt nhất để tôi lấy lại vật vốn thuộc về mình sao?

Tôi nhìn Đăng đang ngủ rất say. Lồng ngực phập phồng theo nhịp thở, an ổn và không chút phòng bị nào. Điều đó khiến lòng tôi dội lên một thứ cảm xúc được gọi tên là “áy náy”. Sự “áy náy” cứ lớn dần trong sự cổ vũ của trái tim đang đập cuống quýt, và bàn tay run rẩy càng lúc càng chạm gần.

Tôi nên gọi tên tình huống điên rồ này là gì đây? Rõ ràng dù vẫn tự trấn an rằng mình chỉ lấy lại đồ của mình, nhưng sự sợ hãi đối với Đăng vẫn khiến tôi hành động lén lút như một kẻ trộm. Tôi nuốt nước bọt, ngón tay chọc nhẹ vào gò má hơi hóp vào của Đăng rồi khẽ thở phào khi cậu không hề có phản ứng. Tôi di chuyển ngón tay, khẽ giật nhẹ để xoay sợi dây chuyền.

Tôi quỳ xuống cạnh giường, những ngón tay tỉ mỉ gỡ mối chữ S của sợi dây.

“Cậu đang làm gì vậy?”

Giọng nói trầm khàn vang lên bên tai khiến tôi giật nảy mình rồi cứng lại như một hòn đá. Đăng đã tỉnh, trượt dần về phía giường rồi ngồi thẳng dậy. Đôi mắt màu nâu nhạt của cậu nhìn thẳng vào tôi, trong vắt không chút sóng gợn khiến tôi chợt nghĩ người vừa mơ màng trong ít phút trước đó là một người hoàn toàn khác.

Đăng nhìn tôi, ánh nhìn vừa tò mò vừa pha chút… châm biếm. Dường như cậu đang cợt nhả sự trẻ con của tôi, vừa cảm thấy hài hước và coi thường khi tôi thậm chí còn không thể biện minh, hay đơn giản là thốt thành lời. Hàng lông mày của cậu nhíu lại, đuôi mắt nheo lên kéo theo khóe môi khẽ cong lên một độ cong cực đáng ghét.

“Đây là sợi dây chuyền của tôi. Tôi muốn cậu trả lại nó.”

“Cậu luôn đòi người khác trả đồ bằng cách này à, Hải Nhi?”

Tôi giật mình khi nghe cậu gọi tên mình một cách rõ ràng và rành mạch, nhưng khi mắt dõi theo hướng cậu đang nhìn thì tôi tự hiểu đó đâu phải là chuyện gì đặc biệt, khi trên ngực trái tôi là huy hiệu trường có gắn với bảng tên.

Tôi nhích người ra, tự hiểu chuyện này sẽ chẳng đi đến đâu vì nói lý với một gã côn đồ là chuyện ngu xuẩn nhất trên đời. Nhưng vậy cũng tốt, ít nhất so với việc mất sạch manh mối thì bây giờ tôi (sắp) được biết cậu ta ở đâu, thuộc lớp nào và thời gian ấy cũng đủ để tôi nghĩ ra hàng tá kịch bản khi gặp chủ nhiệm lớp cậu ta và tố cáo tất cả mọi chuyện.

Thuở đó tôi vẫn là một Hải Nhi rất ngây thơ. Trong suy nghĩ rất giản đơn của tôi, trường học sẽ là một cái kìm để kẹp lại những ngông cuồng của Đăng, sẽ bảo vệ tôi khỏi những trò đùa tai quái của cậu mà mãi sau này tôi mới biết, việc Đăng chuyển đến sẽ khiến số mệnh tôi rẽ sang một hướng khác, ngược hoàn toàn với con đường đáng ra tôi sẽ đi.



Tôi trừng mắt nhìn Đăng, chỉ đổi lại một nụ cười bâng quơ của cậu. Nhưng cậu không cho phép tôi đứng dậy. Bàn tay nắm lấy cánh tay tôi như gọng kìm mà tôi dám chắc chỉ cần kéo nhẹ, tôi sẽ ngã nhào vào ngực cậu ấy.

Mặt tôi nóng bừng lên, cố rút tay ra nhưng Đăng nắm càng chặt hơn. Khi tôi thả lỏng thì cậu cũng nới tay. Khi tôi bất ngờ rút tay thì cậu cũng nhanh tay chụp lại. Giằng co qua lại như một trò đùa vô vị. Tôi cảm thấy rất bất lực. Muốn đẩy cậu va vào giường để cậu nhớ lại cái đau ở lưng thì không thể vì sức lực của tôi so với cậu chẳng đáng gì. Muốn hét lên cầu cứu thì hiện tại chẳng có ai. Cảm giác bị đùa bỡn trong bàn tay khiến tôi muốn bật khóc, nhưng vẫn ngoan cố ngăn lại rồi bất thình lình trút hết xuống vào vết cắn trên cánh tay Đăng.

Đăng hình như rất bất ngờ, chỉ kịp rít qua kẽ răng rồi vội vã đẩy tôi ra. Tôi vẫn không buông, thậm chí còn cắn mạnh hơn, trong khoang miệng còn thoang thoảng mùi tanh của máu.

“Buông ra! Cô cầm tinh con cún đấy à?”

Đăng thét lên, dùng cả hai tay đẩy ngã tôi. Tôi bị đẩy đến mức ngã nhào. Trời đất quay cuồng. Khi tôi tưởng rằng đầu mình sắp va vào thành giường đến nơi thì được một vòng tay đỡ lấy, vững chãi và nhẹ nhàng.

“Đã nói yên mà không nghe. Đáng đời.”

Tôi len lén mở mắt. Đối diện là đôi mắt ngời sáng của Đăng, dù ranh mãnh nhưng vẫn đầy sự quan tâm. Tôi cuộn người luồn qua cánh tay đang chống qua vai mình của Đăng, ngồi thẳng dậy nghiêm túc nhìn cậu:

“Vết thương của cậu… không sao chứ?’

“Nhờ phúc của cô.”

Đăng nhăn nhó, đáp lại một cách hời hợt rồi nằm xuống.

Không khí trong phòng dần lắng lại, tựa như vỗ về những cảm xúc không yên phận đang lớn dần trong lòng tôi và Đăng.



Bác bảo vệ quay về đúng lúc tôi đang lúng túng vì không biết phải xử sự như thế nào. Đăng thì không biết đang ngủ thật hay giả vờ ngủ. Lúc này tôi thấy hơi ghen tị với Đăng. Hết ăn lại ngủ hết ngủ lại ăn. Dù bị ốm nhưng sức lực cậu đang phục hồi rất nhiều, còn đủ sức sai tôi đi mua hai tô cháo ở tiệm ăn khuya đầu đường.

Tôi ăn no thì buồn ngủ, nhưng lại không ngủ được, chỉ biết dỏng tai chờ động tĩnh ở cửa và tự hỏi khi nào bác bảo vệ mới về.

“Ngại quá, nhà bác có chút việc. Thằng bé ngủ rồi hả?”

“Vâng ạ.”

“Nó tên Đăng, chẳng hiểu sao đang ở Hà Nội lại mò về huyện đảo này làm gì. Ngày mai nó đi nhận lớp mà trông tình hình này…”

“Cậu ấy học lớp nào vậy ạ?”

“11A5.” Bác dừng lại ở bảng tên tôi. “Ngay cạnh lớp cháu nhỉ.”

Tôi mỉm cười không đáp, tự cảm thấy thật may mắn. Mở điện thoại xem giờ thì thấy máy báo hết pin, lòng chợt lạnh đi vì lời nói dối tưởng như vô hại lúc sáng đã thực sự linh ứng vào người.

Tôi xốc lại balo, chào hỏi bác bảo vệ rồi rời đi. Chuyện của Đăng khiến tôi cảm thấy bất an, vậy nên ngừng quan tâm có lẽ sẽ giúp lòng tôi phẳng lặng lại.

Bác bảo vệ đã liên lạc với cô chủ nhiệm của cậu, chỉ chốc nữa người nhà cậu sẽ đến đây. Những điều tôi cần làm đã làm hết, điều không cần làm cũng đã làm. Tôi chỉ mong vào một ngày đẹp trời nào đấy, Đăng sẽ nhớ ra cô bạn ở lớp bên cạnh, người bị cậu ta cướp sợi dây chuyền, người đã giúp đỡ cậu ta mà tự giác mang trả đồ cho tôi. Còn bây giờ, tất cả hình như đều vô nghĩa.



Đêm rất lạnh, cũng rất sâu, hun hút như một đường hầm nối thẳng về phía chân trời. Ánh đèn trải xuống hai bên đường nhạt nhòa, gãy nét những nhát đứt đoạn trên những mái che và tấm lợp bao quanh công trường đang thi công dang dở. Tôi kéo khóaáo, úp mặt vào chiếc khăn len to sụ quàng quanh cổ. Chặng đường về nhà tưởng như rất ngắn giờ dài đến bất tận, có thể vì cô độc, cũng có thể vì tôi đang cố kéo dài nó bằng những bước chân chậm dần.

Minh đứng đối diện tôi, qua một ngã tư đường. Ánh đèn xanh đã bật lên nhưng cậu vẫn lặng yên ở đó.

Đèn xanh, đèn vàng rồi đèn đỏ. Những chiếc xe cứ lướt qua chúng tôi, rồi dừng lại rồi lướt đi, để lại những vết sáng trắng nhợt nối liền khoảng cách giữa hai ngã rẽ đối lập. Tựa như một cuộn phim bị tua vội, mà chúng tôi đều đứng ngoài khoảng không gian đang biến chuyển đến chóng mặt. Trong không gian biệt lập ấy, ánh nhìn của Minh rất buồn nhưng điều đó không thể khiến cậu chịu bước về phía tôi hay ngược lại, tôi cũng không thể vì nó mà giũ bỏ sự cố chấp của mình.

Minh đi về phía tôi, khi chỉ ánh đèn vàng là còn nhấp nháy. Mái tóc rối bời, bờ môi khô lạnh và gương mặt hoảng hốt. Cậu nhìn tôi, vẫn bằng đôi mắt sâu không thấy đáy của mình.

“Đi thôi, tớ chở cậu về nhà.”

Minh xoay xe lại, rồi quay đầu nhìn tôi, ánh mắt chờ đợi.

Tôi leo lên xe nhưng không nói lời nào.

Minh gò lưng đèo tôi qua con dốc ven bờ đê sát biển. Gió đêm thổi rất mạnh. Cơn gió khiến tôi co lại vì lạnh rồi vô thức áp gần hơn về phía cậu để tìm kiếm hơi ấm. Minh chỉ mặc một chiếc áo gió, trời rất tối nhưng tôi vẫn thấy được tầng mồ hôi mỏng rịn trên cổ áo cậu.

Tôi biết Minh đã tìm tôi rất lâu nhưng không hỏi lời nào.

Minh biết tôi không ở nhà Trinh nhưng không cố gắng truy hỏi xem tôi đã ở đâu.

Cả tôi hay Minh đều ôm giữ những bí mật của riêng mình. Tôi không biết nên gọi đây là sự tôn trọng tối thiểu mà mỗi người có thể dành cho nhau hay là sự công bằng để tôi lẫn Minh đều phải tự bảo vệ đoạn tình cảm vẹn nguyên và trong sáng nhất.

Vậy nên tôi sẽ đợi.

Áp mặt vào lưng Minh, tôi thấy cơ thể cậu run lên rồi thoáng thả lỏng. Những tiếng gõ dồn cứ ập vào tai bị át đi bởi bánh xe đang lăn lộc cộc, nhưng tôi vẫn hoang tưởng đấy là trái tim bình ổn đập trong lồng ngực Minh. Cậu vẫn lo lắng cho tôi, vẫn cuống quýt khi không tìm thấy tôi và tôi vẫn là người duy nhất xuất hiện trong thế giới nội tâm của cậu. Khoảnh khắc Minh xuất hiện ở ngã rẽ đối diện, tôi biết tôi mới là kẻ chịu thua.

Vậy nên tôi sẽ đợi.

Đợi đến khi cậu chấp nhận kể cho tôi về quá khứ. Đợi đến khi tôi có thể luôn chấp nhận quá khứ ấy dù nó có tồi tệ hay hoang đường cỡ nào.



Khi chúng tôi về nhà đã là chín giờ tối.

Minh dắt xe dọc theo con ngõ, còn tôi thì đi bên cạnh cậu, nhưng chậm hơn mấy nhịp. Chúng tôi không nói với nhau lời nào nhưng bước chân lại đồng điệu tựa như đã hẹn trước, để khi ngẩng đầu tôi đều có thể nhìn thấy bờ vai vững chãi của cậu từ một khoảng cách không quá xa, cũng không quá gần, một khoảng cách để tôi có thể dằn lại những cảm xúc không đúng mực mà tiến đến ôm cậu từ phía sau.

Minh dựng xe vào tường rồi lấy chìa khóa mở cổng, trong khi tôi lơ đễnh đá mấy hòn sỏi dưới chân. Tiếng chó sủa khi nghe bước chân người lạ chợt im bẵng bởi tiếng quát nạt từ nhà kế bên, không gian lại chìm vào sự vắng lặng đến ngột ngạt. Ngọn đèn duy nhất của cả con ngõ đã bị hỏng, chỉ còn ánh sáng nhạt hắt ra từ những ô cửa trái ngược nhịp sống về đêm không quá phổ biến ở huyện đảo này. Minh vẫn loay hoay với chùm chìa khóa. Sự vất vả đến ngờ nghệch ấy khiến tôi nhận ra Minh vẫn là cậu bé tôi biết, và nếu quá khứ của cậu phản bội lại điều đó thì tôi chọn cách phong kín nó từ tận đáy lòng.

“Để tớ mở cho.”

Tôi kéo tay Minh rồi nhặt chùm chìa khóa cậu vì giật mình mà đánh rơi xuống đất, chậm rãi mở cửa. Minh sờ tai một cách đầy ái ngại, rồi cũng dắt xe vào nhà. Tôi cong khóe môi. Đã lâu rồi tôi không thấy Minh ngượng ngùng như vậy. Đã lâu rồi tôi không còn thoải mái để nói câu bông đùa. Khoảng cách giữa tôi và cậu vẫn vậy, không gần lại cũng không vì điều gì mà bị kéo giãn ra.

Tiếng gọi “Nhi” từ phía sau khiến tôi không đi theo Minh.

Tôi quay đầu lại. Giữa cảnh trời nhá nhem tối, hình dáng thân thương dần hiện rõ.

Tôi của năm mười sáu tuổi, trừ bỏ mối quan hệ không quá khăng khít với bố thì vẫn là một đứa bé được mẹ chăm lo và săn sóc hết lòng. Vì tính chất của công việc nên bố thường phải chuyển công tác, cùng với đó từ hồi còn nhỏ xíu đến khi chập chững trưởng thành, tôi không đủ thời gian để kết thân với bất kỳ ai, có thể nói mẹ đã từng là người bạn duy nhất mà tôi có.

Trước đây, ngoại trừ việc thường xuyên xa nhà thì bố là một người đàn ông trách nhiệm. Cũng bởi mẹ đã chịu hy sinh sự nghiệp của mình để rút về làm nội trợ, nên ông không để mẹ phải lo lắng quá nhiều điều như những người phụ nữ khác. Ngoại trừ chăm sóc tôi, bà có nhiều thời gian rảnh rỗi để nghe nhạc, xem phim, đọc sách và viết lách. Việc đột nhiên phải tiếp quản cửa hàng, những mối làm ăn xa hay những khoản nợ chưa kịp thanh toán đã khiến mẹ tôi từng nghĩ đến việc sang tên tất cả tài sản. Nhưng có lẽ vì tôi, có lẽ vì không nỡ hay đơn giản vì một khoản tiền không sinh lời đâu thể đảm bảo cho cuộc sống nên bà mới tìm mọi cách để trụ lại.

Ký ức của tôi về việc bố vắng nhà rất rành mạch bởi nó là một thói quen, ngược lại tôi chưa bao giờ phải xa mẹ quá lâu. Không phải là một hai ngày mà gần một tuần, rồi cả chuyện Hà Nội đột nhiên nổi bão khiến chuyến tàu bị hủy khiến lần trở về này của mẹ vượt quá sự tưởng tượng, cũng khiến những mong ngóng, lo lắng trong tôi đồng loạt nổi tung.

Tôi chạy nhanh về phía mẹ, định đón lấy vali nhưng bị gạt đi. Bàn tay khựng giữa không trung, tôi ngẩng đầu lên, sửng sốt nhìn bà.

Búi tóc rối, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ đang đăm đăm nhìn tôi khiến tôi không khỏi chột dạ. Bà lặp lại câu hỏi mà vì thoáng sững sờ, tôi đã vô thức bỏ quên nó:

“Hôm qua con đi đâu ?”

“...”

“Không nói phải không? Hay không nói được?” Mẹ gắt lên. Đôi mắt nhuốm mệt của bà nhìn tôi không chớp, long lanh như đã tường tận hết thảy. Không để tôi có cơ hội giải thích, không để tôi có thể diễn tả thành lời. Tất cả những gì tôi nghĩ đến đều tắc nghẽn nơi cổ họng, làm thành một dáng vẻ chống đối và ngông cuồng. Con quỷ nuôi dưỡng trong tâm hồn, có lẽ đã sổ lồng từ lúc ấy.

Mẹ đánh tôi.

Mười sáu năm qua, đó là lần đầu tiên tôi bị đánh.

Minh đến ngăn mẹ lại nhưng mẹ đẩy cậu ra rồi đi thẳng vào nhà. Tôi ôm gò má nóng ran của mình, nhưỡng tưởng nước mắt sẽ nung nó đến phát đau nhưng sờ lên vẫn thấy ráo hoảnh.Tôi ngẩng đầu lên nhìn bầu trời, không một vệt gợn, không một chút mây, phẳng lặng nhưng không có nổi chút điểm sáng.

Minh đến cạnh tôi, ngập ngừng muốn nói lại thôi. Tôi mím môi, cố nặn một nụ cười vớt vát chút tự tôn cuối cùng rồi lẳng lặng vào nhà, sống lưng vẫn thẳng và bước đi vẫn vững vàng.

Tôi cần chứng minh rằng mình ổn, rất ổn là đằng khác.

Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên tôi bị đánh, cũng là lần đầu tiên tôi vấp ngã ở bậu cửa. Đầu gối rớm máu nhưng tôi không thấy đau, cũng không hề nhận ra bởi thứ bận tâm đang nằm ở chỗ khác. Cánh cửa chính đang mở, đèn đóm sáng trưng. Đồ đạc mẹ mang về để ngổn ngang trên sàn nhà nhưng bà không có ở đó. Mẹ không biết tôi bị ngã, không nâng tôi dậy rồi xuýt xoa như mọi khi và tôi thì cứ ngóng mãi cánh cửa đã khép lại của mẹ.

“Đứng lên đi Nhi.”

Minh không chìa tay về phía tôi mà nâng cả người tôi dậy. Đầu gối hơi đau, tê rần khiến tôi suýt ngã nhào. Minh đón lấy tôi rồi ôm vào lòng nhưng không quá lâu. Vuốt những lọn tóc tán loạn trên mặt tôi sang hai bên thái dương, Minh vỗ đầu tôi rồi kéo vào nhà.

Mùa đông năm ấy, trong trái tim tôi tình cảm dành cho Minh đã lớn hơn một chút, đối lấy hình bóng mẹ chật chội hơn vài phần.


____

7 tháng rồi mới gặp lại mọi người. 7 tháng rồi mới viết lại hy vọng được tặng bông chứ không phải gạch đá T_T
Vì thời gian khá dài nên mình không biết chương này có khớp không, nhưng mình đã cố hết sức để nó ít lạc quẻ và ít...dở nhất có thể. Mong nhận được góp ý của mọi người.
Nếu suôn sẻ hẹn mọi người vào đêm mai hoặc ngày kia, hứa sẽ lên Part 6 đúng hẹn. Dù sao mình cũng đặt mục tiêu hoàn thành truyện này trong năm mà <3
 
Chỉnh sửa lần cuối:

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Hoá ra là chị theo dõi truyện này từ trước rồi. Ủng hộ em hoàn thành truyện. Chị thấy chương này vẫn ổn, hoà hợp với các chương cũ. Chị thích cái đoạn giật giật tay nhau của hai bạn trẻ. Chị tiết nhỏ thôi màn cảm tưởng thể hiện nhiều.

Một số chỗ thiếu khoảng trống này em:
Đăng đã làm, bình yên và dịu dàng làm sao.Cậu ngủ không
Đăng thởđều hơn, không gấp gáp như lúc mới được đưa vào.
Minh đều phải tự bảo vệđoạn tình cảm vẹn nguyên và trong sáng nhất.
 

lyta2206

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
22/5/16
Bài viết
138
Gạo
900,0
Hoá ra là chị theo dõi truyện này từ trước rồi. Ủng hộ em hoàn thành truyện. Chị thấy chương này vẫn ổn, hoà hợp với các chương cũ. Chị thích cái đoạn giật giật tay nhau của hai bạn trẻ. Chị tiết nhỏ thôi màn cảm tưởng thể hiện nhiều.

Một số chỗ thiếu khoảng trống này em:
Em đã sửa mấy chỗ đó rồi chị, cảm ơn chị nhiều nhé.
Thực ra em thấy dốt nhất khoản tạo chemistry giữa nhân vật nên nhiều nhận xét nói nhân vật em viết có vẻ lười. Thêm việc em cũng không giỏi việc viết thoại nên diễn biến trong truyện khá chậm, chắc chị phải kiên nhẫn lắm mới theo được truyện này :))
 

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Em đã sửa mấy chỗ đó rồi chị, cảm ơn chị nhiều nhé.
Thực ra em thấy dốt nhất khoản tạo chemistry giữa nhân vật nên nhiều nhận xét nói nhân vật em viết có vẻ lười. Thêm việc em cũng không giỏi việc viết thoại nên diễn biến trong truyện khá chậm, chắc chị phải kiên nhẫn lắm mới theo được truyện này :))
Chị thấy tiết tấu ổn, không nhanh, không chậm.
Em yên tâm, chị kiên nhẫn lắm. :))
 

lyta2206

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
22/5/16
Bài viết
138
Gạo
900,0
Update đoạn cuối Part 5 ở #14 (Phần dưới khung Spoiler)
Cái chương này làm mình viết muốn đổ mồ hôi, trôi plot :)) Mong nhận được góp ý của mọi người :x
 

An Di.

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/10/16
Bài viết
139
Gạo
0,0
Mặc dù lần cuối đọc truyện cách đây khá lâu, bây giờ thêm phần mới nhưng em vẫn có thể nhớ được diễn biến các phần trước. Có lẽ vì phong cách của chị gây ấn tượng. :)
Cho nên bây giờ đọc lại vẫn thấy bồi hồi như xưa, không có chút lạc quẻ tí nào đâu ạ. Khớp nhịp là đằng khác. :x
Đặc biệt em thích nhất cách tả cảnh, miêu tả nội tâm của chị. Đọc lên rất nhẹ nhàng, êm đềm, có chút man mác buồn.
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Cách chị miêu tả như vậy thấy được rõ tâm trạng nhân vật chính, độc giả như em ở ngoài cũng thấy buồn theo!
Em cũng rất thích đọc những câu chuyện viết về tình cảm gia đình và cuộc sống thường nhật. Mong chị sớm ra phần mới, chứ cổ em bây giờ cũng gần bằng hươu rồi! :tho10:

Đăng thét lên, dùng cả hai tay đẩy ngã tôi. Tôi bị đẩy đến mức ngã nhào. Trời đất quay cuồng. Khi tôi tưởng rằng đầu mình sắp va vào thành giường đến nơi thì được một vòng tay đỡ lấy, vững chãi và nhẹ nhàng.

“Đã nói yên mà không nghe. Đáng đời.”
Không biết tương lai ra sao nhưng tạm thời em thấy thích anh côn đồ này rồi. :D
 

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Đoạn cuối em thêm vào chị thấy miêu tả cảm xúc nhân vật rất chân thật đấy. Thấy thương cho cả mẹ cả Nhi.

Một số lỗi này em:
Mùa đông năm ấy, trong trái tim tôi tình cảm dành cho Minh đã lớn hơn một chút, đối lấy hình bóng mẹ chật hẹp hơn vài phần.
Đổi.
nhưỡng tưởng nước mắt sẽ nung nó đến phát đau nhưng sờ lên vẫn thấy ráo hoảnh.Tôi ngẩng đầu lên nhìn bầu
Hình như là "những tưởng" phải không?
 

lyta2206

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
22/5/16
Bài viết
138
Gạo
900,0
Mặc dù lần cuối đọc truyện cách đây khá lâu, bây giờ thêm phần mới nhưng em vẫn có thể nhớ được diễn biến các phần trước. Có lẽ vì phong cách của chị gây ấn tượng. :)
Cho nên bây giờ đọc lại vẫn thấy bồi hồi như xưa, không có chút lạc quẻ tí nào đâu ạ. Khớp nhịp là đằng khác. :x
Đặc biệt em thích nhất cách tả cảnh, miêu tả nội tâm của chị. Đọc lên rất nhẹ nhàng, êm đềm, có chút man mác buồn.
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Cách chị miêu tả như vậy thấy được rõ tâm trạng nhân vật chính, độc giả như em ở ngoài cũng thấy buồn theo!
Em cũng rất thích đọc những câu chuyện viết về tình cảm gia đình và cuộc sống thường nhật. Mong chị sớm ra phần mới, chứ cổ em bây giờ cũng gần bằng hươu rồi! :tho10:

Thực ra thì chị hay được (bị) nhận xét là không gian truyện đè nén nên em bảo "man mác buồn" thì vui lắm :D Đúng kiểu "một nỗi buồn dịu dàng" mà chị thích. Về cơ bản đến đây plot cũng sáng sủa hơn nhiều nên chị cũng đang chạy đua với ý tưởng trong đầu đây. Còn Đăng thì anh ấy mấy lần được cất nhắc lên vai chính mà thôi, phải trung thành với lựa chọn ban đầu. Làm tình tay 3 chắc nó đá chủ đề gia đình của chị đi cả km mất =))

Đoạn cuối em thêm vào chị thấy miêu tả cảm xúc nhân vật rất chân thật đấy. Thấy thương cho cả mẹ cả Nhi.

Cảm ơn chị đã nhiệt tình ủng hộ. Đoạn này hồi viết em mệt nên cắt ngang, đúng dở hơi thật. Em sửa lại lỗi type rồi chị, cảm ơn chị đã giúp em sửa lỗi :x
 
Bên trên