Căn bếp vắng người và bàn ăn thì lạnh ngắt. Dẫu đã quen với việc mẹ không còn đủ thời gian để chuẩn bị bữa sáng, nhưng sự trống trải vẫn khiến cảm giác hụt hẫng trầm trọng hơn mấy phần. Tôi với tay rót ly nước làm ấm cổ họng, rồi tự nấu cho mình bát mỳ tôm. Ăn sáng xong lại ra đường mua tô cháo để sẵn trong nồi cơm điện, chút nữa Minh tỉnh dậy là có cái để ăn rồi.
Minh vẫn đang ngủ. Việc dáo dác tìm tôi cả chiều qua khiến cậu sốt trở lại. Khi tôi vào phòng gọi cậu, Minh chỉ có thể hé mắt nhìn một cách đầy mệt mỏi rồi lại vùi mình vào chăn.
Minh là một đứa trẻ ngang ngạnh, và khi bị ốm thì tính khí cậu trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Mặc cho tôi ra sức năn nỉ, dụ dỗ hay uy hiếp bằng cách bảo rằng sẽ báo mẹ, thì cậu vẫn ngoan cố nằm lỳ trên giường mà không chịu đến bệnh viện hay đi khám. Tôi bèn nhặt khăn ướt rơi trên sàn, đi vào phòng tắm thấm thêm nước rồi đặt nó trên trán cậu. Lại lục tìm đơn bác sĩ kê cho từ đợt cảm trước, tôi mua thuốc về, cài báo thức gọi Minh dậy, kèm giấy nhắn dặn Minh ăn sáng và uống thuốc đúng giờ mới yên tâm rời đi.
Xuống cầu thang, tôi đi qua phòng mẹ. Cánh cửa vẫn đóng tựa như chưa bao giờ mở ra, im lìm trong ánh sáng hiu hắt. Đồ đạc trên phòng đã được dọn dẹp hết. Đôi dép đi trong nhà của bà nằm lăn lóc trên bậu cửa. Tôi cúi xuống nhặt chúng, đặt ngay ngắn trên bậc thềm, để mũi dép quay vào trong rồi mới dắt xe đạp ra cổng.
*
**
Khi tôi mở cổng thì trời vẫn còn hơi tối. Từng vạt cỏ ướt đẫm, nụ hoa của chậu xương rồng vừa hé đã rũ rượi, dập nát như vừa trải qua cơn mưa bão. Tôi bê mấy chậu cây không chịu nước vào nhà rồi kéo mái hiên che kín khoảng sân. Dù hơi thiếu nắng một chút, nhưng vẫn tốt hơn việc chúng bị úng nước rồi chết cả.
Tôi đạp xe dọc triền đê. Tiếng còi tàu rít dài trong màn sương muối đậm đặc lúc tảng sáng, hay thấp thoáng trong rặng mây đỏ ửng buổi hoàng hôn đều khiến tôi bất giác quay đầu ngoảnh lại và bần thần. Thói quen ấy vẫn còn từ những ngày bố đi biển, và giờ trở thành một nỗi chơi vơi mơ hồ. Tôi nhìn cảnh sóng nước mênh mang, và cả làn khói mịt mờ từ phía xa. Có lẽ là một nhà máy, cạnh ngay ngọn hải đăng tôi vẫn thấy mỗi chập trời tối.
Tôi đã đi qua nhiều nơi, cũng sống ở nhiều chỗ. Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa sinh ra và lớn lên ở đảo, tôi không tò mò quá nhiều về cuộc sống ở đất liền. Trinh thường tỏ ra phấn khích khi nghe tôi kể về những trò chơi ở trung tâm giải trí, những rạp chiếu bóng hiện đại hay những con phố đi bộ đông đúc với rất nhiều món ăn vỉa hè ngon miệng. Trinh thích đất liền và những chuyến đi ngắn ngày khi phụ mẹ lấy hàng chưa bao giờ là đủ. Cô luôn mong ước đỗ đại học và được lên thành phố.
Tôi nghĩ, có một mong ước cũng tốt. Sự tò mò kích thích Trinh muốn thử và được tận mắt khám phá, khác với mong ước từ một lời hứa như tôi.
Trinh thường dẫn tôi vào một hiệu sách gần trường học. Trinh mua nhiều sách, cũng thuê nhiều sách và mơ ước của cô ấy là được trở thành một nhà văn.
Tôi hỏi Trinh:
“Một người viết truyện tình yêu?”
“Ừ. Trên đời này còn gì đẹp đẽ hơn tình yêu nữa đâu.”
“Nhưng không phải vì yêu mà Romeo và Juliet đều phải chết đấy sao?”
“Đó là cái chết về mặt thể xác. Còn tình yêu là bất tử. Chẳng phải đến người khô khan như cậu cũng biết về họ đó sao?”
Tôi gật đầu. Cũng đúng. Ít nhất thì tôi biết về chuyện của họ.
“Sau này cậu muốn làm gì?” Trinh hỏi tôi.
“Tớ muốn thi Y.”
“Chữa bệnh, cứu người? Hợp với cậu lắm.”
“Sao Trinh lại nghĩ vậy?” Tôi ngạc nhiên.
“Cậu tốt bụng mà.” Trinh nhoẻn miệng cười, thanh toán tiền sách rồi kéo tay tôi đi. “Chẳng phải cậu khó lắm mới mua được vé nhưng vẫn nhường cho tớ đấy thôi.”
Tôi từ chối cho ý kiến.
*
**
Vì mải đi lang thang nên tôi vừa vào lớp thì trống trường cũng kịp điểm. Tôi nhìn vị trí trống cạnh mình. Trinh luôn miệng nhắc tôi nhớ cầm cuốn “Đồi gió hú” cho cậu ấy mượn, và tíu tít cảm ơn khi tôi đồng ý cũng như hứa sẽ mang đến vào sáng nay.
Tôi gọi Hân khi cô ấy đang điểm danh lớp:
“Này Hân, Trinh xin nghỉ phải không? Giờ này rồi mà cậu ấy vẫn chưa đến.”
“Không Nhi. Tớ không thấy Trinh nói gì cả.” Hân quả quyết. “Mà Minh thì sao? Hai hôm rồi cậu ấy không đến lớp.”
“À Minh bị cảm ấy mà.” Tôi đáp lại . Bởi vì không giỏi nói dối nên tôi cố tình bỏ qua nàng lớp trưởng đang sà vào ghế cạnh mình một cách đầy thân mật.
“Không phải vậy chứ?” Hân nhìn tôi một cách bí hiểm. “Hôm qua cậu ấy còn chẳng tìm cậu khắp nơi. Hai người giận nhau đấy à?”
“Hôm qua? Minh đi tìm tớ? Không phải cậu với Thành qua chơi với Minh à?”
“Đâu có đâu.” Hân tròn mắt. “Đúng là hôm qua có hẹn như Minh bảo bận việc không ở nhà, chắc do đi tìm cậu đấy.”
Tôi ậm ừ qua loa rồi lôi sách vở ra, vờ như ôn bài. Hân ngồi bên cạnh chống mặt tính nói thêm vài câu nhưng có vẻ như thái độ bất hợp tác của tôi không hề thú vị nên cô ấy cũng quên những gì định nói, chỉ len lén thở dài rồi bỏ đi. Nếu list nhạc tôi nghe không kết thúc đúng lúc, chắc tôi không thể nào nghe được lời nhận xét của cô bạn:
“Nhìn cách Minh đôi xử với cậu thì không giống bạn bè, cũng không giống anh em. Chẳng nhẽ lại là... cha con?”
Tôi bật cười. Có lẽ Hân nói đúng. Minh đang quá say sưa với vở diễn và cho rằng chỉ mỗi cậu cần phải nhập vai. Cậu không biết tôi đã sớm lên sàn cùng cậu và cũng đang tận hưởng sân khấu ấy.
Tôi muốn gửi cho Minh một tin nhắn xem cậu đã khỏe chưa, nhưng lại thôi. Tôi thậm chí còn chẳng biết Minh có thói quen để chuông khi đang ngủ hay không và có thể cậu sẽ không đọc được lời tôi muốn nói.
...
Mười lăm phút đầu giờ nói nhanh thì không nhanh, nói chậm thì không chậm. Tôi nhìn đồng hồ đã chuyển sang số bảy như Trinh vẫn không thấy mặt mũi đâu thì không khỏi lo lắng, bèn mở máy gọi cô nàng trước khi giáo viên vào lớp. Trong đầu bắt đầu bị đe dọa bởi hàng loạt tình huống rủi ro Trinh có thể gặp phải và cảm thấy tức giận bởi ngoại trừ mình, chẳng còn ai thắc mắc lý do. Tôi gọi điện cho Trinh nhưng cô bạn không bắt máy, gửi tin nhắn cũng không thấy phản hồi. Nỗi sợ hãi cứ rõ nét dần cũng những hình ảnh về đoạn phim xem cùng Minh mấy ngày trước về một cô gái bị lừa bán mất. Ở huyện đảo tưởng chừng là yên bình này, có lẽ nào chuyện ấy vẫn xảy ra?
Máy báo kết nối và đổ chuông. Tôi co cụm dưới gầm bàn, lòng không ngừng giục cô bạn mau chóng bắt máy. Quả thực Trinh nhận điện thoại khá nhanh, nhưng ngay lập tức lại cúp máy sau một loạt tiếng ồn tựa như... cười đùa?
Tôi đờ người. Có lẽ nào những gì tôi nghĩ đến lại xảy ra thật? Và bạn tôi đang gặp nguy hiểm ở một nơi nào đó?
Tôi run rẩy.
Ngẩng phắt đầu lên, tôi định chạy đi báo cô chủ nhiệm thì đầu va vào gầm bàn, đau đến dại ra. Sự đau nhói lan tỏa từ đỉnh đầu đến tận mũi chân, nhưng tôi vẫn cố ngồi vững và không bật khóc.
“Nếu cô muốn thử độ cứng của hộp sọ thì nên kiếm bê tông ấy. Bàn bằng gỗ tôi sợ chịu không nổi đâu?”
Chất giọng khàn đặc vang ở bên tai, mới mấy ngày nhưng lại cảm thấy quen thân đến bức bối. Tôi ngẩng đầu nhìn cậu con trai đang chống tay trên mặt bàn, nhìn chằm chằm vào mình từ phía trên. Đăng vốn cao nên từ góc độ này, tôi có thể đọc trôi chảy hai chữ đáng-ghét trên gương mặt cậu.
Tôi nhớ mình đã thở phào khi biết Đăng học khác lớp, nhưng sao cậu ta vẫn ở đây?
Đăng dường như không chú tâm đến những lời bàn tán của đám con gái và tiếng cười ồ phụ họa của lũ con trai. Cậu quăng balo sang chỗ bên cạnh tôi rồi ngồi vào, bất động như một pho tượng sống.
“Không phải cậu ở lớp 11A5 sao?” Tôi huých vai Đăng muốn đẩy cậu ra nhưng Đăng chỉ cần lắc người là tư thế lại thành tôi chủ động nhào vào người cậu, và một tràng vỗ tay lại nổ ra.
“Cậu cũng quan tâm tôi quá chứ, còn biết tôi lớp 11A5. Nhưng đó là chuyện hôm qua. Giờ tôi học lớp 11A1.”
“Đúng thật... đồ...”
Tôi còn chưa kịp nói chữ “điên” thì điện thoại rung bật lên trong tay. Số máy lạ.
Tôi giật mình nghĩ đến chuyện định làm trước khi Đăng xuất hiện, vội vã nghe máy. Ở đầu dây bên kia là âm thanh nhỏ nhẹ mà tôi quen thuộc. Giọng của Trinh.
“Hôm nay tớ không đi học được Nhi, cậu viết giấy xin phép hộ tớ nhé. Còn nữa, cậu biết Đăng đúng không? Điện thoại của tớ và cậu ấy bị nhầm với nhau, nên nếu gặp thì bảo cậu ấy tớ sẽ đổi lại sau!”
Nói rồi Trinh cúp máy. Bỏ lại cho tôi một đống câu hỏi đang để ngỏ và cả chàng trai tuổi mười sáu đang thiêm thiếp ngủ ở ghế bên cạnh.
...
Tôi co rúm người ở một phía bàn, cố giữ tư thế lưng thẳng, mắt nhìn thẳng và tay thì chép lia lịa. Có lẽ buổi học hôm ấy tôi đã viết ra tất cả những gì cô giáo nói, dù là tiếng thở than hay quát nạt khi lớp ồn và có người làm việc riêng. Nhìn vào quyển tập chi chít chữ và những hình ảnh trong lúc đờ đẫn bất giác vẽ ra, tôi đều thấy chúng là những vòng tròn giao thoa vào nhau. Và phải chăng chính tôi cũng không hề phản cảm cách Đăng xuất hiện như vẫn thường tự nhắc nhở mình?
Đăng không làm Minh bị thương. Và bỏ qua việc Đăng từng trêu chọc tôi vào buổi tối ấy, thì Đăng đã nghĩ đến việc trả tôi sợi dây chuyền cũng như thả tôi đi một cách an toàn.
Tôi không biết tôi thực sự tin vào điều đó hay tôi chỉ đang tìm kiếm một lý do để không phải xấu hổ khi đối diện với Minh hay Đăng. Tôi trộm nhìn Đăng. Cậu gác tay lên bậu cửa sổ rồi tựa đầu ngủ. Ánh nắng buổi sáng nhàn nhạt chiếu lên gương mặt. Tôi thậm chí còn có thể nhìn rõ từng cọng lông tơ hay hàng mi dài đậm nét của Đăng, cũng như sống mũi thẳng và bờ môi đang mím như giận hờn một điều gì đó.
Có lẽ Đăng chưa bao giờ ngủ một cách yên giấc.
...
Tôi tranh thủ gửi cho Trinh một tin nhắn nữa đến số điện thoại ban nãy vào giờ ra chơi, thêm một tin nhắn cho Minh về bữa trưa mà cậu ấy muốn. Không có ai trả lời lại.
Tôi cất điện thoại vào balo, mò lấy hộp sữa dưới gầm bàn. Dù rất muốn né ra thật xa nhưng ánh mắt tôi vẫn bất giác chạm vào người Đăng.
Đăng vẫn đang ngủ. Cậu ngủ từ đầu giờ. Tôi thực sự thắc mắc, nếu đã muốn ngủ như vậy sao cậu không ở nhà đi bởi với cá tính của Đăng, cậu sẽ chống lại thứ cậu không thích. Và điều kỳ lạ là không có thầy cô nào phàn nàn về cậu. Họ đều tỏ ra như không thấy, khiến tôi thậm chí còn nghĩ Đăng chọn chỗ cạnh tôi vì nó tiện cho việc ngủ gật. Cho đến khi cô giáo dạy Toán gọi tên Đăng để dò bài rồi lại hấp tấp chuyển sang bài dạy vì sợ không đủ giờ, tôi mới nhận ra điều đó rất bất thường.
Đăng ngủ cả buổi, nhưng đến giờ ra về thì tỉnh dậy rất nhanh. Cậu thu dọn đồ đạc trên bàn nhưng không đi luôn mà cứ tẩn ngẩn mãi ở cửa lớp. Tôi đọc xong tin nhắn của Trinh thì cũng đã khóa xong tất cả cửa sổ, tắt đèn và khóa cửa lớp.
“Cậu là lớp phó lao động đúng không?” Đăng chặn đường hỏi tôi.
“Không. Sao cậu lại hỏi vậy?”
“Thì thấy cậu toàn là người ở lại lớp cuối cùng. Nhưng như vậy cũng tốt, dễ nói chuyện riêng.”
Tôi liếc Đăng rồi đi thẳng. Lòng rạo rực thứ cảm xúc đang siết nhẹ lấy trái tim, ngưa ngứa, buồn buồn.
*
**
Tôi về đến nhà thì thấy bàn ăn đã được dọn sẵn. Minh đang phụ mẹ dọn bát đũa, còn mẹ thì đang lúi húi với nồi cháo trong bếp. Tôi đặt balo xuống chân cầu thang, mon men vào bếp vì quả thực, mùi thơm nức mũi của đồ ăn khiến tay chân bủn rủn, không đủ sức đi đâu nữa. Tôi vòng tay ôm mẹ từ phía sau, hỏi nhỏ:
“Mẹ nấu gì thế?”
Cơ thể mẹ hơi cứng lại sau cử chỉ thân mật mà rất lâu rồi mới có giữa hai mẹ con, nhưng tôi cũng không thấy buồn vì chuyện ấy. Mẹ đẩy tôi ra, lườm tôi một cái rồi nhắc khéo:
“Lên thay quần áo rồi xuống ăn. Con mặc vậy không thấy khó chịu à?”
Tôi nhăn mũi, phụng phịu nhìn mẹ đảo nồi cháo. Minh đang đứng dựa vào tủ lạnh như xem trò vui, khi bắt gặp ánh nhìn của tôi thì vẫy gọi tôi lại.
Minh gắp một miếng thịt trong đĩa chân gà bóp cho tôi, rồi thúc tôi đi thay đồ. Ánh mắt thỏa mãn của Minh khi được khen ngon khiến tôi cũng được vui lây và đó cũng là bữa cơm ngon nhất tôi từng ăn sau cái chết của bố. Có mẹ, có Minh và rất nhiều thứ khác không thể gọi tên bằng lời.
Tôi vốn tưởng cuộc sống sẽ cứ bình yên trôi qua như thế mà không còn thấy nó chán ngắt. Có lẽ Hải Nhi của năm mười sáu tuổi chỉ cần có mẹ, có Minh hay nói đúng hơn là một mái nhà an ổn để tìm về dù may mắn thành công hay vấp váp. Đối với tôi, mẹ và Minh là những người duy nhất khiến tôi yêu thương và yêu thương tôi. Và tôi không hề muốn ai khác chen vào mối quan hệ đó.
...
Nơi tôi sống là một huyện đảo nằm cách đất liền không xa. Công việc của bố khiến gia đình tôi thường xuyên phải di chuyển, nhưng nó không đồng nghĩa với việc tôi sẽ dễ dàng thích ứng với cuộc sống đơn điệu và tẻ nhạt đến bức bối trên đảo. Tôi đã đi nhiều nơi, ở qua nhiều chỗ nhưng có lẽ chưa khi nào tôi thuộc về đảo, hay nói cách khác tôi luôn có một giấc mơ sẽ được quay lại đất liền.
Và việc bố đột nhiên mất đi là một biến số. Tôi không thể nói, không thể nghĩ hay thậm chí phải quên đi nó bởi tôi hiểu mẹ nhất định sẽ không đồng ý để tôi về quê với bà ngoại, hoặc nếu có thì tôi sẽ buộc phải xa Minh. Nhưng nếu tôi rời đi, liệu Minh có định ở lại không hay sẽ lên phố tiếp tục cuộc sống trước đây của cậu? Tôi không có thói quen phán xét bất kỳ ai, nhất là khi Minh thậm chí còn chưa đủ tin tưởng để kể tôi nghe về quá khứ, nhưng… Tôi thực sự mong rằng tôi và Minh có thể cùng vào đại học.
Mẹ nói có một dự án du lịch sắp được triển khai. Có thể là một khu resort, một khu nghỉ dưỡng hay một khách sạn, cũng có thể là một khu sinh thái biển. Mẹ nói nên ở lại vì mảnh đất chúng tôi sống có thể sẽ hái ra tiền.
Tôi biết mẹ hy vọng rất nhiều. Bởi bà cũng canh cánh trong lòng chuyện gia đình sẽ ra sao nếu sang năm tôi và Minh đều vào đại học.
Với tôi là tình yêu, là trách nhiệm.
Với Minh cũng là trách nhiệm. Những cái khác tôi không dám chắc. Mẹ không dễ mềm lòng vì một thứ gì đó, nhưng bà thuộc tuýp người đã hứa là sẽ hoàn thành nó tốt nhất có thể.
…
Mẹ nói rằng tối nay một người bạn làm ăn sẽ đến thăm nhà. Là một người đàn ông.
Tôi gượng gạo cười, cố khống chế những suy đoán tiêu cực về bữa ăn trưa nay và mối quan hệ giữa mẹ và ông ta qua lời kể đầy trân trọng của bà. Không khí bỗng chốc trở nên khó xử. Không nói đến Minh rất kiệm lời, chỉ biết gắp thức ăn vào bát người khác thì chỉ cần tôi im lặng, mẹ sẽ không có cách nào cứu vãn câu chuyện đã chực rơi tõm xuống vực.
Tôi buông đũa xuống bàn ăn. Cảm giác thức ăn trào ngược lên thực quản khiến tôi không thể nuốt thêm bất kỳ thứ gì, đành lấy lý do con đã no rồi lên gác trước. Bình thường khi có mẹ tôi nào dám chưa rửa bát đã đi ngủ trưa, nhưng giác quan thứ sáu giúp tôi hiểu mẹ sẽ không giận dữ. Và quả nhiên chuyện đó thực sự xảy ra.
Tôi rửa mặt súc miệng xong thì nằm trong chăn. Đầu giường để đèn ngủ là rất nhiều khung ảnh nhỏ. Có ảnh ba người là bố mẹ và tôi, cũng có ảnh là tôi, bố cùng Minh hay tôi, mẹ và Minh. Dù khung ảnh nào cũng có mặt nhưng tôi vẫn thấy có cái gì đó không trọn vẹn. Có lẽ vì tôi chưa có một tấm ảnh gia đình nào đủ bốn người, và việc thay thế bằng ba tấm ảnh, ba nhóm người đặt cạnh nhau càng khiến sự tham lam của tôi được phô bày rõ ràng. Tôi vuốt ve gương mặt của bố, thực sự không muốn thay thế ông bởi bất kỳ một ai khác. Thà rằng con số cứ dừng ở ba người nhưng tôi vẫn thấy đủ, còn hơn một ngày nào đó bố rơi vào quên lãng và chỉ được nhắc đến cùng một ai đó.
...
Buổi chiều vẫn chỉ có mình tôi đi học. Tôi bắt đầu đánh hơi được mùi bất thường. Từ bao giờ Minh trở nên yếu đuối và lười biếng như vậy? Trước đây cũng có đợt cậu bị sốt siêu vi nhưng vẫn kiên quyết đi học đầy đủ, cô giáo và tôi phải khuyên mãi Minh mới ở nhà vì sợ lây bệnh sang những bạn khác.
Tôi kéo Minh ngồi xuống giường rồi vén áo cậu lên. Minh dường như quá sốc với hành động mạnh bạo của tôi đờ ra mấy giây mới hoảng hốt kéo áo xuống. Tôi gắt cậu:
“Đau lắm à? Tớ bảo đi viện còn không nghe.”
Hình như Minh cũng biết tôi lo cho rất nhiều nên chỉ mỉm cười:
“Không đau. Nhưng tớ cần phải đi một chuyến hơi xa. Tính đi rồi nói với cậu sau.”
“Cậu sẽ trở lại chứ?”
“Nhất định.”
Tôi yên tâm với đáp án của cậu. Lúc này tôi mới để ý đến balo khá to Minh đặt ở góc phòng. Có lẽ cậu chuẩn bị từ sáng nay.
Tôi tin Minh, nên sẽ không truy hỏi cậu, sẽ không khiến cậu khó xử chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ nhất thời của mình. Tôi gói mấy vỉ thuốc và cả đơn thuốc vào giấy A4, nhét vào balo cho Minh rồi dặn cậu nhớ về sớm, và đừng quên mua quà cho mình. Minh vui vẻ đồng ý, còn đảm bảo những hai lần là muộn nhất đến thứ sáu tuần này, cậu sẽ đi học trở lại.
*
**
Buổi chiều hôm đó cũng không khá khẩm hơn ban sáng là mấy. Đầu óc tôi lại bị quấy nhiễu bởi Minh. Tôi cảm thấy nếu mình không chủ động điều chỉnh được cảm xúc, đừng nói vào đại học Y, có lẽ một trường cao đẳng làng nhàng nào đó tôi cũng chẳng đậu nổi.
Đăng nằm ngủ bên cạnh tôi. Tin nhắn của Trinh hồi trưa khiến tôi băn khoăn rất nhiều, nhưng lại không thể hỏi Đăng. Mối quan hệ giữa tôi và cậu cũng đâu tốt đến mức để hỏi những chuyện đó. Có lẽ hiện tại tôi thấy Đăng rất lạ, lạ nhất trong số những người tôi từng quen nên bất giác bị Đăng thu hút. Còn Đăng cũng chỉ dừng ở mức thấy tôi thú vị thì muốn làm quen. Vậy thôi. Chẳng có gì đảm bảo cho mối quan hệ giữa chúng tôi được bền lâu, hay sẽ sớm chấm dứt bởi những cuộc cãi vã đầy bực bội.
Tan học, tôi chủ động khóa cửa rồi lẻn đi bằng lối cửa sau dù biết Đăng đang đợi mình. Nhưng chưa kịp đắc ý về ý tưởng này thì phát hiện Đăng đang ngồi trên yên xe đạp của mình, nghịch điện thoại.
“Cậu làm gì mà lâu thế?” Đăng hỏi tôi.
“Có gì đâu. Nghe cuộc điện thoại ấy mà.” Tôi nhanh mồm đáp lại. “Cậu đợi tôi có chuyện gì à?”
“Ừ.”
Đăng lấy xe ra khỏi bãi giữ, tự cầm lái rồi quay lại ngoắc tôi:
“Lên xe đi.”
Tôi chần chừ, muốn tiến lên nhưng lại rụt rè đứng im một chỗ. Ngày đó có những chuyện tôi muốn hỏi Đăng. Về Trinh, về Minh, về sợi dây chuyền vốn thuộc về cậu và cả lý do chưa bao giờ cậu giải thích về sự hiểu lầm ấy.
Vẫn biết đây là thời điểm thuận lợi nhất để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên, nhưng tôi lại do dự bởi nỗi bất an nếu Đăng chịu kể, thì tất cả những gì tôi tin tưởng và trân trọng suốt bao lâu nay chỉ là một trò đùa, không hơn không kém.
Nhất là Minh. Ngày hôm qua, khoảnh khắc Minh đeo lại sợi dây chuyền tôi đánh mất lên cổ, tôi thậm chí không thể thốt thành lời. Nó không phải là cảm giác hạnh phúc đến nghẹn ngào, mà là bối rối và sợ hãi bởi Minh, đã làm tốt ngoài sức tưởng tượng.
Có quá nhiều bí mật giữa tôi và Minh nhưng tôi chưa bao giờ thử tìm hiểu.
Vì nếu tìm hiểu, tôi đâu biết nên bắt đầu từ đâu.