Dã Sử Cố niên hoa - Cập nhật - Phương Uyên

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
Bỏ em dưới lòng đất chắc vui lắm chị hén?
Mần cấy chi mà lâu lắc rứa?
Máy tính bị hư mất hết tư liệu và bản nháp, bản tóm tắt các kiểu... nhưng lý do chính vẫn là lười.:tho4::tho4::tho4:
 

Chân Nguyên

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/6/16
Bài viết
212
Gạo
0,0
Bạn đừng hiểu lầm ý tôi là chê truyện của bạn. Thực ra từ trước đến nay đọc truyện nào tôi cũng cảm thấy như thế, chỉ có đúng một truyện là đem lại cho tôi cảm giác đó, có điều truyện đó tác giả bỏ gần chục năm rồi, và lỗi chính tả thì sai tùm lum. (!) Tôi comment vào truyện của bạn bởi vì đang nghĩ đến cái đó thì đọc truyện của bạn nên tiện tay bộc bạch tâm sự thôi.

Bởi vì văn phong của thời nay nó khác thời trước, nên việc đòi hỏi nó có nét cổ xưa giống như văn của cái thời mặc áo yếm là một điều khá vô lí (biết thế nhưng nhiều khi vẫn thèm đọc như vậy.)

Đối với những truyện mà nhân vật chính là người hiện đại vượt thời gian trở về thì văn phong hiện đại là chuyện đương nhiên, vì viết theo cái nhìn của người đó, nên tôi thường mong đợi nét cổ xưa hơn ở những truyện không phải là xuyên không. Biết rằng ý muốn của mình không hợp lí lắm nhưng đôi khi vẫn thèm như vậy. Có khi một thời gian nữa sở thích lại thay đổi. :) Bạn thông cảm.

Cứ viết theo cách của bạn, đừng để cái ý thích thất thường của tôi làm ảnh hưởng. :D
Truyện bạn nói là "Cái nhìn trăm năm" đúng không? Mình cũng rất thích truyện đó, tiếc là đã 6 năm rồi tác giả không cập nhật thêm nữa, mình nghĩ để có được giọng văn như vậy, lại còn sai chính ả tùm lum, mình nghĩ tác giả có tuổi rồi ấy nên góc nhìn cũng như cách nói khớp với thời xưa.
Xin lỗi chị Uyên tự nhiên đang đọc truyện chị lại nhảy sang bình luận truyện khác tại bạn Hà Thái làm em hoài niệm quá! Em mới đọc chương 1 mà cảm thấy bị sa hố rồi TT, làm sao đây? Cơ mà thấy tên Trần Quang Khải, theo trí nhớ em mường tượng thì chuyện tình này có vẻ ngược. :v
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
Truyện bạn nói là "Cái nhìn trăm năm" đúng không? Mình cũng rất thích truyện đó, tiếc là đã 6 năm rồi tác giả không cập nhật thêm nữa, mình nghĩ để có được giọng văn như vậy, lại còn sai chính ả tùm lum, mình nghĩ tác giả có tuổi rồi ấy nên góc nhìn cũng như cách nói khớp với thời xưa.
Xin lỗi chị Uyên tự nhiên đang đọc truyện chị lại nhảy sang bình luận truyện khác tại bạn Hà Thái làm em hoài niệm quá! Em mới đọc chương 1 mà cảm thấy bị sa hố rồi TT, làm sao đây? Cơ mà thấy tên Trần Quang Khải, theo trí nhớ em mường tượng thì chuyện tình này có vẻ ngược. :v
Không sao, mọi người làm mình cũng tò mò với truyện của tác giả kia đấy, có thời gian sẽ đọc thử xem sao. ^^
Em đọc luôn chương 2-3-4-5 đi em nha. Hí hí. Em nói chuyện tình Quang Khải với ai ngược nhỉ?
 

Chân Nguyên

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/6/16
Bài viết
212
Gạo
0,0
Không sao, mọi người làm mình cũng tò mò với truyện của tác giả kia đấy, có thời gian sẽ đọc thử xem sao. ^^
Em đọc luôn chương 2-3-4-5 đi em nha. Hí hí. Em nói chuyện tình Quang Khải với ai ngược nhỉ?
Sử nhà Trần em không rành đâu chị, chỉ nhớ có cái gì trái trái thôi, em nhớ sơ sơ, không biết đúng không. :P Phải đọc tiếp vậy, hy vọng sẽ có cái kết viên mãn cho các nhân vật.
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Truyện bạn nói là "Cái nhìn trăm năm" đúng không? Mình cũng rất thích truyện đó, tiếc là đã 6 năm rồi tác giả không cập nhật thêm nữa, mình nghĩ để có được giọng văn như vậy, lại còn sai chính ả tùm lum, mình nghĩ tác giả có tuổi rồi ấy nên góc nhìn cũng như cách nói khớp với thời xưa.
Xin lỗi chị Uyên tự nhiên đang đọc truyện chị lại nhảy sang bình luận truyện khác tại bạn Hà Thái làm em hoài niệm quá! Em mới đọc chương 1 mà cảm thấy bị sa hố rồi TT, làm sao đây? Cơ mà thấy tên Trần Quang Khải, theo trí nhớ em mường tượng thì chuyện tình này có vẻ ngược. :v
Đúng rồi đấy bạn. "Cái nhìn qua trăm năm".
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
CHƯƠNG 6: BAO GIỜ CHẠCH ĐẺ NGỌN ĐA

Tôi vừa mới trốn đi làm chủ hôn cho Quang Khải, phạt còn chưa chịu xong thì “vương phi” của hắn lại đang đứng trước mặt tôi, trong một lúc tôi cảm thấy mình thật hồ đồ.

- Tên chị là Phong sao, nghe thật hay! – Tiếng nói du dương của công chúa cất lên làm tôi sực tỉnh.

- Nhã Phong. Công chúa nghe đã giống tên con gái hơn chưa? – Tôi cười ngớ ngẩn vì Phụng Dương vừa nheo nheo mắt, đáng yêu khôn tả.

Cây quạt trên tay lão già gõ nhẹ lên trán tôi.

- Đói bụng chưa, sao còn đứng ngẩn ở đây?!

Lão vừa nhắc thì bụng tôi lại biểu tình, tôi liền nhanh nhảu:

- Công chúa ở lại dùng bữa nhé, mấy món bác Dương làm ngon lắm, tuy không thể sánh với ngự trù nhưng lại rất có hương vị đặc trưng vùng Hồng Lộ, nàng nhất định sẽ thích.

Nàng nhoẻn miệng cười, tiếng nói thanh thanh lại vang lên:

- Hôm nay là mồng một, Phụng Dương ăn chay cầu phúc cho quan gia và phụ mẫu. Hy vọng lần sau có thể được thưởng thức tài nghệ của đầu bếp phủ Tiết độ sứ!

Nói rồi, nàng điềm đạm cúi chào lão già, thong thả bước ra về. Tôi nhìn theo, lẩm bẩm trong vô thức:

- Sao lão Tướng quốc vô lương tâm ấy lại có một cô con gái hiền thục thế này?

Lão già đứng sau vò đầu tôi rối tung cả lên rồi bỏ đi. Tôi xoay người đuổi theo lão, léo nhéo châm chọc:

- Tuệ Trung Thiền sư có nghe gì không, người ta không tu hành mà mồng một cũng ăn chay cầu phúc…

- Hôm trước ta nghe báo lại Dưỡng Chân Trang mới nhận thêm người nên thiếu mấy bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa… - Lão phe phẩy quạt, lời nói rất dịu dàng như đang kể chuyện nhà chứ chẳng phải hù dọa trẻ con.

Bước chân tôi liền sững lại, rồi nhanh nhảu hướng về phía nhà bếp:

- Tiên sinh, em đi lấy rượu cho người nhé, hôm nay bác Dương làm chả rươi[1] đấy, người muốn uống rượu làng Vân[2] hay là rượu Kim Long[3]?

Món chả rươi khiến tôi no căng bụng còn lão già chỉ ăn một ít, vừa ăn vừa nhấm rượu. Tôi sợ lão lại bắt tôi chép phạt nên suốt bữa ăn chẳng dám hỏi gì, cuối cùng vẫn không nhịn được:

- Quan gia ra lệnh cho Quang Khải cưới công chúa Phụng Dương thật sao, tiên sinh?!

- Phụng Dương là ái nữ của Tướng quốc, lại là nghĩa nữ của quan gia, đương nhiên muốn chọn cho nàng ấy một nơi xứng đáng. Quang Khải là người thích hợp nhất. – Lão đưa tay lấy bát rượu trước mặt tôi, không cho tôi uống nữa.

- Ý công chúa thế nào? Tiên sinh đã dạy nàng ấy thế nào? – Tôi vội giữ lấy tay lão.

- Trẻ con không được tò mò quá. – Lão đưa tay búng lên trán tôi đau điếng.

Tôi nhăn nhó đưa tay xoa xoa trán. Lão thấy vẻ phụng phịu của tôi liền bảo:

- Phụng Dương có mang đến biếu một ít nem do nàng ấy tự tay gói, đến thư phòng lấy ăn đi. – Lúc nào lão cũng xem tôi là một đứa trẻ con không bao giờ lớn, cứ mang đồ ăn ngon ra để dỗ dành.

Tôi đến thư phòng, bâng quơ dọn dẹp mấy quyển sách trên bàn, nghĩ mãi không thông suốt. Quang Khải là người bạn đầu tiên tôi kết giao, tôi thật lòng mong hắn có được một mối nhân duyên như ý. Tuy tôi chỉ mới gặp Phụng Dương có hai lần nhưng nàng ấy thực sự mang lại cảm giác dễ chịu và tin tưởng cho người đối diện. Thật đáng tiếc, trong lòng Quang Khải đã có Nguyệt Nhi, với tính cách của hắn chắc chắn hắn sẽ ngầm phản đối cuộc hôn nhân này, dù có ngoan ngoãn cưới Phụng Dương về cũng không thể yêu thương thắm thiết, như thế thật tội cho nàng.

Tôi nhìn đĩa nem để trên bàn sách, mân mê một gói vừa chặt vừa khéo trên tay, tùy hứng ngâm nga:

“Hò ơ…
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta…”

Vừa dứt câu hò đã thấy lão già đã đứng ở cửa. Tôi hơi bất ngờ, gương mặt lão dường như chẳng mấy vui, tự dưng trong một lúc không biết phải nói gì nên cứ nhìn nhau như thế.

Rồi lão cười nhẹ hỏi tôi:

- Còn đau không?

Tôi vô thức đưa tay lên sờ trán, lắc lắc đầu. Lão bước đến ngồi xuống bàn đối diện tôi, lấy bừa một quyển sách giở ra đọc. Chúng tôi cứ lặng im một lúc lâu.

- Tiên sinh, sao xưa kia ngài lại lấy chị của em? – Tôi cất tiếng hỏi, đây là điều mà tôi thắc mắc đã nhiều năm.

Lão đưa tay lên trán tôi, xoa xoa chỗ đau khi nãy:

- Sao tự dưng lại hỏi việc này? – Giọng lão rất nhẹ nhàng.

- Quang Khải cưới Nguyệt Nhi vì yêu, phải cưới Phụng Dương vì lệnh vua khó cãi. Còn tiên sinh? Tiên sinh không yêu chị của em, cũng không bị quan gia buộc cưới… - Tôi rất khí thế, đến những chữ cuối cùng vẫn không dám nhìn thẳng vào mắt lão.

Lúc lão đón tôi từ chỗ Thiền sư Tiêu Dao về, tôi đã có thêm một người chị, và một thân phận mới là cháu gái của một vị quan tứ phẩm. Ngày tôi về phủ cũng là ngày chị được gả cho Hưng Ninh Vương – một người tu hành không giới luật – đến nay đã mấy năm rồi. Khi lão còn ở Yên Bang, “vợ chồng” họ chưa từng ở chung phòng, lúc nào cũng tương kính như tân nhưng mỗi tháng chỉ gặp đôi lần. Chị tôi giúp lão quản lý thu chi và gia nhân, còn lại chỉ chuyên tâm đọc sách, vẽ tranh, chăm sóc dạy dỗ tôi. Chị ấy là một người rất dịu dàng nhưng cũng rất nghiêm khắc, gia nhân và người ở Dưỡng Chân Trang đều kính trọng. Tôi đã từng thử dọ hỏi về thân thế cũng như chuyện giữa chị và lão nhưng chẳng bao giờ thu được kết quả gì. Sống trong hoàn cảnh ấy nhiều năm như thế, dần dần tôi gần như đã quên cả việc chị là vợ chính thức của lão, cũng như việc trên danh nghĩa lão là anh rể của tôi.

Lão vẫn nhìn tôi như chờ đợi, tôi nói tiếp:

- Nếu như năm đó tiên sinh chỉ vì muốn tìm một danh nghĩa hợp lý để đón em về phủ, vậy…

“Vậy thân phận của em lại quan trọng đến thế nào?!”. Những chữ cuối cùng bị tôi nuốt lại, vẫn không nỡ nhắc đến chuyện khiến lão đau lòng, dù tôi chẳng rõ việc ấy là gì. Tôi không nói nữa, cúi gằm mặt, tay mân mê một chiếc nem, mãi mới bóc xong lớp lá gói bên ngoài, đưa cho lão. Lão thở nhẹ một tiếng, đón lấy chiếc nem đưa lên miệng:

- Người ta nói công chúa Phụng Dương đảm đang khéo léo hơn người, quả không sai.

Tôi nhìn lão ăn nem rất tập trung, buột miệng hỏi:

- Tiên sinh thích món này không, em sẽ học cách làm?!

Lão hơi ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn tôi rồi lại cười cười:

- Em đừng gây thêm việc cho bác Dương nữa, bác ấy đã lớn tuổi rồi.

Bàn tay ấm áp ấy lại xoa xoa đầu tôi, lão nhìn thẳng vào mắt tôi, chân thành như nhiều năm trước, ngày chúng tôi lần đầu gặp nhau lão đã nhìn tôi như thế, lời lẽ khi ấy vẫn còn nguyên trong tâm trí, khiến tôi đã dẹp hết mọi thắc mắc trong lòng mà đi theo lão:

“An, ta nhất định sẽ bảo vệ em.”


***


“Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè sợ nước
Giai nhân đi trước
Quân tử bước sau
Hương bay ngạt ngào
Thì ra ít tắm
Giai nhân thẹn lắm
Chẳng dám chung đường
Quân tử can trường
Cớ sao ngại tắm…”

Tiếng bọn trẻ đồng thanh đọc bài vè đã xa dần, gương mặt của kẻ ngồi trước mặt tôi vẫn không vơi sát khí. Tôi đang ngồi ở một quán ăn rất gần phủ Tiết độ sứ, tiếp chuyện với Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải – người vừa rạng sáng đã sai gia nhân đến phủ tìm tôi. Cũng may lão già nhà tôi dù gì cũng là anh trai khác cha của hắn, nếu không hẳn là hắn đã phá cửa xông vào phủ để lôi tôi đi chất vấn. Lúc đó lão già vừa đến gọi tôi đi ăn sáng, nhìn thấy người ta dẫn tôi đi lão chỉ lắc đầu cười, mặc cho tôi nhìn lão tha thiết, cố lắp bắp mấy từ:

- Tiên sinh, cứu mạng!

Công chúa Phụng Dương đến phủ Tiết độ sứ hỏi ý kiến lão già đã là chuyện nửa tháng trước. Tôi nghĩ mãi vẫn không biết nên làm thế nào mới tốt, chỉ nghĩ được rằng nếu Phụng Dương chủ động từ hôn, quan gia sẽ chẳng nỡ ép nàng. Do đó, tôi trằn trọc mất mấy đêm cố nghĩ ra cách, kết quả là nghĩ được bài vè nói xấu Quang Khải. Phụng Dương cao quý như thế, lúc nào tôi gặp nàng cũng là mái tóc được chải gọn gàng, áo váy chẳng một nếp nhăn, trên người luôn thoảng hương thơm dìu dịu. Quang Khải là hoàng tử văn võ song toàn, nghe nói lại thạo nhiều ngôn ngữ, tìm mãi chẳng được điểm yếu gì của hắn nên tôi đành nghĩ ra hạ sách này. Tốn thêm một ít tiền mua kẹo bánh, tôi đã dỗ được đám trẻ con lan truyền khắp nơi, từ Hồng Lộ đến Thiên Trường, ai ai cũng biết Chiêu Minh Vương ngại tắm.

Tôi biết Quang Khải chẳng cần suy nghĩ cũng biết ai giở trò, nhưng tin rằng đến khi công chúa hủy hôn, hắn ta sẽ hiểu ra và cảm kích người bằng hữu đã hết lòng vì hắn. Điều tôi không ngờ đến nhất là cô bé Phụng Dương kia, chẳng những không vội vội vàng vàng bỏ chạy mà còn rất ngoan ngoãn chấp nhận việc ban hôn. Tin tức về lễ cưới vừa được truyền ra, tôi chạy đến tìm lão già mếu máo:

- Tiên sinh, lần này em lành ít dữ nhiều rồi.

Lão đã cười mất một ngày, còn viết cả bài vè ra giấy, treo ở thư phòng, mỗi lần nhìn đến lại cười thành tiếng, mặc kệ kẻ sắp bị giết là tôi đây lẽo đẽo theo sau xin cứu mạng. Nhục mạ hoàng tử, dù quan gia không biết ai để xử tội nhưng Quang Khải chắc chắn sẽ không để tôi yên.

- Ai bảo ngươi làm thế?! – Giọng nói của Quang Khải lạnh như băng. – Ngươi có biết nửa tháng nay mọi người nhìn ta với con mắt gì không?!

- Ngươi đừng giận, đừng giận. – Ta vội vội vàng vàng rót trà cho hắn. – Ta chỉ muốn giúp ngươi thoát được hôn sự với công chúa, ta biết ngươi yêu Nguyệt Nhi lắm mà…

Hắn đặt thanh kiếm lên bàn, “cạch” một tiếng nghe lạnh cả người.

- Ta có nhờ ngươi giúp?!

- Lẽ nào ngươi muốn cưới Phụng Dương? – Tôi cố gắng cười cười giả lả.

- Ta không nói việc đó, ta nói cách ngươi làm.

- Chỉ tại Chiêu Minh Vương quá hoàn mỹ, mặt nào cũng ưu tú không có điểm đáng chê nên ta đành phải nghĩ đến việc này. Ngươi xem, ta đâu có bảo ngươi cộc cằn vũ phu, càng không bảo ngươi ong bướm trụy lạc, việc lười tắm chỉ là… chỉ là một khuyết điểm nhỏ xíu thôi mà. – Tôi khoa tay múa chân, cuối cùng chụm tay giơ giơ trước mặt hắn.

- Việc nhỏ? Chiêu Minh Vương ta chiến tích lẫy lừng, tiếng thơm người người ca tụng, lưu danh thiên cố, lỡ như lại được hậu thế nhớ đến vì ngại tắm…?!

- Không đâu không đâu, chẳng có sử gia nào dám chép lại việc ấy đâu. – Tôi xua xua tay, cố làm hắn nguôi giận.

Quang Khải hớp một ngụm trà, cố nén cơn tức giận trong lòng xuống, sắc mặt vẫn rất khó coi.

- Ta biết là ta nghĩ không chu đáo, khiến ngươi mất mặt. Nhưng dù gì… ngươi cũng còn nợ ta mấy lần ơn nghĩa, hay là… xem như ta đổi hết, trả hết cho ngươi có được không?

- Được. – Giọng hắn vẫn lạnh lùng. – Ta đã giúp ngươi tìm được tin tức về cung nhân họ Lý đó, bây giờ không cần nữa. – Nói rồi đứng lên đi, không quên mang theo thanh kiếm báu.

- Này, đợi đã, ta không đổi nữa… - Tôi vội chạy theo níu lấy áo choàng của hắn.

Tức thì, thanh kiếm của Quang Khải hướng về phía tôi, vẫn chưa rút ra khỏi vỏ. Hắn tấn công mấy đòn liên tiếp, tôi chỉ biết tránh né, đợi hắn trút giận xong. Dù thân phận cao quý, dạn dày bản lĩnh, cuối cùng hắn vẫn chỉ là cậu con trai mới lớn, sĩ diện ngút trời nên tức giận khi bị người khác bêu xấu cũng là điều dễ hiểu. Hắn ra chiêu càng lúc càng nhanh, tôi bị vờn đến mệt lả. Đến khi tôi nhìn thấy thanh kiếm hắn hướng về phía mình, không kịp né tránh, chắc mẩm lần này bị thương rồi thì cây sáo ngọc của tôi vụt đến, đỡ lấy đòn tấn công của Quang Khải. Người áo lam trước mắt tôi vẫn là một thư sinh nho nhã, bàn tay thon dài cầm cây sáo ngọc đấu với Quang Khải một hồi lâu, không có ý giành phần thắng mà chỉ để cậu ta trút hết bực dọc trong lòng. Quang Khải lúc đầu rất ngạc nhiên, dừng tay một thoáng rồi tiếp tục đánh. Tôi ngồi xuống thở không ra hơi, mồ hôi nhễ nhại, say mê nhìn hai vị hoàng tử đang đọ sức. Họ quả thực có nhiều nét rất giống nhau, từ hình dáng đến chiêu thức, chẳng trách tôi lại nhanh chóng kết thân với tên Chiêu Minh Vương này đến vậy.

Cuối cùng Quang Khải cũng chịu dừng tay, ngồi xuống ghế, tôi vội vàng mang trà đến mời, hắn ta uống một hơi cạn sạch, mắt vẫn nhìn về phía lão già.

Lão ung dung đứng bên lầu cao, phe phẩy quạt cho ráo mồ hôi rồi đưa cây sáo lên môi thổi, một khúc nhạc đồng quê của bọn trẻ chăn trâu. Tôi lạnh người, sợ Quang Khải lại nhớ đến bài vè kia nhưng hắn không nói gì, tâm trạng như cũng bình ổn hơn, lại tự tay rót một ít trà.

Bản nhạc đã dứt, lão già lại từ tốn đến trước mặt Quang Khải:

- Công chúa từng đến tìm ta, hỏi xem nàng ấy có nên đồng ý hôn sự này không.

Ánh mắt Quang Khải lộ rõ vẻ ngạc nhiên, lão già thong thả nói tiếp:

- Ta bảo nàng rằng phu thê là do duyên phận, nếu thực sự hai vị có duyên, chia cắt thế nào cũng không dứt được, nếu vô duyên, dù gặp nhau sớm sớm chiều chiều cũng không thể thành chồng thành vợ. Phụng Dương đã tin vào duyên phận của mình, trò nghịch ngợm của Nhã Phong chẳng qua là một cách lấy lửa thử vàng thôi, dù ngọn lửa này leo lét hơn cả ánh đèn dầu sắp lụi.

Tôi liếc nhìn lão, gương mặt đáng ghét ấy nở một nụ cười nhàn nhạt. Nếu như không nể tình lão đến kịp lúc cứu tôi khỏi bị thương, tôi nhất định ghi hận câu nói mỉa mai này.

Quang Khải im lặng hồi lâu, lão già lại ung dung ngắm nhìn cây sáo ngọc trên tay, dường như có một vết xước do lúc đánh nhau, lão nhìn tôi, nheo nheo mắt tỏ ý sẽ đền bù. Mãi sau, tên hoàng tử trẻ tuổi đứng lên, trước khi ra về còn nói mấy câu, không có vẻ gì là tức giận:

- Dưỡng Chân Trang đúng là một nơi kỳ lạ, Thiền sư không chay tịnh, đệ tử lại có một kẻ đi gieo tiếng xấu cho người khác.

Hắn quay đi rồi, lão già bật lên tiếng cười khe khẽ, tay vỗ vỗ lên đầu tôi. Tôi vẫn chưa hỏi được tung tích người họ Lý, xem ra khó lòng nhờ hắn được nữa. Lão già thấy tôi thở dài thì tưởng tôi đói bụng, quay sang hỏi chủ quán có món gì ngon, tôi liền níu tay áo lão:

- Chúng ta về nhà đi.

Lão tỏ vẻ ngạc nhiên, ánh mắt lại có phần lo lắng, nhìn tôi khắp lượt:

- Lúc nãy có bị thương ở đâu không?

Tôi lắc lắc đầu, không muốn lão biết tôi có điều giấu diếm:

- Sáng nay bị hắn ta kéo đi sớm quá, em buồn ngủ.

Ánh mắt lão lại thoáng nét cười, lão xoay lưng lại. Tôi ngơ ngẩn một lúc rồi nhớ ra thói quen thuở bé, bước đến bám lấy cổ lão, thấy mình được nâng lên rất cao. Lão bước đi thật chậm, giọng nói khẽ khàng êm như ru:

- Em yên tâm, ta rất chăm tắm rửa, không bốc mùi đâu.

Tôi bật cười, vòng tay ôm cổ lão thật chặt, áp mặt vào vai lão. Tấm lưng thư sinh áo lam ấy thật ra rất rộng, rất vững vàng. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần mình thiếp đi như thế, dù là giữa lửa khói mịt mù, dù là giữa nơi rừng thiêng nước độc, chỉ cần có lão, tôi nhất định sẽ bình yên.

Trong giấc mơ dặt dìu theo nhịp bước chân, tôi nghe văng vẳng tiếng ru của dì lúc còn thơ bé:

“À ơi…
Một duyên, hai nợ, ba tình
Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh…”




[1] Đặc sản vùng Tứ Kỳ - Hải Dương (Hồng Lộ thời Trần): chả rươi được làm bằng thịt rươi trộn với trứng, vỏ quýt và gia vị sau đó rán lên.

[2] Rượu Làng Vân là loại rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, với men rượu bí truyền của làng Vân. Đây là loại rượu nổi tiếng dâng vua thời phong kiến.

[3] Rượu Kim Long nấu tại làng Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
 

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0
Chẳng lẽ sau này có chuyện Quốc Tuấn tắn cho Quang Khải là từ đây mà ra. =))=))=))=))=)):)]:)]
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
Chẳng lẽ sau này có chuyện Quốc Tuấn tắn cho Quang Khải là từ đây mà ra. =))=))=))=))=)):)]:)]
Ha ha, tác giả cố gắng lý giải tại sao sử sách lại lưu truyền một câu chuyện chẳng mấy gì thơm tho như thế. =))
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
CHƯƠNG 7: NGỌC BẤT TRÁC, BẤT THÀNH KHÍ[1]

Tôi được cõng về nhà, ngủ quên trên lưng lão lúc nào chẳng rõ, đến khi mở mắt ra thì đã giữa trưa. Tôi mơ màng dụi mắt bước xuống giường, chợt hốt hoảng vì bóng người ngồi cạnh cửa sổ nên hét lên một tiếng. “Cái bóng” như cũng giật mình, liền bước đến trước mặt tôi:

- Thấy ác mộng sao? – Đập vào mắt tôi là gương mặt quen thuộc của lão.

- Sao người lại ở đây? – Tôi thở hắt ra.

Lão nhướng mày có vẻ ngạc nhiên rồi đưa cây sáo ngọc đang cầm trên tay ra trước mặt. Vết xước gây ra lúc đánh nhau với Quang Khải đã không thấy đâu nữa, thay vào đó là một chữ “Tuệ” vừa được khắc rất rõ nét. Tôi ngẩn ngơ một lúc, có lẽ đầu óc vẫn còn đang bận thưởng thức món gà nướng trong mơ nên không sao hiểu được:

- Tiên sinh đã nói em không được dùng cái tên Tuệ An nữa cơ mà?

- Ai bảo em đây là chữ “Tuệ” của tên em? – Lão nhìn tôi khó hiểu.

- Chứ còn gì…? – Tôi mau mắn. – Chẳng lẽ lại là Tuệ Trung? Nhưng sáo của em mà! – Tôi túm lấy tay áo của kẻ vừa cười khẩy định bỏ ra ngoài mang theo cây sáo của tôi.

- Vẫn cần phải mài lại một chút. – Lão đẩy nhẹ trán tôi rồi bước ra phía mái hiên trước thư phòng.

Tôi xuống bếp lấy đầy một đĩa vải được mua từ Khoái Châu[2] về, mang đến ngồi bệt dưới hiên, vừa ăn vừa quan sát lão. Lão chăm chú mài nhẵn bóng chỗ vừa mới khắc, gương mặt nghiêng nghiêng dưới nắng hè. Vị thư sinh áo lam trước mặt tôi thực sự rất… tuấn tú, rất khôi ngô, mắt sáng, mày thanh, sống mũi thẳng tắp. Lão còn chưa đầy ba mươi tuổi, chỉ vì tính tình hơi lạnh nhạt kỳ quái, và lúc nào cũng như đang chăm con mọn là tôi nên tôi luôn có cảm giác lão đã già rồi.

- Nhìn gì đấy? Bóc cho ta một quả nào. – Lão nói, không ngẩng đầu lên.

- Trước giờ người đâu thích món này. – Tôi nhìn xuống cái đĩa sắp trống không.

- Ừ nhỉ, vậy sau này không cần sai người đi mua ở xa vậy nữa. – Lão vẫn ngắm nghía thành quả của mình, giọng rất thản nhiên.

Tôi bóc liền hai quả đưa đến tận miệng lão, không quên xu nịnh:

- Đúng là tiên sinh món gì cũng sành hơn người khác, vải trồng ở thôn Tam Đa vừa dày vừa ngọt, báo hại em háu ăn không dừng được. Hay là lần sau mua nhiều một chút, em sẽ bóc sẵn cho người cả một đĩa, vừa đọc sách vừa ăn chắc là thích lắm…

Lão phì cười, giơ cây sáo ra phía nắng để xem cho rõ, màu ngọc trắng ánh xanh trong vắt. Sao trên đời này lại có người lúc đánh đàn thì cao quý tao nhã, lúc thổi sáo thì tự tại tiêu dao?! Có ai ngờ bàn tay thon dài, quen cầm bút, ưa phe phẩy quạt ấy đã từng vung kiếm, cũng từng giết hổ.

Năm tôi lên mười tuổi, em trai lão là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau một lần liều mạng cuối cùng cũng được ban hôn với người trong mộng là công chúa Thiên Thành nên rủ lão đi săn để ăn mừng. Tôi tò mò nên đã lẻn theo, còn cẩn thận giấu một con dao nhỏ trong người. Hai người họ cứ đi mãi, đi mãi vào sâu trong rừng, tôi không thể nào theo kịp hai người đàn ông cao lớn nên hụt hơi, đành ngồi nghỉ tạm trong một hốc đá cho lại sức rồi sẽ quay về. Dưới ánh nắng, khu rừng lá đỏ rực lên một màu tráng lệ. Không ngờ trời đổ mưa to, cả khu rừng tối sầm lại, chẳng mấy chốc tôi đã ướt như chuột lột. Đợi mãi mà mưa vẫn không ngớt hạt, tôi tìm cách quay lại con đường cũ, ngờ đâu càng đi càng lạc. Vừa đói, vừa lạnh, mưa lại khiến dốc đá trơn trượt, tôi sảy chân, thấy trời đất quay cuồng, khi hoàn hồn đã nghe tiếng gầm gừ trước mặt.

Đó là lần thứ hai trong đời tôi thấy cái chết đến gần như thế. Ánh mắt sáng quắc của nó khiến tay chân tôi cứng đờ, còn cả răng nanh, móng vuốt… Những thứ ấy cắm vào da thịt chắc là đau lắm. Tôi chẳng nghĩ được gì, thấy cổ họng mình nghẹn lại, không thể kêu la, chỉ run rẩy lùi từng chút một. Con hổ gầm lên một tiếng, vồ tới, tôi liều mạng nhảy sang bên phải, bị nó cào một đường dài trên vai trái, máu chảy thành dòng. Cũng may, có lần tôi nghe anh em lão nói chuyện với nhau, biết được rằng hổ vẫy đuôi bên này thì sẽ nhảy về phía bên kia mới tránh được một lần. Nhưng vết thương trên vai tôi đau điếng, chẳng còn chút sức lực nào. Con hổ say máu lại gầm lên, tôi thét lên, người co rụt, nhắm chặt mắt.

Mãi mà không thấy cơn đau nào ập đến, tôi lại cảm giác như có vòng tay ai đó ôm chặt lấy mình.

- Chị! – Tôi không dám tin vào mắt.

- Phong, đừng sợ, ổn rồi. – Chị đưa tay vuốt mồ hôi trên mặt tôi, dịu dàng trấn an.

- Sao chị lại ở đây…

Tôi ngơ ngác rồi nhìn về hướng phát ra tiếng gầm, chợt thấy nỗi sợ còn lớn hơn lúc nãy:

- Tiên sinh!!!

- Ở yên đó! – Lần đầu tiên tôi thấy lão mất bình tĩnh.

Hóa ra tôi đã vô thức muốn lao đến nhưng bị chị giữ chặt cánh tay.

Lão và Hưng Đạo Vương đang hợp sức giết con thú dữ. Quần thảo hồi lâu, cả ba đều bị thương. Tôi thấy máu loang lổ trên màu áo lam quen thuộc, nghe tim thắt lại, chỉ hận mình đã gây họa liên lụy mọi người. Lão không thể chết, không thể chết! Hai anh em nhìn nhau như ngầm thỏa thuận điều gì, Hưng Đạo Vương vụt chạy đi, con hổ đuổi theo, lão lập tức đạp lên thân cây lấy đà rồi phóng lên lưng nó, một đao cắm thẳng xuyên cổ, tiếng rống vang vọng cả khu rừng.

Lão nhảy xuống khỏi người nó, toàn thân là máu, đứng giữa khu rừng lá đỏ, mái tóc đã ướt sũng vì mưa, nước chảy thành dòng trên gương mặt, đôi môi vẽ lên một nụ cười nhàn nhạt.

Tôi vùng khỏi tay chị, chạy đến sà vào lòng lão, quên cả đau, quên cả mệt, ôm chặt lão không buông, nước mắt cứ thế tuôn ra.

- Cô nhóc liều lĩnh đi theo bọn ta vào rừng, giờ biết sợ rồi đấy. – Tiếng Hưng Đạo Vương đùa cợt, tôi mặc kệ.

Vòng tay lão vẫn ôm chặt lấy tôi, bàn tay vuốt nhẹ lên tóc trấn an. Lão thì thầm rất dịu dàng:

- Ngoan nào, ta ở đây rồi!

- Tiên sinh có đau không? – Tôi vẫn vùi mặt trong lòng lão. – Em sợ lắm.

Có tiếng cười khe khẽ.

- Sợ thì sau này đừng tò mò nữa, biết không?

- Em sợ tiên sinh chết. – Tôi lắc đầu, người vẫn run rẩy từng cơn.

Hưng Đạo Vương ở bên nghe thấy liền bật cười sảng khoái:

- Cô bé đừng lo, anh cả không chết được đâu! Bọn ta đâu phải lần đầu đánh hổ.

Tôi ngước lên nhìn lão, nhìn thật kỹ, chỉ muốn chắc chắn rằng lão vẫn đang ở cạnh.

- Phong, ngoan nào, nhanh về nhà băng bó vết thương. – Chị tôi vẫn ôn tồn, định dìu tôi đứng dậy.

Không ngờ, lão bế bổng tôi lên, nhìn tôi rất nghiêm túc:

- Ta hứa, ta sẽ không chết.

Rồi cứ thế bế tôi về đến tận nhà.

- Sao chị lại ở đây?

- Vương gia biết em sẽ lén đi theo nên bảo chị trông chừng, không ngờ em té xuống đồi mất dấu.

- Tiên sinh theo dõi em sao.

- Nếu không sao ta có thể đến nhanh như thế?!

Mới đó mà đã sáu năm. Vết sẹo trên vai tôi giờ đã nhạt nhưng ký ức thì cứ như mới hôm qua. Nỗi sợ mất đi người quan trọng nhất với mình ấy, tôi không bao giờ quên được.

- Đang nghĩ xem nên đòi ăn món gì có phải không, bổng lộc của ta tháng này bị em tiêu sạch cả rồi. – Lão đã hoàn thành tác phẩm, đưa đến trước mặt tôi.

- Hừ… - Tôi lườm lão, cầm lấy cây sáo ngọc giờ đã có thêm chữ “Tuệ”. – Em đang nhớ lại chuyện lúc nhỏ thôi.

Sau khi vết thương của tôi lành lại, lão bắt tôi học võ. Tuy là không thể đánh thắng được ai nhưng ít nhất phản ứng sẽ lanh lẹ hơn, khi cần chạy cũng nhanh hơn. Đông A phái của họ Trần chủ yếu sử dụng đao pháp, nhưng lão luôn cho rằng tôi không hợp dùng đao, bảo tôi dùng một thanh trúc để tập luyện. Ít lâu sau, một ông chủ hiệu buôn đến Dưỡng Chân Trang để học về Phật pháp, khi ra về có biếu lão một khối ngọc trắng mua từ phương bắc. Lão gọi tôi đến, bảo rằng sẽ làm cho tôi một cây sáo ngọc đẹp chưa từng có, còn khi nào hoàn thành thì phải xem tôi học đao pháp, đánh đàn và thổi sáo mất bao lâu. Lúc đầu tôi rất hăng hái tập luyện, lão cũng làm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà cây sáo đã thành hình. Về sau khi chạm đến những kỹ thuật khó hơn, có hôm tôi nản chí chẳng làm được gì, lão cũng mang cây sáo cất vào trong hộp, sau đó còn dọa mang đi bán.

- Tiên sinh, không phải là em bỏ cuộc giữa chừng, nhưng thật sự ngón đàn này rất khó luyện, tay em bật máu cả rồi, cầm đũa ăn cơm cũng rất đau…

Tôi giơ giơ bàn tay bé xíu với đầu móng tay bị xước nham nhở ra mong lão động lòng, chẳng ngờ lão ngửa lòng bàn tay ra trước mặt tôi. Bàn tay thư sinh ấy có những vết chai, tôi biết, vì lão đã bao lần dắt tay tôi, nhưng hôm ấy lại có thêm nhiều vết thương như bị vật nhọn chém phải.

- Em nghĩ một vị vương tử sinh ra đã biết cách đẽo ngọc để làm sáo cho em?!

Từ lúc đó, tôi không than vãn nữa. Mất thêm một tháng cây sáo đã hoàn thành. Tôi vẫn nhớ lúc tôi thổi bài nhạc đầu tiên, lão đã đánh đàn hợp tấu với tôi, còn mời cả Hưng Đạo Vương và mọi người ở Dưỡng Chân Trang đến dùng cơm.

Ký ức nào cũng như mới hôm qua và ngọt đến mềm lòng. Bất giác tôi kéo tay lão, mở bàn tay ra xem. Lão bật cười, rút tay lại rồi xoa đầu tôi đến khi rối bù lên cả.

Mỗi người đều có một quá khứ không muốn ai chạm đến, còn tôi, quãng đời từ lúc lọt lòng mẹ cho đến năm lên sáu là điều tôi không thể nhắc, cũng không dám nhắc. Quãng đời sau đó của tôi tràn ngập hình bóng lão, có lúc tôi đã quên đi việc mình vốn dĩ họ Lý, cứ ngỡ từ lúc sinh ra tôi đã là người của họ Trần ở Vạn Kiếp rồi. Trớ trêu thay đó chẳng phải sự thật, lòng tôi vẫn đau đáu một câu hỏi về tung tích của dì và sự thật đằng sau đám cháy đã hại chết mẹ tôi. Lão chỉ vô tình đi ngang đó thôi ư? Vậy còn câu “ta xin lỗi” khi ấy, cùng ánh mắt tha thiết đó nghĩa là gì? Lẽ nào chỉ vì không thể cứu được cả tôi và mẹ mà dùng cả cuộc đời để bù đắp cho tôi?

Khi nghĩ lại, có rất nhiều việc đã xảy ra vào cái năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 [3]đó. Mẹ lão qua đời vào một ngày đầu hè, sau đó không lâu thì tôi gặp lão, cũng trong năm ấy, lão bắt đầu tu tại gia và lập Dưỡng Chân Trang, lấy danh nghĩa cầu phúc cho mẹ và mong đất nước thái bình, tập trung tìm hiểu Thiền và Phật giáo. Khi ấy lão cũng chỉ lớn hơn tôi của bây giờ một tuổi, rút cuộc tuổi thơ lão đã xảy ra những chuyện gì, mà khiến một chàng trai mới mười bảy đã giống như trải qua nửa đời người? Nếu thực sự một lòng hướng Phật, sao không chay tịnh tu hành mà vẫn nhận ấn phong hầu, vẫn dẫn quân chinh phạt để máu tươi nhuộm đầy tay?! Nếu như chỉ mượn lớp áo Thiền tông để giảm sự đề phòng của người ở Tức Mặc, sao có thể thấu suốt Phật pháp, ung dung tự tại như đã buông bỏ mọi âu lo của cuộc đời như thế?! Rốt cuộc, tôi vẫn chọn cách hoàn toàn tin cậy, giao phó, một lòng đi theo, và chấp nhận một con người đầy những mâu thuẫn không thể nào hiểu được.

Hai hôm sau, Quang Khải lại cho người đến hẹn tôi, hóa ra hắn vẫn chưa về Tức Mặc. Tôi phân vân mãi, sợ hắn nhớ chuyện tắm gội mà lại đuổi đánh tôi như hôm trước. Lão già thấy tôi loanh quanh chỗ cổng vào, cứ cầm cây sáo lên rồi đặt xuống, thương tình bước đến trấn an:

- Yên tâm đi đi. Lần trước em rêu rao cậu ta lười tắm nên bị trút giận. – Lão lại cười hệt như lần đầu nghe bài đồng dao tôi đặt. – Nhưng chuyện qua rồi, cậu ta dù gì cũng là hoàng tử, sẽ không nhỏ nhặt vậy đâu.

- Em trai của người nên người bênh vực. – Tôi bĩu môi. – Hắn ta vừa ngang tàng vừa nóng nảy…

Nụ cười trên môi lão bỗng dưng sững lại.

- Em xin lỗi, em đã nói sai rồi.

Lão thở nhẹ một tiếng, lấy cây sáo ra khỏi tay tôi.

- Chiêu Minh thật ra là một đứa trẻ rất đáng thương. – Giọng lão bỗng trở nên đầy thông cảm.

- Tên hoàng tử ấy đáng thương sao? Hắn vừa ra đời đã có thân phận cao quý, chính người cũng kể rằng quan gia rất yêu quý hắn, giờ hắn vừa lấy được người trong mộng lại sắp được ban hôn với Phụng Dương xinh đẹp. Chỉ có cô bé Phong lương thiện khả ái mới bi thảm này, từ lúc gặp hắn chả có gì tốt đẹp, vừa ngồi tù, vừa bị đuổi đánh, đến nỗi cây sáo yêu quý cũng bị liên lụy phải mang tên của người khác…

Lúc tôi nói đến mấy chữ cuối cùng, lão nhìn chăm chăm vào chữ “Tuệ” trên cây sáo, hỏi tôi có vẻ rất nghiêm túc:

- Tên có một chữ trùng với pháp danh của ta khiến em cảm thấy thảm hại đến vậy sao?!

Sao tôi lại không nhớ đến việc lão nhặt tôi về nuôi rồi mới tu hành nhỉ?!

Bỗng dưng tôi cảm thấy cuộc đời mình thật ra cũng không bi thảm lắm, tôi nhăn nhở cười, kéo lão vào thư phòng rót một chén trà.

- Tiên sinh kể cho em nghe chuyện Quang Khải đáng thương đi.

Lão khẽ lắc đầu, hớp một ngụm trà rồi phe phẩy quạt:

- Lúc cậu ta mới ra đời, nghe nói bị phát chứng kinh suýt nữa là mất mạng. Quan gia và mẹ ta… và hoàng hậu rất lo lắng, túc trực ngày đêm bên giường bệnh. Lúc sau, quan gia lấy áo của Thượng hoàng và gươm báu truyền quốc để cạnh bên, bảo cậu ta rằng nếu khỏi bệnh sẽ ban cho hai món đó.

- Hắn ta sống đến tận bây giờ? – Tôi kinh ngạc. – Hóa ra từ lúc lọt lòng đã có tham vọng hơn người, nghe được tặng vật báu là tự dưng khỏi bệnh.

Lão lại cười thành tiếng, suýt nữa bị sặc trà.

- Vậy có gì đáng thương đâu? – Tôi đưa khăn tay cho lão.

- Đáng thương ở chỗ khi cậu ta khỏi bệnh rồi, quan gia bảo rằng gươm báu truyền quốc không thể trao bừa bãi, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi[4].

- Gì cơ? Dụ con nít người ta sống lại rồi trở mặt ngay được á? – Tôi đập bàn đứng dậy, máu chính nghĩa trong người bỗng dưng sôi sục. – Ôi… Quang Khải đáng thương, vừa ra đời đã bị chính cha mình thất hứa.

- Cho nên… - Lão cố nhịn cười. – Em lại còn đi đồn khắp mấy châu việc cậu ta ngại tắm, thật sự rất quá đáng.

Tôi thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế, nghệch mặt ra:

- Em đã hiểu…

Đợi lão uống xong trà, chừng cũng đến giờ hẹn Quang Khải ở quán ăn lần trước, tôi cất cây sáo lên kệ sách rồi hăng hái đi ra cửa:

- Em biết lỡ như cậu ta lại đánh em thì phải mang chuyện gì ra để thoát nạn rồi.


[1] Ngạn ngữ:
“Ngọc bất trác, bất thành khí
Nhân bất học, bất tri lý”
Nghĩa: Ngọc không mài thì không thành đồ vật. Người không học thì không biết rõ đạo.
[2] Nay là Hưng Yên.
[3] Năm 1247 (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).
[4] Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
CHƯƠNG 8: TÓC MAI SỢI VẮN SỢI DÀI[1]

Khi tôi đến quán ăn, Quang Khải đã cho bày sẵn một bàn hai hàng rượu đựng trong chén lớn. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, từ đầu bàn bên kia hắn đã hất hàm:

- Uống cạn đi, rồi ta cho ngươi biết chuyện của cung nhân họ Lý.

Cái tên hoàng tử hẹp hòi này, thì ra vẫn còn để bụng!

- Đã cho ngươi đánh một trận rồi vẫn chưa hả dạ sao? – Tôi nhăn nhó.

- Đánh ngươi là vì bài đồng dao chết tiệt đó. Hôm nay là ngươi nhờ vả ta, cũng nên uống vài chén rượu tỏ lòng biết ơn. – Hắn nhếch miệng cười.

- Nhờ vả?! Này! Ai đã giúp ngươi ra khỏi tù chỉ trong một đêm? Ai giúp cô đào hát của ngươi đưa tin? Ai làm chủ hôn cho hai người?...

- Phong, chính ngươi đã nói mang hết những ơn nghĩa đó đổi lấy lời xin lỗi với ta mà?!

Tôi thật muốn đấm vào gương mặt tỏ vẻ ngây thơ kia một cái, tôi có nói như thế nhưng lúc đó hắn đã vung kiếm đánh tôi đâu?! Cố nén cơn giận trong lòng, tôi lẩm bẩm:

- Đúng là vừa sinh ra đã bị vua cha lừa gạt nên trưởng thành cũng lệch lạc theo.

“Cạch” một tiếng, thanh kiếm của hắn lại chống lên bàn. Đôi mắt thường ngày luôn sáng lấp lánh bỗng dưng trở nên lạnh lẽo đến rợn người:

- Tại sao ngươi lại biết chuyện này?

Hình như tôi đã lỡ miệng nói điều không nên nói. Ai bảo… ai bảo lão kể cho tôi ngay lúc ra khỏi nhà làm chi, trên đường đến đây tôi cứ nghĩ về nó mãi.

Mặt vẫn không biến sắc, tôi nhìn hắn:

- Tiên sinh kể với ta từ lúc ta còn bé xíu, cũng không ngờ ta sẽ gặp ngươi, chỉ trách vận của ngươi đen đủi…

Ánh mắt đang nhìn chằm chằm vào tôi vẫn không di chuyển.

- … à không, không ngờ chúng ta có duyên đến vậy, giữa thiên hạ rộng lớn này cũng vẫn gặp được nhau.

Hắn thở dài, lắc nhẹ đầu rồi thong dong ngồi xuống, bưng một chén lên uống. Cảm thấy không tiện ngồi lâu cũng chẳng hy vọng hỏi được tin tức gì, không khéo lại còn làm mối quan hệ giữa Vạn Kiếp và Tức Mặc thảm hại hơn, tôi đành kiếm cớ ra về:

- Dù gì cũng cảm ơn ngươi đã nhọc công, nhưng ta không uống được nhiều rượu. Việc của ta, ta sẽ tự tìm hiểu vậy, ngươi về chuẩn bị lấy vợ đi.

Tôi chào hắn rồi quay người đi nhanh về phía cửa.

- Phong! – Hắn gọi lúc tôi đã bước một chân ra ngoài. – Ngươi cũng biết ta sắp phải lập chính thất rồi, mai ta sẽ về Tức Mặc, uống với ta một hôm đi. – Những từ cuối cùng nghe như thì thầm, lại như khẩn khoản.

Phải chăng những người sinh ra trong hoàng tộc dù sôi nổi hay trầm tĩnh cũng đều có một dáng vẻ cô độc khiến người khác đau lòng đến vậy?!

Nghĩa khí trong lòng bỗng nổi lên, tôi quay lại bàn rượu, đập tay lên mặt bàn một tiếng:

- Được. Hôm nay để anh hầu chú. Nhưng cho công bằng, anh hỏi chú một câu thì mới uống cạn một chén, được không?!

Hắn bật cười, khoác vai tôi kéo tôi cùng ngồi xuống ghế.

- Này này, chú đã tắm chưa mà choàng vai bá cổ, anh vẫn chưa say, không dễ mắc lừa đâu nhé. – Tôi đẩy hắn ra.

Quang Khải đưa tay cốc đầu, tôi nhanh nhẹn tránh được. Hắn cầm lấy một chén đầy, làm động tác mời:

- Ta hỏi trước, tại sao ngươi lại theo Hưng Ninh Vương đến tận đây, ngươi là gì của ông ta?! – Vừa hỏi xong hắn đã uống một hơi cạn sạch, còn không để tôi kịp từ chối.

- Này… - Tôi định vặn lại song thấy cũng chẳng ích gì. – Chẳng phải ngươi đã điều tra cả rồi sao, còn hỏi nữa? Rượu là ngươi trả tiền đấy, cứ uống thỏa thích đi.

Nói rồi, tôi gọi liền mấy món ngon. Hắn uống thì mặc hắn, tôi vẫn cứ phải ăn no bụng nếu không sẽ say chết mất.

- Tiên sinh là anh rể của ta. – Tôi vừa nhâm nhi cái chân gà nướng vừa từ tốn trả lời. – Ngài ấy chăm sóc ta từ bé nên bọn ta còn thân thiết hơn ruột thịt. Tết năm nay ngài ấy không về Yên Bang, ta liền chạy đến đây tìm, giữa đường thì bị ném vào ngục với ngươi.

- Ngươi thân thiết với anh rể của mình như thế, chị ngươi sẽ nghĩ gì?! – Hắn tò mò thực sự.

Tôi đưa một chén rượu đầy cho hắn, đợi hắn uống cạn mới từ tốn nói:

- Chị của ta chẳng nghĩ gì đâu… - “Vì bọn họ vốn đâu có phải vợ chồng”, những lời này may mà tôi kịp giữ lại. – Ngươi biết không, đối với ta, lão già là một người rất đặc biệt, rất quan trọng, nhưng không phải như ngươi đang tưởng tượng đâu!

- Sao lại gọi ông ấy là lão già?! – Quang Khải ơi là Quang Khải, cứ hỏi liên tục thế này thì ngươi sẽ gục trước cả ta thôi.

Tôi lại đẩy một chén về phía hắn.

- Ngươi không cảm thấy lão ấy rất giống như một ông cụ đã ngũ tuần sao?! Từ suy nghĩ đến hành động, đều như đã sống qua mấy cuộc đời. – Tôi không rõ câu này là chê trách hay ca ngợi.

- Ờ… đúng. – Hắn như ngộ ra điều gì. - Ở Tức Mặc ai cũng bảo Hưng Ninh Vương rất khác người, chắc là do tu hành, đã hiểu rõ đạo lý. Nhưng ta thấy kiếm pháp của ông ta linh hoạt như thế, không giống lời ngươi nói, không thể cho là già được.

- Này, đó là ta gọi đùa thôi. Hoàng tử ở Tức Mặc có phải người nào cũng đáng chán giống ngươi không?! – Tôi hỏi xong chợt thấy hối hận vì chén rượu Quang Khải nhanh tay đưa tới.

Tôi đành uống cạn, nhìn hắn thong thả trả lời:

- Ta là người thú vị nhất trong số đó.

Thật đúng là anh em, rất biết cách làm người tức chết. Tôi với tay lấy một chén nữa, uống cạn:

- Ngươi… ghét lão già của ta không?! – Tôi bỗng dưng rất muốn hỏi câu này.

- Sao lại ghét?!

- Vậy có thương không?!

- Có thay đổi được gì đâu?!

- …

Tôi không nhớ hôm ấy mình về nhà bằng cách nào vì khi tỉnh dậy đã là mấy ngày sau. Từ nhỏ tôi đã không uống được nhiều rượu, nếu không sẽ cảm thấy khó thở, đau đầu, toàn thân còn bị rộp da. Trong phủ lúc nào cũng có sẵn thuốc do lão già tự điều chế để dự phòng, nhưng mỗi khi tôi uống được một chén thì đều bị lão ngăn lại nên chẳng mấy khi cần đến. Lần này vì một câu nói của tên bằng hữu đó, tôi ốm một trận thừa sống thiếu chết. Nghe bác Dương kể lại, tuy lão không lớn tiếng nhưng dường như cũng đã răn đe Quang Khải mấy câu.

Nằm trên giường bệnh, tôi mơ hồ nhớ lại những gì bọn tôi đã nói trong lúc ngà ngà say. Quang Khải bảo rằng theo như hắn điều tra, người họ Lý tôi cần tìm đã sớm rời khỏi cung Lệ Thiên vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ tư[2]. Tháng giêng năm ấy sét đánh một lượt ba mươi chỗ trong thành Đại Xá nên quan gia đã ân xá cho một số cung nữ của triều Lý được về quê. Hắn còn bảo, ngay sau đó, Hiển Hoàng Trần Liễu – cũng chính là thân phụ của lão già – can tội cưỡng gian cung nữ cũng chính ở cung Lệ Thiên này nên bị giáng làm Hoài Vương. Việc này tôi chưa từng được biết, nhưng không thấy bất ngờ vì mọi người đã giấu biệt đi.

Quang Khải bảo lão già không giống như phụ thân mình mà trầm tĩnh và có năng lực hơn nhiều, tuy không thường xuyên gặp mặt nhưng luôn được quan gia nhắc đến đầy ưu ái, các đại thần cũng đánh giá rất cao. Một kẻ kiêu ngạo như hắn, dù không ưa Hưng Đạo Vương nhưng cũng kính trọng lão mấy phần, nhất là sau lần so kiếm đó.

Hắn cũng uống rất nhiều, trong lúc say hắn đã nói tôi là người bạn mà hắn trân trọng nhất vì tôi rất giản đơn. Mà, lão già lại là một người hắn không hiểu được, hắn sợ tôi không hạnh phúc.

Giữa cơn mê mê tỉnh tỉnh, tôi nhớ lão đã bế tôi một quãng rất xa, túc trực ngày đêm, còn trách rất dịu dàng: “Sao lại uống nhiều như vậy?!”.

Quán rượu hôm ấy có cả mấy thương nhân từ biên giới mới về, kể chuyện quân Mông Cổ đã dẹp tan Đại Lý của Đoàn Thị ở phía nam, xem chừng muốn bước chân sang Đại Việt, không khéo phải tính chuyện mang gia quyến đi lánh nạn. Quang Khải tức giận quát một trận, dọa họ chạy mất trong khi rượu thịt còn ngổn ngang. Trong lòng tôi cứ sợ lỡ như có giặc thì lão phải xuất chinh. Hình như tôi đã nắm tay lão rất chặt, còn vừa khóc vừa nói mớ: “tiên sinh đừng ra trận”. Tôi nghe tiếng lão cười hiền: “Ta là quan văn, ra trận thì giúp được gì?”.

Người nói dối, chính Quang Khải còn bảo nếu hôm ấy cả hai dùng hết sức chưa chắc hắn đã thắng được người.

Có tiếng chim hót ríu rít ngoài sân và mùi cá nướng thơm lừng, trời đã về chiều. Tôi ngồi dậy nhìn tay chân mình một lượt, thật may đã hết rộp da rồi, chắc nhờ mấy bát canh rau má mà lão cố dỗ dành tôi uống, “ngoan nào, uống hết đi, ta sẽ không phạt em chuyện say rượu nữa”.

Tôi thay một bộ áo trắng được xếp sẵn trong tủ, rửa mặt sạch sẽ, chải tóc gọn gàng, véo má mấy cái cho ửng hồng tươi tắn rồi bước ra ngoài. Hôm nay trời đẹp, gió thổi hiu hiu làm rơi một đóa mộc lan, tôi cài lên tóc, mấy hôm nay chắc là bộ dạng của tôi chẳng ra gì.

- Cô Phong, khỏe chưa mà ra đây, ngoài này gió lắm!

- Chị Hạnh, sao chị lại ở đây?! – Tôi ngạc nhiên nhìn người thị nữ thân cận của chị mình đang đột ngột xuất hiện ở phủ Tiết độ sứ. – Chị cả đến rồi sao?!

Chị Hạnh gật đầu, cười rất tươi:

- Vừa mới đến sáng nay thôi, đang ở thư phòng nói chuyện với cậu cả, cô đến đó đi, tôi sẽ mang ít mứt hạt sen vào.

Tôi đi đã mấy tháng rồi, chắc là chị lo cho tôi lắm. Từ lâu tôi đã xem chị là ruột thịt vì dù chị chẳng hay ngọt ngào, cũng chẳng chiều chuộng tôi như lão nhưng chưa bao giờ để tôi thiếu thốn một thứ gì. Có lão ở đó chắc chị sẽ chẳng mắng tôi đâu. Nghĩ thế, tôi hăm hở đến thư phòng.

- Sao ngài lại để Phong đi cùng Trần Quang Khải?! – Cửa thư phòng không đóng kín, tôi nghe tiếng chị vọng ra, bước chân liền sững lại.

- Chiêu Minh là người tử tế, hai đứa lại rất quý mến nhau, nàng không cần lo lắng. – Giọng lão đều đều.

- Ta vừa đến đây đã thấy con bé nằm trên giường bệnh, ngài lại bảo ta đừng lo lắng?! Tên Chiêu Minh Vương đó dù tốt thế nào cũng là người Tức Mặc, ngài lại để nó kết giao. Ngài nuông chiều con bé đến hư rồi. – Chị tôi luôn ôn hòa điềm đạm, không hiểu sao hôm nay lại ít nhiều gay gắt.

- Nó hư hay không, ta chịu trách nhiệm mà.

Đứng bên ngoài, tôi cười tít mắt.

- Ngài không định tìm cho nó một nơi tử tế sao? Cứ theo ngài chạy đông chạy tây, giờ còn chơi với một tên con trai khác cả ngày, nơi nào dám hỏi?!

- Ta nuôi nó cả đời. – Lão vô cùng kiên định.

- Vậy ngài đợi đến khi nó mấy tuổi thì nạp thiếp?! – Chị tôi rất thản nhiên.

- Đủ rồi đấy.

Chị tôi không hiểu rằng câu trả lời trong lòng tôi và lão vốn đã có từ khi chúng tôi gặp nhau rồi.

Trong phòng không có thêm âm thanh gì, mãi mới nghe chị lại cất tiếng, có phần dịu dàng hơn trước:

- Ta nói thật lòng, nếu ngài thực sự muốn cưới Phong…

- Im miệng. – Có tiếng chén trà bị đặt mạnh lên bàn. Chắc chị tôi cũng rất bất ngờ vì chưa bao giờ lão nặng lời như thế. – Nàng đang xúc phạm cả ta và Phong đấy, biết không?!

Căn phòng lại rơi vào im lặng. Tôi định rời đi thì nghe giọng lão:

- Phong muốn lấy chồng, ta sẽ chọn cho nó nơi tốt nhất. Nó muốn cứ như vậy ở bên ta, ta sẽ bảo bọc nó suốt đời. Ta không thể lấy nó làm vợ, cũng không muốn lấy.

Đúng vậy. Đây chính là những gì chân thành nhất mà lão cho tôi, cũng như tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ lấy lão làm chồng. Chúng tôi cứ như thế bên nhau năm năm tháng tháng đến lúc cả hai không còn trên đời nữa chẳng được sao?!

- Ngài muốn tu hành thực sự hay vì không thể bước qua mặc cảm?! – Tiếng chị bỗng nhẹ như cơn gió.

- Đều chẳng liên quan.

- Vương gia, tuy chúng ta là vợ chồng hữu danh vô thực, ta không nên can thiệp vào việc của ngài, nhưng ta coi Phong như em ruột, ngài cứ để nó dang dở như vậy rồi có hối hận không?!

Tôi nghe tiếng lão cười rất khẽ:

- Nàng hiểu ta được bao nhiêu, lại hiểu Phong được bao nhiêu?!

Tôi dựa vào tường, cúi mặt, mấy lọn tóc rũ xuống che nụ cười mỉm, hương mộc lan thoang thoảng quanh người.

- Ngài nói muốn Phong sống như một cô gái bình thường, nữ nhi không lập gia thất có được xem là bình thường không?! Ngài không sợ sẽ có người hoài nghi thân phận cô em vợ ở mãi trong phủ Hưng Ninh Vương mà chẳng chịu lấy chồng?!

Mãi lâu sau, tôi mới nghe lão đáp:

- Việc này… để khi Phong lớn lên rồi mới tính.

Thế nào là mặc cảm, thế nào là thân phận?! Tôi không hiểu những điều này. Chỉ biết mình hiểu rõ suy nghĩ trong lòng lão nên chẳng có gì phải buồn phiền. Ừ, việc sau này để sau này mới tính.

Tôi đứng thẳng người, định trở về phòng thì chị Hạnh mang một đĩa mứt to đi đến:

- Cô Phong sao còn đứng ngoài này?!

Cửa phòng bật mở, chị tôi thảng thốt:

- Phong, em đến bao giờ?!

Tôi quay lại, gật đầu với chị rồi quay sang nhìn lão. Ánh nhìn của lão chợt sâu hun hút:

- Còn đau chỗ nào không?!

Tôi lắc lắc đầu.

Lão bước đến gần, định chạm lên đóa mộc lan tôi cài trên tóc. Tôi liền giật lùi, nhanh tay gỡ xuống, giấu sau lưng, cười cười nhìn lão.

Lão không chọc tôi hôm nay võ vẽ tập làm thiếu nữ, cũng không khen tôi đã dễ coi hơn bộ dạng bị rộp da hôm trước, chỉ một tia ngỡ ngàng thoáng hiện trong đáy mắt rồi lại tắt ngay.

- Lần sau dù muốn bằng hữu vui lòng cũng không được ngốc như thế nữa. – Lão đưa tay vuốt tóc tôi.

- Em xin lỗi.

Lão cười nhẹ, tôi cũng mỉm cười, đầu cúi thấp. Ánh ráng chiều chiếu lên vạt áo lam của lão một màu nhàn nhạt, yên bình. Chúng tôi cứ đứng ở đó rất lâu. Đóa mộc lan sau lưng tôi bị vò nát rồi thả bay đi.

Phải chi có thể như thế này mãi mãi, chẳng cần khôn lớn…!



[1] Ca dao:

“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”

[2] Năm 1236, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên