CHƯƠNG 9: THUỞ TRỜI ĐẤT NỔI CƠN GIÓ BỤI[1]
- Phong, cháu đừng ngồi nhìn cái bếp nữa, đi tắm đi, lúc nào chín bác sẽ mang ra rồi mời luôn cậu cả và cô đến dùng.
- Không được, cháu lấy món này để xin lỗi chị, cháu phải tự tay làm từ đầu đến cuối.
Tôi đón lấy đĩa bánh đậu xanh từ tay bác Dương, bốc một mẩu bỏ vào mồm cho đỡ đói, mắt vẫn chăm chăm nhìn những vụn trấu đang cháy âm ỉ phát ra âm thanh tí tách. Nghe nói món rươi vần niêu đất này phải nấu gần nửa ngày mới đúng hương vị trứ danh của vùng Tứ Kỳ, tôi đã đợi từ sáng đến giữa chiều, chắc cũng sắp ăn được rồi.
- Bác Dương đúng là đầu bếp tài hoa, theo lão già đến Hồng Lộ mới một năm mà cả món đặc sản cầu kỳ này cũng biết nấu. May nhờ có bác bày cho, nếu không cháu cũng chẳng biết làm thế nào. – Tôi nịnh bợ.
- “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”[2]. Mùa rươi năm ngoái, cậu cả đã nhờ bác đi xem dân địa phương nấu món này, vì biết có người sẽ háu ăn. – Bác Dương lấy que củi gạt gạt bụi tro phía ngoài, để lộ lớp trấu đỏ hồng bọc quanh niêu đất.
- Thảo nào sáng nay…! – Tôi thảng thốt reo lên, nhớ lại lúc vừa đi ra khỏi cửa, anh Thân – phu xe của lão – đã gọi tôi đến đưa cho một túi rươi to ụ còn đang giãy giụa. – Hôm nay đúng là ngày hai mươi tháng chín…
- Từ nhỏ cháu vẫn sợ mấy con vật trơn láng, chắc cậu cả nghĩ vậy nên mới nhờ cậu Thân đi tìm giúp cháu đấy.
- Cháu cũng nghĩ thế ạ, nhưng mà… - Tôi ngập ngừng, cảm thấy hơi xấu hổ. – Mấy tháng qua đi khắp nơi cháu đã ăn hết mọi thứ rồi, cả lươn, cả rắn… bọn chúng đều ngon lắm bác à!
Có điều, sao lão đoán được tôi đã biết về món ăn này nên sẽ chạy ra khỏi nhà vào đúng sáng nay?!
- Mỗi ngày có vô số người ra vào Dưỡng Chân Trang, tin tức nhạy bén là chuyện đương nhiên, tin về thức ăn ngon lại càng là sở trường của em... – Lão từ đâu trở về, ung dung vào bếp, không thèm nhìn tôi lấy một lần mà bước thẳng đến nhấc niêu đất ra khỏi đống tro. – Chà, thơm thật!
- Đây là món em làm cho chị. – Tôi ngăn không cho lão giở nắp niêu dù bụng cũng sôi cồn cào vì mùi rươi, mùi lá gừng và vỏ quýt thơm lừng. – Em đã báo hại chị ấy lo lắng bấy lâu nay, em phải có gì bù đắp.
Lão nhướn mày nhìn tôi một lúc, sau đó quay sang bác Dương nói với giọng buồn buồn:
- Đành vậy, bác Dương giúp cháu chuẩn bị ít đậu phụ và tương. Cũng tại cháu tu hành mà phá giới nên phải chịu, vừa cất công phái người đi tìm rươi to nhất ngon nhất mang về, vừa phiền bác học cách nấu từ năm ngoái, cuối cùng vẫn không được ăn ngon.
Tôi nghe lão kể khổ mà bật cười. Không biết lão đã rút cây quạt ra từ bao giờ, gõ lên trán tôi đau điếng. Tôi đưa tay xoa xoa trán xong lại nhìn lão cười nhăn nhở.
- Đi tắm rồi vào ăn cơm. – Lão vứt lại cho tôi một câu rồi bước về phía thư phòng.
***
- Không ngờ cô Phong nhà chúng ta không chỉ kiếm thuật chẳng thua kém chàng trai nào mà vào bếp cũng khiến bao nhiêu cô gái phải hổ thẹn thế này. – Chị tôi từ lúc thử miếng đầu tiên cứ xuýt xoa khen mãi.
- Chị ăn nhiều vào. – Tôi vừa nói vừa gắp thêm một đũa to vào bát chị. – Dạo này chị gầy quá, cũng tại em hư.
Lão ngồi ở đầu bàn, điềm nhiên gắp từng miếng rươi lên ngắm nghía rồi thong thả đưa lên miệng, có vẻ rất tập trung thưởng thức hương vị món ăn. Tôi nhìn mãi cũng không thấy lão nói được một câu dễ nghe, bèn lên tiếng châm chọc:
- Tuệ Trung tiên sinh, món ăn dân dã này chắc không so được với cơm đậu phụ nước tương của đầu bếp phủ Tiết độ sứ.
Lão cười cười, vẫn không dừng đũa:
- Trong những việc liên quan đến ẩm thực, ta chưa bao giờ nghi ngờ năng lực của em.
Tôi cũng không biết câu này là khen ngợi hay đả kích.
- Sau này quân đội chúng ta không sợ đói rồi. – Chị tôi ngắm nghía mẩu bánh lòng[3].
- Bếp quân đội không có nếp cái hoa vàng, không có lạc vừng thượng hạng, Phong không bỏ cơm đã là may.... – Lão nhấp một ngụm trà.
Tôi không chú tâm đến ý châm chọc trong lời nói của lão mà trở nên lo lắng:
- Lần này chị đến không phải vì muốn dẫn em về sao…?!
Chị tôi đặt cốc trà đang uống dở xuống, nhìn tôi rồi lại quay sang nhìn lão:
- Lúc ở nhà có mỗi mình em chị đã không giữ được, huống chi là đến đây…
Hóa ra, tin tức của tên thương nhân suýt bị Quang Khải đánh ở quán rượu không phải là vô căn cứ.
- Chị ra ngoài có việc, trên đường gặp được người hay đến Dưỡng Chân Trang nghe giảng, ông ta có người thân sống trên đất Tống nên được tin sứ giả Mông Cổ đang trên đường đến Đại Việt rồi. Chị không biết triều đình đã nhận được tin hay chưa, vẫn nghĩ nên nói với vương gia.
- Ngay sau khi nàng đến đây ta đã cho người đến Thăng Long báo tin rồi. Quân Mông Cổ sau khi tiêu diệt Đại Lý sẽ đánh Nam Tống. Có thể chúng sẽ hỏi mượn đường Đại Việt để tấn công từ phía nam, nhân tiện tìm thời cơ chiếm cả Đại Việt. Dù không phải như thế, sau khi chúng đánh bại Nam Tống sao lại bỏ qua cho mảnh đất nhỏ bé nằm sát cạnh bên như chúng ta. Triều đình không phải chưa từng nghĩ đến việc này, chỉ là không ngờ bọn chúng lại thôn tính Đại Lý nhanh như thế…
- Vương gia, tin tức về sứ giả của địch không đến từ chiến trường mà lại do ngài báo, những kẻ họ Trần đó sẽ không nghi ngờ gì chứ?! – Giọng nói của chị bỗng có chút ngờ vực, tôi biết chị vốn không thích những người ở Tức Mặc.
- Ta cũng họ Trần. – Lão già cười nhẹ, lại nâng cốc trà đưa lên miệng. – Thật ra tình cảm của hai chi Tức Mặc và Vạn Kiếp không đến mức như nàng nghĩ, huống hồ đây là chính sự, dù có bao nhiêu hiềm khích cũng phải lấy lợi ích của muôn dân làm trọng, nàng không cần lo việc đó.
Tôi nhìn lão rất lâu, rất lâu, không nói gì cả. Lão uống xong cốc trà thì quay sang nhìn tôi:
- Sao vậy, sợ ta phải ra trận sao?!
Tôi lắc lắc đầu, nói chậm từng chữ một:
- Nếu tiên sinh ra trận, người nên sợ hãi là bọn Mông Cổ. Em chỉ sợ tiên sinh không cho em cùng chiến đấu. Nhưng nếu thực sự không giúp được gì, em sẽ ngoan ngoãn ở nhà không làm vướng bận, tiên sinh đừng lo lắng…
Lão rướn người đến xoa xoa đầu tôi, cười thật hiền:
- Chưa chắc chiến tranh với Mông Cổ đã xảy ra, hơn nữa, em đừng nghĩ ta tài giỏi đến vậy, triều đình còn rất nhiều vị đại thần có tài thao lược. Ta là quan văn, ta có chiến trường của riêng mình.
Tôi nhìn lão, thầm nghĩ người chẳng bao giờ sống đúng với vai trò của mình cả, chẳng có người tu hành nào lại trái tính dở hơi như thế, chẳng có vị quan văn nào lại vung gươm bạt đao giết hổ nhẹ nhàng như thế…
- Sau khi xong việc ở đây chị sẽ về lại Yên Bang. Chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Chị không bắt tôi về cùng chắc vì biết tôi không muốn xa lão trong lúc này. Ngộ nhỡ chiến tranh có xảy ra biết đâu chúng tôi sẽ không còn cơ hội gặp lại nữa.
Sau bữa cơm tối, chúng tôi ai về phòng nấy. Ngày thường nếu ăn no tôi sẽ buồn ngủ rất nhanh nhưng hôm nay tôi nằm mãi mà vẫn không ngủ được, bèn đến thư phòng tìm cây sáo ngọc để thổi một bài tiễn chị. Tôi tìm trên kệ lẫn trong ngăn tủ vẫn không thấy, đành ôm cây đàn thập lục [4]của lão ra sân. Khi tôi đến gốc mộc lan, lão cũng vừa đến, trên tay là cây sáo của tôi. Cả hai cười nhẹ rồi ngồi xuống chiếc bàn con kê cạnh bên, không hẹn mà cùng tấu khúc Cao sơn lưu thủy[5]. Khúc nhạc này thường chỉ được tấu bằng đàn, nhưng lão đã nghĩ ra cách thổi sáo để hòa tấu với tôi. Tiếng nhạc lúc trầm lúc bổng, khi nhặt khi khoan, gợi nhớ về những ngày ở Vạn Kiếp, chúng tôi gồm cả chị và Hưng Đạo vương thong dong ruổi ngựa trên đồi, bên suối. Hưng Đạo vương chắc cũng sắp đến Hồng Lộ gặp lão, nhưng lần này hẳn là anh em họ không thể vô tư uống rượu trò chuyện như trước được.
Tiếng nhạc đã dứt từ lâu, chúng tôi vẫn ngồi yên lặng. Cuối cùng tôi lên tiếng:
- Ngày mốt em sẽ theo chị về Yên Bang.
Lão im lặng đợi tôi nói tiếp.
- Tiên sinh từng nói sở trường của quân Mông Cổ là tốc chiến tốc thắng nên chúng sẽ không mang theo nhiều hành lý. Em muốn quay về chỉnh đốn quân đội của tiên sinh và nhờ mọi người chuẩn bị lương thực, biến nó thành thế mạnh của quân ta. Em biết chị đã quen quán xuyến những việc này, nhưng dù sao em mới chính là truyền nhân do chính tay tiên sinh dạy dỗ, có những việc em sẽ làm tốt hơn chị. Nếu như sóng yên gió lặng… em lại có rất nhiều thứ để ăn rồi! – Tôi cố ra vẻ nhăn nhở sau một hồi nói những điều khá nặng nề.
Một cơn gió thổi qua làm mấy sợi tóc mai bay lòa xòa trước mặt tôi, lão đưa tay giúp tôi vén ra sau vành tai, vẫn im lặng như chờ đợi tôi giải đáp điều lão đang thắc mắc.
- Em đã nói dù chiến trường của tiên sinh là gì em cũng sẽ đồng hành. Tuy là khó khăn lắm em mới đến được Hồng Lộ… nhưng em về Yên Bang sẽ làm được nhiều việc hữu dụng giúp tiên sinh hơn là ở lại nơi này. – Tôi ngập ngừng một chút rồi lại rất quả quyết. – Tiên sinh cho phép em về cùng chị nhé.
Tôi thấy trong nụ cười của lão có chút xúc động, dường như là vui mừng, lại dường như không nỡ. Lão đưa cây sáo lại cho tôi rồi đưa tay vỗ nhè nhẹ lên tóc:
- Ta đã bảo, giao cho em những việc liên quan đến ăn uống ta rất yên lòng.
***
Chị tôi tuy rất mạnh mẽ nhưng dù sao trên danh nghĩa cũng là chính thất của một vương gia, không tiện cưỡi ngựa đi khắp nơi nên chúng tôi về Yên Bang bằng xe ngựa. Buổi sáng ngày lên đường, lão già tiễn bọn tôi ra tận cổng thị trấn, lại đứng dặn dò hồi lâu.
- Làm việc gì cũng nên cẩn thận, phải giữ an toàn cho bản thân mình trước, hiểu không? – Lão đã nói câu này lần thứ ba trong ngày.
Tôi gật gật đầu, cười toe toét. Chị tôi đứng ở phía xa cũng gật nhẹ đầu cười mỉm.
- Cũng may tiên sinh bắt em chép phạt kinh Phật rất nhiều và những người kính trọng tiên sinh đa số đều biết em, em có thể nhờ họ đóng góp lương thực và kinh phí cho quân đội nếu cần. Ấy… tiên sinh đừng chau mày, em không lợi dụng Phật giáo vì lợi ích cá nhân đâu! – Tôi vội phân bua.
Lão nheo nheo mắt:
- Thật không? Sao ta lại nghe nói em mượn danh nghĩa Thiền sư Tiêu Dao để thoát ra khỏi ngục?!
- Cái đó… là bất đắc dĩ, em sẽ cẩn trọng hơn... – Tôi ngập ngừng. – Lần trước em vừa đi vừa ăn nên mới mất gần một tháng. Giờ em đi cùng chị, chắc chưa đến hai mươi ngày đã về đến Yên Bang. Hơn nữa… ít nhiều em cũng học được chút y thuật của người, em có thể tự lo cho mình và giúp người khác được mà.
Lão phì cười, nói rất dịu dàng:
- Xuất phát đi, kẻo lại không kịp đến nơi nghỉ chân trước khi trời tối.
Tôi cứ nhìn lão, lại không biết nói gì, liền chui vào xe lấy ra cây sáo ngọc dúi vào tay lão:
- Em cho tiên sinh mượn thổi cho đỡ buồn chán, người nhất định phải mang trả nó lại cho em không trầy xước đấy.
Lão hơi chần chừ, nhìn tôi:
- Em lấy gì tự vệ?!
- Tuệ Trung tiên sinh! – Tôi bật cười. – Ngài đừng nói với em ngài là người tu hành nên không phạm sát giới, đánh giặc cũng dùng cành tre ngọn trúc không làm chúng mất mạng nhé. Em biết ngài chẳng phải một nhà sư mẫu mực đâu!
Có tiếng lão cười khe khẽ, tôi cũng cười nhưng nghe mắt mình cay cay, vội quay đi:
- Em phải đi rồi, chị đang đợi.
Chân vừa dợn bước, tôi nghe lão gọi tên mình:
- Phong, đợi đã.
Tôi vừa xoay người lại, lão đã kéo tôi vào ôm trong lòng, không buông lơi, không quá chặt, vừa đủ dễ chịu và ấm áp.
- Sau khi chúng ta thắng trận này, ta sẽ về Dưỡng Chân Trang nghỉ ngơi một thời gian.
Tôi gật gật đầu, vòng tay ôm lấy lão, một giọt nước mắt rơi xuống thấm trên vai áo màu lam thanh nhã. Chúng tôi cứ đứng như thế một lúc.
- Chị, chúng ta đi nào!
Tôi vén rèm cửa xe ngựa nhìn ra vẫy vẫy tay cười chào lão rồi không nhìn lại nữa, cùng chị băng băng tiến về phía trước, biết rằng có ánh mắt vẫn dõi theo đến khi xe chúng tôi đi xa khuất. Tuy tôi không ở cạnh lão trong những ngày sắp đến nhưng chúng tôi vẫn đang kề vai sát cánh trên chiến trường của riêng mình và nhất định sẽ sớm gặp lại nhau thôi.
[1] Câu đầu tiên trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản Nôm của Đoàn Thị Điểm, ý chỉ chiến tranh.
[2] Thành ngữ chỉ mùa rươi ở Hải Dương (dưới thời Trần có tên là Hồng Lộ).
[3] Bánh lòng Kinh Môn: đặc sản của Hải Dương được làm từ nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, thịt ba chỉ…
[4] Tên gọi khác của đàn tranh, loại có 16 dây.
[5] Cao Sơn lưu thủy là khúc nhạc cổ của Trung Hoa có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (năm 771 đến 476 TCN) gắn với điển tích về tình tri kỷ giữa Bá Nha và Tử Kỳ. Theo sách Lã thị xuân thu: "Bá Nha cổ cầm, Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết tính chi viết: nguy nguy hồ như thái sơn, dương dương hồ như lưu thủy" (Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm , khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy).
- Phong, cháu đừng ngồi nhìn cái bếp nữa, đi tắm đi, lúc nào chín bác sẽ mang ra rồi mời luôn cậu cả và cô đến dùng.
- Không được, cháu lấy món này để xin lỗi chị, cháu phải tự tay làm từ đầu đến cuối.
Tôi đón lấy đĩa bánh đậu xanh từ tay bác Dương, bốc một mẩu bỏ vào mồm cho đỡ đói, mắt vẫn chăm chăm nhìn những vụn trấu đang cháy âm ỉ phát ra âm thanh tí tách. Nghe nói món rươi vần niêu đất này phải nấu gần nửa ngày mới đúng hương vị trứ danh của vùng Tứ Kỳ, tôi đã đợi từ sáng đến giữa chiều, chắc cũng sắp ăn được rồi.
- Bác Dương đúng là đầu bếp tài hoa, theo lão già đến Hồng Lộ mới một năm mà cả món đặc sản cầu kỳ này cũng biết nấu. May nhờ có bác bày cho, nếu không cháu cũng chẳng biết làm thế nào. – Tôi nịnh bợ.
- “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”[2]. Mùa rươi năm ngoái, cậu cả đã nhờ bác đi xem dân địa phương nấu món này, vì biết có người sẽ háu ăn. – Bác Dương lấy que củi gạt gạt bụi tro phía ngoài, để lộ lớp trấu đỏ hồng bọc quanh niêu đất.
- Thảo nào sáng nay…! – Tôi thảng thốt reo lên, nhớ lại lúc vừa đi ra khỏi cửa, anh Thân – phu xe của lão – đã gọi tôi đến đưa cho một túi rươi to ụ còn đang giãy giụa. – Hôm nay đúng là ngày hai mươi tháng chín…
- Từ nhỏ cháu vẫn sợ mấy con vật trơn láng, chắc cậu cả nghĩ vậy nên mới nhờ cậu Thân đi tìm giúp cháu đấy.
- Cháu cũng nghĩ thế ạ, nhưng mà… - Tôi ngập ngừng, cảm thấy hơi xấu hổ. – Mấy tháng qua đi khắp nơi cháu đã ăn hết mọi thứ rồi, cả lươn, cả rắn… bọn chúng đều ngon lắm bác à!
Có điều, sao lão đoán được tôi đã biết về món ăn này nên sẽ chạy ra khỏi nhà vào đúng sáng nay?!
- Mỗi ngày có vô số người ra vào Dưỡng Chân Trang, tin tức nhạy bén là chuyện đương nhiên, tin về thức ăn ngon lại càng là sở trường của em... – Lão từ đâu trở về, ung dung vào bếp, không thèm nhìn tôi lấy một lần mà bước thẳng đến nhấc niêu đất ra khỏi đống tro. – Chà, thơm thật!
- Đây là món em làm cho chị. – Tôi ngăn không cho lão giở nắp niêu dù bụng cũng sôi cồn cào vì mùi rươi, mùi lá gừng và vỏ quýt thơm lừng. – Em đã báo hại chị ấy lo lắng bấy lâu nay, em phải có gì bù đắp.
Lão nhướn mày nhìn tôi một lúc, sau đó quay sang bác Dương nói với giọng buồn buồn:
- Đành vậy, bác Dương giúp cháu chuẩn bị ít đậu phụ và tương. Cũng tại cháu tu hành mà phá giới nên phải chịu, vừa cất công phái người đi tìm rươi to nhất ngon nhất mang về, vừa phiền bác học cách nấu từ năm ngoái, cuối cùng vẫn không được ăn ngon.
Tôi nghe lão kể khổ mà bật cười. Không biết lão đã rút cây quạt ra từ bao giờ, gõ lên trán tôi đau điếng. Tôi đưa tay xoa xoa trán xong lại nhìn lão cười nhăn nhở.
- Đi tắm rồi vào ăn cơm. – Lão vứt lại cho tôi một câu rồi bước về phía thư phòng.
***
- Không ngờ cô Phong nhà chúng ta không chỉ kiếm thuật chẳng thua kém chàng trai nào mà vào bếp cũng khiến bao nhiêu cô gái phải hổ thẹn thế này. – Chị tôi từ lúc thử miếng đầu tiên cứ xuýt xoa khen mãi.
- Chị ăn nhiều vào. – Tôi vừa nói vừa gắp thêm một đũa to vào bát chị. – Dạo này chị gầy quá, cũng tại em hư.
Lão ngồi ở đầu bàn, điềm nhiên gắp từng miếng rươi lên ngắm nghía rồi thong thả đưa lên miệng, có vẻ rất tập trung thưởng thức hương vị món ăn. Tôi nhìn mãi cũng không thấy lão nói được một câu dễ nghe, bèn lên tiếng châm chọc:
- Tuệ Trung tiên sinh, món ăn dân dã này chắc không so được với cơm đậu phụ nước tương của đầu bếp phủ Tiết độ sứ.
Lão cười cười, vẫn không dừng đũa:
- Trong những việc liên quan đến ẩm thực, ta chưa bao giờ nghi ngờ năng lực của em.
Tôi cũng không biết câu này là khen ngợi hay đả kích.
- Sau này quân đội chúng ta không sợ đói rồi. – Chị tôi ngắm nghía mẩu bánh lòng[3].
- Bếp quân đội không có nếp cái hoa vàng, không có lạc vừng thượng hạng, Phong không bỏ cơm đã là may.... – Lão nhấp một ngụm trà.
Tôi không chú tâm đến ý châm chọc trong lời nói của lão mà trở nên lo lắng:
- Lần này chị đến không phải vì muốn dẫn em về sao…?!
Chị tôi đặt cốc trà đang uống dở xuống, nhìn tôi rồi lại quay sang nhìn lão:
- Lúc ở nhà có mỗi mình em chị đã không giữ được, huống chi là đến đây…
Hóa ra, tin tức của tên thương nhân suýt bị Quang Khải đánh ở quán rượu không phải là vô căn cứ.
- Chị ra ngoài có việc, trên đường gặp được người hay đến Dưỡng Chân Trang nghe giảng, ông ta có người thân sống trên đất Tống nên được tin sứ giả Mông Cổ đang trên đường đến Đại Việt rồi. Chị không biết triều đình đã nhận được tin hay chưa, vẫn nghĩ nên nói với vương gia.
- Ngay sau khi nàng đến đây ta đã cho người đến Thăng Long báo tin rồi. Quân Mông Cổ sau khi tiêu diệt Đại Lý sẽ đánh Nam Tống. Có thể chúng sẽ hỏi mượn đường Đại Việt để tấn công từ phía nam, nhân tiện tìm thời cơ chiếm cả Đại Việt. Dù không phải như thế, sau khi chúng đánh bại Nam Tống sao lại bỏ qua cho mảnh đất nhỏ bé nằm sát cạnh bên như chúng ta. Triều đình không phải chưa từng nghĩ đến việc này, chỉ là không ngờ bọn chúng lại thôn tính Đại Lý nhanh như thế…
- Vương gia, tin tức về sứ giả của địch không đến từ chiến trường mà lại do ngài báo, những kẻ họ Trần đó sẽ không nghi ngờ gì chứ?! – Giọng nói của chị bỗng có chút ngờ vực, tôi biết chị vốn không thích những người ở Tức Mặc.
- Ta cũng họ Trần. – Lão già cười nhẹ, lại nâng cốc trà đưa lên miệng. – Thật ra tình cảm của hai chi Tức Mặc và Vạn Kiếp không đến mức như nàng nghĩ, huống hồ đây là chính sự, dù có bao nhiêu hiềm khích cũng phải lấy lợi ích của muôn dân làm trọng, nàng không cần lo việc đó.
Tôi nhìn lão rất lâu, rất lâu, không nói gì cả. Lão uống xong cốc trà thì quay sang nhìn tôi:
- Sao vậy, sợ ta phải ra trận sao?!
Tôi lắc lắc đầu, nói chậm từng chữ một:
- Nếu tiên sinh ra trận, người nên sợ hãi là bọn Mông Cổ. Em chỉ sợ tiên sinh không cho em cùng chiến đấu. Nhưng nếu thực sự không giúp được gì, em sẽ ngoan ngoãn ở nhà không làm vướng bận, tiên sinh đừng lo lắng…
Lão rướn người đến xoa xoa đầu tôi, cười thật hiền:
- Chưa chắc chiến tranh với Mông Cổ đã xảy ra, hơn nữa, em đừng nghĩ ta tài giỏi đến vậy, triều đình còn rất nhiều vị đại thần có tài thao lược. Ta là quan văn, ta có chiến trường của riêng mình.
Tôi nhìn lão, thầm nghĩ người chẳng bao giờ sống đúng với vai trò của mình cả, chẳng có người tu hành nào lại trái tính dở hơi như thế, chẳng có vị quan văn nào lại vung gươm bạt đao giết hổ nhẹ nhàng như thế…
- Sau khi xong việc ở đây chị sẽ về lại Yên Bang. Chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Chị không bắt tôi về cùng chắc vì biết tôi không muốn xa lão trong lúc này. Ngộ nhỡ chiến tranh có xảy ra biết đâu chúng tôi sẽ không còn cơ hội gặp lại nữa.
Sau bữa cơm tối, chúng tôi ai về phòng nấy. Ngày thường nếu ăn no tôi sẽ buồn ngủ rất nhanh nhưng hôm nay tôi nằm mãi mà vẫn không ngủ được, bèn đến thư phòng tìm cây sáo ngọc để thổi một bài tiễn chị. Tôi tìm trên kệ lẫn trong ngăn tủ vẫn không thấy, đành ôm cây đàn thập lục [4]của lão ra sân. Khi tôi đến gốc mộc lan, lão cũng vừa đến, trên tay là cây sáo của tôi. Cả hai cười nhẹ rồi ngồi xuống chiếc bàn con kê cạnh bên, không hẹn mà cùng tấu khúc Cao sơn lưu thủy[5]. Khúc nhạc này thường chỉ được tấu bằng đàn, nhưng lão đã nghĩ ra cách thổi sáo để hòa tấu với tôi. Tiếng nhạc lúc trầm lúc bổng, khi nhặt khi khoan, gợi nhớ về những ngày ở Vạn Kiếp, chúng tôi gồm cả chị và Hưng Đạo vương thong dong ruổi ngựa trên đồi, bên suối. Hưng Đạo vương chắc cũng sắp đến Hồng Lộ gặp lão, nhưng lần này hẳn là anh em họ không thể vô tư uống rượu trò chuyện như trước được.
Tiếng nhạc đã dứt từ lâu, chúng tôi vẫn ngồi yên lặng. Cuối cùng tôi lên tiếng:
- Ngày mốt em sẽ theo chị về Yên Bang.
Lão im lặng đợi tôi nói tiếp.
- Tiên sinh từng nói sở trường của quân Mông Cổ là tốc chiến tốc thắng nên chúng sẽ không mang theo nhiều hành lý. Em muốn quay về chỉnh đốn quân đội của tiên sinh và nhờ mọi người chuẩn bị lương thực, biến nó thành thế mạnh của quân ta. Em biết chị đã quen quán xuyến những việc này, nhưng dù sao em mới chính là truyền nhân do chính tay tiên sinh dạy dỗ, có những việc em sẽ làm tốt hơn chị. Nếu như sóng yên gió lặng… em lại có rất nhiều thứ để ăn rồi! – Tôi cố ra vẻ nhăn nhở sau một hồi nói những điều khá nặng nề.
Một cơn gió thổi qua làm mấy sợi tóc mai bay lòa xòa trước mặt tôi, lão đưa tay giúp tôi vén ra sau vành tai, vẫn im lặng như chờ đợi tôi giải đáp điều lão đang thắc mắc.
- Em đã nói dù chiến trường của tiên sinh là gì em cũng sẽ đồng hành. Tuy là khó khăn lắm em mới đến được Hồng Lộ… nhưng em về Yên Bang sẽ làm được nhiều việc hữu dụng giúp tiên sinh hơn là ở lại nơi này. – Tôi ngập ngừng một chút rồi lại rất quả quyết. – Tiên sinh cho phép em về cùng chị nhé.
Tôi thấy trong nụ cười của lão có chút xúc động, dường như là vui mừng, lại dường như không nỡ. Lão đưa cây sáo lại cho tôi rồi đưa tay vỗ nhè nhẹ lên tóc:
- Ta đã bảo, giao cho em những việc liên quan đến ăn uống ta rất yên lòng.
***
Chị tôi tuy rất mạnh mẽ nhưng dù sao trên danh nghĩa cũng là chính thất của một vương gia, không tiện cưỡi ngựa đi khắp nơi nên chúng tôi về Yên Bang bằng xe ngựa. Buổi sáng ngày lên đường, lão già tiễn bọn tôi ra tận cổng thị trấn, lại đứng dặn dò hồi lâu.
- Làm việc gì cũng nên cẩn thận, phải giữ an toàn cho bản thân mình trước, hiểu không? – Lão đã nói câu này lần thứ ba trong ngày.
Tôi gật gật đầu, cười toe toét. Chị tôi đứng ở phía xa cũng gật nhẹ đầu cười mỉm.
- Cũng may tiên sinh bắt em chép phạt kinh Phật rất nhiều và những người kính trọng tiên sinh đa số đều biết em, em có thể nhờ họ đóng góp lương thực và kinh phí cho quân đội nếu cần. Ấy… tiên sinh đừng chau mày, em không lợi dụng Phật giáo vì lợi ích cá nhân đâu! – Tôi vội phân bua.
Lão nheo nheo mắt:
- Thật không? Sao ta lại nghe nói em mượn danh nghĩa Thiền sư Tiêu Dao để thoát ra khỏi ngục?!
- Cái đó… là bất đắc dĩ, em sẽ cẩn trọng hơn... – Tôi ngập ngừng. – Lần trước em vừa đi vừa ăn nên mới mất gần một tháng. Giờ em đi cùng chị, chắc chưa đến hai mươi ngày đã về đến Yên Bang. Hơn nữa… ít nhiều em cũng học được chút y thuật của người, em có thể tự lo cho mình và giúp người khác được mà.
Lão phì cười, nói rất dịu dàng:
- Xuất phát đi, kẻo lại không kịp đến nơi nghỉ chân trước khi trời tối.
Tôi cứ nhìn lão, lại không biết nói gì, liền chui vào xe lấy ra cây sáo ngọc dúi vào tay lão:
- Em cho tiên sinh mượn thổi cho đỡ buồn chán, người nhất định phải mang trả nó lại cho em không trầy xước đấy.
Lão hơi chần chừ, nhìn tôi:
- Em lấy gì tự vệ?!
- Tuệ Trung tiên sinh! – Tôi bật cười. – Ngài đừng nói với em ngài là người tu hành nên không phạm sát giới, đánh giặc cũng dùng cành tre ngọn trúc không làm chúng mất mạng nhé. Em biết ngài chẳng phải một nhà sư mẫu mực đâu!
Có tiếng lão cười khe khẽ, tôi cũng cười nhưng nghe mắt mình cay cay, vội quay đi:
- Em phải đi rồi, chị đang đợi.
Chân vừa dợn bước, tôi nghe lão gọi tên mình:
- Phong, đợi đã.
Tôi vừa xoay người lại, lão đã kéo tôi vào ôm trong lòng, không buông lơi, không quá chặt, vừa đủ dễ chịu và ấm áp.
- Sau khi chúng ta thắng trận này, ta sẽ về Dưỡng Chân Trang nghỉ ngơi một thời gian.
Tôi gật gật đầu, vòng tay ôm lấy lão, một giọt nước mắt rơi xuống thấm trên vai áo màu lam thanh nhã. Chúng tôi cứ đứng như thế một lúc.
- Chị, chúng ta đi nào!
Tôi vén rèm cửa xe ngựa nhìn ra vẫy vẫy tay cười chào lão rồi không nhìn lại nữa, cùng chị băng băng tiến về phía trước, biết rằng có ánh mắt vẫn dõi theo đến khi xe chúng tôi đi xa khuất. Tuy tôi không ở cạnh lão trong những ngày sắp đến nhưng chúng tôi vẫn đang kề vai sát cánh trên chiến trường của riêng mình và nhất định sẽ sớm gặp lại nhau thôi.
[1] Câu đầu tiên trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản Nôm của Đoàn Thị Điểm, ý chỉ chiến tranh.
[2] Thành ngữ chỉ mùa rươi ở Hải Dương (dưới thời Trần có tên là Hồng Lộ).
[3] Bánh lòng Kinh Môn: đặc sản của Hải Dương được làm từ nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, thịt ba chỉ…
[4] Tên gọi khác của đàn tranh, loại có 16 dây.
[5] Cao Sơn lưu thủy là khúc nhạc cổ của Trung Hoa có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (năm 771 đến 476 TCN) gắn với điển tích về tình tri kỷ giữa Bá Nha và Tử Kỳ. Theo sách Lã thị xuân thu: "Bá Nha cổ cầm, Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết tính chi viết: nguy nguy hồ như thái sơn, dương dương hồ như lưu thủy" (Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm , khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy).