Tuy Hải Thượng Lãn Ông là thầy thuốc giỏi có tiếng nhưng xét cho cùng thì trình độ y học thời này cũng không thể so được với thời hiện đại. Huống hồ ở thế kỷ 21, bác sĩ cũng phải bó tay trước nhiều căn bệnh hiểm nghèo, có thể bệnh của thế tử Cán cũng nằm trong số đó.
Tôi đang chưa biết mở lời thế nào để nói chuyện Nguyễn Hữu Chỉnh với quận công thì ông đã lên tiếng trước:
- Vài ngày tới là rằm tháng bảy, con thay mẹ đi chùa làm công quả. Cố gắng mấy ngày ở trong chùa tu dưỡng tính nết cho ta.
Tôi dạ vâng một cách vui vẻ. Đang định bụng chờ ngày nào đó ra ngoài tìm Nguyễn Hoàn hỏi tin tức của Trịnh Khải, nhân dịp này chắc tôi sẽ dễ tìm cơ hội hơn. Sau đó quận công đã đuổi tôi về phòng. Chuyện của Nguyễn Hữu Chỉnh vì vậy cũng bị gác lại cho đến hôm mẹ cả đưa tôi đến chùa Liên Tông.
Chùa Liên Tông nằm ngay trong kinh thành Thăng Long, tuy không nổi danh như chùa Trấn Quốc nhưng là ngôi chùa rất đẹp. Trước cổng chùa là tháp cao hình lục lăng, hai bên là hồ sen rất rộng. Vào cổng chùa phải đi qua một sân rộng mới đến nhà bái đường, khu tam bảo, lại qua một sân nhỏ thì đến nhà tổ, sau nữa mới đến khu vườn nhỏ và các dãy nhà ở, nhà bếp.
Một chú tiểu dẫn mẹ cả và tôi đến phòng tiếp khách nhỏ trong vườn, sau khi rót trà mời khách thì chạy đi báo với sư trụ trì chùa. Tôi còn chưa kịp dòm ngó hết khu vườn thì đã thấy chú tiểu ban nãy đi lon ton theo sau một vị hòa thượng lớn tuổi. Ngài mặc áo cà sa vàng, người hơi gầy, râu tóc đã bạc nhưng bước chân vẫn còn mau lẹ lắm.
Vừa thấy trụ trì đến từ xa, mẹ cả đã vội ra cửa chờ. Tôi đứng ngay sau lưng bà, nghiêng đầu ngắm cho rõ vị trụ trì chùa đang đến gần. Trụ trì có làn da hơi ngăm, đôi mắt sáng, gương mặt nhân từ và giọng nói vô cùng ấm áp. Sau khi chào hỏi, mẹ cả ngỏ ý xin cho tôi được ở lại chùa năm bữa nửa tháng. Trụ trì nhìn tôi cười phúc hậu:
- Chỉ sợ tiểu thư không chịu được cuộc sống thanh bạch trong chùa.
- Dạ, con không sợ! – Tôi vội vàng đáp lời.
Trụ trì cười lớn rồi đồng ý với mẹ cả cho tôi ở lại chùa, khi nào chán có thể xin về cũng được. Mẹ cả lại dặn dò tôi rất nhiều điều rồi mới xin phép ra về. Chú tiểu ban nãy được lệnh dẫn tôi đến một căn phòng nhỏ ở dãy nhà phía đông, nơi chùa thường xuyên đón tiếp các vị khách từ xa ở lại qua đêm. Tôi mở miệng làm quen trước:
- Em tên gì?
- Tên tôi là Như Nguyện.
- Là pháp danh trụ trì đặt cho em à? – Tôi lại hỏi.
- Dạ. Phòng của tiểu thư ở đây. – Nói rồi cậu bé chạy vọt đi, không để tôi kịp nói lời cám ơn.
Sau ba ngày tôi bắt đầu quen dần với sinh hoạt trong chùa. Sáng sớm gà chưa gáy tôi đã dậy cùng ba chú tiểu là Như Nguyện, Như Ý và Như Tâm đi quét sân. Sân nhỏ thì Như Ý và Như Nguyện quét, sân to thì tôi và Như Tâm quét. Như Tâm độ mười hai tuổi, lớn nhất trong ba chú tiểu. Một tiểu thư cơm bưng nước rót tận miệng phải dậy sớm quét sân quả không dễ gì. Tôi thường vừa cầm chổi vừa ngáp ngủ. Sau lại tự động viên mình, xem như tập thể dục buổi sáng vậy.
Quét sân xong thì rửa mặt, rửa tay rồi đi tụng kinh buổi sáng. Ăn sáng xong là đến giờ học kinh Phật, trưa lại phụ nhà bếp dọn ăn rồi rửa chén. Nghỉ ngơi đến chiều thì đi xách nước lau rửa tượng Phật, chuông đồng, các bia đá… Xong xuôi mọi việc thì chúng tôi được tự do đọc sách, vui chơi. Thường tôi sẽ ra bờ hồ ngồi, vừa ngắm sen trong hồ vừa nghĩ ngợi vài chuyện trong đầu.
Tình hình hiện nay là chúa Thượng lại bệnh nặng, thế tử cũng ốm yếu, Trịnh Khải đang bị giam lỏng, quân Tây Sơn ở đàng Trong không có tin gì mới. Nguyễn Hữu Chỉnh có thực sự sẽ phản bội vua Lê chúa Trịnh hay không? Lịch sử ghi chép lại cũng có thể có sai sót. Nhưng nếu đúng như lịch sử ghi lại thì thời điểm ấy là khi nào? Ngay khi quân Tây Sơn vừa kéo ra bắc chăng?
Một con người đến từ thời hiện đại, biết được tương lai nhưng tôi lại thấy bản thân vô cùng bất lực giữa cuộc chiến này. Tôi không giúp được gì cho Trịnh Khải, cũng không giúp được gì cho Huy quận công. Tôi nửa mong gặp mặt vị anh hùng Quang Trung, nửa lại mong quân Tây Sơn đừng kéo quân ra bắc. Giá như có ông bụt xuất hiện hoặc Phật tổ hiển linh, tôi nhất định sẽ ước cho Trịnh Khải thoát cảnh tù giam, trở thành dân thường, còn Huy quận công sẽ từ quan về quê ở. Như vậy tôi sẽ chẳng lo lắng cho người thân của Đinh Thanh và sẽ cùng Trịnh Khải ngao du đây đó, chứng kiến từng thời khắc lịch sử của dân tộc. Có lẽ sau khi ở Thăng Long một thời gian, chúng tôi sẽ vào Phú Xuân. Biết đâu tôi sẽ gặp lại Đình Duệ và Đình Khuê ở đó.
Đang mơ màng thì ai đó gọi tên khiến tôi giật mình, chút nữa là ngã xuống hồ. Tôi hậm hực nhìn Như Nguyện, cậu ta chính là thủ phạm vừa cắt ngang giấc mơ tốt đẹp của tôi.
- Chị Đinh Thanh, tôi đi tìm chị nãy giờ đấy.
- Có việc gì sao? – Tôi đứng dậy phủi sạch áo váy dính đất bụi.
- Thầy gọi chị đến phòng khách sau vườn. Chị mau mau lên kẻo thầy chờ.
Nghe vậy, tôi không dám lề mề, vội vàng chạy theo Như Nguyện. Đến trước cửa phòng khách, tôi vuốt ngực thở mệt xong mới dám lên tiếng:
- Bạch thầy, thầy tìm con ạ?
- Đinh Thanh vào đây con. – Trụ trì gọi tôi vào phòng, thấy mồ hôi lấm tấm trên trán tôi thì thầy cười nói. – Chạy mệt lắm sao?
Tôi lắc đầu, hổn hển đáp:
- Dạ không ạ.
Trụ trì chỉ về phía hai ni cô già ngồi đối diện, rồi nói với tôi:
- Đây là hai lão ni từ xa đến đây khuyến hóa, sẽ trọ lại chùa nửa tháng. Con đưa hai lão ni về phòng nghỉ ngơi. Hai vị cần gì thì con giúp đỡ, biết không?
- Dạ!
Tôi dẫn hai vị ni cô già đến hai căn phòng bên cạnh phòng tôi ở. Một vị ni cô già hơn lên tiếng hỏi:
- Tiểu thư đến ngụ tại chùa lâu chưa?
- Dạ, con mới đến ba ngày. Sao lão ni lại gọi con là tiểu thư?
- Nhìn cốt cách có thể đoán được cô là tiểu thư con nhà quan. – Bà nhìn tôi cười đôn hậu. – Hỏi thế này có chút khiếm nhã, nhưng gia cảnh nhà tiểu thư thế nào, sao lại vào ở cửa chùa?
Vị ni cô còn lại cũng nhìn tôi chăm chú như đang đợi câu trả lời. Tôi vừa rót trà ra chén vừa lúng túng đáp:
- Dạ, nhà con bình thường ạ. Tại cha mẹ muốn con tu thân tích đức nên mới gởi con vào chùa vài hôm.
- À, ra vậy! Thật hiếm thấy! – Vị ni cô già hơn gật gù.
Tôi cười giả lả cho qua chuyện, đem thắc mắc nãy giờ ra hỏi:
- Hai bà đến từ đâu ạ?
Vẫn là vị ni cô già hơn nói trước:
- Lão ni đến từ chùa núi An Tử. Còn vị ni này đến từ chùa Huê Cầu.
Vị ni cô còn lại cũng lên tiếng:
- Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành nên chúng ta đến đây khuyến hóa.
Đến tối ăn cơm tôi hỏi Như Tâm thì mới biết được khuyến hóa là quyên tiền. Hai vị ni cô già đến Thăng Long để gõ cửa các nhà hảo tâm quyên tiền mang về đúc cho xong chuông chùa. Ngày ngày sau khi tụng kinh buổi sáng, hai người đi ra phố để khuyến hóa, tối về nghỉ tại chùa. Đến ngày thứ ba thì tôi xin trụ trì đi theo hai vị ni cô già. Trụ trì nhìn tôi cười trìu mến:
- Con không ngại danh phận của mình sao?
Tôi nghĩ trong đầu, cái danh tiểu thư Đinh Thanh nhà Huy quận công trong kinh thành vốn đã chẳng tốt đẹp gì rồi. Thêm chút tiếng tăm nữa cũng không sao. Thấy tôi kiên quyết xin đi, trụ trì đành gật đầu đồng ý.
Hai vị ni cô tay mang túi vải nâu sòng đi thong thả về phía đường lớn. Tôi cố ý ăn mặc đơn giản, tóc búi trâm gỗ, tay cũng mang một túi vải nâu đựng cơm chay cho bữa trưa.
- Tiểu thư không ngại vất vả sao? – Bà ni cô từ chùa Huê Cầu hỏi tôi.
- Dạ, con không ngại. – Tôi cười thành thật. – Con cũng muốn ra ngoài làm việc tích đức, ở chùa hoài cũng chán ạ.
Hai bà nhìn nhau lắc đầu. Tôi dò hỏi thêm mới biết là hai ngày mà hai vị mới đi hết được hai con đường nhỏ trong kinh thành, nhà nào cũng gõ cửa khuyến hóa nhưng chưa được bao nhiêu. Tôi bèn đưa ra ý của mình, dẫu rằng không nên phân biệt giàu nghèo nhưng rõ ràng tập trung thời gian tìm đến các nhà quan lớn, các nhà thương buôn giàu có sẽ thu về được số tiền quyên góp nhiều hơn. Kinh thành rộng lớn thế này, chỉ cần đi vài ba con đường chủ chốt là có thể bớt được nhiều sức lực mà thu về không nhỏ.
Thấy tôi nói có lý, hai vị ni cô đồng ý để tôi dẫn đường. Trước tiên là ra khu phố sầm uất nhất, nơi có nhiều cửa hàng lớn của kinh thành. Đến trước mỗi cửa hàng, tôi sẽ đứng bên ngoài đợi. hai vị ni cô già vào bên trong gặp chủ để khuyến hóa. Phố xá đông đúc, tôi vừa đợi vừa ngó nghiêng xung quanh xem có thấy Nguyễn Hoàn đi ngang qua hay chăng. Không thấy cũng không sao, nhưng nếu lát nữa đến cửa hàng vải nhà anh ta mà không gặp thì biết làm sao đây.
Quả nhiên là không gặp Nguyễn Hoàn. Vi Hà thấy tôi thì thoáng ngạc nhiên, sau khi quyên tiền xong mới hỏi tôi:
- Sao tiểu thư lại đến nông nỗi này?
Tôi không biết giải thích thế nào, đành cười trừ:
- Tôi đi làm công quả thôi. Cô nhắn với Hoàn giúp tôi là tôi đang ở chùa Liên Tông nhé.
Nói rồi, tôi theo gót hai vị ni cô đi nơi khác. Một buổi sáng đã đi hết con phố sầm uất nhất, tiền quyên góp cũng khá nhiều. Trưa mỏi chân, cả ba dừng lại quán nước bên đường nghỉ ngơi rồi ăn cơm chay. Cũng may sáng nay ít người để ý đến tôi, vốn cũng là nhiều người nghe tiếng chứ ít người biết mặt nên tôi cũng không lo lắng lắm. Ăn xong, tôi chỉ đại hướng đường về nhà mình:
- Đường đó có nhiều quan lớn ở, chúng ta gõ cửa gặp mấy vị phu nhân khuyến hóa.
Hai vị ni cô già không có ý kiến gì. Tôi bỗng đâm lo lắng vớ vẩn. Nhiều nhà quan lại biết mặt tôi, nhỡ như mấy công tử, tiểu thư nhà đó đem chuyện này ra trêu ghẹo, đồn thổi lại mang tiếng không hay cho nhà Huy quận công. Thôi vậy, lần này phải chịu khó ra mặt diễn kịch vậy, đứng chờ ngoài cổng lại càng mất mặt hơn. Nghĩ sao làm vậy, gõ cửa nhà quan nào, tôi cũng lên tiếng trước với tên hầu mở cửa:
- Tôi là tiểu thư nhà Huy quận công, không biết phu nhân nhà ngươi có nhà không?
Họ nghe danh xong, nhìn tôi và hai vị ni cô, chần chừ trong giây lát rồi vội mở cửa đón chúng tôi vào phòng khách. Thường mấy vị phu nhân sau khi ra phòng khách lại nhìn tôi một hồi mới hỏi chuyện:
- Tiểu thư đi một mình sao? Không biết quận chúa có biết tiểu thư đến đây hay không?
Hoặc có người tỏ ra quen biết hơn thì lại hỏi:
- Nghe nói tiểu thư đã vào chùa làm công quả mấy ngày sao lại đến đây rồi?
Có người lại mở miệng châm biếm:
- Tiểu thư nhà Huy quận công không phải đã đi tu rồi sao? Ăn mặc cũng giống nhà chùa rồi đấy nhỉ?
Khi đó, tôi thường trả lời chung một câu:
- Tôi đi làm công quả cho nhà chùa. Đây là hai vị ni cô đang đi khuyến hóa cho chùa Huê Cầu. Xin phu nhân giúp đỡ ạ.
Sau đó hai vị ni cô sẽ lên tiếng nói chuyện với phu nhân nhà quan. Tôi chỉ ngồi lặng im cho đến khi về mới lên tiếng chào. Đi được năm nhà thì vị ni cô từ chùa Huê Cầu lên tiếng hỏi tôi:
- Tiểu thư, hay cô về chùa trước đi. Lão ni tự đi được. Cô ra mặt như thế không được hay lắm.
- Con ra mặt để lưu danh tiếng tốt mà. Lão ni cứ để con mở đường. – Tôi cười tủm tỉm đáp lại.
Đến nhà thứ sáu. Nhà này tôi không biết của quan lại nào nên ngần ngại chưa dám gõ cửa. Bỗng cánh cổng mở toang khiến tôi hết hồn mà người hầu vừa mở cửa cũng bị giật mình khi thấy chúng tôi. Tôi chưa kịp lên tiếng thì hắn đã nhanh miệng hỏi:
- Đến xin thuốc sao? Không có tiền cũng không sao, mau vào cho lão sư bắt mạch kê đơn đi.
Vị ni cô già hơn lên tiếng:
- Không phải, chúng tôi đến là …
- Đúng vậy, chúng ta đến gặp thầy thuốc. – Tôi cắt ngang lời của lão ni, nghĩ xem, thầy thuốc mà ở nhà lớn vậy chắc cũng nhiều tiền. – Ta là tiểu thư nhà Huy quận công. Không biết thầy thuốc nổi tiếng nào đang sống ở đây?
Tên hầu tỏ vẻ mặt khó hiểu nhìn tôi rồi mới trả lời:
- Tiểu thư không biết sao lại đến đây tìm?
- Cha ta có nói qua nhưng ta không nhớ. – Tôi đáp bừa.
Hắn có vẻ không vui:
- Dạ, là Hải Thượng Lãn Ông.
-------