Chương 7: Xuống núi
Trời cao trong xanh, thi thoảng một vài gợn mây nhè nhẹ xuất hiện ở chân trời. Đã gần qua mùa thu, tiết trời bắt đầu chớm đông, tuy chưa có gió mùa đông bắc thổi về nhưng những làn gió cũng mang theo hơi mát dịu nhẹ. Thỉnh thoảng những cơn gió mạnh lại mang theo vô số lá vàng rơi rụng xuống mặt đất. Trên đường đến hoàng thành Thăng Long có thêm hai kẻ lữ hành: một nhà sư chòm râu bạc phơ trong gió khoác chiếc áo nâu sòng bạc màu sương gió và một con chó nhỏ màu trắng như tuyết cuộn tròn sau tay nải.
Hai kẻ lữ hành đó chính là Bạch Vân cư sĩ và Tiểu Liên sau khi đã thay đổi hình dạng. Ngày xuống núi, Bạch Vân cư sĩ xoa xoa đầu tôi rồi nói ngắn gọn: “Tiểu Liên, con không nghĩ rằng những người đến núi cầu xin ta, ta chỉ cần xoa đầu, cười cười, nói mấy câu là tự nhiên họ được như ý chứ? Có những việc trời đã định sẵn, có những việc tự họ đa đoan thì không cần để ý, nhưng có những điều ta phải xuống núi giúp họ. Thời gian rồi cũng bận bịu với con nên ta chỉ có thể tranh thủ đi những trấn gần và giải quyết trước một số việc không thể trì hoãn. Nay chúng ta sẽ đi giải quyết số việc quan trọng còn lại.”
Dù có chuẩn bị tinh thần xuống núi sẽ đi lịch lãm, rèn luyện thêm, nhưng tôi vẫn thấy kinh ngạc. Nếu theo lời Tiểu Bạch… Tôi nhớ lại những gì nghe lén được ở hôm đầu tiên. Những người đến Bạch Vân Sơn hỏi han, cầu xin đủ thứ: cầu phúc, giải oan, xin cả cưới vợ, câu đối, phương thuốc... Tôi đưa tay gãi gãi đầu có chút thất lạc. Tôi không phải thám tử, không phải thuật sĩ, không phải bà mai, không phải học giả,… miễn cưỡng có thể xem như là thầy thuốc… nhưng tóm lại hiện nay vẫn chưa phải là nhà thông thái trong truyền thuyết như Tiểu Bạch. Nhiệm vụ này có thể dễ dàng được sao? Rất tiếc, trời vẫn trong xanh, nắng vẫn long lanh và không một ai có thể giải đáp câu hỏi của tôi vào lúc này.
Theo như Bạch Vân cư sĩ tính toán, dân ở đây đi từ kinh thành đến chân núi Bạch Vân mất khoảng tám đến chín ngày. Tôi thầm tính toán với tốc độ mọi người sử dụng trên đường, có thể khoảng 20km/ngày. Thực ra chỉ bằng tốc độ đi xe đạp trong một giờ. Nhưng thời đại này, đường xá rất nhỏ, gặp chỗ đường rừng đôi khi phải bạt cây mà đi nên tốc độ chậm lại rất nhiều. Tuy nhiên, với sự rèn luyện của Tiểu Bạch, tôi có thể dễ dàng băng rừng vượt thác mà tiến đến hoàng thành chỉ trong một ngày. Còn Bạch Vân cư sĩ, có lẽ chỉ cần một phần tư thời gian của tôi là đủ. Tuy nhiên, để tôi có thể “ngắm nhìn thế giới loài người” theo lời của Tiểu Bạch, chúng tôi đi lại rất thong dong, tốc độ cũng chỉ ngang người thường, đã thế còn đi lòng vòng không cố định, miến sao ghé đến hoàng thành trong một tháng là được.
Trên đường đi, tôi mới phát hiện ra rằng Bạch Vân cư sĩ kỳ thật cũng không phải là Bụt, sẵn sàng ra tay cứu giúp bất kỳ kẻ nào khó khăn. Con người này chỉ giúp đỡ dựa vào “tùy tâm, tùy hứng, tùy hoàn cảnh”. Tóm lại là thuận mắt ai thì giúp, trong lòng tự nhiên vui vẻ thì giúp, nhìn thấy có việc cảm thấy hay thì giúp.
Tôi không phải người thời đại này nên cũng không can thiệp vào bất cứ quyết định nào của Bạch Vân cư sĩ. Bất cứ lúc nào cũng ngoan ngoãn nằm sau tay nải của cư sĩ mà ngủ, lúc nào thấy thật ít người qua lại mới len lén đi xuống bằng đôi chân của chính mình.
Cứ như vậy, sang ngày thứ ba, cả hai thầy trò đã thong đi đến một thành trì khá lớn. Từ xa nhìn lại, tường thành là đá xếp cao ngất, xa xa có cả lính canh đứng gác trên thành. Phía dưới cũng có đội ngũ đứng canh cổng thành đồng thời chú ý động tĩnh dân chúng ra vào. Phía trên cổng là một tấm biển gỗ bề thế có ghi ba chữ “Huyện Giáp Sơn”. Trước đó, Bạch Vân cư sĩ đã nói Giáp Sơn này trực thuộc Phủ lộ Tân Hưng
[1]. Vì có sự quản lý trực tiếp của An Phủ Chánh sứ
[2] nên huyện Giáp Sơn này lộ ra quy mô bề thế hơn tất cả những trấn nhỏ khác mà tôi đã cùng Tiểu Bạch ghé qua. Dòng người đông đúc qua lại tấp nập. Người đi bộ, đi xe trâu, xe ngựa, chở hang hóa... đều nhanh chóng, vội vã.
Theo dòng người đông đúc, Bạch Vân cư sĩ thong thả tiến vào trong huyện. Dưới sự thúc giục của tôi Tiểu Bạch bằng tốc độ nhanh nhất đã ghé vào trung tâm của huyện lỵ. Trong lúc đó tôi không ngừng quan sát nơi này đồng thời nghe Bạch Vân cư sĩ giới thiệu đôi chút. Huyện Giáp Sơn này thật đúng như tên gọi, cả huyện lỵ có một dãy núi đá làm xương sống. Quy vào diện tích thời nay rơi vào khoảng 160km2. Nếu vào thời đại ngày nay, là nguyên liệu phẩm chất tốt để xây dựng nhà máy xi măng thì hiện nay, một dãy núi sừng sững xuyên qua toàn huyện lại không phải là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, huyện Giáp Sơn này lại giáp sông Kinh Thầy, thương nhân theo đường thủy lại vô cùng phát triển. Bên cạnh đó, tuy có núi non nhiều, nhưng Giáp Sơn này lại là vùng bán sơn địa, bên cạnh những dải núi là đồng bằng rông lớn, trù phú. Đỉnh An Phụ cao ngất trời chia Giáp Sơn làm hai vùng tách bạch. Phía Tây là đồng bằng màu mỡ với cánh đồng lúa trải dài tít tắp, phía Đông lại vừa làm ruộng, vừa chài lưới lại kinh thương đường thủy. Có thể nói, vào thời đại cần lúa gạo no ấm như nhà Trần, huyện Giáp Sơn hoàn toàn có thể xem là một huyện trù phú.
Lúc chúng tôi đang thong dong trên đường lớn, đột nhiên phía trước có rất đông người tụ tập. Tôi lại tò mò năn nỉ Tiểu Bạch tiến lại gần. Không mất bao nhiêu công sức tôi đã thấy mình tiến đến phía trước. Thì ra, đó là một tờ cáo thị của quan phủ. Trên tờ cáo thị ghi rõ, dạo gần đây trên địa bàn huyện Giáp Sơn liên tiếp xảy ra án mạng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Chân tướng vụ việc vẫn chưa được khám phá. Dựa trên manh mối hiện trường để lại, án mạng thường xảy ra vào đêm tối, nửa đêm canh hai, canh ba. Vì vậy quan phủ khuyến cáo toàn dân đúng giờ tắt đèn đi ngủ, nếu không phải việc vạn bất đắc dĩ, tuyệt đối không được ra ngoài. Với vốn chữ ít ỏi của mình, tôi đã phải nhờ Tiểu Bạch xác minh lại tin tức. Đúng là dù ở bất cứ thời đại nào, việc mù chữ đều không phải là điều dễ chịu. Với tai sói thính lực cực lớn, tôi vểnh tai nghe lén xung quanh. Tôi nghe giọng của một người đàn ông trẻ tuổi:
- Tôi nghe nói, đây đã là người thứ mười lăm rồi đấy!
Một người đàn ông trung niên khác chen vào:
- Không! Là mười sáu!
Một giọng nữ trung niên khác trầm xuống:
- Cãi nhau làm gì, quan trọng là người chết vô cùng thảm khốc, toàn thân dập nát hầu như không thể nhận dạng…
Một giọng nữ khác tỏ vẻ đồng tình:
- Đúng vậy, tôi nghe nói những án mạng này giống với loạt án mạng mười mấy năm về trước…
…
Sau khi nghe ngóng hồi lâu, tôi đã rút ra được chút tổng quan về tờ cáo thị làm xôn xao dân chúng huyện Giáp Sơn này. Mười lăm năm về trước, cũng đã từng xảy ra những vụ giết người làm rung động không những huyện Giáp Sơn mà cả Phủ Lộ Tân Hưng. Án mạng xảy ra liên tục trong một tháng. Một ngày có một nạn nhân. Nạn nhân tử vong trong trạng thái cơ thể hoàn toàn dập nát, máu me toàn thân nên mới gọi là “Huyết Án”. Thời điểm tử vong đều nằm trong khoảng canh hai đến canh ba. Những nạn nhân này không có mối liên quan gì với nhau. Hung thủ cũng hoàn toàn không có vết tích. Thời điểm đó, thậm chí đã kinh động đến cả đương kim hoàng thượng Trần Thánh Tông. Tuy nhiên, khi quan viên đặc phái của triều đình xuống điều tra thì huyết án kinh thiên lại ngừng lại, không chút dấu vết biến mất đến tận ngày hôm nay. Khoảng nửa tháng trước, những án mạng thảm khốc liên tiếp xảy ra, cơ hồ mỗi ngày một vụ không khỏi khiến lòng dân xôn xao liên tưởng đến huyết án năm nào.
Những tin tức này không khỏi khiến tôi giật mình. Đành rằng, việc phá án ngày xưa chưa thể sánh bằng công nghệ hiện đại ngày nay, nhưng thủ pháp gây án ngày xưa cũng không thể tinh vi như hiện tại được. Việc toàn Phủ Lộ, tương đương với một tỉnh lớn dốc sức điều tra lại không có chút kết quả nào, chứng tỏ “Huyết Án” năm nào thật sự rất bí ẩn. Chính sử không hề ghi chép lại những việc vụn vặt như thế này chứng minh nó không có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử dân tộc. Vì vậy, tôi cũng chỉ thoáng kinh ngạc đôi chút rồi lại ngoan ngoãn cuộn mình nằm sau tay nải của Tiểu Bạch. Lúc này Tiểu Bạch cũng lâm vào trầm tư suy nghĩ. Khi suy nghĩ, dù trời có sụp trước mắt cũng chưa chắc đã khiến Tiểu Bạch nháy mắt lấy một cái.
Tôi thản nhiên lim dim một chút, đột nhiên một âm thanh không hợp logic xẹt qua tai, tôi bừng tỉnh, theo bản năng thò tay ra khỏi tay nải chụp về hướng gió xẹt qua. Bất hạnh thay, bàn tay bé nhỏ của một con chó nhà hai tháng tuổi móng vuốt mềm mềm thì độ dài có bao nhiêu? Khi tôi và Bạch Vân cư sĩ nhận ra mình đã bị cướp mất lộ phí đi đường thì kẻ trộm đã tan vào biển người còn đang râm ran bàn về tờ cáo thị và vụ huyết án năm nào. Ngay sau đó, biển người lẫn lộn cũng làm mất đi mùi của kẻ trộm này. Tôi có cảm giác mình đang hóa đá đứng giữa chiều hoang vắng, gió thổi hiu hiu, toàn thân lạnh buốt.
Trong khi tôi đang vô cùng lo lắng bị Tiểu Bạch “chà đạp không thương tiếc” thì một âm thanh của thiếu nữ vang lên:
- A, thật là đáng yêu!
Ngay sau đó là hàng loạt thanh âm tương tự vang lên “Thật đáng yêu!”, “Dễ thương quá”, “Nhìn này, trên trán còn có lông màu hung đỏ, đẹp quá đi!”, “Đúng vậy, nhìn màu lông trắng tinh này”… Liền có người lao đến Bạch Vân cư sĩ : “Sư Thầy có bán con chó con này không a?”, “ Sư Thầy, người ra giá đi, ta thật sự rất muốn!”…
Tôi vội vàng nhìn lại và phát hiện mình đang ảo não thò đầu và bàn chân trước ra ngoài tay nải. Tôi biết một con chó nhỏ màu trắng béo múp míp như tôi có “mị lực” lớn cỡ nào với các cô nàng trước mặt. Ngay lập tức, tôi lui mình vào tay nải hòng trốn tránh những đôi mắt “háo sắc” trước mặt. Bên tai tôi bỗng nhiên vang vọng tiếng của Bạch Vân cư sĩ, tôi có thể thề, khi nghe rõ những từ này, tôi thấy mình chẳng khác nào nghe thấy thanh âm của ma quỷ “Cũng đã đến giờ cơm chiều, lộ phí lại mất, trước khi tìm lại, cũng không thể để bụng đói, con nói có phải không?...Ừ! Thôi thì con hy sinh một chút, tạm đến nhà một trong những cô nương này ở tạm rồi tìm cách trở về với thầy nhé!”…Ô ô ô, tôi thật sự muốn khóc mà không ra nước mắt… Tiểu Bạch hoàn toàn có thể vào rừng tìm đồ ăn chay và ngủ trên cây mà? Vì cớ gì lại muốn bán học trò đi?... Tuy nhiên, không kịp để cho tôi than thở hết câu, Bạch Vân cư sĩ đã “hiền hậu” quay lại với các thiếu nữ, đồng thời túm tôi ra khỏi tay nải:
- Tạ các thí chủ đã quan tâm, lão tăng đi đường xa cũng không tiện chăm sóc động vật, thí chủ nào có “tâm” lão tăng xin phép gửi lại.
Ngay lập tức, lại một biển người mới được tạo nên, hàng loạt âm thanh vội vàng vang lên:
- Ta xin gửi sư Thầy mười đồng làm lộ phí đi đường!
Một giọng khác đầy khinh bỉ:
- Mười đồng? Quanh đây cũng không có chùa ở gần ta mời sư thầy cơm chay chiều nay và ngủ lại buổi tối, ngoài ra thêm hai mươi đồng làm lộ phí!
…
Chỉ một lúc sau, giá trị của tôi đã nâng lên thành một tiền cộng với một bữa cơm chay cùng một buổi ở trọ miễn phí. Có thể tính đơn giản, một đồng có thể ăn đến năm ly chè của Thím Tư. Một tiền “Tỉnh mạch” là sáu mươi chín đồng, tương đương với một lượng bạc. Như vậy, giá trị của “tôi” cũng không phải là nhỏ. Nếu tôi không thể đánh hơi tìm lại túi tiền, đường đi còn xa, thầy trò tôi thật sự sẽ quá gian nan. Hơn nữa, Tiểu Bạch cũng vô cùng thanh bạch, tiền bạc trong tay không có nhiều, kể cả quay về, số tiền còn lại ở Bạch Vân Sơn cũng chỉ được chưa đầy nửa tiền tiền, là số tiền Tiểu bạch để dành ăn chè trong cả năm. Tất cả số tiền chúng tôi mang theo cũng chỉ là 345 đồng, tương đương với năm lượng bạc mà thôi. Nhưng số tiền này cũng đã đủ cho một gia đình nông dân ăn uống sinh hoạt thoải mái đến hai năm, nếu tiết kiệm có thể đến bốn năm. So sánh ra thì thấy nhiều, nhưng kiểu “vung tay quá trán” khi muốn làm việc thiện của cư sĩ thì năm mươi lượng cũng vẫn còn ít chứ đừng nói đến năm lượng. Về phần ăn chạy và ngủ lại, điều này không cần phải băn khoăn, thời đại này rất trọng đạo phật, do vậy, chỉ cần mở miệng, Tiểu Bạch sẽ được dân chúng chất phác hiền lành tiếp đãi nồng nhiệt. Do vậy, nếu như không cần mua thuốc cứu chữa người bệnh trên đường đi, không xuất tiền giúp đỡ người khác, kỳ thực Bạch Vân cư sĩ hoàn toàn có thể không cần sử dụng đến tiền mặt.
Vào lúc tôi sắp sửa được “chốt giá” thì một thanh âm có pha chút chua chua vang lên:
- Ta gửi sư thầy một tiền. Ngoài ra ta cũng mời sư thầy ăn và ở lại tối nay!
Sao tôi lại nghe thấy chất giọng này quen tai?... Trí nhớ nhanh chóng đảo lại, tôi ngạc nhiên nhìn lại người trước mặt, đây chẳng phải là một trong hai người tranh bát chè khoai của Thím Tư rồi bị Tiểu Bạch dụ dỗ rời đi sao?
Lại một giọng nữ chua chua không kém vang lên:
- Ta gửi sư thầy một tiền và ba lăm đồng, ngoài ra, có thể ăn ở nhà ta một tuần!
Tôi chỉ có thể há hốc miệng tràn đầy kinh ngạc, đây chính là vị còn lại trong cuộc quyết chiến dành ly chè ngày nào gần chân núi Bạch Vân. Thật sự là quá trùng hợp. Và màn đấu giá “tôi” được hai vị tiểu thư kia đẩy lên nhanh chóng, chỉ một lúc tôi đã được đẩy lên đến ba tiền, tương đương ba lượng bạc. Tất cả mọi người xung quanh đều xôn xao, xung quan có nhiều ánh mắt đỏ bừng vì không thể xuất ra nhiều tiền hơn nữa. Tôi cũng thật là giá trị? Nhưng sao khi nghe chất giọng chua chua của hai người này, tôi đột nhiên thấy toàn thân mình lạnh run, tâm thần bất định. Thật sự phải làm vật nuôi cho một trong hai cô nàng này? Sao chưa đến mùa đông mà tôi đã thấy gió mùa đông bắc tràn về chui qua đến từng kẽ lông?
Vào lúc tôi đang run rẩy từng chập thì một giọng nói trong veo của trẻ con cất lên:
- Ta muốn con chó nhỏ này! Sư thầy để ta nuôi nó, ta sẽ chăm sóc cẩn thận. Người muốn như thế nào, ta sẽ đổi như thế đó. Trước hết là ba mươi tiền và chỗ ở một năm tại bất cứ Thịnh Bảo quán nào.
Chỉ một câu nói mà như một đạo mệnh lệnh tràn đầy uy nghiêm không thể cự tuyệt. Một lần trả giá nhiều gấp mười lần. Quan trọng hơn, Thịnh Bảo quán, quán trọ lữ hành trong truyền thuyết có phân nhánh khắp mười hai lộ trên khắp cả nước. Muốn ở một năm tại bất kỳ phân nhánh nào, phòng loại thấp nhất cũng mất ít nhất hai mươi lượng bạc nữa. Như vậy giá trị của tôi thoáng chốc đã lên đến năm mươi lượng?
Toàn bộ dân chúng xung quanh lặng ngắt như tờ. Cái giá này cho một con chó con đến Đại Tư xã, không, có lẽ đến cả Tri huyện cũng không sẵn sàng trả. Một con chó nhỏ tương đương bốn mươi năm sinh hoạt phí của một gia đình nông dân, gần một năm lương của quan lục phẩm. Tất cả đều đưa mắt nhìn lại. Đứa trẻ kia áng chừng chín, mười tuổi. Trang phục nam giới hoa lệ, khuôn mặt anh tuấn, quý khí bức người, bên cạnh là hai người hộ vệ mặt sắt năng lực thật không tầm thường. Bất cứ ai nhìn qua cũng nhận thấy đây là kẻ khó trêu chọc vào.
Bạch Vân cư sĩ lúc này mới ôm tôi bước ra, cười khẽ, chòm râu bạc rung rung trong gió:
- Đa tạ mọi người đã quan tâm. Lão tăng chỉ muốn gửi gắm Tiểu Lang cho một người chủ tốt bụng. Nhưng mà, lão tăng già rồi hay lẫn lộn, trụ trì vẫn cần nói cần một con chó để trông chùa. Xin lỗi đã làm phiền mọi người.
Nụ cười “hiền từ, nhân hậu” của Tiểu Bạch quả nhiên có thể lừa gạt bất kỳ ai. Kể cả đứa trẻ có khí chất đặc biệt kia cũng vậy. Không ai thật sự nỡ cướp đoạt gì từ một lão tăng trong thời buổi Phật giáo thịnh hành như triều Trần này. Tôi âm thầm thở phào, thì ra, Tiểu Bạch cũng không thật sự muốn bán học trò đi. Tuy vậy, hai cô nàng có chất giọng chua chua kia vẫn nhìn tôi đầy khát vọng khiến tôi không nhịn nổi lại rùng mình. Đứa trẻ đặc biệt kia do dự một lúc, cuối cùng vẫn lên tiếng:
- Sư thầy, ta thật sự rất thích nó, người có thể cho ta mượn hai ngày,… không, một ngày thôi được không?
Bạch Vân cư sĩ ngạc nhiên nhìn lên, đứa trẻ kia vội vàng nói tiếp:
- Đương nhiên, một ngày đó, sư thầy cũng ở bên cạnh chúng ta!
Bạch Vân cư sĩ tiếp tục cười rất chuyên nghiệp:
- Vậy được, pháp danh của ta là Tịnh Không, xin hỏi mấy vị thí chủ đang ở đâu?
- Ta là Vân, Trần Vân, đang ở Thịnh Bảo quán, mời Tịnh Không sư thầy ghé cùng.
Trong mắt đứa trẻ tên Vân kia ánh lên niềm vui mừng không thể che giấu, nhưng vẫn trầm ổn bước đi, khí độ không hề thay đổi. Trong lúc tôi đang mải mê đánh giá người khác thì Bạch Vân cư sĩ lại thở dài thườn thượt “ Ai, ai…bán học trò mà cũng khó vậy, bán Tiểu Liên cho người này, hộ vệ lợi hại như vậy thì làm sao mà nhanh chóng chạy trở lại được chứ? Chưa đến nơi đã mất học trò, mất không đủ bù rồi! Thật phiền phức! Tạm thời khoan đã bán...” Lần thứ ba trong chưa đầy một canh giờ, tôi lại thấy toàn thân lạnh buốt, cơ thể theo bản năng lại run rẩy.
Trời chiều, nắng dần nhạt đi. Đường ngang lối dọc đều thắp đèn đuốc, ánh sáng như mộng, như ảo. Hai thầy trò tôi theo bước chân của Vân thong thả đến Thịnh Bảo đường. Đó là một tòa nhà lớn hai tầng lầu khang trang ngay ngã tư sầm uất của phố huyện, ước chừng phải có ít nhất hai mươi gian phòng. Vào thời đại này, có thể xem như Hotel hạng 4*. Khi chúng tôi tiến vào đại sảnh, chủ quán mang khuôn mặt tươi cười của thương nhân còn chưa kịp tiến đến chào đón thì một bóng người đã vụt đến trước mặt Vân:
- Công tử, Lục công tử đã đến, đang chờ ngài.
Trần Vân công tử quay lại mỉm cười:
- Tịnh Không sư thầy, phòng ta đã đặt sẵn, sư thầy cứ nghỉ ngơi. Ta có việc, mạn phép đi trước. Sư thầy đi cùng chúng ta đến biệt viện nhận phòng nghỉ chút rồi ăn tối nhé?
Bạch Vân cư sĩ cùng cười hiền hậu gật đầu. Lúc này, tôi thật không ngờ, cuộc gặp gỡ hôm nay lại gây ra nhiều sóng gió mai sau đến như vậy.
Chú thích:
[1] Phủ lộ Tân Hưng:
Tương đương một phần
Quảng Ninh,
Thái Bình,
Hải Phòng và
Hải Dương hiện nay, gồm có 2 châu, bản phủ trực tiếp quản lý 5 huyện: Giáp Sơn (
Kinh Môn hiện nay), Thái Bình (
Thái Thụy hiện nay), Đa Dực (
Quỳnh Côi hiện nay), A Côi (một phần
Quỳnh Côi hiện nay), Tây Quan (
Thái Thụy hiện nay). Ba châu gồm:
Châu Đông Triều gồm 4 huyện: Đông Triều (
Đông Triều hiện nay), An Lão (
An Lão hiện nay), Cổ Phí (Kim Thành hiện nay), Thủy Đường (
Thủy Nguyên)
Châu Hạ Hồng gồm 4 huyện: Trường Tân (Gia Lộc hiện nay), Tứ Kỳ (
Tứ Kỳ hiện nay), Đồng Lợi (
Ninh Giang và một phần
Vĩnh Bảo hiện nay), Thanh Miện (
Thanh Miện hiện nay)
[2] An Phủ chánh sứ: Chức quan đứng đầu một lộ trong cả nước. Nhâm Dần, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 11 (
1242) có ghi: Mùa xuân, tháng 2, chia nước làm 12 lộ. Đặt chức
an phủ,
trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức
đại tư xã,
tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2-4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là
xã quan.