Bài tham gia số 7 (Bạn Kú đốm)
Muốn một lần là chính tôi
Ngày bé tôi rất thích vẽ và thực sự có khả năng vẽ. Tôi đam mê vẽ, vẽ bất cứ thứ gì, bất cứ lúc nào đến nỗi tôi đã nhiều lần bị phạt đứng vì vẽ trong giờ học. Tôi ấp ủ ước mơ thành nhà thiết kế từ những ngày đầu cấp 2. Người bạn thân của tôi cũng cùng sở thích này. Hai đứa chúng tôi mơ mộng về tương lai, thậm chí còn lập cả kế hoạch để đến gần hơn với ước mơ ấy: du học.
Tôi, bạn tôi…rốt cuộc cũng không ai thực hiện được giấc mộng của mình. Lên cấp 3, chúng tôi lớn hơn, suy nghĩ cũng nhiều hơn, chúng tôi không thể ích kỉ cho bản thân mình. Nghệ thuật là một ngành có thể nói là chỉ những nhà giàu mới kham nổi. Hơn nữa không phải ai cũng có thể thành công trong lĩnh vực này. Lúc đầu tôi không hiểu, chỉ nhất quyết giữ bằng được giấc mộng ngày bé của mình. Tôi cho rằng đây là cuộc đời tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm với nó. Tranh cãi, giận dỗi, bướng bỉnh…điều ấy không giúp được gì cho tôi. Bố mẹ và mọi người trong gia đình không ai đồng ý tôi theo ngành này. Phải mất nhiều thời gian sau tôi mới chấp nhận hiện thực, từ bỏ thứ mà nhiều người cho là viển vông. Một người bạn của tôi đã nói rằng: em còn muốn trẻ con đến bao giờ, bố mẹ sẽ chẳng bao giờ dồn ta vào chỗ bất lợi, họ đang suy tính cho cuộc đời em, cho em được hạnh phúc ngay cả khi họ không thể bên em. Vậy là tôi từ bỏ nhưng vẫn chỉ suy nghĩ rằng chỉ là tạm thời, sau này có điều kiện mình nhất định sẽ đi tiếp con đường ấy. Người bạn của tôi chín chắn hơn tôi nhiều, nó đã sớm nhận ra hiện thực không phải là thứ mà ta có thể đùa dỡn.
Tôi đã chọn Ngôn ngữ Trung Quốc của Đại học Ngoại Ngữ khi điền nguyện vọng NV1, bạn tôi chọn Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại Thương. Đây không phải là một quyết định mang tính ép buộc nào, chúng tôi sau khi gác lại bút vẽ đã tìm cho mình một con đường khác để yêu thích và gắn bó. Tôi đến giờ vẫn chưa rõ vì sao một đứa có vẻ văn chương như nó lại thích được những con số, còn tôi muốn trở thành một nữ phiên dịch viên được bắt nguồn từ… sở thích đọc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Tôi đã cuồng tiếng Trung. Chúng tôi cày ngày cày đêm chuẩn bị cho kì thi đại học đến nỗi đứa nào cũng gầy đi một vòng và đen thêm mấy lớp.
Tháng 7 đến, hè nắng nóng dữ dội cũng như mùa thi năm ấy. Ngày báo điểm, tôi trượt bạn tôi đậu. Bạn tôi đang đến gần với ước nguyện của nó. Lần đầu tiên tôi nếm trải thất bại, mùi vị quả là rất tệ. Tôi phải thông báo với bố mẹ những người gần như tin tưởng vào việc tôi sẽ đậu Đại học kết quả ngược lại. Tôi vẫn luôn biết mẹ thương tôi nhưng không ngờ lại vĩ đại đến thế. Không một lời trách móc, không tỏ ra khó chịu khi tôi vì thất bại của mình mà trở nên cáu gắt vô cớ, thậm chí còn chăm nom tôi hơn trước. Có lẽ mẹ sợ những tư tưởng ấu trĩ của giới trẻ, sợ tôi nghĩ quẩn. Thực ra tôi cũng từng buông xuôi bản thân nhưng đó là chuyện của một năm về trước vì vết thương lòng với một nam sinh cùng trường. Có lẽ tôi phải cám ơn anh, nếu không có đau đớn ngày ấy tôi sẽ không biết quý trọng sinh mạng của mình. Miệng lưỡi của con người quả là đáng sợ, những người mới hôm qua thôi còn thân thân thiết thiết kéo tay tôi hỏi thăm tình hình học tập, dặn tôi giữ sức khỏe để ôn thi hôm nay đây ném cho tôi những cái nhìn thương hại, thầm thì nói sau lưng tôi những lời mà đôi khi tôi muốn xóa khỏi đầu mình mà không được.
Tôi phải đối diện với thất bại. Tôi đã biết hóa ra cuộc đời tôi không phải chỉ là của riêng tôi và cũng chẳng thể tự chịu trách nhiệm với nó. Tôi dành được giải này giải kia, tôi được danh hiệu này danh hiệu nọ, bố mẹ tôi được người ta tung hứng. Tôi thi trượt đại học cũng chính bố mẹ tôi lãnh trọn hậu quả. Tôi không thể cứ hèn nhát trốn mãi trong nhà được nữa! Tôi quyết định thi lại, một quyết định khó khăn lấy đi của tôi vài đêm thức trắng, một quyết định mà lúc đầu chỉ có bạn tôi, mẹ tôi hết lòng ủng hộ. Tôi cũng hoang mang không biết đúng sai ra sao nhưng tôi không muốn bị ghìm chân vì cú vấp ngã này, tôi không thể từ bỏ giấc mơ của mình một lần nữa. Tôi không muốn khi nhắc đến mình chỉ là kẻ thất bại.
Nửa năm đầu ở nhà, tôi lầm lũi đi học thêm với các em khóa dưới. Suy nghĩ của bọn nhỏ y hệt tôi ngày trước khi thấy ai đó ôn thi lại: chắc học kém nên mới trượt đại học. Tôi không phủ nhận cũng chẳng bàn cãi gì, cho dù chỉ thiếu nửa điểm, trượt vẫn cứ là trượt. Bạn tôi đi xa, chỉ có ngày nó về tôi mới được trở lại là tôi này xưa hay nói hay cười. Chúng tôi tự an ủi lấy nhau, động viên nhau. Qua những tin nhắn, những cuộc gặp gỡ bạn tôi luôn muốn kể cho tôi những thứ hay ho ngoài kia tiếp thêm động lực cho tôi gắng học hành. Sau này tôi mới được biết nó nhiều hôm thẫn thờ đi trên đường phố Hà Nội đông vui mà vẫn cô quạnh chỉ bởi Hà Nội không có tôi, không có sự chân thành.
Thời gian học ở nhà khiến tôi rơi vào câm lặng, tâm lý của tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Tôi cứ phải cười với những người đang mỉa mai tôi, cứ phải trả lời những câu hỏi xoay quanh việc thi lại, tôi cũng không thể hòa nhập với lớp học chỉ có thể lặng lẽ một mình đi đi về về. Tôi không chịu được trạng thái ấy, tôi nghĩ mình sẽ chẳng tạo nên kì tích gì với tâm trạng như vậy. Tôi ra Hà Nội ôn thi vào 4 tháng cuối cùng, nơi chẳng ai biết tôi là ai, nơi cũng có rất nhiều bạn cùng chí hướng với tôi và nơi có cô bạn thân tôi ở đó.
Tôi may mắn được học văn với người phụ nữ tuyệt vời nhất, cô như mẹ như chị như bạn tôi, cô mang tên ‘’dòng sông trăng xinh đẹp’’. Những tác phẩm văn học không còn là văn học thuần túy, những bài nghị luận xã hội đã thôi cứng nhắc khô khan, tôi lại tìm được mạch văn ngày ấy. Cô cho tôi biết cái đẹp cũng cho tôi thấy cái xấu, cô dạy tôi nói con yêu mẹ, nói cảm ơn, nói xin lỗi... những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng mấy ai nói nổi thành lời. Đôi khi tôi nghĩ chưa hẳn việc thi trượt đã là không tốt, ít nhất nó cho tôi thêm 1 năm già dặn, thêm 1 năm kinh nghiệm, thêm cả những nóng lạnh tình người …
Lại sắp đến mùa thi, ngày điền nguyện vọng tôi đắn đo giữa ngành mình thích và ngành mình chắc chắn có thể đậu của Đại học Hà Nội (tôi không chọn Đại học Ngoại Ngữ nữa vì cho rằng nó đã bỏ rơi mình chẳng tội gì mình lại ‘’mặt nóng dán mông lạnh’’). Tôi chọn cả hai và đến ngày ngồi trong phòng thi vẫn phân vân hạ bút.
Tiếng Đức đến với tôi ngẫu nhiên như thế và có lẽ cũng là quyết định đúng đắn nhất của tôi từ trước đến giờ. Tôi vẫn yêu tiếng Trung chỉ có điều tôi yêu thêm cả tiếng Đức, yêu ngôi trường tôi theo học. Nhiều người e ngại ngành học của tôi không có tương lai. Lúc này tôi đã thôi suy nghĩ được mất, tôi chỉ đơn giản là cố gắng sống biết thế nào là đủ, sống cho trọn vẹn hôm nay còn tương lai hãy để tương lai biết đi… Tôi yêu tiếng Đức, yêu cái khẩu âm nặng mà nhiều người bảo như ‘’tiếng chó sủa’’. Tôi lang thang nơi Hồ Tây, Lăng Bác, Văn Miếu… và sướng rơn khi được trò chuyện với một cặp người Đức nào đó bằng tiếng nói bập bẹ của mình. Tôi lại đang nuôi mộng làm một nữ phiên dịch viên. Cứ cười nếu bạn muốn, còn tôi tôi sẽ sống mà không hối hận gì.