6.2
Phụng còn cách cổng nhà một đoạn đã ngửi thấy mùi khói lẫn mùi thơm len lỏi trong không khí. Càng đến gần, lại càng chắc chắn là từ nhà mình bốc ra.
Đến cổng, thì thấy Quyền ngồi chồm hổm giữa sân, chăm chú đảo hai que tre qua lại trên lửa, trên đó có xiên hai con cá nho nhỏ. Thỉnh thoảng câu lại cúi xuống dụi mắt vào đầu gối, hình như là bị cay khói.
- Mày nướng cá à?
- Nhìn thì biết, còn phải hỏi!
- Sao tự nhiên qua nhà tao nướng cá?
- Nướng cho mày với bà ăn, không lẽ nướng ở nhà tao? Cá nướng phải ăn nóng mới ngon, không biết à?
Phụng cảm thấy Quyền nói có lí, không những thế còn thấy cậu rất tốt nữa. Cô không biết điều gì đã khiến Quyền thay đổi, nhưng kể từ sau vụ bão và vụ lợn, cô không còn ghét cậu nhiều nữa, hình như là không ghét cậu nữa...
Cô tháo dép kê cạnh Quyền, ngồi xuống vui vẻ cầm lấy một que, bảo:
- Để tao phụ mày!
Quyền đưa que cá cho cô, trong bụng cười thầm.
Cá tươi nướng thịt mới thơm và dai làm sao, ăn như thịt gà vậy. Phụng gỡ cá ra bát, cẩn thận lặt hết xương, rồi đưa cho bà. Bà Tỉnh phải mấy chục năm mới được ăn lại món này nên khen lấy khen để. Phụng tít mắt, Quyền cũng tít mắt, hai đứa chia nhau con còn lại.
- Bận trước anh Chức cũng cho tao hai con cá chuối, to gần bằng con này.
- Phụng chấm miếng cá vào muối ớt xanh giã nhuyễn, hít hà, vừa nhai vừa kể.
Quyền cầm quả ớt chín, cắn một miếng, gật gù:
- Thế à? Ăn ngon không?
- Không ăn, để nuôi trong bể ấy...
Quyền nhìn Phụng. Phụng nhìn Quyền. Đột nhiên Phụng có dự cảm chẳng lành, cô nuốt vội miếng cá, hỏi:
- Cá này mày bắt à?
- Dĩ nhiên, không tao thì còn ai? – Mắt Quyền sáng lên, khoe. – Mày chưa thấy tao bắt cá bao giờ đúng không? Bữa nào làng tát ao, tao bắt cho mày mấy con trạch về kho tương riềng nha?
- Mày bắt cá ở đâu? – Phụng có vẻ không hào hứng với mấy con trạch mà Quyền hứa hẹn. Cô vẫn cảm thấy có gì đó không đúng về hai con cá chuối này.
Thấy không đánh trống lảng được, Quyền tỉnh bơ chỉ về phía lu gốm:
- Trong đó!
- Trong đó?
- Ừ, trong đó!
- Ừ trong đó?
- Trong đó thì nói trong đó, chứ mày muốn sao? – Quyền gân cổ vặc lại.
Phụng chạy ra ngó vào trong lu. Trống trơn.
Cô móc họng:
- Ọe... ọe...
Khổ nỗi sáng giờ chưa ăn gì, mấy miếng cá nhỏ chui vào là dạ dày nghiền nát, thành ra sau hồi ọe ọe không được. Phụng gào lên:
- Cá đó là anh Chức cho tao đó mày biết không? Tao quý muốn chết mà mày lại bắt nó nướng lên... – Nói đến đây Phụng thấy nghèn ngẹn.
- ...
- Mày đúng là quân ác ôn, đến con cá cũng không tha!
- ...
- Tao không muốn chơi với mày nữa!
Quyền ngẩng lên, miếng cá mới đưa đến mồm liền dừng lại. Cậu nheo mắt, điểm lại sự việc:
- Lúc thấy cá mắt mày sáng hơn cả mắt mèo, còn hăm hở ngồi nướng, xong gỡ ăn khí thế, miệng không ngớt khen ngon ngon... Lúc đó nhìn mày như cô Tấm ấy, nhân từ lắm lắm...
Phụng vừa tức vừa thẹn trước lời mỉa mai của thằng Quyền, cô muốn tự vả vào mồm mình ghê gớm, tất cả chỉ tại cô tham ăn.
Nó mặc kệ Phụng đứng đó, từ tốn chấm miếng cá vào muối ớt, thưởng thức hương vị tuyệt cú mèo này.
Đúng lúc Phụng định lên tiếng thì Quyền cướp lời:
- Mày hết giận anh Chức rồi à?
- Ai bảo?
- Vậy sao sửng cồ lên thế?
- Giận anh Chức thì liên quan gì đến cá?
- Ghét người nào thì phải ăn cá của người đó, cho bõ tức chứ?
- Hừ, vậy tao càng không nên chơi với mày, vì mày là em anh!
- Hừ, tùy mày.
Nói rồi Quyền đứng dậy, phủi quần.
- Xương cá để con mèo mướp nhà dì Tiến ăn. Thôi, tao về.
Và, Quyền về thật.
Phụng ngơ ngác. Người mất lợn là cô, người mất cá cũng là cô cơ mà?
…
“Có lẽ tao sẽ không gặp được họ...
Ai?
Chẳng biết... Ai?”
Phụng mở mắt. Kì lạ là cô như chỉ vừa nhắm mắt suy nghĩ, chứ không phải là vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ dài với một giấc mơ quen thuộc. Cho dù là mơ cái gì, thì cuối cùng vẫn là những câu hỏi ập đến, và cô đều phải trả lời. Rồi chúng cứ lặp lại như thế mãi, khiến cô không biết đó là suy nghĩ của bản thân hay là mơ nữa. Cũng 9 năm rồi còn gì, liệu khi mặt đối mặt họ có nhận ra cô? Hay cô còn nhận ra họ không?
Phụng thở dài. Cô quay sang nhìn bà.
Bà Tỉnh vẫn ngủ, bà nằm góc trong giáp với tường, khuôn mặt hơi nghiêng qua một bên, đều đặn thở. Không biết cô còn được ở với bà bao nhiêu cái chín năm ấy nữa. Nếu bà khỏe một chút, thì cô đã dẫn cả bà cùng vào Nam. Nhưng dù bà có khỏe hơn thì chưa chắc bà đã chịu đi, bởi bà lúc nào cũng sợ mình sẽ chết ở nơi đất lạ, bà luôn muốn được trút hơi thở cuối cùng tại nơi chôn nhau cắt rốn này.
Bà sợ chết ở đất khách quê người còn Phụng thì sợ cái chớp mắt của thời gian, sợ đến ngày nào đó, cô sẽ quên luôn cái ước muốn của mình. Hoặc giả ngày nào đó, khi cô có thể thực hiện được thì cô không còn khao khát nữa. Thế đấy, sợ trước rồi sợ sau… luẩn quẩn như thế nhưng Phụng có thể làm được gì? Cô không thể quyết định được.
Cô không thể có một quyết định dứt khoát.
…
Sớm ấy, Phụng đi bộ qua xưởng gốm, cô vẫn đang chăm chỉ học tạo xương gốm và trang trí men. Cũng sắp hết hè rồi, nên cô muốn tranh thủ học thật nhiều. Chứ vào năm học rồi, thời gian chẳng có là bao.
- Tin! Tin!
Không phải là tiếng chuông xe đạp, mà là tiếng anh Chức. Phụng dừng lại.
Chức xịch chân cho xe dừng ngay cạnh Phụng, anh cười:
- Em ra xưởng à? Lên anh cho quá giang một đoạn!
Phụng lắc đầu:
- Dạ thôi, em tự đi được!
Chức im im, cậu nghiêng đầu cúi xuống dòm mặt Phụng.
Phụng cúi gằm, tay vân vê vạt áo. Chốc, cô ngẩng lên:
- Thôi, em đi đây!
- Khoan đã! Phụng!
Chức choãi hai chân bơi cả người lẫn xe lao tới trước, cản đường Phụng.
- Em vẫn giận anh vụ con lợn à?
Im lặng.
Chức dựng chân chống xe, tiến lại gần Phụng hơn. Anh chìa bịch dâu tằm mọng chín ra đằng trước, nhẹ nhàng bảo:
- Cho em đấy, ăn ngọt lắm!
Phụng không lấy nhưng vẫn lén nhìn rồi trộm nuốt nước miếng.
Chức dúi bịch dâu vào tay cô, hạ giọng:
- Em giận anh buồn lắm đấy!
Mặt anh trông có vẻ buồn thật. Thấy thế, Phụng mới nói:
- Anh làm em buồn trước mà!
- Sau này lớn chút em sẽ hiểu, không nên làm sai với đường lối của xã…
- Em không muốn biết cái gì nên với không nên, em chỉ biết giờ lợn nhà em mất rồi lợn nhà các cô, các bác trong làng cũng thế…
Chức im lặng.
Phụng cũng im lặng.
Trên đầu hai đứa, trời bắt đầu sầm sì rồi ào cái đổ mưa xuống. Cơn mưa phùn giữa hè khiến bất cứ ai đang làm việc ngoài trời cũng không kịp trở tay.
Điều đầu tiên Chức nghĩ ra là dùng bàn tay rắn rỏi của mình che đầu cho Phụng. Mưa dội vào mu bàn tay anh rồi văng cả ra ngoài.
Phụng ngước đôi mi khô ráo nhìn Chức, đúng lúc Chức cũng nhìn Phụng. Anh tiến lại sát với cô hơn, duy chỉ có bàn tay là vẫn không đổi vị trí.
Lúc này mặt Phụng cách ngực Chức chỉ một cái mũi, chỉ cần thở mạnh một chút cô sẽ thấy hơi thở của mình phả ngược lại vào mặt nóng hổi.
Phụng chưa kịp nghĩ đến điều gì khác thì Chức đã lùi lại một bước, hai lúm đồng tiền cứ thế nhìn Phụng mà cười.
Dưới khoảng trống nhỏ mà lá môn già tạo ra, Phụng mở to mắt nhìn Chức.
Ra tiếng sột soạt và cả màn rút ngắn khoảng cách ấy là do Chức muốn ngắt lá môn phía sau lưng Phụng mà thành.
Phụng không biết khi nào mưa mới tạnh, nhưng cô biết mình không giận Chức nữa. Giận Chức cô cũng buồn lắm.
…
Lu gốm thứ ba được Phụng nặn và vẽ men trong buổi sáng đã xong. Lần này Phụng dùng men nâu mật ong để viền miệng và lòng trong của lu. Bên ngoài, cô điểm xuyết hoa văn lẻ tẻ, rồi nhúng chờm lên một lớp men bóng.
Cô Sương rất hài lòng với tiến bộ của Phụng. Những buổi cơm trưa, cô cứ khoe với các bác trong xưởng mãi về học trò của mình, dù rằng người trong xưởng còn ai lạ gì Phụng nữa.
- Mẻ gốm tới đầu tháng đốt à? – Bác Iềng, thợ chuyên vuốt xương các lu, vại cỡ đại, lên tiếng.
- Cuối tháng này hay sao đấy bác, em không rõ, cái đấy phải hỏi bác Đại. – Cô Sương gắp miếng đậu hũ kho bỏ vào bát Phụng, đáp.
Có tiếng chẹp miệng, rồi tiếng và cơm soàn soạt át đi.
Phụng xắn đôi miếng đậu hũ mặn, xúc cùng cơm ăn ngon lành.
Bác Iềng lại nói:
- Sao đợt này đốt thưa dữ, khéo lại đến đông rồi, rét bỏ bố.
- Năm nay chắc không đốt đông đâu, hàng cũng chả nhiều… - Một bác khác trong tổ men nói xen vào.
Lại có tiếng thở dài, hình như là của tất cả mọi người, trừ Phụng. Có chuyện gì đang diễn ra tại xưởng mà cô không hay biết. Hoặc mọi người cho rằng cô còn nhỏ chẳng cần biết nên không ai muốn nói?
Phụng ăn hết một bát thì ngừng, mấy lần cô định hỏi ngưng cứ vừa mở miệng ra thì cô Sương hoặc bát Iềng lại khơi ra một chuyện khác, cứ thế cô chẳng chen vào được.
…
Biết Phụng ở xưởng Gốm cả ngày để làm việc, nên Quyền mang rắn thả vào lu trước, rồi mới tìm Phụng để khoe sau. Mấy hôm trước lỡ thịt mất của Phụng hai con cá chuối, cậu thấy áy náy trong lòng. Thôi thì cũng là để nuôi thôi mà, miễn là con nào đó còn sống, quẫy qua quẫy lại trong nước là được, cần gì phân biệt cá với rắn.
Thế nhưng trên đường ra xưởng, Quyền gặp tụi thằng Tồ, tụi nó rủ cậu đi bắt cua, bảo cua mấy bữa nay nhiều gạch và béo lắm. Quyền chẳng nghĩ nhiều, cậu vui vẻ theo tụi nó đi bắt cua, định bụng lát mang cua sang cho Phụng thì nói luôn thể.
Ai dè bắt xong cũng chập choàng tối, tắm rửa xong lại đói bụng. Vỗ no cái bụng xong thì lại buồn ngủ. Thành ra chuyện có con rắn thả trong lu Quyền cũng quên béng, chẳng nói Phụng biết.
…
Phụng đang cầm rổ, vãi thóc ra sân cho gà ăn thì Chức gọi ầm ĩ:
- Phụng, Phụng ơi!
- Sao thế à? – Phụng không hiểu vì sao Chức lại vui thế.
Chức cầm xấp giấy A4 khua khoắng:
- Có tin vui với tin buồn, em muốn nghe tin nào trước!
Phụng cười:
- Tin nào chả được… Tin vui đi ạ!
Chức lôi trong xấp A4 ra một tờ, có họ tên của bà Phụng trong đấy, rồi chỉ vào số 2 to tướng bên cạnh, giải thích:
- Xã cấp lợn giống lại cho những hộ có lợn bệnh, phải thiêu hủy đấy. Nhà em được hai con. Sớm mai xã chở xe xuống đấy.
Rổ thóc trên tay Phụng rớt bịch xuống sân, thóc văng ra hết, đàn gà thấy đồ ăn đột nhiên nhiều lên, sung sướng bu lại mổ lấy mổ để, không còn tranh nhau như trước nữa.
Phụng nắm lấy tay Chức, hỏi lại lần nữa:
- Thật không ạ?
- Thật! – Chức đáp chắc nịch.
- Ôi, em mừng quá… - Phụng rớt nước mắt. Thế là cô lại có lợn để nuôi rồi.
- Dì Tiến biết chưa ạ?
- Chưa, anh báo em trước đấy!
- Mọi người trong làng biết chưa ạ?
- Chưa, đã bảo anh báo em đầu tiên mà!
Phụng không nói nữa, cô ôm chầm lấy Chức, dụi cả nước mắt lẫn nước mũi vào áo anh.
Chức bật cười, cậu xoa đầu cô, khẽ bảo:
- Anh đã nói là phải tin tưởng đường lối, chính sách của xã mà lị…
- Thế chính thức hết giận anh nhá?
Chức cười, nụ cười tỏa nắng ấy Phụng có thể cảm nhận được dù cô không nhìn. Anh lại xoa đầu cô:
- Thôi nín đi, lớn rồi còn khóc nhè!
Cuối ngày khép lại với một niềm vui bất ngờ, khiến Phụng quên luôn cả tin buồn còn lại.
Mà thực ra, cũng chẳng có tin nào buồn khi lòng người đang vui như thế.
<< >>