Hoàn thành Gốm - Hoàn thành - Ô ăn quan

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
6.1

Phụng ngồi lặng lẽ ở góc kho, tay rờ lên hoa văn đắp nổi của chiếc bình giả cổ được phủ men lam dịu dàng. Đó là những bông hoa mai cao quý, chúng chỉ mới hé nở thôi nên hãy còn e ấp trước cái nhìn say mê của Phụng.

Cô không biết cái bình này tiêu tốn mất bao nhiêu thời gian và công sức của cô Sương, khi mà việc phủ men thôi đã quá phức tạp rồi. Phụng đoán cô Sương phủ men lên phần họa tiết nổi, sau đó đem nung sơ, rồi mới phủ lớp men nhạt hơn ở phần trống còn lại trên thân bình. Và lớp cuối cùng chính là men bóng, tráng đè lên tất cả lớp men còn lại. Việc tráng nhiều lớp men như vậy đòi hỏi người thợ phải rất cao tay. Biết được chính xác độ chảy, độ lên màu của men cũng như sự co rút của xương gốm để điều chỉnh lửa phù hợp, sao cho men nung xong không bị lem hoặc loang vào nhau.

Phụng nhớ có lần cô Sương bảo cô thích làm những đơn hàng kiểu này. Mỗi chiếc bình tạo ra là một nghệ thuật, in đậm dấu ấn cá nhân của người thợ gốm. Nhưng đơn hàng thế này rất ít, một năm chỉ có khoảng hai ba cái, mỗi cái chỉ đặt số lượng chưa đến hai trăm, bởi giá thành của chúng cực đắt.

Sở dĩ chúng đắt như vậy là thợ gốm phải làm mọi khâu liên quan, chứ không làm theo dây chuyền như những vật dụng thông thường khác, để gốm khi hoàn thành sẽ đạt độ tinh xảo cao nhất.

Phụng cũng thích tự mình làm từ khâu nặn xương gốm đến khâu cuối cùng. Cô thích cảm giác tự tay dỡ sản phẩm nung ra khỏi lò, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơ sinh của chúng. Chắc chắn sẽ rất tuyệt vời nếu có một ngày như thế xảy ra, Phụng ôm bình vào lòng, nhắm mắt tưởng tượng.

Bỗng có tiếng cô Sương vọng vào:

- Phụng ơi, làm gì trong đấy lâu thế cháu?

Mở mắt, Phụng vội vã đứng dậy. Cô cẩn thận đặt bình vào chỗ cũ rồi đáp:

- Vâng, cháu ra ngay đây ạ!

Hôm nay Phụng học làm xương gốm. Cô nặn một thoi đất bé bằng nắm cơm, nhào thật kĩ như mọi khi vẫn làm cho cô Sương, sau đó đặt lên bàn xoay, bắt đầu tạo dáng.

Ban đầu cô nghĩ đến ấm trà, nhưng sau lại muốn làm cái gì đó khó hơn tí, chẳng hạn như bình hoa cỡ tiểu.

Phần đất sét được đặt trên bàn xoay, dưới bàn tay nhỏ nhắn của Phụng, ngày càng cao lên. Cô khéo léo nắm chặt tay, nhẹ đưa vào phần lõi của đất. Rất nhanh, đất được dàn mỏng ra bao lấy tay Phụng. Sau đó, cô dùng hai ngón tay, khép nhẹ phần cổ để nó thu hẹp lại, rồi bẻ miệng hơi loe ra ngoài. Phụng dùng lá nhôm xén bớt một vòng đất thừa, vứt gọn sang một bên.

Cô Sương lâu lâu lại dừng tay, nhắc Phụng sửa lại cái này cái kia, ví dụ như lượn đường gân quá sâu hay miệng gốm quá cao... Những lúc ấy Phụng đều chăm chú nghe, ghi nhớ và điều chỉnh tức thì theo lời cô Sương.

Mất hơn một tiếng Phụng mới tạo hình xong cho bình. Cô mang bình đến chỗ bàn gỗ, đặt lên đó rồi lại mấy chỗ đựng men, múc ít men màu lam nhạt, pha với ít nước cho sánh rồi đem lại bàn.

Phụng nhúng đầu bút vào bát men, vẽ thử lên mảnh gốm khác, sau đó mới nhúng thêm lần nữa, rồi chọn vị trí, hạ bút. Tưởng như lần đầu, sẽ vụng lắm, nhưng kì lạ là những nét vẽ của Phụng đều gọn và rất mềm mại. Nước men dàn đều, không lem hay đứt gãy, bối cảnh cũng không bị lệch. Những cây tre thân cao mảnh khảnh và cả những búp măng non mới nhú, đều được Phụng lột tả một cách chi tiết. Cô còn vẽ thêm mấy cái lá rụng, và những đường vân thanh, nhẹ biểu trưng cho gió, xoáy vòng thổi lá lửng lơ.

Trong khi vẽ, Phụng như hòa làm một với bức tranh, cô thả hồn vào nét mộc mạc của rặng tre làng dưới ánh chiều tà, nghe nhịp thở yên bình của nơi chôn nhau cắt rốn.

- Đẹp... gần bằng tao đấy!

Phụng ngước lên, vẻ mặt của Quyền khi bình phẩm hệt như bậc thầy vậy.

Chẳng đợi Phụng bĩu môi, kiếm vài lời phản bác lại, Quyền lấy cây bút khác, chấm vào bát men, vặn nhẹ phần ngòi, rồi khom người, nhẹ nhàng lướt vài nét trên thân gốm.

Nhưng Phụng chẳng còn tâm trí để xem thằng Quyền thêm thắt những gì vào bức tranh trên thân gốm nữa. Bởi cái mặt nó gần như dí sát vào má cô, thậm chí đến hơi thở của nó, cô cũng nghe rõ mồn một. Chưa bao giờ cô nhìn nó ở khoảng cách gần như thế... chưa bao giờ phải nhìn nó lâu như thế.

Quyền vẫn đều tay vẽ, còn Phụng vẫn hơi nghiêng mặt, cô nhìn chăm chăm vào mấy giọt mồ hôi đọng trên tóc mai của cậu, ngón tay khẽ động đậy.

Đột nhiên cô muốn lau hộ Quyền, cô đưa tay lên, lưng chừng thì lại ngừng, ngại ngùng bỏ xuống, ngón tay khép chặt.

Quyền hơi rướn cổ về phía trước, cậu chấm thêm men, chăm chú dặm từng nét, không để ý đến Phụng đang đỏ mặt.

- Này, mày đi chỗ khác đi, tao đang làm việc. – Phụng lên tiếng để phá tan cảm giác kì quái đang xâm lấn vào đầu cô.

- Bộ tao đang chơi à? – Quyền đáp mà không nhìn Phụng.

- Mày tranh việc của tao còn gì?

- Tại mày vẽ xấu quá chi?

Phụng im. Cô không cãi cùn với Quyền nữa, nhưng cảm thấy không thể ngồi như thế này được.

Phụng liền đứng dậy, không may tay cô vụng về đụng phải tay Quyền, khiến cậu hượt tay, quệt men thành một đường dài vắt qua mái đình cổ.

Quyền nhăn mặt:

- Hỏng rồi! Thật tình! – Cậu liếc Phụng đâng ngây như phỗng. – Mày sao thế hả?

- Nóng quá... tính ra ngoài kia cho mát...

Phụng ấp úng trước cái nhìn chăm chăm của Quyền, cô đáp đại mà cũng chẳng dám đối diện với cậu, mắt găm xuống đôi dép lê đã rách chút ít ở quai.

- Vậy đi đi, tao sửa lại cái này.

Nói rồi Quyền ngồi vào ghế, cầm bút lên, lưỡng lự nhìn vệt men tạo thành do va chạm vừa nãy.

Phụng nhẹ nhàng nhích vài bước, tuy nhiên không phải ra ngoài như lời nói, mà lặng lặng tiến tới đứng sau lưng Quyền, khẽ đề nghị:

- Hay là biến nó thành đường chân trời ấy!

- Nó quá gần mái, như thế thô lắm!

- Xời, vậy cho nó là cái bóng mây đi!

- Không được, phía kia có mặt trời rồi, mây sao ở đây được?

- ...

Tách!

Quyền búng tay đầy hào hứng:

- Tao có cách rồi!

Cậu nhúng bút, nhẹ nhàng làm men lan ra thân gốm, tạo thành một đám khói xa xa, lẫn vào cánh cò chiều.

- Đẹp đấy chứ? - Phụng la lên đầy cảm thán.

Cô thấy mình như đang đứng dưới mái đình cổ kính mà ngước lên, đếm những cánh vạc mỏi nơi cuối trời, và rồi cánh vạc ấy cũng bay về tổ, bỏ lại những làn khói mỏng manh bếp nhà ai đỏ lửa cho bữa cơm chiều. Chỉ còn thanh âm xào xạc của lá tre và màu nâu thẫm con đường dẫn về nhà.

- Nếu vẽ bằng men xanh lá, sẽ còn đẹp hơn!

- Tại sao?

- Vì nó tạo cảm giác ấm áp hơn.

Quyền nhìn xuống bàn tay nhỏ nhắn có đeo một chiếc vòng cẩm thạnh xanh đang đặt lên vai mình, khẽ cười.

Phụng tin vào lời Quyền, như tin vào cái tài vẽ vời của nó vậy. Cô cứ nhìn mãi nhìn mãi cái bình gốm đầu tiên được hình thành bởi hai đứa.

- Mày có muốn học làm gốm cùng tao không?

- Cũng được...

- Học đàng hoàng đấy, không đùa đâu!

- Dĩ nhiên!

Phụng nghiêng đầu nhìn Quyền và nhận được ánh mắt đáp trả của cậu. Chưa bao giờ trông Quyền lại nghiêm túc đến thế.

...

Phụng thêm củi vào bếp, chốc chốc lại ngó ra nhìn trời xem sáng rõ chưa. Thấy sân vẫn còn lảng vảng tầng sương thì mới an tâm bỏ bếp, chạy đi chặt lá chuối. Cô chọn lá chuối già gần gốc, rửa sạch sẽ rồi xếp lên rổ cho ráo.

Chả là hôm nay Chức thi cuối cấp, năm giờ là phải đi rồi. Nên ngay khi gà gáy tiếng đầu tiên, Phụng liền trở dậy, nổi lửa bếp.

Chức thích ăn xôi gấc, nhưng thường thì phải nấu xôi đậu, mà phải là đậu đỏ cơ, thế thì người thi cử mới làm bài thuận lợi hơn. Nhưng kệ, màu đỏ cũng tượng trưng cho sự may mắn rồi còn gì, nên sớm qua cô lên tận chợ Chè, mua hẳn hai quả gấc già đỏ ối về bóp với ít rượu, lấy nước màu để sáng nay trộn với nếp cái, đồ thành xôi.

Gấc có rượu lên màu đỏ thắm đẹp mắt, Phụng lấy đũa cả đánh xôi tơi lên rồi lấy mỡ gà xin được bên nhà dì Tiến rưới đều, sau đó thêm chút đường. Nếm thấy vị ngòn ngọt lẫn beo béo và thơm của gấc lẫn gà và nếp thì Phụng rút củi, gạt than ra, để đấy om cho nóng.

Phụng chạy ra dọc lá chuối thành từng tấm vuông vức rồi đem vào bếp, mở nắp xửng, bới xôi bỏ vào. Xôi nóng khiến mấy ngón tay Phụng ran rát, khói bốc lên phả cả vào mặt nóng bừng, nhưng cô thấy vui lắm, cứ cười mãi.

Nhìn lùm xôi đầy ắp buộc lá chuối cẩn thận trong giỏ, Phụng tự ngượng ngùng. Anh Chức sẽ ăn một cách ngon lành, và sẽ đỗ thủ khoa luôn chứ? Phụng bật cười, cô đúng là hồ đồ, anh Chức học giỏi thế kia mà, cần gì nắm xôi vụng của cô mới đỗ thủ khoa được.

Sáng sớm giữa hè, cũng chẳng bớt lạnh là bao, nhất là khi Phụng còn ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh. Nên khi đến gần nhà bác Cần Nhu thì mặt cô tái nhợt, vành tai đỏ ửng.

Liếc thấy chiếc xe đạp vẫn còn dựng bên hông nhà, Phụng mới thở phào. May quá, vẫn kịp. Phụng đi lại chỗ gốc xoan cách nhà Chức một đoạn, rồi ngồi đấy, đợi Chức đi qua thì gọi.

Ở đằng Đông, mặt trời bắt đầu ló dạng sau những đám mây trắng xóa, sương cũng dần tan hết, thứ âm thanh quen thuộc của một sớm làng quê vang lên, khiến Phụng giật mình. Cô dụi mắt, hé nhìn, tự hỏi sao lại có cả tiếng trâu bò ợm ờ quanh đây thế này.

- Thôi chết rồi!

Phụng đứng phắt dậy, dáo dác ngó nghiêng. Cô chạy thật nhanh lại nhà Chức, chiếc xe đạp không còn ở đó nữa, chỉ có mỗi thằng Quyền ngái ngủ ngồi ở bậc thềm, chốc chốc ngoác miệng ra ngáp.

Tay cầm giỏ buông lỏng, Phụng thẫn thờ nhìn bó xôi căng phồng giờ xẹp lép như nỗi lòng cô vậy.

Xoay người, Phụng buồn bã đi về. Bước chân nặng nề và mỏi hơn bao giờ hết. Cô phụt cười, rồi lại muốn khóc, đã ráng dậy thật sớm, thế rồi lại ngủ gật. Phụng tự gõ vào đầu mấy cái để trừng phạt cái tật ngủ vạ vật của mình. Còn Quyền thì bước thấp bước cao, đuổi theo cô.

- Phụng! Phụng!

Cô dừng lại.

- Gọi tao chi vậy?

Quyền đã tỉnh táo hơn, nó vươn vai, nheo mắt nhìn Phụng:

- Đi đâu qua đây sớm vậy?

- Không phải chuyện của mày.

Nói rồi Phụng len lén giấu cái giỏ ra sau lưng.

Thằng Quyền thế mà thính, nó đưa mũi hít hít mấy cái, rồi gãi má, hỏi:

- Mùi xôi gấc ở đâu ấy nhỉ? Thơm quá thể!

Phụng mím môi, tay cầm giỏ chặt hơn. Xôi này là của anh Chức, không thể cho Quyền được. Nghĩ thế nhưng ngước mắt lên đã thấy thằng Quyền nhai nhồm nhoàm, hai má căng phồng những xôi là xôi, mắt sáng rỡ, nói không ra hồn:

- Non nghê, ày... nấu... à...? (Ngon ghê, mày nấu à?)

Quyền vui sướng bao nhiêu thì Phụng hóa đá bấy nhiêu. Cô đưa giỏ về trước, dòm vào, trống rỗng. Nắm xôi mà cô cất công nấu đang dần chui vào bụng của cái thằng trời ơi kia. Người cần ăn thì không ăn được, còn kẻ không liên quan thì đang nuốt trọn.

Không lẽ cô lao vào bóp cổ, bắt nó nhả ra như nó làm với thằng Hưng? Dĩ nhiên cô không thể làm thế, cô còn lùn hơn cả nó mà.

Bực mình, Phụng cầm giỏ đáp về phía Quyền:

- Mày ăn cả cái này luôn đi!

Đoạn xoay người, hậm hực bỏ về.

Quyền ở lại, tủm tỉm cười, thế là cũng có ngày cậu được ăn xôi cô nấu, tuy rằng xôi này chẳng phải dành cho cậu, nhưng có hề gì, cuối cùng người được ăn vẫn là cậu đấy thôi.

...

Từ xa Phụng đã nghe thấy tiếng ồn ào của đám đông ngay cổng nhà dì Tiến, cả bà cô cũng chống gậy đứng lẫn trong đó.

- Sao lại thế này nhỉ?

- Đã gọi ông Cẩn chưa?

- Ông đi đỡ lợn đẻ ở tận đâu ấy, mai mới về!

- Chậc! Giời ơi là giời, biết làm thế nào đây?

- Lợn ơi là lợn! Tiền ơi là tiền!

Dì Tiến phủ phục xuống đất mà khóc, mà kêu trời oán đất. Cả chuồng 10 chú lợn đang đà lớn, tự dưng lăn quay ra chết mất 5 con chẳng rõ nguyên nhân. Làng chỉ có ông Cẩn là thông thuộc các bệnh của lợn thì lại mất tăm. Nếu không có lời của ông, xem xem lợn chết do bệnh gì, thịt có ăn được không... thì chỉ còn nước đem đi chôn theo lệ của làng. Mà thế thì... mất toi bao nhiêu công sức, tiền của mấy tháng nay.

Bà Tỉnh ôm dì an ủi, vén mớ tóc ướt nhẹp nước mắt lẫn mồ hôi của dì sang một bên, nhẹ nhàng chùi đi những giọt nước mắt cùng quẫn.

Dì Tiến nhấp ngụm nước đường, người cũng tỉnh hơn. Tỉnh táo rồi thì mới vời Phụng, nhờ:

- Mày chạy qua nhà bác trưởng thôn, báo là lợn nhà dì chết, để bác ấy cử người sang khiêng đi chôn. Sớm chừng nào hay chừng ấy, lỡ là dịch gì, thì khốn cả làng...

- Vâng! Dì để ý bà hộ cháu nhé!

- Ừ... – Dì Tiến ảo não nhìn về phía chuồng lợn.

Phụng rảo bước thật nhanh, rồi co chân chạy. Cầu trời không phải là dịch, mấy con lợn nhà dì Tiến chết là do trúng gió hoặc ngộ độc mà thôi, Phụng lẩm bẩm trong miệng.

Còn nhớ cách đây mấy năm, xã phải cử một đội đến thiêu hủy gà, vì cho rằng toàn bộ gà trong làng đều nhiễm cúm, có thể lây lan sang người. Phụng rùng mình nghĩ đến cảnh họ sẽ bắt những con lợn khỏe mạnh của cô đem đi thiêu sống, như đã từng lôi hết đàn gà nhà cô chất vào xe, chở ra bãi đốt.

Nhịp chân phụng chậm dần rồi dừng hẳn. Cô không thể báo cho bác trưởng thôn được. Bởi bác sẽ báo lên xã, rồi biết đâu chuyện cô vừa nghĩ sẽ xảy ra thật?

Nhưng nếu không báo, lỡ đúng là dịch bệnh thì chẳng phải sẽ rất nguy hại sao?

Phụng ngồi thụp xuống, ôm đầu lắc lắc, cô không biết phải làm sao cho phải. Lũ lợn nhà cô, tuyệt đối không được có mệnh hệ gì... Cô cần chúng, cần bán chúng lấy tiền, cần tiền để... Nghĩ đến đây, Phụng đứng dậy, lòng cô đã có quyết định.

Một tiếng sau Phụng quay trở lại nhà dì cùng với anh Mạnh và anh Tiến. Phụng nói với hai người họ là lợn nhà dì Tiến bị ngộ độc sắn, lăn ra chết, dì đau buồn lắm nên hai người sang phụ khiêng lợn đi chôn, đừng đả động gì đến cả, kẻo dì lại khóc.

Mạnh với Tiến dĩ nhiên là tin lời Phụng, suốt buổi chẳng nói lời nào. Đến khi chôn xong, mới động viên dì vài câu rồi về. Riêng anh Mạnh thì nán lại, ngồi trò chuyện với dì. Phụng sợ lộ ra lời nói dối của mình nên cứ luẩn quẩn cạnh hai người. Cuối cùng, ngại Phụng, anh Mạnh cũng đứng dậy về nốt. Phụng thở phào, nhưng trong lòng vẫn nặng trịch.

Đêm ấy, Phụng thao thức mãi, chẳng thế chợp mắt được. Cô thấy buồn vì khi cô nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ phải nói dối về vấn đề nào đó nữa, thì cô lại tiếp tục nói dối còn nhiều hơn và nghiêm trọng hơn.

Có điều, Phụng chẳng thể ngờ tới câu thành ngữ “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” lại ứng nghiệm nhanh đến thế.

Chỉ vài ngày sau đó, khắp chợ gần xa đều đồn ầm lên là lợn nhà dì Tiến bị ma bắt, con nào con nấy đều chết với tình trạng sùi bọt mép, mắt đỏ lòm và mất một mẩu tai. Các làng lân cận truyền tai dặn nhau phải tránh giao thương với người làng cô, vì sợ bị ma ám, sợ điều xúi quẩy. Dì Tiến và làng Phụng được phen lao đao, có giải thích thế nào cũng không ai tin.

Bác Điền trưởng thôn đến tận nhà dì để hỏi chuyện. Bác đập bàn, giọng gay gắt:

- Cô có biết chuyện nhà cô ảnh hưởng đến việc buôn bán của bà con trong lòng thế nào không? Sao lợn chết mà cô không báo cho tôi, để tôi cử người xuống xem xét tình hình?

- Ô, em có nói con bé Phụng tìm bác rồi đây, bác còn cho anh Mạnh với anh Tiến xuống nhà em khiêng lợn đi chôn còn gì?

- Cô này hay nhỉ! Tôi chẳng nghe con Phụng nói gì cả. Cũng chẳng bảo thằng nào xuống nhà cô sất!

Trước sự tức giận của bác Điền, dì Tiến chỉ biết ngẩn người. Rõ ràng là Phụng nói với dì là đã bảo bác ấy rồi mà? Nếu không thì hai người kia qua là sao?

- Bác trưởng thôn ơi, bác có trong đó không?

- Tôi đây, có chuyện gì thế chị Năm?

Dì Tiến và bác Điền cùng ngó ra ngoài. Bác Năm tất tả chạy vào, gương mặt vô cùng hốt hoảng:

- Bác, bác sang nhà tôi với, lợn nhà tôi... lợn nhà tôi...

- Lợn nhà chị làm sao?

- Lợn nhà tôi nó chết lạ lắm!

Không ai bảo ai, dì Tiến lẫn bác trưởng thôn đều vội vã theo gót bác Năm, qua nhà bác ấy xem lợn chết.

Khủng khiếp nhất chính là con lợn ấy chết y chang như lời đổn thổi. Dì Tiến há hốc miệng vì kinh ngạc. Còn bác trưởng thôn thì nhíu mày, đầy lo lắng. Bác hỏi dì Tiến:

- Lợn nhà cô chết có giống thế này không?

- Trừ cái tai ra, thì giống hết! – Dì Tiến run rẩy trả lời. Rồi dì nghe thấy giọng mình nhỏ dần. – Chẳng lẽ... chẳng lẽ là... ma bắt...

- Phỉ phui cái mồm cô, đừng có nói lung tung. Tần ấy tin đồn còn chưa đủ hả? – Bác trưởng thôn trợn mắt quát.

Bác Năm sốt ruột hết đứng lại ngồi, chịu không nổi đành hỏi:

- Giờ tính sao hả bác?

Bác trưởng thôn thở dài:

- Hi vọng không phải là dịch mới, như vậy mới có thuốc chữa. Chị rửa sạch chuồng đi, cách li mấy con lợn con ra riêng đi. Còn con lợn chết ấy, tôi sẽ sai người mang ra bãi đất trống, để cán bộ xã người ta xuống xem xét.

- Vâng! Mọi chuyện tôi xin nghe theo bác!

Phụng trốn tịt ở trong nhà, không dám ló mặt ra ngoài, dù đã đến giờ cô phải ra xưởng. Không ngờ nói dối xong phải lo lắng, sợ hãi như thế này, nếu biết trước thì đã không làm, Phụng ngồi bó gối, mặt gục lên tay, thở dài.

Có bước chân đi vào, nghe rất nhanh nhẹn, chắc chắn không phải bà. Là ai? Dì Tiến? Bác trưởng thôn?

Phụng ngóc đầu dậy, mặt tái đi.

Bác trưởng thôn cùng ông Cẩn đi vào. Bác trưởng thôn lên tiếng trước:

- Phụng, bác dẫn ông Cẩn qua kiểm tra lợn nhà cháu, xem có bình thường không. Chứ trong làng đã có hai nhà lợn chết không rõ nguyên do rồi.

- Vâng! – Phụng lí nhí đáp.

Ông Cẩn là thầy thú y có tiếng ở vùng, nghe đâu hồi trẻ ông theo học trường Y trên tận Hà Nội, sau về hưu mới chuyển về quê sinh sống cùng con cháu.

Thời gian đứng cạnh bác Điền chờ ông Cẩn khám cho lợn, Phụng thấy nó cứ dài đằng đẵng sao ấy. Cô còn chẳng dám thở mạnh, chẳng dám liếc xem biểu hiện trên mặt bác thế nào.

- Ổn cả, con nào con nấy khỏe như voi. Khà Khà.

Sau câu kết luận của ông Cẩn, không khí cũng chẳng khác đi là mấy. Rõ là tin vui nhưng chẳng ai cười. Một người không dám cười, và một người chẳng còn tâm trí để cười.

- Vậy bác tranh thủ theo tôi đi xem mấy nhà nữa, cho kịp trong ngày luôn.

- Vầng, cứ xem qua cho an tâm bác ạ!

Ông Cẩn và bác trưởng thôn lật đật rời khỏi. Lúc này, Phụng mới hô hấp bình thường trở lại. Cô ngồi bệt xuống góc mát của mái hiên, buồn rầu nhìn mấy con lợn mũm mĩm.

- Tao đã gây ra chuyện rồi, tất cả là vì tụi mày đấy, nên là tụi mày không được đổ bệnh nghe chưa?

Éc...

Ba con lợn béo cùng hướng phía Phụng mà kêu lên, chẳng biết chúng có hiểu những lời cô nói không.



Hai ngày sau đó, trong làng vẫn có lợn chết, dù trước đó ông Cẩn mới phán là khỏe mạnh xong.

Các hộ có nuôi lợn thì cứ cuống lên vì kể từ khi bỏ nghề gốm, họ đã chuyển hẳn sang nuôi lợn và trồng lúa, nhưng lợn vẫn là nguồn thu chính. Còn hộ không nuôi thì hoang mang lo lắng, vì dù không sợ mất lợn nhưng họ vẫn phải ăn thịt lợn nên đành đi mãi lên chợ huyện để mua, không dám mua thịt ở các chợ gần làng.

Chưa kể ngay đầu làng, mấy anh làm trong Đoàn chốt chặn, ngăn không cho ai lén mang thịt lợn chết đi tiêu thụ.

Tình cảnh hết sức hỗn loạn, , người nhàn rỗi phát tán tin đồn khắp nơi...

Nhiều nhà đè lợn ra giết rồi bán tháo... nhưng không ai mua, tiếc của khóc than ầm ĩ.

Đến ngày thứ ba thì cán bộ xã xuống. Họ xuống cùng hai chiếc xe tải to, đến mức dân phòng phải phá vỡ trụ bê tông đầu làng, thứ mà vốn dĩ được xây để cản khôn cho ô tô vào làm nát đường làng, để thông xe.

Phụng mới quạt cho bà ngủ xong thì nghe tiếng dì Tiến í ới:

- Phụng ơi, Phụng ơi, mau, mau lên, xe đến rồi...

Bà Tỉnh vừa chợp mắt liền ngồi soạt dậy, hốt hoảng nhìn Phụng. Cô bảo bà cứ ở yên đấy, còn mình thì chạy ra.

Dì Tiến đã cột xong lợn, đang dùng hết sức mà kéo chúng đi theo ý mình. Thấy Phụng, dì bảo:

- Mau, mang lợn lên núi, xe đến rồi, họ bắt lợn thiêu đấy!

Quạt trên tay Phụng rớt xuống, cô thấy chân bủn rủn, làm sao cũng không nhấc được. Họ sắp bắt lợn rồi, lợn sắp bị thiêu rồi, sắp mất hết rồi... những hình ảnh khủng khiếp liên tiếp hiện lên trong đầu Phụng.

Éc! Éc! Éc!

Tiếng lợn kêu inh ỏi, dường như không chỉ có dì Tiến, mà nhà nào còn lợn sống cũng vội vã đem lợn đi giấu.

Phụng đưa tay lên giữ ngực, cô phải bình tĩnh, phải bình tĩnh. Bây giờ, việc cần thiết là cột dây vào cổ lợn, đúng vậy, cột dây vào cổ lợn.

Phụng đi kiếm dây thừng, rồi cột chéo từ cổ vòng qua một chân trước của lợn, cứ thế cho đến khi xong hết ba con.

Bà Tỉnh cũng toan phụ cháu, nhưng Phụng vội ngăn:

- Bà vào nhà đi ạ, không ngã thì khổ. Mình cháu làm được rồi!

Mấy con lợn cứ thẳng dẵng tứ chi ra, quyết không đi. Phụng oằn người kéo mà mãi chưa ra được đến cổng.

Quyền mang cơm ra đồng cho mẹ, thấy mấy con cua lấp ló trong hang, liền xắn quần xuống mò, ngờ đâu lại vớ bẫm, con nào con nấy mập thù lù. Quyền lấy rạ cạnh đó bện lại rồi cột chân cua với nhau, xâu thành hai xâu dài. Một xâu để nhà, một xâu mang cho Phụng.

Dọc đường đi cậu thấy người ta bắt lợn nhốn nháo cả lên. Hỏi ra mới biết xe trên xã xuống gom lợn thiêu. Không nghĩ nhiều, Quyền ù té chạy qua nhà Phụng. Vừa may, gặp Phụng đang kéo lợn ra khỏi cổng.

- Để tao giúp mày!

Vừa nói Quyền vừa quăng xâu cua, hùng hổ sấn tới, quơ lấy đống dây thừng to bản trên tay Phụng, bặm môi kéo.

Phụng hết ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất chợt nhưng cực kỳ đúng lúc của Quyền, thì lại chuyển sang cảm động.

Kéo ra được cách nhà một đoạn thì Chức chạy đến. Phụng chưa kịp mừng vì có thêm người giúp thì nghe anh la lên:

- Dừng lại đi, hai đứa đang làm gì thế? Không thể hùa theo mọi người mang lợn đi giấu được. Như vậy là hại dân hại nước...

Phụng tuột tay, vì cô dừng lại trong khi Quyền vẫn hăng hái kéo. Có điều, Phụng dừng lại không phải vì lời nói của Chức. Cô dừng lại vì Chức đã nói những lời ấy.

Không nhận ra phản ứng của Phụng, Chức quay sang giựt lấy dây thừng trong tay Quyền, quát:

- Còn cố kéo nữa, đưa đây cho anh!

Chức vừa nói vừa giựt lấy đám dây trong tay Quyền, tự mình kéo kéo, cột cột.

Quyền không giành giật với Chức theo lẽ thường, bởi cậu thấy Phụng cứ ngây người ra. So với việc giữ lợn, cậu muốn biết Phụng bị sao hơn. Khi không cô lại đần mặt ra đó là thế nào?

- Lợn nhà em đâu có bệnh gì đâu? Chúng khỏe mà. – Phụng yếu ớt nói.

Chức cảm thấy khó khăn trong việc tìm lời giải thích, bởi người đang đứng trước mặt anh là Phụng.

- Có thể nó đang ủ bệnh, chỉ là chưa phát ra thôi...

Vừa nói anh vừa tiến tới chỗ Phụng, nhưng cô lùi lại.

- Đừng đến gần em. Nếu lợn của em bị bắt đi, em… sẽ không chơi với anh nữa!

Nhân lúc Chức bận đôi co với Phụng, Quyền tranh thủ gỡ dây thừng được cột tỉ mẩn vào cột ra, tuy nhiên nút thắt bươm bướm không dễ gì gỡ được, nhất là với người chưa từng tham gia hội trại như Quyền. Chưa gỡ xong thì thấy nhốn nháo phía sau.

Cả ba đều quay qua nhìn.

Anh Mạnh dìu dì Tiến về, dì trông như vừa ngất đi vậy, mà thật ra thì dì đang khóc ngất lên xuống đấy thôi. Nhìn bộ dạng của dì, Phụng đoán dì cũng không kịp mang lợn lên núi.

Theo sau dì là một tốp chừng mười người, trang bị áo cam đồng bộ, cầm theo lỉnh kỉnh là bình phun, xe kéo, thùng hóa chất này nọ...

Tim Phụng quặn lại, cô lao nhanh tới chỗ Quyền, run rẩy gỡ dây thật mau. Thấy thế, Quyền cũng nhoay nhoáy gỡ cùng Phụng.

Nhưng, một vòng bàn tay mạnh mẽ từ phía sau choàng qua người Phụng, kéo cô ngược về, ôm chặt. Khỏi đoán cũng biết là Chức. Phụng vùng vẫy, cô gào lên:

- Thả em ra, anh làm gì thế...? Lợn của em... Lợn của em...! – Phụng thấy trước mắt nhòa đi, nhưng cô càng giãy giụa thì vòng tay Chức càng siết chặt, không cách nào vùng ra được.

Khoảnh khoắc người mặc đồ cam xông tới dùng gậy guộc ghì lấy lợn nhà cô, trói chặt bốn chân lại, Phụng như một người điên, vùng vẫy tuyệt vọng trong vòng tay Chức. Nước mắt nước mũi xô nhau chảy ướt đến tận ngực.

Không chỉ Phụng, những người mất lợn đều lăn lộn ra đất mà tru tréo:

- Trả lợn cho tôi, giời ơi, làng nước ôi, mở mắt ra mà coi chúng nó giết lợn nhà tôi... Ối giời ơi là giời, tôi nào có làm gì nên tội, sao lại giết lợn nhà tôi...

- Quân cướp của, quân giết người... trả lợn cho bà…

- Tôi xin các người, cả nhà mười mấy miệng ăn, chỉ trông chờ vào mấy con lợn này thôi… tôi xin các người…

Một góc làng ầm ĩ những than khóc, nhiếc móc, rủa xả... nhưng lợn vẫn được khiêng đi. Những người cố bám theo giằng lại thì bị xô ngã sóng soài ra đất.

Người dân có kêu la thảm thiết đến mức nào, thì sau một hồi họ cũng mệt lả, phủ phục dưới đất, im lặng gặm nhấm mất mát vì không còn sức mà kêu nữa.

Những con lợn mắt to tròn ngơ ngác sau cùng vẫn bị gom vào một chỗ và bị thiêu sống.

Tiếng lợn kêu át cả tiếng người, xé tan không khí, dội vào tim Phụng.

Đột nhiên có cái gì đó rất xa xôi vụt qua trước mắt cô,

Nụ cười của bố khi cô khoe chùm sấu non mới hái giữa trưa hè...

Ánh mắt ấm áp của mẹ khi tròng thêm cho cô lớp áo bông trong ngày đông lạnh giá...

Tất cả,

Đã xa.

Xa thật rồi!

Giờ đây có muốn cũng không có tiền mà đi tìm bố mẹ. Rồi cô sẽ cứ tiếp tục mà dối lòng, dối người rằng cô không mảy may nhớ đến họ nữa.

Thế đấy!

Phụng ngồi bệt trên đất, mắt vô hồn.

Chức lặng lẽ ngồi bên cạnh, tay anh choàng qua vai Phụng, những ngón tay khẽ vỗ về.

Cạch! Cạch!

Tiếng sỏi chạm vào nhau khô khốc, khô như chính tâm trạng của Quyền vậy. Cậu cứ mải miết đá, hẩy những hòn sỏi to nhỏ, không quản thời gian, cũng như Phụng cứ ngồi đó mặc cho bóng tối rơi dần lên đỉnh đầu, nước mắt queo lại, nhớp nháp.

“Mày sẽ nuôi chúng tới khi chúng chết già chứ?

Không! Chúng lớn tao sẽ bán chúng!

Trước sau gì mày cũng bán chúng, khi ấy người ta làm thịt chúng, chúng cũng phải chết. Vậy sao mày còn buồn?

Tao không biết! Tao nuôi chúng lớn rồi bán chúng lấy tiền. Tao ăn thịt lợn... có khi lại là thịt của chúng... Nhưng, tao không chứng kiến người ta giết chúng... Không nghe thấy tiếng kêu cứu của chúng... Tao không biết... Không biết nữa... Chúng chết vì cái chúng không có, người ta buộc tội chúng bị bệnh, và thế là họ có quyền giết...

Tao đã nghĩ ra vài cái tên rất người để đặt cho chúng, như là Tồ, Tèo, Tí...

Rồi chúng cũng sẽ chết như lợn vậy thôi, chúng chết như cách chúng phải chết...

Vốn dĩ mạng sống của chúng sẽ đổi lấy tiền, nhưng giờ chúng chỉ chết, thế thôi...

Mày buồn vì lợn chết, hay vì lợn chết mà không được tiền?

Cả hai...

Ai rồi chả phải chết, huống chi là lợn?

Tao chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này...

Vậy giờ mày nghĩ đi...

Tao đang nghĩ đến chuyện khác...

Chuyện gì?

Có lẽ tao sẽ không gặp được họ...

Ai?

Chẳng biết... Ai?”

...

Hai tuần sau khi thiêu lợn, chuồng trại các nhà đều sạch sẽ đến mức nhìn vào, người ta sẽ không nghĩ nơi này đã từng nuôi những con vật béo ú đó.

Người ta vẫn nhắc đến chuyện này trong lúc cùng nhau gặt lúa, khi ngồi nghỉ dưới gốc đa, trong chuyến phà chở hàng hóa...

Người ta vẫn lánh mặt bác trưởng thôn như một cách thể hiện thái độ, thậm chí còn rỉ tai nhau sẽ không bầu bác trong nhiệm kỳ kế tiếp.

Nỗi đau vì mất lợn được cất vào một xó nào đó, bởi rồi cuộc sống còn tiếp diễn thì người ta còn phải sống, phải làm những việc khác để sống. Ôm nỗi đau mất lợn không cho họ cơm ăn và áo mặc.


<< >>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Chương này tui ấn tượng với việc miêu tả cảnh thu gom lợn đi tiêu hủy của bà. Vì chưa gặp cảnh đó bao giờ, cũng chưa đọc ở đâu miêu tả về nó nên tôi khá bối rối không biết nhận xét thế nào. Cảm nhận chung là ấn tượng nhưng tui thấy nó hơi quá một chút.
-Phụng ơi, làm gì trong đấy lâu thế cháu?
=> Thiếu khoảng trắng, chương này bà bị lỗi này nhiều lắm nhá.
Chức học giỏi thế kia mà, cần gì nắm vụng về của cô mới đỗ thủ khoa được.
=> nắm xôi?
. Tỉnh táo rồi thì mới vời Phụng, nhờ:
=> gọi. Từ vời xưa lắm rồi, giờ tui nghĩ ít dùng lắm. Mà nó lại mang nghĩa kính trọng nên...
Nhịp chân phụng chậm dần rồi dừng hẳn.
=> Việt hoa.
Còn bác trưởng thôn thì nhíu mày, đầy lo lắng.
=> Chỗ này phải là mặt đầy lo lắng hoặc lòng đầy lo lắng thì mới suôn chứ nhỉ?
Chị rửa sạch chuồng đi, cách li mấy con lợn con ra riêng đi.
=> Lần trước tui biên tập truyện với chị Du Ca, chị ấy thắc mắc tại sao lại thêm chữ "đi" vô cuối câu mặc dù nó không mang nghĩa "đi đứng", sau đó tui rất hạn chế thêm từ này, vì nó là văn nói bà ạ. Tương tự như bà đọc mấy truyện cổ đại TQ cứ vài câu nó lại thêm một từ "nga" hoặc "a" cuối câu ấy, người không quen đọc rất bực mình.
Mấy con lợn cứ thẳng dẵng tứ chi ra, quyết không đi.
=> thẳng rẵng
Vừa nói Quyền vừa quăng xâu cua,hùng hổsấn tới,
Vừa nói anh vừa tiến tớichỗ Phụng, nhưng cô lùi lại.
qua người Phụng, kéo cô ngược về,ôm chặt.
Tiếng lợn kêu át cả tiếng người, xé tan không khí, dội vào tim Phụng.
Có cái gì đó xa xôi vụt qua trước mắt cô,
Nụ cười của bố khi cô khoe chùm sấu non mới hái giữa trưa hè...
Ánh mắt ấm áp của mẹ khi tròng thêm cho cô lớp áo bông trong ngày đông lạnh giá...
=> Tại sao chỗ này lại tự dưng nhớ tới cha mẹ? Kiểu như những gì tốt đẹp, hạnh phúc dần xa? Nếu hiểu theo ý đó tui thấy gượng ép.
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
=> Tại sao chỗ này lại tự dưng nhớ tới cha mẹ? Kiểu như những gì tốt đẹp, hạnh phúc dần xa? Nếu hiểu theo ý đó tui thấy gượng ép.
Chương này ban đầu tui viết cũng hơi vội, viết một cái là đến hết luôn, không bị ngâm như những chương trước. Chính tui cũng thấy chưa ưng. Sửa ba lần chỗ bắt lợn với làm gốm rồi đó bà, vì sợ khô, nhồi kiến thức, với rối.
Chỗ Phụng cảm thấy vuột mất là vì Phụng nuôi lợn để gom tiền vào Nam tìm bố mẹ ấy, dù con bé này luôn miệng nói là không nhớ, không muốn tìm, nhưng thực ra nó vẫn muốn đi tìm. Nhưng nó chần chừ vì đi rồi thì bà nó ai trông? Vậy nên khi lợn chết, con bé chỉ thấy là nó không có tiền mà đi vào Nam nữa, hình ảnh đó tượng trưng cho kí ức vui vẻ của nó với bố mẹ. (Đoạn này tui muốn viết thế, nhưng diễn đạt có vẻ lủng củng.)
Đoạn tả lợn là vì thế này, bà mất gà bao giờ chưa? Mất 1 con gà mà chửi 3 ngày liền không dứt nhé bà. Chứng kiến rồi, mẹ tui nè, chứ nói đâu xa, hồi bé thấy hay nhưng lớn thấy sợ, hỏi thì mẹ bảo quý chứ, gà ăn thóc ăn gạo mà.
Còn đặt trong bối cảnh làng Phụng là thế này: trước làng Phụng tất cả làm gốm. Sau đó một số nhà bỏ snag làm ruộng, chăn nuôi. Cả năm chỉ chăm chăm vào đàn lợn mà chết hết, tui hỏi bà, nội tiền cám, tiền giống mua thôi đã muốn chết rồi.
Ps: Lỗi nhiều kinh khủng bà ạ. Để sửa lại.
Ps2: Lần này tag bà đọc nhanh gớm, vào mà hết hồn. >:D<>:D<>:D<
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Chỗ Phụng cảm thấy vuột mất là vì Phụng nuôi lợn để gom tiền vào Nam tìm bố mẹ ấy, dù con bé này luôn miệng nói là không nhớ, không muốn tìm, nhưng thực ra nó vẫn muốn đi tìm. Nhưng nó chần chừ vì đi rồi thì bà nó ai trông? Vậy nên khi lợn chết, con bé chỉ thấy là nó không có tiền mà đi vào Nam nữa, hình ảnh đó tượng trưng cho kí ức vui vẻ của nó với bố mẹ.
Đã hiểu nhưng bà chưa viết đủ rõ trong bài khiến tui liên tưởng được. Thêm vào đoạn Phụng đấu tranh tư tưởng báo với bác trưởng thôn hay không á, ngoài việc nghĩ tới gà bị thiêu thì nghĩ nếu lợn bị thiêu khỏi đi thăm bố mẹ ấy. Tui nghĩ nên thêm vô, không "ẩn" quá khó hiểu.
Còn đặt trong bối cảnh làng Phụng là thế này: trước làng Phụng tất cả làm gốm. Sau đó một số nhà bỏ snag làm ruộng, chăn nuôi. Cả năm chỉ chăm chăm vào đàn lợn mà chết hết, tui hỏi bà, nội tiền cám, tiền giống mua thôi đã muốn chết rồi.
Duyệt, nhưng thêm câu này vô trong bài đi bà.
Ps2: Lần này tag bà đọc nhanh gớm, vào mà hết hồn. :D:D:D
Thứ bảy mà, không phải lên trường. ^^
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
À, chương dài quá, tui không soát lỗi chính tả kĩ được, chắc là còn đó. ;))
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
Duyệt, nhưng thêm câu này vô trong bài đi bà.
Trước có đề cập rồi mà bà? Lâu quá nên bà quên rồi. (Hay tui chỉ nghĩ đến mà không viết ra nhỉ, hình như tui đang quên dần đều, ặc). Để kiếm lại cho chắc.
Tui nghĩ nên thêm vô, không "ẩn" quá khó hiểu.
^O^ Iu bà quá, sẽ thêm vào đoạn này. He he, viết truyện mà được bt thật sướng, lần đầu tiên tui biết cảm giác này á. :3 :x
À, chương dài quá, tui không soát lỗi chính tả kĩ được, chắc là còn đó. ;))
T________T Lỗi vô biên bà ạ, không biết đến khi nào viết mới không còn lỗi chính tả. Để tối tui sửa rồi soát cả thể. Mẹc xi bà nha!
 
Bên trên