1. Dạy học
Hôm nay là một ngày đẹp trời. Không một gợn mây. Tôi sải những bước dài bên bờ sông. Chân tôi như giẫm qua thảm bông gòn ngọt lịm qua trảng cỏ. Nó vẫn luôn như thế từ lần đầu tôi đặt chân đến nơi đây, và sẽ mãi như thế.
Chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp nhỏ vào hôm qua. Nghe thật nghộ nghĩnh làm sao. Có đứa đòi tôi sáu giờ sáng, đứa khác lại nằng nặc trễ một chút để được ngủ thêm. Bọn trẻ vẫn luôn như vậy, sôi nổi và rất đáng yêu. Nam luôn là đứa ra dáng ‘thuyền trưởng’ hơn cả. Với một đám nhóc xóm nhỏ lớn lên theo dòng chảy của sông nước thì được trở thành một vị thuyền trưởng, chỉ huy con tàu hải tặc rẽ đôi sóng biển thì còn gì bằng. Mỗi khi nhớ đến ước mơ hồn nhiên ấy, tôi đều cười khúc khích với chính mình.
Vậy là, với Nam, một vị thuyền trưởng ngủ nướng, buổi học hôm nay sẽ bắt đầu lúc mười giờ. Tôi thì hoàn toàn ngược lại với cậu bé. Tôi có thói quen mỗi năm giờ sáng đều ra đây, nơi trảng cỏ này, đầu tiên sẽ làm năm vòng chạy từ mép sông đến cột đỏ. Thường việc thể dục chỉ mất của tôi nửa tiếng. Khi đã thấm mệt, tôi đặt lưng xuống, thưởng thức mùi vị của cỏ ngọt sớm mai, bừng tỉnh trước thiên nhiên mộc mạc mà kỳ vĩ.
Nhưng đó không dừng lại ở bản kế hoạch khô khan cho buổi sáng.
Bầu trời rực đỏ, một màu đỏ huyền ảo phớt hồng. Tôi còn tưởng mình đang mơ. Tán cây lùm xùm trước mặt không cho phép tôi nhìn mặt trời đang ló dạng từ đường chân trời, mà phải đến gần tận ngọn cây, tôi mới nhận ra một khoảnh lòng đỏ mờ dần xuất hiện. Tôi nhớ lại khi mình dạy chữ ‘O’ cho bọn trẻ. Trong khi tôi nỗ lực hướng suy nghĩ chúng đến quả banh tròn thì Vinh, thằng bé quậy nhất lại bảo, tôi trích nguyên văn lời nó, “Là quả trứng gà! Lúc mẹ em quát lên một tiếng, con gà mái sợ quá nên nhảy cẫng lên rồi làm rơi một quả từ bụng.” Cả lớp cười lớn đến không chịu nổi.
Làn sương lạnh đọng trên từng ngọn cỏ. Chúng ngập tràn dọc sống lưng tôi, khẽ chạm tai tôi. Bỗng một lớp nước lạnh toát tràn ngập lòng tôi. Chúng như… khi ta ngâm mình trong mưa. Lắm khi tôi tự hỏi tại sao Thượng đế lại sáng chế ra cái thứ lạnh lẽo ấy. Ít nhất ông ta cũng nên làm nước mưa ấm nóng như nước tắm pha nguội.
Nơi tôi nằm cách đường cái không xa. Vài ba mái nhà chắn ngang tầm nhìn của tôi, nhưng không gian trống ở giữa cũng đủ làm tôi thấy được những gì đang xảy ra. Một phụ nữ bước ra từ con hẻm nhỏ. Tôi thường thất bại thảm hại trong việc đoán tuổi người dân địa phương, nhưng hãy đoán được cô tầm ba mươi, có lẽ hơn đôi chút. Tay trái cô xách hộp đồ ăn trưa. Lưng áo đề dòng chữ “Công ty may mặc Thiên Phúc”. Với dáng vẻ mệt mỏi, cô vươn vai rồi lấy tay che miệng, buông một tràng ngáp thật dài.
Tôi đếm giây trong miệng. Một, hai, ba… hai trăm hai tư. Chiếc xe vẫn chưa đến. Thêm một phụ nữ nữa bước lại trạm, tóc cột cao tuy vẫn lã chã vài sợi tóc. Có vẻ hai người không quen biết nhau. Cứ thế khoảng năm phút sau, chiếc hộp khổng lồ màu đỏ rồ ga đến. Tiếng động cơ nó to đến nỗi tôi có thể nghe thấy, thậm chí tưởng chừng như vang thêm tận vài trăm mét. Thành xe ám khói đen sì.
Bảy giờ. Xung quanh sáng trưng. Tôi móc từ túi ra gói thuốc. Không còn điếu nào cả! Bất giác tôi bật ra tiếng chửi thề càu nhàu đến lạ lùng, khác hẳn với tôi mọi ngày. Tôi đi tìm nơi bán thuốc.
Cơn thèm đến với tôi một cách tự nhiên. Định kỳ vào mỗi sáng, sau buổi nghỉ ngơi thưởng thức khí trời. Con đường rải sỏi đi muốn rụng chân. Đôi lúc, một hòn sỏi nhỏ kẹt lại trong đôi dép lê cáu bẩn làm tôi đau điếng. Dù vậy, tôi cho đó là một hành trình. Mỗi khi ta có mục tiêu, cơn lũ thử thách cứ kéo đến như một cái máy ôm trọn lấy ta rồi hút ta vào vòng xoáy. Trong cái hút tăm tối, theo lời Nam, tôi phải nhìn ra kho báu, bằng không chẳng còn gì vui nữa. Từ ‘vui’ vốn dĩ đã rất khó hiểu, nhất là khi được phát ra từ lời của một đứa trẻ. Nhiều khi tôi thật không thể tưởng tượng rằng thằng bé mới chỉ sáu tuổi.
Khi trước, tôi luôn xem điếu thuốc đơn thuần là thứ giúp giải tỏa chứ không như lúc này đây, khi chúng được gói ghém cẩn thận vào một cái bọc đen đặt trong nắp rương kho báu. “‘vui’ của mình là thế đấy,” tôi nghĩ.
Tôi cúi người nhặt hai mươi bốn hòn đá rồi bỏ vào túi quần.
Như thường lệ, bà Sáu vẫn uể oải vào giờ sáng. Cơn mất ngủ kinh niên của bà đã khiến bà trở nên nóng tính, hay cau có. Bà góa chồng, kinh doanh một tiệm tạp hóa nhỏ trên đường cái. Lũ trẻ thường hoảng sợ khi tiếng gầm hung tợn mà bà bung ra, đôi khi chẳng vì lý do gì. Thế là, khi nhận ra tài năng bẩm sinh của mình đã đuổi được đám con nít ngỗ ngược, bà tự hào thốt lên với chính quyền bằng những danh xưng không mấy thân thiện như “thằng cha”, “con mẹ” với những nạn nhân bất đắc dĩ chợt ngang qua. Cuối mỗi tràng dài, bà Sáu đều nở ra nụ cười sảng khoái với họ. Sáng hôm nay, nạn nhân đó là tôi.
“Thằng cha Thiên sao mãi không điều động đàn em xuống dẹp mấy mẹ kia dùm tui,” bà gân cổ, “Tổ cha mấy má đã ế mà còn cạnh tranh không lành mạnh. Cậu biết đó, làm ăn là phải công bằng, thế mà mấy mẹ đi giảm giá để tui ế khách. Nhưng tui vẫn công bằng mà giữ nguyên giá đấy, mấy cha khách ngu! Tui tốt thế cơ mà.”
Hôm nay lại là một chủ đề khác của chính sự. Nhưng tôi không hề quan tâm việc bà ta làm ăn thế nào. Bà Sáu nhìn tôi với ánh mắt nảy lửa, thấy thế tôi cười xòa cho qua.
“Bà nói đúng quá.”
“Cha Thiên ấy chuẩn bị xây cột tháp truyền hình ngay trong xóm mình,” bà thở dài. “Tôi không biết đây là điềm xấu hay tốt nữa cậu ạ.”
“Không tốt lắm… Bao thuốc vẫn giữ nguyên giá đấy chứ?” tôi ngắt lời khi nhận ra bà định tiếp tục. “Chắc một thầy giáo không được giảm giá đâu nhỉ?”
“Cái cậu này… Con mẹ nó, thế cậu chưa dạy à?”
Lần này là ‘con mẹ nó’.
“Hôm nay tụi nhỏ đòi ngủ thêm, nên tôi mới tranh thủ đây.”
“Ừ, lâu lâu cứ để chúng nghỉ ngơi. Thiệt tình, mỗi lần nhìn tụi nó tôi lại nhớ thời xưa.”
Tuy tính cách hung dữ thất thường, bà Sáu luôn yêu thương trẻ con. Nhớ hồi tháng trước, bé Na chạy vội đến tôi báo tin anh nó bị hai thằng bắt nạt. Lúc ra gần đến nơi, tôi đã nghe một tiếng rủa kinh hồn bạt vía vang lên, và khi tới đó thì bọn anh trùm kia hớt ha hớt hải vụt biến. Té ra bà chủ tạp hóa đã dùng năng lực vốn có của mình để cứu thằng bé. Một hành động tốt không cần bạn phải là một siêu anh hùng Marvel.
“Thôi tôi đi nhé, bọn chúng chắc đã đến đông đủ rồi,” tôi viện cớ, đề phòng một câu chuyện tiếp theo.
Mỗi khi nhìn thấy tiệm tạp hóa đó, tôi khẽ rùng mình. Không phải vì người chủ mưa nắng của nó, mà chính là do hình ảnh bóng người phụ nữ lấp sau bịch bánh kềnh càng treo lủng lẳng trên móc. Chúng nhanh chóng biến thành một màu đen sạm rồi tan sâu vào cánh cửa.
Tôi như thằng điên hết đi bộ khắp xóm rồi lại trú vào bóng râm, không hề đứng yên một chỗ. Tôi thật không muốn về căn nhà đó vào buổi sáng, vì điều này đồng nghĩa với việc tôi lại phải gặp lão già điên khùng đó. Không phải vì lão ác tính ác ý gì mà chỉ bởi mùi cồn nồng nặc phát ra từ cơ thể lão. Thay vì vậy, tôi thích một mình thưởng thức bé Thuốc Lá của tôi hơn.
Như người ta nói “mần mãi mới đến X giờ”, bây giờ tôi cũng phải thốt lên “hút mãi cũng đến mười giờ.” Hay chính xác hơn là mười giờ kém. Tôi đặt những túi lọc vào bao rồi vứt vào bịch rác. Trước đó là tám điếu thế mà đã hết sạch. Tôi vòng lại cung đường cũ, đi qua con đường đất nhỏ gập ghềnh. Hai bên, râm bụt mọc đầy đường, tiếp đến là bụi chuối khô và cứ thế lặp lại như một quy luật. Phía phải tôi là con mương chạy dọc, bị ngăn cách với lối đi bởi những thân cây cộc cồi cao lớn.
Cứ như thế, tôi đến lớp học nhỏ.
Tôi cố gắng phà hơi hết cỡ để phủi đi lớp thuốc lá còn sót lại. Nếu nhìn trực diện, cái mà tôi gọi là ‘lớp học’ ấy là một nhà chòi nhỏ lợp tạm bằng lá khô, dựng bốn vách. Trong chòi, một dãy hai bàn đặt cẩn thận ngay giữa. Chúng đầy vết mối mọt đục, từ chân bàn cho đến cái hộc nên nhìn thiếu cân đối. Đối diện với chúng, trên bức tường phía phải đặt một chiếc bảng trắng với hai cây bút, một xanh một đỏ, với dòng chữ “ong mật” nguệch ngoạc không ngay hàng thẳng lối. Tôi thấy đó là một mầm xanh đẹp đẽ: bọn trẻ đã tiến bộ rất nhiều. Không bao lâu thôi, chúng sẽ thoát khỏi nạn mù chữ bao trùm khu làng quê này từ hàng thế kỷ. Tôi tin mình sẽ làm được.
Bỗng từ đâu xuất hiện ba đứa nhỏ nhảy bổ ra.
“Hù,” chúng lấy hai tay che mắt rồi thả ra, như cô giữ trẻ chơi trò ‘ú òa’ với em bé.
“Ha ha,” Khánh bảo, “thầy giật mình rồi kìa.”
“Thôi đi, mày mà bị tao hù vầy là té đái trong quần,” Nam cười lớn.
“Nói chơi thôi mà, thằng quỷ này.”
Khánh chực nắm lấy áo Nam quần cho một trận.
“Thôi,” tôi định cản nhưng Kim nhanh hơn. “Chào thầy cái đi.”
Rồi cả đám xếp thành một hàng, khoanh tay rồi cúi đầu.
“Anh nói với các em rồi, đừng gọi anh là thầy,” tôi ngại ngùng, “cũng đừng… lễ phép quá như vậy. Dù sao chỉ là anh biết gì nói đó thôi.”
“Không phải đâu,” Vinh vặc lại. “Thầy dạy tụi con nhiều thứ lắm. Con thấy thầy còn tuyệt hơn cái ông đậu đại học kia nhiều. Ổng đâu có dạy con bảng chữ cái, rồi phép cộng trừ nữa.”
“Ừ thì…”
“Thôi thầy ơi, giờ học thôi!”
Trong khi những đứa khác hào hứng ngồi vào bàn, Kim kéo tay tôi lại chỗ bảng rồi nở ra nụ cười duyên dáng. Rồi cô bé cúi mặt xuống, nhanh nhảu chạy đến chỗ ngồi. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu ý nghĩa của những nụ cười vô dụng đó.
Một bóng đen chợt chớp giật qua đầu tôi, và người tôi lạnh toát. Ngay sau đó là một cảm giác ấm nóng, giống hệt như… một cái ôm. Tôi luôn muốn được ôm, muốn lắm… nhưng có lẽ tự tôi đã chối bỏ những điều vặt vãnh như thế từ lâu rồi.
Hôm nay bài học sẽ là phép nhân. Tôi trải ra trên bàn hai mươi bốn hòn sỏi đã chuẩn bị sẵn. Đầu tiên, bên trái là năm hòn, bên phải là ba, và tôi đặt tay ra giữa. Khi tôi nâng tay lên, Nam nhanh nhảu gom hết chúng lại thành một chùm. Những đứa khác “Ồ” lên một tiếng. Sau đó, cả bọn đồng thanh “Tám”. “Những đứa trẻ thông minh,” tôi vỗ tay rồi xoa đầu từng đứa.
Tiếp đến, tôi đặt hai hòn sỏi bên trái, hai ở giữa, và hai bên phải. Tôi giơ ngón trỏ. Tôi dừng lại một lát rồi đặt hai hòn ở giữa về trái, sáp nhập với hai cục kia. “Bốn”. Giơ tiếp ngón giữa, là hai. Và tiếp bên phải về trái. “Sáu”. Ba ngón. Chúng có vẻ không hiểu gì cả. Tôi liếc sang Nam; chính nó cũng đang gãi đầu đến nhăn cả mặt. Tôi nói chúng đây là phép nhân, và giải thích thật cặn kẽ ý nghĩa của ngón tay cùng tổng số sỏi. Như trước, cả đám lại “Ồ” lên một tràng rõ to. Tôi cười.
Mây lần lượt kéo đến. Chúng xám lại, vẻ thê lương.
Tôi cho chúng làm bài tập chừng mười lăm phút. Tôi có đọc một bài phỏng vấn của vị Giáo sư nào đó trên báo, ông nói rằng “Chúng ta cần kích thích óc tò mò của bọn trẻ. Thời gian học tập ngắn sẽ giúp giảm lượng kiến thức cho chúng, kích thích trí ham mê cho buổi học sau. Tôi còn nhớ khi mình học tiếng Trung. Ngữ pháp họ dễ nhưng để viết chữ Hán thì cực kỳ khó,” ông nhấn mạnh. “Và các bạn đoán xem, tôi tiếp nhận mười chữ mỗi ngày và ôn lại vào buổi tối. Chu trình ấy diễn ra hàng ngày, và sau một tháng tôi có thể tự tin viết lại 90% trong số chúng ra giấy mà không mắc sai lầm nào.”
Để chốt câu, ông James khẳng định lại tầm quan trọng của việc luyện tập.
Đó là điều tôi muốn hướng cho bọn trẻ, sự hiệu quả.
Tôi nhìn kỹ từng đứa; chúng cặm cụi vào trang giấy với sự hăm hở nhiệt tình. Những cây bút chì gò lên trang giấy trắng tạo nên tiếng sột soạt vui tai. Chân bàn lung lay kêu cọt kẹt, dường như sắp bung ra đến nơi. Nhiều lần tôi đã nhắc nhở mình đóng lại cho chắc, nhưng khi chuốc cả đống điếu vào người thì trí não tôi như qua Hawaii nghỉ dưỡng rồi. Thật… tôi chẳng thể hiểu nổi mình. Nhớ lại hồi còn suy nghĩ rằng bỏ tiền xây dựng lớp học thật khang trang, tôi thấy mình thật trẻ con. Dù sao chúng chỉ là những bộ não non nớt, dễ bị cám dỗ, nếu tôi bỗng dưng đem đến cho chúng sơn hào hải vị thì còn gì là trân trọng nữa? Tôi muốn chúng trân trọng những gì mình đang có, và nỗ lực để thay đổi, trước mắt là xóm ven sông này và sau đó là cả thế giới để chúng trở nên tốt đẹp hơn.
Luôn luôn, tôi thấy bản thân mình đặt quá nhiều hy vọng cho người khác. Và họ thì đã làm được gì cho tôi? Để tôi thử đến xem… không có gì. Họ chẳng bao giờ có thể hiểu được tôi. Ngay đến việc nói ra cũng không làm được… Tôi có đang phí thời gian cho cái lớp học này không? Hay tôi nên làm gì đó khác?
Tiếng sấm rền vang khoảng vài giây sau khi cơn chớp giật nhanh như điện xẹt. Ngọn gió độc cuốn mây trôi nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Không còn lòng đỏ trứng gà, không còn sớm mai ẩm sương, mọi thứ giờ đây bao trùm bởi tối tăm mịt mù. Tôi ái ngại cho những cái lỗ nhỏ trên nóc chòi, vì nước mưa có thể mở toạc chúng bất cứ lúc nào.
Thế là, buổi học hôm nay phải kết thúc sớm.
“Một, hai, ba!”
Cả đám, thầy lẫn trò, chạy thật nhanh về nhà.