Hoả Dương - Hoàn thành - mucden22

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
28. Thông tin

Tôi nép sát vào góc tường.

“Cái gì?” tôi cố vặn nhỏ tiếng mình đi. “Vẫn không tìm thấy hắn ta sao?”

“Dạ phải.”

“Có biết hắn đang ở đâu không?”

“Tụi em đang tìm đây.”

“Con ả kia, cứ để yên đó. Để nó sống cho tao,” tôi nói.

Một tên tiến đến gần. Tôi vội vàng cúp máy.

“Làm gì đó?” hắn đe giọng.

“Đang kiểm tra hàng đây,” tôi sờ vào lớp ngoài chiếc áo khoác.

Hắn luờm tôi một cái rồi bỏ đi.

Tôi đứng lặng người. Lửa đã không thể thiêu cháy hắn…

Bốn giờ sáng.

Con người nơi đây đang ngáy khò trong mền. Ngăn cách giữa tôi với biển là tòa soạn hạng sang, chi nhánh tại Hỏa Sa của công ty mạng xã hội Hilliard. Hilliard và một công ty nữa, hình như là Imitobot đã công khai cạnh tranh từ tận ba năm trước, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Cả nước cuối năm 2061 nóng lên khi ông Tùng nắm quyền điều hành Hilliard thay cho ông P., người bất ngờ lâm bệnh nặng và qua đời cùng năm đó. Đài số 3 Hảo Mặc tiết lộ cái chết của người điều hành cũ chính do H., theo thông tin là tay chân của ông Tùng, gây nên, tuy chưa rõ lý do. Ngay sau đó hai tháng là sự sụp đổ của đài Hảo Mặc do khủng hoảng tài chính nội bộ. Tin tức của Tín Đài là thế, nhưng ai cũng ngầm hiểu, rằng nội sự đều do một người nhúng tay vào.

Tôi nhớ như in diễn biến của trận thư hùng giữa hai đầu sỏ công nghệ và có thể kể tường tận chi tiết, nhưng ngay khi đó một bàn tay đặt lên vai tôi. Khi tôi quay lại, chiếc bụng phệ của Lâm quay sang, mắt ông ta nhìn tôi cười.

“Đi được chứ?”

Tôi không thể giải mã nổi điệu cười mỗi lúc mỗi khác của ông ta. Tựu chung lại, tôi thấy giữa tất cả chúng có một điểm chung duy nhất mà chỉ hai từ mới có thể lột tả được: nham hiểm.

Chúng tôi đi đến dãy biệt thự Hoàng gia. Cái tên kêu ấy chỉ mô tả một dinh thự to lớn. Khuôn đường vào dài đến vô tận, hai bên là dãy cau mọc thẳng tắp. Phía ngoài ngôi nhà chính là khoảnh hồ bơi rộng năm thước. Một cô gái dựa lưng vào thành cửa bằng gỗ lim dày khắc hình hoa văn trống đồng. Cô ta mặc bộ áo tắm hớ hênh màu xanh biển, đeo kính mát. Thật lạ khi một người lại có thể tắm hồ vào giờ sớm thế này.

Có lúc tôi tưởng như mục tiêu ánh nhìn của cô ta là tôi, nhưng liền đó một tên trong đám Lâm tiến đến ôm lấy cô ta rồi hôn hít khắp người. Lâm nhìn đôi tình nhân với con mắt ghê tởm.

Lâm phẩy tay ra hiệu những người khác ở ngoài. Hai tên còn lại ra vẻ bất bình. Tôi với ông ta vào trong rồi đóng cửa phòng khách lại.

Một ông ngoại quốc chừng bốn mươi đón tiếp chúng tôi. Ông ta đeo chiếc kính dày cộm màu hồng loè, áo vest cũng hồng trông dị hợm trong chiếc quần bó nhung đen bóng lưỡng. Giọng ông ta quặn quẹo như gái gọi.

“Nè, ông tới rồi đó hả? Ấy chết, sao lại đóng cửa như thế.”

“Tôi muốn gặp riêng ông cùng người này.”

“Hàng tui đâu rồi?”

Tôi vội mở nắp va-li.

“Tốt quá. Giỏi lắm ông bạn Lâm của tôi ạ. Ông ngồi đi.”

Đèn chùm phòng khách bừng lên sáng chói làm mắt tôi mỏi nhừ. Dãy bàn ghế phòng khách làm cùng loại gỗ với cửa lớn. Chiếc vảy rồng chạy dọc dài quanh thân bàn, cong vòng như sợi chỉ rồi kết thúc ở chân bàn.

“Ông có nói rằng ông có chuyện cần nói với tôi,” ông áo hồng nói.

“À ừ,” Lâm vươn người về sau. “Không có gì quan trọng đâu, tôi chỉ muốn giới thiệu với ông người này thôi.”

Ông kia chuyển hướng mắt sang tôi. Tôi chìa tay ra bắt: tay ông ta mềm nhũn như bông.

“Anh bạn là ai thế?” ông ta hỏi.

“Tôi là người mới của ông đây thôi.”

“Ấy ấy đừng vội thế chứ Ram,” Lâm cười nói. “Anh ta không đẹp trai đến thế đâu.”

“Tôi có ý đó đâu,” Ram hậm hực, “mà anh ta thì sao?”

“Anh ta đang đi tìm người yêu thất lạc, cái cô gái sát nhân mà chúng ta hay gọi là Mỹ nữ Ánh Dương ấy.”

Tôi như há hốc mồm. Tại sao ông ta lại nói ra chứ? Tôi thấy không được thoải mái khi ngồi đây và định ra ngoài, nhưng Lâm rất nhanh đã kéo tay tôi lại.

“Gượm đã nào, anh cứ ngồi đây để tôi nói cho Ram rõ. Ram này, anh nhớ vụ đàn em của đối tác bên anh bị giết chứ?”

“Anh là… mà thôi. Vụ đó thật lạ lùng.”

“Và đó cũng chính là một trong những vụ trên bãi biển.”

“Vậy là ít nhiều cũng liên quan đến cô ta.”

“Ram, anh là người biết rõ vụ đó. Chính anh là người đã nhác thấy cô ta.”

“Cái gì?” tôi buột miệng.

“Phải đấy, tui có thấy,” mặt Ram sa sầm lại, mắt sâu hoắm trong sợ hãi. “Tui đã thấy bóng cô ta trên cát. Thật lạ lùng vì ánh dương lại hạ thủ trong bóng tối.”

“Có thể anh giúp được chàng trai này đưa cô ta về.”

“Nhưng anh cũng có mặt ở đó mà, vậy sao còn đến nhờ tôi.”

Lâm khẽ chau mày.

“À, ừ… tôi không biết có thể giúp được gì không,” giọng Ram ái ngại. “Lâm đã ngỏ lời nhờ tôi giúp anh, vả lại cũng chỉ là một câu chuyện, không có gì nhiều.”

Giọng Ram đứt quãng và có phần dài dòng quá mức cần thiết. Tôi nhấp nhổm trên ghế.

“Tôi chỉ cần một câu chuyện thôi,” tôi nói.

“Được,” Ram bình tĩnh trở lại. “Tui có thấy cô ta cầm dao… à không, có thể đó là cây súng… à mà tui nên giới thiệu… nạn nhân đôi chút. Vì là cuộc giao dịch tiền bẩn, cậu biết đấy, nên anh ta hẹn tui ra bãi biển ban đêm. Chính xác lúc tui tới điểm hẹn là mười hai giờ hơn… ba phút thì phải. Tui thấy con dao vung lên quá đầu cô ta… mà đúng hơn là cái bóng trên cát. Tui không biết phải làm gì… anh biết đấy, Lâm, đang lúc ấy thì đâu suy nghĩ được gì.”

Ram nhấp một ngụm trà; nước trà có vẻ hơi đắng so với tinh thần hoảng loạn của ông lúc này.

“Sau đó tui kịp hoàn hồn… tui tiến gần lại, và thấy…”

“Cái gì,” tôi sôi nổi.

“Một thân người méo mó trong đau đớn, hai hàm như muốn rách toác ra. Máu anh ta rỉ qua kẽ răng rồi rơi đọng trên cát. Anh biết không Lâm, cái người ấy, anh chàng mà tui niềm nở bắt tay ban sáng… đầu như muốn lìa khỏi cổ!”

Tim tôi giật bắn lên. Người tôi đang tìm kiếm đây sao? Tại sao Lam lại muốn tôi gặp con quỷ dữ này… tại sao… Các mạch máu trên tay tôi không chịu nổi sức ép khi phải nghĩ đến việc cô ta ngay trước mắt mình. Hay tôi nên quay về?

Không! Cô ta làm được gì kia chứ, chẳng qua chỉ là Ram đang tưởng tượng ra quá trớn. Cái gan thỏ đế của ông ta không chịu nổi cảnh giết người nên mới hoảng loạn như thế. Mỹ nữ Ánh Dương chính là chìa khoá cho mọi bí ẩn. Nhưng vì sao… vì sao cô ta lại lấy cái tên ấy? Vì lẽ gì mà… Tôi không dám màng đến suy nghĩ ấy! Tôi chỉ đơn giản là không thể thôi.

“Anh đang cường điệu mọi thứ lên rồi,” Lâm giúp bạn mình bình tâm lại. “Anh dùng ngụm trà nữa nào.”

“Liền đó tui gọi cho anh,” Ram kể tiếp một cách máy móc. “Công việc tay trái của anh cũng có ích lắm…”

Người kể chuyện của chúng tôi ngất lịm trên bàn. Lâm gọi bà giúp việc ra dặn dò rồi chúng tôi rời đi.
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
29. Căn hầm

Tôi và Lâm đi đến tiệm hớt tóc.

Đó là một chiều thứ hai ảm đạm. Bầu trời ánh lên sắc cam ngả pha ngọc biển. Mặt Trời chầm chậm rút mình từ phía chân trời. Những người khác đi rẽ theo các hướng khác nhau, còn chúng tôi cùng nhau đến chỗ hẹn.

Tiệm hớt tóc Quân nằm xiêu vẹo ở ngã rẽ Ba Hoàng, nơi nằm sâu hút trong khu dân cư phía Tây. Tấm bạt che được dỡ xuống nằm cạnh cột phải của tiệm. Nơi đây đã lâu không có người ở. Tại phía phòng ngoài, hai chiếc ghế bọc nệm tan hoang trước lớp gương cỡ lớn ngả ố. Dụng cụ cắt tóc được để ngay ngắn trên kệ gỗ. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy nơi đây đã xảy ra xô xát.

“Mọi sự không diễn ra ở đây,” Lâm nói. “Đi theo tôi.”

Tôi bước qua lớp gạch lát sàn đóng bụi, nứt mẻ góc cạnh. Càng lúc càng tối tăm hơn cho đến khi tôi chẳng thể nhìn thấy được gì. Bỗng đầu tôi va phải tường nhà. Lâm nhanh tay mở đèn pin điện thoại. Trước mắt tôi bây giờ là ngõ cụt.

“Gì đây?” tôi hỏi.

Gã buôn ma túy lấy chân đá vào tường. Tôi nhìn theo và thấy đó là một khoảng vuông màu trắng bạc, đây đó hổng sơn lộ ra lớp gỗ bên trong. Có vẻ ai đó đã sơn lên để ngụy tạo.

“Anh không nhanh mắt lắm nhỉ?” Lâm cười cợt.

Tôi cúi xuống, lấy hết sức mở nắp. Tấm cửa sập bật tung làm lộ ra lối đi bí mật bên trong. Tôi nhìn sang Lâm; ông ta có vẻ ít nói hơn lần trước, cau mày nghiêm nghị. Dường như lão đang suy tính gì đó mà tôi đoán là không mấy tốt đẹp. Tôi còn chưa biết mục đích của ông ta khi dẫn tôi đến đây.

Tôi khom người đi bằng bốn chân. Suốt dọc lối đi, mạng nhện bu đầy tóc tôi. Tôi nghe thấy tiếng hú vang vọng khắp xung quanh mình, rền rĩ trong vô vọng… tưởng như tôi đang vùng vẫy trong một cái giếng sâu hút.

Tôi như bị nó nuốt chửng.

Ở cuối đường đi là một căn phòng nhỏ với bốn vách xi măng trơ. Tôi soi đèn và quan sát kỹ mọi thứ. Trên tường, đập vào mắt tôi đầu tiên là những vết xước nhỏ màu trắng chạy dọc hướng xuống, có lúc cong lên tạo thành cung tròn trong một hình thù kỳ dị. Tôi áng chừng có đến tận trăm đường như vậy chồng chéo lên nhau. Có vẻ như một móng tay sắc nhọn đã vẽ nên chúng. Tại chỗ sàn gỗ cạnh đó là bốn lỗ đinh đóng khá sâu, khoảng ba phân. Tôi hướng mắt về đống ngổn ngang ở góc phòng: một chiếc ghế và bốn chân ghế nứt vụn, dây thừng và con dao dính máu khô.

Tôi không dám nhìn vào góc tường sau lưng.

“Tất cả chuyện này là thế nào?” người tôi lạnh toát.

“Anh chưa nhìn cái góc cạnh cửa kìa.”

Vậy sao?

Tôi tiến đến. Đó là hai chiếc mền, bên trong nổi lên hai đống tảng gồ ghề lên xuống. Tim tôi khững lại. Tôi lần giở lớp mền mỏng bao ngoài, và dưới ánh đèn pin lờ mờ hiện lên một xác chết lạnh băng, cổ họng bị cắt. Miệng hắn ta cứng đơ, hàm chảy xệ do lớp mỡ dày ở cổ. Khắp cơ thể hắn vương đầy cát ẩm. Người xấu số còn lại là một tên nhỏ thó, tay xăm hình mũi tên đỏ thẫm, co quắp lấy bụng. Tôi và Lâm lấy hết sức kéo căng cơ thể ấy ra. Ngay giữa bụng, phần trên rốn là một vũng máu khô đặc bám lấy miệng vết thương. Tôi lén lấy mảnh giấy lộ ra trong túi gã nhỏ thó. Tôi có thể mường tượng ra giây phút ấy, khi con dao găm chặt vào ruột, máu không ngừng tuôn ra như suối… và còn tiếng la hét thảm thiết.

Con quỷ dữ ấy, cô ta đang ở ngay đây, tại Hỏa Sa này. Tôi có thể cảm nhận được hơi thở đắp muối mặn chát của cô.

“Sao,” Lâm nhìn tôi nói, “cậu tìm ra được điều gì chưa?”

“Không phải ông biết tất cả rồi sao.”

Lúc này tôi chỉ muốn đấm vào mặt lão buôn.

“Cậu thử nói xem nào,” ông ta nhếch mép.

“Chiếc ghế kia đã được đóng đinh lên sàn gỗ,” tôi bắt đầu, “và sợi dây thừng đã trói con người ngồi trên đó. Bằng chứng là trong đây ngoài những thứ trong đống ngổn ngang đó ra đều không có gì cho sợi dây thừng được việc, hơn nữa trên dây có vài chỗ bị tưa chứng tỏ đã bị căng ra một thời gian dài.”

“Vậy con người bị trói ấy là ai?”

Tôi nắm cổ áo ông ta lôi xệch vào tường.

“Tên chó khốn kiếp, mày đang chơi trò gì với tao? Tất cả chuyện này là thế nào hả?”

“Anh sao thế?” Lâm hét vào mặt tôi.

“Có phải mày gây ra tất cả chuyện này không?”

Bỗng một báng súng bổ vào sau gáy tôi đau điếng.

“Cái gì vậy?” Lâm quát. “Tao đã nói chúng mày để yên cho chúng tao nói chuyện. Cút ra ngoài, nhanh!”

“Không phải mày là đồng bọn của cô ta sao,” đầu tôi ong lên. “Tao là nạn nhân kế tiếp của chúng mày, phải không?”

“Cậu hiểu lầm rồi. Tôi chỉ là người kể chuyện.”

“Anh ta đã hóa điên thật sự,” Lâm mở đầu. “Tóc tai dài lởm chởm như người rừng vậy, còn râu thì đã lâu không cạo.”

“Người chủ tiệm hớt tóc sao?” tôi hỏi.

“Đó chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài. Hôm ấy, tôi đến bãi biển giao dịch với Ram. Lúc ra đến nơi thì cậu biết rồi đấy. Ồ phải, y như câu chuyện mà Ram đã kể. Tôi tức tốc chạy đến tiệm hớt tóc này để gặp đối tác, chính là người chủ đã hóa điên ấy. Anh ta nhốt mình trong phòng, la hét khản cổ những lời không rõ ràng, nhưng câu duy nhất tôi nghe rõ được là ‘cô ta đã thoát, cô ta đang tiếp tục uống máu kẻ còn lại!’”

“Hoang tưởng sao?”

“Tôi có vào phòng hỏi cho rõ ràng, nhưng tất cả những gì tôi nhận được là tiếng la hét thất thanh và những vết cào của người điên.”

“Chiếc ghế đóng đinh ở kia, chính do ông tháo ra phải không?”

“Phải.”

“Và chiếc mền đắp lên hai thi thể?”

“Đúng. Nhưng điều lạ lùng nhất chính là việc vài ngày sau cô ta đi đến đồn công an thú tội.”

“Nhưng công an không hề có chứng cứ, ngay cả xác chết cũng vẫn còn nằm ở đây.”

“Vì chỉ huy đảm nhiệm của vụ đó đã làm lệch hướng điều tra. Tôi đã bỏ tiền ra nhờ ông ta.”

“Tại sao?”

Lâm dừng lời. Tôi không thể ngồi yên được nữa.

“Dường như có phần nào trong tôi cảm thông với mỹ nữ Ánh Dương,” cuối cùng ông ta nói. “Khi Ánh Dương giết người trên bãi biển, sau khi Ram chạy biến đi, tôi có chạy đến đó bắt cô ta. Ngay lúc ấy,” ông ta lấy hơi, “trước mắt tôi là một gương mặt nhợt nhạt, nhễ nhại mồ hôi, hơi thở kiệt sức. Cô ta nói như van lơn ‘Làm ơn…’ Rồi tôi thả cô ta ra. Cổ họng tôi như bị thứ gì chặn lại. Rồi khi hoàn hồn lại, tôi chạy đến tiệm hớt tóc.”

“Ông có biết tên sát nhân ấy được thả ra lúc nào không?”

“Chừng hai tuần sau đó, ở cổng sau. Người của tôi đã báo cáo lại.”

Tôi đứng dậy.

“Một câu nữa.” tôi hỏi, “Ánh Dương chính là người bị trói trên ghế?”

“Đúng vậy.”

Tôi rời khỏi tiệm hớt tóc.

Tôi dạo bước trong làn hơi lạnh buổi đêm. Từ trưa đến giờ tôi chưa được gì bỏ bụng. Quán ăn ven đường đông khách rực rỡ ánh đèn. Những tiếng cười nói rộn ràng chìm đi trong tai tôi, giờ đây chỉ còn là tiếng gào thét của sóng biển. Trên bậc phân cách, tôi tháo đôi giầy ở chân rồi bước qua từng nhịp cầu thang. Biển vẫn ồn ào như thế. Cát vẫn mịn dưới chân.

Hơi thở của biển.

Tôi đặt lưng xuống cát, nhìn lên bầu trời đen kịt.

Sau tất cả, Lâm chỉ là người kể chuyện. Ông ta không thể nào làm giảm mối bận tâm của tôi.

Rốt cuộc điều gì đã khiến Lam quen cô ta? Tình cờ gặp nhau sao? Ánh Dương thì có liên quan gì đến bí mật của Lam? Cô ta đã không cho nó nói sao?

Gió biển thổi mạnh. Áo tôi lất phất trong gió. Sóng bỗng gắt lên dữ dội, bọt nước rộp rộp gảy lên tiếng gào rú của biển khơi. Mọi thứ xung quanh như đang nổi lửa hừng nộ. Mặt tôi xanh lại; tôi cảm thấy sợ. Không có một ai. Tuy nhiên, cảm giác tức thời ấy thật sống động. Tôi cảm tưởng như ai đó đang tiến lại gần mình. Có mùi muối biển… Tôi bất giác quay người lại nhưng chẳng thấy ai.

Trong thoáng chốc, tôi còn tưởng Ánh Dương đến đây giết mình…

Tôi chạy thật nhanh về nhà nghỉ. Bán sống bán chết. Tôi quá sợ khi hơi thở muối biển ấy len lỏi qua cổ họng.

Sóng cuộn trào.
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
30. Hợp tác

“Tại sao anh lại muốn giúp tôi?” tên buôn ma túy hỏi.

“Hiếu đang là đối tượng truy nã của cảnh sát,” cảnh sát đen nói. “Và tôi tin chắc hắn đã bắt cô gái của anh đi. Tôi đang ở rất sát hắn rồi.”

“Cái gì, cô ấy vẫn còn sống sao?” hắn run lên hạnh phúc. “Tôi biết mà, tôi biết lắm mà. Cô ấy không thể chết được. Phải. Cô ấy thật chưa chết, đúng không?”

“Phải.”

“Vậy thì…” hắn vội vã, nhưng tức thì trở lại vẻ cảnh giác ban đầu. “Đây có phải là một trò để dụ tôi vào bẫy?”

“Xin anh hiểu cho, việc hợp tác này là bất đắc dĩ. Những tội lỗi của anh, tôi sẽ xử lý sau.”

“Anh được lợi gì khi tìm ra hắn?”

“Anh quên rồi sao, tôi là cảnh sát đấy. Bắt tội phạm là công việc của tôi. Khi vụ này thành công, tôi sẽ trao trả cô gái lại cho anh.”

“Còn tôi cũng sẽ bị tống vào tù, đúng không?” hắn cười.

“Chúng tôi sẽ khoan hồng cho anh.”

Hắn nghĩ ngợi một lúc lâu.

“Với một điều kiện,” hắn nói.

“Điều gì?”

“Khi chúng ta bắt được Hiếu, anh sẽ cho chúng tôi nói chuyện riêng vài phút, được chứ?”

“Không được. Anh sẽ làm nguy hại đến tên tội phạm mất. Anh thù hắn mà.”

“Không, tôi chỉ muốn nói chuyện thôi. Tôi nói thật đấy.”

“Anh không nên trả thù, vì điều ấy không mang lại được gì cho anh cả,” người cảnh sát nói chân thành. “Anh hãy để pháp luật trừng trị hắn. Đừng vấy máu thêm nữa.”

“Được được, chỉ nói chuyện thôi. Thỏa thuận vậy nhé.”

Nhưng trong thâm tâm hắn, lửa hận vẫn luôn chất chứa đến nỗi hắn không còn nghĩ được điều gì khác. Những lời cha Ánh Dương đã nói văng vẳng trong tai hắn, vang vọng như tiếng thổi tù và. Hắn không còn là con người nữa, mà chỉ là một đống các dụng cụ tra tấn treo trên móc dây.
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
31. Suy luận

“Anh đã đi đâu?” tôi hỏi.

Đã mười hai giờ đêm. Cảnh sát đen căng mắt nhìn vào cuốn sổ.

“Tôi đi điều tra,” anh ta nói.

“Anh biết gì mà điều tra,” tôi điên người. “Thậm chí dữ kiện của anh bây giờ cũng mù mờ như tôi. Rốt cuộc anh đã tìm được gì?”

“Một mảnh thư tay trong ống lọ.”

Anh ta lấy từ áo khoác ra một chai thủy tinh nút chặt, bên trong là mảnh thư ghi đầy những chữ. Tôi lấy thư ra rồi cầm lên đọc.



Tôi đã về với biển…

Không lúc nào tôi cảm thấy dễ chịu như thế này. Biển cứ cuốn tôi đi, mắt tôi đẫm nước. Tôi ôm chặt mình vào lòng, cố gắng hét thật to nhưng chẳng có ai. Người ta bỏ tôi mà đi rồi. Hỡi ơi tôi đang làm gì thế này, toàn máu là máu! Nước không thể cuốn thứ ấy đi khỏi tay tôi: vẫn nhớp nhúa hôi tanh như khi nó còn tươi. Thôi tôi về với biển… Tôi không muốn phạm tội nữa. Tôi sẽ đi.

Vĩnh biệt thế giới,

Mỹ nữ Ánh Dương.

"

“Thế này là thế quái gì?” tôi há hốc miệng.

“Vậy là cô ta đã tự dìm mình xuống biển.”

“Nhưng…”

“Có thể cô ta đã không còn gì. Thôi mai ta về lại thành phố.”

Cả đêm tôi không ngủ. Người tôi bứt rứt như bị côn trùng cắn, đầu tôi ong lên khó chịu. Tôi khóa chặt cửa sổ. Gió biển làm tôi lạnh.

Tôi đã đoán sai…

Khắp cuống họng tôi là vị nước biển mặn chát. Bức màn cửa khẽ đung đưa. Tôi nhắm mắt, cố đưa mình vào giấc ngủ.

Tôi cứ đi mãi về phía trước, đến khi nhận ra khu xưởng ma túy. Công nhân làm quần quật không ngơi nghỉ, còn tôi lê cái xác vào phòng nhân sự. Nơi này tối om. Tôi cố rụt tay mình lại nhưng không được: tôi không thể điều khiển tay mình nữa.

Tiếng sột soạt của áo quần ma sát với nền đất. Đất cát xước qua đôi ủng đầy bùn. Tôi leo lên ghế, đặt đầu nạn nhân lên thòng lọng, rồi đá ghế. Cái thân tạ kia lủng lẳng như con lắc đồng hồ.

Tiếng đếm dần về không.

Tôi thấy mồn một tay mình treo cổ Quân. Trước khi tôi kịp nhận ra thì anh đã chết. Tôi chạy thật nhanh ra ngoài. Tuy nhiên bốn phía toàn người đổ dồn về phía tôi: người gô cổ, kẻ khóa còng kéo tôi đi. Khắp nơi toàn tiếng bêu rếu.

“Tên giết người, mày không thoát đâu!”

“Để Thần Chết chặt đầu mày ra.”

Tôi giật mình mở mắt, toàn thân tháo mồ hôi bê bết. Một giờ. Tôi đã mơ gì vậy?

Tôi không giết Quân. Và tôi sẽ không giết Ánh Dương. Chắc chắn. Tôi đang hoảng loạn quá rồi.

Trong thâm tâm tôi nhận thức được rõ: cái chết của họ từ mình mà ra. Họ mất đi là vì mình. Bà Hạnh nói đúng, họ đang khóc. Nhưng tôi sẽ sửa chữa. Từ bây giờ.

Tôi sẽ không để họ rời xa mình nữa.

Dù ác mộng bao trùm, thì đó cũng là trả giá cho tội lỗi của tôi.

Tôi sẽ không để mất họ.

Tôi giở mảnh giấy đã lấy được từ túi của xác chết trong hầm. Những gì ghi trong đó khiến tôi kinh ngạc.



T.Đ.

Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Những thông tin cụ thể đã được gửi qua đường bưu điện. Nếu không phải bây giờ thì không bao giờ nữa. Bốn trăm triệu cho một bài toán hóc búa. Giao dịch vào ngày mai, tính từ ngày bức thư đến tay. Hãy mail cho tôi,

H.

"

Bốn trăm triệu, bốn trăm triệu sao. Tôi đã thấy ở đâu đó… Đúng rồi. Trong căn phòng tối của biệt thự xương khô, mảnh giấy đề bốn trăm triệu nằm trên bàn. Cô người mẫu Giang. Cô ta liên quan đến Ánh Dương sao? Không thể trùng hợp như vậy được. T.Đ — Tín Đài. Chúng giao dịch với Tín Đài…

Tôi chạy thật nhanh đến bức tường dán đầy giấy ghi chú.

“Ờ đây,” tôi lẩm bẩm, “nếu đặt đầu mối này ở đây, nối chúng lại, so sánh với những chi tiết đã được ghi ở nhà kho. Thêm Giang vào một mảnh, Tín Đài vào mảnh khác… nếu ghép lại…”

Người thanh niên điên loạn, đồng thời cũng là chủ tiệm hớt tóc, mà Lâm đã nói chính là hắn ta — kẻ mà tôi với cảnh sát đen đang truy tìm. Chứng tỏ rằng hắn đang ở đây, cùng với Giang hại một người tên Mỹ nữ Ánh Dương, trói cô ta vào ghế và hành hạ. Và khi cô ta xổng ra, bằng một cách nào đó, cô ta đã hóa điên… cầm dao vung vẩy khắp nơi để giết hai mạng người. Một giả thiết khác chính là họ đã cùng nhau bàn tính kế hoạch dàn cảnh giết người, người nữ trốn được tù tội, và sau cùng họ sẽ nằm yên, mặc cho Tín Đài lo liệu thông tin thú vị đó rồi hưởng số tiền bốn trăm triệu kia. Nếu đi theo hướng suy nghĩ này, Lâm cũng là một mắt xích quan trọng… và tôi chính là một con tốt thí trong lòng bàn tay ông ta.

Suy nghĩ theo cách nào thì mọi chuyện cũng đưa về một mối: hắn ta — tên khốn kiếp ấy đang ở đây, ngay tại Hỏa Sa này.
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
32. Bãi biển xác chết

Tôi mơ màng.

“…hàng người đổ xô ra bờ biển để chứng kiến vụ án mạng. Người bị thương là cô người mẫu Tú, hai mươi ba tuổi, người vừa nhận được suất tham dự chính cho cuộc thi Sắc đẹp Quốc tế 2063…”

Tôi bật dậy trên giường. Đồng hồ chỉ bảy giờ tám phút sáng. Tôi vội vàng đi ngay về phía cửa.

Tiếng ồm ồm của tháp truyền hình làm sáng bừng cả thị trấn nhỏ. Mọi người đổ đầy ra đường, hướng mình ra bãi biển. Chưa bao giờ tôi thấy cả người phấn khích như lúc này.

Phải rất khó khăn tôi mới chen qua được lớp người đông như tổ kiến cuộn tròn quanh hiện trường án mạng. Có những bà già la ó đòi phía công an công khai các khám phá của mình. Tôi cố len lỏi qua khe hẹp để đến góc rõ nhất.

Qua hàng người pháp y, tôi thấy được xác chết là một cô gái trẻ sắc sảo, diêm dúa. Tú bê bết trong vũng máu, khắp người mang đầy trang sức. Đôi bông tai nặng nề của người xấu số ngập trong cát. Hai hàm cô ta bạnh ra cứng đơ, tôi đoán đã chết được vài giờ.

“Tự sát à?” tôi hỏi viên cảnh sát gần đó.

“Cái gì? Tất nhiên là không rồi,” anh chàng quay sang nói.

“Tôi dám cuộc cô ta tự sát.”

“Tôi nghe cấp trên nói nạn nhân bị đánh đến chết,” anh ta cự lại. “Với anh không thấy à? Vết thương be bét cả người thế kia.”

“Ồ, vậy à?”

“Thì vậy chứ sao.”

Bỗng có một tiếng khóc than vang lên.

“Trời ơi, cô Tú.”

Đó là một người phụ nữ khoảng năm mươi, má teo tóp. Chiếc quần cộc bó sát làm tôn lên chiều cao uy nghi của bà, điểm xuyết thêm vẻ trẻ trung quyền quý là chiếc vòng cổ cỡ lớn cùng túi xách đen vắt ngang tay phải. Thi thoảng cổ bà ta ngất hếch lên gợi vẻ đẳng cấp và kiêu ngạo. Bà ta khuỵu chân rồi quỳ lên cát, vẻ kiệt sức.

Tổ điều tra bước đến. Tôi nhận ra cơ hội và đỡ bà ta dậy.

“Bà là người thân của nạn nhân?” viên cảnh sát hỏi.

“Không, cô ấy làm cho tôi.”

“Tôi có thể biết tên công ty?”

Bà ta ra vẻ bối rối.

“Hilliard,” tôi nói đỡ. “Chúng tôi làm bên tổ An toàn Thông tin và đang đảm trách vụ kiện của ông Tùng.”

“Tôi nghe nói vụ đó đã kết thúc?”

Tôi nhăn mặt ra vẻ khó chịu, anh ta hiểu ý nên lái về vụ án.

“Ồ, tôi không nên hỏi quá nhiều. Vậy hai người mới đến đây à?”

“Anh này nói chuyện với tôi cách đây vài phút, ngay khi chúng ta đến,” người cảnh sát lúc nãy nói.

“Đúng,” tôi trả lời, không mảy may quan tâm đến người kia. “Tôi hẹn gặp trưởng phòng ở quán cà phê bên kia đường. Khi đến, tôi thấy người ta bu đầy bên đây và khi sang đến bãi biển tôi sững sờ khi nhận ra đồng nghiệp mình, cô Tú đây, nằm chết trên bãi biển.”

“Anh không đến nhận mặt Tú ngay à?” viên cảnh sát nhìn tôi.

“Tôi nghĩ làm như vậy không ích gì cho việc điều tra.”

“Có ích chứ. Lần gần nhất anh gặp cô Tú là khi nào?”

Tôi lại đặt mình vào thế khó.

“Mới hôm qua, lúc còn trong văn phòng. Tôi không ngờ chuyện khủng khiếp này lại xảy ra. Cô ấy còn quá trẻ.”

“Còn bà?” viên cảnh sát quay sang người bên cạnh.

“Hôm qua cô ấy có qua phòng tôi… gửi bản báo cáo, à không, bản tổng kết tình hình tháng. Cô ấy trông rất bình thường, và… cô ấy còn quá trẻ.”

Bà ta pha kịch dở tệ. Người thanh tra ánh lên nghi ngờ.

“Lúc đó cô ấy có đi làm không?”

“Ý anh là gì?” tôi hơi bực với câu hỏi này mặc dù nó không dành cho tôi. “Anh đang chơi tâm lý người phụ nữ tội nghiệp này à?”

“Tôi không có ý thất kính đó. Phục vụ cho công tác điều tra thôi, anh biết đấy, không phải ai cũng sẵn sàng khai thành thật.”

Bà kia bưng mặt nấc lên thành tiếng.

“Cô ấy là nhân viên mà bà yêu quý nhất,” tôi kiếm chuyện nói. “Mất cô ấy làm tan nát cõi lòng bà.”

“Ồ, tôi rất tiếc,” anh ta tỏ vẻ hối lỗi. “Thôi ta qua kia đi, biết đâu hai người sẽ biết được gì đó.”

Chúng tôi đi lại chỗ xác chết đang nằm. Người xấu số mặc bộ váy cam xẻ lưng với cái cổ cuốn kỳ dị vắt ngang vai. Tôi không hiểu nổi ai lại có thể mặc một thứ dị hợm đó trên người. Đường họa tiết đỏ thẫm rạch ngang từ lưng áo đến dưới ngực. Xác chết nằm nghiêng, và ngay tại lưng áo tôi thấy… một Mặt Trời đỏ rực đập thẳng mắt tôi, hay nói đúng hơn là vết rạch của con dao theo hình bầu hóp ngang. Đường máu đi không thẳng, ở vài chỗ do run tay nên vẹo hẳn sang bên.

“Tên sát nhân hoảng loạn khi đang hạ thủ,” tôi nói.

“Thế ư?” người cảnh sát thắc mắc.

“Anh không thấy sao? Vết rạch không đều tay. Hơn nữa, trên lưng áo còn dính cát, chứng tỏ hung thủ đã phân vân trong việc chọn tư thế nằm của cái xác: lúc đầu hắn đặt nạn nhân nằm nghiêng để hắn có thể rạch lưng cô ta, sau đó lại cho nằm ngửa, song đến cuối cùng đổi lại thành cách nằm nghiêng.”

“Anh không phải là tên sát nhân đó đấy chứ?” anh ta đùa.

“Đây là đồng nghiệp tôi đấy, tôi phải làm hết sức để tìm ra tên hung thủ chứ. Tóm lại, mục tiêu ban đầu của hắn ta chính là giết người, rồi sau đó đặt xác ở vị trí thuận lợi để công an có thể nhìn thấy hình dạng vòng tròn máu ấy.”

“Hợp lý.”

“Nhưng cô ấy có từng nói với anh rằng mình có kẻ thù nào không?”

“Tôi biết,” bà kia lên tiếng. “Chỉ là suy đoán thôi, nhưng tôi có thể kể tên người ấy cho anh.”

“Ồ, vậy thì tốt quá.”

“Lâm Giang.”

“Sao chứ? Bà nói là Giang sao?” tôi há hốc mồm.

“Anh cũng biết cô ta à?”

“À không,” tôi vội vàng. “Chỉ vì tôi từng nghe tên cô người mẫu ấy trên đài.”

“Chính cô ta đấy.”

“Cô Lâm Giang ấy có đang trong giờ làm việc không?” người cảnh sát hỏi.

“Không. Mấy tuần nay không thấy cô ta đi làm nữa.”

“Vậy ra bà với cô Giang, người tôi biết là người mẫu, làm chung ở một chỗ?”

“Tôi với bà ấy từng đi thanh tra ở công ty người mẫu chỗ Lâm Giang làm,” tôi nhanh chóng sửa lại. “Ở đó từng có một vụ tố cáo cho rằng họ đã sử dụng thông tin về Hilliard mà theo chúng tôi biết là sai sự thật. Chúng tôi đã được làm quen với Giang vào dịp này.”

“Ồ, câu chuyện hay đấy. Nào, hãy đến xem những gì còn sót lại của nạn nhân. Nên nhớ là mọi người không được tự tiện động vào đâu nhé.”

Một chiếc giỏ xách được mang ra, cùng với đó là bức hình chụp cô ta mặc bikini dưới mái dù, bao tay chống nắng, kem dưỡng da và vài thứ mỹ phẩm linh tinh. Một cái ví da cá sấu đựng đầy tiền, một thẻ chứng minh cùng mảnh khăn mùi soa sặc mùi nước hoa. Tấm danh thiếp viết: “H. M. Tú— Người mẫu.”

“Đồ dùng hàng ngày của cô ấy thôi,” tôi nói chán nản.

“Bà này,” người cảnh sát quay về phía người kia, “vì sao bà nghĩ cô Giang này chính là hung thủ?”

Tôi găm chặt mắt mình vào hình thù Mặt Trời sau lưng. Có vẻ rất giống Ánh Dương… không lẽ Giang chính là Mỹ nữ Ánh Dương? Rất hợp lý. Cô ta có đủ tố chất của một tên giết người máu lạnh: lòng căm thù, mục tiêu, sự chối bỏ. Bị chối bỏ vị trí mẫu chính trong cuộc thi sắc đẹp. Khi ấy, ở biệt thự xương khô, cô ta đã tuôn ra một tràng dài về câu chuyện của mình, ngọn lửa hận thù với cô gái đã giành lấy vinh quang của mình bằng tiền dơ bẩn. Người ấy đích thị là Tú.

Lòng tôi vui mừng khôn xiết. Không phải vì lẽ đó… cái lẽ mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng bây giờ tất cả đã rõ. Tôi biết nơi Giang ở, tôi có số điện thoại của cô ta.

Một vị bác sĩ pháp y tiến đến nói nhỏ vào tai người trẻ tuổi.

“Sao?” anh ta la lên. “Là cô ta sao? Ánh Dương? Phải rồi, vụ đó không tìm thấy bằng chứng! Sao tôi ngu ngốc thế này?”

Tôi bất giác nhìn xung quanh. Ngay kia, đứng trên bãi đá có đến chục chiếc máy quay chĩa thẳng vào hiện trường nơi chúng tôi đứng. Chữ T.Đ. thêu ngay ngắn trên túi áo. Tín Đài sao?

Vậy có nghĩa là Mỹ nữ Ánh Dương đang gặp nguy hiểm. Cảnh sát sẽ đến…

Tôi phải đến đó ngay.

Tôi kéo bà kia lại gần mình.

“Không còn thời gian nữa,” tôi nói, “bà không cần biết tôi là ai. Hãy đến nói với Benhard, người quản lý người mẫu ở chỗ bà… ồ, S. à, sao cũng được. Nói với ông ta hãy tạm lánh ở chỗ nào khác. Phải làm thật nhanh. Ông ta chính là mục tiêu kế tiếp của hung thủ. Làm nhanh lên. Lời nói của tôi không phí đâu.”
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
33. Hồi ức dưới trăng

“Em đã về đó sao?” hai hàng nước mắt chảy ra từ khóe mắt hắn.

Ngày đêm hắn vẫn đau khổ với sự thật rằng Ánh Dương đã chết, suốt ba năm ròng. Bây giờ, cô lại đang đứng trước mặt hắn, bằng xương bằng thịt.

Ánh Dương đứng lặng thinh như tượng. Khuôn mặt cô không hiện bất cứ cảm xúc nào mà chỉ như một tảng băng lạnh lẽo. Hắn vội chạy đến ôm cô nhưng chợt khững lại; dường như hắn nhận ra ở cô một thứ gì uất nghẹn. Hắn không vội hỏi đó là gì.

“Vậy là em vẫn nhớ,” hắn nghẹn ngào, “em vẫn nhớ lời tôi đã nói. Em từ cõi chết trở về. Ôi, em làm sao thế?”

Cô gái bỗng gục xuống bằng hai gối. Mái tóc quăn dài của cô che lấp hết khuôn mặt, xõa dài xuống hai vai.

Hắn vội chạy đến đỡ cô.

“Lại đây với tôi. Đã xảy ra chuyện gì vậy?”

“Không… không có gì cả… chỉ là… chuyện không đâu.”

Hắn bừng tỉnh khỏi nỗi hạnh phúc.

“Hiếu đã làm em tiều tụy như vậy, đúng không? Tôi biết chắc là hắn đã bắt cóc em. Hắn đã đưa em đi đâu? Thời gian qua hắn đã làm gì em?”

“Không… chỉ là em…”

“Đừng có ngập ngừng như thế nữa!” hắn hét ra lệnh. “Đứng thẳng lên và nói cho tôi. Chính tôi sẽ trả thù cho em. Hắn đang ở đâu?”

“Hắn… không ở đâu cả. Hắn không còn là… gì nữa, mà cũng có thể hắn chết rồi.”

“Tôi không tin. Nói nhanh lên, tôi đang ở rất gần hắn rồi, chỉ cần em nói ra thôi. Nhanh lên!”

“Nếu anh thật sự quan tâm đến em, hãy đến ôm và hôn em đi. Em nghĩ chuyện trả thù không còn cần thiết nữa. Anh hãy dừng lại và hãy luôn bên em.”

Ánh Dương gối đầu lên vai hắn. Rất nhanh, hắn tránh người mình ra và nói gấp gáp.

“Không phải tôi đang quan tâm em sao? Tên chó khốn kiếp ấy, hắn phải chết! Hắn phải chết trước khi ta hạnh phúc bên nhau, em hiểu chứ? Có bao giờ em hiểu cho tôi không?”

Hắn trừng mắt với con người đang đứng đằng xa, sau cột đèn đường.

“Không, em không muốn…” giọng cô nhỏ dần, xa xăm.

“Cô ấy không giúp được gì đâu,” cảnh sát đen lên tiếng. “Không nên phí thời gian ở đây nữa.”

“Nhưng cô ấy là người duy nhất biết chuyện,” hắn cự lại. “Anh không muốn tìm ra chỗ ở của hắn sao?”

“Anh đang nói chuyện với ai thế?” Ánh Dương hỏi.

“Thì là một người cảnh sát, em không thấy sao? Anh ta hợp tác với tôi để truy bắt Hiếu.”

“Anh thấy một người cảnh sát ư?”

“Em làm sao vậy?”

“Không có ai ở đây nữa cả,” cô gái nghi ngại. “Anh thấy một người cảnh sát, đúng không?”

Hắn buông ra tiếng chửi thề.

“Anh ta nói đúng, em chỉ đang làm phí thời gian của tôi thôi.”

Hắn đẩy người cô gái ra xa.

“Bây giờ bạn tôi sẽ đưa em đến nơi trú ẩn. Hiện hắn vẫn chưa biết tôi đã chết, nên nếu em không biết gì, tôi sẽ tự đi tìm và cắt cổ hắn. Hãy ở yên đó và không làm gì kích động, rõ chưa?”

Lưng hắn mỏi nhừ trên chiếc xe khách chật chội. Hắn mua vé, bước lên xe đi về vô định. Định mệnh đưa hắn đến nơi vắng lặng này, đặt lưng xuống nền cỏ nơi cầu tàu. Những con quạ rống lên não ruột. Cầu tàu điện vắt qua bầu trời thành phố. Năm phút sau, đốm ánh sáng từ phía trái lớn dần. Tiếng còi hú dữ dội. Sau đó là một đoàn tàu dài, gồm nhiều khoang chật ních khách, rực sáng ánh đèn. Nó lướt nhanh qua như chớp giật. Đoàn tàu chở ký ức. Cảm xúc trộn lẫn thành những màu sắc vui mắt.

Ting!

Mười hai giờ đêm.

Mùi cỏ thơm xộc vào mũi hắn, và tiếp đến là một cảm giác dịu nhẹ. Ngay khi ấy hắn bắt gặp ánh trăng tỏ đang nhìn mình hiền dịu.

“Hôm nay mày lại cười sao,” hắn cay đắng.

Hình ảnh đêm ấy quay về ám lấy hắn. Rõ ràng.

Tiếng dế râm ran khắp bụi cỏ ven đường. Đèn đường phớt lên lớp xi măng dải vàng thẫm tràn khắp từng khoảng. Mọi người như chìm vào giấc ngủ. Hai người đi bên nhau, thật gần. Giọng nói Ánh Dương trong trẻo như suối, mái tóc quăn từng lọn lăn dài như đàn cá hồi vẫy vùng vượt thác; tuy màu tóc không được sáng loáng rực rỡ như dòng nước lấp lánh dưới ánh Mặt Trời.

Hắn nhớ rõ tất cả những gì đã nói vào đêm ấy, hai tuần trước khi vụ cháy xảy ra.

“Tên của cô rất đẹp,” hắn nói thỏ thẻ, “nhưng không đúng. Tôi thích đúng hơn là đẹp.”

“Vậy sao?” Ánh Dương tròn xoe mắt.

“Trừu tượng không phải là từ dành cho tôi, vì tôi luôn muốn thấy rõ bản chất thật của thế giới.”

“Anh không biết những thứ trừu tượng thường thôi thúc con người ta kiếm tìm sự thật hơn sao?” cô gái chắp tay sau lưng.

“Vậy ư?”

Trong lúc ấy hắn cúi gằm mặt để được thấy rõ bóng hình cô gái in hằn lên đường. Cọng tóc mọc chệch hướng vẽ ra trên má cô thành hình giọt nước, tuy nhọn hoắt cong cớn lên quái dị. Ở con người này có một điều làm hắn sợ: sự im lặng.

“Ví dụ như Mặt Trời nung lửa thế chỗ cho tròng đen của mắt,” Ánh Dương nói.

“Ồ.”

“Tôi sợ Mặt Trời… nó sáng quá, còn nóng nữa, thậm chí lại đang ngự trị trong mắt cô.”

Người cô run bật lên. Hắn quàng tay qua vai cô, tay còn lại nắm lấy tay người kia.

“Không có Mặt Trời nào nữa, tôi đã quét sạch chúng đi rồi. Cô còn tôi mà, đúng không?”

Mắt cô gái hóa tro xám.

“Tôi đã không ngừng tìm kiếm lời giải thích cho hình ảnh đó. Mỗi buổi sáng tôi đều nhìn về phía Mặt Trời đỏ rực, về lớp dung nham nung chảy trên bề mặt thứ ấy, và nhận ra chính quả cầu tròn ấy đang in hằn trên mắt mình. Tôi càng muốn tránh né thì sức nóng từ đó càng rõ thêm.”

“Vậy nếu cô trả thù Mặt Trời?”

Hắn kéo cô quay về phía mình, nhìn chằm chằm nảy lửa.

“Cô không thể tránh né mãi được. Sẽ đến lúc cô phải đứng lên chống trả thứ ngục tù đó. Tôi biết cô có một nghị lực phi thường, một sự kiên quyết không thể lay chuyển. Tôi đọc được điều đó trong mắt cô, và tôi cần cô giải phóng thứ năng lượng đó ra. Ai cũng phải vấy máu, cô biết chứ? Chỉ có máu mới có thể trừng trị những kẻ đã hãm hại cô. Hãy cho chúng thấy máu.”

Cô không nói được lời nào.

“Đứng lên, đòi lại công bằng cho mình!”

Hắn như muốn ngộp thở. Cô gái nhìn hắn e sợ, thậm chí kinh hãi. Cô thấy rõ thâm chất đen đúa trong từng câu chữ hắn. Gió nổi lớn, cành cây hung dữ gầm rú lên. Cơn bão sắp đến thành phố.

“Tôi không muốn cô tên Ánh Dương nữa,” hắn nói. “Từ giờ tôi sẽ gọi cô là Thanh Lam, được chứ?”

Cô không nói gì, và hắn cho đó là một lời xác nhận.

“Cứ khi nào cô muốn tìm tôi, hãy đến đây. Tôi vẫn luôn ở nơi bãi cỏ này.”

Nhưng hắn không biết, đã không hề biết hậu quả của nó. Hắn mải mê nói cho thỏa lòng mình. Hắn chỉ biết đến mình.

Hắn không hề biết lời nói có thể thiêu cháy con người như thế nào.

Đây là lời tự thú của tôi. Tôi đã không biết…

Và ngay khi đó, một ông già và một đứa trẻ thu nhặt rác đi về phía tôi. Đó chính là ông Trung và thằng Nam, như các bạn đã biết.

Đó là câu chuyện của tôi, là tất cả những gì chất chứa trong lòng tôi trong suốt thời gian qua. Sau vụ cháy, tôi không gặp được Thanh Lam. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, tôi nhận được tin nó đang ngồi ngay trên bãi cỏ, nơi mà tôi và bà Hạnh đã ngồi. Lam không bao giờ nói cho tôi nghe tất cả những chuyện xảy ra sau vụ cháy, nhưng bây giờ mọi thứ đã rõ. Tôi đã có tất cả manh mối để đưa ra suy luận cuối cùng.

Việc duy nhất còn lại là xác nhận đúng-sai.
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
34. Mưa

Tôi bước vào phòng bệnh, thở hồng hộc. Xung quanh không còn ai.

Cửa sổ khóa chặt. Trên giường, Lam nhắm chặt mắt, nhăn mặt vẻ khó chịu. Nó ôm chặt đầu rồi ngã khỏi giường, miệng rên lên đau đớn. Tôi chạy đến đỡ nó dậy. Lam nhìn tôi ngơ ngác, cơ thể buông thõng mệt mỏi. Nó không còn nhớ tôi là ai sao? Tóc rơi lã chã lên sàn và đầu nó thưa dần. Tôi ôm nó thật chặt. Tôi không còn thời gian nữa.

“Tôi đã biết hết tất cả,” tôi nghẹn lại. “Tôi đã biết ý nghĩa trong mảnh giấy.”

Vai áo tôi bắt đầu ướt. Khi tôi nhìn nó thì đôi mắt đã kèm nhem.

“Để tôi đi gọi bác sĩ…”

“Không,” Lam nắm tay cản tôi. “Không còn thời gian nữa. Không thể cứu vãn được gì. Anh nhớ em đã từng nói gì ở trảng cỏ không? Anh phải làm việc đó.”

“Tôi biết rồi… Chúng ta không còn cơ hội nữa, nên hai ta hãy đi thật xa. Tôi với em sẽ rời bỏ thế giới, đến một nơi vắng người qua lại, và bên nhau.”

Ý niệm về hiểm nguy gần kề đã không còn trong tâm trí tôi. Bệnh tình của Lam không thể cứu vãn được: khi bác sĩ Minh thông báo, tôi như chết lặng. Bây giờ tôi sẽ đưa Lam theo.

Lam khẽ gật đầu.

Tôi rút các ống dây truyền nước và dây đo nhịp tim rồi bế nó dọc theo hành lang đến cửa thoát hiểm. Chúng tôi thoát ra bằng bức tường sau lưng bệnh viện. Chiếc xe máy phóng đi.

Chỉ còn có chúng tôi. Chiếc áo khoác tôi đắp cho Lam bắt đầu thấm nước. Mưa bắt đầu rơi.

Nền đất trở lạnh. Hai chúng tôi ngồi trên vách đất cao, cúi gằm mặt. Lặng yên. Gió rít bên tai, vù vù như muốn cuốn bay tất cả. Bụi mù tung bay khắp mặt khiến mắt tôi cay xè.

“Em đang chết,” sau cùng tôi nói. “Tôi sẽ không tránh né sự thật nữa. Không bao giờ nữa!”

Nó choàng đến ôm lấy mặt tôi.

“Em cũng nhận thấy mình sắp phải đi xa,” giọng nó yếu ớt. “Em hơi khó thở.”

Rồi Lam mỉm cười.

“Sao em có thể cười được trong lúc này được?” tôi cũng nở ra một nụ cười. Cay đắng.

“Đó là bài học anh luôn dặn em, không nhớ sao? Phải luôn cười thật tươi…”

Giọng nói khều khào sao êm tai quá.

“Tại sao chứ? Sao tôi không thể cười thật tươi và rũ bỏ hết thực tại như em? Tôi chỉ biết nói suông thôi sao? Tại sao tôi không thể buông bỏ mọi thứ?”

“Em không rũ bỏ, em tập cách chấp nhận nó.”

Tiếng mưa lộp độp trên nền đất khi tôi với nó ghé tai vào. Hai đứa lúc này hóa con nít và chơi những trò của con nít. Chúng tôi ngâm mình trong mưa và cười lớn. Nước mưa hòa lẫn nước mắt. Tôi không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa.

“Tôi yêu em,” tôi nói.

Nó xoa mặt tôi, mắt nhắm bình yên.

Đôi khi, chúng tôi nói chuyện bằng đôi mắt. Không cần phải dùng đến lời nói.

Nhớ lại những khi ấy, khi chúng tôi ngồi đối diện nhau trong hiệu sách. Tôi trước đó không hề có khái niệm về ý nghĩa cuộc sống, và nó chính là người định nghĩa cho tôi điều kỳ diệu ấy. Đã bao giờ tôi lại muốn nâng niu kẻ khác? Đã bao giờ từ sau cái chết của mẹ mà tôi cười?

Hai đứa một mình.

Mưa to dần, gió bắt đầu gào thét. Cây chuối phía kia bật gốc đổ nhào. Hai đứa ướt nhẹp và da đầu bết lại trong tóc. Tôi xoa nhẹ từng lọn tóc đang thưa thớt dần rồi đưa lên mũi. Chúng tôi bắt chước người ta mà cầm tay nhau, hết cúi rồi lại vung tay, chân nhịp bước. Không khí xung quanh như đang trong nền nhạc du dương của sàn khiêu vũ. Tôi bước lên, Lam lùi lại; hai tay đưa ra chọc thủng đất trời.

“Chiều nay không có mưa rơi ướt trên đôi bờ vai

chiều nay không có mắt em cười như lúc xưa

dường như góc phố cũng nghiêng buồn thả hồn bay khắp con đường

chiều nay không có mưa rơi anh lặng im…”

Giọng hát trên TV ngày ấy sao lại sinh động đến thế. Tôi hạnh phúc vì mình được khóc. Trong mưa. Với người mình yêu. Cô ấy sẽ không bao giờ rời xa trái tim tôi. Tôi còn khóc… tôi còn là con người…

Một, hai, ba…

Mưa đã ngớt. Đầu Lam nằm gọn trong tay tôi. Dáng nó thật đẹp khi nằm. Tôi ngồi, đếm giây. Nó nhắm mắt.

“Đêm nay không có sao nhỉ?” tôi nói.

Tôi đặt sợi dây sau Lam, nhẹ nhàng tròng vào cổ cô ấy. Tôi chợt ngừng lại. Lam nhìn thẳng vào tôi, dịu hiền. Tôi yên tâm hơn nhiều. Sợi dây càng thắt chặt hơn. Tôi đã có đủ can đảm để tay mình mạnh hơn nữa… đến khi cô ấy tắt thở. Thanh thản. Như Lam yêu cầu.

Lặng thinh.

“rồi phiêu linh hát gió cuốn anh đi mãi xa vời…”
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
35. Bắt cóc

Tôi phải gặp được Mỹ nữ Ánh Dương để hỏi cho ngọn ngành mọi chuyện. Dù cho cô ta có là kẻ giết người, tôi phải tìm hiểu. Tôi phải biết thứ gì đã làm cho đôi mắt Lam u uất như thế.

“Cô đang ở đâu thế?” tôi hỏi qua điện thoại.

“Tôi đang ở nhà đây,” giọng Giang chuyển từ ngái ngủ sang háo hức. “Hay ta gặp nhau đi, tôi chán quá rồi.”

Mọi chuyện đang rất thuận lợi.

“Vậy tối nay ở hộp đêm, chín giờ.”

Cô ta chụt chụt rồi cúp máy.

Đúng chín giờ tôi đứng trước hộp đêm Vãn Hồi ở phố Thượng Hòa. Tiếng nhạc xập xình ở vũ trường đập vào tai tôi như đá tảng. Xung quanh tôi, mấy thanh niên nhảy nhót. Có đám cả trai lẫn gái mặc đồng phục cấp ba đang tụ tập hút thuốc ở dãy sofa góc phòng.

Tôi ngồi xuống chiếc bàn trống ở giữa phòng và chờ đợi. Trên lan can gần loa treo, cô DJ nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ. Cô ta mang tai nghe ôm cả đầu, ăn mặc hở ngực. Ở cầu thang phía dưới, nhân viên an ninh đang đánh đập hai thằng trần truồng.

Sau cùng cô DJ lấy tay nắm chỗ tai phải rồi phiêu trong tiếng nhạc. Ở đây không thiếu những cô gái ngành nhòm ngó khách hàng để lôi kéo họ vào phòng.

Tối nay, tôi sẽ biết tất cả.

Một chầu vodka được mang ra. Cô phục vụ chĩa cặp mông cong hớn ra trước mặt tôi. Tôi không quan tâm. Cô ta thả ra một tràng chửi thề rồi bỏ đi.

Tôi nốc lên ly vodka. Tôi thấy thật buồn cười vì hắn cũng thích uống vodka. “Kẻ thù chẳng qua cũng giống ta thôi.” Hình như tôi đã nói câu này rồi. Vai trái tôi được bàn tay ai đó đặt lên, và khi quay lại tôi nhận ra Giang. Nước da ngăm của cô ta bị ánh đèn xanh đỏ che khuất. Tôi phải gân cổ hết cỡ mới to hơn được tiếng nhạc.

“Cô ngồi xuống đi.”

Trước mắt tôi là bộ áo dây mỏng manh. Như lần trước, cô ta bỏ thõng một bên dây áo xuống đến nửa tay. Mắt Giang trông sáng hơn và cũng đầy dục tình hơn. Tôi nhớ lại cuộc làm tình khi trước để tự trấn an — cô ta sẽ nói hết ra thôi.

“Cô uống gì? Whiskey nhỉ?”

“Ta vẫn hay uống vodka mà đúng không?”

Nói rồi cô ta vòng ra sau lưng tôi, đặt tay lên đó và ngả đầu vào tôi. Luồng hơi nóng phà vào cổ tôi.

“Ta làm tình khi không có rượu.”

“Cô đang chán sao?”

“Đó là hồi sáng, còn bây giờ thì không.”

Mồ hôi từ cổ Giang bắt đầu chảy. Tôi cảm nhận rõ ánh lửa khêu gợi bốc cháy tỏa ra từ đó. Cô ta đang chán chường, có lẽ do tiếp tục thua trên cuộc đua. Kẻ giết người này không hoạt động ở thành phố ư? Vậy lý gì mà Hỏa Sa lại có ý nghĩa với ả đến như vậy?

Tôi nhận ra mình cần phải hành động nhanh trước khi tình hình nguội lạnh.

Tôi kéo cô ta vào nhà vệ sinh nam. Quanh đó không có ai, và chúng tôi làm tình. Người kia ú ớ tràng dài liền khi tôi liên tục dốc thẳng cô ta vào tường. Tôi cũng muốn làm cho hả hê trước khi hành động. Tôi muốn một chầu thật ngon, mạnh chát hơn vodka để lấp đầy cổ họng cháy khô của mình.

Tấm khăn nực mùi từ trong tay tôi đặt mạnh vào miệng Giang. Tác dụng của thuốc mê nhanh chóng đánh gục cô gái đã yếu đuối lại còn đang mệt sau cơn mưa tình. Ngực cô ta đè lên tay tôi, và tôi cảm thấy chất mềm mại của nó. Tôi kéo cô ta ra ngoài trước khi ai đó vào nhà vệ sinh.

“Này, cô ấy bị sao vậy?” gã bảo vệ to con hỏi tôi.

Tôi choàng tay Giang lên mình rồi đỡ cô ta đi.

“Cô ấy say quá rồi.”

Gã ném cho tôi cái nhìn dò hỏi. Tôi bước đi.

Tôi lén chụp thuốc mê thêm vài lần nữa trong khi chiếc xe taxi gập ghềnh qua con đường đá. Người tài xế không mảy may nghi ngờ. Tôi sợ cô ta thức dậy. Tôi sẽ không để kế hoạch của mình thất bại.

Khi tôi đến khu ruộng trống thì đã mười một giờ. Nơi đây chính là rìa của khu xóm nhỏ, cách nhà ông Trung chừng một cây số về phía Đông. Tôi tìm thấy chỗ này khi bọn trẻ dẫn tôi đi thăm thú xung quanh vào một buổi chiều cách đây vài tuần. Tiếng cú vọ vọng lên từ cành cây. Phía trái tôi là khu rừng rậm rạp, đi dần về phải thì cây cỏ mọc ít lại. Rìa trái của khu rừng là con sông quê hẹp chạy lằn lèo về hướng Bắc. Nó dẫn thẳng đến con mương cạnh nhà ông Trung.

Căn nhà kho nhỏ nằm sâu trong khu rừng. Mạng nhện bám đầy trần tôn. Ở góc sau kho có đặt bàn máy cưa bụi bặm, bên dưới là đống gỗ mục nát. Nơi này từ lâu đã không có ai đến. Tôi lấy dây thừng trói hai tay cô ta lại, còn hai chân thì cột vào chân bàn máy. Chiếc đài TV nhỏ có vẻ còn hoạt động.

Tôi tát nước vào mặt Giang, và cô ta tỉnh lại.

“Sao rồi?” tôi hỏi.

“Gì thế này?” cô ta hoảng hốt.

Tôi đi đi lại lại trong phòng.

“Tại sao anh lại trói tôi? Thả tôi ra!”

“Khoan đã nào,” tôi nói trấn an. “Cô bình tĩnh lại. Tôi chỉ cần biết sự thật thôi.”

“Sao anh không hỏi ngay tại hộp đêm? Vả lại tôi không biết gì về anh cả.”

Tôi chìa ra mảnh giấy từ trong túi và đọc lớn, “…bốn trăm triệu…” Lúc này cô ta ngớ người ra rồi xanh mặt.

“Tôi không biết gì cả,” cô ta khẩn khoản.

“Cô có cái vẻ của người biết chuyện,” tôi dựng mặt cô ta đến khi quay hẳn về mình. “Nhìn mắt tôi rồi nói: có phải Mỹ nữ Ánh Dương là cô không?”

“Không, tôi không biết đó là ai hết. Không phải tôi!”

Tôi đứng dậy, tiến đến góc nhà kho, mân mê cây cưa đặt trên bàn. Tôi không muốn hại cô ta mà chỉ mong điều này khiến cô ta sợ.

“Bà Hiền, quản lý xưởng ảnh khỏa thân Stallery rất đau lòng vì nhân viên mà bà yêu quý nhất, Tú, được phát hiện chết trên bãi biển Hỏa Sa. Người yêu thương cô ấy nhất đã rất đau lòng vì người yêu mình chết. Anh ta chính là tôi.”

“Không,” giọng Giang run run.

“Cô đã ra tay hạ sát Tú, và đây là suy đoán của tôi: Tú chính là cô người mẫu đã giành mất vị trí dự thi chính thức của cô.”

“Rốt cuộc anh là ai?”

“Nhớ tôi nói chứ? Tôi chỉ cần sự thật.”

“Anh sẽ giết tôi…”

Không! Tôi không muốn hại Giang. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc ấy.

“Không.”

“Anh sẽ giết…”

Bỗng chuông điện thoại của Giang réo lên. Tôi lấy nó từ túi xách và thấy tên danh bạ ‘Anh yêu’ đang gọi đến. Ngay lúc đó, đập thẳng vào mắt tôi là hình hai người đang hôn nhau, Giang và một người đàn ông. Hắn không xa lạ gì. Hắn tên Hiếu.

Tôi nhấc máy.

“Về nhà chưa đấy em?” giọng Hiếu nhẹ nhàng.

Tôi không nói gì.

“Em có đó không đấy?”

“Này!”

Sau cùng, tôi mới lên tiếng.

“Là mày à…”

“Ai đấy,” hắn nhảy dựng lên. “Mày là thằng nào?”

“Cái thằng có người yêu bị mày tra tấn tâm lý đây. Cái thằng có bạn bè bị giết bởi chính tay mày đây.”

“Mày bị điên à?” hắn hét lên. “Con bồ tao đâu?”

“Không ngờ lại trùng hợp đến thế.”

“Tao không giết thằng bạn của mày! Mày đang nghĩ lung tung. Thả bồ tao ra!”

Tôi dập máy.

Thế là trong phút chốc, tôi nhận được nhiều hơn tôi tưởng. Mạng sống của Giang, sự thật, và hơn hết, cái bẫy để dụ hắn mắc vào. Chính bọn chúng đã hại Lam. Nó muốn tôi tìm ra sự thật này. Mắt nó ngấn nước. Nó đã phải chịu đau khổ.

“Bao giờ Ánh Dương mới định giết người tiếp đây?” tôi quay sang.

“Tôi không phải Mỹ nữ Ánh Dương. Tôi thề đấy! Anh bị ảo tưởng rồi.”

Tôi chìa tấm ảnh của Lam vào thẳng mặt cô ta.

“Bao giờ mày mới giết người này? Mày đã làm gì cô ấy?”

“Không… không…”

“Nỗi sợ hiển hiện ngay trong mắt mày rồi kìa. Rồi tao sẽ xử lý cả lũ chúng mày, không sót một đứa nào. Động vào tao chứ đừng động vào cô ấy!”

“Đừng…”

Tôi chuốc mê Giang. Cô ta chìm vào giấc ngủ.
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
36. Trở về xóm nhỏ

Bà Hạnh đang ngồi trên bục đá khi tôi tiến đến.

“Tôi rất tiếc,” bà nói.

“Không sao, tôi luôn biết thời gian sẽ giết người mà. Mà có thật là không sao không, bà nhỉ?”

Môi tôi hòa lẫn trong những giọt nước mưa lấm tấm rơi.

Bà Hạnh ôm lấy tôi. Tôi ngước mắt lên nhìn con người dịu dàng ấy. Tôi không cầm lòng nổi trước vẻ tiều tụy của bà. Bà Hạnh có một tấm lòng cao thượng. Tôi ôm bà thật chặt.

“Bà biết không, đôi lúc tôi tưởng bà như mẹ tôi vậy. Cũng đã lâu rồi tôi không gặp mẹ.”

“Vì sao vậy,” bà hỏi nhưng không mong chờ câu trả lời.

“Khi ấy… khi còn với mẹ, tôi không ngờ cái chữ ‘ung thư’ lại khủng khiếp thế này. Tôi chỉ biết thế là tôi sắp phải xa rời mẹ. Tôi sẽ không còn nhận được hơi ấm từ bà… nhưng chuyện đã qua, tôi chịu được. Khi bà ấy mất, tôi lại không được ôm bà vào lòng. Những người họ hàng thì luôn miệng lưỡi cay độc. Tôi đã bỏ đi, phiêu bạt. Nhưng chuyện qua rồi, đúng không?” nói rồi nước mắt tôi không biết từ khi nào chảy ra. “Nhưng bây giờ thì cô ấy phải chịu cái chứng ung thư quái ác ấy. Trời ơi…”

Tôi hận mình… hận vì đã không dành thời gian cho họ. Tôi chỉ biết đeo đuổi những thứ phù phiếm vô nghĩa.

“Tôi hiểu, tôi hiểu mọi thứ đã rất khó khăn với cậu,” giọng bà thật ấm áp biết bao. “Bên cạnh người mình yêu thương không bao giờ là dễ.”

“Tôi lại tưởng nó rất dễ. Tôi không ngờ chuyện lại thế này.”

Tôi nghĩ về tất cả và thấy mình thất bại. Tôi không giữ được họ. Có lẽ… có lẽ… bọn trẻ cũng sẽ thế. Sẽ lại thế thôi. Hẳn rồi. Tôi sẽ lại thất bại thôi.

“Tôi sợ giường bệnh, tôi sợ nhìn những đường ống thở cứ quấn quanh người ta.”

“Cậu có nghĩ bỏ rơi con cái là một tội ác không?”

Tôi hơi bất ngờ với câu hỏi này.

“Ồ, tôi… không biết nữa.”

“Những đứa trẻ ở viện tôi, phần lớn chúng được bỏ trong thùng xốp trước cổng. Ba mẹ chúng bỏ chúng ở đó, và chúng tôi nhận nuôi.”

“Có thể cha mẹ chúng không còn khả năng chăm sóc chúng.”

“Tôi không nói đến họ, vì đó thuộc phạm trù quyết định rồi. Ý tôi là chúng sẽ ra sao nếu bị bỏ dưới gầm cầu hay ở đâu đó?”

“Chúng sẽ chết vì đói?”

“Rất đúng. Nhưng tôi nghĩ trong trường hợp này sống còn đáng sợ hơn cái chết.”

Tôi run lên.

“Chúng phải mang sự thật cay đắng ấy bên mình suốt đời, chúng sẽ thù hận tất cả và lao vào con đường trộm cướp. Tương lai của đứa trẻ sẽ đi đâu về đâu.”

Tôi không còn hơi sức để nói, giật mình nhận ra đây chính là những suy nghĩ của mình hồi trước. Tôi không còn nhớ rõ từng lời từng chữ nữa!

“Hiện tại là cái chúng ta đang sống. Chúng ta cứu vớt nhau để sống tiếp. Cậu nên biết mình đang có gì, đang có những ai. Gió bão cuốn chúng ta đi rất nhanh cậu à.”

Tôi có Lam, tôi có bọn trẻ. Tôi phải làm gì đó, dù nhỏ thôi. Phải. Lòng tôi nhịp bước thành điệu nhạc làm bừng lên sự tối tăm của nhân loại.

“Cám ơn bà, cám ơn bà.”

Rồi tôi khóc đến không ngừng. Giọt mắt cứ tuôn trào ra. Tôi nhận rõ vị mặn nồng của nước mắt. Đó là hạnh phúc sao?

“Cứ để mọi sự đấy rồi thời gian sẽ trả lời,” tôi nói. “Đó luôn là tiêu chí của bà…”

Bỗng từ phía phải tôi phát ra tiếng la lối. Tôi nhận ra giọng nói ấy.

“Cậu hãy về đi,” bà Hạnh nói. “Hãy về với Nam của cậu. Thằng bé đang chờ cậu đấy.”

Tôi biết mình sẽ không thể quay về với thằng bé được nữa.

Căn nhà ấy vẫn như vậy, ánh đèn tẻ nhạt rọi xuống khoảnh sân. Hai hàng râm bụt héo úa. Khung cảnh thảm hại hơn những gì tôi nhớ. Ông già không có trên phản. Tiếng ầm ầm từ công trường sát bên cạnh nhà át đi tiếng mưa. Chắc họ đang thi công công trình gì rất to. Và bỗng từ đó phát ra tiếng chửi rủa. Tôi đến đó.

“Các anh không có quyền gì ở đây. Đây là nhà tôi!” giọng ông Trung khẩn nài.

“Ông có giấy tờ gì làm bằng chứng không?” người mặc vest khinh khỉnh. “Nếu muốn phàn nàn gì ông có thể gặp ông Thiên.”

“Mẹ thằng Thiên! Đây là nhà tao!”

Tôi kéo lão già ra khi lão chực lao vào anh ta.

“Thôi, về đi lão,” tôi nói xoa dịu.

“A, cậu về rồi đấy à? Cậu nói cho mấy người này rõ đi. Không ai được phá vườn của tôi!”

“Vườn tược lão cũng có chăm sóc đâu, với lại người ta làm việc thì thây kệ người ta. Có ảnh hưởng gì…”

“Họ sẽ kéo sập cây cầu của tôi thôi,” ông Trung ngắt lời.

Chưa kịp nói hết câu, ông ta chạy bay về nhà. Tôi chạy theo.

Sau đó tôi thấy lão ta sục sạo gì đó ở cây cầu xi măng quái dị. Chiếc xẻng cứ không ngừng đập vào lớp xi măng dày cộm. Tôi nghe thấy tiếng khóc phát ra từ ngôi nhà. Đó là Nam. Thằng bé đang đứng dựa vào cửa, nhìn về phía cha nó như đang nhìn một tên tâm thần. Ông ta thực sự điên loạn rồi. Chốc chốc lão dọng mạnh nắm đấm vào cây cầu. Tôi đến kéo lão ra.

“Cậu buông ra! Tôi phải đưa bà ấy đi khỏi đây. Đừng bắt bà ấy phải xuống mồ.”

“Bà ấy là ai chứ?” tôi kéo ông Trung ra. “Đừng làm chuyện dại dột nữa, thằng Nam đang khóc kìa, ông không thương nó sao?”

“Buông ra, trời ơi!”

Nói rồi lão không còn sức lực để đứng bằng hai chân nữa. Sự bất lực đè nén nay đã dâng trào và rồi tắt lịm.

“Bà ơi…”

“Nhưng bà ấy là ai chứ?”

“Tôi phải đưa…”

Tôi ép lão vào nhà, đặt ngồi trên phản gỗ. Mưa vẫn chưa ngớt, và máy cẩu cứ ken két dưới làn nước xối xả. Tôi nhìn về phía nhà, và trông thấy Nam đang đứng sau cửa. Quần áo lấm lem của nó đẫm nước mắt. Thằng bé gầy nhom đi trong thấy, hệt như cha nó. Đôi mắt từ đó cũng lụi tàn đi thiếu sức sống, còn đôi chân khẳng khiu cứ mỗi lúc lại co giật lên. Tội nghiệp thằng bé.

Tôi đi đến.

Mắt Nam sưng vù.

Chưa lúc nào tôi thấy Nam giống cha nó như lúc này. Ánh đục ngầu trong con ngươi tỏa ra từ đó khiến tôi ớn lạnh. Tôi ngồi bên giường, đặt tay lên vai nó, ngay lập tức Nam đứng phắt dậy, vùng vẫy để thoát khỏi vòng tay.

“Anh đã bỏ đi,” nó run run. “Anh để mặc chị ấy ở đây! Chị ấy co giật rồi ôm đầu la lối, thế mà anh cũng không về!”

“Anh đã không biết,” tôi cố tiến đến gần nó.

“Đừng chạm vào tôi,” thằng bé lùi lại. “Anh là đồ xấu xa!”

Rồi nó chạy biến đi.

Tôi vẫn đứng đó, nhìn theo những bước chạy thoăn thoắt trên nền đất trũng mà lặng thinh. Hơi thở gấp của ông Trung chọc thẳng vào tai tôi. Tôi như bị điếc trong suốt thời gian đó. Nam chạy khỏi tôi, khỏi kẻ xấu xa. Đúng, tôi là kẻ xấu xa.

Tôi nghĩ về những khoảng thời gian vô ích của mình. Không có ích gì! Chỉ do tôi tô vẽ ra cả. Thật tôi không bao giờ điều khiển được trí não mình. Cơn đau đầu cũng vì thế mà tự nhiên ập đến.

Tôi xuống vườn thay quần áo rồi trở lên trước. Ông già đã bớt rên la. Lưng tôm của lão toát lên vẻ mệt nhọc chán chường. Tôi bước đến và nói.

“Những chuyện vừa qua,” tôi nói, “tôi đã làm gì sai, hay nói gì không hay, thì tôi xin lỗi lão. Nhưng ít ra lão cũng nên quan tâm đến thằng bé. Nó còn nhỏ quá.”

“Tôi thương nó chứ,” lão nhìn xa xăm. “Tôi còn nhớ như in cái đêm tôi nhặt nó về, nhớ những khi bà Hạnh qua để thuyết phục tôi đưa nó qua cô nhi viện. Tôi không làm được, không thể bỏ mà cũng không thể trao nó cho ai khác. Tấm thân già này đâu còn gì ngoài thằng Nam nữa.”

“Thế ra lão nói dối à?”

“Tôi thích làm người ta ghét mình. Đó là bản tính xưa nay của tôi rồi.”

“Nhưng… tôi có điều muốn hỏi.”

“Cậu cứ hỏi.”

“Có thể không phải lúc,” tôi ngập ngừng, “nhưng tôi có thể biết bà ấy là ai được không?”

Ông Trung nhìn lên bầu trời đen kịt.

“Bà ấy đẹp như trăng vậy. Tiếc là… bây giờ không có trăng.”

Mắt lão ngấn nước, rồi giọng nói khản đặc tiếp tục.

“Tôi chẳng còn gì để mà giấu giếm nữa; thời gian của tôi sắp hết. Tôi sẽ kể thật chi tiết… để tôi được nhẹ lòng.”
 

mucden22

Gà con
Tham gia
17/11/21
Bài viết
46
Gạo
0,0
37. Câu chuyện của ông Trung

“Chuyện xảy ra cách đây cũng gần bốn lăm năm cậu ạ,” lão khạc đờm.

“Khi ấy tôi còn là một thằng hai sáu tuổi nghiện ngập. Tôi cứ men theo chỗ tối mà đi, đêm thì tụ tập chơi thuốc đêm thì một mình phê pha. Tôi rụt cổ lại khi mũi kim đâm vào xương tủy: đó là khi thứ chất lỏng đó tràn vào người tôi qua khắp mạch đập. Máu chảy giọt từ kim nhọn… Nó thích lắm cậu ạ. Khi đưa vào cơ thể, ta quên hết đau khổ, ta bị cám dỗ để bước vào những thế giới hoàn hảo. Cậu đã nghe về lý thuyết ‘Thế giới không buồn’ chưa? Đó là cuộc sống mà ta hằng mong ước. Nhưng khi ở vào mới biết. Chai sạn cảm xúc. Có lẽ cậu nghĩ thật ngược đời, vì quái gì hạnh phúc mà lại chai được? Nhưng cậu biết đấy. Hạnh phúc mãi rồi cũng chán. Đó là điều luôn làm tôi nhức nhối mỗi khi hút, rồi đâm, rồi phê pha… mà thôi cũng không có gì đáng phải kể chi tiết cho cậu. Tóm lại tôi là một thằng nghiện vô công rồi nghề.

Những đêm trong vũ trường khiến tôi vui vẻ được đôi chút. Bọn gái phục vụ dù ngon nhưng cũng chẳng làm tôi hài lòng được bao lâu. Đêm ăn chơi thì sáng mọi thứ trở về guồng quay cũ, thậm chí còn được tặng thêm cơn đau thắt ở não kéo dài cả ngày. Tôi không làm gì mà chỉ nằm đó, chỗ góc hẻm sâu nhất mà người ta có thể tới, kê đầu lên áo khoác mà ngủ. Không ai đi qua làm phiền tôi cả.

Chuỗi ngày ấy kéo dài như vô tận. Vòng lặp thời gian cứ thế mà vận hành trong khi tôi còn không hiểu nổi mình được sinh ra trên đời để làm gì. Chỉ có vật vờ cho qua ngày! Lắm lúc tôi nổi khùng lên và cũng bao lần tôi thoát khỏi công an khi họ đuổi tôi.

Nhưng tôi thấy mình chẳng may mắn gì. Tôi vẫn cứ thế mà đi trong vô định. Gió thốc vào mắt tôi bỏng rát, và mỗi khi như thế tôi nốc rượu cho mình quên sạch. Rượu trong chai từ khóe mắt tôi mà tuôn ra như suối.”

“Tôi không bao giờ hút ma túy,” tôi nói dối. “Nhưng giả thử có thì tôi cũng không hút để quên đi mình từng hạnh phúc. Cuộc đời tôi có tồn tại cái mỹ từ rực rỡ ấy đâu, mà tôi đoán ai cũng vậy,” bỗng giọng tôi chuyển chua chát. “Họ nói mình vừa thăng chức, rằng thật vui khi leo lên một nấc thang mới trong công việc. Nhưng vị trí cao kèm trách nhiệm lớn. Rồi họ cũng trải qua đắng cay thôi. Nhưng tôi kể những con người ấy làm chi? Họ khác tôi. Họ có gia đình để dựa vào, đó là điều may mắn. Tôi có nhìn thấy một gia đình thực sự đấy! Hai vợ chồng và một đứa con. Nó cứ hỏi suốt về những thứ quanh mình, hỏi về vũ trụ vận hành ra sao, tại sao ba cao hơn nó thế? Tôi cóc quan tâm đến mấy thứ đó. Tôi nhìn kỹ gia đình họ mà mặc cảm cho bản thân. Thậm chí khi nhìn thấy thằng Nam tôi cũng phải xấu hổ! Tôi đơn giản là không xứng đáng với nụ cười của nó. Tôi cũng lao vào vòng lặp thời gian để kiếm tìm sự trừng phạt cho mình. Rốt cuộc tôi đã đúng hay sai?”

“Nhưng thời gian qua cậu đã đi đâu? Thằng bé lúc nào cũng nhắc cậu… À, tôi sơ ý quá. Chắc cậu biết chuyện cô gái… bị ngất rồi.”

Lần đầu tiên tôi mới được nghe giọng lão thế này.

“Đúng, tôi đã biết. Và biết sau khi nhận ra thứ mình theo đuổi chỉ là ảo giác. Còn gì xấu hổ hơn nữa?”

“Nhưng…” lão bối rối.

Tôi biết mình đang cắt ngang câu chuyện thế nào.

“Tôi xin lỗi, ông cứ kể tiếp.”

“Tôi muốn kể hết về bản chất của mình, trước khi đề cập đến cô ấy. Tôi không biết cậu có muốn nghe và cho là tôi điên khùng không…”

“Lão cứ kể như tôi không ở đây,” tôi học theo bà Hạnh.

“Vậy tôi tiếp. Cậu biết tại sao tôi uống chứ? Tôi nghĩ mình còn vị giác! Tôi cảm nhận được vị cay nồng của rượu ngấm qua từng sợi tơ mũi. Thôi tôi không kể nữa… thật vô ích. Nhưng cậu sẽ không ngờ được câu chuyện ngày ấy. Tối đó, bảy giờ, tôi lê lết thân xác còm nhom của mình vào góc phố để tiêm mũi đầu tiên. Máu vương vãi trên nền nước cá bẩn thỉu khu chợ cũ. Cậu biết thứ chất sệt đó ảnh hưởng đến ta nhanh như thế nào rồi. Nhưng cũng tại đó, một cô gái trẻ, về sau tôi được biết là kém tôi tận mười bốn tuổi, đang ngồi khóc sụt sịt. Tôi nhìn cô thật kỹ. Dù trời đã nhá nhem tối nhưng tôi vẫn nhận ra được sự hiện diện của chiếc nơ cài tóc xinh đẹp trên mái tóc bồng bềnh ấy: nó trông rối bời thê lương. Chợt trong một khoảnh khắc, cô ngước lên và bắt gặp ánh mắt tôi. Đó thực là khung cảnh kỳ lạ giữa hai con người kỳ lạ. Không ai nói gì, đến nỗi một cử động nhỏ thôi cũng không có.

‘Sao cô lại khóc hở cô bé?’ tôi hỏi.

Cô làm một cử chỉ tay khó hiểu. Tôi ráng chờ đợi nhưng không có lời nào phát ra.

‘Sao, cô không nói được sao? Thế nhà cô ở đâu?’

‘Nhà cô ở góc phố à? Để tôi dẫn cô về.’

‘Sao vậy? Cô có chuyện không vui với gia đình à?’

‘Vậy ư? Người ta trêu chọc cô?’

‘Không, tôi thấy giọng cô ngọt ngào lắm chứ. Cô hãy lắng nghe xem. Tôi nghe tiếng chim hót ở đâu đấy.’

Tôi lãng tử cơ đấy,” lão cười nhăn nhúm nhưng rất thật, “chưa bao giờ đời tôi lại yên bình như trong giây phút ấy. Trong đầu tôi tưởng tượng ra đủ thứ.

Cô lấy tay che miệng rồi cúi mặt ngượng ngùng.

‘Mẹ cô thường hay nghe cô hát không? Ôi cô ca sĩ ơi, bài hát làm tôi rung động. Cô ơi, cô hát hay lắm. La la la. Mắt cô như cơn gió vút qua đời tôi, như ánh mặt trời xuyên thấu tâm can, rọi sáng tâm hồn. Ôi, kỳ diệu quá nước mắt…

‘Cô ngại rồi kìa. Mẹ cô chắc phải là một người cảm thụ thanh âm thứ thiệt.’

Tôi cười vang.

Giọng hát cô vực bật tôi đứng bằng hai chân. Sẽ không còn tháng ngày rượu chè nữa. Cậu không ngờ âm nhạc có sức truyền cảm mãnh liệt như vậy đúng không?

Cô dẫn tôi qua những con đường nhờ ẩm buổi đêm. Người đi lại vãng dần và tưởng như chúng tôi đang đi một mình. Khi ấy, trong lòng tôi nảy ra một thứ tình cảm kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy cũng chưa từng trải qua. Tình yêu cậu ạ. Ôi…

Chúng tôi đứng trước một căn nhà cao chót vót nhưng nhỏ xíu, đằng trước để chữ ‘nhà trẻ mồ côi Hạnh Nguyên’. Đèn đường bật sáng chiếu rọi đôi chân cứ chợt nhảy nhót như con nít. Tôi được hóa thân vào một đứa bé con trong buổi tối ấy. Mở cửa là một bà luống tuổi, gương mặt phúc hậu với thân hình mập mạp.

‘Ôi con ơi, sao bây giờ mới về? Có biết là nhiều người lo lắng cho con lắm không?’

‘Cô bé đã khóc suốt vì bị bạn bè chọc ghẹo.’

‘Tội nghiệp con bé. Nó được gửi vào đây từ hồi còn chưa biết đi. Ngày đầu trong viện, nó cứ lầm lũi trong góc phòng, không bao giờ trả lời những câu hỏi của tôi. Một tuần sau tôi mới biết nó mất khả năng nói sau một vụ tai nạn xe khủng khiếp. Ôi, lạy trời con bé đã qua khỏi. Dù sao cũng cảm ơn anh nhiều nhé.’

Bà ta nhìn ra phía sau tường.

‘Con bé có vẻ thích anh đấy. Đã lâu rồi tôi không nhìn thấy nó cười.’

‘Tôi làm cô cười à? Nhưng không sao, chào bà.’

Đó là lần đầu tiên sau mười năm tôi mới lại thấy nước mắt của mình. Tôi đã nghĩ mình mất khả năng khóc từ lâu rồi, nhưng nay nó đã quay lại. Có lẽ tôi đã hoàn toàn bị những lời chân thành ấy đánh gục.”

“Xin lỗi, nhưng người phụ nữ đó là bà Hạnh?”

Tôi thấy câu mình hỏi thật ngu ngốc.

“Không đâu, đó là mẹ bà ấy. Bà Hạnh Nguyên là quản lý nhà tình thương nhỏ trên thành phố. Tôi có nghe nói rằng bà đã thua vụ kiện nào đó trên ấy nên mới chuyển về đây. Khi bà mất, đó là cách đây mười năm, bà Hạnh đảm nhiệm lại vị trí quản lý.”

“Bà ấy rất tốt bụng,” tôi nói.

“Và có một trái tim nhân hậu. Cả người mẹ lẫn người con.”

“Sau đó thì sao?”

“Tôi lại đến đó gặp Châu — tên của cô gái ấy. Việc tôi qua lại bên đó nhiều làm bà Nguyên không mấy hài lòng, vì cậu biết đấy, nhìn người ngợm của tôi đâu ra gì, và dù sao cô ấy cũng kém tôi tận mười hai tuổi. Có đêm Châu phải lẻn ra ngoài sân sau và chúng tôi nói chuyện không ngừng. Đôi mắt cô ấy đẹp như bồ câu vậy. Và tay cô rất ấm.”

“Tôi đoán đó là vợ ông?”

“Phải. Tôi yêu cô ấy say đắm. Từ ngày đó tôi bỏ hẳn rượu, bỏ thuốc, chuyên tâm chỉnh sửa vẻ ngoài. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc là tôi tự lấy dây trói mình lại cột vào góc tường. Bà Nguyên dần thay đổi suy nghĩ về tôi. Sau đó tôi có xin việc tại một tiệm hớt tóc và sau sáu năm tôi kiếm được kha khá, bỏ được nghiện, đủ để sau đó nửa năm tôi mua được căn nhà nhỏ, chính là căn này đây. Tôi đến xin bà Nguyên cho Châu được sống cùng tôi. Dù sao lúc này cô ấy cũng đủ lớn để rời khỏi trại mồ côi đó. Tôi có đủ điều kiện để chăm sóc cho cô ấy. Tôi yêu cô tha thiết. Và bà ấy đồng ý. Tôi vui lắm.

Sau đó bà đã nài nỉ hội đồng cho phép tôi được toàn quyền chăm sóc Châu. Tôi không dám nhìn người ta vì xấu hổ với danh phận cũ của mình, và chính những lúc ấy thì Châu đã động viên tôi. Tôi nhớ rõ khi ấy mắt mình chút nữa chảy nước, nhưng tôi đã kịp kìm lại. Và sau hai tuần thì cô ấy đã chính thức chuyển đến ở với tôi.”

“Thời gian đầu, chúng tôi hạnh phúc dưới mái nhà nhỏ của mình. Tôi cuối cùng cũng tìm được một công việc văn phòng, đi làm tám tiếng từ sáng đến tận tối mới chạy xe về. Quãng đường xa không thể ngăn tôi về nhà với cô ấy. Tôi luôn nằm ườn ra giường, và mỗi khi tôi muốn kiệt sức thì Châu ôm chầm lấy tôi yêu thương trìu mến. Nhiều khi tình yêu không cần lời nói cậu ạ; chúng tôi giao tiếp qua từng cử chỉ tay, cái chớp mắt và sự quan tâm.

Tôi mua giống về và chúng tôi cùng nhau xây dựng nên một khu vườn tuyệt đẹp. Bà ấy luôn thích những loại hoa màu đỏ. Luôn luôn là vậy.

Một ngày nọ, công ty tôi bỗng dưng phá sản và hàng ngàn công nhân viên thất nghiệp, bao gồm cả tôi. Tôi và Châu chuyển về khu xóm nhỏ này để sống. Chúng tôi vẫn giữ thói quen trồng những loại hoa màu đỏ, và cùng nhau xây dựng nên lối vào râm bụt kia.

Càng ngày tôi càng thấy mình yếu đi, đánh mất hết nghị lực. Không mục đích, không nghề nghiệp. Những lúc ấy tôi nhớ lại ngày xưa và thời gian lại cuốn tôi vào vòng lặp của nó. Tôi mua rượu uống, lên cơn thèm và tống hết số thuốc vào người… như ngày trước. Hai tuần sau, khi tôi về nhà tối ấy thì đã mười hai giờ hơn. Cô ấy lo lắng nên chạy ào đến vồ vập ôm tôi, sau đó Châu làm cử chỉ mà tôi không bao giờ quên được: cô ấy lấy tay xoa bụng và tôi hiểu chúng tôi có con. Tôi xúc động đến không cầm được nước mắt, rồi trắng bệch ra khi…”

Tôi không nói gì, giữ mắt mình lên bầu trời đêm.

“Đến tuần thứ chín, bác sĩ bảo… con chúng tôi bị nhiễm HIV.”

“Trời ơi,” tôi thốt lên. “Lão vẫn hút!”

“Đúng cậu ạ,” lão nhìn về cây cầu đá. “Tôi đã làm bà ấy chết! Tôi là kẻ giết người!”

“Im lặng nào,” tôi nói khẽ. “Thằng Nam còn ở trong nhà. Lão cứ nghỉ ngơi đi.”

Tôi định vào nhà ngủ thì lão kéo tay tôi lại.

“Đừng, xin cậu ở lại đây. Tôi phải nói hết. Tôi muốn gỡ cái gánh nặng, tôi muốn sống tiếp! Ngoài tôi ra thằng bé chẳng còn ai nữa. Cậu rất tốt, nhưng tôi không muốn xa nó.”

“Nào, bình tĩnh nào.”

Tôi đợi thêm năm phút nữa. Tiếng máy khoan dừng lại và một rừng chân rầm rập rời công trường.

“Rồi Châu… tôi nói cho cô ấy tất cả. Cậu biết không, cô ấy ngã khuỵu rồi nắm lấy cổ chân tôi. Tôi có tội. Tôi muốn quỳ xuống và ôm chân cô ấy, nhưng Châu lại lạy tôi…

Cô ấy quyết định phải bỏ cái thai đi. Tôi không nói gì vì không có quyền gì để mà nói. Chưa lúc nào tôi thấy mình cắt lòng ghê gớm đến thế. Đứa bé không đáng phải chịu tội lỗi của tôi suốt cả cuộc đời nó! Những dị hình trên cơ thể… nó không có tội! Tôi có tội.

Châu u uất rồi đổ bệnh. Cô ấy không chịu nổi cú sốc đó. Tôi có bí mật mời bác sĩ tâm lý đến chạy chữa cho cô, nhưng tình hình bệnh ngày qua ngày càng trầm trọng thêm. Tôi không dám nói gì, chỉ biết quỳ trước cửa và gục xuống. Tôi không dám nhìn vào phòng. Chỉ có lạnh nhạt… và thống khổ… và im lặng. Cô ấy trút hơi thở cuối cùng vào lúc mười một giờ mười chín phút, ngày 14/2/2016.”

“Sau đó tôi mặc áo khoác cho cô ấy rồi đưa cô đến gầm cầu tàu, chỗ đầu xóm. Tôi không muốn rời xa cô ấy. Tôi vứt hết thuốc và rượu. Tôi chạy trốn tất cả, chạy cho khuất trước khi một đôi mắt nào đó nhòm ngó. Mọi người chìm vào giấc ngủ. Chúng tôi ngồi tựa lưng vào nhau, nhìn vào hai phía đối diện. Đêm hôm ấy đầy sao, rất nhiều đom đóm. Không gian sáng xanh bao lấy chúng tôi và tôi dang vòng tay mình ra ôm Châu. Cô ấy vẫn không nói gì, và tôi cũng như mất tiếng. Cô ấy chưa chết!”

Lão lại lấy hết sức mò ra chỗ cây cầu, nhưng lần này tôi không ngăn cản lão. Tôi muốn con người có tội phải cúi xuống cầu nguyện. Linh hồn lão đã vương đầy gai rồi.

“Tôi nghe thấy tiếng xào xạc trong bụi cỏ góc gầm cầu, và khi kịp nhìn thấy thì bóng đen ấy chạy biến đi. Tôi bước đến và phát hiện một đứa bé chừng chưa một tuổi khóc òa lên trong hộp các-tông. Đó chính là thằng bé. Khi ấy tôi mừng đến nỗi khuỵu xuống hôn lên trán nó. Nó là con tôi! Con tôi được sinh ra đời. Nó vẫn khỏe mạnh.

Tôi chạy ào đến nói với Châu.

‘Con mình vẫn sống em ạ, con mình vẫn sống! Em ơi, tỉnh dậy nhìn xem kìa. Em ơi…’

Tôi như sống lại thời trai trẻ. Năng lượng ập đến tôi và những hình ảnh khi thằng bé lớn choán hết tâm trí tôi. Thế là tôi chôn bà ấy xuống đây,” lão chỉ cây cầu. “Chúng tôi không thể xa nhau được. Còn khu vườn thì tôi vẫn sáng ra chăm sóc, tỉa cành. Chậu sứ quét gai qua tay tôi khiến máu chảy ra, và tôi cay đắng nhớ lại mọi chuyện. Từ đó tôi lại lao vào uống, nhưng quá sợ hãi để hút chích ma túy. Tôi cũng dần thô bạo tệ bạc với thằng bé hơn.”

Tôi nhớ lại những lời đồn thổi rằng ông Trung bị điên, rằng ông đã giết vợ. Chúng không hẳn chính xác nhưng cũng đúng về mặt nào đó. Ông già quá đau đớn đến mức phải cào tường đập vách cho ký ức qua đi, mượn rượu để mua giấc ngủ. Tuy nhiên, không lúc nào là không có ác mộng.

Tôi nắm lấy vai ông ta.

“Còn đây là lối thoát của ông đây, nên căng tai ra mà nghe cho kỹ,” tôi bắt đầu. “Ông có tội, phải, nhưng tôi sẽ chỉ đường cho ông chuộc tội. Đây, đây là số tiền vừa qua tôi kiếm được. Tất cả những gì còn lại với ông chính là thằng bé, nên hãy sống thật tốt để bù đắp lại cho nó. Tiền nuôi nó, ông phải tự kiếm được, còn số tiền tôi đưa,” tôi ngừng nói một lát, sau mới tiếp tục, “hãy dùng nó cho nhà tình thương của bà Hạnh. Có rất nhiều đứa trẻ ngoài kia đang than khóc, kêu gào đói khổ, hãy dùng tình thương để lau đi nước mắt của chúng. Phải, tôi nói rõ ràng lắm rồi đấy. Hãy làm một người thầy dạy chữ cho chúng, hãy hết mình… không để cho ai làm chúng tin rằng ‘2+2=5’! Dù có ai nói với chúng câu ấy, hãy giúp chúng hiểu, bằng 4, bằng 4 đấy! Ông hiểu ý tôi không? Và quan trọng nhất, nghe cho rõ đây, không được để chúng mất niềm tin, có hiểu không? Sẽ luôn có ánh sáng.”

Ban đầu, ông Trung tròn mắt nhìn tôi không hiểu gì. Tuy nhiên rất nhanh, mắt ông lão hóa cứng cỏi, đầy quyết tâm. Tôi có thể yên tâm mà đi rồi.

Tôi để lão một mình với mộ đá, cầu nguyện bà Châu siêu thoát.

Tôi bước qua lối đi. Hàng râm bụt thổi một luồng hơi lạnh vào gáy tôi. Sắc hồng đỏ của chúng chìm vào tảng nước sau mưa. Chân tôi mỏi mệt.

Nơi xóm nhỏ này tối tăm mịt mù.
 
Bên trên