Chương 24. Hai ngày sóng gió
Sáng sớm hôm sau khi tôi tỉnh dậy thì không thấy Quân ở bên cạnh nữa, có lẽ anh ta đã về nhà sau đêm trực mà thực ra là ở cùng tôi tối qua. Tôi gọi điện cho mẹ chồng báo về bệnh tình của Bông, ông bà lo lắng muốn vào thăm nhưng dù sao cũng chỉ đứng ở ngoài, tôi dặn bà chiều rẽ qua nhà lấy thêm một ít đồ dùng cá nhân của hai mẹ con rồi hãy vào. Cũng không thể biết Bông sẽ phải nằm viện trong bao lâu.
Cảm giác của tôi và những ông bố bà mẹ ở đây thật không còn biết dùng từ nào để diễn tả… Chỉ cần nghe thấy bác sĩ gọi tên một bé nào đó thôi là mọi người dường như nín thở đợi chờ xem là tin tốt hay là tin xấu. Đó là cảm giác bất lực và đau đớn khi không thể thay con nằm trong kia, làm cảm giác run sợ chỉ cần bước đi đâu ra khỏi khu vực này vài bước chân thôi là có thể vĩnh viễn không còn được nhìn thấy con mình.
Mọi người đa số đều có vợ chồng thay nhau đứng đợi, còn tôi, chỉ duy nhất mình tôi ở đây với con trong khi chồng tôi vẫn bặt vô âm tín. Tôi lấy điện thoại ra thử gọi cho Bình lần nữa và vẫn không liên lạc được. Một cảm giác tức giận, uất hận nảy sinh trong lòng làm đầu óc tôi vô cùng choáng váng.
Khi tôi đang loay hoay đứng thập thò ngoài cửa chính của Khoa Hồi sức cấp cứu, cố gắng xem có nhìn được vào bên trong không thì Quân từ trên tầng bốn Khoa Hô Hấp đi xuống. Tôi hơi bất ngờ vì hôm nay là ngày nghỉ của Quân mà anh vẫn còn trong viện, chưa kịp hỏi thì anh ta đã lên tiếng trước thể hiện sự quan tâm:
- Em đứng đây thì nhìn được gì, yên tâm đi, anh đã nhờ chính bác sĩ Trưởng khoa đặc biệt chú ý đến Quỳnh Anh, luôn có bác sĩ và y tá túc trực 24/24 giờ để không xảy ra sơ suất nào.
Mắt tôi đỏ hoe khi nghe lời Quân nói:
- Có phải con gái em bị nặng lắm đúng không? Nếu không thì sao phải cần một bác sĩ chuyên theo dõi mình nó.
- Bây giờ là giờ nghỉ trưa, anh sẽ vào khoa thăm con bé xem bệnh tình tiến triển như thế nào rồi sẽ báo lại. Em cứ đứng ở đây cũng không giải quyết được việc gì. Nếu không có người nhà thay thì tranh thủ xuống căng tin bệnh viện ăn trưa đi. Ăn xong gọi điện cho anh, anh sẽ ra gặp. - Giọng Quân đều đều.
- Nhưng… em, em không thể rời khỏi đây được. - Tôi thực lòng không muốn đi xa khỏi khu vực này dù chỉ vài bước chân.
- Anh đã vào trong cùng con gái em, có việc gì anh sẽ gọi điện, đừng cố chấp nữa, đi đi!
- Thế, thế anh không về nhà nghỉ ngơi hoặc đi ăn trưa à mà xuống đây giúp em? - Tôi hỏi.
- Anh ở lại là có việc riêng, bữa trưa cũng đã ăn. Giờ thì em đi ăn được rồi chứ?
Tôi lủi thủi bước đi ra căng tin trong viện, gọi một suất cơm ba mươi nghìn rồi cố gắng nuốt nước mắt ăn hết. Con gái tôi còn nằm trong kia không biết tình hình tốt xấu thế nào, chồng tôi thì không có ở bên, nhất định tôi phải cố gắng, phải mạnh mẽ để vượt qua những ngày sóng gió này.
Khi quay trở lại Khoa Hồi sức cấp cứu thì tôi thấy một số người đang vây quanh cửa chính, tò mò lại gần thấy một người phụ nữ đang quỳ xuống túm chặt tay bác sĩ Trưởng khoa mà nghẹn ngào, hoảng loạn:
- Bác sĩ phải cứu con tôi, nhất định không được rút ống thở, con tôi rõ ràng còn rất khỏe mạnh, sao lại nói có thể rút là rút…
- …
Bác sĩ dường như trước đó đã giải thích rõ ràng với người nhà bệnh nhân nên lúc này cũng chỉ biết im lặng thương xót. Người nhà của người phụ nữ bước lại, cố gỡ tay cô ấy ra khỏi người bác sĩ nhưng không được. Một người đàn ông có lẽ là bố bệnh nhân thấy vậy thì gần như điên lên, mất kiểm soát gào thét định xông vào bên trong khoa nhưng nhanh chóng bị bảo vệ giữ lại. Anh ta vùng ra, giãy dụa và liên tục đe dọa:
- Các người thả tôi ra, các người không cứu được con tôi, tôi đốt cả cái bệnh viện này. Không cứu được con tôi, thì để tôi vào, trả con lại cho tôi… - La hét một hồi giọng anh ta khàn đi và nhỏ lại: - Sao không thể cứu con tôi!
Tôi không thể kìm nén được nữa, nước mắt cứ thế mà tuôn trào ra. Người vợ nghe thấy chồng la hét như vậy, lúc bấy giờ mới từ từ buông tay bác sĩ và ngồi phịch xuống đất. Thì ra trong lúc tôi đi ra ngoài ăn trưa, trong khoa đã có một bệnh nhi qua đời, người nhà vừa nhận được tin dữ.
Chân tôi run lên, tay tôi cũng run lên, chỉ cần nghĩ đến cảnh tượng người bị gọi tên là con gái tôi thì toàn thân tôi đã không còn sức lực. Tôi nhìn quanh thấy nét mặt ai cũng đau thương và thống khổ. Không chỉ có mình người mẹ kia khóc, tôi khóc, một vài người khác đứng đấy cũng khóc. Còn nỗi đau nào đau lớn hơn nỗi đau mất đi đứa con bé nhỏ của mình.
Chứng kiến cảnh người mẹ ngất đi, người bố liên tục đấm mạnh tay vào tường với đôi mắt hằn lên những tia máu, không thể nghe thêm những tiếng sụt sịt của mọi người vây quanh, tôi đưa tay che miệng và bỏ chạy ra khoảng sân rộng của bệnh viện, dựa người vào một gốc cây bật khóc. Bỗng nhiên điện thoại của tôi rung lên, là Quân gọi. Khẽ đưa tay gạt đi nước mắt và cố kìm lại những tiếc nấc nghẹn để trả lời.
- Em đang ở đâu? Bác sĩ cần trao đổi với em một vài vấn đề. Trở về khoa ngay nhé!
- Vâng, em vào luôn đây.
Tôi nhấc bước chân nặng trĩu của mình lên để đi thật nhanh về phía Bông đang nằm. Hơn một ngày rồi tôi không được nhìn thấy Bông, con bé có ổn không? Có phải là nó đang rất đau và muốn có tôi bên cạnh?
Quân đợi tôi ở cửa chính, đám đông lúc trước đã giải tán. Trong lòng tôi vẫn còn dư vị của sự xót xa, cay đắng và đau lòng cho một sinh linh bé nhỏ đã ra đi.
- Em lại khóc đấy à? Con em vẫn nằm trong kia, được chăm sóc cẩn thận, khóc gì mà khóc.
Quân vừa hỏi vừa trách móc tôi, tôi biết chỉ là anh ta quan tâm đến mẹ con tôi nên mới nói vậy. Tôi im lặng không biết nên trả lời như thế nào. Được Quân dẫn vào trong nên tôi có thể nhìn thấy con gái qua ô cửa kính. Trời ơi, con bé nằm đấy thoi thóp thở khó nhọc, đủ các loại dây dợ cắm chằng chịt xung quanh người. Mà có phải mình con gái tôi đâu, trong phòng còn rất nhiều các em bé khác cũng đang nguy kịch như Bông, các bác sĩ và điều dưỡng đi lại trong phòng thường xuyên kiểm tra máy móc và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tâm can tôi như bị cào xé đến rách nát, đau đớn đến cực độ khi phải chứng kiến cảnh đấy. Tôi cố mím chặt môi để ngăn những dòng nước mắt đang trực trào ra.
- Nếu biết trước em sẽ thế này thì anh đã không dẫn em vào. Em phải can đảm lên, con gái em còn can đảm hơn em lúc này!
Giọng Quân nhẹ nhàng truyền đến tai tôi, tôi bất lực nhìn con im lặng, mắt cay xè và đỏ quạch. Một lúc sau tôi cũng nhấc được chân theo Quân đến phòng họp của khoa. Các bác sĩ nói con tôi cần phải tiêm hai đến ba mũi hỗ trợ miễn dịch với giá bảy triệu đồng một mũi để duy trì sức khỏe chiến đấu với bệnh. Tôi không ngần ngại gật đầu, dù có trả tiền tỉ để cứu được con tôi cũng đồng ý.
Tôi gọi điện cho Lan vay tiền vì hiện tại trong nhà tiền mặt không đủ, Chủ nhật các ngân hàng đều đóng cửa. Biết tin Lan cũng vô cùng hoảng hốt, cô ấy giúp tôi xoay sở đủ tiền rồi đem vào viện cho tôi đi đóng tiền mua thuốc cho con. Lan đưa mắt nhìn tôi an ủi:
- Mày suy nghĩ tích cực lên, con bé sẽ không sao đâu. Bây giờ tao ở đây với mày một lúc, bố mẹ chồng mày vào tao sẽ về.
- Nhưng tao sợ ở đây nhiều vi khuẩn gây bệnh. Mày ở lại thì lúc về nhớ vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo rồi hãy lại gần thằng Cún.
- Được rồi, biết rồi… Lúc này mày còn lo cho người khác. À, lúc nãy mày nhờ tao lấy xe máy vậy đưa chìa khóa xe đây mai tao đi về nhà cho. Để riết ở nhà gửi xe của cơ quan làm sao được.
Tôi mở túi xách tháo chiếc chìa khóa xe Lead ra đưa cho Lan rồi nói nhỏ.
- Đây, chìa đây... - Đợi Lan cầm chìa khóa rồi tôi tiếp lời: - Giờ tao đang rất bối rối và lo lắng, có mày ở bên thế này cũng đỡ hơn nhiều. Cảm ơn nhé!
- Tao với mày còn phải nói cảm ơn? - Lan tỏ vẻ không vui. - Thế anh Bình đã liên lạc được chưa? Con gái thì đang cấp cứu, bố lại đang vui vẻ ở đâu? Đúng thật chả ra làm sao.
- Vẫn không liên lạc được, nhưng hiện tại đó không phải điều tao bận tâm, giờ chỉ lo cho Bông thôi.
Tôi đau khổ trả lời. Lan và tôi ngồi cùng nhau đến gần sáu giờ tối thì cô ấy đi mua về một hộp cơm to và ép tôi ăn hết lấy sức. Một lúc sau bố mẹ chồng tôi vào Lan mới xin phép về để lo bữa tối cho chồng con. Mẹ tôi chép miệng thở dài:
- Ngày xưa bệnh sởi đâu có nguy hiểm như vậy? Chỉ là phát ban rồi sau mấy ngày kiêng sẽ khỏi. Không phải con không quan tâm đến con bé để nó bị bệnh nguy hiểm hơn đấy chứ?
Tôi chưa biết trả lời câu hỏi này của mẹ chồng như thế nào nên chần chừ, mẹ tôi cáu:
- Hỏi sao không trả lời? Chồng con thì bận công việc tối mắt tối mũi, con có mỗi việc chăm con thôi mà cũng làm không xong. Sau này con bé được ra viện thì nghỉ làm, bỏ việc đi ở nhà chăm con cho khỏe mạnh hơn đã.
Mẹ chồng tôi tiếp tục nói oang oang trước mặt tôi. Bố chồng tôi có phần nhường nhịn vợ nên ông cũng không nhắc nhở bà nói nhỏ ở nơi cộng cộng. Ông tỏ vẻ ân cần với tôi:
- Cũng không ai mong chuyện này xảy ra cả, dù sao con bé đã ốm đau đến thế này thì con cố giữ sức khỏe còn chăm con, bố mẹ già rồi không vào thay con được!
- Con biết mà bố mẹ, con sẽ giữ sức để còn chăm sóc Bông, bố mẹ đừng lo. - Tôi cố gắng mỉm cười yếu ớt: - Đằng nào cũng không được vào thăm cháu, bố mẹ cứ về đi, có tin gì con sẽ gọi điện.
- À này, sao thằng Bình lại không liên lạc được con có biết không? - Bố tôi sực nhớ ra chuyện điện thoại cho Bình.
Nói gì đây? Chẳng lẽ nói con trai bố mẹ bỏ vợ con ở nhà để đi tìm gặp người tình cũ sao? Con trai bố mẹ bỏ cả công việc để đi giúp đỡ một người con gái đã chia tay nhau bảy năm sao? Có điều gì nực cười hơn thế nữa không? Tôi cố gắng nặn ra từng chữ:
- Anh Bình chắc là có việc bận hoặc điện thoại hỏng thôi. Anh dặn con là đi bốn năm ngày sẽ về. Anh ấy đã ba mấy tuổi rồi, bố mẹ không phải lo nhiều đâu ạ.
- Chồng con mà con nói như vậy à? Nhỡ nó có chuyện gì thì sao? Nó là con trai duy nhất của tôi đấy, bảo không quan tâm là được à? - Mẹ chồng tôi tự nhiên nhảy vào quát tháo khiến tôi giật mình. Bố chồng tôi thấy vậy thì vội kéo tay bà ra về, bỏ lại tôi còn ngơ ngác chưa hiểu vì sao mình bị mắng.
- Mẹ chồng em cũng thật là… Lúc này là lúc nào mà còn mắng con dâu ngay trong viện? - Quân bất ngờ xuất hiện trước mặt tôi tỏ vẻ thương cảm.
- Em quen rồi. - Tôi cười trừ.
- Đừng lo lắng và nghĩ ngợi nhiều làm gì! Giờ em chỉ nên lo giữ sức khỏe để chiến đấu cùng Bông. - Quân giơ tay nhìn đồng hồ và nói tiếp: - Muộn rồi, anh phải về với Chíp. Em yên tâm về Bông nhé! Bác sĩ nói sau khi tiêm thuốc hỗ trợ có khả quan hơn đấy!
Quân vỗ nhẹ vai tôi như an ủi. Bóng anh khuất dần nơi cuối hành lang.
Đã một ngày một đêm rồi Bình vẫn bặt vô âm tín. Nhớ lại lời mẹ chồng nói, không biết liệu Bình có gặp chuyện gì bất trắc không? Tôi chợt giật mình kinh hãi khi nghĩ nhỡ đâu Bình gặp chuyện xấu. Tại sao những người tôi yêu thương luôn bị đặt vào vòng nguy hiểm như vậy?
Buổi tối thứ hai trong viện cuối cùng cũng bình lặng trôi qua. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đêm qua không có bệnh nhân nào bị gọi tên vì chuyển biến xấu đi. Chắc tối qua mẹ chồng tôi nói với Duyên nên cô ấy đã gọi điện hỏi thăm Bông từ sáng sớm. Dù sao cũng là cô con bé, có giận dỗi gì thì Duyên vẫn quan tâm đến cháu.
Cả ngày hôm nay tôi không thấy Quân xuất hiện ở Khoa Hồi sức cấp cứu, thứ hai đầu tuần chắc Quân bận rộn trên Khoa Hô hấp nên không thể xuống thăm Quỳnh Anh giúp tôi. Trong đầu tôi lại có cảm giác mong chờ Quân xuất hiện, một cảm giác an toàn khi thấy anh ta và cũng là nhờ anh ta được phép ra vào khu cách ly tôi mới có thể hỏi tin về con gái mình một cách chính xác nhất.
Có lẽ mới bị viêm phổi, sức khỏe lại chưa ổn định nên mặc dù đã tiêm một mũi phòng bệnh Bông vẫn bị nhiễm sởi như những em bé chưa được tiêm phòng khác. Thậm chí vi rút sởi này còn biến tướng khác bình thường nên con bé trở nên đuối sức như vậy. Cũng may hai ngày vừa qua không thấy Bông có chuyển biến gì xấu từ bác sĩ báo đến. Tôi cứ tự nhủ với lòng rằng Bông sẽ không sao, sẽ sớm khỏe lại và trở về nhà cùng với tôi mặc dù trong lòng cứ nóng ran như lửa đốt khi nhìn về phía phòng bệnh của con. Tôi lẩm bẩm cầu khấn ông trời, xin ông hãy thương xót đứa con gái tội nghiệp của mình.
Đến đầu giờ tối tôi mới thấy Quân xuất hiện, rõ ràng anh ta không phải trực đêm như hôm kia nhưng anh ta vẫn chưa về mà đi thẳng đến chỗ tôi. Tôi vội vàng đứng dậy hỏi liền một câu:
- Anh vẫn chưa về à? Anh có thể vào xem giúp em tình hình Bông thế nào rồi không?
- Hôm nay anh nhận trực thay cho Thúy. Bác sĩ bên này có thông báo gì không? - Quân đáp rồi hỏi lại.
- Lúc sáng sớm bác sĩ Trưởng khoa bảo tình hình chuyển biến tạm ổn, nhưng em vẫn không yên tâm. Mà em với Thúy bận thế này khéo làm chậm kế hoạch chương trình Hy Vọng Xanh mất.
- Chậm thì cũng phải đợi. Việc của Bông bây là quan trọng nhất. Để anh vào trong xem tình hình con bé khả quan hơn chưa?
Tôi chẳng biết nên nói gì nữa, hướng mắt nhìn theo bóng Quân và chờ đợi. Hai ngày hôm nay người ở bên cạnh giúp đỡ, động viên, an ủi tôi là Quân. Còn Bình – chồng tôi, anh ấy ở đâu? Anh có biết những chuyện đang xảy ra ở đây không?
Lần đầu tiên tôi cảm thấy hận Bình, rất hận Bình. Trong lúc mẹ con tôi đang chiến đấu giữa sự sống và cái chết thì anh không có mặt. Hay là anh nghĩ tôi vốn một mình giải quyết mọi chuyện khi anh không có ở nhà quen rồi? Bình đi gặp người con gái ấy, rõ ràng là anh đi gặp cô ta. Vậy mẹ con tôi còn có ý nghĩa gì trong cuộc sống của anh không? Rõ ràng Bình biết tôi cũng chỉ là một người vợ bình thường như bao người vợ khác, cũng biết đau, biết ghen tuông, biết hờn giận… Nhưng tại sao anh vẫn quyết định đi Singapore dù tôi đã lên tiếng phản đối, ngăn cản? Nghĩ vậy tôi cảm thấy uất nghẹn nơi cuống họng, nước mắt được dịp lại trào ra khiến tim đau nhói buốt.
Chương 23 << >> Chương 25