6.
Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, đồng tiền luôn có một thế lực riêng và trong trường hợp chàng, sức mạnh kim tiền càng được phản ánh rõ nét. Dăm lời gửi gắm từ bố chàng - ông trùm ngành hàng hải cả khu vực bên cạnh những đồng Mỹ kim xanh mát mắt, chàng nghiễm nhiên trở thành người bảo hộ hợp pháp cho nữ bệnh nhân mang tên Vũ Khuê Vũ. Thời gian cứ thế mà trôi qua, chớp mắt đã hơn sáu tháng, trong thời gian ấy, người lưu tại Johns Hopkins và bệnh án của người được lần lượt chuyển đến nhiều nơi, nằm trên bàn họp trong khá nhiều hội đồng Y khoa nhưng tất cả đều đã vô vọng. Sau bao vẫy vùng nhen nhóm kỳ tích, chàng hốc hác trông thấy rõ, tâm trạng ngày càng phức tạp hơn.
Hai tuần trước, chàng quyết định biến một phần phòng ngủ trong căn nhà mới tại Baltimore thuộc bang Maryland nước Mỹ thành phòng chăm sóc đặc biệt theo quy chuẩn ngành Y; sau khi tham khảo ý kiến chuyên môn từ Tiến sĩ Keaser và những đồng nhiệm của ông trong khoa Giải Phẫu Thần Kinh. Ngay ban đầu, hầu hết các ý kiến chuyên khoa đều đánh giá tình trạng của người ổn định nhưng hi vọng có chuyển biến mạnh mẽ là khó xảy ra. Nên từ ba tháng trước, chàng đã mua căn nhà ba phòng ngủ, nép mình cạnh công viên Wyman, cách bệnh viện Johns Hopkins khoảng đường không xa, đồng thời có Tiến sĩ Keaser làm láng giềng. Keaser là người bạn hữu duyên có được từ cuốn tiểu thuyết "Rain of my soul" của chàng.
Ba năm trước, người vợ quá cố của Keaser dường đã kiệt sức sau khoảng thời gian đủ dài chống lại căn bệnh suy tủy hiếm gặp bởi một tai nạn nghề nghiệp. Bà rơi vào tâm thái chán chường, sẵn lòng buông xuôi tất thảy, cái chết là điều duy nhất còn tồn tại trong tâm trí. Thế rồi "Rain of my soul" được ký dưới tên "Khuyết Danh" xuất bản, một tiếng vang khác lạ giữa trùng điệp những tiếu thuyết tình yêu mang phong cách cũ kĩ đến nhàm chán. Bởi tác giả viết về cuộc đời và tình yêu dành cho cô gái làng chơi - một nhân vật vốn chẳng lạ nhưng cô gái làng chơi này không xinh đẹp, không được ong bướm vây quanh, chẳng đi về kẻ đón người đưa. Cuộc đời cô chỉ quẩn quanh bên góc phố quen thuộc, đêm đêm đốt thuốc héo môi khô chờ khách đến ngã giá, để mang dăm đồng bạc lẻ tanh nồng kia về lại căn phòng trọ bé xíu, nức nở vùi mình vào những trang sách. Một ả gái điếm thích đọc sách! Và rồi, cô gái làng chơi ấy được yêu. Tiếc thay, chàng trai kia ngoài tình yêu ra thì chẳng đủ sức vóc khiến đời cô tươi đẹp hơn. Hàng đêm, cô vẫn ra góc phố ngoài kia rao bán đời mình nhưng chưa từng rao bán tin yêu...
Một người bạn đã tặng "Rain of my soul" cho bà Keaser. Ngày qua ngày, bà lặng lẽ đọc; lặng lẽ cảm nhận từng tia hi vọng ẩn hiện qua những con chữ nhạt nhòa cùng lối văn phong nửa cay nghiệt nửa bao dung nhưng dẫu có đớn đau đến tận cùng thì yêu thương vẫn luôn đượm nồng trong từng dấu chấm câu của người viết; để lặng lẽ chiến đấu với cơn tử sinh bằng tất cả sức mòn. Bà thôi xa lánh, xua đuổi chồng mình, học lại cách chia sẻ hạnh phúc lẫn đớn đau cùng ông - điều mà suốt bao năm nay, từ ngày rơi vào vòng xoáy bệnh tật, bà đã lãng quên mất. Bà cũng chợt hiểu ra rằng, bà đớn đau, ông còn đớn đau hơn bội phần vì ông yêu bà, yêu rất nhiều. Người ta bảo, ai cũng chỉ chết một lần trong đời, tuy nhiên với ông, cái chết sẽ đến hai lần. Bà hiểu mình phải sống hạnh phúc và chết hạnh phúc trong vòng tay ông!
Một năm trước, bà muốn được gặp tác giả của "Rain of my soul" nhân dịp cuốn tiểu thuyết tái bản lần thứ ba chỉ trong vòng hai năm trên toàn nước Mỹ và các nhà xuất bản đã mời được vị tác gia ẩn danh kia lần đầu diện kiến giới mộ điệu. Lúc này, sức khỏe của bà đã rất yếu, thậm chí bà đã không thể thở tự nhiên hoặc rời khỏi giường bệnh. Ông Keaser dẫu biết vô vọng nhưng vẫn thu xếp một chuyến đi đến Chicago - nơi buổi họp báo sẽ diễn ra. Ông đi, mang theo cả nỗi lo quặn thắt cõi lòng về người vợ yêu thương với hơi thở nào cũng có thể là hơi thở cuối cùng.
Chuyến bay đáp xuống muộn giờ, đồng nghĩa ông Keaser đã nhỡ buổi ký tên độc giả của "Rain of my soul". Giữa chiều Đông rét buốt, ông chôn chân trước cửa khách sạn The Peninsula, toàn thân run lên trong cơn khốn cùng. Vợ ông chẳng còn nhiều thời gian để chờ đợi, ông thẩn thờ đưa mắt nhìn quanh. Đường East Superior hoa lệ những tòa nhà chọc trời, cửa kính loang loáng bóng người ngược xuôi, chỉ riêng ông đơn độc cùng vành môi khô mặn đắng. Và mắt ông chợt bùng lên những tia lửa cháy bỏng, mặc kệ tự trọng của một người có học hàm, ông lao đi, tìm kiếm cửa hàng bách hóa. Mười phút sau, ông quay lại sảnh chờ trên tầng lửng của The Peninsula với tấm giấy lớn xếp tư trên tay. Thời gian nặng nề trôi đi, rồi cũng đến lúc dòng người lục tục bước ra, nét thỏa mãn hiển hiện trên từng gương mặt. Ông lập tức hòa vào đám đông, dõi mắt chờ đợi một bóng hình xa lạ, nhân ảnh nhập nhoạng qua vài tấm ảnh chụp vội đăng trên các trang báo lớn trong những ngày qua...
"Ông Chử... Văn sĩ Chử..." Giọng ông Keaser khẩn nài vang lên rồi nhanh chóng chìm vào mớ âm thanh hỗn loạn. Các nhân viên an ninh của khách sạn quây kín lấy ông khi ông vẫn cố hết sức tạo nên sự chú ý về phía tấm bìa cứng với dòng chữ "Văn sĩ Chử, xin hãy cứu giúp. Vợ tôi đang chết..." đang đưa lên cao. Nhưng với sức vóc ở tuổi năm mươi, quả thật chẳng dễ dàng để ông có thể làm được điều mình muốn. Một nhân viên khuyên ông nên trở về, đừng gây phiền cho công việc của họ bởi họ không muốn phải gọi cảnh sát. Ông hết lời phân trần, chẳng ai muốn tin, có lẽ "màn kịch" tương tự đã từng diễn ra không ít lần trước đây. Trong cơn tuyệt vọng, ông gào thét đến điên loạn, "Chúa! Xin Người hãy giúp con. Jenny vẫn luôn yêu Người và bây giờ, cô ấy đang cần Người. Người có biết chăng?"
Từ giữa đám đông, bóng người đàn ông trẻ vận âu phục xám, áo choàng dài cùng màu đang tiến lại gần ông Keaser. Đấy chính là chàng. Chàng khẽ nhướng mày, chăm chú nhìn vào dòng chữ trên tấm bìa giấy hồi lâu. Đầu chàng cúi hơi thấp, âm giọng vừa đủ nghe, "Thành thật chia buồn với ông! Nhưng tôi có thể giúp được gì chăng?"
"Vợ tôi là Jenny, cô ấy ốm rất nặng và khó lòng qua khỏi trong tuần này. Cô ấy say mê tác phẩm của ông, di nguyện cuối cùng của cô ấy là muốn được gặp ông. Tôi biết yêu cầu đó là viển vông nên chỉ mong ông hạ bút, viết vài dòng động viên để cô ấy có thể ra đi vui vẻ." Ông Keaser nói bằng tất cả đớn đau, điều mà bao lâu nay ông cố chôn chặt tận đáy lòng bởi lo ngại tâm trạng của vợ mình sẽ xáo động.
Hai trong các nhân viên an ninh có ý gọi cảnh sát, viên quản lý cũng vừa tất tả đi về phía chàng. "Không cần! Phiền anh thu xếp đưa ông đây vào phòng khách, tôi sẽ quay lại ngay." Chàng đưa tay ra dấu cho biết bản thân vẫn ổn rồi ghé tai viên quản lý nói thầm. Xong, chàng đứng nghiêm trang, cằm hạ vừa đủ thấp, mặt quay về những phóng viên còn đang nán lại tác nghiệp, "Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đến dự buổi ra mắt của tôi. Tôi lấy làm hân hạnh!" Đoạn, chàng lại nghiêng người về phía ông Đa, nói rất khẽ, "Bác thu xếp phần còn lại hộ tôi!" và nhanh chóng rời khỏi đám đông.
Ông Keaser hối hả bước đi như chạy khi chàng vừa đến cửa phòng tiếp khách của khách sạn. Ông đâm sầm vào chàng, quên cả xin lỗi. Chàng khẽ nhíu mày nhìn theo sắc mặt tái nhợt của ông và linh cảm bỗng thúc đẩy dữ dội khiến đôi chân chàng bất giác bước theo, "Này, chồng của bà Jenny, ông không ổn ở đâu à?"
Ngước tia mắt đục ngầu tuyệt vọng nhìn thoáng qua chàng, ông Keaser lắc đầu, lẩm bẩm không đầu chẳng đuôi,"Muộn, muộn mất rồi! Jenny không chờ được nữa..."
Đột nhiên, chàng nghĩ đến người đang lưu lạc nơi phương trời xa xôi nào đó, liệu có ai đã thay thế chàng để yêu thương người hết mực? Đưa tay giữ chặt đôi vai đang run lên của ông Keaser, giọng chàng nhẹ nhưng mang theo âm hưởng quyết định, "Nếu ông không phiền, tôi muốn được đến thăm bà nhà."
"Sao?" Ông Keaser mấp máy đôi môi khô, tròng mắt màu xám xanh mở to nhìn chàng, "Tại sao? Thật chứ?... Tôi, tôi..." Tay chân ông luống cuống, câu lời cũng đứt gãy chẳng biết nên bắt đầu từ đâu hay phải nói thế nào cho đúng.
"Tôi không đùa! Nhanh lên, nếu ông không muốn bị muộn." Chàng tỏ ra khẩn trương và quả quyết còn hơn cả vị khách xa lạ kia dẫu thích xen vào chuyện nhà người vốn chưa từng là tác phong sống của chàng. Có lẽ, chân tình thể hiện qua từng cơ mặt của người chồng yêu vợ kia khiến chàng nhớ đến người nhiều hơn bội phần.
Ông Keaser lập cập sải từng bước lớn, chiếc điện thoại trên tay vừa kết nối cuộc gọi vào máy vị bác sĩ đồng nghiệp đang trực tiếp theo dõi bệnh tình của vợ mình, "Joo, chuyển máy cho Jenny hộ tôi." Giảm chậm nhịp chân, ông cố giữ hơi thở đều khi bên kia đầu dây thông báo rằng vợ ông đang nghe. Giọng ông rất ấm áp như thể cả hai đang mới vừa bắt đầu hẹn hò, "Anh đây, anh đang trên đường về nhà, có cả vị tác gia của "Rain of my soul" cùng về. Em nhất định phải chờ anh, hứa nhé Jenny!" Bà không thể đáp lời ông, dẫu chỉ là hơi thở nhẹ nhưng ông tin bà đang cười và ông cũng đang cố nhoẻn cười, tựa một lời tạ ơn thầm kín gửi đến chàng. Ông lấy lại vẻ bình tĩnh cần có, nhìn chàng, "Chúng tôi đến từ Baltimore, Maryland. Liệu có ảnh hưởng gì đến lịch trình của ông?"
Chàng nhún vai tự tại, "Chắc ông đã mua vé cho chuyến về? Tôi sẽ cố gắng để bay cùng chuyến ấy." Dứt lời, chàng lập tức gọi cho ông Đa.
Từ sân bay, hai người đàn ông về thẳng Johns Hopkins giữa đêm muộn. Bà Keaser vẫn cố không cho phép bản thân rơi vào cơn mê như lời hứa cùng chồng. Bà nằm đó, nhỏ bé, sinh mệnh chầm chậm trôi theo những thông số màu xanh chớp tắt trên màn hình điện tử. Đôi mắt nâu trong trẻo hôm nào đã úa màu, mi mắt sưng mọng đỏ, thật khó khăn để có thể nhìn rõ mặt người đàn ông của đời mình; thế nhưng vành môi héo hon vẫn vẽ nên nụ cười ấm áp, đôi tay chi chít vết kim tiêm vẫn gắng sức chuyển động, bà đang chào đón ông trở về nhà.
Ông Keaser cúi xuống hôn lên trán vợ, "Jenny, anh đưa tác giả của "Rain of my soul" đến thăm em. Ông ấy thật nhân từ. Anh tin chắc là em sẽ rất vui." Thay vì khuyên vợ mình cố gắng khỏe lại hoặc ủi an rằng bà sẽ chóng lành bệnh, ông chỉ muốn bà được vui bởi với ông, chia ly sẽ chẳng đáng sợ bằng phải trơ mắt mình người phụ nữ mình yêu thương sống mòn mỏi trong tuyệt vọng.
Bà Keaser cố hấp háy mi mắt, hình ảnh duy nhất hiển hiện chính là hai chiếc bóng màu xám; một người là ông Keaser đang nắm tay bà và người còn lại đứng nơi cuối giường. Tuy nhiên, bà tin lời nhận định của chồng mình về vị tác giả có giọng văn thấm đẫm yêu thương nhân bản kia, từ anh ta tỏa ra hương thơm tựa mùi gỗ sồi tươi trên đỉnh núi mùa Đông. Bà mỉm cười hồn hậu.
"Chào bà Keaser! Tôi là Chử Hàm Triết," dẫu bà Keaser không thể nhìn rõ vạn vật nhưng chàng vẫn cong lưng, hạ thấp đầu, cúi chào trang trọng theo đúng lễ nghi. Trên chuyến bay, chàng đã được nghe rất nhiều về cuộc đời bà, qua lời kể như một kiểu tự sự với chính bản thân trong âm giọng chan chứa hoài niệm của ông. Chàng bước đến gần bà hơn, tay chàng đặt nhẹ lên bàn tay bà, "Bà thực sự rất hạnh phúc, bà Keaser ạ! Cuộc đời này, mọi người đều mong muốn được sống trọn vẹn với hoài bão của bản thân và tìm được một người yêu mình, nắm tay nhau đi đến tận cùng con đường - bà đã có được cả hai điều ấy. Nói thật lòng, tôi cảm thấy ganh tị với ông bà." Dứt lời, môi chàng cong lên thành nụ cười buồn đến chạnh lòng.
Những ngón tay hao gầy của bà Keaser chậm chạp cử động khi nụ cười hồn hậu thêm lần nữa nở trên môi bà, tựa đóa hướng dương tỏa sắc giữa cánh đồng băng tuyết. Bà không thể đáp lời nên muốn dành nụ cười của mình làm món quà gửi tặng chàng - vị tác gia đã khiến bà hiểu rằng cuộc sống này hình thành bởi những chuỗi cảm xúc đan xen vào nhau nên hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn là được khóc cười, được đớn đau. Ngoài kia hay trong "Rain of my soul", hối tiếc cũng trở nên xa xỉ với bao phận người. Đâu đó trong đoạn đời đã qua, bà từng mang hình dung của nhân vật nữ kia, khác chăng là bà đã gặp ông, có thể cùng ông đi nốt đoạn đường cuối.
Sau cuộc tương giao ấy chừng bốn tháng, bà Keaser thanh nhàn từ biệt cuộc đời trong vòng tay yêu thương của chồng mình. Một ngày sau khi cuốn tiểu thuyết thứ hai mang tên "Lụa xương rồng" dưới bút danh Chử Hàm Triết ra mắt độc giả. "Lụa xương rồng" kể về cuộc đời người nữ khoa học gia đến từ mảnh đất Trung Đông khói lửa đan xen những hủ tục, nơi mà phần lớn nữ giới không có quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Trong gia đình đông con, nghèo khổ nọ có một cô bé lên mười hai bị bán làm vợ thứ tư cho người đàn ông gần sáu mươi. Cô bé ấy về làm vợ được gần tháng thì bị quẳng ra vệ đường cùng những vết thương kinh hoàng trên thân thể lẫn tâm hồn. Đoàn cứu trợ nhân đạo đã cứu, chữa lành vết thương ngoài da nhưng không thể trả lại khả năng làm mẹ, khoảng đời ấu thơ hoa mộng cho cô bé. Mười tám tuổi, cô bé đã thành nàng thiếu nữ xinh đẹp với niềm đam mê khoa học kỳ lạ. Thiếu nữ kia sống cô độc, nổi loạn và từ chối cuộc đời này. Dưới ánh mặt trời, thiếu nữ đến trường như bao bạn bè đồng lứa và khi màn đêm buông xuống, cô lang thang qua những hộp đêm nhếch nhác, sẵn sàng cởi bỏ áo quần, đánh đổi dăm phút vui cùng vài đồng tiền nát nhàu. Cuộc sống phù dung ấy cứ ngày qua ngày, như thể chẳng bao giờ kết thúc cho đến khi cô hoàn thành đại học rồi đột ngột quyết định ném thân mình vào mảnh đất Châu Phi xa xôi, gửi trọn những tổn thương một thuở vào nghiên cứu thuốc chữa bệnh. Gần hai mươi năm nữa lại qua đi, cô gái nổi loạn hôm nào biến mất, thay thế bằng hình dung phụ nữ trung niên trầm lặng bên những công thức Dược phức tạp. Trong hội thảo Y học mười lăm năm trước, cô gặp được tình yêu của đời mình - vị bác sĩ thần kinh học đến từ đất nước cờ hoa. Cũng giống như cô, anh chôn chặt cả thời thanh xuân vào bệnh án, nghiên cứu chuyên sâu. Tình yêu giữa họ như những bông hoa xương rồng nở muộn đỏ thắm giữa cát gió sa mạc. Cô kết hôn. Sau mười năm hôn nhân hạnh phúc, trong sự thấu hiểu của người chồng, một lần nữa cô trở lại Châu Phi giữa tâm bệnh dịch lạ đang bùng phát dữ dội; một lần nữa cô đặt cuộc sống cá nhân viên mãn ở phía sau khi quyết liệt dùng chính bản thân làm món cược. Hai năm dài, cô cùng các nhà khoa học khác đã chiến thắng phần nào bệnh dịch kia, tuy nhiên cô trở về nhà với căn bệnh mãn tính không thể chữa trị. Hào quanh hay vinh thăng, cô đều không màng đến, lặng lẽ rời xa hết thảy, nắm chặt tay người chồng thương yêu cho đến cuối đời.
"Lụa xương rồng" chỉ dài hơn năm trăm trang giấy, gói gọn cuộc đời và tình yêu bất diệt giữa hai con người. Không xa hoa bóng bẩy, chẳng ảo mộng hóa cõi trần đầy chênh vênh này nhưng lại ánh lên sắc nhuận tươi như dải lụa mềm mại kỳ lạ được dệt bởi những nhánh xương rồng gai góc. Chàng viết "Lụa xương rồng" bằng tất cả tâm huyết với thời gian ngắn kỷ lục, chỉ trong hai tháng vỏn vẹn khi lưu lại Baltimore. Hàng ngày, chàng đều đặn vào thăm bà Keaser, trao đổi gần như một chiều về nội dung cuốn sách. Ông Keaser giữ trách nhiệm cung cấp thông tin, chỉnh sửa bản thảo.
"Lụa xương rồng" thêm lần nữa đưa tên tuổi chàng vang xa trên văn đàn nghệ thuật. Các nhà đầu tư đổ xô tìm đến chàng với đề nghị chuyển thể kịch bản phim nhưng chàng nhất mực từ chối. Sau ngày đưa bà Keaser về với hư vô, chàng lặng lẽ quyên tặng toàn bộ nhuận bút từ "Lụa xương rồng" cho quỹ nghiên cứu của Tiến sĩ Keaser và quay lại cuộc sống ẩn dật riêng mình. Từ đó, đôi bên không gặp lại nhau thêm lần nào khác, mối thâm tình chỉ tồn tại qua những bức email.