Nắng cuối chân đồi - Cập nhật - July D Ami

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Mình đọc chương 1 thấy truyện khá thú vị. Dạo này mình cũng đang nghĩ tới chủ đề thời học sinh, nên cảm thấy rất thú vị được đọc các câu chuyện khác nhau trên Gác thế này.
Có từ “menly”, mình thấy hoặc là nên dùng kiểu Việt là “men lì”, còn không từ chuẩn của nó là “manly”. Vì phát âm Mỹ nên mới hay nghe là “men” thay vì “man”.
Hì, mà nghe nàng nhắc bên trên đi đón con mà mình thấy thân thương quá, vì mình cũng có con nhỏ đây.
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Mình đọc chương 1 thấy truyện khá thú vị. Dạo này mình cũng đang nghĩ tới chủ đề thời học sinh, nên cảm thấy rất thú vị được đọc các câu chuyện khác nhau trên Gác thế này.
Có từ “menly”, mình thấy hoặc là nên dùng kiểu Việt là “men lì”, còn không từ chuẩn của nó là “manly”. Vì phát âm Mỹ nên mới hay nghe là “men” thay vì “man”.
Hì, mà nghe nàng nhắc bên trên đi đón con mà mình thấy thân thương quá, vì mình cũng có con nhỏ đây.
Hì hì, cám ơn bạn đã đọc và ủng hộ. Mình viết cũng băn khoăn mấy từ tiếng Anh lắm, vì dùng Tiếng Anh quen mồm nên quên không biết đổi sang tiếng Việt ra sao. Để mình sửa nhá. ^^.
Thú thực là đến lúc già rồi, loay hoay với con cái và kiếm tiền, lại thấy nhớ lại thời thanh xuân bạn nhỉ. Sao mà đẹp, mà hồn nhiên đến thế! ^^.
 

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Mình thấy thích bạn Giang đấy. Bạn ấy rất hài hước.
Cậu chuyện của mẹ An rất là thú vị. Mình không rõ dụng ý của câu chuyện trong tổng thể nhưng bản thân nó là một câu chuyện khá là thu hút, cách bạn kể rất có hồn.
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Mình thấy thích bạn Giang đấy. Bạn ấy rất hài hước.
Cậu chuyện của mẹ An rất là thú vị. Mình không rõ dụng ý của câu chuyện trong tổng thể nhưng bản thân nó là một câu chuyện khá là thu hút, cách bạn kể rất có hồn.
Hì, tại hoàn cảnh của gia đình ảnh hưởng tới tính cách của An nên mình lồng ghép vào, với lại sau này hai mẹ còn có biến cố cùng thời điểm, ảnh hưởng tới con đường của An luôn. ^^.
Cám ơn bạn đã theo dõi câu chuyện và động viên cho mình nha. ^^.
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Chương 5: Mẹ phải xa bé An rồi!

Bố không chịu. Ấy thế mà bố không chịu.

Bà giận bố nuốt lời. Bà đánh mắng, bà nhịn ăn, bà gào khóc om sòm hết cả nhà. Bố đứng im cho bà đánh.

Mẹ biết hết, đêm ngủ mẹ xoa thuốc lên những vết bầm trên người bố rồi len lén khóc. Vì mẹ, bố phải chịu khổ rồi.

Giọt nước mắt rơi lên lưng bố nóng hổi. Bố xoay người lau giọt nước mắt của mẹ:

- Vợ ơi, anh chỉ yêu mình em, anh không muốn có lỗi với em!

- Nhưng em lại có lỗi với gia tiên, dòng họ của chồng rồi...

* * *

Một năm sau đó, An lên bốn.

Cô bé ngây thơ với đôi mắt to tròn lúc nào cũng quấn lấy mẹ. An sợ bà nội, An cũng sợ cô.

Cô Mỹ đi lấy chồng rồi, nhưng chả hiểu sao chỉ một năm sau cô lại trở về.
An từng thấy có chú có bà ăn mặc đẹp lắm dẫn cô về, đem theo cả đám vali quăng vào nhà. Rồi bà nội chửi nhau với họ, sau đó thì cô ở nhà luôn, không về theo chú đó nữa.

Bố đi làm kiếm tiền, không có nhiều thời gian rảnh chơi với An, nhưng mỗi lúc bố về đều mua đồ chơi, váy đẹp cho An, nên An không giận bố nữa, lại sà vào lòng bố nũng nịu.

Chỉ những lúc chỉ có ba người, hoặc có mình An, An mới thấy mẹ cười.

Mẹ cười rất đẹp. An yêu nụ cười của mẹ. Nhưng khi có những người khác xuất hiện thì mẹ không cười nữa. Đôi lúc chỉ có một mình thì An còn vô tình thấy mẹ khóc.

Có một ngày, An thấy một cô lạ mặt trông cũng hiền lành nhưng không xinh bằng mẹ đến nhà, trên tay cô còn bồng một em bé trai kháu khỉnh.

Bà nội nhìn em bé đầy yêu thương, bà bảo đây là em trai của An.
Em trai? Tự khi nào An có một đứa em trai?

Từ sau khi cô kia và em trai xuất hiện trong nhà, An thấy mẹ khóc nhiều hơn, cũng thấy mẹ cãi nhau với bố nhưng bố chỉ toàn im lặng không nói lời nào, bố cứ đứng im cho mẹ đánh. Mẹ đánh xong, bố ôm mẹ nói lời xin lỗi, mẹ lại hẩy bố ra, nước mắt lưng tròng.

Bà nội nhìn thấy thế liền gọi mẹ đến quỳ trước bàn thờ gia tiên. Bà nói mẹ không giữ trọn đạo làm vợ, làm dâu. Mẹ quỳ ở đó cả đêm, An cũng lén chạy vào với mẹ, mẹ ôm An và khóc.

Rồi một ngày mẹ mua cho An một chiếc váy rất đẹp, một con búp bê thật xinh, và cả một chiếc bánh mà An rất thích. Mẹ nói:

- Mẹ phải xa bé An rồi!

- Mẹ phải đi đâu? Tối mẹ có về ngủ với con không?

- Tối nay thì không! Nhưng mẹ sẽ trở về tìm bé An. Bé An ở nhà ngoan, nghe lời bà, lời bố! Và hãy nhớ, mẹ yêu con nhất trên đời!

- Con cũng yêu mẹ nhất trên đời!

Tối đó mẹ không về, An nằm ôm con búp bê nhớ đến mẹ. Rất nhiều tối sau đó mẹ cũng không về, đêm nào An cũng nhớ tới mẹ, nhưng An không dám khóc. Vì có khóc cũng không còn ai dỗ dành.

Từ khi mẹ đi thì bố hay uống rượu lắm, An thấy người bố thật khó ngửi nên mỗi lần bố ôm liền đẩy bố ra. Lúc đó An thấy bố lại khóc, nên An lại ôm vai bố và vỗ nhè nhẹ giống như ngày xưa mẹ vẫn hay dỗ dành An. Sau đó bố ốm một trận rất lâu. Trán bố nóng như hòn than, trên người có nhiều vết sưng tím, An hỏi bố bị làm sao nhưng bố không chịu nói. Bố nằm trên giường ba ngày thì khỏi bệnh, sau này An không thấy bố còn đi uống rượu nữa. Bố chăm chỉ đi làm, đi làm về bố chơi với An, và bắt đầu chơi với em bé.

* * *

An thích đi học. Ở đó cô giáo đối xử công bằng với tất cả các bạn. Không như ở nhà, mọi người toàn bênh em Minh Khang.

Minh Khang là số một. Quần áo mới, đồ chơi mới luôn của Minh Khang.
Ban đầu An cũng chả thích em Minh Khang, vì em và dì tới mà mẹ An không về nữa. Hơn nữa cả nhà ai cũng quý Minh Khang, An cảm thấy mình chỉ như một người thừa trong nhà không ai thèm quan tâm đến.

Có đôi khi An lén đánh em, phá đồ chơi của em, nhưng em chỉ khóc một chút xong lại quay ra túm lấy vạt áo An đòi bế. Em cứ đem ánh mắt to tròn ngây thơ ra dụ An. Mày đừng lấy sắc đẹp ra dỗ chị, chị cũng xinh đẹp chứ chả phải vừa nghen chưa.

Ấy thế mà rồi An cũng lại chịu thua trước sự quyến rũ của nó, lại ôm em vào lòng. Em Khang còn chia sẻ đồ chơi với chị An nữa, toàn đồ chơi con trai. Ban đầu An chẳng có hứng thú, nhưng dần dà về sau lại thấy thích, lại ngồi xuống cùng em nghịch đám đồ chơi.

Trong nhà còn một người nữa cũng đối xử không tệ với An, là dì Mận, chính là mẹ của em Minh Khang. Dì còn hiền hơn cả bà nội và cô Mỹ. An từng nghe người ta kể chuyện mẹ kế ác độc, nhưng An thấy dì chẳng ác bằng một góc bà nội và cô Mỹ nữa cơ.

Chí ít An chưa thấy dì Mận đánh ai, thậm chí còn bị bà nội đánh, còn cô Mỹ thì nhanh chân đi lấy roi cho bà. Nhiều lúc An rõ ràng thấy cô Mỹ làm sai, mà lại đi đổ cho dì Mận, dì chả thanh minh được, lại phải chịu đòn. Những lúc như vậy cũng không thấy bố nói bênh dì Mận một tiếng.

An không hiểu, ngày xưa kể cả mẹ có làm sai chuyện gì bố cũng đều cố gắng bao che cho mẹ, giờ lại mặc kệ dì. Hay là bố không biết, bố tưởng dì làm sai thật?

Dì Mận phải dậy từ sớm, làm cho đến khuya, mà dì tuy chậm chạp nhưng lại rất chịu thương chịu khó. Phần lớn thời gian em Khang toàn quấn lấy An đòi chơi, thế nên trong nhà, hai chị em lại thân nhau nhất.

* * *

Năm dần trôi, tháng dần trôi.

Đã mấy mùa bông sen trong hồ bên bên vườn nhà bà ngoại tàn rồi nở. Bà ngoại nói ngày An ra đời là ngày hoa trong hồ nở đẹp nhất, toả hương thơm nhất.

Mẹ vẫn chưa về, An vẫn đợi, An biết mẹ nhất định sẽ về, vì mẹ đã hứa với An. Từ trước tới nay mẹ chưa từng thất hứa với An bao giờ.

Bà nội và cô hay nói xấu mẹ, nói đủ thứ chuyện, nhưng An không tin đâu, dù chỉ là một chút.

An đâu phải con bé con ngốc nghếch, An biết thừa, đừng tưởng lừa được An. Theo những gì bà thằng Tuấn nói thì đó là chiến dịch chia rẽ nội bộ, không có mẹ nào mà không thương con hết, nên An phải tin tưởng mẹ.

An nghe nhiều người trong làng buôn chuyện với nhau. Họ nói vì mẹ An không sinh được con trai nên bị đuổi đi, dì Mận sinh được con trai nên được đón về nhà. Rồi cả câu chuyện dì Mận ngày xưa không chồng mà chửa, cả làng dè bỉu tưởng nó lại giống như con mẹ nó chửa hoang. Ai dè sau bà dì nó làm um sòm lên thì cả làng mới vỡ lẽ, hoá ra cha đứa bé lại là thằng Minh vốn nổi tiếng hiền lành thương vợ nhất làng. Đứa bé giống bố nó như đúc thì chả lẫn đi đâu được. Rồi mọi người kết luận: “Đúng là đàn ông chẳng tin được bố con thằng nào sất!”

Ở nhà thì lại nghe bà nội nhiếc móc dì:

- Tôi tưởng nhà chị hiền lành, ai dè cũng âm mưu nham hiểm. Dì chị đã nhận tiền rồi vẫn còn chưa thỏa mãn, còn mượn miệng làng xóm để lừa vào được cửa nhà tôi.

Dì Mận chỉ lặng yên nghe bà mắng chửi.

An không thích ở nhà, An chỉ thích trốn đi chơi. Khi thì sang nhà bà ngoại, lúc thì theo tụi thằng Tuấn đi khắp làng trên xóm dưới. Cũng chả ai để ý tới An, ở nhà không ai quản, An thích đi đâu thì đi, mấy giờ về thì về, có khi không ăn cơm ở nhà cũng chả có ai mắng nhiếc. Chỉ khi nào bố đi công tác về sẽ hỏi bé An đâu, rồi bố lại dặn dò An không được ham chơi, An chỉ vâng vâng dạ dạ, rồi đến lúc vui vẻ lại quẳng lời dặn của bố ra khỏi đầu, An chỉ cần ngoan ngoãn khi bố có nhà là được.

Em Khang thích theo chị An đi chơi, An không cho theo thế là em nhõng nhẽo mè nheo khóc um lên thế là An lại đành đồng ý. Có lần em Khang tranh nhau đồ chơi với thằng nhóc hàng xóm, anh trai nó chạy ra bênh em, xém đánh Khang. May mà An nhào ra đỡ kịp. Rồi hai bên đánh nhau, nhờ có người lớn chạy ra can nên mới dừng lại. An bị đánh nhiều nhất, nhưng lại chả chịu thua. Em Khang cũng bị đôi ba vết trầy xước.

Về nhà An bị bà nội đánh, bố cũng mắng An vì dẫn em đi chơi để bị thương. Chỉ là mấy vết xước thôi mà, An cũng lo chứ bộ. Nhìn mọi người xuýt xoa dỗ dành em, lo tìm thuốc bôi cho em, An lại thấy có lỗi trong lòng, đành lặng lẽ kéo áo giấu đi những vết bầm trên người mình đang nhức nhối.

Từ đó về sau An không dám dẫn em ra ngoài chơi nữa. An lại theo tụi thằng Tuấn đến tìm ông Dũng cuối thôn nhờ dạy võ. Nghe nói ông từng đi lính, ông có thể tay không đánh nhau với năm thằng lính Mỹ cơ. Ông còn biết dùng súng, tụi trẻ nghe ông kể mà gương mặt háo hức như tưởng tượng ra những cảnh bắn nhau trong phim hành động. Tiếc rằng bây giờ chỉ được nghe ông kể lại thế thôi chứ không còn được nhìn thấy khẩu súng của ông nữa. Ông trở về sau chiến tranh với một chân mang thương tật, nhưng trong mắt đám trẻ con trong thôn, đôi chân ấy là minh chứng cho giá trị một vị anh hùng.

Vị anh hùng già rất yêu trẻ con, còn hứa dạy võ cho chúng. An cũng muốn học võ, học võ để bảo vệ em Khang, bảo vệ bà ngoại, bảo vệ mẹ. Khi nào mẹ về An sẽ nói với mẹ: "Mẹ ơi đừng sợ, có bé An bảo vệ mẹ, sẽ không ai có thể đuổi mẹ đi được nữa!"

An thích ngọn đồi sau lưng nhà bà ngoại. Tụi trẻ con lên đồi đào củ sắn, hay trốn trong những hầm đá cũ nơi ngày xưa người trong làng từng đi trú bom trú đạn. Trời trưa dù có nắng cỡ nào thì nằm trong hầm đá cũng cảm thấy mát lạnh. Phía dưới chân đồi kia có ngôi mộ của ông ngoại, bà hay ngồi bên mộ ông rì rầm kể chuyện, nhìn xa xa ánh nắng rực đỏ một góc trời.

An còn thích nằm trên chõng tre dưới hiên nhà bà ngoại, gối lên đùi bà, lúc lim dim ngủ nghe tiếng quạt nan phe phẩy, nghe tiếng bà bỏm bẻm nhai trầu, khi tỉnh lại nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. An lại kể cho bà nghe chuyện được cô giáo khen ở trường, và đôi khi nằm nghe bà đọc thư của mẹ gửi về.

* * *

Nay An đã lên lớp Bốn rồi. An biết làm văn, biết làm toán giỏi. An đã tự mình đọc thư của mẹ cho bà nghe. Mắt bà nay đã không còn nhìn rõ chữ, nhưng trong đôi mắt vẫn như lấp lánh những vì sao mỗi khi nghe những câu chuyện của mẹ gửi về.

Năm xưa mẹ An bỏ đi lên thành phố, cố gắng bắt đầu lại từ đầu. Ôn thi, thi đỗ, học đại học, ra trường, xin được việc làm và đang cố gắng dành dụm tiền mua nhà để đón hai bà cháu lên thành phố.

Mẹ đang mua nhà trả góp, sang năm sẽ có nhà mới. Mẹ gửi tiền về cho bà, nhưng bà không lấy, bà thương mẹ thân một mình mưu sinh vất vả. Mẹ xin lỗi vì không thể ở bên cạnh bà ngoại thường xuyên, chỉ về thăm nhà được dăm ba lần như vậy.

Bà không trách mẹ, bà bảo có bé An ở bên cạnh bà, bà rất hạnh phúc, chỉ có mẹ một mình nên bà sợ mẹ cô đơn.

An học hết lớp Năm, cuối cùng mẹ cũng về đón An và bà ngoại. Nhưng bà ngoại không chịu đi, bà nói sợ ông ở lại cô đơn lạnh lẽo. An muốn ở lại bên bà ngoại. Mẹ trả lời rằng sẽ thường xuyên về nhà hơn. Bây giờ cuộc sống của mẹ khá lên nhiều, giao thông đi lại cũng không còn khó khăn như trước. An rất vui vì tháng nào cũng được gặp mẹ, mẹ còn mua nhiều đồ dùng và quần áo cho hai bà cháu nữa cơ.

Mặc dù ngày nghỉ của mẹ không nhiều, nhưng An thấy rất vui, được nghe mẹ kể chuyện cuộc sống trên thành phố ồn ào náo nhiệt, có toà nhà cao cao, có khu vui chơi giải trí, có tàu lượn chạy nhanh nhanh, An nghe cái gì cũng cảm thấy thích ơi là thích. An thích nơi đó, bởi vì nơi đó có mẹ!

Lúc chia tay mẹ bên hồ sen xanh mát, mẹ xoa đầu An nhờ An chăm sóc cho bà ngoại. An vẫy tay chào tạm biệt mẹ, hứa sẽ thật ngoan, là ngoan thật, chứ không phải như mấy lời hứa suông trong mấy bản cam kết mà học sinh vẫn viết trong mấy bài văn hay bài dự thi của trường.

Xa xa bên kia ao sen nhìn sang, An thấy có bóng dáng bố đang nhìn... Không biết mẹ có nhìn thấy bố không?

* * *

Hết lớp Bảy, bà ngoại mất.

Sen năm nay không nở. Khu vườn nhà bà không còn toả ngát hương. Bên cạnh mộ ông đã có thêm bà làm bạn. Tự bây giờ ông bà mãi chẳng xa nhau. Ngọn cỏ lau rì rào trong ráng chiều đỏ thắm. Cơn gió hát đưa bà về với ông.

Mẹ sang nhà bà nội xin đón An đi. Bà nội không ngăn cản. Ánh mắt bố đượm buồn nhưng cũng để cho An có quyền tự do lựa chọn. Bố nói An lên thành phố sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. An hứa hè hàng năm sẽ về thăm bố, bố mới yên lòng.

Tạm biệt làng quê thân thương với bao kỉ niệm vui buồn.

An phải đi đây!

>> Chương 6
 
Chỉnh sửa lần cuối:

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
0,0
Chương mới này hay lắm bạn ạ. Mình thực sự thấy cảm động. Các nhân vật đều có nét đáng thương của họ. Mình thích các nhìn mọi thứ qua con mắt của An như vậy. Câu chuyện cả đời người qua con mắt đứa con nít luôn có sự hồn nhiên đơn giản, mà không kém phần đáng thương.
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Chương mới này hay lắm bạn ạ. Mình thực sự thấy cảm động. Các nhân vật đều có nét đáng thương của họ. Mình thích các nhìn mọi thứ qua con mắt của An như vậy. Câu chuyện cả đời người qua con mắt đứa con nít luôn có sự hồn nhiên đơn giản, mà không kém phần đáng thương.
Cám ơn bạn nhiều lắm, vì đã theo dõi các chương của mình. Các chương sau mình cũng sẽ cố gắng, có gì bạn lại nhận xét giúp mình nữa nhé! ^^.
 

July D Ami

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/18
Bài viết
170
Gạo
0,0
Chương 6: Bánh xe cũ kỹ

Giang đánh rơi chìa khoá. Về đến nhà cậu mới phát hiện ra là mình đánh rơi chìa khoá.

Cũng chẳng có vấn đề gì nếu như không phải hôm đó bố mẹ lại đi hẹn hò tới tận khuya mới về khiến cho cu cậu phải ngồi ngoài cửa chờ rồi ngủ gục tới tận 11 giờ 30 phút.

Trời khuya sương xuống, gió thổi lành lạnh. Chả đáng ngại gì với một cậu trai đang tuổi ăn tuổi lớn lại còn tập võ như Giang. Mà một vấn đề lớn hơn là cậu trai trẻ ấy lại sợ ma. Võ có thể đánh được người nhưng không đánh được ma.

Ngồi trong bóng đêm dưới ngọn đèn đường heo hắt. Ngọn gió lay tán lá cây xào xạc. Bãi đất trống bên kia đường cỏ mọc cao tới đầu người, lay lay những cái bóng dài, quyện với tiếng gió u u, cũng làm cho cậu trai kia gai ốc chen nhau nổi đầy người.

Chắc cũng không có vấn đề gì đâu, thường ngày cũng yên ổn mà. Giang tự trấn tĩnh bản thân. Mở điện thoại chơi trò chơi điện tử để giết thời gian, nhưng được một lát thì máy hết pin.

Vừa gọi điện cho bố mẹ, bố mẹ nói sẽ về sớm mà sao giờ vẫn chưa thấy về ấy nhỉ. Nhìn đồng hồ. Rồi chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Cuối cùng Giang ngủ quên mất. Đang lim dim say giấc nồng, bỗng một bàn tay lành lạnh sờ vào má, cảm giác được móng tay dài có gai ráp ráp sờ lên mặt. Lạnh cả người.

Giang choàng tỉnh, suýt nữa thì hét lên "ma nữ", may mà vẫn kịp ngồi vững không bị ngã ngửa ra sau.

- Không phải ma nữ, là mẹ! May mà là mẹ, chứ không hình tượng chàng thanh niên mạnh mẽ của con sụp đổ rồi!

Chả đợi Giang trả lời, mẹ giơ giơ bàn tay mới làm móng chiều nay có gắn đá lấp lánh trước mặt con trai và hỏi:

- Đẹp không?

- Dạ đẹp! (còn dám chê không đẹp sao?)

Bố Hải cũng xuống xe, lại gần đưa chìa khoá cho con trai mở cửa.

- Con bị lây chứng đãng trí của mẹ hả? Sao giờ cũng đánh mất chìa khoá?

- Kìa chồng, hay là mình chuyển qua làm ổ khoá mở bằng quét dấu vân tay đi, chứ chìa thì làm mất, mật mã thì hay quên, thật là phiền phức!

- Vậy thì ngày mai cuối tuần anh kêu thợ đến làm luôn.

- Em yêu chồng nhất! - Nói rồi mẹ Hà hôn chụt lên má bố Hải một cái, ngay trước mặt thằng con trai yêu quý.

- Hai người có cần phải làm thế trước mặt con hay không? Thật là tổn thương trái tim FA nhỏ bé! – Giang giả bộ ôm ngực.

- Vậy thì con đi kiếm bạn gái đi! - Giọng bố tỉnh bơ.

- Con mới học lớp Mười thôi! – Giang nhảy dựng lên nhìn bố mẹ.

- Bằng tuổi con là mẹ yêu bố rồi đấy. - Mẹ nháy mắt cười trêu chọc.

- Trường con không ủng hộ việc yêu sớm đâu, con là cán bộ lớp nên càng phải gương mẫu.

- Thế thì tuỳ con. Trái tim mong manh nhỏ bé cần phải vượt qua những tổn thương để trưởng thành!

- Thôi mẹ nó đi vào nhà thôi, đứng lâu ngoài này trời lạnh! Còn con, đánh xe vào cho bố, xong khoá cửa nhé! À quên, mẹ con có mua đồ ăn đêm cho con đấy!

Nói rồi bố đưa mẹ đi thẳng, để lại thằng con trai cô đơn, nhưng mà trái tim nhỏ bé của thằng con trai đã cảm thấy được chút hơi ấm mỏng manh giữa trời đêm gió lạnh, tất cả là nhờ món ăn đêm yêu thích.

* * *

Cuối tuần lắp ổ khoá mới xong thì chìa cũng không cần dùng đến, nhưng Giang tiếc cái móc chìa khoá, nó là kỉ niệm của Giang.

Sáng thứ hai đến lớp, Giang cũng tìm thử khắp xung quanh mà không thấy. Cố gắng lục lọi trí nhớ xem có bỏ quên chỗ nào không, có lẽ là lúc đi ăn hoặc hát karaoke với lớp, vì Giang nhớ mang máng lúc vào quán ăn còn rút ra đút vào túi. Vậy có khi rơi chỗ để xe rồi, nhưng lúc ra lấy xe thì đã chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Sau giờ ra chơi vào lớp, Giang thò tay vào hộc bàn lấy sách vở, vô tình quơ trúng vật gì, lấy ra xem thì hóa ra lại là chùm chìa khóa của mình. Ô hay, tại sao nó lại nằm đây? Nhưng mà chỉ còn chùm chìa khóa thôi, cái móc khóa đã không còn nữa. Vậy thì cũng như không, cái quan trọng là Giang muốn tìm cái móc chìa khóa thôi, thế mà lại mất. Giang quay ra hỏi bạn bên cạnh:

- Nam ơi, ông có thấy giờ ra chơi có ai bỏ gì vào hộc bàn tôi không?

- Không, tôi chả thấy!

- Thế ông có thấy ai lại gần bàn tôi không?

Nam nhướng mày vẻ mặt đầy tò mò:

- Có ai lại nhét thư tình vào hộc bàn ông à? Tôi nhớ là sáng giờ chả có em xinh đẹp nào lảng vảng chỗ bàn ông cả. - Rồi Nam xoa cằm ra vẻ đăm chiêu. - À mà tôi nhớ hình như là có...

- Ai? - Mắt Giang sáng lên.

- Đám thất cung mỹ nữ! Nãy tụi nó ngồi quây ở góc này nói chuyện. Bàn Dương Nguyệt phía trên bàn ông mà. Còn chỗ ông ngồi thì ban nãy Minh An cũng ngồi đấy.

- Minh An à? - Nhắc tới cái tên này Giang lại cảm thấy mình xui xẻo.

- Ừ, có chuyện gì không? Không phải Minh An gửi thư tỏ tình cho ông chứ, không thể nào, tôi không tin được.

- Tầm bậy! – Giang cau mày nhăn trán phủ nhận ngay, ai lại muốn dính dáng tới con nhỏ đàn ông đó chứ.

- Thế có chuyện gì? – Cơn tò mò của Nam trỗi dậy, cậu vươn người chồm hẳn sang chỗ Giang hóng hớt.

- Không có gì đâu.

- Ha ha, có mùi mờ ám đâu đây! – Nam cười nham nhở.

- Ông dở hơi hả? Có muốn chép bài nữa không đây?

- Có có! Lớp trưởng đại nhân có lời, tại hạ sẽ im hơi lặng tiếng. – Bạn Nam lật mặt nhanh còn hơn lật bánh tráng.

Một ánh mắt như dao sắc phóng qua. Lớp trưởng đại nhân bật chế độ mặt lạnh rồi. Hừ hừ hừ, run hết cả người.

* * *

Chuông reo báo hết giờ, Giang phải vọt nhanh chân mới đuổi kịp An, cô nàng lúc nào cũng lẩn nhanh như trạch.

- An ơi An, đợi tí!

Giang túm kịp lấy góc tay áo của An kéo lại, An ngoảnh đầu nhìn, cất giọng dửng dưng:

- Có chuyện gì thế?

- Mình muốn hỏi cậu một chút, có phải cậu để chùm chìa khoá này trong hộc bàn mình không? - Tay Giang giơ giơ lên chùm chìa khoá.

An liếc nhìn một cái:

- Ừm, mình để đó, cũng không biết của ai nên giao cho lớp trưởng xử lý.

- Của mình, cám ơn cậu. - Giang ngập ngừng… - Nhưng cậu có thấy cái móc treo chìa khoá bên cạnh không? Một cái bánh xe đồ chơi hơi cũ cũ ấy.

- Cái đó, à, mình có thấy, để xem nào... – An giả bộ nghĩ ngợi.

- Nó đâu rồi? – Giang sốt sắng. - Ý mình là giờ cậu có biết nó ở đâu không?

- Vứt rồi!

Giang như bị dội một gáo nước lạnh sau khi nghe câu trả lời của An. Cậu hỏi dồn dập:

- Vứt rồi? Vứt ở đâu? Sao lại vứt?

- Bị vỡ nên mình vứt vào sọt rác rồi.

Mặc dù có chút bực bội nhưng vẫn phải cố kiềm chế, Giang nói:

- Cậu vứt ở đâu, chỉ chỗ cho mình.

- Chỗ nào đó trên đường, mình không nhớ. Chắc giờ xe rác cũng dọn đi rồi.

Một câu trả lời thật vô trách nhiệm, Giang cảm thấy bực mình:

- Đáng lẽ cậu cũng nên hỏi mình trước khi vứt đi chứ!

An cũng chẳng vừa, chẳng có chút nào gọi là biết lỗi, mặt cứ bơ bơ không thèm nhìn Giang mà đáp:

- Dù sao thì vứt cũng vứt rồi, mình biết làm sao được cậu lại muốn giữ nó như thế! Nó đáng giá lắm à?

Giang mất kiềm chế, thét to:

- Đáng giá hơn cậu!

An cáu kỉnh, nhìn thẳng mặt Giang, cũng đáp lại từng từ:

- Ồ, vậy sao? Thật vậy sao? Vậy cả món đồ chơi vứt đi không tiếc, lại tiếc cái bánh xe nhỉ!

Trong khi cơn giận dữ làm lý trí Giang lu mờ thì An đã quay đầu đi thẳng.

* * *

Sáng cuối tuần, Mỹ Anh sang nhà Minh An chơi. Mẹ Thùy vừa ra mở cửa, Mỹ Anh đã ríu rít chào:

- Con chào cô, hôm nay cô thật là xinh đẹp!

- Con bé này thật khéo nịnh! An ở trên lầu đó con, con lên lầu với bạn đi.

Mẹ Thùy cười xòa, con bé Mỹ Anh này rất dễ thương, vừa gặp đã muốn quý. Mẹ Thùy bắc loa tay nói vọng lên lầu gọi con gái:

- An ơi có Mỹ Anh tới nè con!

- Dạ vâng… - Giọng An kéo dài vọng trên lầu vọng xuống.

Mẹ Thùy quay lại nhìn Mỹ Anh, chỉ vào trong bếp.

- À, có hộp trái cây gọt sẵn, con đem lên hai đứa cùng ăn đi nhé, thi cử tới nơi rồi, ăn nhiều cho có sức. Con lại ăn kiêng phải không, sao lại gầy thế kia?

- Dạ đâu cô, tại áp lực học hành ý cô. Con cám ơn cô, trái cây của cô là ngon nhất!

- Con bé này mồm dẻo như kẹo ấy, thôi con lên học với bạn đi.

Mỹ Anh lý lắc leo lên lầu, mở cửa phòng An, chưa thò mặt vào đã cất giọng ngọt xớt:

- Chồng ơi... chồng à...

An đang ngồi trước bàn học, tay cầm bút, đang đánh dấu vào trong mấy trang sách:

- Đây, vào đây nhanh lên, anh vừa lựa mấy bộ đề cho em rồi này.

Mỹ Anh bước vào, ngồi xuống bàn, thở vắn than dài:

- Ôi thế phải học thật à? Em tưởng sang đây được trốn học?

- Tưởng với tượng cái gì. – An cốc cốc nhẹ vào trán Mỹ Anh.

- Thế anh tìm bài tủ cho em học thôi nhá, em không thể cày hết được đống kiến thức đó đâu, với lại em chỉ cần đủ điểm bố mẹ yêu cầu thôi, không tranh giành hạng xuất sắc với chồng đâu. – Mỹ Anh lay lay tay Minh An làm nũng.

- Này, mới kì một lớp Mười, em học hành chểnh mảng thì làm sao mà thi tốt nghiệp được?

- Ui, em muốn thi vào trường nghệ thuật mà, không cần phải học nhiều vậy đâu, với lại còn lâu mới tốt nghiệp cơ.

- Nghệ thuật cũng phải có văn hoá! Nào ngồi xuống đây! – An nghiêm nghị.

Mỹ Anh giả bộ khóc ròng:

- A hu hu hu…

Nửa tiếng sau, Mỹ Anh đã chán nản buông bút.

- Ôi bài khó quá! Ôi mỏi lưng quá!

- Mới ba mươi phút thôi nàng.

Mỹ Anh đứng dậy đi loanh quanh phòng cho thư giãn, đi đến tủ trưng bày của An. Nhòm một lúc, Mỹ Anh ngạc nhiên chỉ chỏ:

- Ơ, cái ô tô này, sao anh tìm được bánh xe của nó hay vậy?

- Lúc không tìm thì tự nhiên nó xuất hiện…

- Nói thật là dù em không quan tâm đồ chơi ô tô lắm nhưng con xe của anh thì lại thấy đẹp, tuy hơi cũ một xíu nhưng lại rất có phong cách. Đúng là đồ chơi nước ngoài có khác, xịn thế!

An nhìn theo ngón tay Mỹ Anh chỉ, nhớ lại năm đó bố mang quà về cho An, chính là chiếc ô tô này. Bố nói của một người bạn đi xuất khẩu lao động bên Nga về đem tặng. Trông nó xịn hơn hẳn mấy ô tô nhựa của em Khang, ấy thế mà em lại chê không thèm ngó ngàng tới nó, vì màu sắc của nó hơi tối, em Khang thích mấy đồ chơi màu sắc bắt mắt hơn. Đúng là cái đồ trẻ con, chả hiểu tí gì về nghệ thuật cả.

Chiếc ô tô An quý trọng chỉ sau con búp bê của mẹ, sau đó An tặng cho một người bạn mà An yêu mến làm kỉ niệm. Tiếc rằng đến lúc vô tình gặp lại nó thì nó lại nằm trong thùng rác, trong tình trạng gãy rời mỗi nơi mỗi mảnh, thật đáng thương. An nhặt từng mảnh về, lấy keo tỉ mỉ dán lại cũng phục hồi được hình dáng gần như nguyên trạng ban đầu, nhưng mà vẫn thiếu một bánh xe, và dù có dán lại thì chiếc xe cũng không còn chạy được nữa, An đành cất trên tủ trưng bày để làm kỉ niệm mà thôi.

Vật còn nhưng người chẳng như xưa, lòng An chợt đượm buồn. An vẫn giữ chiếc kèn Harmonica người đó tặng, nhưng trong lòng đau xót vì người bạn đó chẳng trân trọng món quà của An, ngay cả tình bạn cũng vỡ tan như bọt nước.

Nghỉ ngơi một lát, An lại kéo Mỹ Anh vào làm tiếp bài tập. Ba giờ sau khi vật lộn, cuối cùng cũng giải quyết xong. Đúng lúc mẹ Thùy dưới lầu gọi vọng lên:

- Hai đứa đói chưa xuống ăn cơm đi. Mỹ Anh hôm nay ở lại nhà cô ăn cơm nhé!

- Dạ… - Hai đứa cùng đồng thanh đáp lại.

- Mình nghỉ xuống ăn cơm đi. Chiều học tiếp. – An nói với Mỹ Anh.

- Thôi em không học nữa đâu, học như thế đủ được 7 điểm rồi! – Mỹ Anh vội vội vàng vàng đáp lại, chỉ sợ bị bắt học tiếp thì toi.

- Em phải phấn đấu ít nhất được 8 điểm, nếu dưới 8 điểm thì lần sau anh không nói dối bố mẹ cho em đi chơi nữa đâu. - An nghiêm nghị.

- Thôi được rồi môn nọ bù môn kia, miễn sao điểm trung bình của em không dưới 7,5 là được chứ gì, huống hồ bố mẹ em còn chả yêu cầu cao như thế, yêu cầu của anh còn cao hơn của bố mẹ em nữa, hu hu.

Cô nàng Mỹ Anh làm nũng, An đành dịu dọng.

- Thôi nào, giờ mình xuống ăn đi đã.

Hai đứa xếp sách vở rồi lục tục xuống dưới nhà, mùi thức ăn bay thơm ngào ngạt. Mỹ Anh lon ton chạy ra bám lấy mẹ Minh An.

- Ôi mới ngửi mùi thôi mà đã thấy thèm lắm rồi cô ạ!

- Cơm canh đạm bạc ấy mà, đâu phải sơn hào hải vị gì đâu. Hai đứa lại đây, An đi lấy bát đi con.

- Dạ để con cô ơi! - Vừa nói Mỹ Anh vừa nhanh nhẹn đi lấy bát đũa, cùng An bưng thức ăn ra bàn. - Lâu lắm con không được ăn thịt luộc cà pháo mắm tôm ấy cô ạ, lại cả canh cua rau đay nữa. Mẹ con không biết ăn mắm tôm nên cô giúp việc không nấu.

- Thế thì chịu khó sang đây ăn cơm cô sẽ nấu cho con ăn. - Mẹ Thùy nhìn Mỹ Anh và cười.

- Dạ vâng, Minh An có biết nấu món này không cô? Mấy lần con sang lúc cô không có nhà, Minh An toàn cho con ăn mì gói thôi.

Minh An phản bác ngay lập tức.

- Có thêm trứng, xúc xích, rong biển còn gì, cũng đâu kém ngoài hàng đâu.

- Con ấy, con gái thì chịu khó học nấu ăn, sau này lấy chồng còn biết nấu ăn chứ. - Mẹ Thùy quay sang nhìn An. - Con gái phải nữ tính một chút, như Mỹ Anh nè.

- Con cũng không biết nấu ăn ạ! - Mỹ Anh lè lưỡi xấu hổ. - Con nấu còn tệ hơn Minh An ấy ạ.

- Đấy mẹ thấy chưa, toàn chê con gái mình thôi!

- Thôi được rồi chịu các cô, ăn cơm đi! – Mẹ Thùy phì cười nhìn đám trẻ.

- Dạ... – Hai đứa trẻ cũng nhìn nhau, miệng cười khúc khích.

Bữa cơm vui vẻ bắt đầu.

>> Chương 7
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mashiro-miuna

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
18/3/18
Bài viết
1.965
Gạo
908,0
Ẹc, đôi bạn này... sao mà Miu lại ngửi thấy mùi... mờ ám ta?
 
Bên trên