Tập 35: Đi đẻ
Mình vẫn tưởng có bầu là vất vả, có bầu là khổ sở cho đến khi con ra đời. Công bằng mà nói thì càng gần đến ngày sinh, mình càng cảm thấy khó chịu. Mình nặng nề xấu xí đến mức không còn dám soi gương. Những vết rạn da vằn vện tím bầm trên người mình, trông xót xa đến nỗi ông bác sĩ siêu âm cũng phải thốt lên than thở:
- Không bôi dầu dừa hay sao mà để bụng khủng khiếp thế cháu?
Mình cười ngượng ngùng, tiền ăn còn không có lấy đâu ra tiền mua này nọ chăm sóc da hả bác? Mẹ mình bên cạnh xót con gái lắm. Có lẽ chẳng bao giờ mẹ nghĩ đứa con gái yêu của mình lại cơ cực túng thiếu đến mức này. Nhưng bao nhiêu nỗi vất vả cũng không sánh được với niềm hạnh phúc được thấy con cựa quậy nấc cụt trong bụng, được gãi gãi cái đầu gối tròn tròn bé xíu của con qua lớp da mỏng manh. Hơn bao giờ hết, mình cảm nhận rõ từng cái quẫy đạp của con trong tháng cuối thai kì. Niềm hạnh phúc đó lớn lao vô cùng, chẳng trách nhiều người dám đánh đổi cả sinh mạng để đổi lấy một lần nếm trải.
Ông bác sĩ siêu âm cứ tấm tắc:
- Chắc bố em bé phải cao to lắm nhỉ, chiều dài xương đùi em bé dài vượt chuẩn nhé. Nhìn này tóc tốt ghê không, phấp phới bay trong nước ối đây này.
Mình nghe mà xúc động muốn gớt nước mắt. Con là điều gì đó rất thiêng liêng. Là kết tinh tình yêu của mình (dù kết tinh đó là một “tai nạn lao động”). Con xoa dịu và sưởi ấm trái tim vụn vỡ của mình. Hơn thế nữa, con là một nửa của Zai, một nửa của chàng trai tài hoa học giỏi năm đó mình đã yêu…
Càng gần ngày sinh, mình càng bị mất ngủ và càng nhớ Zai nhiều hơn. Có xa nhau mới thấy mình yêu Zai nhiều đến mức nào. Có những đêm trằn trọc nằm thức đến ba bốn giờ sáng, mình chỉ chăm chăm lên mạng lục tìm những tấm ảnh ít ỏi của Zai để ngắm. Này là ảnh Zai nhận học bổng trên Hà Nội, này là ảnh Zai lên nhận bằng khen sinh viên giỏi tiêu biểu của năm. Ảnh Zai hôm tốt nghiệp mặc quần áo trắng tinh, đội mũ trông như sĩ quan Hải Quân thực thụ. Ở phương nam xa xôi, Zai cũng nhớ mình rất nhiều. Mùng tám tháng ba, Zai hí hoáy nhắn cái tin dài 3km chúc mừng vợ con nhân ngày quốc tế phụ nữ. Điều mà một cái tủ lạnh như Zai chưa bao giờ chịu làm. Các cụ nói đúng, trên đời này không hề có đàn ông vô tâm. Chỉ là cái tâm của họ có đặt vào bạn hay không mà thôi.
Thế rồi buổi sáng đẹp trời hôm ấy, sau bao ngày ngón trông, con đã thật sự sắp bước vào thế giới này.
Đó là một ngày thứ bảy bình thường như bao ngày khác. Mình ngủ dậy khi mặt trời đã lên rất cao, bố mẹ đang chặt cành cây xoài ngoài vườn cho đỡ rậm. Mình phi ngay vào bếp, nấu một bát mì tôm to vật với hai quả trứng và một nắm rau to. Ăn xong bát mì, mình ngồi nghệt mặt ra thở vì no quá. May là Zai không nhìn thấy cái cảnh mình quất hết tô mì to trong vòng hai nốt nhạc, nếu không Zai sẽ ám ảnh cả đời mất. Ăn được một lúc thì mình bắt đầu cảm thấy buồn…ị. Mình không suy nghĩ gì, tung tăng đi vào bồn cầu ngồi suy nghĩ về tình hình kinh tế thế giới rất lâu trong đó. Mình ngồi rất lâu, rất lâu nhưng không có kết quả, thế là mình lại đi ra.
Nhưng vừa đi ra thì lại buồn buồn, thế là lại đi vô. Cứ đi ra đi vào như thế nửa ngày, cho đến khi mình phát hiện ra có gì đó hồng hồng trong miếng giấy vệ sinh thấm nước. Đầu óc vốn phẳng lì như miếng đậu phụ chợt nổ ong ong. Mình chạy vội ra ngoài gào lên gọi mẹ:
- Mẹ ơi! Con sắp sinh rồi! Ra máu cá rồi đây này!!!
Nghe tiếng mình hét, bố mẹ buông luôn cành xoài chặt dở, lao vội vào nhà. Mẹ nhìn miếng giấy vệ sinh hồng hồng trong tay mình, mừng húm nói:
- Đúng rồi, sắp sinh thật rồi! Chuẩn bị lên viện ngay thôi con!
Thế là một nhà ba người mừng mừng rỡ rỡ, vội vội vàng vàng chuẩn bị cho chuyến đi một về hai của mình. Bố thì lao đi đánh ô tô ra sân, mẹ thì xách vội cái làn đã chuẩn bị từ trước. Hai bố mẹ nháo nhào lên như chạy giặc, chỉ có mình là đủng đỉnh bật nước gội đầu tắm rửa các kiểu. Có cảm giác như nhị vị song thân còn sốt sắng hồi hộp hơn cả đứa con gái khờ khạo sắp được lên chức mẹ. Cũng phải nói thêm rằng bố mẹ mình đã có một đàn cháu nội ba đứa lớn tồng ngồng nhà anh trai chị dâu rồi, nhưng cảm giác có đứa cháu ngoại đầu tiên nó vẫn khác biệt lắm. Kiểu như chị dâu sinh cháu thì bà ngoại bên ấy nhiệt tình giành phần kiểm soát bóng đến 90%, lần này bố mẹ mình mới được đá bóng ở sân nhà, lo từ A-Z. Cảm giác rất hồi hộp và phấn khích, kiểu kiểu là như vậy.
Ở đầu cầu Sài Gòn, Zai nghe tin con gái sắp chào đời thì cũng rụng rời chân tay, bối rối không biết phải làm gì. Dù đã chuẩn bị tâm lý lên chức bố suốt 9 tháng 10 ngày, nhưng đến thời khắc quan trọng, Zai vẫn luống cuống lóng ngóng ra mặt. Zai hỏi mình có cần đặt vé về luôn không? Có cần anh mua gì về không? Anh báo ông bà nội lên chăm cháu nhá? Em tính đẻ thường hay đẻ mổ? Làm cho mình cũng phải cáu nhặng:
- Em đã bảo là đợi em sinh xong anh mới về cũng được cơ mà. Anh chỉ được nghỉ có 3 ngày nếu em sinh thường, 7 ngày nếu sinh mổ. Em muốn hai bố con được ở bên nhau nhiều hơn. Ở đây đã có ông bà ngoại lo cho em rồi, anh đừng lo. Giờ anh lao về nếu em một hai ngày nữa vẫn chưa sinh thì có phải là phí ngày nghỉ không?
Zai tần ngần:
- Nhưng mà như thế có ổn không? Lúc em vượt cạn không có anh bên cạnh, liệu em có tủi thân?
Đúng là mình cũng hơi tủi thân thật nhưng biết làm thế nào được. Đời người đâu thể lúc nào cũng hoàn hảo được. Sinh xong mình sẽ ở lại nhà ngoại đến khi con cứng cáp mới đưa vào nam đoàn tụ cùng bố. Bởi vậy Zai và con phải tranh thủ từng ngày từng giờ để ở bên nhau. Zai thấy mình nổi cáu thì không lèo nhèo thêm gì nữa, chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Ừ thế thôi cố gắng Sen nhá. Anh sẽ thu xếp công việc rồi về sớm với hai mẹ con.
Chuẩn bị xong xuôi, cả nhà cùng lên đường đi viện. Đùa chứ đi đẻ còn hoang mang hồi hộp hơn cả thi đại học. Mình lại là đứa chúa sợ đau. Lúc trước đứt tay đứt chân một tí đã kêu than ầm ầm cho cả làng nghe rồi. Giờ đi đẻ, chịu đựng nổi đau tương đương với gẫy bảy tám cái sương xườn một lúc, nỗi đau mà không thể san sẻ cho ai được. Nỗi lòng này biết tỏ cùng ai? Làm phụ nữ đúng là khổ thật. Đàn ông tạo ra con trong cái rùng mình sung sướng, phụ nữ sinh ra con trong nỗi đau cắt da cắt thịt. Bởi vậy con sinh ra luôn luôn bám mẹ, lúc nguy nan cũng thường vô thức gọi mẹ. Mẹ là bầu trời, là nơi chở che vỗ về. Ngay cả chính bản thân mình lúc này, vào thời khắc sinh tử của đời người trong lòng cũng chỉ bấu víu vào hai tiếng “mẹ ơi”.
Mẹ dắt mình đi vào viện làm thủ tục, cảm giác y như ngày thơ bé dắt tay con đến trường. Bố thì ngồi ở ngoài ghế trông đồ đạc. Làm thủ tục xong mẹ lại sốt sắng dắt mình đi xếp hàng đo huyết áp, siêu âm, lấy máu xét nghiệm, khám trong đủ thứ. Nói thật mình cũng 25 26 tuổi đầu rồi, cũng đi học đi làm chinh chiến các kiểu từ bắc vào nam nhưng ở bên mẹ thì cứ như đứa trẻ lần đầu đến lớp vậy. Làm các thủ tục xong xuôi, mình được phân vào phòng chờ đẻ. Đó là một căn phòng ẩm thấp nằm trong dãy nhà cấp 4 của bệnh viện huyện. Bóng đèn đỏ quạnh leo lét cháy trên đầu, trong phòng thì đông đúc toàn các sản phụ chờ sinh con. Có chị bình thản ngồi ăn trên giường, có chị quằn quại vật vã trong cơn đau, lại có chị nằm thiếp đi trong vòng tay người nhà. Nhìn cái phòng chờ mà mình thấy hơi thất vọng. Sao bảo bệnh viện huyện nhà cơ sở vật chất đạt chuẩn khách sạn 5 sao, mà cái chỗ này lại tồi tàn vậy nhỉ?
Hiểu ý mình, mẹ ôn tồn bảo:
- Sinh xong mới được lên phòng dịch vụ nằm con ạ. Mẹ đặt sẵn phòng cho con rồi. Cứ yên tâm sinh xong đã nhé.
Lúc này bố mẹ chồng cũng đã nghe tin, mẹ Zai gọi điện thoại cho mình động viên con dâu cố gắng sinh nở mẹ tròn con vuông. Ông bà sẽ bắt chuyến xe sớm nhất về quê ngoại thăm cháu. Nghĩ cũng thương ông bà nội, ông bà rất muốn mình ở quê nội để tiện chăm sóc cả hai mẹ con. Nhưng mà ông bà còn bận nhiều việc đồng áng, với tâm lý con gái thường thích ở nhà mẹ đẻ, nên là mình vẫn nhất định đòi ở nhà ngoại bằng được.
Xong xuôi đâu đấy, trời cũng đã ngả về chiều. Mình bắt đầu có cơn đau thúc xuống tầm 10 phút một lần. Cơ mà chỉ đau ê ẩm như đau bụng kinh thôi chứ không hẳn đau lắm. Thấy hơi đói nên mình cùng mẹ ra căn tin bệnh viện ăn tạm cái gì đấy. Phải công nhận là tháng cuối, mình ăn như bị ngải heo nhập. Ngày nào cũng ăn nhiều mà lúc nào cũng thấy đói. Tầm trưa vừa ăn cơm xong mà đến bốn giờ chiều lại quất hai bát phở ngay được. Ăn xong thì bố xách mấy quả trứng gà luộc lên, mình lại đủng đỉnh ngồi bóc ăn sạch sẽ. Mấy chị cùng phòng ai cũng kinh hồn bạt vía trước khả năng ăn như hổ báo của mình.
Ngồi chơi không cũng buồn, nghe theo lời khuyên của mọi người nên mình tập tành đi bộ cho dễ đẻ. Mình lượn mấy vòng quanh bồn hoa của bệnh viện, trong lòng vẫn còn bâng khuâng xao xác chưa thể tin bản thân sắp được lên chức mẹ. Ì ạch đi được mấy vòng thì chợt nhìn thấy dãy nhà ở gần bồn hoa với những ô cửa sổ màu xanh nõn chuối. Máu tò mò nổi lên, mình lại gần rồi ti hí con mắt cố nhìn trộm vào bên trong. Thế rồi…
Trời đất thiên địa quỷ thần ơi!
Lạy thánh Ala, Giê su ma, thần Dớt ơi!
Có ai không cứu con với!
Đập thẳng vào mắt mình là hình ảnh một bà chị vừa đẻ xong, đang nằm dạng tè he cho y tá khâu vá tầng sinh môn. Bà chị mặc quả đồng phục màu xanh nước biển thần thánh, đầu tóc rũ rượi, mặt mũi nhợt nhạt. Mà phần bên dưới thì… thôi thôi khỏi phải tả. Có cảm giác cô y tá đang khâu một cái bao tải rách chứ không phải khâu da khâu thịt cho con người nữa.
Mình lùi lại mấy bước, choáng váng xây xẩm hết mặt mày. Bà chị đó chính là hình ảnh tương lai của mình vài tiếng đồng hồ nữa nếu sinh thường. Phải nói rằng đã bước chân vào phòng đẻ thì không còn chỗ cho những ý tứ, giữ gìn, xấu hổ hay mỹ miều gì gì đó nữa. Tất cả đều như nhau, gần như trần truồng quằn quại trước cửa sinh cũng là cửa tử. Lúc nãy khám trong, bác sĩ thò tay vào khua khoắng hết cả ruột gan mình đã ám ảnh lắm rồi. Thật không thể tưởng tượng được đến lúc thật sự nằm trên bàn đẻ, trông mình sẽ thảm đến mức nào.
Mình muốn lao về quá khứ bóp cổ Zai vả cho vài chục cái ngay tức khắc. Cũng tại Zai gây họa nên bây giờ mình mới phải khổ như thế này. Hu hu hu…
Bắt đầu từ lúc đó, mình mất hết cả ý chí chiến đấu, lảo đảo quay vào phòng chờ đẻ ngồi xuống với gương mặt đờ đẫn. Thấy mình có vẻ thẫn thờ, mẹ lo lắng hỏi:
- Sao thế? Đau nhiều lắm à con?
Mình níu níu tay nói thầm vào tai mẹ:
- Mẹ ơi xin bác sĩ cho con mổ được không? Con sợ đẻ quá!
Nói xong, mình nuốt nước bọt cái ực. Cổ họng tự nhiên đau như có trăm nghìn cái gai mắc trong đó. Mẹ phì cười bảo:
- Mổ hay không là do bác sĩ chỉ định chứ, mẹ làm sao mà xin cho con được. Với lại mày tưởng đẻ mổ là ngon ăn à con, đẻ mổ đau hơn đẻ thường đấy nhé. Thuốc tê tan đi rồi sẽ thấy!
Nói thì nói thế nhưng mẹ vẫn đi hỏi bác sĩ xem tình hình của mình nên đẻ thường hay đẻ mổ thật. Trộm vía theo siêu âm, đồng chí con trong bụng nặng đến gần 4kg. Vòng đầu khá lớn, trên đầu lại có hai cái ngạnh. Khung xương chậu của mình hẹp nên dù to cao nhưng để đẻ thường được thì cũng khá gian nan. Sau một lúc hội ý, bác sĩ bảo nếu gia đình đồng ý thì bệnh viện sẽ sắp sếp cho mổ. Chỉ chờ có thế, mình vội vàng gật đầu như bổ củi:
- Kí giấy mổ cho con đi mẹ ơi! Nhanh ngay gọn lẹ!
Mấy chị sản phụ cùng phòng thấy mình vì nhát đau và lười đẻ mà nhất quyết đòi đi mổ thì chậc chậc coi thường lắm. Lúc nãy mình cũng lỡ chém gió hơi quá đà với các chị, bảo là sẽ cố đẻ thường cho con khỏe mạnh thế nọ thế kia. Nhưng thôi, đời mà, lúc nào chả có những cú quay xe khét lẹt. Hài hước nhất là một trong những chị từng cười khẩy vào cái vụ đẻ mổ của mình, sau một ngày một đêm đau đớn quằn quại mà không thể đẻ thường được, cuối cùng cũng vẫn phải lên bàn mổ. Thế là chị ấy vừa phải chịu đau đẻ lại vừa phải chịu đau mổ. Nghĩ cũng tội mà thôi… cũng kệ.
Mẹ kí giấy đề nghị mổ xong thì cũng là lúc mình được đẩy đi làm thủ tục. Thật sự là không thể nào quên những cảm xúc lúc ấy. Không biết các bệnh viện khác thế nào, chứ bệnh viện huyện nhà mình thì thật là… hết xảy. Mình được đặt ống thông tiểu sống, tức là đặt mà không có thuốc tê. Ối giời đất ơi phải nói là thốn đến tận rốn. Thốn không tả đâu hết được cái thốn. Khám trong cũng không thốn bằng cái vụ đặt ống thông tiểu. Bác nào chưa thử thì có thể thử một lần cho biết, đảm bảo nhớ đến hết cuộc đời.
Đặt ống thông tiểu xong mình được ngồi xe lăn đẩy lên phòng phẫu thuật. Đời mình hơn 20 năm chưa bao giờ thấy thương bố đến thế. Đường đi lên phòng phẫu thuật phải đi qua một con dốc dài bất tận với độ dốc cảm tưởng lên đến 60 độ, ai nhìn thấy cũng ái ngại. Thân hình mình lúc ấy nặng đến 75kg, vậy mà một mình bố đẩy xe lăn đi phăng phăng trên con dốc dài. Thương bố nhưng không biết làm thế nào vì mình không được phép xuống đi bộ. Bố khi đó chỉ là một ông già đã hơn 60 tuổi, với cái lưng bị thoát vị đĩa đệm, đầu gối bị thoái hóa khớp. Vậy mà không hiểu bố lấy sức mạnh ở đâu mà đưa được đứa con gái lên khỏi cái dốc cao khủng khiếp đó. Lúc lên đến nơi, bố dừng lại thở hổn hển, cảm giác bao nhiêu sức lực đều vừa bị rút cạn. Mấy cô y tá vội bảo bố ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, đoạn đường dễ dàng sau này để các cô đưa mình đi là được rồi. Đúng là có khó khăn hoạn nạn mới thấy trên đời này chỉ có bố mẹ là yêu thương và hi sinh hết lòng hết dạ vì con cái.
Khoảnh khắc đi vào bên trong cánh cửa phòng phẫu thuật, thấy gương mặt già nua hiền từ của bố lùi lại phía sau, mình tự nhiên cảm thấy yên tâm kì lạ. Vì biết rằng trên đời này dù cho trời có sập xuống thì cũng luôn có bố mẹ đứng ở đó. Luôn luôn có bố mẹ chờ đợi ở đó, sau cánh cửa sinh tử để chào đón mình trở về.