Đoạn ghi âm được xoá bỏ, tuy vẫn được một vài người bàn tán, nhưng chẳng sao cả, bởi vì đối với Dĩ An, còn cá tá công chuyện cần quan tâm hơn chuyện đó. Ví như là say mê một (hay vài) bài hát nào đó chẳng hạn. Cô hay gào thét nó trong nhà tắm, nhà vệ sinh, hoặc bất cứ nơi đâu được cô coi là an toàn cho giọng hát vốn không có chút sức hút nào của mình. Mỗi giây phút đó Dĩ An cảm thấy như là khoảnh khắc mình nổi bật nhất trong cuộc đời.
Tuy nhiên, không phải đi đến đâu cô cũng được ủng hộ, hoặc chẳng muốn nói là không được một ai ủng hộ. Ví như là...
"Một con vịt xoè ra hai cái cánh, nó kêu rằng quác quác quác quạc quạc quạc..."
Dĩ An đang nằm trên ghế sofa, gác một chân lên thành ghế, cầm chiếc điều khiển ti vi dí sát vào miệng mà gào thét. Giống như nghệ thuật được thăng hoa, thỉnh thoảng còn nhắm mắt, mỉm cười, như thể mình là một ca sĩ thực thụ, giây phút tâm hồn sảng khoái nhất trong ngày.
"Dĩ An!"
Tiếng mẹ cô gào lên từ phòng bếp. Cô cố gắng tỏ ra mình không nghe thấy gì và tiếp tục hét, vì cô biết bà sẽ mắng hoặc trêu chọc về giọng hát của cô. Dĩ An tiếp tục ngân nga cả đống nhạc trẻ (con) từ bài Một con vịt, đến Hai con thằn lằn con và cơ số bài hát thiếu nhi không thuộc hết lời. Nhưng không sao, người nghệ sĩ có khả năng chế lời rất tốt.
"Con làm ơn ngậm miệng lại hoặc đi ra chỗ khác mà phát điên. Mẹ cần nồi súp của mẹ được yên ổn thay vì loạn trí vì tiếng hát của con mà cho nhầm muối thành đường, một lần nữa!"
Không quan tâm, Dĩ An tiếp tục ca. Mẹ cô bước tới, cầm chiếc chổi lông gà, mặt hầm hầm: "Hoặc, mẹ sẽ đánh con bằng chiếc chổi lông gà này, lần đầu tiên kể từ khi con được học sinh trung bình năm ngoái."
Cô bật dậy, banh miệng ấm ức. Giá như Dĩ An có thể coi những lời chê bai đó như những lời khen và cái chổi lông gà là những bông hoa hồng hoặc chú gấu bông, thì cô sẽ rất hạnh phúc trong nhà của chính mình.
Dĩ An ngậm chặt miệng, vội vàng đi ra cổng, để mẹ có thể bình tĩnh và nhớ lại lời của bố cô: "Con gái lớn rồi, bà đánh nó bằng chổi lông gà sẽ làm tổn thương nó đấy!"
Cô chán nản lượn lờ ngoài xóm, suy nghĩ một hồi liền quyết định vào nhà Huân ú. Có thể vì Dĩ An chỉ có thể đối phó được cậu.
Dĩ An chào mẹ Huân ngọt xớt: "Chào cô Thanh!" Mẹ Huân là một người phụ nữ đơn giản, sống tích cực, biết cách ăn mặc và cực kì tốt bụng.
Cô Thanh ném cho cô một quả táo, khi mà đang tháo chiếc tạp dề, có lẽ cô vừa rửa bát xong. Cô nói: "Cô mới thấy một cửa hàng giảm giá ngoài kia. Có muốn đi cùng không?"
Dĩ An lắc đầu, mỉm cười vô cùng hân hoan. Đây là một nơi vắng người. Rất thích hợp cho việc luyện thanh của cô. Dĩ An vào phòng Huân, cậu đang đọc truyện, khi thấy cô, khuôn mặt rạng rỡ bỗng trở nên đau thương vô hạn, như một con người có cuộc đời đầy biến cố và trải đời: "Cô Dĩ An, tại sao lại là tôi nữa?"
Cô mỉm cười, há miệng ra hát, và bị Huân nhét quả táo đang cắn dở cầm trên tay vào miệng.
"Tuần này cô đã đến nhà tôi năm lần rồi đấy. Cô không thể sang nhà anh Minh, cậu Lâm hay cậu Sú được sao?"
Dĩ An chật vật cắn một miếng từ quả táo: "Nhà anh Minh nhiều người lắm, cậu Lâm thì phải học, còn Sú thì, hắn không hề dễ đối phó!"
Cô cảm thấy chỉ trong vài phút ngắn ngủi, Huân ú bỗng hoá một ông già, khuôn mặt béo nhăn lại tạo thành vài nếp nhăn xấu xí, chân khuỵu xuống sàn nhà, hai tay ôm đầu: "Làm ơn tha cho tôi đi mà, cô Dĩ An. Tai tôi dạo này không tốt!"
Dĩ An trề môi, đứng bật dậy, ném quả táo vào người hắn, tổn thương nói: "Được rồi, tôi đi!"
Cô thở dài một hơi, tự thấy bản thân thật giống một người vô gia cư. Cô đứng trước của nhà Lâm, chẹp một tiếng rồi í ới gọi: "Cậu Lâm ơi, cậu Lâm à!" Bố mẹ Lâm đều làm công chức, chị gái đang du học ở Nhật. Cậu thường ở nhà một mình cho đến khi bố mẹ đi làm về.
Dĩ An bước vào phòng Lâm, thầm cảm thán trong lòng về cơ ngơi sách của cậu. Lần nào bước vào đây cô cũng bị choáng ngợp như lần đầu. Lâm đang ngồi trên bàn, tư thế vô cùng ngay ngắn, tay cậu chống cằm, khuôn mặt thản nhiên và ánh mắt thì muốn ghim một lỗ vào cuốn sách. Cô buồn bã: "Cậu lại học à?"
Lâm mất tự nhiên: "Ừ, sắp thi học kì rồi mà."
Cô cười trừ: "Nếu hơn hai tháng nữa với cậu là sắp. Vậy tôi về đây!"
Dĩ An đóng cánh cửa lại. Đồng thời là lúc Lâm thở ra một hơi, cậu gập quyển vợ lại, bên dưới là cuốn truyện Naruto Huân cho mượn.
*
Nếu nói nguyên nhân A7 và A3 ghét nhau, thì có hàng đống. Nhưng một trong số đó là, thầy chủ nhiệm lớp cô và A7 cũng không thích nhau. Họ học chung một trường đại học, và cùng về dạy một trường cấp ba. Khác với chủ nhiệm A7, nghiêm khắc, thì chủ nhiệm lớp cô lại là một ông chú già tâm hồn trẻ con, hầu như luôn bao che cho học trò những cái có thể cho qua. Nhưng dạo gần đây, thầy mắc một chứng gì đó, khó tả lắm. Thầy bắt họ học hành quá khổ, hơn mức cần thiết đối với một lớp thiên về ngoại khoá như lớp Dĩ An, giao một lố bài tập và phạt đứng bất cứ ai không làm hết. Việc mà trước đây, nếu chúng làm quá nửa, thầy sẽ cho qua.
Vì thế, làn sóng phản đối mãnh liệt tràn đến như nước sông vừa gặp bão.
Đám học trò nhìn chằm chằm quyển vở trên bàn, lặng yên như tờ, khi thầy Hoàng – chủ nhiệm lớp cô cau có nhìn đầy chữ trên tấm bảng đen: "Thầy khác xưa rồi. Xin hãy là thầy Hoàng của ngày hôm qua. Thầy bị thầy Long lây bệnh hả?" Dĩ nhiên thầy Long là chủ nhiệm A7.
Thầy nhìn tấm bảng một lúc lâu và quay xuống nhìn học sinh của mình, hỏi: "Ai viết cái này?"
Cả lớp im thin thít. Thầy chỉ đích danh lớp trưởng: "Hoa, em nói thử xem!"
"Em không biết ạ!" Hoa giật mình, đứng bật dậy, trả lời lí nhí: "Khi đến lớp em đã thấy rồi!"
"Sao em không xoá đi?"
"Em nghĩ người viết nó sẽ muốn bức thư của mình được chuyển đến thầy!" Đầu Hoa càng cúi gằm hơn nữa.
Thầy Hoàng thở dài một hơi, nói: "Lớp chúng ta tuy học không tốt, nhưng tôi biết các em đều rất ngoan, tuy cứng đầu, bướng bỉnh, nhưng cũng không bao giờ đi quá giới hạn cả. Bất cứ ai viết những dòng này, và cả lớp, tôi mong là các em sẽ không bao giờ coi một thầy giáo 'bị bệnh', được chứ? Năm sau các em học lớp 12 rồi, tôi rất muốn trang bị đầy đủ kiến thức cho các em trước khi ra trường."
Bỗng nhiên Hoa ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng bừng: "Nhưng thầy không nên nhồi nhét kiến thức cho chúng em như nhồi lợn vậy!" Cả lớp cười ồ lên: "Chúng em rất thích những bài giảng sáng tạo của thầy, rất thú vị và dễ hiểu, hơn là cho chúng em một lô lốc bài tập mà chúng em không biết làm!"
Thầy Hoàng mỉm cười, ra hiệu cho Hoa ngồi xuống: "Xin lỗi các em, sau này tôi sẽ cố gắng sáng tạo ra nhiều bài giảng như các em muốn. Còn bây giờ, học thôi, chúng ta đã mất mười năm phút rồi!"
Sú gào lên: "Òm, sao không câu giờ thêm mười năm phút nữa!"
Cả lớp lại cười vang. Không khí bớt đi cả 'ngàn kí lô' căng thẳng.
*
Dĩ An lại hát vang trong phòng Sú, và bốn kẻ nào đó ai mà chẳng biết tên đang nhăn mặt, bịt tại. Sú hét: "Dừng lại, cô Dĩ An, làm ơn dừng lại!"
Cô cụt hứng, im miệng sau khi vừa hát xong bài Bông hồng nhỏ, Cháu lên ba, Cô nhà trẻ và kết thúc ở bài Hai con thằn lăn con.
Thấy họ chán ghét cô như vậy, Dĩ An nói: "Sau này tôi sẽ không hát nữa!"
Huân sáng mắt: "Thật nhé?"
Sú lầm bầm: "Phải là gào thét mới đúng!"
Cô kệ xác hắn: "Nếu có một ai đó trong số bốn người vừa hát vừa phụ hoạ bài Hai con thằn lằn con!"
Cả lũ con trai lăn ra ngất. Khi thấy không thoả thuận nổi với cô, chúng đành thuận theo ý, và như lời Minh nói 'thà đau một lần còn hơn cả ngàn lần nữa.'
Sú viết loạt xoạt lên giấy. tạch lưỡi: "Tôi viết ba dấu cộng và một dấu trừ lên bốn mẩu giấy này. Ai bốc được dấu trừ, thì xin chúc mừng, bạn chiến thắng!" Nhìn mặt mấy đứa con trai hãi hùng, Sú mỉm cười híp mắt, nói tiếp: "Cậu Lâm bốc trước đi, ưu tiên cậu!"
Lâm bốc được dấu trừ. Dĩ nhiên, theo đúng sự sắp đặt của Sú.
Dĩ An nhìn Sú nghiêng đầu, cười phớ lớ, mỗi khi mà cậu bày trò thành công: "Nếu cậu Lâm đã bốc được dấu trừ thì chúng ta chẳng cần bốc nữa." Thuận tay ném mấy tờ giấy vào thùng rác, cười sung sướng mặc cho Lâm học giả đang vô cùng bất mãn, và phiền não.
Khi bố mẹ gọi họ về nhà ăn tối, Dĩ An nán lại, nói với Sú: "Đừng tưởng không ai biết cậu Sú viết dấu trừ vào cả bốn mẩu giấy nhé!"
"Tại sao cô không vạch trần tôi hả?" Cô ghét chữ 'hả' được hắn ngân lên ở cuối câu, như thể đã biết câu trả lời nhưng vẫn giả ngu: "Vì cô cũng muốn xem Lâm-mặt-đơ hát và múa phụ hoạ đúng không, cô Dĩ An!"
Dĩ An rụt cổ, lùi bước khi Sú đưa cái bản mặt cậu gần sát cô: "Ờ, thì cũng..."
Sáu ngày sau đó, cái ngày mà Dĩ An đã mòn mỏi chờ đợi suốt thời gian qua. Họ tụ tập ở nhà Sú đúng giờ hẹn, nhưng Huân ú vẫn chưa đến. Cô ủ rũ nói: "Học giả Lâm cứ hát đi, hắn không có phúc được xem thì kệ hắn!"
Lâm học giả đi lên trong tiếng vỗ tay vang dội của cô, Sú và Minh. Mặt cậu vẫn thản nhiên, và khi cậu cất tiếng hát, Dĩ An đứng hình.
"Hai con thằn lằn con đùa nhau cắn nhau đứt đuôi" Đứng im: "Cha thằn lằn buồn thi gọi chúng đến mắng chơi..." Không những sai lời mà vẫn tiếp tục đứng im.
Cả bài hát Lâm đứng im, thân hình cứng đờ, và hát chung một giai điệu, buồn tẻ. Khi Lâm bước xuống, Dĩ An vẫn không nói được câu gì. Mãi sau đó, Sú phát biểu: "Lần đầu tiên tôi mới biết có một bài hát thiếu nhi buồn thảm như thế!"
Dĩ An giơ ngón cái làm dấu 'thích'. Cô hoàn toàn đồng ý.
Đúng lúc, cánh cửa bật mở. Huân ú bước vào. Khuôn mặt ngập tràn lo âu và bất hạnh. Quần áo đồng phục nhăn nhíu. Trông cậu như vừa bước về từ một trận chiến.
"Phải. Một trận chiến!" Huân nói. Và kể chi tiết sự việc.
Hoá ra là Huân được một cô gái 'cũng không béo mà chỉ mũm mĩm' như cậu theo đuổi, nhưng cậu từ chối. Bị đuổi theo hết ngõ này đến ngõ nọ và may mắn thoát thân vì cô gái ấy bị một cái xe đạp cán phải.
Dĩ An hỏi: "Rồi sao?"
Huân trả lời: "Tôi chạy thẳng về đây nè!" Khuôn mặt lộ biển cảm 'chuyện đương nhiên phải thế'.
Sú, một kẻ được biết đến với câu danh ngôn 'không bao giờ làm tổn thương phụ nữ' ngạc nhiên đến thoảng thốt: "Cậu không xem cậu ta bị làm sao à?"
"Đừng lo!" Huân vẫy vẫy tay: "Người nên làm sao là chủ nhân và cái xe ấy!"
Dĩ An và đồng bọn như được dịp mà há hốc mồm.
Trong lúc đó, Huân sà đến ôm Lâm, nói vô cùng sến: "Tại sao tôi lại không có cảm giác với con gái vậy? Tôi đã suy nghĩ rất lâu và biết rằng, trái tim của tôi đã bị Lâm học giả cướp mất rồi!" Nói xong, hôn lấy hôn để vào mặt Lâm.
Lâm học giả mất bình tĩnh, gào lên một tiếng, vô cùng khoẻ mạnh đẩy mặt Huân ra, khiến cậu ta ngã ra sàn nhà.
Huân nói: "Hình như tôi hơi lố rồi?"
Dĩ An, Sú và Minh cười như được mùa.
Trong cuộc sống xô bồ và người ta thường vỗ về nỗi buồn của mình bằng một nỗi buồn khác, hoặc than thân trách phận, hoặc đổ lỗi và ích kỉ coi sự mất mát của mình là lớn nhất. Thì họ, chọn cách điên, chọn cách hoà tan nỗi buồn và biến cuộc sống trở nên rực rỡ hơn cả. Thực ra, điên hết mình, là một việc rất kì diệu. Người ta nói, mỗi ngày hãy bỏ ra mười năm phút để 'điên', vì nó sẽ làm cuộc sống của bạn bớt rắc rối, thêm niềm vui và đỡ bị già trước tuổi, vì suy nghĩ nhiều chẳng hạn.
Nhưng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó.
Cả trường đang đồn ầm lên rằng thầy Long chủ nhiệm A7 đang bị học trò chơi khăm bằng những dòng chữ nói xấu trên bảng vào mỗi buổi sáng.
Vào năm giờ ba mươi, trời sáng lờ mờ. Tiến dùng phấn viết lên bảng một dòng chữ: "Thầy Long đáng ghét. Làm ơn học hỏi chút 'teen' của thầy Hoàng đi. Làm ơn đừng biến tâm hồn của mình thêm già cỗi nữa. Kí tên: Sứ giả của lớp 11A7."
Vừa chấm câu, Tiến bỗng nhiên bị ai đó chồm lấy, làm cả hai ngã ra đất. Tiếng thầy Long ồm ồm: "Cuối cùng thì ta đã bắt được mi rồi!"
A3 thường thoát hầu hết vụ nghịch ngợm của mình, vì có vẻ chúng may mắn, điều mà A7 thường không được Chúa ban cho.