Mình đang hoàn một bộ truyện dài thể loại cổ trang, thần thoại. Tính đến trang hiện tại đã là 498 trang rồi. Mình ước lượng rằng có thể nó sẽ kết ở trang 600 hoặc hơn một xíu. Thế nên mình nghĩ mình có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bạn.
1.Có viết cốt truyện trước không?
-Có chứ, đương nhiên phải viết cốt truyện trước. Ban đầu mình chỉ viết bản tóm tắt cốt truyện và sườn của các chương thôi. Nhưng sau khi viết gần xong tác phẩm, mình nhận ra rằng càng viết chi tiết cốt truyện càng tốt. Bạn nên nhớ truyện dài là loại truyện tốn rất nhiều thời gian và công sức viết. Có khi phải mất một đến hai năm hoặc hơn mới hoàn thành được. Không gì có thể đảm bảo rằng trong suốt hơn 365 ngày trôi qua, bạn sẽ nhớ như in những gì mình đã nghĩ. Thế nên để không bị quên, không bị bí ý tưởng về sau, tốt nhất bạn nên viết thật kĩ cốt truyện (Thậm chí viết theo cách ngớ ngẩn nhất cũng được). Khi đã có cốt truyện chủ đạo rồi bạn hãy bắt tay vào viết, và thậm chí khi viết xong, bạn cần phải lọc lại kết cấu một lần nữa để đảm bảo tất cả các chương trong truyện đều liên kết mạch lạc với nhau. Loại trừ những điểm phi logic, nhảm nhí, dư thừa... nói chung tất cả chỉ quy tụ lại thành ba vấn đề: Lập sườn, viết theo sườn, chỉnh sửa thật kĩ lưỡng.
2.Có tư tưởng chủ đạo của tác phẩm không?
-Có. Bạn sẽ không theo được một câu chuyện nào quá lâu khi nó chỉ là những dòng nhảm nhí. Phàm là tác phẩm thì phải thể hiện một ý đồ nào đó của người viết. Dù là mong muốn, nguyện vọng hay triết lí sâu xa... Thậm chí chỉ là những quan điểm về tình yêu, về cuộc sống thì cũng phải có tư tưởng chủ đạo. Bạn hãy tưởng tượng thế này, tư tưởng chủ đạo là nhân, còn nhân vật, cốt truyện, tình tiết... chỉ là lớp vỏ bao quanh nhân đó. Tư tưởng chủ đạo chính là sợi dây xuyên suốt kéo dài khắp các chương truyện, liên kết chương truyện và sau cùng là tạo nên dư âm cho tác phẩm.
3.Cốt truyện đã có kết thúc xác định chưa, hay là bỏ ngỏ để phát triển theo mạch truyện?
-Cái này thì tùy vào phong cách của mỗi người. Có người thích viết theo một kế hoạch có sẵn còn có người thì thích sự phát triển tự nhiên. Riêng mình thì mình thường xác định cái kết trước, để biết đường mà xây dựng tình tiết chứ... Nhưng cái kết đó không hoàn toàn chắc chắn. Nó có thể thay đổi tùy theo diễn biến sau này. Đừng lo, bạn luôn phải chỉnh lại mà. Theo mình tốt nhất nên viết cho hoàn đi rồi hãy công bố. Sau khi hoàn xong bạn có thể chỉnh sửa câu chuyện lại, chỉnh sửa cái kết lại đến khi nào bạn thấy hợp lí thì thôi. Còn nếu vừa viết vừa đăng thì... rất dễ xảy ra sai sót.
4.Nếu không có kết thúc xác định thì thường các bạn lên ý tưởng trước cho bao nhiêu chương, hay nghĩ gì viết nấy?
-Thuở ban đầu, khi mình mới chập chững viết truyện, mình viết theo kiểu nghĩ gì viết nấy đấy... Sau đó nhận ra câu chữ rất...xàm. Đã thay đổi xoành xoạch không nói, đôi khi còn mắc phải mấy lỗi logic trầm trọng. Thế nên rút kinh nghiệm mình quyết định viết theo sườn. Bạn nên nhớ rằng tiểu thuyết không phải là một dòng tản văn ngẫu hứng hay chỉ là một truyện ngắn đòi hỏi thắt - mở đơn giản. Tiểu thuyết là cả một câu chuyện lớn, một không gian lớn mà ở đó tất cả những tình tiết (dù là nhỏ nhất) đều phải liên kết có chủ đích với nhau. Tình tiết được đưa ra không phải ngẫu nhiên mà phải đóng một vai trò nào đấy trong cốt truyện. Thế nên không thể viết nên những chi tiết mang tính logic cao bằng cách 'nghĩ gì viết nấy' được. Một tiểu thuyết gia là một bậc thầy về kết cấu.
5.Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm bạn đang viết là gì? Có thể miêu tả ngắn gọn vài dòng về nó không?
-Hơi spoil nên miễn nha.
-Tất nhiên một tác phẩm có thể có nhiều tư tưởng. Có tư tưởng chính và vô số tư tưởng phụ khác để nói lên nhân sinh quan của người viết. Có như vậy văn mới sâu được. Nhà văn là một nhà tư tưởng và một nhà đạo đức mà.
6.Có tham khảo cách phát triển đối thoại hay miêu tả ở tác phẩm tiêu biểu nào không?
-Cái này cũng tùy vào cách làm việc mỗi người. Với mình thì không. Mình sợ nhất chính là việc bị khớp hay bị ám ảnh bởi một tác phẩm nào đó để rồi vô thức đưa điều ấy vào đứa con tinh thần. Mình muốn thể hiện cái riêng, vẽ nên thế giới của mình mà thôi. Vậy nên khi viết mình sẽ hoàn toàn không tham khảo bất kì thứ gì khác ngoài dữ liệu cần thiết.
7.Khi viết có đọc truyện khác hay không? Nếu có, có bị ảnh hưởng bởi tác giả đang đọc không?
-Không. Mình sợ bị ảnh hưởng nên không đọc. Chỉ nghe nhạc cổ điển thôi và tạo thật nhiều cảm hứng nghệ thuật. (Ví dụ ngắm cảnh đẹp, nhâm nhi cofee ở một quán hữu tình,...)
8.Có sửa bản thảo sau khi viết không? Trung bình sửa bao nhiêu lần? Lý do sửa bản thảo?
-Tất nhiên PHẢI CÓ rồi. Thường sẽ viết một mạch đến hết rồi mới ngồi sửa lại từ đầu đến cuối. Sau đó trước khi post lại sửa thêm lần nữa. Trong quá trình đăng, nhờ góp ý bạn đọc sẽ chỉnh thêm lần nữa (nếu có) mà chủ yếu là về chính tả thôi.
9.Dùng công cụ gì để viết, Word hay viết thẳng trên trình duyệt?
-Chắc chắn là word.
10.Bạn gặp khó khăn nhất ở phần nào: phát triển cốt truyện, miêu tả tình tiết, phát triển nhân vật?
-Mình gặp vấn đề ở hầu như các phần. Tất nhiên mọi thứ đều có những điểm đáng lưu ý riêng.
+Đối với phát triển cốt truyện mình phải suy nghĩ làm sao để cốt truyện logic, lôi cuốn. Sự ngắt nghỉ ở các chương như thế nào để dẫn dụ được độc giả. Thể hiện ra sao để người đọc không dễ dàng đoán được tình tiết tiếp theo. Phải làm thế nào để cốt truyện không bị lệch lạc quá nhiều... Đó là cả một vấn đề.
+Đối với miêu tả tình tiết, quan trọng không phải miêu tả sao cho hay, mà phải miêu tả sao để người đọc có thể dễ dàng hình dung được. Mà để làm được điều đó, cần phải chọn lọc từ để sao cho thật đắt, thật đơn giản, thật gợi hình, gợi cảm... Vậy nên mệt nhất chính là đoạn miêu tả này... tốn quá nhiều chất xám. Tất nhiên cũng không nên gò bó mình quá, bởi nếu bạn suy nghĩ quá nhiều về một thứ, bạn sẽ không làm được những thứ khác. Thôi thì cứ viết đi rồi sau này chỉnh lại, còn hơn cứ đứng một chỗ mà mãi chẳng viết được gì.
+Về nhân vật, cái khó nhất chính là làm sao để nhân vật 'Sống'. Nghĩa là nhân vật phải có linh hồn, hiện hữu mà không phải là một dòng hay một câu trên giấy. Để làm được điều đó rất khó. Làm sao để độc giả yêu mến và trọng nhân vật của mình... tạo nên tính cách điển hình của nhân vật. Kinh nghiệm của mình là đừng add quá nhiều thứ vào nhân vật làm gì. Cứ cho nhân vật những tính cách căn bản nhất. Quan trọng ở đây chính là bạn có thể làm nổi bật được những tính cách đó cơ. Mà để làm được điều đó thì không phải chỉ là tình tiết, thoại, miêu tả... là đủ mà còn phải hóa thân, nhập thần vào nhân vật nữa. Suy nghĩ như nhân vật vậy. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy mình như đang bị tâm thần...
11.Có thể giới thiệu nhân vật của bạn trong ba câu ngắn gọn được không?
-Cái này hơi spoil nên xin phép miễn.