Mạn phép tham gia với các anh/chị em trên Gác. Mình mới viết thôi nên có khá ít kinh nghiệm.
Có viết cốt truyện trước không?
Cốt truyện mình thường xây dựng theo nhân vật chính (thường mình chỉ có 1-2 nhân vật chính mà thôi). Các sự kiện diễn ra trong truyện đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến nhân vật chính. Với cách này, cốt truyện có thể thay đổi mà không ảnh hưởng đến ý đồ xây dựng nhân vật. Nói cách khác, mình không o bế nhân vật theo một kết cục định sẵn, mà hãy để nó tự phát triển. Tất nhiên pt thế nào vẫn phải phụ thuộc vào chủ ý người viết.
Có tư tưởng chủ đạo của tác phẩm không?
Thường thì có, nhưng vì mình còn ít tuổi nên kinh nghiệm sống không nhiều, do đó tưng tưởng cũng không có gì cao xa.
Cốt truyện đã có kết thúc xác định chưa, hay là bỏ ngỏ để phát triển theo mạch truyện?
Nếu là kết thúc toàn cục thì chắc chắn phải có. Còn kết quả của từng sự kiện nhỏ mình sẽ nói ở phần dưới.
Nếu không có kết thúc xác định thì thường các bạn lên ý tưởng trước cho bao nhiêu chương, hay nghĩ gì viết nấy?
Mình thường chia ra là nhiều gia đoạn nhỏ (Cái này là học theo thuật ngữ "Arc" trong manga. Nó chỉ một giai đoạn diễn biến có ý nghĩa quan trọng). Khi đó cốt truyện sẽ dễ phát triển hơn, vì là phát triển trong một khoảng ngắn thay vì cả bộ truyện. Tuy nhiên kết cục của 1 giai đoạn nhất thiết phải là "bước đệm" cho giai đoạn kế nó (không phải về mặt thời gian vì nó có thể dẫn đến kết cục tương lai, hoặc liên quan đến sự kiện khác đã xảy ra trong quá khứ)
Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm bạn đang viết là gì? Có thể miêu tả ngắn gọn vài dòng về nó không?
Vì mình đang viết một truyện kiếm hiệp nên tư tưởng chủ đạo là sự trưởng thành của nhân vật chính. Mối quan hệ giữa con người với con người, sự đoàn kết mới là sức mạnh to lớn nhất.
Có tham khảo cách phát triển đối thoại hay miêu tả ở tác phẩm tiêu biểu nào không?
Cái này thì cho nó tự nhiên, nghĩ gì viết nấy. Nhưng đôi khi phải đọc lại vì lặp quá nhiều từ
Khi viết có đọc truyện khác hay không? Nếu có, có bị ảnh hưởng bởi tác giả đang đọc không?
Mình đọc khá nhiều các tác phẩm của Kim Dung, Cổ Long... nhưng không bị ảnh hưởng của họ, nói đúng hơn là tránh rập khuôn theo họ. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng khá nhiều từ Đan Thanh (Phong Vân, truyện chữ chứ không phải truyện tranh nhé).
Có sửa bản thảo sau khi viết không? Trung bình sửa bao nhiêu lần?Lý do sửa bản thảo?
Có, sửa khá nhiều vì những lỗi lặp từ, chính tả... Khi sửa thì cố để không ảnh hưởng đến cốt truyện quá nhiều.
Dùng công cụ gì để viết, Word hay viết thẳng trên trình duyệt?
Word và đẩy lên drive để đi đâu xa có thể tải xuống sửa được.
Bạn gặp khó khăn nhất ở phần nào: phát triển cốt truyện, miêu tả tình tiết, phát triển nhân vật?
Mình thấy khó nhất là ở cách miêu tả tình tiết, bình thường không sao nhưng đến giai đoạn giao đấu giữa các nhân vật (vì mình viết kiếm hiệp) thì bị rối tung lên. Vì thế trước khi viết phần giao đấu đó mình thường xây dựng một bản "draft" trước. Nó sẽ bao gồm các nút thắt của trận chiến: Nhân vật sẽ dùng skill nào? Đặt tên nó là gì? Miêu tả thế nào? Skill nào của nhân vật A sẽ đấu với skill nào của nhât vật B? Và skill nào sẽ thắng?
Mình thường xếp các cặp skill của A và B (nếu chỉ là 2 người giao đấu) theo mức độ từ thấp đến cao. Khi đến cặp cuối cùng mới là đi đến kết cục mà mình mong muốn. (A hay B ai là người thua cuộc, ai sẽ chết...)
Có thể giới thiệu nhân vật của bạn trong ba câu ngắn gọn được không?
Nhân tiện có câu này nên mình quảng cáo
Nhân vật mình đang viết là một đứa trẻ mồ côi không có ký ức. Lớn lên y cũng không có chính kiến của bản thân mà thường bị cuốn theo sự sắp đặt của người khác. Nhưng nếu một khi hắn quyết định thay đổi bản thân thì sẽ thế nào?
Một đoạn văn mình tâm đắc:
"Chiến tranh có gì hay chứ? Người giết ta, ta giết người, giết qua giết lại có gì hay chứ?
Hàng ngàn người xúm lại tàn sát lẫn nhau, đó chính là khói lửa chiến tranh. Lẩn khuất trong đó là những tiếng la hét của binh sĩ khi xung phong giết địch, của binh sĩ khi gục gã. Trời đất im lặng, mặc cho con người gào khóc. Một kẻ gào lên hung hãn khi vừa giết được kẻ địch nhưng ngay tức khắc lại kêu lên thảm thiết vì bị tên khác hạ sát. Trời vẫn im lặng nhìn xuống, đất chỉ biết thấm đẫm máu tươi.
Con người nói chiến tranh có loại chính nghĩa, có loại phi nghĩa. Nực cười thay! Chiến tranh chỉ có sống chết mà thôi! Kẻ sống thì chiến thắng, kẻ chết là chiến bại. Ý nghĩa của chiến tranh là sống sót trở về!
Nhưng khi tàn chiến có bao kẻ trở về được với vợ con? E rằng những người ngã xuống còn gấp ngàn lần số ấy. Khi sống thì đứng giữa hai chiến tuyến khác nhau, khi chết thì nằm cạnh nhau giữa chốn đồng không mông quạnh. Da thịt tung tóe, máu chảy thành sông, xương trắng chất đầy.
Chiến tranh là như thế! Chua chát thay!
Hai gã thất phu thì sức cùng lực kiệt. Còn ba tên ngốc đứng chôn chân giữa chiến trường lạnh tanh.
Nực cười thay!"