Hoàn thành Trần Chân - Hoàn - Búp Bê

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Chương 10: Cứu người lạ mặt

Tiệc mừng thọ của cha tôi ngày hôm sau diễn ra vô cùng náo nhiệt. Bạn hữu gần xa của cha đều đến chúc thọ, lễ vật không thiếu thứ chi. Cha thì đặc biệt vui vẻ, gặp ai cũng kéo anh Cát theo, giới thiệu với mọi người. Tôi nghĩ cha tôi mừng thọ là phụ, cái chính là muốn thông báo với mọi người chàng rể yêu rể quí của cha.

Chiều hôm đó, nhà tôi đón một vị khách quý mà không ai ngờ tới – Bát vương gia.

Có lẽ ngài ấy biết Tú Bình đang ở nhà tôi nên mượn cớ đến thăm hỏi. Nghe danh ngài ấy đã lâu, đến giờ tôi mới được diện kiến. Bát vương xấp xỉ tuổi anh Cát nhưng dường như có vẻ chín chắn hơn. Nhưng bù lại ngài mắt sáng mày ngài, khuôn mặt hiên ngang khí phách, nhìn qua cũng đoán được là một người địa vị không tầm thường. Chịu khó nhìn kỹ, tôi lại thấy ngài ấy có nét hao hao Lý Nhật Trung, có lẽ do có cùng huyết thống.

Bát vương tuy hào sảng nhưng ăn nói có chừng mực. Cảm giác ngài mang lại không sỗ sàng nhưng lại không quá xa cách. Năm xưa ngài làm tướng thì đánh bại Chiêm Thành, khi về đến Diễn Châu lại là một vị quan mẫu mực. Tôi nghĩ chị Bình gả cho ngài, biết đâu lại là chuyện tốt.

Bát vương đang cùng cả nhà tôi trò chuyện thì đầy tớ của ngài chạy vào, điệu bộ gấp gáp. Bát vương tâm trạng đang vui, giọng sang sảng: "Ở đây đều là người nhà, có việc gì người cứ nói đi."

Tên đầy tớ được cho phép liền trình báo: "Bẩm vương giá, Phụng Càn Vương có việc gấp cần gặp Người, hiện đang chờ ở phủ."

Bát vương nhanh chóng từ biệt mọi người rồi vội vã cùng đầy tớ quay về. Trước khi đi còn ân cần nói với Tú Bình đôi ba câu, chị ấy nghe xong chỉ hòa nhã gật đầu. Tôi thì không còn tâm trí để ý đến chuyện gì khác ngoài ba chữ "Phụng Càn Vương" – đó chẳng phải là Lý Nhật Trung sao? Anh ta trở lại Diễn Châu rồi!

Mọi người đều ở lại nhà trên tiếp tục nói chuyện với nhau, chỉ có vợ chồng tôi rời khỏi. Cát không vào phòng mà ngồi lại ghế đá ngoài sân, tôi kêu Nhược Lan pha cho anh ấy bình trà. Nhược Lan sau khi xong việc liền đến gần tôi, lo lắng hỏi: "Có chuyện gì đúng không cô hai? Em thấy cô nãy giờ thần trí cứ để nơi đâu."

Tôi nhìn Nhược Lan bằng ánh mắt phức tạp, không biết có nên kể cho chị ấy nghe về chuyện Lý Nhật Trung hay không. Nhưng tự nghĩ, dù Nhược Lan biết thì mọi chuyện cũng có thay đổi được chi đâu, thế nên tôi quyết định không nói gì cả. Chuyện giữa tôi và tứ hoàng tử, thêm một người biết, lại càng thêm rắc rối.

*
* *

Sáng hôm sau Tú Bình rủ tôi đi chùa cầu phước cho cha. Địa điểm chúng tôi sẽ đến là chùa Bà Bụt nằm bên tả ngạn sông Lam, cách nhà tôi hai canh giờ đi bằng xe ngựa.

Xe ngựa chạy với tốc độ bình thường, băng qua những cánh đồng bát ngát. Khi tôi thắc mắc tại sao gần nhà nhiều chùa mà chị lại chọn một nơi xa như thế thì chị kể cho tôi nghe một câu chuyện.

Mấy năm trước Bát vương gia đem quân đi đánh Chiêm Thành, trong một lần trọng thương, về đến Bạch Đường thì có một bà tiên hiện lên báo mộng với ngài rằng: "Quả sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hóa thân xứ ấy." Ngài cho đây là điềm lành, liền cho người dựng chùa. Ban đầu chùa dựng lên đơn giản, chỉ giống như một am nhỏ bằng tre để thờ phụng, xây độ mười ngày đã xong. Không ngờ ngay sau đó liền thu phục được quân Chiêm Thành một cách dễ dàng. Sau đó ngài cho người xây dựng lại chùa thật kiên cố và cho mọi người gần xa đến đây cúng vái đến ngày nay. Ai đến rồi cũng công nhận nơi này thật sự hiển linh.

Tôi nghe Tú Bình kể xong, vừa ngưỡng mộ sự anh dũng của Bát vương và sự huyền bí của xuất xứ ngôi chùa, nhưng không quên trêu chọc Tú Bình: "Thì ra là chị một lòng muốn đến ngôi chùa cho chính phu quân tương lai của mình xây cất."

Tú Bình bật cười: "Ha ha. Tìm hiểu một chút về người ta trước khi gả đi thì đâu có thiệt thòi gì. Chưa kể chị cũng muốn biết ngôi chùa ấy linh thiêng đến cỡ nào."

Nghe giọng điệu Tú Bình, tôi tin chắc chuyện chị ấy gả đi giờ đây chỉ còn là vấn đề của thời gian mà thôi.

Xe đi được nửa đường, chúng tôi cho dừng lại bên bờ sông để ngựa uống nước. Tôi đem giỏ bánh đã chuẩn bị sẵn ra, Tú Bình có vẻ không thích: "Chị không ăn nổi nữa đâu. Mấy hôm nay ăn toàn những loại bánh này."

Tôi nhún vai: "Vậy chị muốn ăn gì? Nhưng ở đây đâu có ai buôn bán gì đâu."

Tú Bình nhìn quanh rồi phát hiện ra điều gì thú vị, chị ấy kêu lên thích thú: "Táo rừng kìa Chân, mình lại đó hái một ít lên xe ngồi ăn cho mát đi."

Tú Bình nói rồi chưa đợi tôi đồng ý hay không đã kéo lấy tay tôi, lôi về phía có cây táo rừng xanh um. Mặc dù những trái táo xanh mướt kia nhìn rất hấp dẫn, nhưng để tiến được đến đó phải băng qua một khoảng đất đầy cỏ lau, cây nào cây nấy cao hơn vai tôi, chưa kể không biết có rắn rết hay thú hoang gì không nữa. Băng qua được phân nửa khoảng đất đầy cỏ, tôi thấy như có điều gì không ổn, thêm vào đó Tú Bình lại hỏi tôi: "Chân, em có nghe mùi gì tanh tanh không, giống như mùi máu vậy?"

Tôi càng nghe càng thấy sợ, chân nặng trịch không bước nổi: "Em sợ lắm chị ơi, mình đi ra đi."

Tú Bình nghe tôi nói thì sốt ruột: "Sợ gì mà sợ. Có chị bảo vệ em rồi, cọp beo gì chị cũng chấp hết. Đi nhanh rồi mình còn quay ra xe."

Tôi không tin lời chị ấy, nhất quyết quay lưng đi, nghĩ rằng nếu tôi đi thì chị cũng sẽ bỏ cuộc và quay về xe cùng tôi. Nhưng chưa bước được mấy bước đã nghe Tú Bình kêu lên một tiếng. Chắc chắn chị ấy đang bày mưu để dụ dỗ tôi đây mà. Tôi quay lại, định bụng càu nhàu chị một trận.

"Chị..."

Thế nhưng lời tôi nói ra liền mắc nghẹn ở cổ, miệng cứng đờ. Phía sau Tú Bình là một người đàn ông mặt mày nhếch nhác, quần áo rách rưới, vết thương trên vai còn đang toạc ra, máu chảy ướt hết cả một vùng cơ thể. Hắn ta cầm một con dao kề vào cổ Tú Bình, đe dọa: "Im lặng, nếu không ta giết ả."

Hắn nói xong, Tú Bình ngạc nhiên thủ thỉ: "Là anh à?"

Tôi không biết "Anh" mà Tú Bình đề cập là ai, tôi chỉ biết Tú Bình đang gặp nguy hiểm. Gã ấy vừa nghe Tú Bình lên tiếng, thẩn thờ nhìn lại chị ấy, đôi mày dãn ra một ít rồi từ từ đổ gục lên vai Tú Bình, con dao rơi xuống đất.

Tôi sợ hãi kêu lên: "Chị ơi, nhìn hắn thế kia không phải giết người thì cũng cướp của, nếu không thì không bị người ta đánh đến như vậy. Hay mình trói hắn lại, trình lên quan đi."

Tú Bình vội vàng cởi chiếc áo khoác dính đầy máu của hắn trên người chị ra, lót xuống đất rồi đỡ hắn nằm lên.

"Trước đây chị có gặp qua anh ta một lần, anh ta còn cứu người nữa, chắc chắn đây không phải là người xấu."

Tú Bình giải thích vậy nhưng tôi vẫn thấy gã ấy không đáng tin: "Nếu vậy thì chúng ta đi đi, cứ để mặc hắn ở lại đây. Sống chết là do ý trời."

"Suỵt... dường như có rất đông người đến. Em ra xe ngựa trước đi. Nếu có ai hỏi về anh ta thì em nói không biết gì hết, còn chị thì đi vệ sinh, biết chưa."

Tôi nghe lời Tú Bình vội vã quay về phía xe ngựa đang đợi. Nhược Lan trông thấy tôi chưa kịp hỏi xem tôi đi đâu thì một tốp binh lính đã đến. Tên cầm đầu số binh lính ấy trông có vẻ dữ tợn, tiến về phía tôi: "Nhóc con, người có thấy một gã tuổi ngoài hai mươi, vai bị thương nặng đi ngang qua đây không?"

Tôi phân vân không biết có nên nói thật cho hắn hay không. Nhưng lại nhớ đến lời dặn dò của Tú Bình, đành giả vờ: "Tôi mới đi ngang qua đây, dừng xe cho ngựa uống nước, không thấy ai nữa hết."

Có vẻ chưa tin tưởng những gì tôi nói, hắn hỏi tiếp: "Cha mẹ ngươi đâu, sao lại để con nít đi lại một mình ở nơi vắng vẻ thế này?"

Tôi nghe hắn hỏi mà thấy giận run người. Không phải vì thái độ hắn xấc xược, mà là vì hắn xem tôi nhìn con nít, còn gọi tôi là "Nhóc con" nữa chứ.

Tôi không thèm phản ứng, mặc cho hắn dò xét. Hắn còn định tiến lại xem xét bên trong xe ngựa của tôi xem có giấu tội phạm hay không. Nhược Lan và phu xe Tám Hoành có ý ngăn cản. Từ xa, một tốp binh khác lại tới, tôi trông thấy người dẫn đầu không ai khác ngoài Bát vương gia.

"Sao rồi?" Bát vương hỏi tên lính bặm trợn chất vấn tôi nãy giờ.

Hắn thấy Bát vương liền quay ngoắt thái độ, lom khom cúi người như đứng trước tổ tông nhà hắn: "Bẩm vương gia, phản tặc thì chưa thấy nhưng con phát hiện con bé này còn nhỏ mà ở đây một mình, trông rất khả nghi. Có thể nó với tên kia là đồng phạm."

Bát vương nhìn tôi một lúc, có vẻ nhận ra tôi nên ngài hỏi: "Ngươi chẳng phải là em họ của Tú Bình sao? Tại sao lại ở đây một mình?"

Tôi cúi đầu, lễ phép trả lời: "Bẩm vương gia nhớ không sai, con chính là em họ của chị Tú Bình. Số là hôm nay chị Bình cùng con định đi lên chùa Bà Bụt để cầu phước cho cha mẹ, ngang qua đây ngựa khát nước nên dừng lại nghỉ ngơi. Không ngờ chưa được bao lâu thì mấy vị đại nhân này đến, hạch hỏi đủ điều. Thật sự con không có gặp ai hết."

Tôi trả lời, nét mặt sợ sệt. Bát vương thì nghe nói chúng tôi đi chùa Bà Bụt nên vẻ mặt cũng dãn ra đôi chút. Ngài hỏi tiếp: "Vậy ngươi ở đây, còn Tú Bình đâu?"

Tôi nhìn nhìn về phía bụi cỏ, ấp úng: "Dạ... chị Bình khi nãy có kêu đau bụng nên..."

Tôi không cần nói hết câu cũng đủ khiến Bát vương đỏ mặt, còn tốp binh lính phía sau thì che miệng tủm tỉm cười. Bát vương gia nói tiếp: "Có một tên phản tặc chạy trốn đến Diễn Châu này. Những nơi vắng vẻ như thế này rất nguy hiểm, nếu không có việc gì thì chớ ở lâu."

Tôi ngoan ngoãn gật đầu: "Đa tạ vương gia đã nhắc nhở. Lát sau chị Bình ra đến chúng con sẽ đi ngay."

Vương gia dường như đang gấp gáp nên cũng không lưu lại lâu để gặp mặt Tú Bình. Đợi ngài ấy đi một lúc tôi mới dám kêu Tám Hoành cùng tôi đi đến chỗ Tú Bình. Ba chúng tôi vất vả lắm mới đưa được tên ấy vào xe ngựa. Tôi thuật lại những gì Bát vương vừa nói cho Tú Bình nghe. Xong, chị vẫn một mực lắc đầu: "Anh ta không phải phản tặc đâu. Anh ta là một người tốt. Em khoan hãy nói việc này cho ai biết. Chúng ta tìm một nơi vắng vẻ để cứu anh ta trước."

Thế là chúng tôi không đi đến chùa Bà Bụt nữa mà quay xe về thị trấn. Trên dọc đường đi, nhìn vẻ lo lắng của Tú Bình mà tôi không khỏi chột dạ. Tên kia quần áo nhếch nhác, máu me đầy người, chắc hẳn phải làm việc xấu mới bị người ta đánh ra nông nổi này. Liệu hôm nay Tú Bình cứu y, có ảnh hưởng gì đến chuyện sau này hay không?

Chúng tôi để anh ta ở lại một ngôi miếu hoang gần ngoại ô. Trước đây ngôi miếu này cũng có người hành hương, nhưng từ khi bị sét đánh sập từ bốn năm trước, các sư cô trong đó cũng tản ra về các chùa, bỏ lại một đống hoang tàn. Mọi người nghĩ nơi này không được lòng trời nên mới sai Thiên Lôi giáng búa nên cũng không ai buồn tu sửa lại. Những ngày sau đó, Tú Bình âm thầm đem thức ăn, thuốc men đến cho hắn. Đến ngày thứ ba thấy chị về, tôi hỏi: "Hắn ta sao rồi chị?"

Tú Bình thở dài: "Đã tỉnh, nhưng vẫn còn yếu."

Tôi lo lắng nói với Tú Bình: "Hay chị cứ để mặc hắn đi. Dù gì cũng đã giữ lại được mạng cho hắn, xem như là làm hết khả năng rồi."

Tôi khuyên hết lời nhưng Tú Bình vẫn không chịu nghe tôi, hằng ngày vẫn âm thầm chăm sóc hắn ta. Thêm vài hôm nữa, tôi ra đường thì tình cờ thấy cáo thị đã được dán lên. Người trong hình chính xác là tên mà Tú Bình cứu. Bên dưới còn kèm chú thích:

"Truy nã Nùng Trí Cao – âm mưu làm phản. Phát lệnh truy nã toàn quốc. Ai phát hiện, giao thủ cấp thưởng một trăm bạc, bắt sống thưởng hai trăm bạc."

Tôi hốt hoảng chạy về nhà tìm Tú Bình: "Chị ơi hắn ta là phản tặc đó. Triều đình phát lệnh truy nã rồi."

Tú Bình đưa tay lên miệng ra dấu cho tôi im lặng. Bỗng một giọng nói vang lên sau lưng khiến tôi giật mình: "Ai là phản tặc?"

Tôi và Tú Bình đồng thời quay lại, Huỳnh Cát đã đứng đó tự bao giờ...

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tue_lonton

Gà tích cực
Tham gia
19/7/17
Bài viết
133
Gạo
19,0
Truyện hay quá! Chị viết truyện mà cứ như giăng mạng nhện í, rối như tơ vò. Em không thích anh Cát chút nào, chỉ mong Trần Chân về một nhà với tứ hoàng tử. Cơ mà chuyện này có vẻ khó vô cùng. *Gào*
Mong chị tag em vào, hì hì...
cuteonion32
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Truyện hay quá! Chị viết truyện mà cứ như giăng mạng nhện í, rối như tơ vò. Em không thích anh Cát chút nào, chỉ mong Trần Chân về một nhà với tứ hoàng tử. Cơ mà chuyện này có vẻ khó vô cùng. *Gào*
Mong chị tag em vào, hì hì...
cuteonion32
Rối như tơ vò? Chị viết khó hiểu lắm hả em?
 

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Chương 11: Giấc mộng đêm xuân


“Phản tặc là sao?” Huỳnh Cát chậm rãi lặp lại câu hỏi.

Tôi ú ớ không biết trả lời như thế nào. Cũng may Tú Bình nhanh trí lên tiếng: “Hôm trước chúng tôi đi chùa tình cờ gặp một người đàn ông. Hắn ta nhìn bặm trợn và thương tích đầy mình. Hôm nay Chân ra đường thì thấy cáo thị truy nã hắn.”

Huỳnh Cát nghe đến phản tặc thì đâm ra lo lắng: “Hắn có làm gì em…” anh ta ngưng một lúc rồi nói tiếp: “Làm gì hai người không?”

Tú Bình lắc đầu: “Không làm gì cả. Chúng tôi trông thấy hắn thì sợ quá nên cho xe chạy luôn. Không biết hắn còn sống không nữa.”

Huỳnh Cát nghe nhưng lại tỏ vẻ không mấy tin tưởng. Dù gì thì tôi và Tú Bình cũng không nói thêm gì nên anh đành cho qua: “Mai mốt có cần đi đâu thì nói tôi đưa đi.”

Anh ta nói trống không, tôi chẳng biết anh muốn nói với tôi hay với Tú Bình. Nhưng Tú Bình thì có vẻ chẳng quan tâm gì đến những lời của Cát. Tôi nghĩ chị quan tâm tên phản tặc kia hơn. Rốt cuộc thì họ quen biết như thế nào đây?

*
* *

Tôi cứ nghĩ Huỳnh Cát đã quên đi những gì hôm ấy nghe được nhưng anh hoàn toàn không như thế. Hôm sau lúc Tú Bình ra khỏi nhà, không lâu sau Huỳnh Cát cũng rời khỏi. Tôi có dự cảm chẳng lành nên nhanh chóng theo sau.

Đúng là Cát đi theo Tú Bình. Anh đứng trước cửa ngôi miếu bỏ hoang, ngập ngừng đôi lúc rồi bước vào. Tôi hốt hoảng định chạy ra ngăn lại nhưng Tú Bình nghe động liền vội vàng bước ra. Tôi đứng nép ở cửa, không vào trong nữa.

“Anh đến đây làm gì?” Tú Bình hỏi.

“Anh thấy em đến đây nên đi theo. Vậy em đến đây làm gì?”

“Anh theo dõi tôi?”

“Nếu em không làm gì mờ ám thì sao lại sợ người khác theo dõi. Trời sắp tối rồi, em đến miếu hoang này để làm gì?”

“Tôi làm gì là chuyện của tôi, anh là ai mà đòi quản tôi?”

“Tú Bình à!”

“Đừng gọi tên tôi… anh theo danh nghĩa là chồng của em họ tôi, xin anh đừng có những lời lẽ vượt quá chuẩn mực.”

Không gian yên ắng. Có lẽ những lời Tú Bình nói khiến Cát cảm thấy khó chịu. Một lúc sau hai người lại tiếp tục.

“Được, anh không gọi tên em. Nhưng anh muốn biết bên trong là ai, có phải tên phản tặc mà em và Trần Chân nhắc tới hay không?”

“Bên trong không có ai hết.”

Cát cố chấp bước muốn bước vào trong còn Tú Bình thì ngăn lại. Tôi nghe bên trong có tiếng đánh nhau nên hoảng hốt chạy vào. Tôi có can thế nào thì hai người cũng không ai chịu nhường ai. Tên phản tặc kia có lẽ nghe bên ngoài xô xát nên bước ra theo, vừa thấy có người lạ đánh Tú Bình thì bất chấp thương thế xông vào giải vây. Được vài chiêu đã bị Cát đánh bật ra, vết thương rỉ ít máu. Tú Bình chạy lại đỡ lấy hắn: “Anh ra đây làm gì?”

Tên ấy thều thào: “Hắn ta ức hiếp cô.”

“Anh đừng quan tâm chuyện này. Chạy đi, giữ lấy mạng sống.”

Cát tiếp tục tấn công về phía Tú Bình. Chị ấy nhanh chóng bỏ Nùng Trí Cao ra, đỡ lấy chiêu của Cát. Miệng hét lên: “Chân, dẫn anh ta đi đi.”

Tôi như nghe theo lời Tú Bình như bị thôi miên, vội vã chạy đến đỡ lấy Nùng Trí Cao. Thương tích hắn dường như nặng hơn, đi mới được vài bước đã khụy xuống. Huỳnh Cát lập tức chuyển hướng sang phía chúng tôi, chưởng lực ngày một đến gần.

Trong giây phút ấy, không hiểu sao tôi lại làm một chuyện cực kỳ ngu ngốc, mà cho đến sau này tôi vẫn hoài hối hận, chính là đưa người ra, đỡ lấy một chưởng thay cho Nùng Trí Cao! Trước khi mọi thứ chìm vào tăm tối, tôi chỉ kịp nghe giọng hốt hoảng của Tú Bình: “Huỳnh Cát, mau đưa Chân đi tìm thầy lang.”

*
* *

Cơn đau buốt tại bả vai khiến tôi choàng tỉnh. Bên ngoài trời tối mịt, vậy tôi ngủ từ chiều đến giờ. Tôi hớp ngụm nước Tú Bình đưa rồi hỏi: “Giờ nào rồi chị?”

“Giờ Tuất (19 – 21 giờ tối) rồi.”

“Vậy là em ngủ mới hai canh giờ thôi.”

“Không phải hai canh giờ, mà là hai ngày rồi.”

Tôi thở dài, không ngờ mình nằm xuống là ngủ một giấc lâu như vậy. Cũng may cha mẹ tôi đi đến Đô Lương dự lễ cưới đến gần mười ngày, nếu không tôi chẳng biết giải thích sao về việc này. Tôi đảo mắt quanh phòng tìm Huỳnh Cát nhưng không thấy đầu. Tú Bình biết ý liền nói: “Anh ta đang ở bên ngoài, chị ra kêu nhé.”

Tôi nắm lấy tay Tú Bình ngăn lại, thì thào: “Hắn ta sao rồi?”

Tú Bình vỗ nhẹ vào tay tôi: “Đã ổn. Chị sắp xếp chỗ khác cho anh ấy rồi. Nhưng sao em lại làm vậy? Có biết nguy hiểm lắm không?”

Tại sao – Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại làm như vậy, chỉ biết nếu hắn ta cứ như vậy mà chết đi, có lẽ Tú Bình sẽ rất buồn. Tôi cười với Tú Bình: “Hắn yếu như vậy nếu còn nhận thêm một chưởng của anh Cát chắc mất mạng. Dù gì chị cũng đã hết lòng cứu hắn, sao em có thể nhẫn tâm nhìn hắn chết như thế.”

Tú Bình siết chặt tay tôi: “Chân à, cảm ơn em. Thật sự cảm ơn em.”

Không hiểu sao tôi lại thấy tâm trạng nhẹ nhõm. Từ lúc gả cho anh Cát đến giờ chưa khi nào tôi đối diện với Tú Bình lại thấy khuây khỏa như lúc này. Dù bả vai có hơi đau, nhưng xem như tôi cũng được bù đắp xứng đáng.

Sau đó Cát vào thăm tôi nhưng không đề cập gì đến chuyện kia cả. Anh nhận được thư của anh cả kêu về nhà để giải quyết một số chuyện nhưng có vẻ vẫn còn bận lòng vì thương tích của tôi. Tôi bảo mình không sao để anh yên tâm.

Ngày Cát rời khỏi Diễn Châu tôi thấy lòng mình trống trải. Liệu tôi nói rằng tôi còn đau nhiều lắm thì anh có ở lại với tôi hay không?

Đêm đó một tiếng sáo thức tỉnh tôi. Giai điệu bài hát của cô ca kỹ trên sông Bùng năm trước vang lên, lời ca nỉ non réo rắt.


“Có ánh trăng rọi qua cửa sổ
Thiếp nhìn trăng – nâng chén rượu nồng
Sao quân tử làm ngơ không biết
Khiến lệ vương trên đôi má hồng

Quân tử ơi, quân tử hỡi
Vai anh còn nặng gánh chi đây?
Ngại chi đôi lời bày tỏ
Thiếp nguyện trao cả trái tim này.


Chẳng trách mây trôi trăng ẩn nấp
Chỉ hờn ai đó – đến bao giờ mới thấu cho đây?”

Tôi theo tiếng sáo, chầm chậm đi đến gốc đa đầu làng. Thân ảnh quen thuộc trong màn đêm tĩnh mịch, rơi vào mắt tôi…



“Chẳng trách mây trôi trăng ẩn nấp
Chỉ hờn ai đó – đến bao giờ mới thấu cho đây?”

Anh quay lại nhìn tôi mỉm cười. Mái tóc dài bay bay trong gió, cuốn lấy trái tim tôi.

“Ta biết em sẽ ra mà.” Anh nhẹ nhàng nói.

“Anh vẫn còn ở Diễn Châu sao?” Tôi chẳng biết nên nói gì với anh ngoài những câu vô nghĩa.

Nhưng cũng đủ khiến anh ngạc nhiên: “Em biết ta đang ở Diễn Châu?”

Tôi cố gắng nhấn mạnh từng chữ: “Sao tôi có thể không biết đây, thưa tứ hoàng tử!”

Lý Nhật Trung sững sờ đôi chút, rồi anh nhanh chóng nhìn tôi, cười sảng khoái: “Nhanh như vậy đã bị em phát hiện. Giỏi lắm bé con.”

Tôi rất muốn gặp anh ta, muốn ở bên cạnh anh nhiều lắm nhưng đến khi gặp rồi lại chẳng biết nên nói gì. Thậm chí đôi chút cảm giác xa lạ khiến tôi tự tạo khoảng cách với anh. Có lẽ lời nói của Nguyên phi lúc trước vẫn còn ảnh hưởng đến tôi. Hai chúng tôi vốn dĩ quá khác biệt để có thể ở cùng nhau như thế này.

“Tôi chỉ tò mò ai thổi sao nên ra đây xem. Tôi… về đây.”

Tôi quay lưng đi, Nhật Trung vội vã nắm lấy tay tôi. Cánh tay tôi bị một lực tác động khiến bả vai đau nhói. Tôi khẽ nhăn mặt một cái nhưng cũng đủ để anh nhận ra.

“Ai đánh em?” Anh ta hỏi.

Tôi phủ nhận: “Không ai đánh tôi. Là tôi tự ngã.”

Nhật Trung nhìn thẳng vào mắt tôi, gặng từng chữ: “Em nghĩ gạt được ta sao? Nếu em không nói thì để ta điều tra vậy.”

Nếu để anh ta điều tra thì thể nào cũng sẽ lần ra được chuyện Tú Bình cứu Nùng Trí Cao. Tôi sợ hãi nhìn anh, chống cự một cách yếu ớt: “Là tôi ngã thật mà. Anh không tin tôi sao?”

Tôi nói mà gần như sắp khóc. Nhật Trung bỗng ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng nói bên tai tôi: “Đừng khóc, ta tin em.”

Ông trời ơi! Giá mà lúc này có thể dừng lại mãi mãi? Cơ thể Nhật Trung ấm áp, hơi thở mạnh mẽ bao phủ lấy tôi. Tôi muốn đưa tay ra ôm lấy anh, thật chặt. Liệu như vậy tôi có giữ được anh cho riêng mình?

Tôi cứ đứng yên cảm nhận hơi ấm từ anh. Một lúc sau anh buông tôi ra, dùng hai tay nâng lấy mặt tôi rồi từ từ cúi mặt anh xuống. Tôi nhắm mắt rõ, cảm nhận rõ hơi thở của anh đang mỗi lúc một gần. Khi môi anh chỉ còn cách một môi tôi một quãng rất gần, giọng Nhược Lan đâu đó vang lên.

“Cô hai ơi, cô đâu rồi?”

Tôi giật mình mở mắt, đẩy Nhật Trung ra xa mình, thì thào: “Anh đi đi.”

Nhật Trung bịn rịn không chịu rời đi trong khi Nhược Lan đang đến gần. Mặc dù đang đứng trong hẻm tối, nhưng nếu lỡ bị phát hiện thì chẳng những thanh danh của cha tôi bị bôi nhọ mà ngay cả Nhật Trung cũng bị ảnh hưởng không ít.

“Nghe lời tôi, đi nhanh đi, đừng để ai phát hiện ra anh.”

Nhật Trung đặt lên trán tôi một nụ hôn thật nhẹ. Những cánh hoa đào đang bay trong gió, cũng không thể nào nhẹ nhàng và mềm mại hơn.

“Ta sẽ còn quay lại.”

Trước khi đi còn kịp thủ thỉ vào tai tôi: “Đôi bông tai này chẳng phù hợp với em chút nào!”

Tôi vừa luyến tiếc anh, cũng vừa giận dỗi. Nhưng nếu anh có thể đi thật xa và không tìm tôi nữa thì anh cứ đi đi. Chúng ta… vĩnh viễn không thể!

Lúc Nhược Lan tìm thấy tôi, tôi chỉ lạnh lùng buông một câu: “Em bị mộng du.”

a4b3e1546011b29876baee355dcbb1a8.jpg
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Chương 12: Phụng Càn Vương ra trận

Cứ thế sau một tháng ở lại Diễn Châu, tôi và Nhược Lan cũng quay về Hải Đông. Suốt đường đi tôi liên tục gặp các chốt chiêu binh, người ra vào đông như kiến. Tôi hỏi Nhược Lan triều đình cần người nhiều như vậy để làm gì, chị ấy cũng không biết để trả lời tôi.

Chúng tôi dừng lại ở một quán nước ven đường, tôi nơm ông chủ cũng có tuổi, miệng luyên thuyên cùng khách nên nghĩ có lẽ ông ấy sẽ biết được nhiều chuyện khắp bốn phương liền lên tiếng hỏi: "Chú này, trên đường đi cháu gặp nhiều chốt chiêu binh. Sắp có chiến tranh chăng?"

Chủ quán nghe tôi hỏi, như được gãi trúng chỗ ngứa, liền ngồi xuống cạnh tôi, vuốt vuốt mấy cọng râu dưới cằm trả lời: "Cô không biết gì à? Hiện nay triều đình đang cần quân cho hai trận đánh lớn. Một là với Ai Lao ở biên giới phía tây, thứ hai là với phản tặc Nùng Trí Cao ở phía bắc. Xem ra lần này không dễ đối phó nên mới xung quân gấp như vậy."

Tôi nghe đến tên Nùng Trí Cao mà không khỏi hoảng hốt, đó chẳng phải là người mà Tú Bình một hai đòi cứu ở Diễn Châu hay sao. Lần này chúng tôi cứu được một mạng người, nhưng lại vô tình đẩy đất nước vào cảnh binh đao, muốn hối hận cũng không còn kịp. Giờ tôi chỉ còn nước cầu mong cho quân triều đình đại thắng, tên Nùng Trí Cao đó không còn cơ hội tạo phản được nữa.

Chủ quán lại đon đả nói tiếp: "Cô có biết không, thằng con trai cả của tôi cũng đã đăng ký đi xung quân rồi."

Con trai mình đi xung quân mà ông chủ chẳng có vẻ gì là lo lắng, ngược lại còn hồ hởi như vậy, tôi lấy làm ngạc nhiên: "Việc binh đao loạn lạc, lành ít dữ nhiều. Anh ấy đi như thế mà chú không lo hay sao?"

Ông chủ cười khà khà: "Lo thì dĩ nhiên có lo. Nhưng con người vốn dĩ sống chết vô thường. Đất nước đang gặp binh biến, phận mình là dân thì phải góp công bảo vệ. Nếu may mắn chiến thắng thì mai sau còn có cái để làm rạng danh tổ tông. Còn bằng ngược lại thì xem như mình hy sinh vì giang sơn xã tắc. Ai cũng sợ hãi né tránh, thì khi giặc đến chân, cũng đâu thể nào sống yên ổn."

Tôi nghe ông ấy nói mà thầm cảm phục chí hướng của ông. Đúng là tôi suy nghĩ quá nông cạn, chỉ lo đến an nguy cá nhân mà quên đi an nguy của đất nước. Nhưng dù vậy thì tôi vẫn cứ ưu tiên người nhà mình lên trên, giả dụ Tự Khải bắt phải xung quân chắc tôi cũng sẽ nói cha nạp tiền để anh ấy được ở nhà!

"Chú thật là kiên cường, cháu phục chú thật đó." Tôi thật lòng nói với chủ quán.

Ông ta chợt hạ giọng, nói với tôi: "Có gì mà cô khâm phục, đến cả Hoàng thượng còn để thái tử và Phụng Càn Vương ra trận. Vua đã không sợ, dân việc gì phải sợ."

Tôi nghe đến Phụng Càn Vương liền cả kinh. Chẳng phải người đó là Lý Nhật Trung hay sao? Tôi nhớ trước đây khi lần đầu gặp gỡ, đích thân anh còn kêu tôi đi lính cùng anh. Tôi suýt chốc quên mất, an nguy của anh nơi sa trường giờ đây cũng như ngàn cân treo sợi tóc.

Thấy chủ quán có vẻ thông thạo nhiều chuyện, tôi hỏi tiếp: "Vậy Phụng Càn Vương đánh Ai Lao hay Nùng Trí Cao?"

Ông chủ nhanh chóng đã cho tôi kết quả: "Nếu so về mức độ nguy hiểm thì dĩ nhiên Ai Lao là trận chiến giữa hai quốc gia, sẽ tàn khốc hơn. Cô nghĩ hoàng thượng lại để thái tử đi vào chỗ nguy hiểm đó à?"

Lời của ông chủ nói khiến tim tôi thắt lại. Lý Nhật Trung lần này ra trận, ngàn phần nguy hiểm. Lúc nào chiến tranh lại không nguy hiểm cơ chứ. Nếu anh là Thái tử có phải tốt hơn không. Ít nhất thì những gì anh đối mặt cũng sẽ đỡ hơn so với cương vị là hoàng tử. Lý Nhật Trung, nhất định anh phải bình an!

*
* *

Khi về đến Hải Đông, tôi liền nhanh chóng theo chị cả lên chùa. Trước đây hằng tháng chị cả đều đi chùa hai lần vào mồng một và ngày rằm. Dù chị có ngỏ ý muốn tôi theo nhưng tính tôi vốn ngại nơi hương khói nên chỉ đi cùng chị đúng một lần lúc mới được gả về, sau đó luôn tìm cớ thoái thác. Lần này thấy tôi xung phong đi cùng, không khỏi chiến chị cả ngạc nhiên: "Chân à, có phải em đi theo chị để cầu cho hôn nhân của em không?"

Tôi ậm ừ gật đầu. Dẫu sao tôi cũng không thể nói thật là mình lên đây cốt chỉ để cầu bình an cho Lý Nhật Trung. Nhưng tôi lại không muốn chị cả đào sâu vào chuyện của mình nên tôi nhanh chóng lảng sang chuyện khác: "Vậy còn chị, em thấy tháng nào chị cũng lên chùa đều đặn, để cầu con phải không?"

Chị cả nhìn tôi, cười dịu dàng: "Con cái là lộc của trời, nếu ông trời đã không ưu ái thì có cầu cạnh cũng vô ích. Chị chỉ là lên đấy thắp nén hương để tâm thanh tịnh, tiện cầu bình an cho nhà chúng ta. Anh Phú là thương nhân, hằng ngày va chạm bao nhiêu người, ít nhiều gì cũng sẽ có tiểu nhân quấy phá. Chị chỉ hy vọng dù chuyện gì xảy ra thì chúng ta cũng sẽ vượt qua."

Tôi nhìn chị cả mà cảm thấy ngượng ngùng. Không biết đến khi nào thì tôi mới có thể bao dung được như chị. Gả về nhà họ Huỳnh, tuy không làm con dâu, nhưng tôi cũng kính trọng anh chị cả như đối với cha mẹ chồng. Không phải là vì kiêng nể hay sợ sệt, mà thật tâm tôi cảm thấy kính trọng tâm tính của hai người.

Chúng tôi ngồi xe ngựa, chầm chậm trở về nhà. Tôi nhìn hai bên đường thỉnh thoảng vẫn có chốt chiêu binh, chợt nghĩ đến việc chị cả cũng là thiên kim tiểu thư của Hàn Lâm học sỹ, có lẽ ít nhiều biết được thông tin từ phía triều đình nên giả vờ hỏi vu vơ.

"Trên đường từ Diễn Châu về đây em có nghe mọi người bàn về hai trận đánh với Ai Lao phía tây và Nùng Trí Cao phương bắc, chị cả có nghe qua tin tức gì không?"

Trước nay chị cả chưa bao giờ nghe tôi đề cập chuyện chiến sự hay những điều tương tự nên có chút ngạc nhiên, rồi từ tốn trả lời: "Chị có nghe cha nhắc đến trong thư. Sao vậy em?"

"Em nghe nói Thái tử và hoàng tử đều phải ra trận, như vậy có nguy hiểm quá không? Sao hoàng thượng không để người khác khác thay thế?"

Chị cả đối với sự hiểu biết nông cạn của tôi có chút cảm thông, giải thích: "Dòng họ Lý là gia tướng, dĩ nhiên những người nối nghiệp phải ra trận tôi rèn bản thân, đâu thể nào cứ ở trong bốn bức tường thành mà an nhàn nhìn thế sự. Hoàng thượng quyết như vậy cũng có lý của người."

"Vậy trận đánh với Ai Lao có nguy hiểm lắm không chị? Nơi đó lại gần với Diễn Châu nhà em..." Tôi tìm một lí do chính đáng nhất đề cập để có thể hy vọng nghe được tin tức của Nhật Trung.

Chị cả ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: "Ai Lao chẳng qua cũng chỉ là một nước nhỏ, binh lực không mạnh. Họ cùng lắm chỉ là muốn cướp bốc một ít lợi ích từ phía chúng ta nên cũng không tính là nguy hiểm lắm đâu em. Ngược lại bên phản tặc Nùng Trí Cao thì có vẻ khó đối phó hơn. Năm xưa cha hắn tạo phản bất thành, phải lấy thủ cấp của chính mình và con trai lớn đền tội. Hoàng thượng niệm tình hắn còn nhỏ dại, tha chết cho hắn và mẹ, còn ban cho một chức quan nhỏ tại Quảng Nguyên. Thế mà hắn lại không an phận, dạo gần đây liên tục làm phản, càng ngày càng khó đối phó."

Tôi nghe chị cả nói – có phần khác biệt với ông chủ quán nước ven đường hôm trước nên tò mò hỏi: "Em cứ nghĩ chiến tranh giữa các quốc gia với nhau phải tàn khốc hơn. Không ngờ giặc ngoài không khó, thù trong mới phức tạp. Nhưng nếu như vậy tại sao hoàng thượng không để tứ hoàng tử đánh Nùng Trí Cao thay cho Thái tử hả chị?"

Chị cả nói chuyện với tôi một lúc có vẻ mở lòng hơn: "Theo như quy định thì ngôi vị thái tử phải truyền cho con cả. Nhưng cả hai hoàng tử đầu của hoàng thượng đều đã qua đời, tính ra thái tử hiện nay trước đây cũng chỉ là tam hoàng tử. Vì vậy khi hoàng thượng phong cho tam hoàng tử trở thành thái tử, bá quan trong triều cũng sẽ có một bộ phận đứng về phía tứ hoàng tử. Nếu thái tử tỏ ra thua kém, chắc hẳn họ sẽ không ngần ngại mà yêu sách hoàng thượng cân nhắc lại ngôi vị thái tử. Chuyện của Nùng Trí Cao vốn dĩ trước đây do tứ hoàng tử đảm trách, nhưng có vẻ chưa ổn thỏa. Vì thế nhân cơ hội này, thái tử xung phong đi đánh Nùng Trí Cao, một mặt trấn an những vị kia, một mặt củng cố thêm địa vị của mình."

Tôi càng nghe chị cả giảng giải càng thấy tò mò hơn. Thì ra chỉ vì tranh giành một ngôi báu mà anh em trong một nhà cũng phải đấu tranh với nhau nhiều như vậy. Trước nay tôi luôn nghĩ sản nghiệp của gia đình sau này thuộc về Tự Khải, tôi phận nữ nhi gả đi rồi xem như ngoại tộc nên cũng không cần thiết quan tâm. Nhưng giả dụ tôi là con trai, liệu tôi có yên phận ở bên hỗ trợ Tự Khải như Cát đối với anh Phú hay không? Chính tôi cũng không trả lời được câu hỏi đó.

"Chẳng lẽ tứ hoàng tử cũng quan tâm đến ngôi vị hay sao?"

"Câu hỏi này của em, chị không thể trả lời. Em cũng đừng bao giờ đề cập đến vấn đề này kẻo người khác nghe được lại rước vạ vào thân."

"Vâng, em hiểu rồi... Nhưng chị thân là thiên kim tiểu thư của Hàn lâm học sỹ, chắc có gặp qua hai vị ấy rồi đúng không chị? Họ như thế nào, có giống những người đàn ông trong nhà chúng ta hay không?"

Chị cả nghe tôi hỏi, chợt phì cười: "Dĩ nhiên là không giống rồi. Đàn ông nhà chúng ta, trừ chú ba có học qua võ công thì anh Phú trước giờ chỉ lo việc kinh doanh, dĩ nhiên không thể rắn rỏi bằng những người đàn ông chốn sa trường. Đó là chưa kể đến ngôi vị càng cao thì chức trách họ lại càng lớn, không dễ dầu gì có thời gian dành cho gia quyến như những người đàn ông trong nhà mình đâu em ạ."

Mỗi lần chị cả nhắc đến anh cả thì vẻ mặt luôn trở nên dịu dàng. Cớ sao khi tôi nghĩ đến Lý Nhật Trung, trong bụng chỉ là một chuỗi âu lo?

"Đó là lí do chị chọn anh cả làm chồng đúng không ạ?"

Chị cả mỉm cười, tôi thấy đôi má chị ửng hồng. Anh chị đã kết hôn sáu bảy năm rồi, vậy mà phu thê vẫn ân ân ái ái, tương kính như tân. Chắc hẳn kiếp này, chị cả đã không chọn sai người kề cạnh chăn gối.

Chị cả bật cười: "Khi em thật sự yêu thương, thì mọi thứ đều có thể giải thích."

Tôi nghe đến đây lại thấy hai mang tai mình nóng lên. Tôi có yêu Lý Nhật Trung hay không? Còn người Lý Nhật Trung yêu, sẽ là người như thế nào? Thiên kim tiểu thư cành vàng lá ngọc hay nữ trung hào kiệt,... không ít lần anh ấy còn trêu chọc tôi, đó phải chăng là một loại tình cảm đặc biệt?

Sẵn dịp chị cả đã nói, tôi không ngần ngại hỏi thêm: "Vậy chị nghĩ thì những người trong hoàng cung có thể có tình yêu như chúng ta không?"

Chị cả đang vui vẻ chợt quay sang tôi, vẻ mặt đầy nghiêm túc: "Họ có yêu, nhưng trên vai họ còn nhiều thứ nặng hơn tình yêu Chân à. Nữ nhi gả vào hoàng cung, hạnh phúc cũng không bao giờ trọn vẹn."

Tôi không phải là không hiểu những gì chị cả nói, thậm chí là đã thông suốt từ lúc Nguyên phi dạy dỗ tôi vào tết Trung thu năm trước rồi. Nhưng có lúc tôi vẫn cố nghĩ, hoàng tử thì cũng chỉ là một người đàn ông, anh ta cũng biết yêu ghét như bao người. Nếu anh ấy đã có lòng yêu thương, thì nữ nhân sao không thể chấp nhận cùng cố gắng cho quan hệ ấy. Tôi đem quan điểm của mình nói cho chị cả, chị có vẻ không tán thành với tôi: "Không thể nào giống một người bình thường đâu em. Một người bình thường nếu không vừa ý em, cùng lắm chỉ mình em đau khổ; còn với họ, nếu em có điều gì sơ suất, chỉ e đến gia tộc cũng bị liên lụy. Em có hiểu những gì chị nói không?"

Tôi chậm chạp gật đầu rồi im lặng cho câu chuyện kết thúc. Đến cuối cùng thì có lẽ không ai tin rằng những người trong hoàng cung sẽ có một tình yêu bình thường. Tôi vén màn cửa sổ, nhìn những áng mây chiều lười biếng trôi trên bầu trời. Nụ hôn nhè nhẹ tựa cánh hoa đào đêm hôm ấy, như vẫn còn vương trên trán tôi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Chương 13: Châu Lạng và Lê Khiết An

1449572977-1449560861-cov--copy-.jpg

Tháng chín năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ năm (1048), nhà tôi mở rộng sản xuất bông ở châu Lạng (Lạng Sơn). Thực ra đó là mảnh đất từ một con nợ của anh Phú. Y bỏ ra một số tiền lớn để nhập vải của nhà tôi, định bụng sẽ xuất sang Đại Tống kiếm lời. Nhưng không may người mà y giao thương lại là một kẻ bịp bợm, chẳng những không chia chác tiền lời mà còn giật luôn tiền vốn. Đến kỳ thanh toán cho nhà tôi thì không còn một xu. Anh Cát cũng không muốn dồn y vào đường cùng, liền ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ đất đai của y ở châu Lạng với giá "hữu nghị", y không còn cách nào đành phải đồng ý. Về phía anh Cát, nhận thấy phần đất nơi đó phù hợp cho cây bông vải phát triển, nên liền thuê người quy hoạch, chuẩn bị gieo cấy đợt cây giống đầu tiên.

Đáng lí anh cả sẽ ra châu Lạng để coi sóc việc canh tác nhưng không ngờ ngay lúc này đây nhà tôi lại có chuyện vui – chị cả mang thai.

Có lẽ lâu lắm rồi nhà tôi mới có một chuyện đáng ăn mừng. Tôi được gả về đây một năm ba tháng nhưng chưa khi nào thấy anh chị cả cười nhiều như vậy. Chẳng những anh chị cả hạnh phúc, tất cả tôi tớ trong nhà từ trên xuống dưới cũng đều vui cho bà chủ. Tôi thì tò mò không biết trong bụng mình khi có thêm một sinh linh, sẽ biến đổi như thế nào?!

Tuy vậy việc ở châu Lạng vẫn không thể bỏ mặc. Chị cả lần đầu mang thai, sức khỏe không được tốt nên cuối cùng anh Phú quyết định tìm người thay thế. Đó phải là người giỏi giang và tín cẩn thì mới có thể khiến anh cả yên lòng. Anh cả đắn đo rất nhiều, cuối cùng anh Cát là người thích hợp nhất. Chuyến đi này chưa biết kéo dài bao lâu, nhanh thì sáu tháng, chậm thì vài năm. Tôi xin đi theo nhưng anh nhất quyết không cho.

Xuân Mai vốn dĩ là hầu gái thân cận của Cát, phải theo anh ra ngoài ấy để chăm sóc cậu ba. Nhưng không hiểu sao chị cả lại đề nghị với tôi để Nhược Lan thay thế, Nhược Lan cũng không có vẻ gì là muốn thoái thác nên tôi cũng phải đồng ý.

Chưa tròn một tháng nhưng tôi thấy tâm tư ủ dột vì thiếu vắng Nhược Lan. Lúc còn chị ấy bên cạnh thì dù tôi có buồn bã đến đâu chị cũng làm trò khiến tôi cười. Bây giờ chị ở tít ngoài kia, tôi không còn ai để tâm sự. Xuân Mai thì khỏi bàn đến, chị ấy mặt mày lúc nào cũng như vô cảm.

Chị cả thấy tôi buồn bã lại nghĩ tôi vì thương nhớ Cát nên mới thành ra như vậy nên hết lời an ủi. Tôi ngoài mặt ừ ừ gật gật nhưng trong lòng vẫn chẳng khá hơn. Có lẽ những lúc tôi cảm thấy khá nhất là khi ngồi cùng chị cả may áo cho cháu bé sắp chào đời. Dù gì sau này tôi cũng sẽ sinh con, nhân dịp này tập may, để đến lúc tôi mang thai có thể chuẩn bị cho con tôi thật tốt.

Chị cả thấy tôi có vẻ thích khâu vá, liền đề nghị: "Chân à, sao em không thử may áo cho chú ba. Lúc chú ấy quay về đây, thấy chiếc áo do chính tay em may, hẳn sẽ rất thích."

Tôi cúi đầu thẹn thùng, nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị vải vóc, kim chỉ để may áo cho anh.

Khoảng thời gian anh Cát sắp ra châu Lạng cũng đối xử với tôi dịu dàng hơn. Nếu trước kia anh chẳng bao giờ quan tâm đến tôi thì dạo này anh hay hỏi tôi đã ăn cơm chưa, hôm nay tôi có chuyện gì không – mặc dù những câu hỏi đó đều thông qua Nhược Lan. Nhưng không sao hết, miễn anh chịu quan tâm đến tôi là tôi cảm thấy rất vui rồi.

Giữa tháng chín gia nhân từ châu Lạng chạy về Hải Đông báo tin, ngoài kia ngay đợt bão, những cây giống mới gieo không cầm cự nổi.

Anh cả gửi thư kêu anh Cát về, nhưng Cát nhất định không về, còn nói sẽ lo lắng ổn thỏa việc ngoài kia.

Tôi lo cho Cát và Nhược Lan, lo cả những ruộng bông mà anh dồn tâm huyết vào đó. Suốt mấy ngày tôi nằm trằn trọc không ngủ được, cuối cùng đành đánh bạo xin anh cả cho tôi ra châu Lạng. Ban đầu anh cả không đồng ý, nhưng chị cả cũng xin cho tôi. Cuối cùng anh cả mềm lòng, để tôi ra đó với mọi người.

Nhưng tôi xin anh cả đừng nói gì với anh Cát để anh bất ngờ. Ngày tôi đến châu Lạng trời đã qua cơn bão, nhưng mưa vẫn liên tục trút xuống như muốn nhấn chìm cả vùng núi này. Nhược Lan đang quét nhà, trông thấy tôi, mừng còn hơn nhặt được vàng, buông cây chổi đang cầm trên tay, chạy đến ôm lấy tôi òa khóc. Tôi cũng nhớ chị ấy đến mức nước mắt ngắn dài. Lần này Xuân Mai đi theo tôi, có vẻ những ngày qua gần gũi nhiều cũng khiến chị ấy cởi mở hơn một chút.

Tôi nói với Nhược Lan tôi đang may áo cho anh Cát, Nhược Lan đưa vẻ mặt đầy ngạc nhiên nhìn tôi. Hỏi tới hỏi lui một lúc Nhược Lan lại hỏi tôi: "Cô hai, vậy cô căn cứ theo áo của cậu ở nhà mà may đúng không?"

Nghe chị ấy hỏi mà tôi ngây ngốc: "Sao phải cần mẫu? Chẳng phải là mình nhắm thế nào thì may thế ấy sao? Lúc em may đồ cho con anh chị cả cũng đâu cần ướm thử."

Nhược Lan như không tin vào tai mình, kêu lên: "Ôi cô của tôi ơi! Người kia là em bé chưa ra đời, cô chỉ cần may theo những gì cô nghĩ, trước sau gì cũng mặc được. Nhưng cậu là một người trưởng thành, cao lớn như vậy nếu cô không đo thử, nhỡ rộng chật thì biết làm sao?"

Tôi như kẻ lâu năm sống trong bóng tối lần đầu được nhìn thấy mặt trời, như kẻ dốt đặc cáng mai lần đầu tìm đến chân lý, mặt cứ thộn ra: "Chị nói em mới hiểu ra. Vậy bây giờ em biết làm sao đây?"

Nhược Lan chống cằm suy nghĩ một lúc rồi à lên: "Đúng rồi, cô thử vào phòng cậu, mượn đỡ một chiếc áo của cậu rồi về căn cứ theo đó mà may."

Tôi nghe Nhược Lan nói mà gật gù thầm khen chị ấy thông minh. Thế là tôi giao nhiệm vụ ấy cho Nhược Lan vì bình thường chị cũng hay vào phòng anh dọn dẹp. Trước khi chị ấy đi lấy áo tôi còn cẩn thận dặn dò: "Chị lấy cái nào anh Cát ít mặc, không thôi anh ấy phát hiện ra lại mắng chúng ta."

Nhược Lan vào rồi lại nhanh chóng quay ra, trên tay còn cầm theo một chiếc áo màu xám. Chiếc áo đó tôi thấy rất quen... đúng rồi, đó chẳng phải là chiếc áo anh mặc trong lần chèo thuyền cùng Tú Bình trên sông Bùng năm ngoái hay sao. Từ lúc về làm vợ anh, tôi chưa từng thấy anh mặc lại nó, không ngờ anh vẫn còn mang theo bên người. Có lẽ anh xem chiếc áo kia rất quan trọng, nếu tôi mượn thể nào anh cũng biết, không khéo lại xảy ra chuyện. Tôi vội vàng quay vào phòng anh, nhét chiếc áo lại nơi đáy tủ, không ngờ phát hiện rất nhiều lá thư còn niêm phong. Tôi cầm một lá lên xem, người nhận là chị Tú Bình. Vậy ra anh từng gửi thư mà chị Bình không nhận được nên thư trả về. Tôi đang phân vân không biết nên làm sao thì Nhược Lan ngoài cửa nói vọng vào: "Cô ơi nhanh lên, cậu sắp về tới rồi."

Tôi nhét vội một lá thư vô trong áo rồi rời khỏi phòng Cát. Thôi thì việc may áo tôi sẽ căn cứ theo những gì tôi nghĩ về anh, hy vọng anh sẽ mặc vừa.

*
* *

Anh Cát quay về nhà, khác với những gì tôi hình dung, khi trông thấy tôi chẳng những anh không vui mà còn tỏ vẻ khó chịu: "Cô ra đây làm gì? Lại còn không nói với tôi lời nào. Ngoài này mưa gió liên miên, thời tiết khắc nghiệt, rủi trên đường đi cô xảy ra chuyện thì tôi biết làm sao?"

Tuy giọng điệu anh có vẻ cau có nhưng tôi tin anh chắc chắn đang lo lắng cho tôi. Chẳng phải anh vừa nói sợ tôi gặp chuyện không hay trên đường đi tới đây hay sao. Tôi vui vẻ tiến đến gần anh, ngẩng mặt lên cười trừ: "Em xin lỗi. Là do em không muốn anh lo nên mới âm thầm ra đây. Nhưng bây giờ em vẫn an toàn đấy thôi, anh đừng giận nữa nhé!"

Cát định nói thêm gì đó nhưng khi nhìn thẳng vào tôi anh lại lập tức quay sang chỗ khác. Thề với trời, dường như tôi có thấy mặt anh thoáng đỏ lên trong tích tắc.

"Nhược Lan, đi chuẩn bị một phòng cho mợ ba đi."

Cát nhìn Nhược Lan và đổi chủ đề. Nhược Lan ngơ ngác: "Dạ thưa, mợ không ở chung phòng với cậu sao?"

Huỳnh Cát bị Nhược Lan hỏi có vẻ hơi sửng người, nhưng anh lại nhanh chóng chuyển sang sự khó chịu: "Đã ở chung phòng bao giờ? Còn không mau đi chuẩn bị."

Nhược Lan bị mắng tiu ngỉu như một con mèo, lúc đi ngang tôi chị ấy còn lầm bầm: "Rõ ràng lúc về Diễn Châu đã ở chung phòng rồi, sao có thể xem như không được."

Tôi nghe Nhược Lan nói mà ngượng hết cả người. Lúc đó chúng tôi ở chung với nhau cũng hơn mười ngày chứ không ít. Cảm giác khi có anh nằm ở bên mỗi đêm, nhất là vào những đêm mưa càng khiến cho tôi cảm thấy ấm lòng. Nhưng không biết khi nào anh mới mở lòng ra với tôi, đối đãi giống như lần đầu gặp nhau ở Diễn Châu ngày ấy.

Đêm đó, tôi nằm mơ, thấy anh Cát của hơn một năm về trước, lúc vì cứu tôi mà bị thương một mảng lớn ở tay. Tôi òa khóc nhưng anh lại hào sảng xoa đầu tôi: "Nhóc à, nam nhi không được dễ dàng rơi lệ như vậy." Rồi tôi thấy Cát chèo thuyền cùng với Tú Bình, tôi buồn bã dõi theo mà không để ý đến mức rơi xuống nước. Trong lúc tôi vừa đau khổ vừa tuyệt vọng, bỗng có một bàn tay nắm lấy tay tôi. Trong thoáng chốc cả thân hình ấy ôm chặt lấy tôi tại cây đa đầu làng và nhẹ nhàng đặt lên môi tôi một nụ hôn thật say sưa. Tôi đã hôn rồi sao? Điều đó thật ngọt ngào. Nhưng người ấy lại vội vã rời xa tôi, không lời từ biệt. Tôi cố chạy theo, cố với lấy cánh tay ấy nhưng càng lúc càng xa... tôi hoảng hốt kêu tên anh đến khản cả giọng nhưng anh không quay lại nhìn tôi một lần.

Tôi có cảm giác có người lay tôi dậy, tôi bàng hoàng tỉnh giấc, nước mắt còn đọng lại trên mi. Người lay tôi không ai khác ngoài Cát.

Sau một lúc hoàn hồn, tôi hỏi: "Sao anh lại ở đây?"

Cát buông đôi tay anh đang đặt trên vai tôi xuống: "Lúc tôi đi ngang phòng cô nghe tiếng cô ú ớ trong này. Sợ cô xảy ra chuyện gì nên tôi vào xem thử. Thì ra cô chỉ nằm mơ. Chỗ lạ khó ngủ lắm à?"

Tôi đưa tay lau giọt nước mắt còn đọng trên mi, gật đầu: "Chắc do em chưa quen. Nhưng em không sao đâu, anh yên tâm. Cảm ơn anh."

Cát đứng dậy, phủi phủi cho quần áo thẳng thớm rồi nói với tôi: "Vậy thì tốt. Nếu cô thấy khó ngủ thì kêu Nhược Lan vào phòng ngủ cùng, sẽ đỡ sợ hơn."

Tôi vâng vâng dạ dạ rồi nhìn theo lưng anh. Lúc anh gần ra đến cửa, chợt anh cất tiếng hỏi, dù đầu vẫn không ngoảnh lại nhìn tôi: "Trung... là ai? Tôi nghe cô kêu rất nhiều lần cái tên ấy khi gặp ác mộng."

Anh đứng yên một lúc vẫn không thấy tôi có ý định trả lời nên cuối cùng bỏ ra ngoài. Tôi thấy lòng mình thật hoảng loạn. Chẳng lẽ tôi nhớ anh ta đến mức gọi tên anh cả khi đang mơ, lại càng không hay khi Cát cũng chứng kiến tất cả. Tôi không biết Cát sẽ nghĩ như thế nào, có hoài nghi điều gì chăng. Khó khăn lắm Cát mới quan tâm tôi, không biết có vì chuyện này mà anh lại lãnh đạm với tôi như lúc trước hay không? Lý Nhật Trung – anh kêu tôi phải làm sao đây?

*
* *

Tôi bắt đầu ra ruộng bông để xem mọi người canh tác như thế nào. Những cây bông vải đang độ trưởng thành, cao khoảng bằng đầu gối tôi, lá xanh mướt cả một vùng. Những người nông dân cắm cúi nhổ cỏ, tưới nước, thấy tôi vừa nhìn vẻ lạ lẫm vừa tò mò. Anh Thuần, quản lý khu này bèn gọi mọi người lại, giới thiệu tôi cho tất cả biết: "Mọi người nghe tôi giới thiệu, đây là mợ ba, vợ của cậu ba Huỳnh. Mọi người sau này gặp mợ thì phải lễ phép chào hỏi có biết không?"

"À, thì ra là mợ ba. Trông mợ ba trẻ quá."

"Mợ ba sau này nhớ chiếu cố cho bà con chúng tôi nhé."

"Nhìn mợ ba và cậu ba thật xứng đôi."

Trong số những câu nói chào hỏi đó, tôi tự thấy câu "Nhìn mợ ba và cậu ba thật xứng đôi" là giả dối nhất. Anh Cát và tôi một trời một vực như vậy, chẳng xứng đôi tí nào. Tuy vậy tôi vẫn vui vẻ bật cười, nhận hết lời khen của mọi người. Đến khi nắng bắt đầu chói chang hơn, Nhược Lan kêu tôi vào chòi ngồi nghỉ ngơi. Tôi nghe lời Nhược Lan quay vào chòi, chị ấy lấy ra một giỏ điểm tâm chuẩn đã bị sẵn, nào là bánh nếp, bánh giò, bánh bao, bánh hạnh nhân,... tôi vừa cầm một miếng bánh lên cho vào miệng thì thấy từ xa một đứa bé gái, tuổi độ ba bốn, quần áo lấm lem, đứng nhìn chiếc bánh trên tay tôi mà nuốt nước bọt.

Tôi đưa tay lên vẫy vẫy em vào đây nhưng em ấy vẫn đứng yên không nhúc nhích. Thấy vậy tôi liền đứng dậy, tiến về phía em. Em bé thấy tôi, có vẻ sợ hãi nhưng không bỏ chạy. Tôi lại gần, ngồi xổm xuống chỗ em: "Em bé, muốn ăn cái này đúng không?"

Tôi cầm cái bánh bao huơ qua huơ lại trước mặt em. Nhìn đôi mắt em long lanh lên trông theo bánh nhưng không dám mở miệng tôi vừa thương vừa buồn cười. Tôi không trêu em nữa, dúi hẳn cái bánh vào tay em: "Em ăn đi, bánh ngon lắm."

Em ấy nhìn bánh trên tay rồi lại nhìn lấy tôi, đôi mắt rưng rưng: "Con được ăn sao?"

Tôi mỉm cười gật đầu.

Em ấy liền đưa bánh lên miệng cắn một cái rõ to, vừa nhai nhồm nhoàm, vừa xuýt xoa: "Bánh ngon quá. Con cảm ơn mợ ba."

Tôi nghe em nói mà không khỏi chạnh lòng. Lúc bằng tuổi em cha mẹ không để tôi thiếu thốn thứ gì. Chưa bao giờ tôi trân trọng một cái bánh bình thường đến như vậy. Bất giác tôi thấy khóe mắt cay cay. Tôi đứng dậy, bế em lên và tiến đến chòi, bày ra cho em hết chỗ bánh mang theo: "Cho em hết đó, đem về từ từ ăn nhé!"

Em bé mắt sáng rỡ, nhưng sau đó lại xịu xuống: "Con cảm ơn mợ, nhưng con không nhận được. Mẹ con sẽ mắng con."

Tôi vừa định hỏi bé mẹ em là ai thì có một người phụ nữ, nước da ngăm ngăm chạy về phía tôi: "Mợ ba cho tôi xin lỗi. Tôi bận làm ngoài kia không biết con bé đến làm phiền mợ."

Tôi vỗ vỗ đôi má gầy gò của em ấy, lắc đầu: "Không phiền không phiền đâu. Bé rất ngoan. Chị là mẹ của em à? Em tên gì, bao nhiêu tuổi thế chị?"

Chị nông dân kia lễ phép trả lời tôi: "Dạ đúng là con của tôi, nó tên Lê Khiết An, năm nay lên năm rồi thưa mợ."

Tôi nhìn con bé không có vẻ gì là đã lên năm mà thấy trong lòng nặng trĩu. Qua lời kể của mẹ Khiết An, tôi biết cả nhà em ấy quê ở Thiên Đức, vì hạn hán mất mùa nên trôi dạt đến Châu Lạng rồi trở thành nông dân cho nhà tôi. Hai vợ chồng đều đi làm, Khiết An không ai chăm sóc nên hằng ngày đi theo cha mẹ ra đây. Lúc rảnh bé hết đi hát trái rừng lại chơi đùa cùng mấy con bù nhìn giữa ruộng làm vui. Tôi nhìn bộ quần áo rách bươm Khiết An mặc trên người mà thấy thương cho cô bé!

Hôm đó tôi về tới nhà liền đi ra tiệm, chọn vài khúc vải và đặt may cho em mấy bộ đồ. Tôi còn đặc biệt dặn Nhược Lan làm mấy món bánh lạ để mang đến ruộng bông cho em. Trong lòng tôi hồ hởi gặp em biết bao nhiêu.

Nhưng khi tôi đến ruộng bông thì em không còn ở đó nữa. Hỏi ra thì mới biết mẹ em bị bệnh nặng nên cả nhà quyết định về lại Thiên Đức để gần bà ngoại. Tôi cầm mấy bộ quần áo trên tay, nước mắt rơi ra không ngớt.

Lúc tôi quay về nhà thì thấy thân ảnh bé nhỏ quen thuộc đang đứng chờ ở cửa. Vừa trông thấy tôi, em mừng rỡ chạy lại, nhưng không dám chạm vào người tôi. Tôi không ngại ngần ôm lấy em, siết thật chặt.

"Chị ra ruộng bông tìm em nhưng không gặp, tưởng rằng không còn cơ hội gặp lại em."

Cha Khiết An dìu mẹ em tới gần tôi, buồn bã nói: "Gia đình tôi định sáng hôm nay sẽ về Thiên Đức. Nhưng con bé nhất quyết đòi gặp mợ ba nên chúng tôi đến đây. Nó đứng đây đợi mợ ba cả canh giờ rồi."

Tôi nhìn thấy mẹ Khiết An khá xanh xao. Có vẻ bệnh chị ấy rất nặng, e là khó qua khỏi. Tôi đưa cho Khiết An túi quần áo: "Đây là chị nhờ người may cho em. Chị may rộng một tí để sang năm em vẫn còn mặc vừa. Còn đây là bánh chị chuẩn bị, em cầm theo để ăn dọc đường nhé!"

Khiết An bật khóc ôm lấy cổ tôi. Tôi hỏi tiếp cha em: "Anh chị về đó bằng gì?"

Cha Khiết An vẫn giữ thái độ lễ phép: "Thưa mợ, sáng nay nhà tôi có thuê một chiếc xe bò, vẫn đang chờ đằng kia."

Tôi kêu Nhược Lan chạy vào nhà, lấy thêm hai thỏi vàng và một ít đồng xu đưa cho cha Khiết An, dặn dò: "Tôi trông chị không khỏe, đi xe bò rất nhọc, anh thuê một chiếc xe ngựa để cả nhà cùng về để tránh nắng gió. Phần tiền này thì về đến quê, tìm một thầy thuốc để chạy chữa cho chị. Hy vọng chị mau bình phục."

Cha mẹ Khiết An bật khóc cúi đầu cảm ơn tôi. Tôi thấy sinh mệnh mẹ Khiết An giờ đây thật mong manh nhưng vẫn mong kỳ tích sẽ đến với họ.

Tôi đưa tay gỡ cây trâm trân châu từ trên tóc xuống, nhét vào tay Khiết An: "Chị tặng em, sau này lớn lên nhất định phải trở thành một cô gái xinh đẹp. Nếu sau này em có chuyện cần chị giúp, cứ đến tìm chị nhé!"

Tôi nhìn theo bóng dáng cả nhà ba người nhỏ dần rồi khuất hẳn sau một góc đường, lòng vừa cảm thương vừa luyến tiếc. Khiết An còn nhỏ như vậy, mong sao ông trời đừng cướp mất mẹ của em...


 
Chỉnh sửa lần cuối:

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Chương 14: Hoa trong gương, trăng dưới nước

Chẳng mấy chốc ruộng bông vải nhà tôi đã trồi lên những mầm nụ, trắng xóa cả một vùng. Còn tôi thì mải mê ra ruộng cùng mọi người bón phân tưới nước, da dẻ lại đen hơn. Nhưng bù lại, sau những ngày tháng lao động chăm chỉ ấy, tôi và những người nông dân nơi đây thân thiết hơn. Họ đến từ mọi nơi, có người vốn gốc mấy đời ở châu Lạng, có người từ những vùng lân cận như Bắc Giang, Thiên Đức, Hải Đông... và cũng có những người từ xa xôi Diễn Châu, Trường Yên. Quê quán khác nhau, nề nếp văn hóa cũng không giống nhau, thỉnh thoảng họ thường xảy ra cãi vã. Nhưng những vụ ẩu đả đó lúc nào cũng được anh Cát và anh Thuần giải quyết ổn thỏa. Dần dà mọi người cũng dần quen, thấy người với ta số phận đều hẩm hiu, làm mướn nuôi thân nên sau tất cả, họ lại làm hòa, lại cùng nhau canh tác. Cây bông càng lớn, tình cảm mọi người càng gắn bó hơn.

Trưa nắng lên cao, mọi người tản ra kiếm chỗ mát ngồi nghỉ. Tôi quay ngược vào chòi, lấy khăn lau những giọt mồ hôi đọng trên trán mình. Nhược Lan ở bên cạnh, xuýt xoa: "Cô ơi hôm nay lại đen hơn nữa rồi."

Huỳnh Cát đang dùng cơm, nghe Nhược Lan nói, ngẩng mặt lên nhìn tôi: "Sao cô không ở nhà cho mát, ra đây làm gì."

Tôi ngồi xuống, cầm bát đũa lên ăn cơm một cách tự nhiên, hình như dạo gần đây tôi đều như vậy, thong thả khi ở bên Cát chứ không lo lắng như trước nữa: "Ở nhà chán lắm, ra đây cùng làm việc với mọi người, nghe họ trò chuyện, em thấy vui hơn."

Cát lùa ít cơm vào miệng, đoạn lại nói tiếp: "Nếu thấy buồn thì bảo đứa nào dắt ra chợ dạo quanh, mua sắm. Tôi thấy cô ra đây cũng gần hai tháng rồi nhưng chưa sắm sửa gì cho bản thân cả."

Tôi nghe anh nói lại nhún vai: "Quần áo em đem theo mặc mấy năm cũng chưa hết, mua thêm làm gì. Ngoài này người ta cũng không ăn mặc đẹp như ở Hải Đông, em diện lên quá thì làm sao ra đồng làm việc."

Lời tôi nói cũng là thật tâm. Lúc tôi cùng Xuân Mai ra nơi này, chị ấy xếp cho tôi khoảng hơn mười bộ đồ. Trong đó hai bộ còn rất mới, tôi để dành phòng khi đi dự tiệc hoặc dạo phố thì mặc, nhưng ra đến đây thì gần như bán mình cho ruộng bông, nên chúng vẫn còn nằm yên trong tủ. Tám bộ còn lại thì bình thường hơn, tôi thay đổi tới lui cũng chưa hết thì mua thêm để làm gì. Nhưng Nhược Lan thì không cùng ý kiến với tôi, chị ấy nói chen vào: "Cậu kêu cô đi mua đồ thì cô đi mua đi, em thấy mấy bộ gần đây cô mặc bắt đầu chật và ngắn lên rồi, chắc do cô đang lớn."

Tôi nhìn xuống người mình, bác bỏ ý Nhược Lan: "Đâu có, em thấy bình thường mà."

Cát cũng dừng ăn cơm, nhìn lấy tôi một lượt: "Có lẽ cô đang lớn lên thật!"

Tôi cứ nghĩ Nhược Lan trêu mình, nhưng đến anh Cát cũng nói như vậy thì chắc tôi lớn hơn thật rồi. Tự dưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi năm nay đã sắp mười lăm, chỉ một tháng nữa bước qua năm mới là tôi tự hào ăn mừng mình chính thức trở thành thiếu nữ rồi. Tôi vui vẻ nhìn Cát mỉm cười, anh lại ngại ngùng quay đi chỗ khác.

"Cô cứ ra chợ mua thêm áo quần trang sức tùy thích, kêu những chủ tiệm đó ghi nợ cho tôi và đến nhà nhận tiền, không cần phải tiết kiệm đâu."

Tôi nhớ câu cuối cùng Cát nói với tôi trong bữa ăn hôm đó là như vậy. Tôi không hiểu tại sao phải ghi nợ cho anh trong khi tôi cũng có tiền. Lúc còn ở Hải Đông tháng nào anh cả cũng tính lương cho tôi, mặc dù tôi chẳng làm gì. Tôi định không nhận nhưng chị cả nói đó là phần của tôi, tôi cứ lấy. Sau đó anh cả còn cho tôi một tiệm vải, lợi nhuận mỗi quý tôi đều có phần. Mà bản thân tôi thì có dùng vào việc gì đâu, bây giờ lấy ra đếm lại, chưa biết tôi mua được mấy căn nhà, vài ba mảnh đất. Vậy mà giờ đến quần áo của tôi cũng bắt anh Cát trả tiền, tôi thấy không hợp lí chút nào.

Nhược Lan thì không đồng tình với tôi, chị ấy nói: "Cô không hiểu gì hết, cậu thương cô nên mới quan tâm cô. Cô đừng phụ lòng cậu."

Nếu là trước đây thì Nhược Lan luôn đứng về phía tôi, không hiểu sao từ ngày ra châu Lạng này chị ấy nói gì cũng giống hệt Huỳnh Cát. Bây giờ tôi không biết chị ấy là hầu gái của tôi hay của anh Cát nữa.

Chúng tôi đi dạo qua mấy con phố, rốt cuộc tôi cũng chọn được hai bộ váy và một ít trang sức. Trong tiệm kim hoàn có một viên trân châu rất giống với viên trên cây trâm tôi đã tặng Khiết An lúc trước, tôi bèn kêu ông chủ làm cho tôi một cây trâm y hệt như vậy. Sau này Khiết An lớn lên, nếu có duyên gặp lại chúng tôi sẽ cài hai cây trâm giống nhau, như hai chị em.

Tôi hồ hởi chạy về nhà, thay những gì mình vừa mua được rồi đem khoe với Cát. Nhưng khi đến phòng thì Xuân Mai khẽ nói với tôi Cát đang cùng mấy quản điền nơi đây bàn chuyện canh tác, chưa tiện gặp tôi.

Tôi ngồi lại trên chiếc ghế đá dưới gốc đào chống cằm đợi Cát. Không biết thời gian trôi qua mất bao lâu, cho đến khi hai mắt tôi díp lại, mơ màng.

Có cánh hoa đào bay lượn trong gió, rồi khẽ đáp lên tóc tôi.

Có ai đó đưa tay chạm lên tóc tôi, nhặt cánh hoa kia xuống.

Tôi giật mình tỉnh dậy. Cát giật mình thu tay về.

Tôi mỉm cười, mi mắt từ từ khép lại: "Em buồn ngủ quá, em ngồi đây ngủ một chút thôi..."

Giọng anh vang lên, xa xăm, mơ màng: "Ngủ ở đây sẽ bị cảm lạnh."

"Một chút thôi!" Tôi chép miệng, nằm gục ra bàn.

Có cánh tay ai đó bế tôi thật chặt. Cơn gió nào vô tình thổi ngang, cuốn đôi tay tôi vòng qua cổ anh.

Có phải là anh không? Lý Nhật Trung?

*

* *

Giữa tháng Chạp chúng tôi quay lại Hải Đông để chuẩn bị mừng năm mới. Lần này mọi thứ vẫn không hề thay đổi ngoài việc bụng chị cả lại to ra thêm. Tôi nhìn cái bụng lum lúp dưới lớp áo mà không khỏi trầm trồ: "Hay thật, làm sao em bé có thể lớn dần trong bụng mình được hả chị?"

Chị cả vui vẻ đáp lời tôi: "Muốn biết thì em cũng sinh một đứa đi."

Anh cả cũng phụ họa với vợ: "Đúng rồi, hai đứa lấy nhau cũng gần hai năm rồi, nên tính chuyện con cái đi là vừa."

Tôi và Cát ngượng ngùng nhìn nhau, không biết nên trả lời như thế nào.

Đêm đó Cát và anh cả nói chuyện đến tận khuya. Tôi vẫn nghĩ dù về đến Hải Đông nhưng chúng tôi vẫn sẽ ở riêng như lúc trước nên không ngần ngại lên giường ngủ sớm. Không ngờ đến giữa đêm, tôi mơ màng tỉnh dậy, cảm nhận có người nằm bên cạnh mình, suýt chút đã hét lên. Ngay lập tức Cát quay sang bịt miệng tôi, thì thầm: "Là tôi, tôi ở phòng cô ít hôm. Khi về lại châu Lạng sẽ trở lại như cũ. Cô yên tâm đi."

Tôi không la và cũng không biết mình nên yên tâm về điều gì. Vì Cát ngủ cùng tôi hay vì về châu Lạng anh sẽ lại tách phòng. Tôi không biết tôi nên yên tâm với vai trò là một người vợ, hay với vai trò là Trần Chân.

Hai mươi ba tháng Chạp nhà tôi bày măm cúng, đưa ông Táo về trời. Vợ chồng tôi cùng anh chị cả ra sông thả cá chép. Hy vọng cá chép đưa ông Táo đi nhanh hơn, về bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp, để Ngài ban cho chúng tôi một năm nữa thật bình yên.

Sáng mùng một tháng Giêng tôi đi chùa, cầu cho sắp tới đây chị cả lâm bồn mẹ tròn con vuông.

Mùng ba hoa đào đỏ rực. Tôi tròn mười lăm tuổi.

Sanh thần năm nay do chị cả mang thai nên không được chu đáo như năm trước. Chúng tôi chỉ đi đến tửu lầu để ăn uống một bữa thịnh soạn. Quà tặng năm nay của mọi người cũng đặc biệt khác lạ - tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc trắng. Tôi nhìn ngắm nhiều lắm vẫn không thấy gì đặc biệt, bèn nói: "Em không thờ Phật bà, mọi người tặng em để làm gì?"

Mọi người bật cười, chị cả giải thích cho tôi: "Tặng em Phật bà là ám chỉ Quan Âm ban phước, có tin vui về đường con cái trong năm nay."

Lại là chuyện con cái. Tôi không biết nếu bây giờ tôi đề nghị với anh Cát rằng chúng tôi nên sinh một đứa con để vui nhà vui cửa thì mọi anh ấy sẽ nghĩ như thế nào. Nhưng chị cả và anh cả ở với nhau sáu bảy năm trời mới có con, không biết mấy ngày ngắn ngủi ngủ cùng Cát thì tôi có thể mang thai hay không. Tôi tò mò nhìn cái bụng phẳng lì của mình, làm sao nó có thể chứa một đứa bé to đùng trong ấy?

Có đoàn binh lính hành quân ngang đường. Tôi nhìn những người lính cột vải xanh ở cổ, lại nhớ đến năm trước một anh chạy bàn từng nói với tôi đây là quân lính của Thái tử. Lần này tôi để ý thấy họ đi đông hơn và có vẻ hối hả nên buột miệng nói: "Là đoàn binh của Thái tử."

Anh cả nhìn tôi ngạc nhiên: "Đến cả em dâu nhà ta mà hôm nay cũng quan tâm chuyện đại sự quốc gia sao?"

Chị cả đang gấp dở thức ăn cũng nhìn ra chép miệng: "Mấy hôm trước cha em có gửi thư vào đây, trong thư cha có nhắc đến phản tặc Nùng Trí Cao lại có biến động ngoài Quảng Nguyên nên Thái tử phải điều động thêm quân lực ra ngoài kia."

Huỳnh Cát liếc mắt sang nhìn tôi như dò hỏi. Tôi tin chắc anh vẫn còn nhớ chuyện trước đây nhưng chưa bao giờ hỏi tôi về Nùng Trí Cao và Tú Bình, có lẽ anh vẫn còn ngại vì đã làm tôi bị thương. Tôi ngồi ăn mà tâm trạng không thể nào yên, định bụng khi về nhà Cát sẽ hỏi tôi và tôi sẽ tìm câu trả lời sao cho ổn thỏa. Nhưng hoàn toàn không theo dự liệu của tôi, khi chúng tôi đã yên vị trên phòng, Cát chỉ lạnh lùng nói với tôi một câu: "Đi ngủ sớm đi, sắp tới ngày thu hoạch bông vải rồi, mai chúng ta trở ra châu Lạng."

Chị cả nghe chúng tôi đòi về châu Lạng sớm như thế có chút chần chừ. Chị vừa nói chúng tôi, cũng như vừa nhìn sang anh cả thăm dò: "Hôm qua thấy Thái tử dẫn binh đi nhiều như vậy, hẳn lần này ngoài Quảng Nguyên sẽ không yên ổn. Châu Lạng lại sát ranh giới với Quảng Nguyên, không chừng tình hình trị an sẽ không được tốt, hay là hai đứa cứ ở lại tại Hải Đông, việc thu hoạch cứ giao cho người làm ở ngoài kia trông coi là được."

Anh Cát có vẻ không đồng tình, lắc đầu: "Chuyện đánh nhau thì ở ngoài biên giới, làm sao vào được tới trong đất ruộng. Họ có rục rịch gì thì cũng mất một thời gian, lúc đó em trở vào đây cũng chưa muộn. Còn vụ mùa này là lần đầu tiên em phụ trách, giao cho người khác em không yên tâm."

Anh cả cũng không có vẻ gì là muốn ngăn cản Cát, thấy vậy chị cả lại quay sang tôi: "Còn Chân, em ở lại nhà ít hôm đi, chú ba ra ngoài ấy trước, nếu không có gì nguy hiểm thì em hãy đi."

Tôi phân vân nửa muốn ở lại Hải Đông nửa muốn ra châu Lạng. Không phải tôi lo sợ chuyện của Nùng Trí Cao ảnh hưởng, mà là vì tôi thấy bụng chị cả đang lớn dần, nếu tôi đi sợ là khi chị sinh tôi sẽ về nhà không kịp để phụ giúp. Huỳnh Cát lại không hiểu ý tôi, thấy tôi lưỡng lự, liền nói: "Nếu cô không thích ra ngoài ấy thì cứ ở lại trong này."

Lời Huỳnh Cát càng làm tôi chắc chắn hơn về quyết định của mình – tôi sẽ ra châu Lạng cùng anh.

Người xưa có câu, phu xướng phụ tỳ, anh ở đâu dĩ nhiên tôi phải ở đó. Ruộng bông vải lần này không phải chỉ có anh bỏ công, mà tôi hằng ngày đều xông xáo chăm bón, ít nhiều cũng có thành quả của tôi. Với lại trước lúc tôi về nhà, mấy cô bác ngoài ấy còn ân cần dặn dò tôi nhanh chóng quay lại với họ. Ở đó tôi thấy mình có nhiều bạn bè hơn, cuộc sống cũng thoải mái hơn so với Hải Đông này. Tôi nắm lấy tay chị cả, trấn an: "Em ra ấy xem mọi người thu hoạch, rồi đến lúc chị gần sinh, em và Nhược Lan sẽ trở về để phụ giúp chị một tay."

Chị cả có vẻ phụng phịu không đồng ý. Từ lúc mang thai dường như chị ấy trẻ con hơn hẳn. Anh cả vội vàng đi đến, vịn lên vai chị: "Em cũng thật là, vợ chồng tụi nó mới cưới nhau, dĩ nhiên phải ở chung để bồi đắp tình cảm, sao cứ phải bắt xa nhau. Còn Chân nữa, nếu ở ngoài ấy Cát cần em hơn thì cứ đi, việc sinh nở trong này đã có anh lo, em không cần sốt sắng đâu."

Tôi "Vâng" một tiếng rồi cùng Nhược Lan quay về phòng thu xếp đồ đạc. Mặc dù đông đã qua nhưng thời tiết ở châu Lạng vẫn còn khá lạnh, tôi dặn Nhược Lan xếp thêm cho tôi và Cát vài chiếc áo bông để giữ ấm.

Tôi tiến lại bàn trang điểm để cất bớt một số trang sức, dù gì ở ngoài đó tôi cũng không cần mang nhiều thứ trên người. Khi mở ngăn tủ ra tôi vô tình thấy cây trâm của Nguyên phi đang nằm trơ trọi, tôi bất giác cài lên tóc. Tính ra tôi cũng thật sự thích cây trâm này, nếu không phải do đó là món đồ trân quí của Nguyên phi hẳn tôi sẽ cài nó nhiều hơn. Thôi thì tôi cài tạm ít bữa, khi ra ngoài ấy lại thay đổi, chắc sẽ không sao đâu.

Tôi còn mải ngắm mình trong gương thì Nhược Lan tiến đến sau lưng tôi, thì thầm: "Cô hai, còn cái này, mình có nên bỏ không?"

Tôi đón lấy chiếc áo khoác năm nào từ tay Nhược Lan mà không khỏi thẩn thờ. Lần trước khi từ Diễn Châu về đây tôi đã đem theo nó trong vô thức. Mấy tháng qua tôi xếp cất vào một nơi thật sâu trong ngăn tủ, tránh lấy ra để thêm đau lòng.

Không biết cuộc chiến với Ai Lao đã kết thúc chưa. Không biết người nơi xa có bình an vui vẻ. Tôi đưa lại chiếc áo cho Nhược Lan: "Chị đem theo nó ra châu Lạng cùng em."

Nhược Lan nhận lấy, thật lòng thật dạ nói với tôi: "Cô ơi, đừng trách em nói thẳng, dù gì người đó cô cũng chỉ gặp qua một lần, tên tuổi như thế nào cũng chưa rõ, cớ sao cô cứ mãi nặng lòng? Giờ đây cậu Cát cũng đang dần có tình cảm với cô, sao cô không quên đi chuyện này mà yên ổn sống đời vợ chồng với cậu?"

Tôi nghe những gì Nhược Lan nói, không đồng tình cũng không phản bác, chỉ nhắc lại một lần nữa để chị xếp áo vào trong túi hành lí của tôi. Nếu thật sự tôi có thể quên, tôi đã quên đi từ rất lâu rồi, chỉ tiếc... nhưng tôi cũng không dám hy vọng gì nhiều ở người đó nữa. Lý Nhật Trung, anh ấy đã bao giờ một lần hò hẹn cùng tôi điều gì hay chỉ như hoa trong gương, như trăng dưới nước, tôi mãi mãi không thể kiếm tìm?


707b54a682340223539e3c7aedd6cadf.jpg
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Septvn

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
7/5/17
Bài viết
211
Gạo
2.800,0
Chương 15: Mùa thu hoạch đầu tiên


Chúng tôi vừa ra đến châu Lạng thì kì thu hoạch bông vải cũng bắt đầu. Những ngày ấy tôi gác những lo lắng buồn phiền của mình lại, cùng mọi người gặt hái. Dĩ nhiên anh Cát không cho tôi đích thân ra đồng cùng những người khác, tôi chỉ có thể đóng vai trò hậu cần, chuẩn bị cho họ những bữa ăn ngon nhất để khích lệ mọi người. Ai cũng tấm tắc khen thức ăn ngon, tôi cảm thấy rất tự hào dù những món ăn ấy tám phần đều do Nhược Lan và Xuân Mai chuẩn bị. Nhưng tôi không việc gì phải nói ra cả, tôi cũng có công nhặt rau, nhóm lửa, xem như là góp một phần. Thỉnh thoảng nghe ai khen tôi, Cát cũng bật cười làm tôi ngượng chín mặt.

Mùa vụ gặt xong Cát phân cho tôi việc phát tiền công. Thật ra tiền công mỗi người bao nhiêu cũng đã được quản điền tính toán hết rồi, tôi chỉ việc đưa cho họ và xem họ in dấu tay vào giấy cam kết. Nhưng sau khi nhìn số bạc ít ỏi mọi người kiếm được sau ba bốn tháng bám trụ nơi này, tôi không khỏi chạnh lòng. Trước đó tôi lén kêu Nhược Lan ra chợ đổi cho tôi thêm một ít bạc vụn, rồi chúng tôi lén nhét vô mỗi bao tiền phát cho nông dân, mỗi người thêm ba ngày công. Tôi định cho họ nhiều hơn nữa nhưng Nhược Lan cứ cằn nhằn nên tôi đành thôi. Mỗi người sau khi nhận túi tiền, đều thấy tiền mình nhiều hơn trong sổ ba ngày, đưa mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Nhược Lan ở kế bên luôn miệng giải thích: "Là tấm lòng của mợ ba dành cho sự cố gắng của mọi người."

Tôi giẫm nhẹ lên chân Nhược Lan, rồi mỉm cười nói thêm: "Tôi thấy tất cả bà con ở đây đều cực khổ nên biếu thêm chút ít. Mọi người dùng tiền này mua thêm gì đó ăn ngon dưỡng sức. Vụ sau chúng ta phải làm tốt hơn vụ này, có được không?"

Mọi người đều mừng rỡ hô hoan và những tràn vỗ tay không ngớt, không giống những ngày đầu tôi đến đây, nhìn thấy họ tị nạnh, xô xát nhau. Trước nay tôi cứ nghĩ có tiền thì bản thân mình sung sướng thôi, không nghĩ có thể làm cho người khác vui như thế. Tuy anh Cát không tỏ thái độ gì khi tôi làm như vậy, nhưng vẫn nhắc nhở: "Ngoài này số lượng nhân công không nhiều, cô cho họ thêm chút ít thì cũng như tiền tiêu vặt vài ngày thôi. Nhưng mai đây khi tôi mở rộng canh tác, số người tăng thêm hàng trăm hàng ngàn, đến lúc đó nếu cô vẫn hào phòng thế này thì có lẽ tôi phải làm việc gấp ba bốn lần để bù lỗ."

Tôi nghe Cát nói mà ngây ngốc: "Ơ, em lấy tiền của em mà, đâu có ảnh hưởng đến tiền của anh đâu mà anh phải bù lỗ?"

Cát thở dài nhìn tôi. Chẳng lẽ anh có ý gì mà tôi không hiểu chăng? Anh nói tiếp: "Dù gì đồng tiền có hai mặt, nếu cô dễ dàng cho đi như vậy, người khác sẽ vui nhất thời. Nhưng sau này cô không cho nữa, họ sẽ có cảm giác không thu lại lợi ích từ cô được nữa, rồi sẽ sinh ra yêu sách, lười biếng. Cô có hiểu không?"

Tôi à lên như được tiếp thu chân lí. Sau đó tôi cứ miên man nghĩ ngợi mấy hôm làm sao để tặng phần tiền kia đúng cách. Một ngày đẹp trời nọ, tôi chạy ào vào phòng Cát, hí hửng khoe với anh: "Em nghĩ ra rồi. Lần này khi gieo giống, em sẽ nói mọi người cố gắng làm việc chăm chỉ. Đến cuối vụ, mười người có thành tích xuất sắc nhất sẽ được thưởng thêm. Bảo đảm những ai muốn có thêm tiền sẽ cố gắng làm việc. Anh thấy em làm vậy có được không?"

Cát ngẩn người ra một lúc rồi lại hỏi tôi: "Nhưng làm cách nào cô tìm ra được mười người chăm chỉ nhất?"

Tôi đắc ý nói tiếp: "Em sẽ căn cứ theo điểm số. Đến cuối vụ em sẽ cho mỗi người ghi tên mười người mà họ cho rằng chăm chỉ nhất, mỗi lần được ghi tên sẽ tính một điểm. Quản điền cũng sẽ chọn mười người, mỗi người được chọn sẽ cho hai điểm. Còn anh cũng phải chọn mười người cho em, người nào anh chọn sẽ thêm ba điểm nữa. Đến khi tổng kết lại, người cao điểm nhất sẽ được phát thêm một phần tiền công, ba người tiếp theo sẽ được thêm ba phần tư, ba người tiếp sẽ được thêm một nửa và ba người cuối cùng sẽ được một phần ba thôi. Như vậy ai được thưởng sẽ cố gắng, ai chưa được thưởng sẽ càng cố gắng hơn để lần sau đến phiên mình. Anh thấy ý em có hay không?"

Cát nghe tôi giải thích cặn kẽ, không khỏi bật cười, còn lấy tay xoa đầu tôi: "Cô càng lúc càng thông minh ra đó."

Tôi cười hì hì đến mức không thấy mắt mình đâu. Rồi Cát lại hỏi tiếp: "Nhưng nếu đến lúc ấy ai cũng bằng điểm nhau thì cô tính sao?"

Tôi ngơ ra vì chưa nghĩ đến xác suất này. Sau đó tôi nhún vai trả lời anh: "Vậy em sẽ phát thưởng hết cho mọi người bằng nhau."

Tôi không nghĩ lời tôi nói lại có thể làm Cát vui như vậy. Anh ôm bụng cười ngặt nghẽo đến mức ho sặc sụa mấy tràng dài. Còn tôi thì cứ mãi nhìn anh, từ lúc sống chung với anh cho đến giờ chưa khi nào tôi thấy anh cười nhiều như thế. Tôi nhớ đến Mai Xuân Phong, trước đây điệu bộ của Xuân Phong đích thị là Cát của ngày hôm nay. Tôi ước gì tôi có thể khiến anh cười như thế này, mãi mãi vui vẻ như Mai Xuân Phong của ngày nào.

Cát thấy tôi cứ trân trối nhìn thì ngưng cười, hỏi tôi: "Tôi có gì mà cô nhìn ghê vậy?"

Tôi thật thà trả lời anh: "Khi anh cười, em có cảm giác như anh trở lại là anh của ngày xưa."

Cát nghe tôi nói, gương mặt lập tức trở nên đăm chiêu, sau đó anh kêu tôi quay về phòng. Tôi không biết mình đã nói gì làm anh không vui chăng?

Ai nói với tôi lòng nữ nhân khó dò? Tôi thấy lòng dạ nam nhân cạnh tôi đây càng khó dò hơn thảy. Nếu tôi biết anh đang nghĩ gì, có lẽ tôi có thể khiến anh hài lòng hơn chăng?

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tháng hai đi qua, tháng ba vội đến. Chúng tôi cũng bắt đầu đợt gieo giống thứ hai của nhà họ Huỳnh tại miền châu Lạng này. Lạy trời cao xót thương, Phật tổ phù hộ cho mùa màng bội thu, dân chúng ấm no, hạnh phúc!

*
* *

Suốt thời gian ở lại châu Lạng tôi kết thân nhất là với ông chủ tiệm kim hoàn. Ông ấy họ Hoàng, tên Anh Tuấn nhưng dáng vẻ thì chẳng phù hợp với cái tên chút nào. Ông ta tuổi ngoài ba mươi, người thấp lè tè còn bụng thì to hơn thím Mùi mang bầu tháng thứ bảy. Mọi người nơi đây hay gọi ông là ông Hoàng phệ và ông cũng chỉ cười khà khà chứ chẳng buồn giận dỗi gì ai. Đừng thấy ông ấy không anh tuấn mà xem thường, ông ấy biết tiếng Đại Tống, tiếng Chiêm Thành, Ai Lao và thường xuyên buôn bán làm ăn với họ. Lần đầu tiên ra tiệm kim hoàn mua sắm, ông ấy nhìn tôi đã biết tôi không phải người châu Lạng. Tôi nói tôi từ Hải Đông ra đây làm ăn, ông vẫn khẳng định tôi cũng chẳng phải người Hải Đông. Quanh quẩn một hồi tôi nói cho ông ta nghe tôi là người Diễn Châu, ông vỗ đùi chan chát: "Tôi đoán không sai mà, nhìn cô là tôi biết cô ở miền Trung Bắc. Tôi cũng thường hay cập bến Diễn Châu để trao đổi hàng, cô là con cái nhà ai ở khu đó, nói xem biết đâu tôi có quen."

Tôi mải mê nhìn mấy loại trâm lạ mà ông mới nhập về từ Chiêm Thành, lơ đễnh trả lời: "Cha tôi họ Trần, tên Quý. Nhà tôi ở Diễn Châu cũng có đi buôn, ông có biết không?"

Ông ấy ngồi vuốt vuốt mấy cọng râu dưới cằm ra điều suy nghĩ, rồi hỏi tôi: "Có phải ông Trần Tự Quý, còn có một người em tên Trần Tự An mở võ đường đúng không?"

Tôi ngưng nhìn mấy cây trâm, ngạc nhiên nhìn ông: "Ông biết chú hai của tôi à?"

Ông cười khà khà: "Có mầy lần hàng hóa của tôi nhập cảng Diễn Châu, tôi lại không có ở đó để trông nơm, liền nhờ người của chú cô bảo tiêu mấy chuyến hàng ra vùng này nên dĩ nhiên là biết rồi."

Tôi thấy thiên hạ này thật nhỏ bé. Tôi ra đến nơi đây rồi mà vẫn gặp được người quen của gia đình mình. Từ đó mỗi dịp ông ấy có hàng mới là cho người đến nhà mời tôi ghé qua xem, cũng như tôi luôn tranh thủ tấp qua chỗ ông khi ra chợ để nghe ông kể về những chuyện ông chứng kiến ở Đại Tống và Chiêm Thành. Lần nào ra về tôi cũng đem vài món trang sức, đến mức có lần Cát ngạc nhiên hỏi tôi: "Cô định mở một tiệm kim hoàn tại nhà à? Hay cô là bạn của ông chủ nơi ấy?"

Tôi nhe miệng cười trừ. Ừ thì nói tôi và ông ta là bạn cũng không ngoa.

Lần này ông đi theo thuyền buôn suốt cả tháng làm tôi buồn thúi ruột. Tôi cứ đi ngang tiệm kim hoàn, nhìn ngó nhưng chẳng thấy ông ấy đâu. Cho đến một ngày khi vừa nhác thấy cái bụng phệ của ông thấp thoáng trong tiệm, tôi liền chạy ùa vào, thở hổn hển: "Hoàng phệ, ông đi đâu cả tháng nay. Tôi cứ đến đây kiếm ông hoài mà chẳng thấy. Ông biết tôi chán lắm không."

Ông ta nghe tôi nói, chẳng những không vui vẻ gì mà còn tỏ ra hoảng hốt: "Ôi trời mợ ba của tôi ơi, mợ ăn nói giữ mồm giữ miệng giúp tôi. Ai không biết chị chồng của mợ là Nguyên phi trong triều, cậu ba mà nghe được mợ nói với tôi những lời này, không khéo tôi không còn đầu để ăn cơm mất."

Tôi ngồi xuống ghế, cười khì: "Vậy xem như tôi chưa nói gì, mấy nay ông đi buôn gì mà lâu vậy?"

Ông ấy vừa trò chuyện với tôi, vừa nhanh nhảu xếp những món trang sức mới đem về lên kệ: "Tôi đi kiếm vợ."

"Kiếm vợ?" Tôi ngạc nhiên đến mức sắp phun ra ngụm trà vừa hớp.

Ông ấy nhìn tôi tỏ vẻ khinh thường: "Cô vừa phải thôi, tôi cũng là đàn ông, cũng cần tìm cho mình một người bạn đời. Cô năm xưa mười ba mà đã theo chồng, thì cớ sao tôi ba mươi lại không được quyền kiếm vợ?"

Tôi nghe ông nói, không phải không có lý. Chỉ là trước nay tôi thấy ông ấy tiêu diêu tự tại, không nghĩ ông cũng cần một người nâng khăn sửa túi. Tôi thật thà hỏi thăm ông: "Thế ông đã tìm được ai chưa?"

Ông ta có vẻ buồn: "Nếu được thì tôi đã khác rồi. Mấy cô gái đều chê tôi thấp người xấu xí, chẳng ai có ý định gả cho tôi mặc dù tôi đã đem rất nhiều sính lễ ra dạm hỏi. Số tôi chắc định sẵn sẽ cô độc đến già rồi."

Nhược Lan ở bênh cạnh tôi, xỏ xiên: "Ông như thế thì ai thèm lấy."

Hoàng phệ nghe Nhược Lan nói thì mặt càng thêm ảo não. Tôi vội vã quay về, sợ ở lại đó lâu Nhược Lan lại càng làm ông ta đau lòng. Vừa đi trên phố, tôi vừa suy nghĩ về câu nói của Nhược Lan. Trước đây chị ấy chưa bao giờ có thái độ coi khinh người khác như vậy. Là thân phận người hầu, Nhược Lan luôn canh cánh trong lòng nên không bao giờ có ý chê bai cả. Ngay khi lúc đó biết Nùng Trí Cao là tội phạm là chị ấy cũng chẳng dám đưa ra bất kỳ phán xét nào. Mỗi lần tôi đến đây nói chuyện với lão Hoàng, chị cũng chỉ an phận đứng phía sau lắng nghe, chưa một lần tỏ thái độ. Vậy mà hôm nay nghe ông Hoàng phệ nói đi tìm vợ, chị ấy lại khinh khi ông. Chẳng lẽ...

Tôi chợt dừng bước, quay lại nhìn Nhược Lan: "Nhược Lan, chị thích ông Hoàng phệ đúng không?"

Nhược Lan nghe tôi hỏi, thoáng giật mình rồi lập tức hoảng hốt: "Cô hai, cô nói gì lạ vậy. Làm sao em có thể thích cái lão già bụng bự xấu xí đó chứ."

Tôi vẫn không bỏ cuộc, nói tiếp: "Nghe ông ấy kêu than em cũng buồn thay. Em đang định tìm một cô gái nào hiền lành, gia cảnh khó khăn một chút cũng được giới thiệu cho ông ấy làm vợ. Chị thấy sao?"

"Cô hai, nếu lấy vì tiền thì sau này ông ta không còn tiền nữa thì ả đó chắc hẳn bỏ mặc ông ấy rồi." Nhược Lan chau mày lại.

"Vậy thì một cô gái xấu xí một tí, tính ra thì cũng sẽ không chê ông ấy."

"Càng không được. Tướng tại tâm sinh, con gái mà mặt mày xấu xí thì chưa chắc lòng dạ đã bao dung. Lấy ông ấy về chưa chắc sẽ một lòng một dạ hầu hạ chồng mình."

"Vậy một góa phụ thì sao? Có thêm đứa con càng tốt. Hoàn cảnh như vậy chắc cũng không có nhiều lựa chọn đâu." Tôi lại tiếp tục đề nghị.

Nhược Lan như càng tức tối hơn: "Cô hai à, cô đang kiếm vợ cho ông ấy hay kiếm heo cho ổng nuôi. Đâu phải ra chợ chọn đại một người là có thể kết tóc se duyên cả một đời!"

Ý kiến nào của tôi Nhược Lan cũng bác bỏ, tôi thở dài: "Vậy chị nghĩ người như thế nào mới xứng với ông ta?"

Nhược Lan nhìn xa xăm, có vẻ khẩn trương: "Một cô nương chưa đên hai mươi, dung mạo không cần quá đẹp nhưng phải dễ nhìn. Việc nhà thì tháo vác, ra chợ thì có chút lanh lợi để không bị ăn hiếp. Chưa kể cô nương ấy phải thật tâm thật dạ quý mến ông ấy thì mới có thể toàn tâm toàn ý lo lắng cho ông ta cả đời."

Tôi giả vờ nghĩ ngợi rồi nói với Nhược Lan: "Nếu chị nói vậy thì em thấy nhà mình có một người phù hợp với ông ta."

Nhược Lan nghe tôi nói lập tức sốt sắng: "Ai vậy cô?"

Tôi nhún vai: "Xuân Mai. Chị ấy chưa đến hai mươi, việc nhà thì chu toàn, ra ngoài cũng tính là một người sắc sảo. Trước nay chị ấy chưa bao giờ chê bai ai cả, chắc hẳn sẽ đồng ý gả cho ông Hoàng thôi."

Nhược Lan nghe tôi nói thì lập tức trở nên hoảng loạn. Chị ấy biện bạch hàng ngàn lí do khác như Xuân Mai là người của họ Huỳnh, tôi không có quyền gả đi. Xuân Mai dường như không thích đàn ông, gả cho ông Hoàng chỉ khiến ông ấy thêm phiền lòng... Đến cuối cùng, tôi chốt lại một câu: "Ai cũng không được, vậy em gả chị cho ông Hoàng, được không?"

Nhược Lan ngượng ngùng quay mặt sang chỗ khác: "Gả em đi rồi ai hầu hạ cô hai?"

43115459-176-k187602.jpg

Nhược Lan
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tue_lonton

Gà tích cực
Tham gia
19/7/17
Bài viết
133
Gạo
19,0
Rối như tơ vò? Chị viết khó hiểu lắm hả em?
Không phải đâu, ý em nói là mối quan hệ của các nhân vật trong truyện ấy. Nói chung chưa khi nào đọc truyện mà em thấy khó đoán như vậy. Tò mò lên xuống cũng không biết cởi nút thắt thế nào cho phải :3 .
 

Tue_lonton

Gà tích cực
Tham gia
19/7/17
Bài viết
133
Gạo
19,0
Nhược Lan nghe tôi nói thì lập tức trở nên hoảng loạn. Chị ấy biện bạch hàng ngàn lí do khác như Xuân Mai là người của họ Huỳnh, tôi không có quyền gả đi. Xuân Mai dường như không thích đàn ông, gả cho ông Hoàng chỉ khiến ông ấy thêm phiền lòng... Đến cuối cùng, tôi chốt lại một câu: “Ai cũng không được, vậy em gả chị cho ông Hoàng, được không?”

Nhược Lan ngượng ngùng quay mặt sang chỗ khác: “Gả em đi rồi ai hầu hạ cô hai?”
Đọc đoạn này mà thấy hài hài, công nhận Nhược Lan dễ thương ghê!
 
Bên trên