TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN JOHN UPDIKE
(Nguồn ảnh: Internet)
(Nguồn ảnh: Internet)
JOHN UPDIKE (1932-2009), cây bút hàng đầu trong thế hệ của ông, người đã ghi chép lại cuộc sống Mỹ qua những áng văn rực rỡ và uyển chuyển, những câu chuyện tình bằng con mắt bộc trực và sành sỏi, đã qua đời vì ung thư phổi. Đại diện nhà xuất bản Alfred A. Knopf nói: "Ông là một trong những tác gia xuất sắc nhất chúng ta từng có, mất mát này là không gì bù đắp được."
Truyện của John Updike thường có trọng tâm xoáy vào tình trạng căng thẳng âm ỉ thường trực nhưng được che phủ bởi một không khí bàng bạc bình lặng và sự buồn tẻ ở những vùng ngoại ô nước Mỹ với giọng văn hài hước. Những tác phẩm kiểu này đã tạo nên tiếng vang lớn cho sự nghiệp của ông vào những năm 1960 và 1970.
Một truyện ngắn hồi ông mới sáng tác, có tên A&P, kể về một cậu bé vị thành niên đã xốn xang tâm hồn ra sao khi ba cô gái trẻ mặc bikini đến mua hàng ở siêu thị, nơi cậu làm việc. “Nhìn thấy một cô gái hấp dẫn mặc đồ tắm trên bãi biển là một chuyện”, Updike viết: “Dõi nhìn những cô nàng hở hang bước đi qua lại giữa những thùng giấy và kệ hàng nằm ngổn ngang, được chiếu sáng bởi ánh đèn huỳnh quang, lại là một chuyện khác”. Sự quan tâm của Updike về tình dục đã có từ trước khi những thay đổi sâu sắc trong văn hóa Mỹ diễn ra cuối thập niên 1960. Chính vì vậy, khá nhiều tác phẩm của ông thời kỳ đó bị các nhà xuất bản kiểm duyệt. Thậm chí, cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, Rabbit ơi, chạy đi (Rabbit, run), đã phải viết lại vài phần trong tiểu thuyết trước khi ra mắt công chúng, vì lo sợ sẽ vi phạm luật chống khiêu dâm.
Cuốn tiểu thuyết giới thiệu cho độc giả một nhân vật người hùng giả tưởng tên là Harry “Thỏ” Angstrom, và chủ đề xuyên suốt của bốn tiểu thuyết dài và một tiểu thuyết ngắn của Updike trong hơn bốn thập kỷ, và chúng đã mang lại cho ông hai giải Pulitzer cho thể loại viễn tưởng.
Những truyện ngắn, thơ và tiểu luận phê bình của Updike cũng giúp ông được biết đến nhiều không kém gì 28 tiểu thuyết của mình.
Hơn 800 tác phẩm đủ thể loại, truyện ngắn, phê bình, thơ, tiểu luận... của Updike đã xuất hiện trong tạp chí Người New York (The New Yorker) từ 1954 đến 2008. Rất nhiều độc giả Mỹ đã trở nên gắn bó hơn với Updike nhờ ấn phẩm này.
“Dù cho tầm vóc văn chương của ông vượt quá khuôn khổ bất cứ cuốn tạp chí nào (ông rõ ràng vẫn là một trong số những cây bút vĩ đại nhất trên thế giới) thì ông vẫn yêu thích công việc viết cho cuốn tuần san này, vẫn yêu thích việc là một phần của nơi ông đã gắn bó từ khi còn rất trẻ...”. “Từ lâu ông đã là linh hồn của tờ Người New York và thật khó tưởng tượng được việc chúng tôi sẽ phải làm việc mà không còn ông bên cạnh”. Đó là những gì David Remnick, biên tập viên chính của tờ Người New York nói về John Updike.
William Pritchard, giáo sư môn tiếng Anh tại trường Đại học Amherst, từng nghiên cứu và viết về Updike, lại cho rằng Updike nổi bật nhất nhờ sự linh hoạt và uyển chuyển của mình, đặc biệt là thể loại truyện viễn tưởng, chính luận và thơ. “Như những gì tôi có thể cảm nhận, ông đã thể hiện mình xa hơn hình ảnh của một người với những con chữ”, Pritchard nói. “Mỗi chuyển động của Updike được thực hiện bằng sự thông thái, dí dỏm và đầy tình yêu”.
Sinh năm 1932 ở Reading, bang Pennsylvania, Updike học văn học tiếng Anh tại đại học Harvard. Tại đây, ban đầu ông có đóng góp và về sau là biên tập cho tờ tạp chí trào phúng Harvard Lampoon.
Tốt nghiệp và rời Harvard, ông thi đỗ và tốt nghiệp khóa học một năm tại đại học Oxford, (Anh quốc) về hội họa, sau đó Updike chuyển đến New York, và từ đây, ông bắt đầu trong đội ngũ tờ Người New York. Năm 1957 ông cùng gia đình chuyển đến Ipswich, Massachusetts, một thị trấn ven biển ở phía Bắc Boston. Sau này ông lại chuyển đến khu Beverly Farms lân cận.
Hương vị vùng New England thể hiện rõ trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1984 của Updike nhan đề Những phù thủy vùng Eastwick, lấy bối cảnh là thị trấn giả tưởng Rhode Island. Tác phẩm về sau đã được dựng thành bộ phim nổi tiếng cùng tên (1987), với sự tham gia của các ngôi sao Jack Nicholson, Susan Sarandon và Cher.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters năm 2005, ông bày tỏ cái nhìn về chính mình với tư cách là nhà văn đã thay đổi trong những năm gần đây, khi ông cho ra mắt nhiều bài phê bình nghệ thuật và văn học, và hầu như chỉ chú trọng thể loại truyện ngắn trong sáng tác mặc dù chúng luôn gây khó dễ cho ông. Khi được hỏi ông thích thể loại nào hơn, Updike ngừng một chút rồi trả lời: “Nếu có người hỏi tôi câu này 10 năm trước, thì chắc chắn tôi sẽ nói rằng truyện ngắn là thể loại tôi cảm thấy hứng thú nhất. Tôi không chắc liệu có phải tôi không còn khả năng với truyện ngắn nữa hay không, hay vì mọi ý tưởng truyện ngắn mà tôi có, đều đã được sáng tác hết rồi?”.
Khi được hỏi rằng ông có ý muốn tập hợp lại và xuất bản những bài viết (phê bình nghệ thuật và văn học) của ông hay không, ông đã hóm hỉnh trả lời: “Tôi đã có được một số thành công đáng kể trên cương vị một nhà phê bình, một nhà điểm sách và bình luận nghệ thuật nên việc đó không thật sự quan trọng. Điều thú vị trong công việc này là khi bạn ngồi xuống viết thì bạn biết chắc rằng những gì bạn viết ra sẽ được người ta in, và bạn sẽ được trả tiền. Điều này không hay xảy ra đối với truyện ngắn.”
Ngay sau khi John Updike qua đời ngày 27.1.2009, bản in thứ nhất cuốn tiểu thuyết Rabbit, Run đã được chào bán trên trang mạng Ebay (có liên kết với trang Chợ Điện Tử của Việt Nam) với giá 13.657.050 đồng (775 USD).
*******
(Nguồn ảnh: Internet)
Nhân dịp sách Rabbit, Run (Rabbit ơi, chạy đi) của John Updike lần đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam qua NXB Nhã Nam, Gác Sách xin gửi đến bạn đọc một số truyện ngắn nổi tiếng của ông. Văn của John Updike có nhiều từ ngữ tinh tế, chơi chữ tài tình, và lối viết sáng tạo theo giọng điệu nhân vật. Dịch giả hy vọng truyền tải được đến hết với độc giả. Nếu thấy không hay xin trách dịch giả dịch dở chứ đừng trách tác giả. (Nguồn ảnh: Internet)
A&P
Dịch & hiệu đính: conruoinho
Đọc bông: Sienna
Cảnh báo: 15+
Truyện dịch chưa có sự đồng ý của tác giả.
****
Truyện đăng độc quyền ở Gác Sách. Yêu cầu không sao chép về trang web cá nhân hoặc trang web khác.
Chỉnh sửa lần cuối: