Chương 4
Ám ảnh
Trong tim mỗi người luôn có một góc nhỏ chứa đựng những kỉ niệm ngây thơ nhất. Theo thời gian, một số người thì vô tình quên nó đi, một số khác thì cố giấu.
Xe chạy trên đường đèo vào lúc tờ mờ sáng. Những hàng cây thông đứng thẳng hàng, dọc cung đường như hàng người đứng nghiêm trang chào đón. Sương trườn xuống theo các sườn đèo, len qua những hàng cây, lúc nhanh lúc chậm, vẽ nên một khung cảnh huyền ảo của mùa mưa nơi đây.
Thành phố thu mình lại trước cái lạnh đang phả từ trên cao xuống. Lúc này, đa phần người dân cuộn mình trong chăn ấm. Những người buôn thì vừa dọn hàng, vừa hà hơi vào đôi lòng bàn tay rồi xoa xoa vào nhau. Những người khách vãng lai thì không ngủ được, dạo bước trên những bậc thang, giấu thật kĩ đôi bàn tay trong ống tay áo. Có người đi đơn lẻ, có hai người sóng đôi, có nhóm ba, bốn người tạo nên một chút không khí ở chợ.
Ông Vian lái chiếc xe hơi màu xám. May mắn, ông đến thành phố khi mặt trời vừa lên. Trong cái giá lạnh buổi sớm ấy, những hàng cây mimosa khẽ lắc lư ngơ ngẩn nhìn, thầm thắc mắc là ai đang ngồi bên trong xe. Người đi chợ cũng đã kha khá. Ông Vian trả tiền cho một số thực phẩm và hoa. Ông lái xe lách ra khỏi rìa ngoài chợ. Xe chạy bon bon trên đường, như cái hối hả trong lòng người.
Ông chạy xe vào khuôn viên “Lâu Đài Trắng”. Lâu Đài Trắng, cụ thể là khuôn viên và bồn nước, cũng thể hiện rõ cái cô đơn, buồn tẻ trong cuộc sống và tâm hồn của chủ một cách không phô trương. Chim chóc đã vãn, chỉ còn vài con là đà bay… Còn ong bướm thì tuyệt nhiên chả thấy bóng dáng đâu. Một chú chim bay song song với xe. Hơi chếch dưới tầm cánh chú là một khuôn viên buồn thảm đến nao lòng. Hoa lá tàn úa, thậm chí có những cây héo đen đuốc lại. Xe đánh nửa vòng qua cái bồn nước đầy rêu ở giữa, rồi dừng ở trước cửa. Một người đàn ông trạc năm mươi tuổi bỏ cuốc sang bên chạy đến. Ông Vian ân cần hỏi:
- Chú vẫn khỏe chứ?
Người đàn ông có vẻ “thấp bé” khi chào hỏi ông Vian.
- Cảm ơn cậu chủ đã hỏi thăm. Mấy hôm nay con có trở bệnh, nên không tiện lên đây chăm sóc vườn, mong cậu tha lỗi.
- Cậu và cha con chú là chủ tớ đã lâu, nếu như cần giúp đỡ thêm thì cứ nói thẳng với cậu.
Ông Vian nhìn khu vườn trông thật thảm hại, những cây không ai chăm sóc, chết úa đen sì: “Và đừng trồng hoa nữa. Dẫu sao cậu cũng đã ít về đây từ lâu lắm rồi mà…”.
Ông Vian cười thân thiện với người đàn ông rồi hất đầu ra hiệu bảo giúp ông bê mớ thực phẩm. Người đàn ông vội đem đồ ra sau nhà. Ông Vian cầm bó hoa mua ở chợ lên rồi hít một hơi sâu. Sự thoải mái trong tâm trí không thể giấu được trong ánh mắt ông đang nhảy múa. Đôi mắt ấy lại chợt buồn… Chỉ ở đây ông mới vui lên được phần nào, chỉ ở đây ông mới buồn nhanh như vậy…
Ông ngước nhìn ngôi nhà lớn đã ngả sang màu trắng ngà dưới tác động của thời gian. Ngôi nhà không to như nhiều khách sạn mới xây ở thành phố này. Nếu lấy cửa chính là điểm để phân chia, thì phía bên trái có diện tích nhỏ hơn nhiều so với phía bên phải. Trông ngôi nhà có không cân đối. Nhìn vào họa tiết, hoa văn đi theo cửa chính, các cửa sổ,… mới thấy rõ cái sang trọng của nó. Hãy tưởng tượng ở cách đây năm mươi, sáu mươi năm về trước, nó được sơn một màu trắng tinh vào mỗi năm. Vào thời điểm đó, thật khó để người dân trong vùng không gọi tên nó là Lâu Đài Trắng. Rồi một biến cố lớn đã xảy ra, nó đã không được “chăm sóc” và nó vẫn cao sừng sững thế suốt từng ấy năm…
Ông hít một hơi rồi nhìn sang cửa sổ bên trái ở tầng trên. Ông khẽ mỉm cười rồi nói.
- Chào mẹ, con đã về.
Ông đi thẳng đến cửa chính. Ông dạo bước chân trên những bậc tam cấp được tạo nên từ những phiến đá xanh rêu, mà nghe lòng rã rời. Ông tự biết chỉ cần mở rộng cánh cửa này, thì với trí tưởng tượng của bản thân, những chuyện xưa cũ sẽ ùa về mà lí trí không thể ngăn lại.
Đang lúc ông đẩy cánh cửacũ đã phai màu thì tiếng chuông cửa vang lên. Nếu nhìn từ trên cao phía trong nhà, sẽ thấy một hệ thống dây buộc với một cái chuông. Khi cửa mở, mép trên cánh cửa sẽ đánh vào cái chuông để tạo nên âm thanh. Ông đóng cửa lại cũng gây ra tiếng chuông.
Chuông cửa lại reo lên. Cửa được kéo vào trong.
Như có phép màu! Quá khứ ùa về.
Sự tươi mới, sáng sủa ùa ra từ trong nhà cùng với sự xuất hiện của một người đặc biệt. Chân trần của một người phụ nữ đặt lên thềm gạch trước cửa, làm chúng như được tẩy sáng ra. Đôi chân với những ngón chân thon dài và gót chân ửng hồng, đang vội chạy xuống những bậc thang. Lạ thay chúng trông xanh trong hơn cái vẻ rêu cũ “ban đầu”. Người phụ nữ để tóc xoăn dài quá vai, mặc váy chấm bi nhỏ, vui cười tỏa ánh sáng và sức sống theo từng bước chân của mình khi chạy một vòng khuôn viên trước nhà.
Trước tiên, cô rẽ sang phải thì thấy ngôi nhà kính hơi chếch so với khuôn viên trước cửa, cũng thay đổi theo. Hàng rào gỗ cao, đã cũ kĩ hư hại, rêu và dây leo bám đầy, dần biến mất. Cả ngôi nhà kính cũng phủi sạch cái rêu cũ, mà bất ngờ trông như còn đang xây dựng dở dang.
Chân cô chạm đến đâu thì hoa lá ở gần đấy được “tái sinh”. Một cành hoa héo úa, đen đuốc đến khó nhận dạng bất ngờ vươn mình chuyển sang màu xanh. Nụ hoa đâm ra nhanh chóng rồi tỏa những cánh hoa hồng nở bung ra căng hết cỡ. Nào là những cánh hồng nhung, nào là hồng trắng, nào là hồng vàng,… trở lại “nguyên trạng ban đầu” như chưa từng héo úa.
Sau khi chạy ngang dãy hoa hồng trồng sát bờ tường bằng đá, cô chạy hơi xa ra phía cổng. Cả bờ tường bằng đá cũng được “làm mới lại”. Gần tới cổng thì cô khẽ dừng lại, môi cô mỉm cười tinh nghịch. Cô chạy tiếp cho hết con đường vòng bao quanh bồn nước. Lạ thay, khung cảnh đã trở nên “tươi mới”, sau lưng cô còn xuất hiện một chiếc xe hơi Austin Mano màu đen thường thấy ở thành phố.
Cô cũng “làm mới lại” bờ tường bằng đá bên này và “làm sống lại” luống hoa hồng đã héo úa.
Người phụ nữ nhảy lên thành bồn nước hình tròn ở giữa. Lạ thay khi chân cô vừa chạm vào thành bồn thì những phiến đá cũ kĩ bỗng dưng trắng trở lại. Mặt nước rêu bám trông thật dơ bẩn bỗng tan biến, và xuất hiện những bông hoa nổi lềnh bềnh và phía dưới đáy là những hòn cuội nhỏ.
Cô chạy hơn nửa vòng trên thành bồn nước rồi bất chợt dừng lại. Cô giơ cao giỏ tre và cây kéo lên như người chiến thắng!
Nhìn từ trên cao, có thể thấy rõ khu vườn lổ đổ sắc hoa. Các loài hoa không được trồng theo vạt. Nhưng nhìn tổng thể ở góc độ này, quả thật khu vườn đầy sức sống. Chỉ có thể là vậy mới khiến cho “ong bướm” quyến luyến, chả buồn bay.
Một giọng nói trầm ấm: “Em à! Coi chừng cây kéo!”, khiến người phụ nữ vui mừng quay lại. Vội vàng, cô bước hụt chân ngã nhào sang bên. Người đàn ông trên năm mươi tuổi, có mái tóc muối tiêu, mặc vest trông rất lịch lãm vội dang tay đỡ lấy cô.
- Em định cắt vài bông hoa tặng anh.
- Em cố tình bước hụt chân phải không?
Người phụ nữ ngượng ngùng hôn lên môi ông. Đôi môi ửng đỏ bấu lấy đôi môi khô khốc. Hàng ria mép của ông cà mạnh vào bờ môi trên của cô. Tay trái ông, đeo chiếc nhẫn vàng có khắc những con số, luồn vào mái tóc cô. Bỗng một tiếng nói trong trẻo vang lên, cắt ngang niềm hân hoan tái ngộ sau bao ngày xa cách của đôi vợ chồng.
- Ôi! Thấy ghê quá!
Ông thả cô vợ trẻ của mình xuống rồi nghiêm nghị nhìn. Cậu con trai khoảng mười lăm tuổi chống nạnh, cố gắng giận dữ.
- Tại sao cha đi lâu như vậy? Mẹ ở nhà rất lo!
Người đàn ông chạy đến thì cậu bé bị giật mình vùng chạy vào nhà.
- Đứng lại Vian!
Ông ôm chầm rồi xốc đứa con trai bé bỏng mười lăm tuổi lên. Cậu có vẻ trẻ con so với cái tuổi của mình. Ông ôm siết thật chặt từ đằng sau rồi nhấc bổng cậu ngược về sau. Ông hơi chúi người về trước vì cậu bé Vian vùng vẫy. Cậu vùng thoát ra, chạy nhanh đến cánh cửa trắng sữa.
Ông Vian đứng bên trong cánh cửa đang mở.
Ông nhìn thấy chính bản thân mình khi mới mười lăm tuổi, chạy vào trong, rồi đến lượt cha ông.
Hai cha con ngày ấy vội vã cởi giày. Cậu bé Vian ấy chạy đến góc tường đối diện hông cầu thang, rút nhanh thanh liễu kiếm rồi quay người lại. Cha cậu cũng với lấy thanh liễu kiếm còn lại đang nằm trên vách. Cầu thang bằng gỗ dẫn lên tầng trên nằm song song với cửa. Cậu định chạy lên cầu thang để có nhiều lợi thế khi giao đấu như vài lần trước, thì bị ông ngăn lại. Cậu giơ kiếm thách đấu với cha mình. Cậu chạy vào căn phòng cạnh lối lên cầu thang. Cậu chạy ngang qua dãy kệ chất rất nhiều sách và tài liệu, cả dưới đất cũng chất rất nhiều, trên mấy cái ghế cũng chất sách.
Mẹ ông Vian, người mẹ trong kí ức ông, chạy vào nhà rồi vội dậm chân vào một cái khăn dưới đất. Cô đóng cửa lại phía sau, bất ngờ thích thú khi thấy hai cha con đấu kiếm với nhau.
- Đây là lâu đài của ta và mẫu hậu, người không được vào đây! Ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!
Hai cha con đấu kiếm với nhau. Người cha có vẻ thắng thế. Cậu con trai lùi lại, ngang qua một bàn làm việc chất nhiều sách vở, giấy tờ. Người cha ép con trai mình lùi dần, lùi dần đến lúc cậu đụng vào một trong những cái ghế có chất sách. Những quyển bị đổ xuống đất là những vở kịch của Shakespeare, tiểu thuyết Pháp,… Người cha lại tiếp tục dồn ép đứa con trai mình, đi ngang qua những đồ dùng vẽ tranh được để sát tường. Lần thứ hai, người con trai lùi lại đụng vào cái bàn nhỏ hơn, ở gần cửa sổ lớn có thể nhìn ra ngoài sân. Trên bàn có vài quyển sách vở để ngăn nắp và một quả địa cầu. Quả địa cầu bằng gỗ, bị lắc lư bởi va chạm.
- Này con trai! Không được đụng vào quả địa cầu của cha.
Cậu bé nhoẻn miệng cười gian xảo cầm quả địa cầu hất lên không trung khiến người cha phải quăng kiếm, lùi về mà đỡ lấy.
- Cái thằng này…
Ông chưa kịp dứt lời thì cậu bé vừa chạy ra, ngang qua mẹ của mình, vừa cầu xin.
- Mẹ giúp con với!
Cô nhìn thấy chồng mình vui vẻ đặt quả địa cầu lại. Hai vợ chồng nhún vai như bảo với nhau rằng không còn cách nào hơn, phải tham gia thật nhiệt tình.
Cô chạy thẳng vào trong căn phòng phía sau cầu thang rồi nhìn một lượt. Gần cửa là một giá treo bằng gỗ sồi để chồng cô máng áo. Cạnh bên là một cái tủ kính dài để nhiều chén dĩa kiểu cách, hoa văn, rất qúy giá, mà cô yêu thích. Trên tủ có vài món trưng bày được mạ vàng. Xung quanh tường treo nhiều tranh vẽ trái cây. Căn phòng ăn sang trọng có vài cửa kính đóng ô vuông ở góc ngôi nhà. Cái bàn dài với mỗi bên có năm cái ghế. Trên bàn có khăn lớn được ren hoa văn cầu kì. Khăn trải không hết được cái bàn, được đặt lệch đi; có thêm hai cái giá nến bằng bạc và một dĩa trái cây. Chả có cái gì dùng được, nên cô trở ra.
Cô chạy thẳng vào nhà bếp. Rồi cô đứng khựng lại vì gặp người quản gia đi ra từ phòng đầu tiên cạnh phòng ăn. Cô dặn dò nhanh.
- Hãy đem đồ của ông lên phòng. Và chọn một chai rượu.
Ngay lúc này, một người nữ giúp việc đem chăn, vỏ gối ngang qua ông quản gia.
- Nhanh tay ra cắt cho tôi hoa đủ để cắm một bình.
Người giúp việc vừa nhận giỏ tre chưa kịp gật đầu thì cô đã chạy khỏi. Người quản gia mở cửa căn phòng nhỏ thứ hai chứa rất nhiều rượu. Người nữ giúp việc mở cửa căn phòng thứ ba rồi ném tất cả chăn, vỏ gối vào bên trong; rồi đóng cửa lại đi ngược lại đường cũ. Gần đến nhà bếp có một căn phòng to là nhà tắm và nhà vệ sinh.
Nhà bếp rộng, có nhiều tủ nhỏ, có lối dẫn ra phía sau nhà. Cô vừa vào bếp thì nhón chân lấy cái mâm to trên cái gạc-măng-giê. Cô chạy sang cửa còn lại của căn bếp rồi cô mở tung cửa.
Trong căn phòng rộng mênh mông sáng đèn, hai cha con đang đấu kiếm với nhau. Ban đầu người cha dồn con mình đụng vào cái bàn tròn với những cái ghế kiểu châu Âu, được đặt cạnh khung cửa sổ lớn đầu tiên. Cậu liều mình lao về trước, để vùng thoát ra. Rồi cậu lui về, hai cha con đấu kiếm dọc căn phòng rất dài.
Một bên phòng là những cửa sổ lớn có rèm thêu tay những bông hoa hồng, cánh hoa được viền bằng chỉ màu, trông rất trang nhã. Một bên là những bức tranh phong cảnh, chúng thật sự rất đẹp! Nếu nhìn hơi nghiêng từ trên cao, sẽ thấy rõ ngoài hai chùm đèn lớn, còn có hai tấm thảm lót sàn hình chữ nhật để dọc theo căn phòng. Cả hai tấm thảm đều có có họa tiết hoa văn hoa lá cách điệu. Đặt bên trên tấm thảm thứ hai là một cái bàn gỗ dài, dùng để tiếp khách. Cách đó không xa là lò sưởi. Phía gần cửa sổ bên này là bộ ghế bành dài có họa tiết hoa văn trên thân ghế. Bị dồn đến đây, cậu bé dường như không còn lối thoát. May mắn là từ chỗ cửa nối với nhà bếp, mẹ cậu đã xuất hiện kịp lúc.
Cô liền sử dụng cái mâm to như tấm khiên, để cùng chiến đấu với đứa con trai duy nhất của mình. Cậu bé rất nhiệt tình trong trò chơi, cậu muốn thắng cha. Cái mâm sáng loáng làm nhòa đi những động tác vung kiếm của cha cậu.
Hay thực tế, trong trí nhớ của người đàn ông hơn sáu mươi tuổi đã không còn rõ ràng như trước…
Gia đình ba người của ông Vian ngày trước thật hạnh phúc. Họ luôn quây quần vui vẻ với nhau khi cha ông đi làm xa về. Như những khi cầu nguyện trước bữa ăn, cậu bé Vian giả vờ nhắm mắt. Để rồi, cậu mở con mắt bên này thì thấy cha mình chìa tay phải ra; khi cậu nhắm con mắt bên này rồi mở con mắt bên kia thì thấy mẹ mình chìa tay trái ra. Hai người nắm lấy tay nhau một lát trong lúc dùng bữa. Đối với cha cậu cũng chẳng khó khăn gì, vì ông hay dùng tay trái.
Cậu bé Vian thấy rất hạnh phúc trong những bữa tối ăn cùng cha mẹ mình. Bên những ngọn đèn cầy cố đứng vững trên cái giá nến bằng bạc, chén dĩa cũng bằng bạc, một bình nhiều bông hồng, cậu được cảm nhận “cùng” hạnh phúc trong lòng mẹ cậu.
Cha cậu bé Vian là một người đạo mạo, ít khi đùa cợt. Ông thường cởi áo vest ngoài rồi mắc lên giá treo gần cửa. Ông hay dùng dây đeo quần hơn là dây nịt, ông lại có thói quen vận động, công việc thì hay đi lại, nên trông ông trẻ hơn tuổi của mình.
- Con cứ đánh kiếm loạn xạ thế thì cha rất lo cho mình.
- Con thích trở thành một nhà văn hơn.
Cậu bé Vian biết mình lỡ lời nên không dám nhìn cha. Cậu hạ thấp đầu, thu mình lại, thầm mong mấy cánh hoa hồng che bớt phần nào để cha không nhìn thấy. Mẹ cậu mở lời để “giải cứu”.
- Con muốn sử dụng trí tưởng tượng của mình trong những trang giấy có phung phí quá không?
Cậu bé và cha cậu có vẻ hơi ngạc nhiên nhìn mẹ cậu.
- Cha con kinh doanh nhu yếu phẩm cho quân đội thì cũng sử dụng rất nhiều trí óc. Hãy tưởng tượng nếu con có một ý tưởng nào phục vụ tốt cho quân đội thì sẽ ra sao? Con sẽ có được những thứ mà bất cứ ai cũng mong muốn!
- Mẹ con nói đúng đó! Con phải học tốt ngoại ngữ và học thêm nhiều kỹ năng giao tiếp. Cha mẹ còn phải lo cho tương lai của con!
- Dạo gần đây, hai chị có ghé sang dạy thằng bé cách giao tiếp, mọi người có trao đổi với nhau bằng ngoại ngữ.
Cậu bé Vian tỏ vẻ lắng nghe những gì cha mẹ nói, nhưng thật ra cậu đang giấu một sự phản kháng nhỏ trong lòng.
Người quản gia khoảng bốn mươi tuổi, có vẻ ngoài hơi đen và nhỏ con, đi vào phòng ăn rồi nói khẽ vào tai ông chủ. Ông đi ra theo người quản gia. Cậu bé tò mò đi theo sau.
Cách hơi xa nhà, hơi chếch so với khuôn viên trước cửa, có một nhà kính sáng đèn. Dây điện được nối ra từ nhà, được mắc trên những trụ gỗ nên trông rất vững. Nhà kính không to lắm nhưng lại rất dài. Bên trong, dọc hai bên vách đều mắc bóng đèn tròn. Bên trong còn bừa bộn đồ gỗ, có ba công nhân đang đục, mài gỗ để tạo mấy cái bàn. Khi cha con cậu bé Vian, ông quản gia đến trước nhà kính thì họ ra ngoài chào. Cha cậu bé vừa chiêm ngưỡng nhà kính vừa nói: “Mọi người cố gắng làm cho đẹp vào, tôi sẽ trả công thật hậu!”.
- Hai chú có thể về nghỉ rồi. Còn con Khoa, ở lại đây một lát.
Cha cậu thắc mắc quay sang nhìn ông quản gia.
- Đây là người tôi nhờ anh tìm để đốc thúc thằng bé học?
Khoa năm nay khoảng hai mươi ba tuổi, cao ráo, có nước da trắng. Nhưng dưới cái nhá nhem tối, khuôn mặt, quần áo lại lấm lem mạt cưa, dầu nhớt, mồ hôi nên trông cậu không được dễ nhìn cho lắm. Khoa mỉm cười làm quen thì cậu bé khẽ liếc mắt sang nơi khác.
- Anh có biết tiếng Pháp không?
Ở một vùng cao thiếu trường học, người dân trong làng sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi, thì tìm một người thanh niên cùng cậu học hành, hay chỉ đơn giản là biết chữ, đốc thúc cậu học quả thật rất khó. Cậu còn đòi phải biết thêm tiếng Pháp. Đây đúng là cách tốt nhất để không chấp nhận con người trông dơ bẩn ấy.
- Dạ thưa cậu, con chỉ biết vài con chữ… à mà con không biết chữ.
Cậu bé Vian cũng chẳng ngạc nhiên. Ông dò xét chàng thanh niên rồi từ tốn hỏi.
- Thế cậu giỏi nhất là gì?
- Con biết trồng hoa, con từng đi phụ những người buôn bán hoa ở chợ phía dưới.
- Thế cậu có biết cưỡi ngựa không?
Chàng thanh niên gật đầu.
-Tốt lắm, từ nay cậu dạy cho thằng bé này cưỡi ngựa và cả trồng hoa để nó giúp mẹ nó. Con theo cha vào nhà.
Nói xong ông bỏ đi ngay, còn Khoa thì không giấu được nỗi vui mừng. Người quản gia nói điều gì như khen ngợi làm anh chàng ngượng ngùng.
Cậu bé vừa chạy đến bên cha mình để nối bước vào nhà thì ông mở lời.
- Người ta không có gì để làm nên mới tìm công việc này. Con còn đòi hỏi phải biết tiếng Pháp sao? Hôm nào cha sẽ khảo tiếng Pháp của con.
- Con xin lỗi…
Cậu bé Vian nặng trĩu nỗi lo cho lời hứa hẹn của cha mình. Cậu vừa đi chậm lại vừa nhìn ra sau. Cậu thấy người thanh niên đang ôm chầm lấy người quản gia mà vỗ vai cảm ơn rối rít.
Mẹ cậu bé Vian vừa trang điểm lại trước gương vừa hỏi chồng: “Ban nãy có chuyện gì sao anh?”.
- Anh vừa thuê một cậu thanh niên để đốc thúc thằng bé học.
Cô mặc đồ ngủ có khoác bên ngoài một cái áo mỏng, cô nhẹ nhàng lên giường rồi chui vào chăn mà ôm lấy chồng mình. Cô vừa nói như trách móc, vừa đưa tay lần lần đến trước ngực ông: “Anh đi công tác rồi về, anh đi công tác rồi lại về… Đã lâu rồi anh không ôm em ngủ”.
Thấy chồng không có phản ứng gì, cô trườn tay phải xuống gần lỗ rốn. Rồi từ đó, những ngón tay đi bước nhỏ trên phần bụng đầy đặn, gọn gàng. Rồi những ngón tay chấp cha chấp chới bay lên như một chú bướm thả mình vào không gian, rồi bay là đà trên áo pyjama. Bất thần, bàn tay cô ngắt đầu vú của chồng.
- Sáng mai anh lại phải đi công tác rồi… Lần này chắc cũng nửa năm hơn.
Cô rút tay mình lại rồi đánh một cái lên ngực ông.
- Đáng ghét…
Cô ngả đầu lên bả vai của ông.
- Anh có đi nhớ về sớm, rồi ở hẳn nhà lâu lâu với em và con.
Cô giận dỗi xoay người sang bên. Ông luồn bàn tay trái, có đeo nhẫn vàng khắc những con số, vào mái tóc buông xõa tự nhiên của vợ mình rồi hôn lên má cô.
Cậu bé nhìn thấy và nghe thấy tất cả từ cửa ngoài, cậu nhẹ nhàng khép cửa lại. Cánh cửa đóng lại kẹp vào một tờ giấy nhỏ. Cậu rút tờ giấy nhỏ ra thì cửa đóng một cái “tách” nhỏ.
Cậu đi vào phòng mình thì thấy ánh sáng đèn được hắt từ dưới lên. Từ góc cửa sổ phòng cậu không nhìn thấy hết được bên trong nhà kính, vì đèn lúc này chỉ được mở ở bên vách xa. Nhưng cậu vẫn thấy được anh chàng tên Khoa đang xoa bụng.
Khoa nhép nhép miệng rồi uống một ngụm nước nhỏ. Có lẽ do cái đói mà anh không ngủ được. Anh đành làm việc cho đến khi thật mệt, để mong rằng chỉ cần ngả lưng xuống là đã ngủ. Bỗng có tiếng gõ “cốc, cốc”. Thật lạ là nhà kính chưa làm cửa, thế thì ai lại gõ vào vách tường để làm gì. Anh thắc mắc nên đi ra xem thì thấy một khay có đồ ăn, nước uống để hơi chếch bên trái cửa. Anh còn ngạc nhiên hơn khi đồ dùng đều bằng bạc, chúng rất mắc tiền. Anh vừa thắc mắc nhìn sang thì nghe một tiếng “uỵch”. Cậu bé Vian nằm dài trên cỏ đang lồm cồm ngồi dậy. Anh đến đỡ cậu đứng dậy. Với ánh sáng từ nhà kính hắt ra bên ngoài, vẫn thấy được khuôn mặt cậu bé xấu hổ.
- Cho tôi xin lỗi chuyện ban nãy.
Khoa ngạc nhiên: “Cậu xin lỗi tôi về chuyện gì?”. Cậu bé Vian xấu hổ nhưng cũng có chút gì đó không vừa lòng: “Thì ban nãy tôi có nói không phải…”.
Cậu nhìn sang thì thấy Khoa đang xoa xoa đầu cố nhớ lần gặp mặt đầu tiên. Cậu bé phì cười.
- Anh nên ăn một chút gì cho dễ ngủ.
- Tôi không sao, tôi không có đói…
- Đừng ngại, ở đây chỉ có hai chúng ta.
Cậu bé Vian tự đi đến trước nhà kính rồi đem khay thức ăn vào trong.
Cậu bé thích thú nhìn Khoa đang ăn. Khoa sặc vì ăn quá vội. Cậu bé liền lấy cái khăn gần bên mà lồng bàn tay vào, để xoa xoa cái lưng của Khoa.
- Xin lỗi vì đồ ăn không còn nóng.
- Cảm ơn cậu…
- Cha anh làm gì?
- Cha tôi đi lâu rồi chưa về.
- Vậy mẹ anh có làm gì không?
Khoa ngừng ăn rồi uống một ngụm nước. Anh định nói rồi lại thôi.
- Anh ở với mẹ à?
Anh vừa nói vừa lắc đầu: “Không, tôi hay ngủ ở chợ”. Cậu bé ngạc nhiên. Khoa nhìn thấy rồi lảng sang hướng khác để tiếp tục ăn.
- Gia đình tôi có quen biết chú Minh làm quản gia cho nhà cậu.
- Chú Minh tối ngủ lại nhà, còn những người khác thì sáng mới tới làm… Mà nè…
Khoa ngậm một miệng đầy thức ăn quay sang thì thấy cậu bé đưa hai ngón tay bịt mũi và nhíu mặt lại, làm anh sặc vì buồn cười. Cậu bé vội vàng xoa lưng anh.
Nhìn anh ta ăn dưới những ngọn đèn, cậu bé mới thấy rõ anh ta có mái tóc đen nâu để dài quá cằm đang xù lên, tóc nhiều và có vẻ hơi dơ một chút. Cậu hơi bĩu môi rồi ngồi nhích ra tí. Cậu nhìn kĩ anh ta… Trông anh có vẻ rất bụi bặm của một kẻ lang thang, bất cần đời, hoặc có thể là do bộ đồ anh đang mặc. Anh ta ăn xong thì đẩy khay thức ăn sang phía cậu bé. Khay chỉ còn đó một ít nước dùng.
- Có ngon không?
Anh ta gật đầu đồng ý. Cậu bé không chấp nhận câu trả lời ngắn ngọn như vậy nhưng cũng đành cho qua. Hai người bắt đầu trò chuyện thân thiện hơn. Anh đưa tay chỉ chỗ góc nhà kính này phía gần cửa, anh sẽ để những chậu cây, những bao phân, đất. Anh đưa tay chỉ ở khoảng giữa nhà kính, anh nói rằng anh và những người khác sẽ làm những cái kệ gỗ dài có hai hoặc ba tầng làm chỗ để chậu hoa nhỏ, hay chậu xương rồng. Sát hai bên hông tường gạch sẽ đặt kệ dài suốt nhà, trên kệ thì để những chậu hoa lớn hơn, còn có thể treo những chậu cây phía trên. Cái khó là bắt và nối những tấm tôn dài. Còn phía cuối nhà kính thì có mái vòm gỗ, hay mái tôn để che bớt nắng, nơi ấy sẽ thích hợp cho những cây hoa không ưa nắng. Anh đề cử trồng vài chậu hoa nhài để cách khoảng hay để xen kẽ các chậu hoa khác. Hoa có lá xanh hơi sậm. Cành nhánh hơi tròn. Hoa màu trắng rất đẹp! Hương thơm nồng. Anh ta say mê nói sang mái vòm thì cậu bé bắt đầu chán. Cậu đưa ngón tay trỏ nhắm bên sườn anh ta mà gãi đè lên cái áo vải màu nâu sờn cũ.
- Nhột mà.
Anh ta ngừng câu chuyện mà quay nhìn ra ngoài không thèm quay nhìn cậu. Với một người có thiện chí chọc ghẹo người khác, thì cách anh biểu đạt đúng là xúc phạm cậu bé. Cậu lòn nhanh vào áo anh ta rồi cũng gãi vị trí ấy.
Anh ta vẫn nhìn ra ngoài không thèm quay nhìn cậu.
Anh ngả lưng xuống nền cỏ. Cậu cũng ngả lưng lên cỏ, nằm chếch phía dưới cánh tay anh.
Anh đang dang rộng hai cánh tay ra hai bên. Cậu bé nằm dưới cánh tay và chợt nhận ra một mùi có vẻ hơi khó ngửi. Cậu lại bịt mũi bằng hai ngón tay rồi ngồi dậy, định sẽ nói anh ta phải biết cách cư xử hơn. Ai đời lại thế! Nhưng…
Anh đã ngủ ngon lành và bắt đầu ngáy. Cậu bé phì cười rồi bịt miệng mình lại.
Cậu nhìn lên trần nhà kính rồi nhìn sang phía phòng mình.
Nhìn hướng về phía phòng cậu bé Vian, sẽ thấy bên ngoài không thay đổi gì nhiều sau năm mươi năm. Chỉ có nhà kính đã cũ kĩ theo năm tháng. Mái vòm bằng kính cũng hư hại nhiều. Tường gạch đầy rêu bám. Bên ngoài có hàng rào cũ kĩ hư hại vòng xung quanh, rêu và dây leo bám trông thật tồi tàn. Còn ông Vian thì đang nhìn xuống từ phòng ngủ.
Cậu bé Vian năm nào có mái tóc đen, láu lỉnh hay chọc phá người khác, bây giờ đã trở thành một ông Vian có mái đầu gần như bạc trắng, tóc cũng thưa bớt không còn rậm, tính tình thì điềm tĩnh hơn, ít biểu đạt cảm xúc của bản thân. Ông nhìn nhà kính như muốn thiêu đốt nó, nữa như muốn chôn giấu nó. Nỗi buồn và nỗi đau trong lòng ông mạnh mẽ đủ để bất kì ai nhìn lên phòng ở tầng trên, sẽ thấy một người đàn ông trên sáu mươi vừa kéo rèm lại, vừa nhắm mắt lại như phủ nhận những gì từng tồn tại.
Sự thay đổi ở con người là lỗi của thời gian? Rất dễ dàng để đưa ra một lí lẽ, một tình huống để biện minh cho thời gian. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng: thời gian cũng thật tàn nhẫn…
Sự rõ nét trong tâm trí chứng tỏ quá khứ ấy đã không ngủ yên.