Chương 11: Thân tín
Đêm ấy, khóc xong, tôi mệt đến lả người, cũng chẳng nhớ mình đã ngủ thế nào, chỉ biết lúc tỉnh dậy tôi đã không còn ngồi bên cửa sổ. Có ai đó đã đắp chăn cho tôi, rồi đẩy tôi vào một góc phòng tránh gió. Trên tấm chăn mỏng vẫn còn vương lại chút hương bạc hà rất nhạt.
Tôi gượng người đứng dậy, nhẹ nhàng đẩy cửa bước ra sân. Ngoài trời, mưa rơi như trút nước. Những chùm hoa nguyệt quế trắng xoá ướt đẫm nước mưa, theo mỗi cơn gió thoảng qua lại toả hương ngào ngạt, thấm đến tận tim. Nắng cháy, cỏ vàng, cành khô, lá héo, tất cả đều đã lùi về dĩ vãng. Chỉ có tấm màn mưa huyền ảo như ngưng đọng thời gian. Chỉ có những hạt nước lung linh trong suốt như châu như ngọc uyển chuyển nhảy múa giữa tầng không, rơi đầy trên đất, lặng lẽ luồn lách qua từng ngóc ngách, gột rửa hết thảy bụi trần.
Trong cơn mưa tầm tã ấy, trái tim tôi cũng giống như muôn vạn cỏ hoa đang đắm chìm giữa làn nước mát kia, hân hoan chuyển mình hồi sinh một cách thần kì. Hình ảnh con đường đơn độc đầy gió và cát trải dài vô tận, âm thanh dịu dàng nhưng lạnh lùng đến đắng lòng của mẹ tôi vào buổi trưa nắng cháy nọ càng lúc càng phai nhạt. Chỉ còn lại thứ cảm giác rất mông lung khi bàn tay nhỏ bé của Phạm Nguyên nhẹ nhàng áp vào trán tôi, xoa xoa mái tóc rối của tôi, im lặng ngồi bên tôi, để những giọt nước mắt lăn dọc má tôi làm khoảng vai cậu ta ướt sũng.
Tôi vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc còn nằm trong bọc tã. Nếu không được thầy tốt bụng nhặt về nuôi, có lẽ ngày ấy tôi đã chết đói ngoài đường, nói chi đến được ăn được học, được mơ ước tiến thân. Mẹ không phải là mẹ ruột của tôi, bà không bao dung đối với tôi, tôi cũng không thể trách bà. Mái ấm ấy ngay từ đầu đã không thuộc về tôi. Tôi không mất gì cả, chẳng qua là quay lại điểm xuất phát ban đầu. Đau khổ cũng vậy, bình thản quên đi cũng vậy, cuối cùng vẫn phải sống thôi.
Mưa tạnh dần. Ánh mặt trời chậm rãi xuyên qua đám mây mờ, phủ một màu vàng nhạt lên dãy ngói lưu ly chạm khắc hoa văn tinh xảo. Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn vệt cầu vồng tuyệt đẹp ẩn hiện sau mái điện Trường Xuân. Mãi đến khi bên cạnh đột nhiên xuất hiện một hoạn quan già vội vã ấn người tôi xuống, tôi mới nhận ra kiệu của Phạm Nguyên từ nơi thiết triều đã về đến tẩm điện tự lúc nào, đang đi lướt qua tôi. Trong tiếng nước chảy róc rách bên thềm, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng búng tay tanh tách phát ra từ trên kiệu. Nhớ lại ánh mắt chăm chú nhưng giả vờ dửng dưng của Phạm Nguyên lúc được tôi dạy cách búng tay hồi tháng trước, khoé môi tôi bất giác cong lên.
Lúc kiệu đã đi qua, trong gió, dường như hương bạc hà vẫn còn thoang thoảng.
...
Sau trận mưa hiếm hoi hôm ấy, trời lại tiếp tục nắng gắt suốt mấy ngày liền.
Thấy tình hình thiên tai mãi vẫn không khởi sắc, quan đồng tri bạ tịch Bắc đạo là Bùi Ư Đài bèn dâng sớ, xin Phạm Nguyên giao hoàng thân quốc thích giữ vai trò trụ cột trong triều để phụ giúp lo việc nước, đồng thời bãi bỏ chức tước hiện tại của những người năm xưa từng bị tiên đế xử tội lưu đày, có như vậy mới hợp với đạo của đất trời, tránh được nạn kiếp cho Đại Việt(1). Đại tư đồ Lê Sát nghe xong tấu sớ thì vô cùng tức giận, ngay lập tức sai người trình một bản tấu khác lên Phạm Nguyên, khép Bùi Ư Đài vào tội ly gián vua tôi.
Phạm Nguyên tuy thừa nhận lời tâu của Bùi Ư Đài có phần nghiêm trọng hoá vấn đề, nhưng lại thấy nếu xử tội ly gián thì hơi nặng. Lê Sát tâu đi tâu lại ba bốn lần, Phạm Nguyên vẫn chần chừ không quyết, khiến ông ta càng bất mãn. Đến khi hai ngôn quan có uy tín trong triều là Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cẩm Hổ cùng thiếu phó Lê Văn Linh tâu việc ấy lên lần nữa, Phạm Nguyên mới quyết định đày Bùi Ư Đài ra biên giới.
Sau sự kiện này, các đại thần trong triều đều đã nhìn rõ sự yếu thế của Phạm Nguyên, cũng như sự ảnh hưởng ngày càng lớn của phe Lê Sát. Mà lúc ấy, ngoài dân gian, người người cũng đều e sợ thanh thế của Lê Sát cùng các quan viên dưới trướng. Họ không muốn đi vào vết xe đổ hồi cuối tháng năm của Cao Sư Đãng – người thợ xây chùa Báo Thiên, chỉ vì trong lúc vất vả lỡ miệng chỉ trích vua và các đại thần mà bị Lê Sát tâu vua khép vào tội chết (2). Phạm Nguyên thỉnh thoảng cũng lộ vẻ tức tối khi ý kiến của mình bị hết người này đến người kia phản bác, nhưng bởi cậu ta cứ về đến tẩm điện là lại tụ tập cung nữ, hoạn quan để chơi đùa, vui cười đến quên trời quên đất, nên những cơn giận ấy cũng tan nhanh.
Cuối tháng tám, triều đình bàn chuyện tổ chức khoa thi. Những người thuộc phe Lê Sát đều là quan võ, vì không rõ lắm về thể chế cũng như điển lệ nên lúc đầu cũng không quan tâm lắm,để mặc các quan văn lo liệu. Về sau, dường như cảm giác được Phạm Nguyên đặc biệt xem trọng việc chọn nhân tài bằng khoa cử, họ bắt đầu góp lời tích cực hơn về việc tổ chức khoa thi cũng như bổ nhiệm những người trúng cử, nhằm hạn chế ảnh hưởng và địa vị của các quan viên thành danh qua con đường khoa cử sau này. Tuy hành động ấy hiện tại không gây ra tác động gì đáng kể, nhưng đã âm thầm tạo nên một vết rạn giữa hai ban văn võ, đặc biệt là những đại thần trước nay thể hiện bản lĩnh qua học vấn uyên thâm của mình, như Bùi Cầm Hổ, như Nguyễn Trãi.
Trung Thu năm ấy vẫn còn trong kì quốc tang nên trong cung tổ chức rất giản đơn, chỉ là vua tôi cùng mang lồng đèn đến ngự hoa viên, chơi trò đố xem lồng đèn nào là của người nào, ai đoán sai thì bị phạt tiền, số tiền ấy về sau sẽ được mang đi cứu tế cho dân bị nạn. Tiền phạt mỗi lần đoán không nhiều nên mọi người tham gia rất hăng say, dần dần cũng vô tình quên đi những hiềm khích trong triều, cùng nhau cười cười nói nói. Sau khi kết thúc cuộc chơi, người thắng nhiều nhất là ngôn quan Bùi Cầm Hổ đứng dậy chủ động bỏ tiền túi ra quyên góp thêm cho dân bị nạn. Những người khác thấy vậy cũng không muốn mang tiếng keo kiệt, trong túi còn bao nhiêu liền góp bấy nhiêu. Phạm Nguyên rất hài lòng, khen ngợi bá quan văn võ hết lời, thậm chí còn thổi một khúc nhạc tặng mọi người, đổi lấy một tràng pháo tay không dứt.
Cuộc vui đêm ấy kéo dài đến tận khuya, lúc ra về người người đều hồ hởi. Không hề biết rằng, suýt chút nữa thì một cuộc ám sát ngay trong hoàng cung đã xảy ra.
Mấy ngày sau, Phạm Nguyên ra lệnh thắt chặt việc canh gác trong cung. Đàn bà không có thẻ bài chứng minh chức tước đều không được cho vào, tránh tình trạng có kẻ gian nhân lúc đông người trà trộn vào cung. Hoạn quan, cung nữ nếu không có việc cũng không được lui đến các cung điện khác, trên người nếu mang theo đồ sắt, dù là một cái kim cũng phải tâu báo rõ ràng trước khi đến hầu vua. Một số tướng lĩnh canh giữ cửa cung liên quan đến sự cố đêm Trung Thu cũng bị bãi chức, đưa người khác lên thay. Dù vậy, việc thay đổi nhân sự này chỉ diễn ra ở các chức vụ không đáng kể, cao lắm cũng chỉ là phó tướng, nên không ảnh hưởng bao nhiêu đến các thế lực trong triều.
…
Ít lâu sau, Bùi Cầm Hổ bị Lê Sát gièm pha, phải chuyển đến làm An phủ sứ ở Lạng Sơn. Nguyễn Thiên Hựu vì có vài lời trái ý Phạm Nguyên, cũng xin cáo lão về hưu. Hai ngôn quan kì cựu đều không còn trong triều, những kẻ theo phe Lê Sát càng tác quai tác quái. Cuối năm, có lần ngôn quan Nguyễn Thiên Tước dâng sớ hặc tội một thủ hạ của Lê Sát là Tiền quân tổng quản Lê Thụ về việc vụng trộm buôn bán với người Ngô, tự tiện xây nhà cao cửa rộng, lấy vợ lẽ lúc nước đang có quốc tang. Tất cả đều là tội lớn, nhưng trước những lời tâu đỡ tội của các đại thần có thế lực trong triều, Phạm Nguyên chỉ phạt Lê Thụ ít tiền, đồng thời bắt ông ta bỏ người vợ lẽ vừa mới cưới.
Vừa mài mực cho Phạm Nguyên, tôi vừa lo lắng quan sát sắc mặt cậu ta, khẽ nói: “Bệ hạ, nếu trong lòng không thoải mái thì có thể ra ngoài chơi một chút, hoặc là đi săn.”
“Trẫm không sao.” Cậu ta thản nhiên đáp. “Đây cũng chẳng phải lần đầu.”
Nghe cậu ta nói thế, tôi cũng không dám có thêm ý kiến gì. Có lẽ cậu ta thích tôi, thậm chí là rất thích, nhưng trong việc bày mưu tính kế cậu ta vẫn thấy tôi chưa thật sự đáng tin, hoặc là không đủ năng lực để cậu ta trọng dụng.
Tôi không đủ thông minh để nhận ra tính toán của cậu ta, chỉ đủ quen thuộc đối với những thói quen của cậu ta để nhận ra những cảm xúc mà cậu ta che giấu. Ví dụ như khi vui, ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái của cậu ta sẽ hơi động đậy. Khi hào hứng, khuỷu tay của cậu ta sẽ co lại một chút. Khi buồn, bàn tay cậu ta sẽ cố tìm vật gì đó để chạm vào. Khi tức giận, ngón trỏ của cậu ta sẽ chậm rãi vẽ thành một vòng tròn. Liên hệ cảm xúc trong lòng cậu ta với cảm xúc mà cậu ta thể hiện bên ngoài, đồng thời xem xét những việc đang diễn ra, hoặc vừa mới xảy ra, ít nhiều tôi cũng đoán được một chút về phương hướng hiện tại của cậu ta. Đó là lợi thế mà những kẻ quyền uy khuynh đảo trong triều không có được. Chả trách, mấy ngày trước chẳng qua tôi chỉ vô tình chỉ hướng cho người khác tìm được con chó của Phạm thái phi thôi, bà ta đã ban thưởng cho tôi nhiều đến vậy. Xem ra trước khi muốn trở thành người được Phạm Nguyên tin cậy, tôi phải học theo cậu ta, chọn một vai diễn cho mình cái đã.
Nghĩ đến đấy, tôi khẽ mỉm cười, bước ra phía sau Phạm Nguyên: “Đố bệ hạ, má bên nào của thần dính mực?”
Cậu ta vừa định quay đầu, tôi đã vội ngăn: “Người không được nhìn, nhìn rồi còn đoán gì nữa chứ.”
“Đình Phương to gan, cả trẫm mà cũng đố.” Cậu ta hừ một tiếng, nhưng dĩ nhiên vừa nghe tôi đã biết cậu ta chỉ giả vờ tức giận thôi.
“Bệ hạ cứ đoán thử xem, nếu đoán đúng thì phạt thần sao cũng được.” Tôi cười hì hì đáp.
“Là tự ngươi hứa đấy.” Cậu ta nói xong thì im lặng một chút, sao đó tự tin lên tiếng: “Cả hai bên má của ngươi đều không dính mực.”
“Bệ hạ chắc chứ? Sẽ không thay đổi chứ?”
“Không.” Cậu ta khẳng định, trong giọng nói cũng không giấu sự hả hê đắc thắng.
“Ố ô ồ, bệ hạ thua rồi nhé. Má phải của thần có dính mực mà.” Tôi vừa nói vừa nhanh tay chấm giọt mực đọng trên ngón trỏ của mình lên má phải.
Cùng lúc đó, Phạm Nguyên nhanh như chớp xoay người lại, bắt gặp ngay tại trận màn gian lận của tôi.
“Ngươi lừa trẫm.” Cậu ta cất giọng đe doạ.
Tôi cúi đầu cười ngượng.
Cậu ta không nói không rằng, chấm mười đầu ngón tay vào nghiêng mực, từ từ áp sát tôi.
“Bệ hạ tha thần…bệ hạ…” Tôi chỉ muốn khiến cậu ta vui một chút thôi, chưa sẵn sàng bị cậu ta trả đũa đâu.
Cậu ta lắc lắc đầu, nhoẻn miệng cười xán lạn, hai bên má ẩn hiện hai lúm đồng tiền.
“Bệ hạ…” Tôi càng lùi ra sau, cậu ta lại càng sải bước dài hơn. Chẳng mấy chốc, giữa chúng tôi đã không còn khoảng cách.
Nhìn thấy bàn tay đầy mực của cậu ta giơ lên, tôi vội vàng nghiêng người né tránh, không ngờ lại mất đà ngã xuống sàn. Còn Phạm Nguyên, dường như vừa nãy có ý đỡ tôi nên vươn tay nắm vai tôi lại, rốt cuộc cũng ngã theo, lại còn đè sấp lên tôi.
Bàn tay cậu ta vô tình chạm vào ngực của tôi, khiến tôi giật thót người.
Mấy ngày nay, hình như ngực tôi… ngực tôi…
Cậu ta nhìn tôi không chớp mắt. Tôi nhìn ánh mắt kì lạ của cậu ta, trong lòng sợ đến nỗi tim suýt chút nữa nhảy ra ngoài.
“Bẩm bệ hạ, Phạm thái phi mời bệ hạ đến cung Vạn An.” Sự xuất hiện của tổng quản Cung cuối cùng cũng giúp tôi thoát khỏi tình trạng ngay cả thở cũng không thở nổi kia.
Phạm Nguyên làm ra vẻ không có gì, ung dung đứng dậy phủi phủi tay, ra lệnh cho tôi thay quần áo cùng cậu ta đến chỗ Phạm thái phi.
…
Lúc đến nơi, nhìn những gương mặt xa lạ má đỏ môi hồng xinh xắn quỳ thành một hàng dài trước cửa cung, tôi không khỏi ngẩn người. Ngay cả Phạm Nguyên cũng vậy.
Người đàn bà này chẳng lẽ không kiên nhẫn được, muốn dùng con đường hậu cung để xây dựng thế lực cho mình, khống chế Phạm Nguyên?
Cậu ta mới có mười hai tuổi!
Chú thích:
(1)
Đồng tri bạ tịch Bắc đạo Bùi Ư Đài thấy trời sinh nhiều tai dị, dâng sớ nói 4 điều.
-Điều thứ nhất đại ý nói: Xin bệ hạ bên trong thì kén chọn các bậc hoành huynh, quốc cữu, các bậc bô lão am hiểu điển chế xưa, giữ làm thập nhị để khuyên răn nhắc bảo mình; bên ngoài thì đặt chức sư phó để làm trụ cột, chỉ huy trăm quan.
-Điều thứ hai đại ý nói: Những quan viên văn võ, quân lính và dân chúng trước kia bị tội đày đi các nơi, đó là cách trừng trị của Tiên đế đối với chúng. Nay lại thấy chúng trở về làm quan, nắm quyền coi quân trị dân, thế là trái với ý của Tiên đế, không hợp với đạo của trời đất.
(2)
Cuối tháng 5, triều đình điều động thợ xây dựng chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, Sư Đãng phải làm lụng vất vả, nói vụng rằng:
“Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế”. Bị người cáo giác.
Đại tư đồ Lê Sát giận lắm. Quan thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói:
“Nó dám nói càn đến việc nước, nên chém”.
Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ đều xin tha tội chết, vua sắp nghe theo, thì Sát nói:
“Trước đã nghe lời bọn Thiên Hựu không giết Nguyễn Đức Minh, để rồi nó bỏ thư nặc danh vu cho nhau, nay lại định tha thằng này thì làm thế nào cho đứa khác răn sợ?”.
Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa. Bèn chém Sư Đãng. Ngay hôm ấy vừa gặp có mưa nhỏ. Hôm sau, Sát nói trong triều rằng:
“Nếu nghe lời ngôn quan, làm gì có trận mưa ấy?”.
Lê Ngân nói: “Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ có điều xương người chất đầy đường khó đi thôi”.
Trích “Đại Việt Sử Kí Toàn Thư”