Chương 16: Thiếu nữ
Phạm thái phi ngồi chờ suốt một canh giờ, cho nội thị chuyển lời mấy lần không được, cuối cùng đành thất vọng quay về. Trưa hôm sau, bà ta lại dẫn theo cả Trịnh thái phi cùng đến. Tôi sợ chuyện này làm lớn sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của Phạm Nguyên, nên khuyên cậu ta nhún nhường một chút. Phạm Nguyên nghe vậy chỉ cười nhạt, cốc đầu tôi, bảo: “Mới hôm qua còn tức đến nỗi cầm đất ném người, hôm nay đã chịu nghe khuyên, ngươi không thấy cơn giận của trẫm đối với những lời của Lý Thị Hoa dịu xuống như vậy là quá nhanh sao?”, nói xong liền đá ghế, sai bọn nội thị đóng chặt cửa trước, không cho hai người ấy tiến vào.
“Xem ra bệ hạ nên chuẩn bị tinh thần nay mai nghe ngự sử trong triều dâng sớ là vừa.” Tôi cười trêu Phạm Nguyên, thậm chỉ còn bạo gan nhón lấy một xâu mứt trong khay của cậu ta.
“Mấy năm nay Phạm thái phi cai quản hậu cung, tai mắt trải khắp nơi.” Cậu ta đánh khẽ tay tôi một cái, sau đó cũng tự phục vụ mình bằng một xâu mứt khác, ánh mắt dần trở nên nghiêm túc. “Trước đây trẫm cần bà ta tác động phụ hoàng trong việc truyền ngôi, nên thế lực của bà ta càng nhiều thì trẫm càng có lợi. Nay trẫm đã lên ngôi, không cần dùng đến bà ta nữa, thế lực hậu cung của bà ta ngược lại sẽ trở thành nguy cơ của trẫm.”
“Nếu có người dâng sớ phê bình hành vi của bệ hạ trong cung, chúng ta có thể thông qua đó mà dần dần tra ra kẻ nào trong điện Trường Xuân lan truyền những việc ấy ra ngoài?” Tôi không dùng chữ ‘bệ hạ’, mà cố tình dùng chữ ‘chúng ta’.
“Ừm.” Cậu ta gật đầu. “Tuy là số lượng tra ra có lẽ cũng không đáng kể.”
“Nếu vậy, thần chỉ sợ bứt dây động rừng.” Tôi lo lắng nói. “Chỉ vì tra ra vài tên mà khiến bà ta quyết định dốc toàn lực đối phó người, thần cảm thấy hại nhiều hơn lợi.”
“Trẫm cũng đâu nói sẽ làm gì bọn ấy.” Cậu ta nhún vai.
“Bệ hạ, người chưa đủ lông đủ cánh, dù có ghét bà ta cũng đừng nên manh động đấy.” Tôi lay lay tay cậu ta, vừa can ngăn vừa nài nỉ. “Cứ cho bà ta sung sướng thêm một vài năm, có như vậy sau này bà ta rơi vào cảnh khổ, nhớ lại quá khứ vinh quang mới thấy khổ thêm gấp nghìn lần.”
Cậu ta không đáp, chỉ mỉm cười rồi thô bạo vò đầu tôi thành ổ quạ.
Sau đó chúng tôi chơi kéo búa bao, ai thua vẽ mặt.
Toàn tôi thua cả.
…
Đúng như chúng tôi dự đoán, chưa đầy ba ngày sau, một tờ sớ từ Ngự sử đài do ba ngôn quan Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ cùng nhau soạn thảo đã nằm chiễm chệ trên bàn của ngự thư phòng.
Tôi nhận lấy tờ sớ từ tay Phạm Nguyên, chăm chú đọc, đọc xong thì không khỏi ngỡ ngàng, ngước lên hỏi cậu ta: “Những việc này… Đều đúng sự thật sao?” Cậu ta đầy tự hào gật đầu liên tục. Còn tôi thì muốn xỉu.
Ngoài việc không chịu gặp Phạm thái phi cùng Trịnh thái phi, trước đó cậu ta còn phớt lờ các Nho thần do quan lại tiến cử, không chịu học mà bỏ ra ngoài câu cá, bắn chim, chơi đánh trận giả với bọn hoạn quan. Đến khi có thị vệ đến can ngăn, cậu ta còn giương cung bắn vào người ấy, may mà vết thương không nặng. Bà nữ quan già biết chuyện liền đến nhắc nhở vài câu, khổ nỗi ông trời con này nghe xong nào có biết nhận lỗi là gì, lại còn nhái theo dáng đi lặc lè lặc lè của bà ta để trêu bà ta béo. (1)
Những việc này có lẽ xảy ra lúc tôi đang có giờ học ở Quốc Tử Giám, nên giờ tôi mới biết. Có điều biết rồi, dù chính tai nghe cậu ta thừa nhận, tôi vẫn thấy không tin nổi. Có lẽ hình ảnh một Phạm Nguyên già dặn, trầm tĩnh với ánh mắt đượm buồn những ngày đầu lúc mới tiến cung đã in quá sâu vào tâm trí tôi rồi.
“Bệ hạ, như thế là không tốt.” Tôi đặt tờ sớ xuống bàn, chau mày nhìn cậu ta đầy trách móc. “Thần biết trước đây vì muốn được truyền ngôi người đã phải kềm chế rất nhiều, giờ muốn tự bù đắp cho mình. Thần cũng biết Lê Văn Linh là người của Lê Sát nên người ghét, không muốn học ông ta, cả bà nữ quan, rồi tên thị vệ kia cũng vậy, nhưng người hành xử như thế lâu ngày sẽ thành quen, sau này sẽ không biết kiên nhẫn chờ thời, sẽ buông thả bản thân, thậm chí khiến những đại thần có ý trung thành cũng xa lánh người, không muốn phụng sự cho người nữa.”
Cậu ta liếc nhìn tôi, rồi lại nhìn sang hướng khác, huýt sáo ra vẻ chẳng quan tâm.
Một ý nghĩ trong đầu tôi chợt lướt qua.
“Người đóng kịch?” Tôi chống hai tay lên bàn, kề sát mặt cậu ta, nghiêm giọng.
“Giờ mới đoán ra, khiến trẫm thật thất vọng.” Cậu ta bất ngờ đứng dậy, cụng đầu vào trán tôi một cái khiến tôi đau điếng. “Lại còn dám mắng oan trẫm nữa.”
“Tại hôm nọ người dùng quả mơ đè trí thông minh của thần đấy chứ.” Tôi ấm ức đáp. “Làm thần ngu mất một nửa rồi. Cũng may là còn đoán ra câu đố của bệ hạ về Lý Thị Hoa, nếu không thì bị người ném cho cuốn chiếu ăn rồi.”
“Đoán không ra thì tức là ngốc đến nỗi cả cuốn chiếu cũng chẳng thèm ăn đâu.” Cậu ta lại được dịp trêu tôi.
Tôi len lén thè lưỡi báo thù.
Lúc Phạm thái phi cho gọi đám con gái đại thần kia vào cung, Phạm Nguyên vẫn còn đang để tang tiên đế. Trong thời kỳ tang chế, phận làm con không thể kết hôn, nếu không sẽ bị xem là bất hiếu. Vì vậy, mục đích của Phạm thái phi ngày ấy khi cố tình nói tốt, rồi giới thiệu Bùi Quý Nhân cho Phạm Nguyên vốn cũng chẳng phải tốt đẹp gì. Bà ta muốn gieo vào lòng Phạm Nguyên hứng thú đối với Bùi Quý Nhân, sau đó tạo điều kiện cho hai người qua lại, rồi dùng miệng lưỡi kẻ khác vu cho Bùi Cầm Hổ tội xui con gái quyến rũ vua nhỏ lúc vua vẫn còn để tang cha. Việc này dù không đủ để quy thành tội đi chăng nữa, đối với tiếng thơm trước giờ của Bùi Cầm Hổ cũng vô cùng tai hại, đồng thời trở thành cái cớ để sau này Bùi Quý Nhân không còn tư cách ứng tuyển phi tần. Phạm Nguyên tỏ ra thích Lý Thị Hoa thay vì Bùi Quý Nhân, chẳng qua chỉ là dùng gậy ông đập lưng ông. Có trách thì trách nhan sắc Lý Thị Hoa quá nổi bật, nên việc gọi cô ta vào cung trở thành sơ suất lớn nhất của Phạm thái phi.
Thật ra lúc ấy Phạm Nguyên cũng không biết Lý Thị Hoa là người của Phạm thái phi, chỉ là linh cảm việc bà ta nhắc đến Bùi Quý Nhân có thể có âm mưu nên muốn tìm một con dê để tế thần, mà nhan sắc của Lý Thị Hoa lại là một lý do khá hoàn hảo, nên cậu ta liền thử một phen. Tôi nghĩ Phạm thái phi cũng vì quá tự tin, cho rằng bản thân sẽ dễ dàng khống chế được dư luận trong hậu cung, nên mới dám để Lý Thị Hoa ở lại mà không sợ rơi vào chính cái bẫy mình giăng, hoặc cũng có thể bà ta muốn dùng nhan sắc của đứa cháu này để do thám xem Phạm Nguyên có dễ khống chế không. Chỉ là, bà ta không sao ngờ được Phạm Nguyên lại vào vai một quân vương trẻ đam mê nữ sắc quá nhiệt tình. Chẳng những đòi thăng chức cho cha của Lý Thị Hoa dù người này công cán chẳng bao nhiêu, mà còn cãi nhau với bá quan, khiến cả triều văn võ đều bàn tán xôn xao.
Vụ lần này chẳng những đã giúp Phạm Nguyên loại trừ được một vây cánh tương lai của Phạm thái phi, mà còn tạo điều kiện cho cậu ta đẩy vấn đề đi xa hơn, điều tra ra những cung nữ, nội thị một dạ hai lòng. Có điều, dù sao tôi vẫn thấy việc này sẽ khiến Phạm thái phi cảnh giác, muốn nhanh chóng tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong hậu cung, bù lại vị trí phi tần tương lai đã vụt khỏi tay Lý Thị Hoa. Nếu Phạm Nguyên xử lý không khéo, e rằng cậu ta sẽ bị cô lập cả trong triều lẫn trong cung.
Phạm Nguyên đọc được thêm vài tờ sớ nữa thì nội thị ngoài cử thông báo Phạm Vấn, Lê Sát và Lê Ngân đang chờ bên ngoài để bàn về việc duyệt quân. Phạm Nguyên phất tay bảo tôi lui, sau đó gọi Đinh Thắng, tên nội thị vừa mới chuyển đến tháng trước vào hầu. Từ sau lần bị ám sát trên núi Tử Trầm, tôi cảm giác Phạm Nguyên dường như đang xa lánh tổng quản Cung.
…
Nhân lúc Lê Sát còn đang bàn việc trong ngự thư phòng, tôi chạy vội về điện Trường Xuân, xộc vào bếp lấy bao trứng cút ban sáng nhờ người ta luộc để mang theo ăn lấy sức. Trước giờ tôi học võ không tốt lắm, mà Lê Sát lại là dũng tướng có tiếng trong triều. Đây là buổi học đầu tiên, tôi không muốn lát nữa ông ta nổi trận lôi đình vì thấy tôi quá kém.
Đang say sưa ngồi trộn muối tiêu, tiếng bước chân vững chãi bất ngờ vang lên phía sau chợt làm tôi luống cuống. Tôi nhét nhanh tay gói muối tiêu vào bao trứng cút, rồi đứng dậy xoay người cúi chào Lê Sát theo lễ của người học võ.
Ông ta nhìn chiếc bao giấy trong tay tôi, nheo mắt hỏi: “Mày đến giờ mới ăn à?”
“Bẩm, ban nãy vội theo thánh thượng đến ngự thư phòng nên con chỉ ăn trưa được một chút, sợ đói nên mang theo trứng cút để ăn thêm ạ.” Tôi cố ra vẻ đáng thương, thầm mong lát nữa biểu hiện có kém quá ông ta cũng mủi lòng mà không phạt nặng.
“Thế thì ăn cho hết đi rồi học.” Ông ta ôn tồn lên tiếng.
“Thưa con cũng no rồi ạ.” Tôi lễ phép đáp. “Quan đại tư đồ bận nhiều việc, con không dám phí thời gian của ngài ạ.”
“Bảo ăn thì cứ ăn đi.” Giọng ông ta trong thoáng chốc liền trở nên cứng rắn. “Đừng có giở thói miệng lưỡi, khách sáo của bọn bút nghiên, ta ghét lắm.”
“Vâng.” Tôi không dám nói nhiều, chỉ mở bao trứng cút ra, vội vội vàng vàng lột cho xong.
Tuy Lê Sát bảo không ưa chuyện khách sáo, nhưng tôi thấy ăn một mình trước mặt người lớn hơi vô lễ quá, nên quyết định đưa ông ta một quả: “Con mời ngài ăn lấy thảo ạ.”
May mà ông ta nhận.
“Lúc nhỏ nhà ta nghèo, có được trứng cút ăn đã là quý lắm, nên ta cũng rất thích ăn trứng cút.” Những vết nhăn hằn sâu trên trán ông ta chợt giãn ra, đáy mắt ẩn hiện một nụ cười.
“Vâng ạ.” Tôi không biết phụ hoạ thế nào, đành đáp một tiếng như thế cho có lệ.
“Nay lũ trẻ bọn mày được cơm no áo ấm hơn lứa bọn ta thì càng phải biết phấn đấu, không được vì phú quý mà sinh ra ẻo lả yếu đuối. Hiểu chưa?” Ông ta đột nhiên chuyển sang giọng sang sảng như đang ra lệnh trong quân đội khiến tôi giật thót cả người.
“Hiểu ạ.” Tôi gật đầu như gà mổ thóc.
Ăn xong, tôi theo lệnh Lê Sát biểu diễn lại những chiêu kiếm từng học trong cung cùng với Phạm Nguyên lúc trước, kết quả là dường như không có chiêu nào không bị ông ta bắt lỗi. Thấy khởi đầu của tôi còn quá nhiều sơ sót, ông ta bắt tôi múa lại những đường cơ bản, rồi chỉnh từng dáng cầm, thế đứng. Tôi cũng vì vậy mà bị ông ta dùng vỏ kiếm gõ vào cổ tay, bắp chân liên tục, đau đến nỗi như sắp sưng lên.
Sau đó, càng lúc càng đuối sức.
“Sắc mặt mày kém quá, hôm nay tập đến đây thôi.” Một câu của ông ta vừa ra, tôi liền cảm giác mình giống như vừa được kéo lên từ dòng nước xiết.
Tôi trở về với tấm thân mỏi rã rời, chưa kịp thay quần áo đã phóng lên giường đánh một giấc đến tận lúc mặt trời xuống núi. Tối đến, Phạm Nguyên gọi tôi qua phòng hầu đọc sách, nhưng tôi chỉ đứng được một lúc đã thấy mệt không chịu được, bèn xin cậu ta cho nghỉ sớm. Đến đêm, lại tiếp tục trằn trọc mãi không ngủ được mà chẳng hiểu tại sao.
Sáng hôm sau, giật mình thức dậy, tôi đã không còn là Đình Phương ngày trước nữa.
…
Ngày hai mươi hai tháng giêng năm Thiệu Bình thứ hai, tôi có kinh nguyệt lần đầu. Tôi hốt hoảng nhìn chiếc khố vải lấm tấm vết máu tươi, sau đó lại tự trấn tĩnh mình bằng những điều đã đọc trong sách y, lòng có chút tự hào vì mình không giống những đứa con gái khác – vì không biết gì nên khóc đến chết đi sống lại khi lần đầu tiên nhìn thấy những vết máu này.
Mỗi ngày tôi chỉ có một suất nước nóng dành cho việc tắm rửa được cung nữ mang đến vào chiều tối, còn lại thì phải tự làm, nên lúc nhìn ra sân thấy trời vẫn còn tranh tối tranh sáng, xung quanh chẳng có ai, tôi liền nhanh chóng chạy ra giếng lấy một thau nước đầy rồi khoá cửa trong phòng lau rửa. Đầu năm tôi được thưởng mấy xấp lụa đen để may quần áo Tết, đến giờ vẫn chưa dùng, nên tôi lấy ra thấm máu tạm, sau đó chong đèn đọc sách chờ trời sáng. Không ngờ, trời càng sáng, máu dưới thân lại chảy càng ào ạt, bụng cũng đau âm ỉ không dậy nổi.
Sách có nói một khi kinh nguyệt đến sẽ chảy máu, nhưng lại không nói sẽ chảy bao nhiêu; cũng có nói sẽ đau, nhưng lại không nói sẽ đau đến thế nào. Thế nên một đứa tự tin như tôi vốn tưởng rằng mình biết tất cả, hoá ra, lại như chẳng biết gì.
Mấy mảnh lụa tôi dùng để thấm máu chẳng mấy chốc đã ướt đẫm, phải thay hết tấm này đến tấm kia. Tôi đoán có lẽ đàn bà con gái vào những ngày này sẽ dùng thứ gì đó khác thay vì lụa, nhưng bụng tôi càng lúc càng đau, lại buồn nôn nên chẳng suy nghĩ được gì. Chỉ đột nhiên nghĩ, nếu lúc này có mẹ ở bên thì tốt quá. Dù bà không yêu thương tôi đi nữa, bà cũng sẽ không để tôi phải khổ sở thế này.
Hoàng cung rộng lớn, người tôi quen vô số, nhưng tôi lại không thể hỏi ai. Tôi không tin ai được. Ngay cả người thân với tôi nhất là Phạm Nguyên, tôi cũng không thể nói.
Đây là cái giá của danh vọng mà tôi đang theo đuổi sao?
Tôi cắn môi, tự cười mình ngốc. Buồn thì cũng có giải quyết được gì đâu.
Tôi quyết định nghỉ học, nằm trong phòng đọc sách y. Đáng tiếc, những quyển sách tôi mang theo từ nhà chỉ có thể giúp tôi tạm quên đi cơn đau một chút, chứ chẳng thể dạy tôi tiếp theo phải làm gì. Suốt từ sáng đến trưa, tôi chỉ có giặt vải, đọc sách, rồi giặt vải, ngay cả giờ ăn cũng không thể xuống bếp để ăn, ôm bụng đói đến chiều.
“Đình Phương, bệ hạ gọi cậu theo hầu đến ngự thư phòng đấy.” Chiếc bóng ngoài cửa của Đinh Thắng khiến tim tôi run lên vì sợ.
“Tôi hình như ăn trúng thứ gì đó, cứ đau bụng mãi, chắc là không hầu bệ hạ được rồi.” Tôi rên rỉ đáp. “Anh làm ơn xin phép bệ hạ giúp tôi.”
“Có nghiêm trọng không? Hay là xin bệ hạ mời ngự y đến xem?” Đinh Thắng tỏ vẻ quan tâm.
“Thôi thôi, thứ bệnh này có vẻ vang gì mà mời ngự y, tôi nghĩ đi nhà xí vài lần là khoẻ.” Tôi đáp.
Đinh Thắng thấy vậy cũng không hỏi thêm gì nữa. Tôi lại tiếp tục nằm lì trên giường.
Giờ là thời điểm điện Trường Xuân nhiều người qua lại, tôi không thể ra ngoài. Ngay cả thau nước đã nhuốm đầy máu tanh kia tôi cũng không dám mang đi đổ. Chỉ có thể chờ.
…
Cơn đau nơi bụng dưới của tôi sau khi mặt trời lặn rốt cuộc cũng dịu đi đôi chút. Tôi bước xuống giường, he hé cửa sổ nhìn ra sân xem có ai không để còn tranh thủ đổ thau nước kia đi, nhưng vừa chạm tay vào cánh cửa đã nghe tiếng cô cung nữ mang nước nóng bên ngoài.
“Phương ơi, chị Điệp đây, có nước rồi này.”
Tôi cuống cuồng thu dọn những mảnh lụa vừa mới giặt còn treo la liệt ở đầu giường. Cửa phòng đang khoá, tôi không thể giả vờ là mình không có trong phòng được. Dù giả vờ ngủ, tôi nghĩ người ngoài kia cũng sẽ gọi cửa cho đến khi nào tôi mở mới thôi.
“Dạ, chị chờ em một lát!” Tôi đáp bằng một giọng ngái ngủ. Sau khi kiểm tra cả thau nước lẫn những mảnh lụa kia đều đã được cất vào nơi kín đáo, tôi mới yên tâm ra mở cửa.
Cô cung nữ kia làm việc này cho tôi cũng đã hơn hai năm nên động tác rất thành thạo, chỉ một loáng đã đổ đầy chỗ nước nóng vào bồn. Có điều, tôi cảm giác ánh mắt chị ta lúc rời đi hơi là lạ.
Cũng có thể là tôi có tật nên giật mình.
Đợi chị ta đã đi xa, tôi len lén mở cửa đổ chỗ nước bẩn kia xuống bãi cỏ trước phòng, sau đó lại đóng chặt cửa lại, quan sát cẩn thận rồi mới cởi quần áo để lau người. Máu vẫn còn chảy nên tôi không thể tắm trong bồn được, chỉ múc ra thau rồi dùng vải để lau, sau đó mang đi đổ. Một canh giờ sau, cô cung nữ kia lại quay trở lại để giúp tôi đổ nước trong bồn.
Trăng đã lên cao…
Tôi nằm xuống giường, định chợp mắt, nhưng tim cứ đập mạnh mãi không ngủ được.
Lúc nãy khi lau người, có ai đứng ngoài không? Lúc nãy khi đổ nước, có ai đứng ngoài không? Những câu hỏi ấy cứ quấn lấy tôi.
Đột nhiên, những lời mấy hôm trước của Phạm Nguyên lại văng vẳng bên tai tôi, khiến tôi rùng mình vì sợ: “Tai mắt trong cung của Phạm thái phi trải khắp nơi.”
Tôi có một linh cảm chẳng lành.
Chú thích:
(1)
Ngày 21, Ngôn quan là bọn Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ nói:
“Tiên đế dầm mưa dãi gió, mình mang giáp trụ, lao thân khổ trí, hơn mười năm trời mới dẹp yên thiên hạ. Bệ hạ kế thừa cơ nghiệp đã có sẵn rồi, nên lưu ý tới học thuật, năng tìm nhân tài để lo trị nước thành công.
Nay đại thần tiến cử Thiếu bảo hữu bật vào hầu giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, thế là một điều không nên. Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thầy để vâng mệnh dạy bảo trong cung, bệ hạ khinh rẽ, mắng chửi mà không nghe, thế là hai điều không nên. Đến như thần phi, huệ phi là bậc dì, vào cung răn dạy, thì bệ hạ sai đóng cửa trước mà không cho vào, thế là ba điều không nên. Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn, thì bệ hạ không nghe, lại lấy cung bắn người ấy, thế là bốn điều không nên. Tiên đế lựa chọn con em công thần sai vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ đều xa lánh họ mà nô đùa với bọn hầu hạ gần gũi ở trong cung, thế là năm điều không nên. Người làm vua phải tìm người tài giỏi biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có công lao mà thưởng họ, nay bệ hạ lại vui đùa với bọn hoạn quan nói rồi thưởng cho chúng, thế là sáu điều không nên.
Thần chờ tội ở chức trách ăn nói, dám đâu không trình bày, xin bệ hạ trong khi coi chầu, hoặc tiếp xúc với các vị đại thần, hoặc nghe các quan tâu việc, phải ngay ngắn, trang nghiêm, lấy dung nghi cung kính của Thiên tử mà kính trọng bậc đại thần, úy lạo người có công, nghe lời nói thẳng, mở đường cho người nói thẳng để thấu hiểu tình hình bên dưới, thì lời khen “bậc đại hiếu biết nối chí kế nghiệp” không chỉ chuyên để khen Thành Vương, Thái Giáp mà thôi”.
Vua xem sớ giận lắm, vặn hỏi. Bọn tả hữu học Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối đi khắp nhà bọn Thiên Tước chất vấn, bắt nói tên người tố ra các việc nói trong sớ và trách mắng bọn họ.
Thiên Tước trả lời: “Những điều đó do Đồng tổng quản Bắc Giang hạ vệ Lê Lãnh nói với thần đấy. Bọn thần cốt sao yêu vua, làm hết chức trách mà thôi, dù chết cũng không sợ”. Bọn Cảnh Xước mới thôi.
Hôm sau, Thiên Tước vào chầu, tâu rằng:
“Ngu Thuấn là bậc thánh nhân mà Bá Ích còn lấy sự chơi bời lười biếng để khuyên răn, Đường Thái Tông là bậc vua hiền, mà Ngụy Trưng vẫn đem mười điều thấm dần mà phòng giữ. Bọn thần tủi nhục giữ chức ăn nói, chỉ sợ nhà vua có lỗi lầm, nên hết lòng ngu dại khuyên can. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ kiếm củi, làm nghề, cũng đều trổ hết khả năng mà thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng vậy”.
Vua nguôi giận, bọn Thiên Tước lại giữ chức cũ.
(Trích Đại Việt Sử Kí Toàn Thư)