Lâm Phương Lam
Gà con
Re:
Văn học Việt Nam.
Mình đồng ý với bạn. Trong nước, mình chê trách nhau, nhưng khi ra thị trường quốc tế, các bạn phải biết đoàn kết và bênh vực, bằng không, người ta lại bảo "gà nhà mổ lưng gà nhà" ấy.Đọc qua topic này, hình như có mỗi mình là... có thiện cảm với văn học Việt Nam thôi nhỉ.
Nhưng mà, có lẽ, cái khái niệm về "Văn học Việt Nam" trong tiềm thức của mình cũng tương đối khác biệt. Không phải cứ tác phẩm truyện/ thơ/ tiểu thuyết/ kí... nào mình cũng coi là "văn học". Vì với mình, "văn học" phải đi đôi với "nghệ thuật". Tác phẩm mà không có giá trị "nghệ thuật", thì mình không coi là "văn học".
Nghệ thuật ở đây là gì? Nó chính là những nét đẹp ở tác phẩm, có thể nằm ở nội dung, ở hình thức, hoặc ở chính bên trong tư tưởng của tác giả, nhưng phải khiến cho độc giả cảm thấy rung động sâu sắc. Nếu vẻ đẹp nằm ở nội dung, thì nó phải có giá trị hiện thực, hay có giá trị nhân văn để khơi gợi được lòng trắc ẩn, hay những tình cảm tốt đẹp ẩn sâu bên trong mỗi con người. Bản thân mình luôn tìm được điều này khi đọc những truyện ngắn của Thạch Lam. Những áng văn thơm tho và sạch sẽ của ông luôn khiến mình phải tự nhìn nhận lại cuộc sống cùng những giá trị nhân sinh quan của bản thân hiện tại.
Còn vẻ đẹp nằm ở hình thức, thì nó phải được thể hiện qua những không gian đẹp đẽ, những hình ảnh văn chương đậm tính ước lệ, ẩn dụ... Cái này thật khó giải thích, nhưng như mình cảm nhận, thì ở thế kỷ trước, không thiếu các tác phẩm đầy ắp tinh thần nghệ thuật như vậy. Không chỉ riêng văn xuôi, mà cả thơ ca nữa. Truyện Kiều, hay những tác phẩm của Trịnh Công Sơn sau này, đối với mình chính là "nghệ thuật".
Tất nhiên, "văn" mà còn chứa đựng được cả tầm nhìn của tác giả, thành hành trang dẫn lối cho cả một thế hệ thì còn gì bằng. Nhưng điều này có lẽ chỉ nên nhận xét theo từng giai đoạn lịch sử nhất định. Ví dụ như, rất nhiều tác phẩm ở thế kỷ trước, người đọc phải tự đặt nó trong cái xã hội đương thời mới có thể cảm thấy tầm nhìn "mang tính thời đại" của tác giả. Còn bản thân mình, đôi lúc cũng phải tìm đọc các bài bình luận, phê bình của những nhà chuyên môn để có thể cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Chứ nhiều khi chỉ bằng con mắt của thế hệ sau, thật khó đánh giá chính xác được giá trị của tác phẩm nào đó thời kỳ trước.
Với dòng văn học hiện đại trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, thú thật là mình chưa đọc quá nhiều. Nhưng để kể tên ra những thứ đáng gọi là "văn học" cũng không hề ít. Nguyên tập san báo "Nữ sinh" - phát hành tầm thập niên cuối cùng của thế kỷ trước chính là một ví dụ điển hình. Tất cả đều do các bạn trẻ trong lứa tuổi học sinh sinh viên viết. Nhưng truyện ngắn nào, bài thơ nào, thậm chí đến từng tấm ảnh cũng đều mang đậm hơi thở cuộc sống, với lối viết chân thật và duyên dáng vô cùng. Một trong những điều khiến mình hối tiếc nhất là khi đó vẫn chưa đủ lớn để biết tới và sưu tập đủ bộ tập san này. Để tới bây giờ, thực sự, tìm không nổi!
Hiện giờ, các tác phẩm Việt Nam xuất bản, phần nhiều là "truyện teen". Thực ra mình không ác cảm với thể loại này, vì nếu như mọi người mặc định truyện teen là truyện có hệ thống nhân vật trong lứa tuổi học trò, thì chẳng phải cái báo "Nữ sinh" mình mê muội kia cũng chỉ toàn là truyện teen thôi đó sao?! Thế nên, ngoại trừ những truyện teen lai ngôn tình Trung Quốc mà nhân vật quá ảo, lời thoại như ngôn ngữ ngoài hành tinh, thì mình vẫn xếp những câu chuyện về lứa tuổi học trò này vào hàng "đọc được", và đọc nhiều nữa là khác; dù khó có thể gọi nó là "văn học" khi giá trị nghệ thuật còn tương đối mờ nhạt. Đa phần mọi người đọc để giải trí, chứ không để ghi nhớ hay ấn tượng. Nhưng trong đó, nhiều khi chúng ta vẫn có thể nhặt được những thông điệp nhẹ nhàng và gần gũi với thực tại, đúng với những vấn đề mà những người trẻ đang gặp phải bây giờ. Ví dụ như "Lãng tử gió" của Hồng Sakura chẳng hạn.
Nói chung, có lẽ mình còn khá cổ hủ khi thời điểm hiện tại, mình chỉ mong muốn đọc những câu chuyện đời thường ở các tác giả Việt. Những tác phẩm thuộc đề tài khác như kinh dị, trinh thám, cổ đại... thì có lẽ cần thêm thời gian để định hình phong cách. Chúng ta không thiếu tư liệu và những viên gạch để dựng nên chúng. Quan trọng là sự say mê tìm tòi và biết chắt lọc những gì phù hợp nhất. Hy vọng rằng với sự đầu tư của mọi người, trong tương lai không xa, Việt Nam cũng sẽ có hệ thống các tác phẩm đồ sộ mang bản sắc và văn hóa riêng của nước mình.