He he, nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu nét đẹp trong văn Thạch Lam, bạn nên... tìm đọc các bài bình luận của những nhà chuyên môn về chúng.
Hay đơn giản nhất, là hỏi cụ google. Tất nhiên, đó là khi bạn "có nhu cầu".
Như mình đã nói, các tác phẩm nhất là ở thời đại trước, chứa đựng nhiều giá trị mà thế hệ đi sau khó cảm nhận được chỉ sau vài lần đọc. Muốn hiểu nó, phải "học". Có nhiều tác phẩm, mình chỉ thực sự thấy rung động sau khi đọc qua những bài bình giảng. Những nhà phê bình bằng góc nhìn của họ đã chỉ ra những cái hay trong tác phẩm, mà với tầm hiểu biết của mình thực sự không thể cảm thụ được hết.
Trong truyện ngắn của Thạch Lam, mình thích không gian văn nền nã và tinh khiết ông vẽ ra, rất đặc trưng cho những miền quê đồng bằng Bắc Bộ. Văn của ông tinh tế, đậm chất thơ, đầy ắp giá trị hiện thực và nhân đạo. Ví dụ như truyện "Hai đứa trẻ": Rõ ràng, đây không hẳn là một câu chuyện. Không có mở đầu, chẳng có cao trào, cũng không có kết thúc. Từ đầu đến cuối chỉ miêu tả một nửa cảnh sinh hoạt của hai chị em Liên ở một phố huyện nghèo. Truyện có tiết tấu chậm, buồn, không gian truyện buồn chán đến nghẹt thở. Hồi đọc xong, mình bị ám ảnh bởi sự tăm tối ấy. Tăm tối từ cách ông miêu tả trời về chiều, với đèn dầu leo lét và cái bức bối nóng nực. Tăm tối đến từng mảnh đời không tên, có thể thấy được ở bất cứ đâu như nhà chị Tý, bà Thi, người hát xẩm. Quanh đi quẩn lại chỉ với cuộc sống mưu sinh lê thê, đến lay lắt. Nhưng chính "chuyến tàu" cuối ngày lại là điểm sáng duy nhất, níu kéo lại sự vui mừng còn sót lại trong những tâm hồn đang dần tàn lụi.
Thực sự, mình không phải tác giả nên không rõ ông chính xác đã gửi gắm gì qua hình ảnh "đoàn tàu". Nhưng theo cảm nhận của mình, đó chính là hy vọng. Hy vọng về những tháng ngày tươi đẹp hơn sẽ tới. Dù có là những mảnh đời nhỏ bé đang bị chôn vùi trong chuỗi ngày ngột ngạt ở phố huyện, họ vẫn cố gắng thức đợi tàu, ngày nào cũng như ngày nào, như chờ đợi một tia sáng cuối cùng trong đêm đen. Đó chính là giá trị nhân văn của truyện.
Nói chung, mình thích văn học Việt Nam xưa cũng vì một điểm, nó không hề có chút xíu gì tính câu khách. Nghệ thuật, hoàn toàn là nghệ thuật. Và quan trọng hơn cả, đó là nghệ thuật vị nhân sinh. Văn chương có tác dụng gì nếu như không làm cho độc giả cảm nhận được hơi thở của cuộc sống, khơi gợi cho họ những tình cảm tốt đẹp chứ nhỉ?!