Ấp tập viết

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.009
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Ba người đàn ông Tuệ San mới gặp trong tháng này đều thuộc tuýp người cô không sao chấp nhận nổi. Có thể hình dung những lý do tạo nên hành vi của họ bằng một số sự kiện xảy ra trong đời, nhưng kể cả thế, Tuệ San cũng khó lòng nào mà ngồi lại chuyện trò, hay hơn thế, trở thành người thân thiết, lắng nghe giãi bày với họ. Điểm chung của cả ba là bằng cách này hay cách khác, họ đều muốn cô tôn sùng họ.

Người đầu tiên là một người họ hàng xa đã rất lâu không thấy xuất hiện. Chú đã rời nơi ông bà và các bác sinh sống để lập nghiệp. Sau nhiều năm biệt tích, nay chú trở về với một xí nghiệp nhỏ sản xuất thép đang ăn nên làm ra. Trong bữa tiệc đông đủ con cháu, người chú mặt đỏ tưng bừng vui vẻ hỏi cô cháu gái con anh trai ruột là Tuệ San:

  • À thế cháu này năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
  • Dạ cháu mười tám. - Tuệ San cười đùa.
  • Vớ vẩn. Anh Minh, - Chú khều bác trai cả ngồi bên cạnh. - Đứa con gái nhà anh Lâm năm nay bao nhiều rồi?
  • Bao nhiêu nhỉ? Sau thằng Bình một giáp, mới vào đại học năm kia năm kìa gì đấy thôi.
  • Các bác cứ đùa cháu. - Mẹ của Tuệ San tươi cười, mang ra thêm một đĩa thức ăn để lên mâm của các ông vẫn còn nhậu. - Cháu nó lấy chồng được rồi. Hai lăm rồi ạ.
  • Hai lăm rồi à? Lớn quá nhỉ? Nhà anh Lâm là sướng nhất rồi, giờ chỉ có ăn quả ngọt, cần gì phải vất vả nữa.
  • Ôi dào, chán lắm. - Mẹ Tuệ San ngồi xuống dưới bàn. - Nói có nghe đâu chú.
  • Thế nào? Sao? - Chú rót đầy chén rượu đã hết, hỏi. - Thế mày đi làm ở đâu rồi, lương lậu thế nào?
  • Cũng bình thường ạ.
  • Đây, chú xem, nhà chị cho ăn học thì cũng có kém ai, cho vào trường lớn đàng hoàng như thế, mà đi ra làm cho cái phòng radio tít chỗ nào.

Tuệ San nuốt nước bọt, cố không để một biểu cảm nào hiện trên mặt.

  • Thế một tháng được bao nhiêu?
  • Cũng đủ sống ạ.
  • Thế là được bao nhiêu? Có được bốn ngàn tệ một tháng không? Mình bây giờ lớn rồi, tự lập rồi, cứ dám xông pha vào, đừng ngại thử mấy chỗ lớn làm gì. Không mà ấy quá, qua xí nghiệp chú làm. Đang thiếu chân quản lý đấy. Mà mày đang làm về cái gì ấy nhỉ?
  • Cháu học ngành ngôn ngữ.
  • Được. Sang đây, chú dạy cho mày nhoằng tí là xong. Con gái, làm việc gì nhàn hạ thôi, rồi đi lấy chồng.

Trong một phút rất nhanh lướt qua, Tuệ San đã nghĩ xí nghiệp mới mở của chú chỉ trụ nổi quá ba năm là cùng.

  • Thôi ạ. Vất vả tí nhưng làm cũng ổn chú ạ. Cháu cũng thích kiểu công việc này.

Lúc này, mẹ Tuệ San cũng không nói gì nữa, gương mặt ra chiều không hài lòng nhưng cũng không phản bác.

  • Nhưng mà…

Biết trước những luận điệu quen thuộc của mấy người họ hàng xa, Tuệ San ậm ừ chẳng bỏ vào tai câu nào. Cứ im ỉm đi là sẽ hết chuyện.

  • Có hiểu chưa? - Sau một tràng dài người chú dừng lại. - Đấy, mày cứ ăn thôi, mày phải quay ra đây nghe đây này. Đây là kinh nghiệm, mày áp dụng thế nào là việc của mày. Nhưng mà mình là người còn trẻ, cứ nghe người lớn nói, rồi sẽ thấy nhiều cái hay. Rồi đầu óc nó sẽ mở dần ra.

Mùi rượu lúc này nồng nặc phả vào mặt Tuệ San.

  • Giờ mày cũng lớn rồi, cuộc sống của mày riêng, ai bảo được mày nữa. Bố mẹ không bảo được mày, thì chú mày cũng làm sao bảo được, đúng không? Nên đây là lời khuyên. Lời khuyên thôi. Đấy, cứ thoải mái đi thử này thử kia. Tuổi trẻ phải xông pha. Cứ thử. Nhưng cuối cùng, làm thế nào thì làm cũng phải có cái tổ ấm, có chỗ ổn định. An cư mà lạc nghiệp. Quy luật của con người là như thế. Rồi có cái công việc gọi là. Ổn định. Được chưa nào? Một là ổn định, hai là đủ tự lập sống, rồi nuôi con cái, báo hiếu, ba là nhàn. Nhàn thôi, đừng có gồng lên. Thân mình thân gái, mình có quyền cơ mà?

Tuệ San cắn răng rồi buột miệng đáp một câu.

  • Mình nhàn thì ai phải khổ hả chú? Mà ai bảo quy luật của con người là phải ổn định đâu ạ?

Nói xong thì Tuệ San thấy cái lườm của mẹ.

  • Đã là quy luật, cháu hiểu chưa? - Lần này giọng nói của chú có phần phấn khích hơn. - Thì nó là kinh nghiệm của ông cha, của chú, của bố mẹ cháu, của người đi trước. Là cái tốt nhất. Ai mà chẳng thích ổn định. Cứ bảo chú một câu thôi, chú cho mày làm chức quản lý của công ty chú ngay. Mình là người nhà, không phải ngại.

Tuệ San gắp một miếng thịt bỏ vào miệng, rồi cầm cả bát cả đũa đi vào trong bếp.

  • Vâng, cháu ăn xong rồi, chú ăn đi ạ.
  • Mà giờ này thì có anh nào chưa? Chắc đứng đầy cả ngõ chị nhỉ?
  • Làm gì có ai. Ế chỏng chơ. Thôi, thế xí nghiệp chú thế nào. Chị thấy ảnh nãy chú khoe đẹp lắm.
  • Ôi dào, chị này. - Chú giả lả cười. - Nào em mời chị một chén nhé.

***

Người thứ hai là anh chồng mới cưới được gần một năm của chị đồng nghiệp cũ nơi Tuệ San từng làm hồi còn là sinh viên. Cô và chị cùng quê, cùng học một trường cấp hai, cùng chỗ làm, hay nhắn tin chuyện trò nên thành ra thân thiết. Chẳng qua mấy năm gần đây bận rộn, chị lại chuyển nơi sinh sống nên ít có thời gian gặp mặt. Lần cuối cùng cô gặp trực tiếp là vào đám cưới của chị, còn đâu hai người chỉ nhắn tin qua lại và thỉnh thoảng gọi điện thoại cho nhau.

Lần này, Tuệ San có dịp đi công tác tới thành phố chị ở nên sẵn tiện qua thăm. Chị đồng nghiệp ở trong một căn hộ cho thuê tầng mười hai khá đắt đỏ. Nội thất trong nhà không quá sang trọng nhưng cũng đầy đủ, nhìn gọn gàng ấm áp. Cửa sổ hướng nhìn ra hồ nhân tạo của khu đô thị kiểu mới. Lúc cô tới chơi thì chị đang lau nhà phía ngoài, còn anh đang nấu nồi lẩu bên trong. Ở phòng khách, ti vi còn đang bật một bài đang nổi trên Douyin.

Ba người vừa nói chuyện vừa ăn lẩu. Cùng tuổi tác gần nhau nên nói chuyện hợp. Chủ yếu mấy chuyện về chỗ làm rồi chuyện Tuệ San đi xem mắt dở khóc dở cười.

  • Đấy, mình là phải thương nhau hơn vào. - Anh nhìn chị, đùa cợt. - Không có thì giờ anh với em có khác gì cái San đâu.

Tuệ San không ưa kiểu đùa này nhưng thấy chị đồng nghiệp chỉ bĩu môi, chê ngược lại anh vài thói xấu thì cũng không ừ hử gì. Lúc ăn gần xong thì chị đồng nghiệp có chút việc cần làm gấp nên đi vào trong phòng để làm việc trên máy tính. Cửa vẫn để mở, câu chuyện của anh chồng và Tuệ San xem như vẫn có sự góp mặt của chị.

  • Này, anh nói này cũng hơi kiêu thật. Nhưng anh nghĩ không thằng nào nó được như mình. Cuối tuần không rượu chè, bia bọt với đám nào, ở nhà với vợ, lại còn nấu cơm, rửa bát. Em xem, đời thuở ai mà cứ dấm dúi với cái bếp như anh không.
  • Thì cả tuần em cũng làm việc nhà đấy thôi. Anh có rửa bát buổi tối mà cũng cằn nhằn. - Giọng chị vọng từ trong phòng riêng ra tới ngoài phòng khách.
  • Đấy, em xem. Lại bị mắng. Làm thế rồi mà vẫn bị mắng thôi.
  • Thì anh nói thế đâu có đúng đâu.

Tuệ San ngửi thấy mùi không khí căng thẳng nên cười đùa.

  • Anh cũng giỏi mà chị cũng giỏi, đẹp đôi, đẹp đôi. Nào, em cụng ly nào. Chị Ân đang làm thì ngửi tạm mùi rượu Mao Đài nhé.
  • Đấy, có cô San ở đây thì mới đòi lại được công bằng cho anh. Anh là cũng cố hết sức rồi. Mình cũng có công việc sự nghiệp. Nhà này mình lo, rồi có con cái, mình phải có trách nhiệm gách vác, em nói thế có đúng không? Là đàn ông mà nhà mình còn không lo được thì lo được gì?
  • Em có cần anh lo một mình đâu.
  • Đấy, lại ngang. - Anh cau mày. rượu vào lời ra. - Thế nhỡ em ốm đau, lăn đùng ra đấy, anh không có gì lo cho em thì có nhục không? Rồi vào bệnh viện có người quen chẳng phải đỡ hơn à? Thế nên mình mới cần quan hệ, chứ cứ khư khư giữ chồng làm bếp thì được cái gì.
  • À hóa ra từ trước giờ là anh chỉ làm vì em ép thôi chứ gì?

Tự dưng đến đây Tuệ San lại thành ra người hòa giải.

  • Thôi ăn đi ăn đi, - Tuệ San gắp cho anh một miếng bạch tuộc bao tử. - Chốc em bảo chị.
  • Đấy, em nói xem. - Anh nói nhỏ lại. - Anh cũng chịu khó rửa bát mỗi tối, lâu lâu còn lau cái nhà, anh làm bao nhiêu như thế, mà vẫn không hài lòng.

Trong đầu Tuệ San lúc này là một loạt công việc nhà khác, mà để căn hộ có thể sạch sẽ tới mức này thì không chỉ nhờ có hai việc anh chồng vừa kể. Mà quan trọng hơn, Tuệ San nhìn vào bên trong phòng, vẫn vang tiếng lọc cọc gõ phím của chị đồng nghiệp, thái độ của hai người với xích mích thế này đều không ổn.

  • Nhưng anh này, - Cái thói không kiềm được miệng bắt đầu phản bội lại Tuệ San. - Giữ vợ khư khư trong bếp cũng đâu phải có lý đâu anh.

***

Người thứ ba là đối tác mà đài radio của cô mời hợp tác gần đây. Anh là một nhà báo có chút tiếng tăm, lại còn làm thêm bên hoạt động xã hội. Gần đây anh có ra mắt một cuốn sách mới, góp mặt với tư cách là dịch giả, nên có lịch trình quảng bá trên radio của Tuệ San. Ban đầu dự định sẽ là buổi phát sóng trực tiếp dài ba tiếng nhưng sau đó đàm phán lại thì thành Tuệ San phỏng vấn và biên tập thành một video ngắn sau.

Để chuẩn bị cho lần gặp mặt này, phía radio của Tuệ San đã nhắc nhở cô làm việc kỹ lưỡng một chút. Ngoài các bài báo và phỏng vấn Tuệ San tìm được trên mạng về vị dịch giả có tiếng kia, cô cũng lướt qua những đầu sách của anh. Không thể không nói, anh am tường một lượng kiến thức phong phú. Cách dịch chữ cũng rất chuẩn xác, cô có xem thử bản pdf gốc bằng tiếng Anh và tiếng Pháp thì đều thấy bản dịch giữ được tinh thần tác giả. Chính điều này làm Tuệ San có chút mong chờ được gặp anh ta.

  • Này, tôi hỏi chút, bình thường bên radio của cô có bao nhiêu người xem? - Trước khi vào buổi phỏng vấn, anh vừa uống nước vừa nhỏ giọng hỏi cô.

Câu hỏi thẳng thắn làm Tuệ San có chút bất ngờ. Cô hơi bối rối.

  • À dạ.
  • Hơn ba trăm không?
  • Cũng tùy chuyên mục, thời điểm, nội dung nữa anh ạ. - Tuệ San mỉm cười.
  • Cô biết đấy, cũng là một hình thức quảng bá cả thôi. Quan trọng là kết quả.

Tuệ San nhìn xuống phần câu hỏi mình đã mất cả đêm qua soạn sẵn, cười cười.

  • À vâng.
  • Mà cô chín mấy thôi nhỉ?
  • Dạ vâng, chín sáu ạ.
  • Ừ, thế tôi hơn cô mười tuổi, chưa tới một giáp, gọi anh cho thân mật, không phải ngại ngùng gì đâu. Hôm nay tôi là đến nhờ bên cô mà.
  • Tôi thì chẳng có gì ngoài mấy người cứng cứng theo dõi tôi. Nói không khoe thì đây này. - Anh chìa cho tôi xem một bức ảnh trong điện thoại. - Nick weibo của tôi có từng này người theo dõi rồi đấy. Tất nhiên con số chẳng nói lên điều gì. - Anh lựa lời khi thấy gương mặt Tuệ San tối sầm lại.
  • À, nghe nói anh đang bắt đầu xây dựng một hoạt động Trạm bình yên cho trẻ gần đây.
  • Ừ, vừa đúng lúc ra sách nên tôi cũng đẩy nhanh hoạt động lên để tiện làm hình ảnh. Hơn nữa, mình cũng phải có tiếng nói, chứ ai cũng để trẻ con giờ cứ cắm mặt vào điện thoại được. Tôi cho các cháu học vẽ, với tham gia miễn phí buổi học tiếng anh với người bản địa.Tôi để vé là tùy tâm mỗi người, nhưng mức quy định có gần hai trăm tệ thôi. Cô có người quen nhớ giới thiệu nhé. Nói không phải chứ có nhiều người chán lắm, để bây giờ mình lạc hậu hẳn với các bên khác. Đứng im là thụt lùi. Thế nên tôi mới xây dựng hoạt động này, làm cho cộng đồng. Chốc có gì cô hỏi tôi về hoạt động đó nhé, tôi cũng muốn nhân đây…

Lúc này thì phía bên ngoài phòng, đạo diễn âm thanh đã ra tín hiệu với Tuệ San.

  • Ồ, bắt đầu rồi à?
  • Dạ vâng, một chốc nữa ạ.

Tới lúc này anh mới chịu im lặng một chút. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất mà Tuệ San phải đối mặt.
 
Bên trên