Bà Mười – bà thằng Cỏ đang ngồi trước sân bên cái bếp lửa hiu hiu nóng ran cả người, từng giọt mồi hôi ướt đẫm trên khuôn mặt nhăn nheo của bà, bà vội lấy chiếc khăn rằn lau qua rồi tiếp tục ngồi canh cái nồi xôi đậu xanh thơm nức mũi.
Ba giờ trời vẫn còn tối, bóng tối như bao trùm tất cả, cái bếp lửa của bà Mười chỉ là một đốm sáng trong cái không gian này, mọi thứ im lặng ngoài tiếng ếch nhái kêu vang ngoài đồng ruộng chẳng còn nghe bất cứ tiếng gì.
Thằng Cỏ cũng vừa thức dậy để giúp bà nó dọn hàng bán ngoài chợ huyện. Nó cũng rất nao ngày này, vì cả năm nó chỉ được ra chợ huyện đúng hai ngày là hôm nay ngày Vu Lan, và Tết Nguyên Đán thôi.
Khuôn mặt thằng Cỏ vẫn còn ngái ngủ miệng thì cứ ngáp ngắn ngáp dài, nó đi ra ngoài cái chum nước gần đó múc một ít nước bằng cái gáo dừa, uống một chút rồi rửa mặt cho tỉnh.
Bà Mười thấy thằng Cỏ bước tới, nhìn nó một chút rồi lại quay lại cái bếp lửa:
- Mày dậy chi mà sớm vậy?
Thằng Cỏ vừa ngáp vừa trả lời:
- Hôm nay bà bán ở chợ huyện mà, con ra phụ.
- Xôi cũng sắp được rồi, mày mang cái đòn gánh ra đây rồi tao với mày đi kẻo không có chỗ mà bán.
Thằng Cỏ bước lảo đảo vào nhà. Nó gánh cái đòn gánh ra, cái đòn nặng trĩu Cỏ đi không vững cứ lắc qua lắc lại. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, bà thằng Cỏ lại gánh cái đòn gánh trên vai, từng bước chân nhịp nhàng trên con đường làng quanh co. Tiếng đòn gánh cứ kẽo cà kẽo kẹt, âm thanh nghe rõ bên tai vì bây giờ xung quanh vẫn yên tĩnh và vắng vẻ vô cùng.
Trước mặt hai bà cháu là làn sương mù buổi sớm dày đặc, bao quanh cả đường đi mù mịt, chẳng còn thấy gì. Bà Mười vội lên tiếng:
- Cỏ mày bám sau lưng tao, kẻo lại bị lạc.
Thằng Cỏ vội nắm lấy cái đòn gánh từ phía sau, hai bà cháu lại tiếp tục ra chợ huyện.
Chợ huyện bây giờ cũng đã tấp nập người dọn hàng, nào là hàng hoa, hàng trái cây, hàng vải… Người thì gánh những gánh hàng cồng kềnh. Người thì đi tới đi lui dọn hàng, không thấy lúc nào ngơi tay ngơi chân.
Một ông ăn mày vẫn còn ngủ ở một góc bên đường trong cái bộ quần áo rách rướm, cái chén mẻ để ngay cạnh bên, tay thì ôm cây đàn bầu khư khư. Nghe thấy ồn ào ổng cũng lồm cồm bò dậy, phủ phủ vài cái lại ngồi ngay lại chỗ cũ, mang cây đàn của mình ra gảy mấy tiếng, hòa vào cái cái tấp nập của chợ huyện.
Sáng, sáng rồi, tiếng gà eo óc gáy vang xa tận đầu huyện, như muốn đánh tan cái bầu yên tĩnh phố huyện, mờ mịt này. Mặt trời lấp ló sau dãy tre làng, sau những rặng cỏ mía cao vút che khuất tầm nhìn. Từng tia sáng nhỏ bé len lỏi qua lũy tre, muốn vươn mình ra để chào ngày mới.
Chợ huyện hôm nay tấp nập hơn mọi khi hàng trái cây và hàng hoa là đông nhất đi khắp chợ đâu đâu cũng có. Vì hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy, ngày lễ Vu Lan. Lễ hội này ở đây diễn ra khá lớn, chỉ thua Tết Nguyên Đán thôi.
Hai bà cháu thằng Cỏ dọn hàng bên một góc gần cây đa ngay chợ, cây đa to sừng sững, phải năm người ôm mới hết thân của nó, tàn cây to che bóng cả một vùng đất lớn, những hạt sương nhỏ vẫn còn đọng lại trên những phiến lá xanh, tạo một không khí mát mẻ xung quanh.
Tiếng rao của bà thằng Cỏ vang rất lớn và xa:
- Ai xôi không? Xôi đậu xanh đây…
Mọi người đi ngang qua chỉ nhìn một chút lại đi luôn mà chẳng mua gì, hai bà cháu vẫn ngồi đợi, vì giờ này vẫn còn rất sớm khách vẫn chưa đông. Bỗng từ xa có một đám thanh niên từ đâu đi đến gần xạp, bà Mười vui mừng chào khách từ xa:
- Các chú ăn bao nhiêu để già lấy?
Một thằng đi đầu mặt ngông nghênh, trên đó còn có cả một vết sẹo lớn, ửng đỏ nhìn rất đáng sợ, không có chút thiện cảm nào đến là để mua xôi, lớn tiếng nói:
- Ăn cái gì mà ăn, muốn bán ở đây hỏi qua thằng Tam này chưa?
Bà Mười lúng túng, vẻ sợ sệt hiện rõ trên khuôn mặt, tay run cầm cập.
- Hỏi cái gì vậy chú?
Thấy bà thằng Cỏ lúng túng, thằng Tam liền lớn tiếng hơn:
- Hỏi gì nữa, đây là đất của thằng Tam này muốn bán buôn gì thì phải nộp tiền bảo kê.
- Nhưng mà sáng giời già này đâu có bán được gì, lấy đâu ra mà có tiền.
- Lôi thôi nữa là đập nguyên cái nồi xôi bây giờ. Đừng tưởng già mà thằng này không dám ra tay nha.
Thằng Cỏ thấy vậy chạy thẳng ra ngay trước mặt Tam dang tay ra, đứng hiên ngang trước mặt cả đám côn đồ, nhưng thật ra trong lòng nó lúc này rất là sợ, nó sợ đến nỗi chẳng dám mở mắt ra, chân thì cũng run cầm cập, hét lớn:
- Mày động đến bà tao thì tao liều với mày.
Thằng Tam nhìn đám tụi nó, rồi cả đám cười lớn:
- Mày… mày đúng là tức cười, tướng mày tao búng một cái là chắc nằm luôn rồi.
Ông Năm từ đầu chợ, nghe thấy ồn ào từ đằng xa vọng lại, biết là thằng Tam lại gây chuyện nên vội chạy lại:
- Tam mày lại gây sự gì đó?
Thằng Tam lúc này nhỏ tiếng lại, tỏ vẻ ngoan hiền, nó như thay đổi thành một con người khác:
- Dạ, chú Năm cháu có làm gì đâu ạ. Cháu mua xôi thôi mà.
- Vậy được, mày mà làm chuyện gì thì chết với tao.
Đám thằng Tam lại lủi thủi đi vào phía trong chợ, không dám nhìn lại.
Lúc nào ông Năm cũng chỉ mặc một bộ đồng phục xanh rêu với cái nón tai bèo cũ kĩ, trên tay phải có đeo một cái dây vải màu đỏ, tay cầm một cây gậy, ổng quản lí chợ ở đây ai cũng kính trọng ổng hết. Ông ấy nói gì mấy đám côn đồ chẳng dám làm trái, ông ấy còn rất là tốt tính, giúp đỡ từng người trong chợ rất nhiệt tình dù ông cũng đã qua cái tuổi lục tuần rồi.
Ông Năm lại gần chỗ bà cháu thằng Cỏ:
- Nếu thằng Tam còn đến đây nữa thì cứ ra cái phòng nhỏ đó gọi là tôi ra ngay. À lấy cho tôi một gói xôi luôn nào.
Vừa nói ông chỉ về cái phòng nhỏ ngay ở đầu chợ, một canh phòng nhỏ nơi quản lí chợ, ổng hay ngồi ở trong đó. Bà thằng Cỏ thì lom khom lấy một cái lá chuối chuẩn bị sẵn ở nhà, bới một chút xôi cho vào rắc thêm chút muối mè gói lại cẩn thận, đưa cho ông ấy:
- Xôi của ông đây.
Ông Năm đưa tay lấy gói xôi, cười tươi:
- Chị gói khéo quá, thế hết bao nhiêu vậy chị?
- Tiền nong gì, lúc nãy nhờ có ông mà bà cháu tôi mới thoát khỏi cái lũ côn đồ đó, phải cảm ơn ông không hết chứ gói xôi có đáng gì.
Ông vội lấy ra tờ năm ngàn đưa cho bà Mười:
- Vậy thì ngại lắm, chị cứ nhận cho tôi vui.
Hai người cứ kì kèo mãi bà thằng Cỏ mới chịu nhận:
- Gói xôi hết hai ngàn, đây ba ngàn của ông.
Trời cũng đã sáng hẳn, mặt trời cũng đã lên cao đến tận ngọn tre, chiếu sáng khắp nơi. Lúc này chợ huyện đã nhộn nhịp hơn rất nhiều, người mua kẻ bán eo xèo, rộn rã. Người qua lại cũng đông hơn hẳn so với lúc sáng sớm.
Chỉ ế vào gần sáng, đến khi chợ họp đã đông người tấp nập mua bán rộn rã thì hai bà cháu liên tay lấy xôi không kịp nghỉ, trong chốc lát thôi cái nồi xôi đã hết sạch chẳng còn chút nào.
Sau một hồi khách đã vắng hơn, thằng Cỏ đầm đìa mồ hôi trên trán, nó thở phù nhẹ nhõm, ngồi xuống uống lấy cốc nước trà tươi mang ở nhà đi.
- Hôm nay mình bán tốt bà nhỉ?
Bà Mười vui vẻ:
- Đúng là năm nay bán chạy hơn năm ngoái.
Chợt nhìn thấy thằng Cỏ, bà lại buồn man mác nhớ lại cha của nó, bà thầm nghĩ về kí ức ấy.
Hồi còn nhỏ cha thằng Cỏ không khác nó bây giời là mấy, cũng theo bà Mười đi bán ở chợ huyện này.
Hai mẹ con cũng cùng nhau đi trên con đường làng, băng qua những cánh đồng bát ngát, thằng Tú – cha thằng Cỏ nó lại ngoan hơn, giúp bà Mười gánh cả gánh hàng nặng mà cứ đi băng băng không sợ cái gì.
Thấy con gánh nặng bà lại hỏi:
- Có nặng không để má gánh một đoạn cho.
Thằng Tú cười tươi:
- Cái này thì làm khó gì còn má cứ để đó con gánh được mà.
Nhìn thằng Tú từ sau mà bà Mười xót xa, mà cũng yêu mến nó lúc nào cũng lo cho bà, dù chỉ có một đứa con là nó nhưng bà rất ấm lòng.
Đến chợ huyện này thằng Tú chỉ xin mua cho nó mỗi trái mãng cầu xiêm mà thôi, mà ngày xưa bà Mười còn nghèo hơn bây giờ, cơm còn thiếu ăn lấy tiền đâu mà mua cho nó. Thằng Tú chỉ biết ngậm ngùi, xem như đó là một ước mơ nhỏ của nó.
Mãi đến khi sinh nhật thằng Tú bà Mười mới cố gắng mua cho nó, nhưng cũng chỉ mua được nửa trái.
Nó cầm mà vui mừng, nhảy cả lên ăn lấy ăn để, miệng không ngớt lời:
- Con yêu má, con yêu má.
Thấy đứa con của mình bà cũng ngậm ngùi lắm, mong sao có đủ tiền mà mua cho nó một trái trọn vẹn mà ăn. [1]
[1] Phần in nghiêng là trong suy nghĩ, hồi ức của bà Mười.
Nước mắt có vài hạt lăn tăn trên khuôn mặt bà, thấy vậy thằng Cỏ hỏi:
- Bà, bà khóc hả.
Bà Mười nghe thấy vội trả lời:
- Làm gì có bụi nó bay vào mắt tao đó. Thôi dọn hàng đi.