Chương 5:
Em thích bóng tối…
Bởi đó là lúc anh gần em nhất...
Sống cùng Hồ Thanh một thời gian, tôi biết thêm khá nhiều điều về cậu ấy, nho nhỏ thôi, nhưng đối với tôi là khá hay ho, cảm giác như mình mỗi ngày mình lại hiểu thêm cậu ấy một điều, mỗi ngày gần cậu ấy thêm một chút. Hồ Thanh dị ứng với những loài giáp xác, nhưng lại rất thích ăn tôm, mỗi lần thèm quá, cậu ấy sẽ đi mua dự trữ thuốc về, ăn xong thì uống, mà chỉ có thể uống được một loại thuốc dị ứng duy nhất, viên nhỏ và dài. Sáng sớm khi mới ngủ dậy cậu ấy cực kì khó tính, nhất là khi bị người khác đánh thức, sẽ quạu quọ một lúc, đánh răng xong tỉnh táo thì tâm tình sẽ khá hơn. Khi gặp chuyện buồn phiền thì sẽ chỉ ngồi một chỗ mà suy nghĩ, ngồi cả ngày cũng được, ngồi cho đến khi nghĩ thông mới thôi. Mà điều quan trọng hơn cả, trái ngược với tôi, Thanh cực kì ghét con số mười ba, vào những ngày này của tháng những chuyện xấu cứ lũ lượt đến tìm cậu ấy.
Tháng này, thứ sáu ngày mười ba, Thanh nhận được một cuộc điện thoại, tôi đoán là một cuộc điện thoại không tốt, trông Thanh rất buồn và trầm .Từ đó đã mấy ngày, cậu ấy cứ hay ngồi suy nghĩ, nhưng thực sự nhà trọ không thể là nơi cậu ấy có thể ngồi lâu một chỗ được, tháng tới, anh Khánh lầu trên sẽ cùng bạn tham dự một cuộc tuyển chọn âm nhạc, không theo ngành học nghệ thuật nhưng anh rất say mê, suốt những ngày này hết chiêng lại đến trống, đầu chúng tôi muốn cứ muốn giật theo từng tiếng đập của anh. Những người ở trọ lâu như tôi đều quen và cứ lờ lớ lơ đi, mấy tháng mới có một lần, cứ thông cảm, nhưng Thanh thì khác, cậu ấy là người mới, đã mấy lần tôi thấy cậu ấy lên lầu trên, đá cửa anh Khánh ầm ầm.
Cuối tháng, trời mưa và hơi chuyển lạnh, Thanh bị cúm, cứ khật khừ suốt, nhưng cậu ấy chẳng mấy khi ở nhà vì không thể chịu nổi “tiếng cồng chiêng” anh Khánh, tôi hay bắt gặp cậu ấy ngồi suy nghĩ ở bến xe buýt.
- Xoạt!
Tôi nhẹ nhàng xé gói mì rồi đổ ra bát, cho nước sôi rồi úp vào. Bụng réo ầm ầm mà tim thì cứ đập thình thịch trong lồng ngực, cầu trời cho Hồ ly chưa dậy. Tiền hết mà bố mẹ chưa gửi, lương làm thêm chưa đến ngày nhận, tôi một đồng cũng không còn trong người, tự nhủ mình phải cố lên cầm cự nốt ngày hôm nay, nhưng mới sáng ra đói quá, lại thấy túi mì tôm Thanh vứt quăng quất ở gần cửa, mà cửa phòng quên không đóng, tranh thủ lúc cậu ấy ngủ, tôi khẽ bò vào trộm một gói. Nhìn phòng Thanh, tôi cũng cảm thấy xấu hổ, con trai con đứa gì mà ở sạch sẽ ngăn nắp quá.
- Xin lỗi Thanh -Tôi vừa mở đĩa vừa tự trấn an cho lòng mình khỏi bứt rứt.
Nhưng khi vừa dùng đũa đảo mì thì thấy Hồ Thanh đứng lù lù trước mặt, mặt còn đang ngái ngủ, tóc bù xù, tau cầm bàn chải và kem đánh răng. Tôi đơ ra nhìn Thanh, cậu ấy cũng nhìn lại tôi, rồi đảo mắt xuống vỏ gói mì ngay cạnh.
- Đặt lên bàn.
Nói xong Thanh bỏ vào nhà tắm, tôi nuốt nước mắt, lặng lẽ đứng từ dưới đất dậy, ngoan ngoãn để trở lại lên bàn. Lưu Ly ơi, mày thấy xấu hổ chưa ? Haiz, mất mặt quá đi mất. Tôi rót lấy cốc nước, uống ừng ực cho bụng khỏi kêu.
Hồ Thanh trông khá thoải mái sau khi rửa mặt xong, khẽ cười nhẹ khi thấy tôi đang cầm cốc nước, khi đi ngang qua cửa phòng tôi, cậu ta dừng lại.
Tôi khẽ nhăn mặt tự trách bản thân mình quên không đóng cửa.
- Đừng có mà bảo đó là ổ chó.- Nhớ lại lời mẹ tôi vẫn thường so sánh, tôi vội lên tiếng khi Hồ ly định mở miệng.
- Bảo ổ chó, chó còn phải kháng nghị.
Biết mình không thể cãi thắng Thanh, tôi im lặng tránh ra để cậu ấy về bàn. Hồ Thanh ăn mỳ, khẽ cau mày, nhưng cũng không nói gì, cúi xuống ăn tiếp. Có lẽ là cậu ta thấy mặn, tôi thường ăn đậm hơn người khác, trong lòng cũng khẽ biết ơn khi cậu ấy không mở miệng chê ỏng eo hay đứng dậy lấy phích nước đổ vào. Anh Khánh ở tầng trên bỗng chạy huỳnh huỵch xuống, tay cầm theo một đĩa gì đó.
- Thanh, hôm nay em có bài kiểm tra phải không ? Sáng nay anh làm món này muốn chúc em, thời gian này em đã vất vả với anh rồi.
Anh ấy hớn hở, cười toe toét, tôi không thể nào hiểu được là tại sao anh ấy lại thích Thanh đến như thế, trong khi mà cậu ấy không hề có một chút lễ phép nào với anh. Không đợi Thanh trả lời, anh ta đã láu táu đổ ụp cả đĩa vào bát cậu ấy. Tôi trợn mắt khi nhìn những con tôm cam cam đỏ đỏ, nhưng trở tay không kịp.
- Ăn ngon vào nhé, ít nhất hai tuần nữa anh mới xong cơ.
Nói rồi anh Khánh cắp đít đi thẳng, miệng còn vui vẻ hát ca, tôi quay sang nhìn mặt Thanh, quả nhiên mặt cậu ấy tối đi mấy phần.
- Nấu bát khác đi. Nhanh, sắp muộn rồi.- Cậu ấy nhìn đồng hồ.
- Ừ, ừ.
Tôi giật mình cuống cuồng vội vàng đi nấu, nghe đến sắp muộn tôi cũng cuống cả lên, cũng chẳng để ý là tại sao mình lại phải đi nấu cho cậu ta. Nấu xong bát mì, tôi đặt trước mặt cậu ấy kèm cốc nước rồi cũng ngồi cạnh, kéo bát mì đầy tôm ban nãy ăn. Thanh đang ăn, vội quay sang nhìn tôi. Tôi vội nuốt, rồi quay sang cười hề hề.
- Nếu đổ đi thì phí lắm. Loại tôm nhỏ nhỏ này đắt.
- Nhưng đó là đồ thừa, đổ đi, lấy gói khác mà nấu.
- Không sao đâu, mẹ tớ cũng hay ăn đồ thừa của tớ lắm. Ở nhà cậu không như thế à ?
Tôi cắm cúi ăn, húp nước sùm sụp, nhưng Thanh ở bên cạnh chỉ im lặng. Rồi đột nhiên tôi nhận ra mình đã nói hớ, khi còn học cấp ba, tôi có nghe phong phanh rằng gia đình của Thanh không hạnh phúc. Cậu ấy không sống với mẹ.
- Nếu muốn thì cậu có thể ăn cả bát này.
Thanh đứng dậy rồi bỏ đi. Tôi muốn chạy theo xin lỗi nhưng lại không dám, sợ rằng mình sẽ càng làm cậu ấy buồn thêm. Nhìn theo bóng lưng cậu ấy ngày càng xa dần, cảm giác tội lỗi cứ lớn dần trong tôi.
Hôm nay tôi không có giờ nên ở nhà, khá là rảnh rang, tôi cứ lẩn thẩn đợi ngoài phòng cậu ấy. Bước ra khỏi phòng nhìn thấy tôi, cậu ấy cũng không tỏ thái độ gì, tôi đi theo cậu ấy xuống tầng dưới, muốn nói câu gì đó vui vui nhưng lại chẳng thế nói gì, cuối cùng vẫn chỉ là nhìn cái cửa đóng lại. Hồ Thanh đúng là Hồ Thanh, rõ ràng cậu ấy biết tôi có chuyện muốn nói, nhưng lại vẫn cứ coi như không biết gì, nếu cậu ấy cho tôi một chút tín hiệu là muốn nghe thì tôi cũng sẽ nói ra được điều mình muốn nói.
Người lớn vẫn thường bảo, càng lớn con trai sẽ càng học giỏi, bởi vì họ có ý chí và tinh thần cao hơn con gái, con gái khi lớn sẽ bị chi phối bởi nhiều chuyện, ảnh hưởng đến sự tập trung. Hồi bé tôi không tin nhưng khi lớn lên thì thấy đúng thật. Thanh cũng có việc suy nghĩ, tôi vẫn thấy có lúc thẫn thờ nhìn lịch, khi nhìn điện thoại ngẩn ngơ. Tuy vậy, cứ đến chín giờ tối, cậu ấy vẫn có thế ngồi vào bàn học được. Tôi thì không được như vậy, tôi mà đang có vướng bận trong lòng thì rất khó tập trung làm việc khác, có lẽ vì vậy mà tôi học không giỏi được. Dạo gần đây, tôi cũng sắp thi, nhưng lại có một bộ phim đang theo dõi, cứ bảo mình phải học, cuối cùng lại vẫn cắm mặt vào xem say sưa. Tôi học cùng Thanh bộ môn chính trị này, nhưng tôi đăng kí thi sau, mấy hôm nay tôi vắt vẻo ngoài ban công xem phim bị cậu ấy bắt gặp, thật ngại, người thì lông bông chơi, kẻ thì cầm sách dày cộp.
Thanh thi cả chiều, nên trưa cậu ấy không về nhà, lần này, tôi có thế ngang nhiên ăn trộm mỳ qua bữa. Trước khi cậu ấy về tôi đã giải quyết xong mười sáu tập phim Hàn.
Thanh về "đột kích" đúng lúc tôi đang cắt "phao", tôi giật mình suýt chút nữa thì cắt chệch. Khổ ghê cơ, tôi vội vàng ôm đống "phao cứu sinh" lạch cạch vào phòng, đang muốn tận dụng ban công mát mẻ tiết kiệm điện, nhưng làm việc này trước mặt Thanh thì tôi thấy ngại lắm. Thanh nhìn thấy cười khẩy một cái rõ đáng ghét. Tôi cắt đến hết đống "phao" thì đã mười một giờ tối, định ra ban công thu quần áo vào thì bắt gặp Thanh cũng vừa từ phòng ra. Tôi vừa đưa tay chào cậu ấy thì đột nhiên đèn điện tắt phụt đi, xung quanh tối om.
Mất điện.
Eo ôi, trong đời tôi, rắn rết, côn trùng hay chim chuột tôi đều không sợ, duy chỉ có một điều duy nhất đó khiến tôi sợ nhất, đó là ma. Ra khỏi phòng không mang theo điện thoại, nên tôi chẳng có gì để soi, gió ở ngoài ban công cứ lùa vào làm cánh cửa sổ kêu kẽo kẹt làm tôi sởn tóc gáy. Cố gắng trấn tĩnh bản thân rằng Thanh đang ở đây, tôi cố gắng trừng đôi mắt cận của mình mò mẫm ra chỗ Thanh, cho đến khi tôi đến gần cậu ấy, Thanh khẽ giật mình nhẹ, bước tránh tôi ra, trông như cậu ấy không biết tôi đến gần. Tôi đưa tay lên nhẹ nhàng hết sức có thể trước mặt cậu ấy, tôi hy vọng là cậu ấy sẽ thấy vướng mà gạt xuống, nhưng Thanh vẫn lặng thinh, tôi hua tay dữ dội hơn, Thanh mới khẽ nhíu mày, đẩy ra... nhưng lại đẩy trượt vào không trung.
- Hồ Thanh, cậu bị quáng gà à ?- Tôi dè dặt đặt ra nghi vấn ở trong lòng.
Thanh không trả lời tôi, cậu ấy lóng ngóng xoay người tìm đường về phòng. Tôi cũng mò mẫm theo Thanh, túm vội cánh tay cậu ấy khi Thanh chuẩn bị va phải chiếc ghế.
- Thanh ơi, nếu tớ không nhầm thì hướng cậu đến là nhà vệ sinh phải không ? Đi, tớ đưa cậu vào.
Tôi nghe tiếng Thanh thở hắt, cậu ấy gạt phắt tay tôi. Tôi không giận mà chỉ thấy thương Thanh, quáng gà không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống, nhưng đã là bệnh thì sao mà không khiến người mắc phải gặp khó khăn, người cao ngạo vênh váo như cậu ấy khi bị tôi nhận ra ắt hẳn là cảm thấy khó chịu lắm. Đến ngày hôm nay tôi mới hiểu vì sao hôm đấy Thanh lại theo tôi về nhà trọ, không phải vì sợ trời mưa hay là vì tôi có khả năng thuyết phục, mà bởi vì khi đó trời sắp tối.
Tôi dỗ ngon dỗ ngọt thế nào Thanh cũng chẳng thèm đoái hoái. Thật là, tôi cũng chỉ lo lắng cho cậu ấy thôi mà cứ như tôi đưa dao cho cậu ấy tự sát ý, tôi bực mình, gắt lên :
- Nếu cậu không đi thì tí nữa "mót" quá mà vẫn mất điện thì sao ? Lúc đấy cũng chẳng ai đưa cậu đi được.
Thanh không trả lời tôi, trong bóng tối tôi chỉ có thể nghe rõ tiếng thở của cậu ấy, khi cậu ấy thở hắt ra, cũng là lúc tôi thấy tay Thanh đặt trên vai mình. Quả nhiên câu nói "Nói phải củ cải cũng nghe" là một chân lý. Chúng tôi đi thật chậm trong bóng tối, gió ngoài cửa vẫn thổi phần phật vào, nhưng đối với tôi khung cảnh này lãng mạn hơn bao giờ hết, tôi lại ước cho ngày nào cũng mất điện. Thanh của ban ngày cao ngạo, cáu kỉnh biết bao nhiêu, trong bóng tối cậu ấy lại trở nên lóng ngóng cần che chở, và gần gũi hơn bao giờ hết. Có thể là hơi đổi vai, nhưng tôi vẫn nguyện là người hùng bảo vệ cho người đẹp « bé nhỏ » của tôi. Ngồi ở ngoài canh gác cho con trai đi vệ sinh quả đúng là ngược đời, nhưng hai chữ « Hồ Thanh » đã choán hết tâm trí tôi rồi, tôi còn có thể kiêu ngạo ngẩng đầu mà chấp hết mấy con ma. Thanh ra ngoài, cậu ấy khẽ ho một tiếng như muốn che dấu sự xấu hổ của mình, thật là dễ thương quá. Tôi biết Thanh ngượng cũng không trêu chọc gì, chúng tôi vẫn tiếp tục im lặng đi cạnh nhau, cho đến khi đến cửa phòng Thanh, cậu ấy mới nói với tôi một lời duy nhất :
- Tốt nhất là đêm nay hãy thức để học hành tử tế đi, ngày mai không dùng "phao" được đâu.
- Tớ biết rồi, cảm ơn cậu.
Sáng hôm sau, mang tâm lý là đã được Thanh nhắc nhở, tôi hí hửng nghĩ rằng mình đã làm bài tốt, nhưng cho đến khi tôi ở trong nhà vệ sinh, rút "phao" ra cho vào túi quần thì cái sự may mắn trong suy nghĩ ấy tiêu tan, tôi lục hết cả túi, đổ ra lại nhặt vào, nhưng lại vẫn không thấy "phao cứu sinh" của tôi đâu, rõ ràng là sáng nay tôi nhớ là đã nhét vào cái ngăn nhỏ nhất mà. Cứ lục lên lục xuống như thế, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải vào phòng thi "bơi" mà không có sự trợ giúp nào, bao nhiêu tiền đi in của tôi, cả một buổi tối ngồi cắt tài liệu của tôi, cuối cùng lại công cốc như thế này. Buổi thi đúng như Hồ Thanh nói, không thể ngọ ngậy được, giở "phao" một lát là bị đánh dấu ngay, lần thứ hai tái phạm thì lập biên bản luôn, phòng tôi đã có mấy người bị lập biên bản, cho dù tôi có mang phao vào được thì cũng trăm phần trăm không sử dụng được.
Tôi trở về nhà với tâm trạng buồn thê thảm, kiểu này tôi lại phải học lại môn này vào hè rồi. Khi bước lên lầu, tôi gặp Thanh ngồi ngoài ban công, tay đang phe phẩy một chiếc quạt nhựa. Đúng là dở hơi, trở trời như thế này còn quạt kiếc cái nỗi gì. Đã sẵn bực tức, tôi nhìn gì cũng thấy ngứa mắt, nhưng chỉ khi tôi nhìn rõ cái quạt của Hồ ly, tôi mới há hốc mồm ra.
Trên bề mặt cái quạt ấy được dán lên bởi toàn bộ "phao" thi của tôi.
Chỉnh sửa lần cuối: