Chương 6: Chia ly
Hân lẻn về phòng thì thật may chị Cốc mà mẹ Cả sai tới chăm sóc cô đang ngủ rất say. Hân chui vào chăn được một lúc đã thấy tiếng gà gáy. Cô làm bộ vừa mới dậy gọi Cốc dậy theo.
Khi Hân mặc xong quần áo, chải đầu và đi tới nhà chính thì đã thấy cha, mẹ Cả, Vũ, anh Năm và mấy người nữa trong nhà. Từ trấn Sơn Nam tới Kinh đô cũng không quá xa xôi, nhưng mẹ cả sợ anh Năm vất vả nên cho hai tên đầy tớ theo sau, còn chuẩn bị cả võng để nếu mệt hai tên đầy tớ sẽ khiêng cậu bằng võng.
Nho sinh thời này ít người biết cưỡi ngựa mà trong phủ cũng chỉ có hai, ba con ngựa chủ yếu làm nhiệm vụ truyền tin. Thực ra Vũ biết cưỡi ngựa vì chơi thân với thằng đầy tớ chăm ngựa, nó lén lút đức ông và lệnh bà dạy Vũ cưỡi. Nhưng Vũ dám mở miệng xin cưỡi ngựa trong khi anh Năm đi bộ và nằm võng sao? Hơn nữa đây không phải là lí do học cưỡi ngựa của Vũ, chỉ có Hân biết lí do thực sự. Hắn nói không muốn ngày vinh quy bái tổ lại phải ngồi ngựa có người dắt hay ngồi võng cho người ta gánh về, nhìn thật mất khí khái nam nhi. Bấy giờ, Hân bĩu môi chê Vũ chưa đỗ ông Nghè* đã mơ tưởng nhưng thì thực khi quay đi lại đỏ mặt nghĩ tới cảnh “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”[1] và phủ đệ riêng chỉ của hai người[2] ngày Vũ trở về.
*Ông Nghè: chỉ người đỗ Tiến Sĩ thời xưa.
Vốn tưởng thằng Ốc được chọn để đi theo Vũ nhưng phút cuối cha lại nói:
- Mấy đứa đi cùng đều ít tuổi, vào kinh phức tạp lắm, thôi để cho Chanh đi theo đi, coi như thay thằng Ốc hầu cậu Vũ. Hơn nữa Chanh theo ta vào kinh vài lần, nó rành đường xá, lại biết người nọ người kia.
Ai nghe thấy cũng cho là phải, mãi về sau Hân mới giật mình nhận ra, nếu Chanh tốt thế sao không cho anh Năm ấy, lại cho hắn đi theo Vũ? Nhưng lúc ấy Hân còn đang phải cố kìm nước mắt. Sáu, bảy năm nay có khi nào cô xa Vũ lâu như thế? Mọi lần vì anh học hành nên không gặp nhưng cô vẫn biết anh chỉ cách cô vài bước chân thôi, đây là lần đầu tiên anh đi xa như thế.
Hôm nay Vũ mặc bộ quần áo mà Hân may, thân áo màu xanh thiên thanh, vạt áo màu trắng, quần và giày có màu đen, khăn chít đầu cũng màu xanh thiên thanh. Mấy anh lớn trong nhà hay mặc áo giao lĩnh[3] thân suông, Hân cũng bắt chước may cho Vũ, nhưng cô cảm thấy quần áo như vậy có chút thùng thình khó cử động và cũng làm mất cái dáng cao ngất của Vũ. Thế nên cô tỉ mỉ may thêm một đai lưng bằng vải thừa để thắt phần eo. Mặc dù đai lưng này cùng màu với áo nên không nổi, kiểu cách lại đơn giản nhưng nó khiến người khác để ý vì trên đó Hân đã khéo léo thêu một nhành lan bằng chỉ màu. Quả nhiên bộ quần áo rất hợp với Vũ, không dưới ba lần cô thấy anh Năm liếc mắt nhìn cái đai lưng. Điều này khiến cô đắc ý mất một lúc.
Vũ vừa nghe Đỗ Minh dặn dò, vừa vụng trộm đưa mắt nhìn Hân. Mãi tới tận khi sắp khởi hành Vũ mới có cơ hội tiến lại gần Hân. Anh khẽ nói:
- Ngoan, anh đi đây!
Bình thường Vũ toàn xưng tôi, lần đầu tiên thân mật xưng anh với Hân khiến Hân đỏ bừng mặt. Cô đưa tay lên che mặt lẩm bẩm một câu khiến Vũ dở khóc dở cười.
- Đồ nho sĩ dởm, ban ngày ban mặt dám bỡn cợt con gái nhà lành.
Nếu không phải xung quanh nhiều người thì chắc Hân đã bị Vũ gí tay vào trán mắng cho một trận. Mới tối qua ai cứ miệng ra là đòi gả cho hắn, giờ hắn chỉ nói có một câu mà bị mắng ngay là nho sĩ dởm. Còn chưa nói được thêm câu nào thì Hân bị huých ra, người len vào chả phải là Hạnh, cô Bảy nhà này sao? Trong khi Hân còn đang tròn xoe mắt nhìn thì Hạnh đã liến thoắng:
- Anh Vũ đi đường cẩn thận nhé, đây là chút trái cây em mới hái và ô mai em mới làm, anh đem đi ăn đường nha.
Kì cục hơn nữa là Hân thấy Vũ chỉ tỏ ra lúng túng chứ không có chút nào ngạc nhiên, lẽ nào việc này thường xuyên xảy ra? Nửa năm nay cô rất ít gặp Vũ, chẳng lẽ con bé Hạnh này thời gian qua luôn qua lại với anh ta? Ý nghĩ này khiến lòng Hân nhộn nhạo khó chịu, cô muốn huých cho con bé lui ra nhưng cố kìm lại, hành động kiểu như tranh giành này, cô không muốn làm. Con bé Hạnh này sinh sau Hân có một tháng, nhưng chắc tại ăn uống đầy đủ hơn Hân nên cao hơn cô một cái đầu, dáng người đã nảy nở, lại biết cách ăn mặc nên nhìn thế nào cũng hơn Hân. Cô ta len vào một cái thì Hân bị đẩy ra xa. Hân nhìn Hạnh với ánh mắt khó hiểu còn Vũ thì nhìn sang Hân với vẻ mặt bất đắc dĩ.
Vì màn chen vào của Hạnh mà hai người Hân – Vũ chẳng nói thêm được với nhau câu nào nữa. Cuối cùng thì ngày chia tay Vũ chỉ nói được mỗi một câu: Ngoan, anh đi đây.
…
- Hến, làm sao mà con bé Hạnh nó ghét em đến thế? Trước mấy chị em trong nhà có ai thèm để ý đến em đâu, vậy mà bây giờ hùa vào bắt nạt em…
Hến nhìn điệu bộ kể tội của Hân thì chép miệng lắc đầu. Những người đọc sách sao cũng có lúc… ngu thế nhỉ? Hến đây chỉ liếc mắt một cái là hiểu, thế mà cô Sáu nghĩ mấy ngày rồi không ra. Hến có nên nói cho cô Sáu nghe không hay cứ để đó nhìn cô… ngu thêm mấy ngày? Khổ nỗi cô Sáu chỉ ngu mỗi khoản tình cảm này thôi, còn thì cô ranh như cáo á. Quả nhiên vừa nhìn thấy điệu bộ vụng trộm nhìn mình rồi đánh giá của Hến, Hân hỏi ngay:
- Hến! Chị biết đúng không?
Hến chột dạ, ra sức lắc đầu.
- Hến nếu chị không chịu nói tôi sẽ mách mẹ cả hôm qua chị dám ăn vụng thịt gà còn thừa.
Hến vội la lên và bịt mồm Hân. Bà Cả ghét nhất là ăn vụng, để bà biết thì ít nhất Hến cũng phải ăn vài cái bạt tai.
- Cô ơi là cô, tôi nghén thèm quá mới ăn một miếng thôi mà, thôi thôi… cô muốn thì tôi nói.
Hân hơi cong môi, khóe môi nhếch về bên trái, đắc ý cười, làm bộ gật gật đầu bảo Hến nói đi.
- Cô xem bây giờ cậu Vũ thế nào?
Hân nghe hỏi xong thì mờ mịt không hiểu ý Hến.
- Sao là sao?
- Cô bình thường thông minh mà sao bây giờ dốt thế, cậu Vũ vào kinh dù thi trượt thì bây giờ người ta cũng là ông Cử rồi, phải biết đức ông nhà ta cũng xuất thân ông Cử. Cô không thấy là từ ngày cậu Vũ đỗ thì mọi người trong phủ đều đối xử tốt hơn với cậu ấy còn gì.
Hân gật đầu nhưng vẫn không hiểu phải chen mồm cãi Hến một câu:
- Thế thì tại sao mọi người lại bắt nạt tôi?
Hến thở hắt ra, đúng là đồ đầu đất mà.
- Cô với cậu Vũ thân nhau thì còn ai trong cái Đỗ phủ này không biết? Trước cậu Vũ chẳng có thân phận gì thì không nói, giờ cậu ấy là ông Cử thì bà Tư (mẹ Hạnh) đương nhiên muốn cô Bảy gả cho cậu ta rồi còn gì?
- Hả?
- Còn hả gì nữa. Vì thế nên cô mới bị cô Bảy ghét và bắt nạt, cô Ba, cô Tám thân với cô Bảy hơn nên đương nhiên cùng hội, chỉ cô là chịu thiệt.
Hân kinh hãi há mồm. Sao có chuyện đó được chứ? Nhiều năm nay lúc nào cô cũng bên cạnh Vũ nên hình như đã luôn cho rằng Vũ là của cô. Giờ tự dưng nhảy ra một người muốn gả cho Vũ khiến cô giật mình sợ hãi. Nhưng ngẫm lại thì có gì mà sợ chứ. Cha chẳng bảo gả cô cho Vũ rồi còn gì. Em Hạnh xem ra tốn công vô ích rồi.
Hến thấy Hân kinh ngạc nhưng sau đó chẳng có vẻ gì là sợ hãi hay lo lắng, lại còn cười tủm tỉm thì thấy lạ.
- Cô Sáu, cô không sợ hả? Cô đừng khinh thường nhé, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Cô Bảy nịnh nọt đức ông thì dù cậu Vũ có cầu hôn cô Sáu, đức ông không gả cô với cậu cũng chẳng làm gì được…
Hân đang ngồi ghế đẩu kéo Hến lại gần, ghé sát tai thủ thỉ.
- Thật á? – Hến sung sướng kêu lên rồi vội vã vái tứ phương. – Cô Sáu ăn ở hiền lành nên trời thương đây mà, mà tôi cũng nói rồi đức ông xưa nay nổi tiếng hiểu chuyện, nên rõ ràng không thể ép uổng cô được. Chúc mừng cô Sáu, chúc mừng, chúc mừng…
Hân hơi xấu hổ, bịt miệng Hến.
- Nói giấu ở đây với chị thế thôi. Cấm có mách lẻo đấy.
- Tôi biết rồi! – Hến dài giọng ra, vừa nói vừa nhìn Hân rồi bĩu môi. – Mà cô Sáu xem lại mình đi, mười bốn tuổi mà chả có tí ngực nào, người bé tí như đứa mười một mười hai tuổi ấy. Cô nhìn cô Bảy kia kìa, mông ngực đủ cả. Cô mà không chịu ăn cho mau lớn, tôi có là cậu Vũ cũng chẳng muốn lấy cô.
Hân nghe thế xấu hổ giậm chân đi mất. Chiều đó cô đi thăm cha con thầy đồ Đặng. Lúc thủ thỉ tâm sự với Huệ, con bé cũng che miệng cười nói:
- Thầy* em không nói thì em cũng tưởng cô bằng tuổi em, hóa ra cô hơn em những hai tuổi.
*Thầy: cách gọi cha của một số vùng miền Bắc. Huệ và cha là từ nơi khác tới.
Hân chợt nhớ là Vũ cũng luôn chê cô nhỏ người, cô ôm một bụng tức giận về phòng. Tối đó trong ánh mắt kinh ngạc của cả nhà Hân như ma chết đói ăn hết ba bát cơm đầy. Khổ nỗi cố gắng của cô thành công cốc, vừa về đến phòng cô đã bị đau bụng vì ăn nhiều quá và phải nôn ra hết. Hôm đó Hân rút ra một bài học ngực nở mông to không thể muốn là có ngay được.
---
Chú thích
[1] Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau
Theo lễ giáo của Nho gia ("Quân, Sư, Phụ") thì trong đám rước võng Thầy học đi trước võng cha mẹ (cha mẹ chỉ có công sinh dưỡng, Thầy mới là người đào tạo cho nên người hữu dụng) rồi mới tới võng quan Nghè, sau cùng là võng bà Nghè. Nhưng trên thực tế chuyện "võng nàng theo sau" có khi cũng bỏ : Tương truyền khi Tam nguyên Yên Ðổ vinh quy thì phu nhân còn bận đi cấy lúa thuê, chồng về đến làng cũng không biết. – Trích Khoa cử Việt Nam, Thi Hội – Thi Đình (Nguyễn Thị Châu Quỳnh).
[2] Phủ đệ (nhà của Tiến Sĩ): Bản hương ước các làng quy định mỗi khi làng có người đỗ đạt phải cắt đất làm nhà cho Tân khoa. Ðịa điểm phải được Tân khoa đồng ý, Tân khoa chọn đâu dân làng phải theo, ông có quyền chọn một miếng đất bất cứ chỗ nào trong tổng, để cất nhà, thường là mộtngôi nhà ngói ba gian. Cả dân bản tổng phải làm nhà cho ông Nghè nên ta có câu : "Hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà".
Trích Khoa cử Việt Nam, Thi Hội – Thi Đình (Nguyễn Thị Châu Quỳnh).
Nguồn: http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/thihoi/Ph2 Ch9 - VINH QUY - BO DUNG.htm
[3] Áo giao lĩnh của nam: Ảnh dưới là áo giao lĩnh (áo vạt chéo) loại không có đai lưng.
Ảnh 1 là tranh vẽ dân thường thời Lê trung hưng.
Ảnh 2 là tranh vẽ của người Nhật và người Thanh về dân An Nam thế kỉ 17-18.
---
Chương 5 << >>
Chương 7