CHƯƠNG 38.2
Trong thời gian Đinh Ngọc dưỡng bệnh ở nhà, Phan Huy vẫn thường xuyên ghé qua thăm. Anh ta xin với quận công và mẹ cả để Đinh Ngọc ở nhà đến hết Tết sẽ qua đón chị về lại nhà bên kia. Quận công và mẹ cả đồng ý, một là để Đinh Ngọc ở nhà có thể chăm sóc chị tốt hơn, hai là vợ lẽ của Phan Huy cuối năm sẽ sinh em bé, sợ chị ở nhà Trang quận công sẽ buồn lòng.
Sức khỏe của Đinh Ngọc càng ngày càng khá hơn, tinh thần cũng tốt hơn, dần dần bớt u sầu. Đinh Ngọc ở nhà một thời gian khiến tôi rất vui vẻ, cảm giác giống như những ngày trước khi chị bị gả đi, hai chị em cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng trêu đùa. Thỉnh thoảng tôi cùng chị sẽ ra ngoài dạo phố, có lần còn ghé qua lầu Dương Khê ngồi ăn bánh và nhắc lại kỷ niệm cũ. Những lúc ấy, sắc mặt Đinh Ngọc lại bừng sáng, đôi mắt long lanh. Nhìn chị, tôi lại càng thêm tiếc nuối những ngày tháng vui vẻ cùng anh em Nguyễn Hoàn, Nguyễn Cảnh. Đúng là hồi ức càng đẹp thì hiện thực càng trở nên ảm đạm.
***
Gần đây Đình Duệ lại có vẻ rảnh rỗi. Tôi thường thấy anh ở nhà nhiều hơn, có lúc ăn cơm trưa xong còn lấy sách ra ngồi đọc rất thoải mái, không có chút nào là bận rộn như trước kia. Một hôm Đình Duệ đang nằm đọc sách trên chõng tre sau nhà, tôi kéo tay Đinh Ngọc đến trêu chọc anh:
- Đình Duệ, có phải anh bị cắt chức rồi không?
Đinh Duệ liếc tôi rồi hừ một tiếng, nói:
- Em cho là anh kém cỏi vậy sao?
Đinh Ngọc khẽ cười:
- Anh Duệ không đi trấn Sơn Nam sao?
Lần này thì Đình Duệ ngồi hẳn người dậy trừa khoảng trống trên chõng tre cho chúng tôi ngồi, anh nói:
- Trong thời gian này anh chỉ đảm nhận vài công việc nhỏ trong phủ chúa thượng. – Anh nhìn chúng tôi rồi trầm giọng nói tiếp. – Sắp tới anh sẽ về lại thành Phú Xuân.
- Tại sao? – Tôi bị bất ngờ, hỏi gấp gáp. – Có phải chiến tranh sắp xảy ra không?
Đình Duệ thở dài rồi hỏi ngược trở lại tôi:
- Đinh Thanh, sao mỗi lần nhắc đến Phú Xuân em đều hốt hoảng như vậy?
Tôi cắn môi, đang không biết nên trả lời thế nào thì Đinh Ngọc lên tiếng:
- Vậy tại sao anh lại đột ngột trở về Phú Xuân?
- Thành Phú Xuân đang thiếu người, chú cũng muốn anh trở về trấn giữ tiền tuyến.
Tuy rằng lúc này nhà Tây Sơn đang đánh nhau kịch liệt với nhà chúa Nguyễn trong Gia Định nhưng không có nghĩa Phú Xuân được yên bình. Đã vài năm nay nhà chúa Trịnh và Tây Sơn liên tục giằng co nhau ở thành Phú Xuân, chỉ cần Phú Xuân thất thủ, Tây Sơn sẽ có cơ hội tiến công ra Đàng Trong và gây nguy hiểm cho Thăng Long.
Tôi kéo tay áo Đình Duệ:
- Anh Duệ không đi không được sao?
Anh đưa tay xoa đầu tôi rồi cười lớn:
- Đinh Thanh, em lớn rồi chứ có phải con nít lên ba đâu. Huống chi…
Đình Duệ không nói hết câu nhưng tôi biết anh rất khao khát được trở về Phú Xuân. Ở đó có cha anh và Đình Khuê đang cầm quân, anh cũng muốn ra chiến trận thay vì ở trấn Sơn Nam ngày ngày quản binh. Hơn nữa đây còn là mệnh lệnh của quận công, tôi có nói gì cũng vô ích.
Đinh Ngọc khẽ thở dài:
- Lúc nào thì anh đi?
Đình Duệ nói chưa biết được chính xác ngày đi, đợi đợt gom quân trong tháng tới xong anh sẽ lập tức lên đường. Tôi cắn môi một hồi mới hỏi Đình Duệ:
- Anh Duệ, nếu biết trước là sẽ thua trận thì anh có ra đánh không?
Đinh Ngọc và Đình Duệ cùng quay qua nhìn tôi một cách ngạc nhiên, sau đó thấy được vẻ mặt nghiêm túc của tôi thì anh mới thở dài mà đáp:
- Chưa ra trận làm sao biết được là thua hay thắng? Nhưng dù có biết trước sẽ thua, anh cũng muốn đánh. Thà rằng thất bại trong vinh quang còn hơn rụt cổ làm kẻ nhát gan.
Tôi bỗng nhiên hiểu ra, Đình Khuê, Đình Duệ và có lẽ nhiều người khác cũng vậy, đối với họ tính mạng không quan trọng bằng lòng tự trọng của nam nhi.
***
Giữa tháng chín, trong lúc tôi đang ngồi ở bàn đá nhìn Đinh Ngọc và Gạo thêu thùa thì Hải đến, hai tay nâng một vật được bọc trong tấm vải nâu mà nói:
- Tiểu thư Đinh Thanh, ngoài cửa có người nói là gởi cho người.
Tôi đưa tay cầm lấy, vật đó rất nhẹ, có lẽ là giấy hoặc vải. Sau khi nói Hải lui ra, tôi đang định mang vào trong phòng để xem thì Đinh Ngọc kéo tay lại:
- Đinh Thanh, là ai gửi em có biết không?
Tất nhiên là tôi biết rồi, người mà phải để Hải đưa tận tay cho tôi thì chỉ có thể là Trịnh Khải. Nhưng trước câu hỏi của Đinh Ngọc thì tôi thực sự ấp úng, đành trả lời:
- Em không biết.
Gạo ngồi bên cạnh Đinh Ngọc vừa xỏ chỉ vừa cười:
- Tiểu thư, hay là của công tử nào bên ngoài mến mộ người nên tặng quà?
Trừng mắt với Gạo xong quay qua lại thấy Đinh Ngọc đang lấy tay che miệng cười khúc khích, tôi thẹn quá không nói được gì đành quay người bỏ đi.
Để cho hai người họ tiếp tục cười nói ngoài sân, tôi vào phòng, cài then cẩn thận rồi mới mở lớp vải bọc bên ngoài, ra bên trong là một cuộn giấy được cột bằng dây vải màu xanh. Tháo dây, cuộn giấy mở ra, là một bức tranh vẽ ao sen dưới ánh trăng. Trong tranh, những bông sen đang đua nhau nở trên mặt nước, thấp thoáng còn thấy bóng trăng phản chiếu lại huyền ảo. Tôi đưa tay vuốt thẳng bức tranh, trong lòng ngọt ngào như mật, lúc bàn tay vuốt đến góc dưới cùng bên phải bức tranh mới phát hiện một chữ ký nhỏ, nhìn thật kỹ mới thấy là: Đinh Thanh.
Tôi vừa cười vừa vuốt chữ ký được viết bằng nét bút cứng cỏi, người ta vẽ tranh sẽ ký tên mình, ai lại ký tên người nhận thế này? Nghĩ lại cũng may là Trịnh Khải ký tên tôi, nếu ký tên anh mà để người khác phát hiện ra thì tôi không biết phải ăn nói thế nào. Chiều hôm đó tôi sai người treo bức tranh lên tường ở nơi dễ nhìn nhất, dù ngồi ở bàn hay nằm trên giường đều có thể ngắm được.
***
Một tháng trôi qua thực sự rất nhanh, chớp mắt một cái đã đến ngày Đình Duệ lên đường về Phú Xuân. Trước ngày đi, Đình Duệ đã chào hỏi và trà rượu xong xuôi với các quan trong triều cũng như bạn bè ở Thăng Long. Tối trước ngày lên đường một ngày, Đình Duệ gọi tôi và Đinh Ngọc ra bàn đá dưới cây lựu uống trà. Anh lấy từ trong túi ra hai chiếc vòng tay bằng ngọc màu trắng, giống nhau như đúc. Đình Duệ nói hôm trước anh gặp được một thương buôn người Thanh ở Sơn Nam, nhìn thấy cặp vòng ngọc liền nghĩ đến chúng tôi nên đã mua lại.
Đinh Ngọc cầm vòng tay, mũi chị ửng đỏ, khóe mắt đã ươn ướt, mãi vẫn không nói được câu nào. Đình Duệ đưa tay xoa đầu tôi và Đinh Ngọc rồi nói:
- Anh đi rồi không ai bảo vệ hai em, hai em không được để cho ai bắt nạt, có biết không?
Tôi nghe sống mũi mình cay cay nhưng vẫn bĩu môi trả lời:
- Ai dám bắt nạt con gái quận công chứ?
Đình Duệ và Đinh Ngọc cùng bật cười. Sau Đình Duệ nháy mắt với tôi, hỏi:
- Anh muốn hỏi em lâu rồi, lúc trước em và Đình Khuê thường hay ra ngoài đến tối mới trở về, là đi đâu chơi vậy?
Đinh Ngọc cũng quay qua chờ câu trả lời của tôi.
- Anh Khuê dẫn em đi quán Cổ Cầm. – Tôi thành thật nói.
- Cổ Cầm? – Đình Duệ nhíu mày hỏi lại.
Nhìn bộ dáng của Đình Duệ là biết anh chưa từng đến Cổ Cầm rồi, tôi hất mặt nói sẽ dẫn hai người đến đó.
Từ ngày Đình Khuê đi Phú Xuân, tôi cũng chưa quay trở lại quán Cổ Cầm lần nào. Lúc chúng tôi đến nơi thì Cổ Cầm đã rất đông khách, từ trong ra ngoài quán đều được thắp đèn lồng sáng trưng. Đình Duệ đi trước, tôi và Đinh Ngọc theo sau đến ngồi ở chiếc bàn trống cuối cùng trong góc phòng. Sau khi trà và bánh được dọn lên, đèn lồng trong phòng cũng được tắt bớt chỉ để lại thứ ánh sáng màu vàng yếu ớt. Đinh Ngọc quay qua nhìn tôi, tôi khẽ cười với chị, nói:
- Sắp bắt đầu rồi.
Tôi vừa dứt lời thì tiếng trống, tiếng đàn cũng vừa vang lên, màn che được kéo ra để lộ sân khấu sáng trưng. Cô đào nương mặt tròn như trăng ngồi trên chiếu vừa gõ phách vừa cất tiếng hát thánh thót:
“
…Tôi hát chơi mà khách cũng nghe chơi
Thảm thiết chi giọt lệ tuôn rơi
Mai sớm đã ngược xuôi người mỗi xứ
Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ
Nhàn vân tây hướng thủy đông lưu…” *
(Trích: Cuốn chiếu nhân tình hết)
---------------------------
*Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ/ Nhàn vân tây hướng thủy đông lưu: Chiếc nhạn bay sang nam, chim hồng đi về bắc/ Đám mây đi sang tây, dòng nước chảy về đông.
------------------------------
Lâu mới lại có chap mới, có ai giận hờn gì mình thì thứ lỗi nhé. ^^. Truyện sắp đến điểm mấu chốt thay đổi cục diện của truyện nên có nhiều phân vân hơn, mình sẽ cố gắng gia tăng tốc độ viết.
Tag bạn bè cho sum tụ cái hố:
Starlight ,
Lê La ,
Ngọc Diệp ,
_TA_ ngocnungocnu ...