12.3
Buổi trưa, bà lão dọn hàng về, gánh hàng lỉnh kỉnh những đồ, lộn xộn cả lên. Chức với Phụng phụ bà xếp gọn lại rồi anh gánh hàng đi trước, Phụng ôm chồng ghế nhựa đi bên cạnh, còn bà lão xách bị tiền rảo bước phía sau. Chức ngoái lại nói đùa vài câu gì đó, bà lão phá lên cười. Phụng cũng khúc khích sau chồng ghế cao ngất.
Hôm nay bà lão thấy hạnh phúc quá, lòng bà phơi phới, tâm bà vui. Đột nhiên bà nghĩ nếu mai là ngày bà phải rời đi, thì bà cũng sẽ thanh thản, không còn luyến tiếc điều gì nữa.
- Bà ơi, trưa nay cháu nấu cơm nhé!
- Ờ. Cơm à? Được, được. Nấu chứ. – Bà lão thò tay vào bị tiền, móc ra mấy tờ nhàu nhĩ.
Phụng thở nhè nhẹ, giọng đứt quãng vì mệt:
- Bà… không… cần… đi chợ đâu ạ.
Phụng giật mình vì chồng ghế trên tay như thể mọc cánh, tự bay lên rồi lở lửng trước mặt cô. Phía sau chồng ghế Chức ló mặt ra, đôi mắt như dòng suối dưới bầu trời sao của anh khiến cô ngơ ngẩn. Chức mỉm cười xoay người, gửi ánh nhìn trong veo, lấp lánh lại nơi Phụng.
Cô sẽ thừ người mãi nếu bà lão không vỗ vai cô, thắc mắc vì sao lại không cần đi chợ.
- À, cháu có mang mấy quả mướp với một ít… - Phụng đột nhiên ngẩng phắt lên nhìn bà lão. – Bà có ăn được thịt chuột không ạ?
Chả là anh Mạnh có đưa một hũ thịt chuột muối cho Phụng mang đi, lỡ đói thì ăn lót dạ. Rồi sẵn hai trái mướp trên tay, anh dúi cả cho Phụng luôn.
- Thịt chuột? Chà chuột đồng phỏng?… Lâu rồi bà chưa được ăn đấy, trên đây toàn chuột cống to như chó con thôi, chả dám ăn. – Bà lão vừa nói vừa giơ tay lên tả, nhưng thấy cái bắp tay gầy tong của bà không đủ để minh họa, liền chặp hai tay lại, bảo.
- Đây, to bằng ngần này. Khà khà.
Bữa cơm ấy bà lão ăn những ba chén đầy, luôn miệng khen Phụng nấu ngon, dù cô chỉ nấu canh mướp suông, còn thịt thì do anh Mạnh muối sẵn. Trên cao, mặt trời bị che bởi những đám mấy sáng lóa. Nắng xuyên qua những đám sáng ấy, rọi thẳng xuống nền gạch đầy rêu và bụi đất, nơi ba người đang ngồi ăn cơm vui vẻ.
Nắng mùa đông không gắt nhưng cũng đủ xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt, khiến người ta cảm thấy dễ chịu hơn, ấm áp hơn và cả sáng sủa hơn.
…
Chiều, khi mặt trời cất gần hết những tia sáng thì cũng là lúc Phụng với Chức phải tạm biệt bà lão.
- Bà ở lại mạnh khỏe ạ, chúng cháu đi đây. – Phụng khoanh tay chào.
Bà lão im lặng, bà không còn cười khà khà như tối qua, sáng nay và cả trưa nay nữa. Phụng thấy nỗi buồn sâu hun hút trong mắt bà, điều đó khiến cô bất giác cúi mặt né tránh. Một bàn tay sè sẹ vỗ về vai Phụng, cô cứ nghĩ là Chức, nhưng ngẩng lên mới biết là không phải.
Những ngón tay chai sần thô ráp rung rung trên vai cô. Phụng tháo găng tay, dùng bàn tay trần áp lên những ngón tay ấy rồi, mắt đối diện với bà, hoe đỏ.
- Cháu đừng buồn. Sau này… còn gặp lại mà. Nhất định còn gặp lại. – Bà lão nói mà môi run run, nước mắt theo những nếp nhăn chảy xuống tận cổ.
- Nhất định cháu sẽ ghé thăm bà nếu có dịp… Nhất định thế. – Phụng xúc động, cô nắm lấy tay bà, tròng đôi găng tay len màu kẹo đường vào bàn tay xưởng xẩu ấy. Hai người giữ tay nhau một lúc rồi mới buông.
- Bà giữ gìn sức khỏe bà nhé. – Chức ôm lấy bà một lúc rồi nói với Phụng. – Đi thôi em.
Phụng cũng lao tới ôm chầm lấy bà, khẽ nói:
- Cháu sẽ nhớ món bún ốc của bà…
- Bà cũng sẽ nhớ món canh mướp của cháu…
Chức quay mặt đi. Con người ta gặp nhau bởi duyên phận, trao nhau chút hơi ấm tình người, nhận lại một chút yêu thương, rồi chia ly. Nhưng có sao, chia ly chẳng phải là để hội ngộ ư?
Nnhững đám mây xám đục mới nãy còn nhởn nha trôi bây giờ đã ùn ùn kéo tới, che đi những đốm sáng cuối cùng còn le lói trên bầu trời. Bóng tối ập đến chỉ trong thời gian ngắn ngủi như thế.
…
Vì xuống tàu thủy trễ nên hai anh em không kịp bắt chuyến phà cuối. May sao có một nhà thuyền có việc xuôi qua làng Láng nên cho hai anh em quá giang. Khi Phụng tỉnh giấc đã là nửa đêm. Lúc này chỉ còn tiếng nước vỗ mạn thuyền rào rào.
Sau vài trận ói, bụng dạ bắt đầu nhộn nhạo, Phụng đói và mệt lừ. Nhìn sang Chức đang chống tay ngủ, một nửa khuôn mặt được chiếu sáng lộ rõ mệt mỏi, cô cảm thấy áy náy. Dọc đường, anh toàn lo cho cô, khi Phụng ngủ, anh chưa ngủ. Khi Phụng thức, anh đã thức rồi.
Phụng rón rén bước ra chỗ khác. Cô tính đi xin chút gì đó để ăn, nhưng thấy ai cũng ngủ hết rồi nên lại thôi. Phụng tựa người vào mạn thuyền, nghiêng đầu nhìn đốm sáng loang loáng chạy trên mặt nước, đó là những gợn sóng nhô cao hơn mặt sông nên được trăng ưu ái rọi vào. Đến khúc sông tĩnh, Phụng còn thấy mặt trăng lững lờ trôi dưới nước. Có điều nó không tròn và cũng chẳng sáng lấp lánh như cô từng thấy trước đây, trong những giếng nước và ao làng.
Hóa ra, so với cái mênh mông của sông, trăng hãy còn nhỏ bé lắm. Ở một thế giới rộng lớn hơn, trăng bỗng trở nên nhạt nhòa. Phụng hơi nhếch môi, mắt khép hờ, kệ gió riu riu mơn man hai gò má. Cô nghĩ đến bà, đến Quyền và những con lợn mũm mĩm ở nhà.
- Em đói không ngủ được à?
Phụng giật bắn bởi câu hỏi của Chức, đúng lúc đó sóng lớn ập tới, con thuyền dềnh lên khiến Phụng mất thăng bằng, loạng choạng lùi lại mấy bước rồi vấp vào sợi dây thừng, mất đà ngã ngửa ra sau. Chức hoảng hồn thả mâm gốm xuống, lao tới ôm lấy Phụng. Trong tích tắc, Phụng nghe thấy tiếng sóng vỗ bên tai rất gần, nước còn bắn cả vào gáy, lạnh buốt.
Rào! Rào!
Bụp! Rắc!
Chức kéo được Phụng lên nhưng không cứu được mâm gốm. Dù đã bọc qua lớp vải, mâm gốm vẫn bị nứt sâu, vừa giở lớp giấy báo ra, mấy vết nứt liền tách rời. Phụng cầm mảnh gốm vỡ lên, tiếc rẻ nhìn Chức. Trái với Phụng, Chức điềm tĩnh gói các mảnh vỡ lại, cẩn thận bọc vải bên ngoài như cũ.
- Gốm vỡ có thể dán lại. Cứ mang về thôi.
Phụng ngạc nhiên:
- Thật á?
- Ừ, bố anh bảo thế. – Chức cười.
- Khi nào bố anh dán lại, nhớ gọi em xem với nhé! – Phụng hào hứng.
- Dĩ nhiên rồi.
Chức gật đầu quả quyết rồi sực nhớ ra còn cái bánh bao trong túi áo mua trước khi lên thuyền. Bánh bao được đựng trong một bọc giấy vàng nhạt nên không giữ nhiệt được. Chức đưa cho Phụng:
- Em ăn đi.
- Ồ, anh mua lúc nào mà em không biết. – Phụng mở bao giấy, bánh bao dù nguội ngắt nhưng vẫn thơm lắm.
Chức để bọc vải sang một bên, cười:
- Lúc em còn đang bận... ọe ọe… á. – Nói không chưa đủ, Chức còn đưa tay lên hứng, giả vờ ói giống Phụng.
Cô mím môi, đập cái đét lên lung Chức, giận dỗi:
- Em có muốn thế đâu, sao anh cứ chọc em hoài. Em ghét anh chết được.
Phụng véo một miếng bánh rõ ro, bỏ vào miệng, nhồm nhoàm nhai, như thể miếng bánh bao ấy là Chức vậy.
- Cho anh ăn với. – Chức cười cầu hòa.
- Không. – Phụng véo thêm miếng to nữa, tống cả vào mồm.
- Anh cũng đói mà. – Chức vừa nói vừa xoa xoa bụng.
- O… anh… ói…ết … uôn… (Cho anh đói chết luôn). – Hai má Phụng căng phồng, nói không tròn tiếng.
- Đừng mà…
- Hứ… - Phụng cầm nửa bánh bao còn lại, đứng dậy ra chỗ khác ngồi.
Chức xách bọc vải, chạy theo năn nỉ. Cuối cùng hình như cũng xin được một mẩu nhỏ lót dạ.
Con thuyền nhẹ nhàng rẽ nước tiến về đất liền, Phụng thấy vui khi phía trước không phải là dải bạc lấp lánh nữa mà thay vào đó là một dải đen lơ lửng cắt ngang mặt sông. Nếu không nhầm, vệt đen kia chắc chắn là nơi cô sinh ra và lớn lên. Là nơi mà trái tim cô thuộc về…
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…”
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Cô lái đò đội nón lá, tóc thề buông hờ, khoan thai khua mái chèo, ngân nga hát. Ngang qua thuyền Phụng, cô gái còn nhoẻn miệng cười. Sau Phụng mới biết cô lái đò là liếc mắt đưa tình với Chức.
Đò, thuyền trên sông ngày một nhiều hơn. Có thuyền đầy ắp cá, có thuyền toàn hoa quả… Có lẽ hôm nay là ngày họp chợ trên sông.
Khi thuyền Phụng lướt qua thuyền chở lươn, Phụng đột nhiên rờ lên túi áo, cô vẫn còn hai tờ tiền.
- Em muốn mua lươn, mấy con lươn đồng này trông ngon quá.
Chức tưởng Phụng thèm lươn nấu miến nên mua về. Nhưng khi thuyền cập bến, chào hỏi và cảm ơn chủ thuyền xong Phụng lại tặng xâu lươn cho hai đứa nhóc, con của chủ thuyền. Hai đứa nhỏ cầm xâu lươn, nhìn Phụng cười toe. Bố chúng thấy thế liền đưa cho Phụng một con cá gỗ có đôi mắt màu đỏ rất đẹp, nói:
- Sau này muốn đi nhờ thuyền nào, cháu chỉ việc đưa con cá này ra là họ sẽ đồng ý liền.
- Thật ạ? – Phụng đưa hai tay cầm lấy con cá gỗ, ngắm ngía.
- Dĩ nhiên, đó là giao ước của dân sông nước bọn chú, cháu cứ yên tâm.
- Ôi. Cháu cảm ơn chú. Cảm ơn mọi người nhiều ạ.
- Đừng khách sáo!
Mọi người nhìn nhau rồi bật cười, vui vẻ nói lời tạm biệt. Thuyền rời bến, tiếp tục cuộc hành trình như đã định, để lại hai con người nhỏ bé lặng lẽ đứng trên bờ nhìn theo. Cho đến khi hình hài con thuyền hòa lẫn với sông nước mênh mông, đôi bạn trẻ mới quay đầu.
Họ cũng có nơi để trở về.