5.1
Xưởng gốm sau mấy ngày mưa bão, thiệt hại nặng nề. Kho bị tốc mái, toàn bộ củi và trấu để bên trong ướt sũng, bốc mùi hôi rình. Mấy bể đất sét bị nước mưa tràn vào, cuốn trôi ra tận đường cái, nếu lọc lại trong bể, chắc chỉ còn được hai phần ba số đất ban đầu.
- Cũng may là kho chứa thành phẩm không bị gì, chứ không là đợt hàng này đi tong. – Bác Đại vừa chỉ đạo nhóm thợ lọc lại đất, vừa tám chuyện với cô Sương.
Cô Sương ngẩng lên quan sát trời một lúc rồi bảo:
- Chắc mai mới đem củi ra phơi anh nhỉ? Ráng mỡ chó thế kia, khéo lại mưa tiếp...
Bác Đại nhăn mặt:
- Mưa, còn mưa nữa thì húp cháo cả lũ...
Cô Sương cười:
- Thôi, em ra phụ mấy chị làm sạch đường, kẻo bà con lại nói...
- Ừ cô đi đi... - Bác Đại thở dài nhìn bùn sét phủ trắng cả lối đi, chẹp miệng. – Tiếc không cơ chứ, bao nhiêu là công, là tiền...
Bác Cần lật đật xách cái quạt cây chạy vào, hổn hển nói:
- Mẹ bố hai con chó nhà cái Tiến, vào lấy quạt nhà nó mà xém nữa mất toi mấy lạng thịt đùi. – Bác Cần vỗ vỗ vào đùi mình.
- Qua lấy đồ nhà nó đi nó chả đớp cho! Khôn thế còn gì, chó thế mới là chó. – Bác Đại cười ha hả đáp.
Bác Cần cũng cười, cắm quạt chạy rồi bảo:
- Mấy bận tôi cứ đùa con Tiến là thịt con Vàng cho mấy cụ lai rai, tiện thể mình ké. Thế mà nó chửi tôi xơi xơi, chả nể nang gì cả!
Bác Đại chọn chỗ sạch ngồi xuống, phủi tay cho đất rớt hết ra, nheo mắt đáp:
- Con Vàng đang khỏe mạnh thế, bác đòi thịt lại chả ăn chửi, nó không thả con Vàng ra cắn bác là may đấy!
- Hai bác đang nói gì nhà em đấy ạ? – Dì Tiến cắp nón bên hông, thong thả đi tới.
Giọng the thé của dì khiến bác Cần giật mình, sém chút rơi cái bình gốm thô xuống đất.
Bác Đại thấy thế phá lên cười, rồi bảo dì Tiến:
- Quẳng thằng cu cho ai rồi mà ra đây?
- Bà nội nó trông rồi ạ, em ra xem có gì phụ mọi người một tay! – Dì Tiến đon đả đáp.
- Ối dào, phụ hẳn hai tay chứ lại còn một tay... Một tay thì cô định làm cái gì? – Bác Cần còn tức vụ con chó, nhăn mặt bắt bẻ.
Chẳng cần bác Đại nháy mắt, dì Tiến cũng hiểu. Dì cười:
- Sáng nay em lên chợ Đông, cụ Tiền giúi cho hai cút rượu mắt mèo, bảo uống cho ấm người...
Bác Cần nghe đến rượu, mặt giãn hẳn ra:
- Cô đàn bà con gái, rượu riếc gì...
- Vâng, thế nên em mới định mang qua cho mấy bác đây nhâm nhi! – Dì Tiến ngắt lời.
Bác Cần vui lắm, nhưng giả vờ chăm chú kiểm tra xem gốm thô có nứt chỗ nào không. Một lúc mới ngẩng lên, ỡm ờ đáp:
- Ờ nếu cô không uống thì cứ mang ra đây tất đi!
Dì Tiến liếc bác Đại, đúng lúc bác cũng nhìn cô, cả hai tủm tỉm cười.
- Tiến ơi, hộ chị cái này! – Bác Nhu ló ra khỏi xưởng gốm, í ới gọi.
- Vâng, em ra đây! – Dì Tiến nói to, đoạn quay qua bảo bác Cần. – Tối em mang qua cho bác!
Dì Tiến đi ngang qua chỗ bể đất thì dừng lại, lén nhìn dáng người vạm vỡ đang hùng hục múc đất.
Bất ngờ, người đó ngẩng lên, chạm ngay cái nhìn của dì.
Nhìn trộm bị phát hiện, dì Tiến đỏ mặt, chạy thục mạng ra phía xưởng.
Người đó nhíu mày, rõ ràng từ kho đến xưởng, vèo một cái là tới, sao còn phải vòng qua đây?
...
Hôm nay Phụng ngồi cả ngày ở chỗ anh Mạnh, xem anh tạo màu men cho gốm.
Thông thường sản phẩm tráng men được phân làm hai loại cơ bản, một là đồ dùng thường ngày, và hai là đồ trang trí. Màu men cho hai loại sản phẩm này vì thế cũng khác nhau. Tuy nhiên, cho dù là men màu nào, thì cũng đều có chung thành phần chính là tro. Tro được lấy bằng cách đốt cây sùng, cây dân lân, cây cứt sắt hoặc vỏ trấu, canh sao cho vừa ngả màu đen thì dừng.
Anh Mạnh bỏ tro vào cối, giã nhuyễn. Anh cởi trần dù trời cũng không nóng lắm. Bàn tay rắn chắc cầm chày giơ lên hạ xuống đều đặn, lâu lâu anh dừng lại một tí để thử độ mịn của tro rồi giã tiếp.
Phụng cầm sẵn rây để anh giã xong thì đem tro lọc. Cả đất sét đỏ sau khi lắng xong, phơi khô cũng cần được rây qua rồi mới đem trộn với tro theo tỉ lệ nhất định. Thành quả thu được sẽ là loại men nâu mật ong nổi tiếng của làng.
- Lát em nhúng men mấy cái tượng nha. – Anh Mạnh hất mặt về phía chồng tượng đã để sẵn cạnh bể men, bảo.
Phụng đã quá quen với việc này rồi. Và nhúng men là kĩ thuật đơn giản nhất trong quá trình tráng men. Những kĩ thuật khác như dội men[1], quay men[2], đúc men[3]... Phụng không thực hiện được, phần vì kích thước vật quá to, phần vì cô vẫn chưa căn chỉnh được lượng men dàn đều lên bề mặt gốm.
Phụng lại chỗ bể men, cẩn thận ngồi lên hai thanh gỗ bắc ngang qua miệng bể, rồi nhấc một cái tượng nhỏ nhỏ lên, ướm chừng nhúng xuống dưới. Đầu trên cùng vừa chìm bằng mặt nước thì nhấc ngay lên, xoay vài vòng rồi để sang giàn phơi bên cạnh cho ráo. Khi đã nhúng được mấy chục cái, thì Phụng bưng chậu đựng men và một miếng mút ra chỗ giàn phơi, quét lên chỗ vân tay để lại một cách khéo léo, để men không dày hơn lớp men trước.
Trong lúc Phụng vật lộn với hàng loạt bức tượng nhỏ, thì anh Mạnh đảm nhiệm dội men bộ lu[4] bốn.
Các thương nhân khi đặt hàng bộ lu, sẽ nói rõ mình muốn đặt bộ ba hay bộ bốn. Kích thước của gốm trong hai bộ đều như nhau, riêng bộ bốn sẽ được bỏ thêm một chậu thứ tư có kích thước nhỏ đặt vừa trong lòng chậu số ba. Và một bộ chậu khi hoàn thành sẽ được xếp gọn trong một chậu duy nhất là chậu đại. Kiểu xếp là chậu này bỏ lọt vào trong chậu kia với độ to và độ cao giảm đều.
Thương nhân đặt gốm theo bộ thế này thường là xưởng đồ mỹ nghệ xuất khẩu.
Những chậu gốm sau khi được tráng men bên trong và miệng gốm sẽ được bao bọc thêm một lớp cói, mây, bèo, guột... bên ngoài với nhiều kiểu cách khác nhau rồi đóng kiện gửi sang nước ngoài.
Điều này nghĩa là, từ xa xưa gốm làng cô đã được “xuất ngoại”, phục vụ cho nhu cầu của rất nhiều người cho đến bây giờ.
Khi gốm chất đầy giàn phơi, men cũng vơi, Phụng leo xuống, đấm và xoa bóp vai cho đỡ mỏi. Cô ngồi bệt ra đất, thư thả duỗi tay chân dưới bóng mát của mái hiên lợp bằng ngói. Ngói cũng đã cũ nên có vài chỗ bị lủng, nắng theo đó xuyên thẳng xuống, đậu lên mái tóc đen nhánh của Phụng.
Bỗng một hình ảnh đẹp đến ngẩn người ập vào mắt cô.
Dưới ánh nắng yếu ớt, anh Mạnh khom người, lưng anh cong theo lưng vại gốm, cánh tay cơ bắp giữ chặt miệng vại, tay còn lại uyển chuyển đưa gáo theo vòng tròn của thân vại. Nước men trắng như sữa nhẹ nhàng tỏa ra trên bề mặt gốm rồi chảy xuống bể, để lại một lớp men mịn màng, che đi sự thô ráp của xương gốm.
Phụng chống tay, nhìn cái màu trắng mỏng manh ấy rồi liên tưởng đến vẻ óng ánh của chúng khi mới từ lò ra, quả là một sự biến đổi diệu kỳ.
Vẻ đẹp của gốm nếu không đủ thương yêu, không sành với nghề sẽ khó cảm hết được. Bởi nó ẩn giấu từ trong xương gốm và chỉ hé lộ chút ít ở các lớp áo ngoài.
- Mệt rồi thì về nhà đi Phụng, mai làm tiếp. – Anh Mạnh lên tiếng.
Đang say sưa ngắm nên Phụng có hơi giật mình. Sau đó, cô cười:
- Em không mệt, chỉ hơi mỏi xí thôi. Còn sớm mà, em làm thêm ít nữa cho đủ mẻ phơi.
Phụng nói là làm. Cô lại chỗ anh Mạnh, lấy một cái lu bốn rồi láng men phía trong lòng lu.
Anh Mạnh lấy cây khoắng đều men, sau đó múc lưng gáo, cười bảo Phụng:
- Em còn chăm hơn cả thằng Chức. Nó ngày nào cũng chỉ làm đúng số lượng rồi về.
- Vì anh Chức còn bận nhiều việc lắm ạ. Nào là việc trên trường, rồi trên xã, rồi còn phải đi lấy thư, phát thư... – Phụng vừa kể vừa nghĩ xem có sót việc nào không.
Anh Mạnh cười ha hả:
- Sao em cứ bênh nó chằm chặp thế. Thích nó hử?
Bõm!
Phụng giật mình đánh rơi cả chậu gốm vào thùng men. Cô ngẩng lên, thấy trong mắt anh Mạnh có chút ngạc nhiên thì lập tức cười, kiếm ngay một lí do để giải thích:
- Em mỏi quá nên tuột tay ạ.
- Đấy, anh bảo em nghỉ đi mà không nge! – Anh Mạnh tặc lưỡi.
Phụng cười gượng, cô dùng gáo tre khua khoắng trong thùng để lôi chậu lên, sau đó lấy mút lau bớt men thừa, rồi đem xếp gọn ở mé hông nhà. Đó là nơi chất những thứ bị sai sót khâu nào đó không đáng kể. Nhưng vẫn được nung để dùng trong làng.
- Em sẽ kiếm ít bèo rồi nuôi mấy con cá diếc trong đó. – Phụng chỉ vào cái lu cô mới lỡ tráng men cả trong lẫn ngoài.
Cái chậu với lớp men dầy mỏng không đồng đều, yên lặng nhìn cô không chút trách móc, bởi nó biết mình vẫn còn hữu dụng.
Anh Mạnh ước chừng cũng thấm mệt, dừng tay lại chỗ Phụng, ngồi xuống.
- Đầu tháng bảy làng tát ao đấy, lúc đó tha hồ đi mò ốc lẫn bắt cá nhỏ.
Phụng nhíu mày:
- Vậy em phải vớt bèo bỏ vào lu nuôi, không thì chẳng có bèo che mát cho cá!
- Anh thấy sân nhà mày có cái lu nước to đùng còn gì. Sao không nuôi cá trong đấy, rồi thả vài cây súng vào. Vừa mát vừa đẹp.
- Ừ nhỉ... Ơ...
Sao anh biết nhà cô có cái lu nhỉ? Nhà cô thêm ba nhà nữa là ngõ cụt, chẳng có lí do gì để đi ngang qua, trừ khi có họ hàng ở đó. Nhưng anh Mạnh có họ hàng ở đó không, lẽ nào cô còn không rõ?
- Sao anh biết nhà em có cái lu trước sân? Anh có qua nhà em bao giờ đâu? Cái lu còn bị che bởi lấy cành nhót nữa!
- Hả?... Ờ thì... – Mạnh bị hỏi bất ngờ, lúng túng mất mấy giây, sau đó vội bảo. - Ờ thì có lần em kể thì phải!
Sự khó hiểu của Phụng biểu hiện hết ra mặt, cái mũi nhăn nhăn, còn mắt thì tròn xoe. Trí nhớ mách bảo cô rằng cô chẳng có việc gì mà đi kể về cái lu của nhà cả.
- Nghĩ gì mà lung thế nhóc?
Anh Mạnh ẩy đầu Phụng, cười:
- Thôi về nấu cơm bà ăn đi, chiều rồi!
Phụng bị cụm từ nấu cơm cho bà kéo ra khỏi sự mơ hồ, cô chẹp miêng:
- Em đang nghĩ một thứ, nhưng ghĩ mãi chẳng ra, thôi bỏ vậy! - Cô đứng dậy, phủi phủi hai mông quần rồi cười, nói. – Em về trước nha!
- Ừm, về đi! – Mạnh gật đầu, cười.
Phụng xoay người đi anh mới dám đưa tay chận mồ hôi lấm tấm đầy rìa trán.
Cho đến khi Phụng ngoặt sang trái rồi mất hút sau bức tường anh mới nghe thấy tiếng thở của mình, lạy hồn, may mà con bé đó không nghĩ ra. Nhưng lúc sau anh lại vò đầu, lỡ đâu mai mốt con bé nghĩ ra thì biết làm thế nào?
[1] Dội men chỉ dùng cho các vật dụng lớn như lu nước, chậu cây to, vại cỡ đại... Khi đó men được múc lên bằng gáo, và dội từ miệng lăn đều một vòng. Kĩ thuật này yêu cầu tay giữ miệng sản phẩm và tay đặt gáo men phải phối hợp nhịp nhàng.
[2]: Quay men là hình thức tráng men cùng lúc hai bề mặt trong, ngoài sản phẩm,thường áp dụng với các vật có kích thước nhỏ như bình trà, ly nước...
[3]: Đúc men là thủ pháp tráng men chỉ một bề mặt bên trong sản phẩm mà thôi.
[4]: Chậu bằng gốm, thường dùng để chỉ loại phình ở giữa (bụng), thon lại ở đáy, và loe ở miệng.
Hình ảnh minh họa
Nhúng men
Lu gốm đang trong quá trình be, vuốt*
* sau khi hoàn thành phần xương, sẽ được tráng men bên trong lòng và phần miệng của sản phẩn, rồi xuất sang bên thủ công mũ nghệ, họ sẽ bao bên ngoài gốm thô bằng các vật liệu như mây, guột, cói, nhựa...