Xách một túi bia cùng vài bịch snack nhỏ, Hoa bước vào khách sạn thẳng tiến đến quầy lễ tân, người trực hôm nay chẳng hề quen biết nên buộc chị phải làm thủ tục và xuất trình giấy tờ đầy đủ. Hoa nhìn cô lễ tân mặt hoa da phấn tươi cười lễ phép thì chướng mắt vô cùng, vốn đang có chuyện buồn bực, chị đặt túi bia lên quầy đánh cộp một tiếng rồi móc điện thoại gọi đi, xẵng giọng: “Anh làm ăn thế à, ở đâu có kiểu nhân viên bắt sếp phải làm thủ tục rồi mới được vào khách sạn của mình ở thế, khách sạn còn chẳng có sao nào…”
Hoa vừa cất điện thoại thì lễ tân trước mặt phải bắt điện thoại nội bộ gọi đến, vừa trả lời vừa nhìn chị một cách rụt rè, cúp điện thoại xong thì vội vàng cầm lấy chìa khóa dẫn chị lên đến tận phòng. Hoa chỉ hừ lạnh một tiếng, đóng chặt cửa phòng bắt đầu tự mình uống bia.
Bia uống vào người, càng lúc càng ngấm, chuyện buồn bực cứ thế dần được rửa trôi, cõi lòng tích tụ phiền muộn theo thời gian nhuộm dần ra đôi mắt nâu chảy dài thành hai hàng nước. Hoa vừa uống vừa khóc, khóc xong thì lại cười, đến lúc cảm thấy mọi thứ xung quanh mình bắt đầu xoay mòng thì điện thoại rung lên, chị mở điện thoại, vừa nấc vừa trả lời. Giọng Quỳnh rất gấp gáp: “Chị hai, mẹ bị té xe giờ đang cấp cứu trong bệnh viện tỉnh, chị đến ngay đi.”
Hoa ừ một tiếng rồi cúp máy, chị đưa bia lên miệng định uống tiếp thì giật mình sực tỉnh, lấy tay đánh mạnh vào đầu mình một cái, chị đứng dậy loạng choạng bước vào nhà vệ sinh để rửa mặt, nước lạnh khiến chị bớt men nhưng không khiến chị tỉnh táo hẳn. Chị mở cửa bước ra khỏi phòng khi hai mắt vẫn còn chếnh choáng hơi say vô tình đâm sầm vào một người đàn ông đang tiến đến. Từ trong đôi tay vững chãi, chị ngẩng đầu nhìn anh ta, trong lòng thầm khen ba tiếng “thật đẹp trai” thì miệng đã vô thức thốt ra thành lời. Nhìn đôi mắt thiếu kiên nhẫn của anh ta, chị cười khúc khích: “Nhìn anh quen thật đấy…”
Thanh nhìn cô gái trong lòng mình, đôi mắt nâu vướng chút men say nên nồng nàn hơi nước, khóe miệng lại cười trong veo, bộ dạng quyến rũ đến khó lòng cưỡng được, câu nói của chị khiến anh nhíu mày, không biết chị say thật hay giả vờ say. Lúc anh còn đang suy nghĩ, chị đứng ở đối diện đã à lên vui sướng: “Tôi nhớ rồi, ở nghĩa địa, người nhà của anh gần mộ ba tôi.”
“Đưa điện thoại đây cho tôi!” Thanh đưa tay nhìn đồng hồ rồi thản nhiên mở miệng, giọng điệu có phần ra lệnh không thể từ chối, Hoa đang có hơi men, vừa nghe anh ra lệnh đã lập tức đưa tay vào túi lấy điện thoại đưa ra, hết sức hợp tác. Thậm chí, đến lúc anh đã rời đi, chị nhìn bóng lưng dong dỏng cao đầy tự tin của anh mà miệng còn ngô nghê cười.
Sau khi tỉnh hẳn rượu, Hoa hoàn toàn quên mất những chuyện từng xảy ra, có lẽ việc mẹ bỗng dưng bị tai nạn đã khiến đầu óc chị rối bời nên không thể nhớ đến việc trong lần thứ hai gặp gỡ, chị đã đem mình bán hẳn cho Thanh.
9.
Minh vẫn nhớ như in lần đầu gặp Hoa. Đó là một phiên tòa ướt đẫm mưa, cậu ngồi ở hàng ghế thân nhân nguyên cáo ôm chặt lấy người mẹ đang khóc sướt mướt, nước mắt của mẹ làm cậu thống khổ vô cùng nhưng đôi mắt cậu vẫn không ngăn được nhìn về phía Hoa, cô gái ngồi ở hàng ghế thân nhân bị cáo đồng thời là nhân chứng của vụ án mạng. Chị rất điềm tĩnh, dáng ngồi nghiêm trang với hai tay đặt lên đùi, bóng lưng thẳng tắp còn khuôn mặt thản nhiên nhìn về phía bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa như thể người đàn ông đó không hề liên quan đến chị. Sau này, tham gia nhiều phiên tòa khác với tư cách người thân của bị cáo trong xã hội đầy gai nhọn, cậu luôn cố gắng tìm kiếm nhưng giữa đám đông trong phiên tòa, thờ ơ, lạnh nhạt, coi thường, đau xót… đủ kiểu nhưng không tìm thấy được vẻ thản nhiên kì lạ đấy nữa trên khuôn mặt bất kì người nào. Hoa trở thành duy nhất, là dấu hỏi khiến cậu cất công tìm hiểu suốt những năm tháng dài cho đến khi cậu đến trại giam thăm người đàn ông ra tay sát hại người cha của cậu.
“Gieo gió thì gặt bão, ai thiếu nợ thì người đó trả.” Đó là câu nói cuối cùng người đàn ông để lại cho cậu trước khi rời đi sau một buổi thăm nuôi ông ta không hé miệng lấy một lời. Không thừa nhận cũng không phủ định việc mình đã hại chết cha cậu, ông ta chỉ bâng quơ một câu nhẹ nhàng khiến cậu nhớ đến vẻ mặt của Hoa khi ấy. Thản nhiên đến vậy có phải chị đã sớm biết ai là người nợ ai là người thiếu rồi phải không?
Minh tìm cách tiếp cận Hoa, chị không né tránh, ngược lại còn nhiều lần khiến cậu phải khó chịu. Chị biết về cậu rất rõ, biết cậu lớn lên trong hoàn cảnh nào, biết cậu phải sống cuộc sống ra sao, điều đó khiến cậu hoang mang và nhiều phần sợ hãi, cậu vẫn không hiểu nỗi là điều gì đã nuôi dưỡng một cô gái trẻ tuổi nhưng lại cằn cỗi và già đời như vậy. Hoa rất thực dụng, cậu biết, Hoa là tình nhân của một sếp lớn có máu mặt, cậu biết, nhưng đến cả việc đại ca của cậu lại là đám người được Hoa “nuôi dưỡng” thì cậu hoàn toàn không ngờ. Cậu từ bỏ, cậu trốn chạy rồi cậu tìm thấy Quỳnh, bi ai ở chỗ cậu vốn không biết Quỳnh là em gái của Hoa. Giờ chị ngồi trước mặt cậu, vẫn cẩn thận và thản nhiên như nhiều năm trước, vẫn khiến cậu bất an đến vô cùng.
Minh nhìn chị, không giấu được mất mát hằn sâu nơi đáy mắt. “Chị vốn không cần làm vậy, tôi không cố ý tiếp cận Quỳnh.”
“Cẩn thận vẫn hơn.” Hoa nhún vai nhìn cậu, chị làm sao quên được ngày trước cậu đã từng tiếp cận chị như thế nào, đã bất chấp khó khăn tiến đến gần hòng bắt chuyện với chị. Nếu không phải chị luôn cẩn thận, luôn biết cậu là con trai của tên đàn ông đã chết thì không rõ chuyện gì đã xảy ra. Nói chị đáng sợ cũng đúng, ai đeo trên người nhiều bí mật đều không cẩn thận giữ gìn bản thân, chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ lâm vào cảnh “hối tiếc muộn màng”, Hoa vĩnh viễn không mong muốn điều đó.
Minh kéo ghế ngồi xuống bên cạnh Hoa, cậu lẳng lặng nhìn chị như muốn xuyên qua tầng tầng lớp lớp hiểu chị đang suy nghĩ gì, thậm chí cậu muốn đưa tay xé rách khuôn mặt kia, để xem sau lớp vỏ thản nhiên là điều gì đang hiện hữu. “Chị không khác nhiều so với mười năm trước, đều cẩn thận và thản nhiên đến đáng sợ.” Minh nhận xét.
“Cậu đừng gặp Quỳnh nữa!” Hoa thẳng thắn đề nghị, dù vẫn ưa bắt nạt Quỳnh, vẫn hay la mắng con bé khi gặp chuyện không vui nhưng hơn hết chị muốn em mình hạnh phúc sống hết quãng đời còn lại, chuyện đã cũ cứ để vơi đi, chị không muốn con bé phải nhớ lại một khoảng quá khứ kinh hoàng đến bế tắc. Đã bảo bọc nhiều năm như vậy, cứ để chị bảo bọc con bé đến hết đời.
“Tại sao?” Minh hỏi. Nhưng Hoa không trả lời, chị chỉ nhìn Minh rất lâu rồi hỏi ngược: “Ba của cậu là người như thế nào?”
Minh lắc đầu, ông ấy đã sớm phai nhòa trong tâm trí cậu, thứ đọng lại cuối cùng là hình ảnh có phần bệ rạc của một người đàn ông mập mạp, ưa uống rượu và lấy chuyện đánh đập mẹ con cậu làm niềm vui.
Hoa đứng dậy bước đến bên cửa sổ nhìn ra hòn giả sơn, đó là một hòn đá to bằng hai người ôm được đục khắc thành dòng suối chảy từ trên cao, phối thêm cây xanh rồi thả nước, thêm cá tạo nên một cảnh quan thu nhỏ khá thú vị. Tâm tính con người cũng như hòn đá kia, những điêu khắc ban đầu dần bị nước bào mòn nên mềm mại hẳn, có vài phần kí ức đã sớm theo thời gian ngủ yên trong quên lãng, đã dần bớt đau đến ray rứt tâm can mỗi khi bận lòng nhớ lại. Hoa khe khẽ thở dài hỏi Minh: “Cậu có muốn nghe nói thật không?”
Thật ra, Minh luôn nhận thấy Hoa là người có nhiều bí mật, chỉ có người như thế mới làm việc kín kẽ đến tuyệt đối, là người sợ bị người khác nắm đuôi, sợ bị người ta nhìn thấy bí mật mình đang mang nặng trong lòng, vậy mà chị lại có ý định nói thật với Minh, cầu còn không được: “Chị nói đi!”
“Ba của cậu đã từng cưỡng dâm tôi.” Một câu của Hoa khiến Minh choáng váng, cậu không thể tin được, khi đó chị mới chỉ mười sáu tuổi, không hơn. Miệng cậu há ra lại khép vào, lắp bắp chẳng thể thốt được nên lời. Hoa ngoảnh mặt nhìn cậu, nụ cười trên mặt chị rất nhẹ, nhẹ đến nỗi như một mảnh giấy trắng khứa vào lòng bàn tay, tưởng như vô hại mà dễ dàng khiến tay đổ máu: “Đương nhiên chưa thành công thì đã mất rồi.”
Tự dưng Minh thở hắt ra, thật may mắn.
Nghe tiếng thở phào của Minh, Hoa quay đầu giấu đi đôi mắt đang đầy toan tính, sự thật của chị có bao nhiêu phần là thật chỉ mình chị nhớ rõ, nhưng như vậy đã đủ rồi, đủ để bảo vệ đứa em chị hết lòng hi sinh.
Khoảng cách giữa thật và giả, nhớ và quên chỉ mong manh như tờ giấy trắng, một nét bút chạm lên, giấy kia vĩnh viễn không còn trắng nữa.
10.
“Đây là bản kế hoạch mới, em cầm về xem lại những chỗ không ổn để chỉnh sửa rồi mai đem lên công ty cho anh.” Cáo Già đưa tập hồ sơ cho Hoa khi chị mở cửa phòng bước vào, trong khi chị còn đang nghĩ có nên làm gì nữa không thì Cáo Già đã cất máy tính vào cặp, đứng dậy cầm lấy áo rồi đưa tay nhéo cằm chị: “Anh về sớm đưa vợ đi ăn cưới của đứa cháu gái, cưng cũng về sớm đi.”
Hoa nũng nịu cười lấy lòng rồi tiễn bước Cáo Già rời đi, chị đứng giữa phòng nhìn dáng vẻ phát tướng của hắn, sự chán ghét tràn lên đáy mắt. Thời gian chưa kịp bào mòn nét xuân thì của chị nhưng đã kịp xóa nhòa vẻ phong độ đầy tự tin ngày xưa của Cáo Già. Đã tám năm rồi cơ đấy, Hoa tặc lưỡi nghĩ. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chị vẫn chưa có ý định tách khỏi Cáo Già, hắn đã không chê thì chẳng việc gì chị phải tự mình rời khỏi một ngọn núi vững chắc đến vậy. Hổ không có núi cũng chỉ là mèo.
“Này, tôi vừa thấy sếp ôm cặp ra về rồi đấy, hôm nay sếp về sớm thế này thì chắc cô ta cũng thế.” Tiếng nước chảy không át được tiếng nói bóng gió đầy ghen tỵ của nhân viên nữ trong công ty, một giọng khác đáp lại: “Ai bảo người ta là thư ký riêng của sếp.”
Lời qua lời, trong lời chẳng thèm giấu giếm những thanh đao bén nhọn, chẳng cần để ý đến việc thái độ của bản thân sẽ khiến người khác bị tổn thương. Con người là vậy, ích kỷ ăn sâu vào trong máu, được dịp thuận lợi sẽ bộc phát cho lòng hả hê: “Hừ, cô ta làm như thể không ai biết mình là bồ nhí của sếp vậy.”
Lời chưa kịp tiếp, cửa phòng vệ sinh mở ra, Hoa thản nhiên bước vào, trên vai là túi xách công sở chuẩn bị để ra về, chị đặt túi lên bệ rồi vặn vòi nước để rửa trôi lớp trang điểm trên mặt, hai cô gái đang nói chuyện im bặt tiếng, chột dạ nhìn nhau nhưng chẳng dám rời đi vì Hoa đứng ở bồn rửa mặt ngay cửa, vô tình ngăn cách người ngoài vào trong, người trong ra ngoài. Vứt tờ giấy lau tay vào giỏ rác dưới chân, Hoa nhếch môi cười nhìn một lượt từ đầu đến chân của hai cô gái trẻ, vô cùng ngạo mạn cất giọng vừa đủ nghe: “Có giỏi thì các cô làm được như tôi đi.” Nói xong thì cầm túi sải chân rời đi.
Hoa có quyền ngạo mạn, càng có quyền buông ra một câu như thế. Chị có nhan sắc, chị có xác thân, hai thứ đó có thể đổi lại rất nhiều thứ bao gồm cả tiền tài vật chất xa hoa nhưng không có đầu óc sẽ chẳng thể nào có được một ghế ngồi ở vị trí vừa cao vừa vững chắc như bây giờ. Họ có thể xem thường chị nhưng không nên xem thường sự lão luyện của những con cáo già từng trải ngoài xã hội, với cáo già, đàn bà có thể dùng để vui chơi nhưng chẳng ai dại dột đem một bình hoa đặt vào vị trí trọng yếu, đẹp thì đẹp đấy nhưng chẳng có tác dụng gì ngoài việc ngắm nghía, chẳng cáo già nào muốn mình chết sớm vì một bình hoa.
Chị đã từng là một bình hoa vô giá trị được cáo già đổi chác với nhau bằng vài lời mua vui cùng một hợp đồng kinh tế nhưng đó đã là chuyện của tám năm trước, lúc chị còn là cô bé vừa mười tám tuổi.
“Bảo bối thế này anh tìm ở đâu ra thế?” Cáo Già đưa tay sờ cằm không thèm che giấu vẻ hứng thú của mình đối với chị ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Khi ấy chị còn rất trẻ, trên người là chiếc quần jeans xanh đã mòn và một chiếc áo thun trắng rộng thùng thình, cả người vừa xuề xòa vừa ngây ngô vậy mà chỉ ngồi yên một chỗ chị cũng trở thành vật phẩm. Cáo Già nhận chị từ tay người cũ, đổi lại bằng một hợp đồng kinh tế nhân nhượng nhiều phần, cuộc sống của chị lại một lần chuyển hướng. Chị cũng từng đau lòng, từng tủi thân và sợ hãi nhưng bên cạnh chị còn một đứa em đang độ lớn và một người mẹ yếu đuối vô năng, chị không còn sự lựa chọn nào khác. Người đến chân núi, trên lưng lại mang theo nhiều áp lực, chị buộc mình phải từng bước đi lên, thật may khi Cáo Già đối đãi với chị không tệ, một tay hắn nuôi chị trưởng thành, từ một cô bé thành một người đàn bà đúng nghĩa. Chị mang ơn hắn, nhưng những gì nợ hắn chị đều đã trả đủ đầy. Con đường chị đang đi thuộc về sự lựa chọn của chị, bất cứ lúc nào chị đều có thể rẽ ngang một con đường mới thuộc về mình. Một người đàn bà thực dụng như chị sẽ chẳng thể nào rời đi khi lợi ích thuộc về mình vẫn còn hiện diện, hơn nữa chị còn phải tìm cho mình một cái tổ ấm áp để tiếp tục cuộc vui với đời.
Cáo Già đã nuôi một con thỏ mà không hay biết rằng đến lúc thỏ đủ trưởng thành sẽ chạy trốn càng nhanh hơn cáo đuổi.
11.
Hoa lại gặp Thiên, chị thấy phiền đến không thể tả. Những tưởng được Cáo Già phóng thích một buổi về sớm để thư giãn đầu óc thì bị người mẹ dịu hiền ở nhà đón sẵn bằng những lời đường mật, vừa năn nỉ vừa dọa nạt, thậm chí giở chiêu khóc lóc buộc chị phải đi xem mắt, Quỳnh vốn buồn rầu những ngày qua cũng được dịp góp vui vài tiếng phụ họa. Đầu óc Hoa đau buốt, chị dùng hai tay day trán rồi gật đầu đồng ý, thêm một lần đi xem mắt cũng chẳng mất mát gì của chị ngoài thời gian. Chị nghĩ thế, nhưng đến lúc nhìn thấy Thiên ngồi nghiêm chỉnh ở bàn, trên bàn còn có một bó hoa thì chị triệt để hối hận, hối hận mình không chịu cứng rắn hơn mặc kệ nước mắt của phụ nữ. Thỉnh thoảng muốn làm một đứa con hiếu thảo không ngờ lại khó đến vậy.
“Này, anh nói xem sao lại cố chấp như vậy, rõ ràng là chúng ta chẳng quen nhau.” Hoa đặt túi xách lên bàn rồi kéo ghế ngồi xuống buông một câu rất lạnh, tâm trạng hiện giờ của chị vô cùng khó chịu.
“Bây giờ chúng ta có thể làm quen nhau.” Thiên không nhanh không chậm đáp lời, trọng giọng nói không nghe ra tâm tình, nhưng đôi tay đặt dưới bàn đang nắm chặt vào nhau tố cáo tâm tình đầy bất an hồi hộp.
Thiên cứ tưởng câu trả lời của mình ít nhất sẽ giữ được phép lịch sự của Hoa, nào ngờ chị khó chơi đến vậy, anh vừa dứt câu chị đã đưa tay cầm lấy túi ra điều muốn đứng dậy rời đi: “Tôi không có hứng thú.”
“Mười phút thôi, anh kể cho em nghe một câu chuyện…” Hoa hất tay Thiên ra khỏi tay mình, ngay ngắn ngồi vào bàn, đôi mày ép chặt vào nhau vô cùng thiếu kiên nhẫn. Thiên nhìn chị, ánh mắt dịu dàng từ từ kể lại một câu chuyện xưa.
Nhà Thiên giàu có, từ bé anh đã có một cuộc sống đủ đầy về vật chất nhưng chưa bao giờ Thiên thấy mình hạnh phúc thực sự. Anh học theo ý của bố, chơi nhạc theo ý của mẹ, muốn kết thân với bạn bè phải qua sự đồng ý của bố, là một cuộc sống áp đặt thiếu thốn tự do và cả tình thương. Bố và mẹ anh, trừ chuyện hai người là vợ chồng trên pháp luật và có thêm anh ở giữa những thứ còn lại đều bằng số không. Không tình yêu, không tiếng nói chung, không đồng cảm, không chung phòng. Anh sống trong nhà như một cái bóng, qua bên này thì nghe lời bố, xoay bên kia thì chịu chỉ trích của mẹ, áp lực và thiếu thốn khiến anh gần như phát điên, Thiên trầm cảm. Anh gắng gượng chống đỡ bản thân đến năm học lớp mười hai, lúc bệnh viện tỉnh vừa xây xong, mười một tầng.
Trường cấp ba của Thiên lại ở gần bệnh viện, một chiều học ngoại khóa, anh trốn giáo viên đi thẳng đến bệnh viện chưa kịp hoạt động, lách mình qua hàng rào song sắt được che chắn hời hợt để leo bộ lên sân thượng của tòa nhà, ôm trong mình ý định giải thoát. Ở đó, anh gặp Hoa, lần đầu. Chị nép mình phía sau những tấm kim loại chất đống còn dư thừa chưa kịp chuyển đi trên sân thượng, một cuốn vở úp lên trên mặt, lẳng lặng nghe anh cầm giấy bút viết tâm thư, nghe anh một mình nói chuyện, chờ đến lúc anh bước đến lan can, cúi đầu nhìn về phía ngôi trường cách đó không xa mới kéo vở ngồi dậy nhìn lên bầu trời không một gợn mây, nắng vừa đủ độ vàng như mật ngọt: “Trời đẹp thế này mà tiễn người đi chầu diêm vương hẳn là một chuyện vui.”
Bút trên tay Thiên lộp bộp rơi xuống lăn về phía chị, anh quay mặt nhìn về phía phát ra tiếng nói thì nhìn thấy một cô gái đang mặc đồng phục học sinh, trên tay áo vẫn còn logo trường, một trường với anh…
“Vậy là không tự tử rồi, tiếc thế.” Hoa châm chọc lên tiếng, nhà có điều kiện, học hành không đến nỗi nào vậy mà nông cạn đến kì lạ, chỉ biết nhìn về phía trước, thấy bức tường chắn ngang đã vội lui bước mà cố chấp không nhìn con đường nhỏ mở ra ở bên người.
“Đúng vậy, vẫn chưa chết.” Thiên bùi ngùi, nỗi xúc động khi nhớ về chuyện cũ vẫn còn nguyên trên khuôn mặt. “Cô gái đó là em.”
Đang chăm chú nhìn ra cửa sổ vì phát hiện một bóng người quen thuộc thì giọng điệu xúc động của Thiên truyền vào tai khiến chị sửng sốt quay phắt đầu nhìn anh, đôi mắt nâu trợn lên. Không phải chứ, dịp nào mà chị lại rảnh rỗi đến độ xen vào chuyện của người khác vậy?
“Chính là em. Em đã nói thế này: ‘Nếu ở chung không được thì rời đi, tiền lắm thế làm gì, xách tiền ra nước ngoài mà sống, thật là nông cạn’.” Chị nói như mắng vào mặt anh nhưng một câu khi đó của chị đã thức tỉnh anh, cũng giải thoát cho anh khỏi những áp lực đang phải gánh chịu. Anh rời trường mà không từ biệt với chị, chỉ kịp nhớ mặt, biết tên, đến câu cảm ơn cũng chưa kịp nói thành lời. Những suy nghĩ chứa nặng trong đầu dần dần biến thành nỗi nhớ, lâu ngày hóa thành thứ tình yêu kì lạ suốt nhiều năm qua. “Cảm ơn em.” Câu cảm tạ sau bao nhiêu năm cuối cùng cũng cất nên thành tiếng.
Hoa lạnh nhạt lắc đầu, trong lòng cực kì khó chịu, chuyện mà đến bản thân mình không nhớ lại khiến người ta khắc cốt ghi tâm, còn khiến người ta đeo bám không tha suốt một quãng đường. Hai mươi sáu năm sống trên đời, Hoa ghét nhất là phiền phức vì vậy Thiên đã bị liệt vào danh sách phiền phức số một cần phải tránh xa.
Điện thoại trong túi vang lên, Hoa kéo túi lôi điện thoại ra một cách thô bạo rồi trượt phím nghe, không thèm liếc mắt đến dãy số xa lạ đang hiển thị trên màn hình: “A lô?”
“Vẻ mặt rất thản nhiên nhưng đôi mắt lại thiếu kiên nhẫn, cô cũng thiếu chuyên nghiệp quá đấy.” Một giọng nói xa lạ vang lên làm Hoa giật thót, chị đưa điện thoại ra trước mặt nhìn dãy số xa lạ rồi cau có đưa lên tai: “Anh là ai?”
Đầu bên kia vang lên một tiếng cười nhẹ, giọng nói có phần đùa bỡn: “Có cần tôi ra tay cứu cô khỏi tình huống phiền phức này không?”
Anh ta biết mặt chị, biết chị đang trong tình huống phiền phức, còn biết chị thiếu kiên nhẫn. Hoa ngẩng phắt đầu nhìn xung quanh mình, không một người quen biết, chị nhếch môi định lên tiếng từ chối “lòng tốt” của người lạ thì tiếng bước chân vang lên sau lưng, đến bên người chị thì dừng lại. Chị ghé mắt nhìn sang, một người đàn ông trong bộ đồ công sở dong dỏng cao đang đứng bên người chị, trên tay anh ta vẫn còn cầm điện thoại, khóe môi nhếch lên nụ cười ngạo mạn còn đôi mắt nhìn chị lạnh lẽo vô cùng.
Giây phút đó, Hoa liếc mắt nhìn hai người đàn ông đang ở cạnh mình, trong lòng cảm thán một câu: “Hóa ra, cũng có ngày mình được làm nữ chính trong phim truyền hình.”