11.
"Ngày Sáu tháng Tám!
Mình đã qua đêm bên ngoài! Ừ thì buông bỏ quy tắc, ừ thì bất chấp tất cả bởi đồng tiền. Thằng bé không thể chịu thêm khổ hạnh nào nữa...
Chiều nay, Triết đã rất giận, nỗi giận của một người đàn ông cảm thấy bất lực. Anh nói với mình về tương lai, về trách nhiệm và gánh vác. Lòng mình rưng rưng.
Triết! Nước sẽ cuốn hoa sẽ trôi, chúng ta chỉ tương ngộ thoáng qua nhau, sao còn thương vay?"
Ả liêu xiêu bước vào, thả phịch túi đồ xuống bàn rồi lao nhanh đến bếp. Tay run run rót nước vào chiếc cốc lớn và ngửa cổ uống lấy uống để như người dân Châu Phi gặp mưa sau những tháng ngày khô hạn kéo dài. Bởi uống quá nhanh, ả sặc sụa ho, mắt nhòe nhoẹt nước còn làn da thêm xanh tái trong hơi thở dốc nặng nề. Thế nhưng ả vẫn ngoan cố rót thêm nước vào cốc...
"Vũ, cô muốn chết à?" Chàng giằng lấy chiếc cốc, quắt mắt nhìn ả thật dữ dội, "Đang trong chu kỳ kinh nguyệt, cô vẫn đi làm. Chỉ có kẻ điên mới hành động như thế, biết không hả?"
Đôi mắt vốn tròn của ả trợn trừng lên, nhìn chăm chăm vào chàng, "Cậu đã lục loại đồ đạc của tôi? Này, cậu nghĩ mình là ai để được lên tiếng, tôi sống hay chết cũng không đến phiên cậu quản, biết chưa?" Như vẫn chưa hả cơn giận, ả áp sát vào gương mặt chàng, rít lên, "Đúng là tôi điên đấy, điên vì cơm áo gạo tiền. Cuộc sống này vốn luôn khắc nghiệt như thế, đừng nhìn đời bằng nhân sinh quan của một đứa trẻ vừa thành niên như cậu. Đời sẽ nghiền nát cậu ra thành từng mảnh và quẳng cho chó xơi, nhớ lấy!" Dứt lời, ả quay ngoắt đi, bỏ mặc chàng tê dại đứng đó cùng âm thanh sập mạnh từ cánh cửa tủ.
Từng dòng nước mát phủ lên thân thể rã rời như chẳng còn thuộc về mình khiến tâm trạng ả lắng dịu xuống ít nhiều. Đêm qua, ả lần đầu qua đêm cùng khách - một gã đàn ông nước ngoài to béo. Gã ta hừng hực, giày vò ả với đủ tư thế kích dục, lúc đứng lúc quỳ, khi bằng con đường truyền thống khi lại là hậu môn. Ả đớn đau, dốc cạn sức mòn để chiều lòng gã, hòng nhận về những đồng tiền tương xứng và gã quả thật rất hào phóng nên hạn định ngày kia đã không còn là nỗi lo đè nặng tâm can. Vừa dội nước vừa thầm vỗ về vùng giữa hai chân đang rên xiết trong cơn nhức nhối tái tê, ả cắn răn rút mạnh chiếc tampon ướt đẫm máu tím đỏ ra khỏi nơi đó, thứ nên lấy ra từ sáng nay nhưng muộn giờ làm nên ả đành tạm quên đi. Nắp thùng rác bật lên, ả sững người trong chốc lát, bên trong trống không, một túi bóng mới đã được thay vào. Lại nhìn chung quanh, ả phát hiện ra rằng phòng tắm sạch bong, quần áo bẩn trong chậu cũng biến mất. Cùng với thân thể trần trụi còn ướt nước, môi ả trễ xuống bởi sự ân hận. Hình như, ả có phần quá nặng lời với người ngoài kia, làm người ai chẳng có tự trọng nhất là với mẫu đàn ông có ánh mắt rực sáng.
Tự thấy bản thân đã gây thương tổn cho chàng, ả vội vội vàng mặc quần áo, dùng khăn túm lại mái tóc sũng nước và lao ra khỏi nhà tắm. Trước mắt ả, chàng đang dỡ quần áo trên dây phơi, nét mặt kém vui thể hiện qua vành môi mím chặt. Ả liền thở phào nhẹ nhõm, gạt nỗi lo lắng rằng chàng vì cảm thấy bị xúc phạm đã âm thầm bỏ đi. Chàng một thân một mình nơi đất khách lại chẳng có tiền bạc hay giấy tờ tùy thân, biết đi đâu về đâu, trong khi nơi đây luôn giăng giăng hiểm họa hay rồi lại như em trai ả ngày xưa. Chờ đến khi chàng mang quần áo vào nhà, ả rón rén đến gần chàng, ả nhoẻn cười cầu hòa, "Cậu ăn trưa chưa?"
Tay vẫn đang vuốt phẳng từng chiếc áo, chàng lắc đầu, "Tôi không đói," rồi như chợt nghĩ đến điều gì khác, chàng ngẩng lên nhìn ả âu lo, "Chắc cô mệt lắm! Nằm nghỉ đi, tôi nấu mì xong sẽ gọi." Chàng lập tức nhấc mớ quần áo đến cuối giường, nhanh tay luồn vỏ bao vào gối, ý chừng để ả có nơi nằm nghỉ.
"Khờ quá," ả giữ chiếc bao gối thơm mùi nắng trên tay cùng ánh mắt rất đỗi dịu dàng khi nhìn chàng, "Cậu không giận tôi chứ?" Chàng im lặng, ả đành tiếp lời, "Xin lỗi nhé! Thần kinh tôi dễ bị kích động nên cậu đừng để tâm đến những lời xằng bậy ấy. Tạm thời, cậu cứ ở đây, thêm người thêm đôi đũa cái bát và cũng không cần làm mấy việc này giúp tôi đâu. Đến bao giờ chán cái ổ chuột này thì liên lạc với người nhà, đừng nghĩ đến chuyện bỏ đi hoang, hiểu không?" Câu lời mềm mại từ đôi môi hơi tái màu của ả cứ buông ra cùng nét mặt bao dung, chỉ cần thêm hành động đưa tay vuốt tóc chàng nữa thôi, sẽ vẽ nên bức tranh người chị lớn đang dỗ dành cậu em trai thơ dại hay bốc đồng.
Thái độ của ả quả thật dịu dàng đến say lòng người nhưng mắt chàng lại không vui. Sự nhạy cảm cho chàng biết rằng ả đang xem chàng như đứa bé con chưa trưởng thành mà bầu trời ngoài kia lại đầy giông bão. Chàng thay đổi dáng ngồi, mặt đối mặt với ả, giọng chàng đủ trầm đủ chững chạc, "Tại sao cô luôn gọi tôi là "cậu", đây là cách xưng hô thông dụng của người Việt hay vì lí do nào khác?"
Ả đưa mắt nhìn chàng, nhìn quanh căn phòng gọn gàng hơn trước, kệ sách trên tường không còn nghiêng hẳn về một bên, những quyển sách hồi môn cũng được sắp xếp thẳng thớm để lòng chợt vỡ òa bao cảm xúc trái ngược, rồi nhẹ giọng, "Với người Việt, "cậu" là cách xưng hô chừng mực khi giao tiếp với phái nam nhỏ tuổi hơn. Còn với tôi, cậu trạc em trai tôi và tôi xem cậu như em trai mình."
"Em trai cô bao nhiêu tuổi?"
"Mười chín! Nếu vẫn bình an ngày qua ngày, năm nay nó đang học năm thứ hai đại học." Ả thành thật đáp, mắt hơi thương nuối về quãng ngày đã xa.
Nét mặt chàng bỗng chốc dãn ra, đôi mày rậm đã thôi nhíu lại, "Tôi đã tốt nghiệp đại học và hai lăm tuổi. Có lẽ, cô nên thay đổi cách xưng hô. Còn về chuyện ban nãy, tôi có giận có buồn nhưng tuyệt đối sẽ không bỏ đi, kể cả khi cô xua đuổi." Chàng đã nói thật, rất thật về cảm giác của mình. Dẫu những lời kia là nặng nề, là xúc phạm đối với chàng, tuy nhiên chàng chỉ buồn nhưng chưa từng mảy may trách cứ ả. Bởi theo một nghĩa nào đó, ả được quyền đỏng đảnh còn trách nhiệm của chàng là cảm thông, bao dung.
"Hả," ả trố mắt nhìn chàng rồi cong mày nghĩ ngợi hồi lâu, "Không thể nào, trông rất trẻ lại ngáo ngơ thế kia mà, thể nào lại lớn hơn tôi tận bốn tuổi?" Ả tự lẩm bẩm, quét ánh nhìn bán tin bán nghi lên chàng, từ cọng tóc đến tận ngón chân.
Chàng mỉm cười nhẹ dù âm giọng cực kỳ nghiêm túc, "Bây giờ, tôi muốn đề nghị cùng cô vài việc, nếu cô không mệt."
"Nói đi, chiều nay tôi không ra phố," ả ngắc ngứ không biết dùng danh xưng thế nào cho đúng nên đành nói trống.
"Tôi muốn tìm việc làm, khi thu nhập tạm ổn, cô sẽ không cần ra phố mỗi đêm nữa. Đấy không là công việc dành cho cô." Chàng nói chậm từng âm khi chiếu ánh mắt chân thành rực lửa kiên định vào ả.
Ả nhận ánh mắt ấy của chàng rồi vội quay đi. Nó khiến âm giọng ả hơi chùng xuống thấp, "Cậu... À, anh thư sinh thế này thì làm được việc gì? Kể cả anh có bằng cấp nhưng với tình trạng thất lạc nhân thân hiện nay, làm sao tìm được việc tương thích. Đừng nói đến giúp tôi, bản thân anh cũng sẽ rất chật vật."
Những điều ả nói, chàng từng đã nghĩ qua. Tuy nhiên, chàng tin tưởng mình có thể làm được nếu quyết tâm cao độ và những gì ả có thể nhìn thấy, chỉ là một phần trong con người chàng. Năm mười tuổi, thầy dạy nhạc nhận xét rằng chàng không có tí năng khiếu âm nhạc nào. Mười ba tuổi, chàng có thể lướt tay trên phím ngà dạo khúc "Serenade" bằng tất cả nội tâm mà không cần ghé mắt nhìn bản ký âm. Mười bảy tuổi, bố chàng quyết định chàng phải thi vào Quản Trị Kinh Doanh, mẹ chàng lại muốn chàng nối nghiệp "Nghệ thuật thứ Bảy" của nhà ngoại; chàng theo Kiến Trúc và tự hoàn thiện nét cọ bằng chính đam mê của bản thân. Chàng vẫn đối diện ả, xoáy ánh nhìn tự tin hòa lẫn sự kiên cường vào ánh mắt trở trăn của người đối diện, "Tạm thời, tôi sẽ tìm những việc lao động phổ thông. Ngoài tiếng Việt đủ giao tiếp thông thường, tôi thông thạo Anh, Pháp, Hoa Phổ Thông, Hoa Quảng Đông và một ít tiếng Ý. Về mặc sức khỏe, tôi luyện Nhu Thuật từ khi lên bảy." Nói đoạn, chàng dừng lời, âm giọng cũng trầm xuống tha thiết hơn, "Vũ, hãy ủng hộ tôi!"
Với ngần ấy niềm tin, ả sao đành lòng chối bỏ nên chỉ lặng lẽ gật đầu. Ả đứng dậy, mở chiếc túi vẫn nằm trên bàn tự nãy giờ ra, vừa xắp xếp lại đồ đạc vừa hỏi, "Xin lỗi nếu tôi tò mò. Chính xác anh từ đâu đến?"
"Tôi có ba quốc tịch. Singapore là nơi tôi đang sinh sống, Pháp là quê mẹ tôi và tôi sinh bên trong lãnh thổ nước Mỹ. Nhưng nếu để dễ dàng xác định nhân thân, khi có điều kiện tôi sẽ liên lạc với Đại sứ quán Singapore để xin lại hộ chiếu." Tiếng chàng vọng đến từ hướng bếp khi tay thành thục đặt ấm nước lên bếp, bật công tắc.
Ả ngừng tay với chiếc túi xách, ngẩn người ra, mắt nhìn chăm chăm vào khoảng không thấp thoáng bóng dương tà trước mặt mình. Dẫu ít học, phận gái bán hương tàn nhan rủ nhưng ả vẫn biết được rằng, chàng đến từ những quốc gia phát triển, từ cách giao tiếp đến ứng xử đều rất lễ độ, theo học ngành Kiến Trúc lại thông thạo nhiều ngôn ngữ, chứng tỏ xuất thân của chàng khó lòng thấp kém như ả. Thế lí do nào khiến chàng muốn trốn tránh hiện tại để quẩn quanh nơi vùng biên thùy mờ mịt này? Yếm thế - hai từ ấy bỗng lướt nhanh qua trí não ả. Ắt hẳn là vậy, ả hiểu như thế nào là buông xuôi, chán ngán với cuộc đời, chỉ muốn tìm quên bằng cách này hoặc cách khác, thậm chí ước rằng bản thân chưa từng tồn tại. Viên mãn luôn khiến người đời cười nhưng tổn thương lại chẳng bao giờ giống nhau, vĩnh viễn không có mẫu số chung. Tuy chẳng biết chàng đã gặp đả kích gì, lòng ả vẫn dấy lên cảm giác cảm thông sâu sắc dẫu ả sẽ không hỏi, không đào sâu vào vết thương ấy. Bởi ả và chàng, mãi mãi là tương ngộ thoáng qua...
"Cô không khỏe à?" Chàng cất giọng quan tâm.
"Không," ả vội vàng xua tay rồi gượng cười hiền, "Hôm nay, tôi sẽ nấu một bữa ngon ủy lạo tinh thần anh trước. Bao giờ tìm được việc, chúng ta sẽ ra ngoài ăn mừng lớn." Vừa nói ả vừa xách túi lớn túi bé bước về hướng chàng.
Chàng đỡ mấy chiếc túi trên tay ả, gật gù tỏ ý thích thú, "Được! Tôi nhất định sẽ mời cô và..." giọng chàng ngưng bặt lại khi suýt nhắc đến từ "em trai cô". Ả luôn buồn khi nhắc về người nhà, thậm chí là rơi vào tâm trạng xúc động mạnh nên chàng biết bản thân phải tuyệt đối ý tứ, không tùy tiện muốn nhắc đến.
"Và gì?" Nét mặt háo hức, ả tròn xoe mắt nhìn chàng.
Ngồi xuống cạnh bên ả, chàng nghiêm giọng, nét mặt lẫm liệt như người lính tuyên thệ trước quân kì, "Và sẽ không để cô phải nhọc nhằn thêm nữa!" Như để chứng minh sự nghiêm túc của mình, mắt chàng bắt đầu chăm chú quan sát cách ả làm khi tay bắt đầu cầm cọng rau đầu tiên trong đời lên.
Ả phì cười. Đôi khi biết là huyễn hoặc nhưng vẫn khiến những vết thương bớt xót đau. Cái gì lâu mãi cũng thành quen, như chính sự cô độc trong tâm hồn dẫu ả chưa từng lựa chọn. Mẹ ả bạc phần, em trai ả kém phúc nên đời ả chưa từng mơ ước vời xa, bởi ả không được phép. Bây giờ, chàng bước vào căn phòng này rồi một ngày nào đó, chàng sẽ lại ra đi, ả sẽ không cưỡng cầu. Thôi thì... duyên nợ nhân sinh giữa cõi đời tạm, ai biết ngắn hay dài, ít ra ả bớt một khoảng trống để mà nghĩ ngợi vẩn vơ. Đưa mắt nhìn chàng đang đánh vật với mớ rau cải, giọng ả trong veo, "Thủ tục xin cấp lại hộ chiếu có khó và tốn kém lắm không?"
"Tôi không biết!" Chàng hơi ngước mắt nhìn lên. Trước nay, những thủ tục này đều do quản gia đảm nhiệm, chàng chỉ việc đọc qua nội dung và đặt bút ký tên khi cần thiết.
"Mai tôi đi Sài Gòn..." Ả không nói tròn câu mà bắt đầu tính toán số tiền mình đang có cộng thêm phần lương từ quán cơm trưa, nếu chịu khó đi xe khách bình thường, ăn uống tiện tặn hơn, chắc sẽ đủ cho hai người nán lại hai hoặc ba hôm và khoảng dự phòng khi chi phí xin cấp lại hố chiếu không quá lớn. Không có giấy tờ tùy thân, cuộc sống khổ sở, nhục nhằn thế nào ả đã từng trải qua nên chẳng muốn ai phải rơi vào hoàn cảnh tương tự, huống chi chàng dẫu gì cũng là bạn cùng nhà. Nếu thực dụng hơn, chàng sẽ tìm được công việc với mức thu nhập ổn khi có đủ giấy tờ tùy thân, ả ắt cũng bớt lo toan ít nhiều.
"Cô đi bao lâu?" Như đứa trẻ sắp phải chia tay cô bé ngồi cạnh trong suốt thời tiểu học, chàng vội vàng hỏi lại. Qua lời mẹ chàng kể, chàng biết Sài Gòn là ở đâu nhưng chưa từng đến. Lần này, chàng dự định du ngoạn rong rủi khắp Việt Nam, ai ngờ lại xảy ra vụ việc hôm nọ. Tuy nhiên, ngay lúc này, chàng không cảm thấy vui hay háo hức nữa bởi cảm giác ả vắng nhà đang xâm chiếm lấy tâm trí.
Ả ngồi xoay lưng lại vời chàng, mặt hướng vào phòng tắm, tay dội nước vào mớ thịt trong rổ, tay kia xáo nhè nhẹ, vừa đáp lời chàng. Tiếng ả lẫn vào tiếng nước chảy, êm dịu mà mạnh mẽ, "Chỉ độ hai hôm, tôi muốn đưa anh cùng đi. Rất nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài đặt tại Sài Gòn, chắc chắn có Singapore. Ít ra chúng ta cũng phải biết thủ tục thế nào, chi phí bao nhiêu để còn chuẩn bị."
Chữ "chúng ta" thoáng qua tai, bất giác khiến ánh mắt chàng thêm sáng ngời mà chính bản thân chàng cũng chẳng nhận ra bởi tâm trí còn đang bận cân nhắc nhiều điều. Tất nhiên chàng muốn đi cùng ả nhưng thứ nhất sẽ rất tốn kém cho ả, thứ hai là chàng ngại đối mặt với bố mình trong hoàn cảnh đường đột này. Chàng rời khỏi nhà hơn tuần nay, cắt đứt hoàn toàn liên lạc, ắt hẳn ông đã điên cuồng truy tìm mà mỗi khi cơn giận lên đến đỉnh điểm, bố chàng sẽ bất chấp đúng sai để bắt ép chàng quay về. Tất nhiên, chàng không muốn quay về, không muốn bỏ lại tiếng thở dài chua chát của ả sau lưng nhưng nếu chàng không có hộ chiếu thì sẽ không thể xin cấp lại thẻ tín dụng, ả vẫn phải ra phố mỗi đêm, biết đến bao giờ gánh nặng trên đôi vai bé nhỏ kia mới vơi đi? Khẽ thở dài, chàng ngập ngừng, "Chuyến đi có thể chậm lại dăm hôm không?"
Lặng lẽ lắc đầu, giọng ả rũ buồn, "Tôi về đưa Phong đi tái khám, sẵn tiện thăm thằng bé luôn, mỗi tháng chỉ một lần. Phong là em trai tôi, nó rất ngoan, học giỏi và rất biết nghĩ." Nói đến câu cuối, âm điệu dường đã lạc đi, con dao trên tay ả cứa vào mớ thịt trên thớt những đường dài, sâu hoắm dẫu chẳng đứt lìa.
"Cậu ấy ốm?" Định hỏi thêm nhưng rồi lại thôi bởi chàng không muốn ả buồn. Người ta cứ bảo trốn tránh nỗi đau sẽ không giải quyết được vấn đề, vậy trơ mắt nhìn nỗi đau khi chưa thể vượt qua, liệu có giải quyết được chăng? Chàng không biết và muốn đặt cảm nhận của ả lên trên hết thảy.
Ả cong cong vành môi, tạo nên nét cười tựa đang mếu trong ánh mắt chênh vênh mệt nhoài rồi tiếp tục cúi đầu thái thịt. Em ả ốm, ốm rất nặng và chẳng bao giờ có thể khỏe lại. Còn ả lại đang sống vì thằng bé, đúng hơn là cố tồn tại vì thằng bé hay thằng bé mới chính là ý nghĩa có sự tồn tại mỏi mòn này, ả chợt nghe hốc mũi cay cay. Lát lâu sau, ả đã thái xong thịt, rửa rau, vo gạo cắm cơm rồi bỗng dưng cất lời bằng thứ âm giọng nhạt nhòa như tiếng thở than, "Nhiều người quen biết từng khuyên tôi buông tay nhưng tôi không làm được. Thằng bé dẫu có thể nào vẫn là em tôi nên tôi không ngại bất kỳ công việc gì, chỉ cần kiếm ra tiền để thằng bé được sống. Không có tiền sẽ chết, chứ loại người như tôi thì chẳng bao giờ chết vì nhục!"
Chàng lắng nghe từng lời ả, chăm chú theo dõi từng cảm xúc trên nét mặt những tưởng vô cảm kia. Mắt ả ráo hoảnh, giọng lành lạnh mà sao nghiệt ngã đến tận cùng. Cảm giác bất lực một lần nữa biến thành lưỡi đao sắc nhọn, đâm mạnh vào cõi hồn chàng. Tứa máu! So ra, chàng quả thật nhỏ bé và tầm thường bởi bao năm qua chưa từng chạm mặt nghịch cảnh thực sự. Bố chàng có gia trưởng đến đâu, ông vẫn luôn nuông chiều chàng. Mẹ chàng thoạt nhìn qua vẻ như thật ích kỉ, tình mẫu tử chẳng có nhưng bà chưa từng rời mắt khỏi từng bước đường chàng qua. Một quyết định lập tức được đưa ra, chàng di chuyển đến gần ả hơn, trao cho ả ánh mắt trân trọng, "Tôi muốn đến thăm cậu ấy, được chứ?"
Khẽ khàng gật đầu, ả chợt thấy ấm lòng. Ít ra, Phong sẽ được một người nữa biết đến - một người chẳng máu thịt và dẫu chút bận tâm ấy có là thoáng qua.
Đêm ấy, chàng và ả đã có bữa cơm tối thực sự đầu tiên cùng nhau. Thịt kho đậu phụ, canh cải xanh ăn cùng cơm trắng. Gạo ở đây thật lạ, chẳng dẻo, chẳng thơm như ở nhà chàng nhưng lại mềm mại, nồng nàn theo một cách rất khác, rất "ả". Ăn cơm xong, ả dạy chàng cách rửa bát đĩa sao cho sạch rồi cả hai chen chúc nơi bậu cửa, vừa mút kẹo vừa ngắm trăng lưỡi liềm hờ hững treo đầu non. Bầu trời đêm thăm thẳm, xa vời vợi mà cũng thật gần bởi chỉ cần nhìn sang ả, chàng thấy cả vạn triệu tinh tú lấp lánh.
Ả ló đầu ra khỏi cửa, ngó nhìn chung quanh hồi lâu rồi bật lửa châm thuốc. Từng vòng khói xám vụt qua mắt, phá tan bầu trời sao của chàng. Chàng cầm bao thuốc lên, đọc mấy câu cảnh báo sức khỏe nhạt nhẽo vẫn thường thấy và hỏi bằng âm giọng bình thường, không gợn lên bất kì ám chỉ nào khác, "Cô biết hút thuốc lâu chưa?"
"Ba năm, có lẽ..." ả nhún vai đáp lời, mắt vẫn nhìn xa xăm vào khoảng đêm.
"Ngon không?" Chàng hỏi tiếp rồi cũng tự gắn một điếu thuốc lên môi, châm lửa và cảm nhận vị đăng đắng luồn qua cổ họng.
"Chẳng biết," ả vẫn dán mắt vào đêm tĩnh mịch, môi bật ra những âm thanh rời rạc, "hút cho đỡ tanh miệng, lợm giọng." Nói đoạn, ả liếc mắt nhìn vẻ mặt vẫn còn ngơ ngác của chàng rồi ơ hờ nói tiếp, "Mùi thuốc lá dẫu sao vẫn thơm hơn mùi tinh trùng. Mà có phải tên đàn ông nào cũng sạch sẽ đâu nên cái mùi ấy sẽ càng tởm lợm. Bọn gái chúng tôi hay đùa với nhau rằng ung thư lưỡi khéo còn đến sớm hơn ung thư phổi." Môi ả phơn phớt nụ cười nhạt như thể đây là câu chuyện của một người xa lạ nào đó chẳng liên quan chi đến cuộc đời mình.
Vị thuốc bỗng dưng mặn chát trong khoang miệng, đầu lọc của điếu thuốc bị ép chặt giữa hai ngón tay khi chàng ngoảnh đi để không phải nhìn thấy nét đớn đau đã thành quen trong đôi mắt ả. Chàng biết, nếu cục diện này chẳng đổi thay, một ngày nào đó ả sẽ mất nốt cả nét đớn đau kia. Khi con người đi đến tận cùng tổn thương, họ bỗng nghiện mùi vị của tổn thương như những tên sát thủ nghiện lắng tai nghe tiếng rên xiết của nạn nhân.
Cả hai vẫn ngồi cạnh nhau, không tựa vào nhau, không nhìn nhau, chỉ cùng nhìn về một hướng. Giữa đêm muộn!