Lâm Diệu Anh bupbecaumua ngocnungocnu giovotinh_ji Tẫn Tuyệt Tình Phi Ánh Tuyết Triều Dương Chim Cụt Starlight mEothMeoth Lê La
Chương 21: Lạng Sơn
Vào khoảnh khắc ấy, thậm chí tôi còn chẳng biết đau. Chỉ sững sờ nhìn lưỡi kiếm sáng loáng kia đâm xuyên qua lớp áo bông ướt đẫm của mình, miết vào xương, dần dần chôn sâu vào da thịt. Từng phân, từng phân một. Dường như tôi còn nghe được cả thứ âm thanh khi lưỡi kiếm được rút ra, mang theo tia máu đỏ thẫm, chẳng mấy chốc đã nhuốm đầy ngực áo tôi.
Tôi nhìn màu đỏ ấy không chớp mắt.
Sau đó, tôi ngã xuống.
…
Lúc tôi thoát khỏi cơn mơ màng vì hoảng loạn, tiếng đao kiếm chát chúa bên tai đã không còn nữa.
Tôi nằm trên bãi cỏ, cả người run lên vì lạnh. Cơn đau càng lúc càng rõ rệt, máu cũng tuôn ra mỗi lúc một nhiều. Vừa lấy lại được chút lý trí, cảm giác choáng váng đã ập đến bao phủ lấy tôi, khiến tôi ngay cả thở cũng không thở nổi.
Tôi cũng cảm thấy rất buồn ngủ nữa, nhưng lại không dám nhắm mắt.
Tôi không biết mình phải làm gì.
Tôi sợ lắm.
Tôi không muốn chết.
“Nằm yên đấy.” Dưới làn sương mỏng, chiếc bóng to lớn trước mặt tôi từ từ cúi xuống, che đi những vệt nắng mờ.
Nếu ánh mắt có thể dùng để giết người, tôi nguyện dùng trọn những hơi thở cuối cùng của đời mình, oanh liệt trừng mắt nhìn hắn, nhìn cho đến khi hắn chết đi sống lại rồi chết tiếp mới thôi.
“Cố chịu đau một chút.” Hắn cất giọng khàn khàn, vừa nói vừa ấn một mảnh vải ướt sũng vào vết thương trên bả vai tôi. Vết thương đã sâu, động tác của hắn lại thô bạo như người ta đánh bóng lư hương, tôi đau đến nỗi khóc oà lên. Hắn thấy thế, chẳng những không có lòng thương cảm đối với trẻ nhỏ mà còn hổ báo véo mạnh vào má tôi một cái, gầm gừ: “Mày nín ngay cho tao! Khóc lóc cái gì? Phiền phức.”
Tôi sắp chết rồi! Mới mười ba tuổi đã phải chết rồi!
Trước lúc chết còn bị người ta ăn hiếp!
Chết vì bị lấy làm bia!
Làm bia cho thằng lợn!
Tôi càng nghĩ càng thấy tủi thân, nỗi ấm ức dồn nén bấy lâu bật ra thành những tiếng thổn thức không ngừng. Khóc xong lại thấy mất mặt vì rơi nước mắt trước kẻ thù, nhục quá, lại càng khóc to hơn.
“Còn khóc nữa là chết vì mất nước trước khi khô máu đấy.” Hắn vòng tay qua người tôi, nhấc bổng tôi lên, gằn giọng: “Nín thì tao bế mày về thị trấn, khóc thì tao bế vứt xuống sông.”
Tôi nuốt tiếng nấc lại vào cổ họng, mười đầu ngón tay bấu chặt tay áo hắn: “Cậu Khắc, cậu đừng bỏ rơi em…”
Hận thù, lòng tự trọng lúc này thì có là cái đinh gì! Sống vẫn hơn.
Sương đã bắt đầu dày, nhấn chìm tôi trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Cảnh vật trước mắt dần trở nên mờ mờ ảo ảo. Tôi run rẩy siết lấy Lê Khắc, tự nhủ nắm được mảnh vải nào trên người hắn thì hay mảnh ấy, nếu chẳng may bị hắn vứt giữa đường thì cũng xé được vài chỗ trên người hắn, khiến hắn đóng băng mà chết. Lê Khắc dĩ nhiên cũng chẳng tốt bụng đến nỗi nán lại băng bó cho tôi. Hắn quẳng cho tôi một mảnh vải để tạm thời cầm máu, rồi băng băng bế tôi xuyên qua những tán cây rậm rạp, suốt cả quãng đường chưa dừng lại bao giờ.
“Nhai!” Đi được một đoạn, bàn tay thô ráp đang đỡ lấy lưng tôi thình lình chìa lên một nắm lá rừng.
Tôi hiểu ý, nên dù đã mệt lả vẫn cố cầm lấy mấy chiếc lá chẳng còn rõ màu sắc đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Nhai xong lại nhả ra, dùng bã lá đắp lên vết thương bê bết máu.
“Năm ngoái Nhật Lệ đòi tao dạy cưỡi ngựa, nhưng chưa được mấy ngày đã hiếu thắng đòi đua với người ta, rốt cuộc bị ngã gãy tay.” Hắn bâng quơ cất tiếng, còn tôi lại chẳng hiểu việc người đẹp của hắn ngã ngựa gãy tay thì có liên quan gì đến việc tôi bị hắn mang ra làm bia suýt chết.
“Con bé ứa nước mắt nhưng không khóc, khiến người ta muốn mắng cũng không nỡ mắng.” Giọng hắn vẫn đều đều, nghe chán đến nỗi tôi đang gục gà gục gật vì buồn ngủ cũng phải tỉnh dậy, thầm mắng hắn chuyện có thế cũng mang ra kể.
Ngẫm lại, như thế vẫn tốt hơn. Nếu tôi ngủ thiếp đi, rồi hắn đột nhiên tốt bụng muốn băng bó cho tôi, phát hiện ra ngực tôi trông không được bình thường lắm, chẳng phải thân phận con gái của tôi sẽ bại lộ sao? Tôi không giống hắn, không thể mặt dày chỉ vào ngực mình bảo rằng đây chẳng qua chỉ là hai khối mỡ thừa thể hiện sự sung túc của gia tộc được.
Trên con đường không thấy ánh mặt trời ấy, cứ chốc chốc hắn lại kể vu vơ những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, khi thì về cô hoa khôi ở Đông kinh, lúc lại về cô hàng nước gốc Ai Lao ở Lạng Sơn. Mỗi lần kể xong lại đưa tôi một nắm lá chẳng biết đã tranh thủ hái lúc nào, bảo tôi nhai.
“Nếu tao là người bị thương, chắc chắn cả hai chúng ta đều sẽ chết.” Lúc hắn nói câu ấy, phía xa xa đã xuất hiện một con thuyền nhỏ rẽ nước tiến về phía chúng tôi.
Đoàn người đã theo lệnh hắn tìm đường về thị trấn từ lâu, chỉ còn mỗi hắn quay lại tìm tôi. Nếu không có hắn, có lẽ tôi đã không bị liên luỵ đến sống dở chết dở thế này, nhưng nếu không có hắn, chắc chắn tôi cũng sẽ không qua được nếu chẳng may chạm mặt ba tên sơn tặc đang trên đường do thám ấy.
Thật ra Lê Khắc nói không sai. Trong hai chúng tôi, kẻ thích hợp nhất để làm vật hy sinh chính là tôi, bởi kẻ duy nhất có khả năng tiêu diệt kẻ thù là hắn. Một người chết dẫu sao vẫn tốt hơn hai người chết, nhưng hiểu là một chuyện, cam tâm tình nguyện trở thành kẻ thế mạng lại là chuyện khác. Huống hồ, trong tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, chưa chắc hắn đã suy tính kĩ khi hàng động, có khi chỉ là bản năng tham sống sợ chết đã khiến hắn nhanh tay đưa tôi ra làm bia chắn mà thôi.
Nếu không phải tôi thấp hơn hắn, nhát kiếm kia đã đâm vào tim và lấy mạng tôi rồi.
“Ít ra cậu cũng phải mời cơm tôi chứ!” Tôi ngước nhìn hắn, vờ ra vẻ đã thấm thía và cảm thông trước lời giải thích kia. “Đau chết được.”
“Cho mày ăn đến vỡ bụng thì thôi.” Hắn đáp.
Tôi cười, cười xong lại nhíu mày vì đau. Tôi sống sót có lẽ không phải kì tích, nhưng việc tôi giữ được tỉnh táo đến lúc về phòng, ra vẻ kiên cường từ chối đề nghị giúp băng bó của những người khác trong đoàn chính là kì tích.
Đến cuối cùng, trong mắt họ, tôi vẫn là một đứa con trai.
…
Tình hình ở Lạng Sơn hoá ra còn phức tạp hơn tôi nghĩ.
Lúc tấu chương của Trịnh Khả được gửi về kinh, dịch bệnh vẫn chưa nghiêm trọng lắm, bản thân ông ấy và Bùi Cầm Hổ cũng chưa mắc bệnh. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính Lê Khắc được cử đến trà trộn vào đoàn thuyền của chúng tôi. Ngoài Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ, thế lực lớn nhất thuộc triều đình ở Lạng Sơn lúc này là Lê Khắc. Không phải do địa vị của hắn trong quân đội, mà là do quan hệ cha con giữa hắn và Lê Sát. Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ không muốn Lê Khắc nhân cơ hội này mở rộng ảnh hưởng của mình đối với dân chúng Lạng Sơn, nhưng lại cần hắn đảm bảo việc cứu trợ diễn ra thuận lợi. Sự phân công nhiệm vụ này cũng vừa vặn phù hợp với con người Lê Khắc, vốn là con nhà tướng nên hứng thú với việc truy quét sơn tặc để lập quân công hơn là ở lại lo việc phân phát từng bát cơm đấu gạo.
Thế nhưng, nếu đã biết rõ thuyền có thể bị bọn sơn tặc tấn công bằng đường thuỷ, việc quân lính ở Lạng Sơn chỉ thiết lập phạm vi bảo vệ trên đường bộ, để mỗi mình Lê Khắc trà trộn lên thuyền, chẳng phải là quá chủ quan sao? Tôi không tin với khả năng của Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ, sau khi biết chuyện đánh tráo thuốc lại không nghĩ đến khả năng bọn sơn tặc sẽ đổi địa điểm tấn công. Trừ khi họ hoàn toàn không được thông báo việc này.
Cả hai người họ đều mắc bệnh, có kẻ nhân cơ hội này che giấu thông tin cũng không phải là không thể. Vấn đề là ai đã làm việc ấy thôi.
Tôi bị thương nặng, suốt ba ngày liền đều nằm lì trên giường không dậy nổi, đến ngày thứ tư mới có thể gắng gượng ra trước cửa quan sát xung quanh một chút. Mấy hôm nay không hiểu sao tôi cứ thấy bồn chồn. Có lẽ vì vừa trải qua một biến cố lớn không ngờ đến, có lẽ vì rời khỏi cung cũng đã gần mười ngày, nên thấy nhơ nhớ Phạm Nguyên, nhớ cái giọng vừa dịu dàng vừa ngang ngược của cậu ta.
Cũng có thể vì mấy ngày rồi không có trứng cút muối tiêu ăn…
“Chẳng phải đã bảo không được ra gió sao?”
Tôi xoay người lại, ngẩng đầu nhìn chiếc bóng màu nâu nhạt vừa lên tiếng phía sau mình.
“Cháu ngồi trong phòng mãi buồn quá ạ.” Nhận ra lão thầy lang đã bốc thuốc cho mình hôm trước, tôi đáp lại bằng một nụ cười từ tốn.
“Muốn ra ngoài cũng nên khoác áo dày một chút. Còn trẻ không giữ gìn thân thể, sau này về già sẽ rất có hại cho sức khoẻ.” Ông lão chậm rãi cất lời.
Tôi lễ phép gật đầu: “Vâng ạ.”
Một mình tôi không thể xử lý vết thương, nên sau một đêm lên cơn sốt, rốt cuộc tôi cũng phải nhờ người tìm thầy lang đến bốc thuốc cho mình, dù phải đối diện với nguy cơ người này có thể thông qua quá trình bắt mạch mà phát hiện ra tôi là con gái. Cũng may lão thầy lang này chưa từng có biểu hiện gì khác thường khi bắt mạch cho tôi, chỉ chữa đúng bệnh mình cần chữa. Ông ấy lại là người xứ khác đến Lạng Sơn tìm gặp người thân, không có liên quan gì đến những nhân vật lớn của triều đình nên tôi cũng yên tâm được ít nhiều, dù mỗi lần gặp người này tôi vẫn có cảm giác hơi là lạ, chỉ là không biết lạ ở điểm nào.
Cách vén tay áo bắt mạch của ông ấy khiến tôi nhớ đến thầy tôi, nhưng dường như đấy không phải là điều duy nhất.
Tôi ngồi bên lò sưởi giữa đại sảnh, dõi mắt nhìn theo dòng người thưa thớt đang qua lại trên đường, chợt thấy may mắn vì ngày ấy đã không theo lời Phạm Nguyên đưa mẹ đến Lạng Sơn để tránh tầm mắt phe phái Lê Ngân và Lê Sát. Nếu không có khi mẹ tôi đã trở thành một trong những nạn nhân xấu số vừa được đưa đi hoả thiêu ấy cũng nên. Hơn nữa, nếu mẹ tôi đến đây theo sự sắp xếp của Phạm Nguyên, vai trò của bà có khi cũng chẳng khác một con tin để đảm bảo lòng trung thành của tôi là mấy. Trước đây tôi đã không nghĩ đến việc này, nhưng những ngày tháng sống bên Phạm Nguyên đã cho tôi thấy: một hoàng đế trẻ con tư duy chắc chắn sẽ thâm sâu hơn nhiều so với một đứa trẻ bình thường. Ai lật ngược thế cờ trong việc đưa người vào cung của Phạm thái phi, ai cố tình khoét sâu hiềm khích ngầm giữa hai phe văn võ trong triều, ai trở nên tử tế với Trịnh thái phi để Phạm thái phi nhìn nhận lại kẻ địch thật sự của mình… Thế giới của cậu ta gai góc như vậy, tôi không tin cậu ta chưa từng tính toán đối với tôi.
“Ông nghĩ sự việc nay mai có khả quan hơn không ạ?”
“Thuốc của quan phủ thì còn thiếu khá nhiều, nhưng sáng nay nhiều người đã được các thầy mo dùng phép thuật chữa khỏi bệnh rồi.” Ông lão đáp lại bằng một vẻ vô cùng điềm tĩnh, dường như chẳng hề nghi ngờ gì về việc phép thuật có thể giúp người ta lành bệnh.
“Phép thuật làm sao chữa lành bệnh được ạ, cháu không tin lắm.”
Ông lão nhàn nhã nhấp một ngụm trà, khẽ mỉm cười: “Ừm, thì lời đồn là như vậy.”
Thầy mo…
Người man?(1)
Xem ra mọi việc đã dần dần sáng tỏ. Tháng hai năm ngoái, quản lĩnh trấn Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý mưu phản, bị triều đình sai tư mã Lê Văn An đánh dẹp, bắt về hơn nghìn thổ dân(2). Những thổ dân này sau đó được triều đình thả trở về, nhưng vợ con Hoàng Nguyên Ý lại bị sung làm nô tì ở nhà các đại thần, còn bản thân hắn thì trốn sang đất nhà Minh, đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Nếu hôm nay những thầy mo kia đã có hành động phô trương thanh thế, mở rộng ảnh hưởng của mình, khả năng kẻ đứng sau họ là Hoàng Nguyên Ý rất lớn. Một trận bệnh dịch có thể trừ đi Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ, đồng thời tung tin đồn thất thiệt, mê tín kích động lòng dân. Xem ra, hơn một năm nay nhà Minh tốn công vỗ béo con chó này để nó quay lại cắn Đại Việt cũng không phải là lãng phí.
Chiều hôm ấy, Lê Khắc đến gặp tôi, mang theo một túi mơ to. Cũng chẳng hiểu là do hắn nghĩ tôi thích ăn mơ hay là do hắn thích gì mang nấy.
“Sức khoẻ quan tuyên uý và quan an phủ sứ thế nào rồi ạ?” Tôi quan tâm hỏi.
Lê Khắc muốn diệt bọn sơn tặc kia là thật, nhưng điều đó không có nghĩa là hắn không có ý nhân cơ hội này kết liễu cả Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ. Minh thương dễ đỡ, ám tiễn khó phòng.
“Trước đây từng có kẻ giở trò trong thuốc nên hai người họ hồi phục khá chậm.” Hắn đáp.
Tôi chau mày lo lắng, nhưng trong lòng cười nhạt. Kẻ giở trò trong thuốc không chừng chính là hắn chứ đâu phải ai xa lạ. Đến khi mọi việc kết thúc, nếu hắn đổ hết tất cả cho bọn Hoàng Nguyên Ý thì cũng chẳng ai tra ra được, còn công trạng thì một mình hắn hưởng.
“Nghe đồn bọn thầy mo mấy ngày nay chữa được bệnh cho nhiều người lắm.” Tôi dò hỏi.
“Người bệnh ngày ngày được chúng cho uống một loại nước bùa, rồi ngồi quanh đống lửa để chúng nhảy múa đọc chú suốt đêm.” Hắn vừa nói vừa cắn một miếng mơ to, nhếch môi có vẻ khinh thường. “Toàn trò buôn thần bán thánh.”
“Thế cậu Khắc có định mang lính đến trấn áp bọn chúng không? Ở đây người man rất nhiều, lại dễ ngả về phe bọn thầy mo hơn là quan phủ chúng ta. Lỡ như họ bị bọn ấy xúi giục tạo phản thì nguy lắm.”
Hắn lắc đầu, nhè nhẹ rung đùi tiếp tục sát phạt một quả mơ khác trên bàn.
Tôi nghĩ, có lẽ hắn cũng đoán ra kẻ chủ mưu rồi, trước cả tôi, thậm chí đã nghĩ ra phương án giản quyết vấn đề.
“Mày giúp tao ngăn cản Nhật Lệ tiến cung, tao chia một phần công trạng cho mày, thấy thế nào?” Hắn ngả người vào thành ghế, cằm hơi ngẩng lên, ánh mắt thoáng nét bông đùa chăm chú nhìn tôi.
Tôi khó xử cúi đầu vò vò vạt áo: “Việc tiểu thư Nhật Lệ tiến cung là ý của quan tư mã Lê Ngân và Phạm thái phi, tôi chỉ là một kẻ hèn mọn trong cung, sao có thể…” Sau đó lại ngần ngừ: “Nếu như được tiểu thư hỗ trợ thì may ra…”
Hắn cười lớn: “Chẳng phải con bé từng bảo với mày là đang tìm cách để thất tiết sao?”
Tôi khẽ “Ồ” lên một tiếng, gật gù vỡ lẽ.
Sáng hôm sau, hắn đánh xe đưa tôi đến phủ thăm Trịnh Khả.
…
Lúc cùng tiên đế xông pha trận mạc, dựng nên cơ nghiệp nhà Lê, vị dũng tướng có gương mặt đẹp như tạc cùng đường đao uyển chuyển mà mạnh mẽ ấy có lẽ chưa bao giờ nghĩ kết thúc của mình lại đến từ một trận dịch bệnh thế này.
Tôi cẩn thận che mặt bằng một chiếc khăn, ngồi xuống cạnh bên giường Trịnh Khả.
“Con có một số việc cần xin ý kiến của quan lớn ạ.” Tôi vừa nói vừa khẽ xoay mặt trong chiếc nhẫn đeo trên ngón cái về phía ông.
“Có chuyện gì?” Những ngày bị bệnh tật hành hạ đã khiến giọng ông khản đặc, rất khó nghe, nhưng nếu chú ý vẫn có thể hiểu được ý ông.
“Ngài mới tỉnh dậy nên có lẽ vẫn chưa biết, hiện nay bọn thầy mo đang được dân chúng tin tưởng lắm. Nghe nói bọn chúng có một loại nước phép tạo ra từ bùa có thể chữa lành bệnh dịch. Con và vệ uý Lê Khắc thấy việc này không thể trùng hợp như vậy được. Thuốc men cứu trợ của triều đình bị sơn tặc đánh tráo, vừa lúc bọn thầy mo lại trổ tài chữa bệnh mua chuộc lòng dân, chắc chắn là đã có âm mưu từ trước.” Giọng tôi không lớn không nhỏ, vừa đủ để kẻ đang ẩn nấp phía bên kia cánh cửa, nếu có, nghe được.
Trong lúc nói, ngón tay tôi cũng không ngừng di chuyển trên bàn tay Trịnh Khả, vẽ nên những con chữ lời ít ý nhiều đã suy nghĩ suốt đêm qua.
“Là Hoàng Nguyên Ý.”
“Vệ uý Lê Khắc và con cũng nghĩ như vậy ạ.” Tôi đáp. “Nếu để bọn thầy mo thuận lợi thao túng lòng dân, cục diện ở Lạng Sơn e rằng sẽ rất khó thu xếp ạ, nên chúng ta phải ngăn chặn việc này càng nhanh càng tốt. Ngài là người có quyền cao nhất ở đây, không có lệnh của ngài những người phía dưới không dám hành động khinh xuất, nên xin ngài nhân lúc vẫn còn tỉnh táo xem xét dự định của chúng con để đưa ra mệnh lệnh chính thức ạ.” Ở Lạng Sơn, với thanh thế của cha mình Lê Khắc có thể ngấm ngầm làm nhiều việc, nhưng dù sao vẫn có một số việc cần phải danh chính ngôn thuận, không thể cứ một tay che trời được. Đó mới là lý do chính hắn muốn hợp tác với tôi.
Tôi chẳng có gì hết. Thế lực không, năng lực cũng không. Chỉ có cái tiếng là người thân cận với Phạm Nguyên, là cầu nối duy nhất giữa Phạm Nguyên và Trịnh Khả lúc này. Với hoàn cảnh hiện tại của mình, Trịnh Khả sẽ phải đắn đo suy tính rất nhiều đối với những đề nghị từ Lê Khắc, nhưng nếu những lời đề nghị ấy xuất phát từ tôi, ông ấy sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Sau nửa canh giờ, tôi bước ra khỏi phòng với một tờ mật lệnh có con dấu của quan tuyên uý. Lê Khắc đợi tôi trước cổng, theo lời hứa đánh xe lừa dẫn tôi đi ăn thịt vịt quay, tiện thể mua một ít quà cho những người ở điện Thường Xuân. Tôi nghĩ có đánh chết hắn cũng không ngờ, bao hồng khô to tướng tôi nhờ hắn vác về chẳng phải để tặng cô nào cả, mà là dành cho tên nhóc ngồi trên ngai vàng suốt ngày cứ thích cầm đĩa cuốn chiếu doạ tôi.
…
Tôi ở lại y xá dưỡng thương suốt bốn ngày liền không bước ra ngoài. Trong bốn ngày ấy, những việc Lê Khắc cần làm đã làm rồi, những việc Trịnh Khả cần làm có lẽ cũng đã làm rồi. Vết thương của tôi đã lành hơn phân nửa, nhưng có một việc quan trọng tôi lại quên tính đến, lúc này khiến tôi lao tâm khổ trí.
Tôi bắt đầu có những triệu chứng của bệnh dịch, đồng thời những ngày nhắc nhở cho tôi biết tôi là con gái cũng quay lại tìm tôi.
Không tìm thầy lang để kịp thời chữa trị, tôi sẽ chết. Tìm thầy lang, tin tức về thân phận con gái của tôi sẽ nhanh chóng đến tai Lê Khắc. Cũng có khi lúc đưa tôi đến tìm Trịnh Khả, Lê Khắc đã sớm bày ra nấm mồ này để đẩy tôi vào. Cứu rồi giết, giết rồi lại cứu, đều là vì giá trị của tôi trong ván cờ lợi ích của hắn thôi. Giờ thì hắn đã chẳng cần tôi nữa.
Những ngày tháng tư, lúc mặt trời vừa ló dạng, Lạng Sơn vẫn còn rất lạnh. Tôi trùm kín người bằng một tấm áo choàng lớn màu đen, khó nhọc nhích từng bước trên đường, chốc chốc lại phải tựa vào một thân cây nào đấy nghỉ ngơi một lát, cắn răng ôm bụng vì đau. Bệnh không thể không chữa, nhưng bí mật cũng không thể không bảo vệ. Tất cả những gì tôi có thể làm là tìm một thầy lang lạ mặt ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó để bắt mạch, rồi dùng tiền mua thuốc của bọn thầy mo từ người khác.
Mưa rơi.
Tôi bước vội vào một hốc cây lớn trên đường, khẽ thở dài thu người tránh những hạt mưa lạnh buốt. Mùa này hoa gạo nở nhiều, phủ đầy triền núi. Dưới làn mưa mỏng, những tán hoa màu đỏ rực trông xa như những đốm lửa chập chờn đang chờ một cơn gió giúp chúng cháy bùng lên. Tôi mệt mỏi tựa đầu vào thân cây chờ mưa tạnh. Lẫn trong tiếng mưa, dường như có tiếng chuông ngọc thanh thanh đang nhẹ rung lên.
“A, xin lỗi.” Người thanh niên áo lam đang lao đi dưới mưa vội vàng đứng chững lại khi nhìn thấy tôi đang co ro nép vào hốc cây. Lúc ấy, tôi vô tình ngước lên, chạm phải ánh mắt anh ta.
Cây cổ thụ này tuy lớn nhưng dù sao hốc cây cũng chỉ đủ để che chắn một người. Nhìn anh ta đứng dưới tán cây, vạt áo lướt thướt nước mưa, lòng trắc ẩn trong tôi trỗi dậy, thỉnh thoảng lại len lén liếc mắt sang quan sát anh ta.
Trên tay anh ta có một bó lá cây. Chắc là vừa đi chợ mua rau cho mẹ.
Bụng tôi vừa dịu xuống chưa bao lâu lại quặn đau. Tôi hít một hơi thật sâu, nhắm mắt, cảm thấy sinh lực cứ như đang dần bị cơn mưa này rút cạn. Tôi thật sự chẳng thích làm con gái chút nào.
“Em nhỏ, ăn vài lá này đi, giảm đau tốt lắm.”
Tôi nhìn đăm đăm bàn tay đang cầm nắm lá trước mặt mình, sau đó ngạc nhiên ngước lên nhìn anh ta không chớp mắt. Tôi nghĩ lúc đó chắc mặt tôi đần lắm.
Đây là rau, tôi từng thấy người ta bán ở chợ rồi, ăn được, nên tôi ngoan ngoãn theo lời anh ta bỏ đôi ba lá vào mồm. Ăn rồi mới sực nhớ ra lá này công hiệu lắm cũng chỉ chữa được chứng đau dạ dày. Tôi đau bụng vì tới tháng, hai việc ấy rất khác nhau.
Thế nhưng, rốt cuộc cơn đau của tôi lại tan biến thật. Mặt tôi nóng bừng lên, chỉ hận không thể đào một cái lỗ mà chui xuống. Từ đấy, cả buổi tôi đều dán mắt xuống đám rễ cây dưới đất, nhìn giun.
Lúc ngẩng mặt lên, mưa đã tạnh, bóng áo lam kia cũng đã biến mất tự lúc nào.
Mũi giày tôi tình cờ giẫm phải một vật gì đó trên bãi cỏ. Tôi cúi xuống nhặt lên, phát hiện ra đó là chiếc chuông ngọc của mình, bèn dùng tay áo lau thật sạch rồi treo lại bên hông.
Thế nhưng, lúc này tôi lại nhận ra, chiếc chuông ngọc luôn theo tôi từ bé đến giờ vẫn còn nằm chiễm chệ trên đai áo, chưa từng rơi xuống.
Chiếc chuông này không phải của tôi.
Đỗ…
Đỗ…
Đỗ Tương?
Chú thích:
(1) Người man: người dân tộc thiểu số ở cao nguyên phía bắc.
(2) Trước kia, bọn Hoàng Nguyên Ý, Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh, Nguyễn Công Đình ở trấn Lạng Sơn đều là tù trưởng các phụ đạo của trấn Lạng Sơn, vì theo triều đình nên đều được làm quản lĩnh, vẫn được ở đất cũ của mình. Bọn Tuyên úy Lê Đồ, Lê Lộng lúc ấy không biết vỗ về, chế ngự nên bọn Nguyên Ý đều mang lòng oán hận. Quận Vương Lê Tư Tề có người vợ lẽ, vì có lỗi phải đuổi đi. Nguyên Ý về chầu trông thấy rất thích, ngầm đem theo về, đến nỗi lộ việc. Năm 1434, tên gia nô của Nguyên Ý là Phi Báo, vì bị Nguyên Ý đánh nên chạy đến chỗ tuyên úy Lê Đồ, Lê Lộng vu cáo là Nguyên Ý đã dấy binh. Lê Thái Tông liền sai Lê Văn An đem quân Ngự tiền, Thiết đột và quân ở Bắc đạo đi đánh. Khi đến nơi thì Văn Ngạc đã bị trấn binh giết chết, bọn Nguyên Ý đều bỏ cả vợ con chạy trốn sang đất Minh. Lê Văn An liền chia quân lùng bắt thân thích, nô tì, tài sản, gia súc của bốn tên đó cùng vợ con của trấn quân được tới hơn nghìn người đem về dâng nộp. Vua thả hết dân thường, đem gia thuộc của bốn tên đó ban cấp cho các quan.
[Trích “Đại Việt sử ký toàn thư”]
Chương 21: Lạng Sơn
Vào khoảnh khắc ấy, thậm chí tôi còn chẳng biết đau. Chỉ sững sờ nhìn lưỡi kiếm sáng loáng kia đâm xuyên qua lớp áo bông ướt đẫm của mình, miết vào xương, dần dần chôn sâu vào da thịt. Từng phân, từng phân một. Dường như tôi còn nghe được cả thứ âm thanh khi lưỡi kiếm được rút ra, mang theo tia máu đỏ thẫm, chẳng mấy chốc đã nhuốm đầy ngực áo tôi.
Tôi nhìn màu đỏ ấy không chớp mắt.
Sau đó, tôi ngã xuống.
…
Lúc tôi thoát khỏi cơn mơ màng vì hoảng loạn, tiếng đao kiếm chát chúa bên tai đã không còn nữa.
Tôi nằm trên bãi cỏ, cả người run lên vì lạnh. Cơn đau càng lúc càng rõ rệt, máu cũng tuôn ra mỗi lúc một nhiều. Vừa lấy lại được chút lý trí, cảm giác choáng váng đã ập đến bao phủ lấy tôi, khiến tôi ngay cả thở cũng không thở nổi.
Tôi cũng cảm thấy rất buồn ngủ nữa, nhưng lại không dám nhắm mắt.
Tôi không biết mình phải làm gì.
Tôi sợ lắm.
Tôi không muốn chết.
“Nằm yên đấy.” Dưới làn sương mỏng, chiếc bóng to lớn trước mặt tôi từ từ cúi xuống, che đi những vệt nắng mờ.
Nếu ánh mắt có thể dùng để giết người, tôi nguyện dùng trọn những hơi thở cuối cùng của đời mình, oanh liệt trừng mắt nhìn hắn, nhìn cho đến khi hắn chết đi sống lại rồi chết tiếp mới thôi.
“Cố chịu đau một chút.” Hắn cất giọng khàn khàn, vừa nói vừa ấn một mảnh vải ướt sũng vào vết thương trên bả vai tôi. Vết thương đã sâu, động tác của hắn lại thô bạo như người ta đánh bóng lư hương, tôi đau đến nỗi khóc oà lên. Hắn thấy thế, chẳng những không có lòng thương cảm đối với trẻ nhỏ mà còn hổ báo véo mạnh vào má tôi một cái, gầm gừ: “Mày nín ngay cho tao! Khóc lóc cái gì? Phiền phức.”
Tôi sắp chết rồi! Mới mười ba tuổi đã phải chết rồi!
Trước lúc chết còn bị người ta ăn hiếp!
Chết vì bị lấy làm bia!
Làm bia cho thằng lợn!
Tôi càng nghĩ càng thấy tủi thân, nỗi ấm ức dồn nén bấy lâu bật ra thành những tiếng thổn thức không ngừng. Khóc xong lại thấy mất mặt vì rơi nước mắt trước kẻ thù, nhục quá, lại càng khóc to hơn.
“Còn khóc nữa là chết vì mất nước trước khi khô máu đấy.” Hắn vòng tay qua người tôi, nhấc bổng tôi lên, gằn giọng: “Nín thì tao bế mày về thị trấn, khóc thì tao bế vứt xuống sông.”
Tôi nuốt tiếng nấc lại vào cổ họng, mười đầu ngón tay bấu chặt tay áo hắn: “Cậu Khắc, cậu đừng bỏ rơi em…”
Hận thù, lòng tự trọng lúc này thì có là cái đinh gì! Sống vẫn hơn.
Sương đã bắt đầu dày, nhấn chìm tôi trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Cảnh vật trước mắt dần trở nên mờ mờ ảo ảo. Tôi run rẩy siết lấy Lê Khắc, tự nhủ nắm được mảnh vải nào trên người hắn thì hay mảnh ấy, nếu chẳng may bị hắn vứt giữa đường thì cũng xé được vài chỗ trên người hắn, khiến hắn đóng băng mà chết. Lê Khắc dĩ nhiên cũng chẳng tốt bụng đến nỗi nán lại băng bó cho tôi. Hắn quẳng cho tôi một mảnh vải để tạm thời cầm máu, rồi băng băng bế tôi xuyên qua những tán cây rậm rạp, suốt cả quãng đường chưa dừng lại bao giờ.
“Nhai!” Đi được một đoạn, bàn tay thô ráp đang đỡ lấy lưng tôi thình lình chìa lên một nắm lá rừng.
Tôi hiểu ý, nên dù đã mệt lả vẫn cố cầm lấy mấy chiếc lá chẳng còn rõ màu sắc đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Nhai xong lại nhả ra, dùng bã lá đắp lên vết thương bê bết máu.
“Năm ngoái Nhật Lệ đòi tao dạy cưỡi ngựa, nhưng chưa được mấy ngày đã hiếu thắng đòi đua với người ta, rốt cuộc bị ngã gãy tay.” Hắn bâng quơ cất tiếng, còn tôi lại chẳng hiểu việc người đẹp của hắn ngã ngựa gãy tay thì có liên quan gì đến việc tôi bị hắn mang ra làm bia suýt chết.
“Con bé ứa nước mắt nhưng không khóc, khiến người ta muốn mắng cũng không nỡ mắng.” Giọng hắn vẫn đều đều, nghe chán đến nỗi tôi đang gục gà gục gật vì buồn ngủ cũng phải tỉnh dậy, thầm mắng hắn chuyện có thế cũng mang ra kể.
Ngẫm lại, như thế vẫn tốt hơn. Nếu tôi ngủ thiếp đi, rồi hắn đột nhiên tốt bụng muốn băng bó cho tôi, phát hiện ra ngực tôi trông không được bình thường lắm, chẳng phải thân phận con gái của tôi sẽ bại lộ sao? Tôi không giống hắn, không thể mặt dày chỉ vào ngực mình bảo rằng đây chẳng qua chỉ là hai khối mỡ thừa thể hiện sự sung túc của gia tộc được.
Trên con đường không thấy ánh mặt trời ấy, cứ chốc chốc hắn lại kể vu vơ những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, khi thì về cô hoa khôi ở Đông kinh, lúc lại về cô hàng nước gốc Ai Lao ở Lạng Sơn. Mỗi lần kể xong lại đưa tôi một nắm lá chẳng biết đã tranh thủ hái lúc nào, bảo tôi nhai.
“Nếu tao là người bị thương, chắc chắn cả hai chúng ta đều sẽ chết.” Lúc hắn nói câu ấy, phía xa xa đã xuất hiện một con thuyền nhỏ rẽ nước tiến về phía chúng tôi.
Đoàn người đã theo lệnh hắn tìm đường về thị trấn từ lâu, chỉ còn mỗi hắn quay lại tìm tôi. Nếu không có hắn, có lẽ tôi đã không bị liên luỵ đến sống dở chết dở thế này, nhưng nếu không có hắn, chắc chắn tôi cũng sẽ không qua được nếu chẳng may chạm mặt ba tên sơn tặc đang trên đường do thám ấy.
Thật ra Lê Khắc nói không sai. Trong hai chúng tôi, kẻ thích hợp nhất để làm vật hy sinh chính là tôi, bởi kẻ duy nhất có khả năng tiêu diệt kẻ thù là hắn. Một người chết dẫu sao vẫn tốt hơn hai người chết, nhưng hiểu là một chuyện, cam tâm tình nguyện trở thành kẻ thế mạng lại là chuyện khác. Huống hồ, trong tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, chưa chắc hắn đã suy tính kĩ khi hàng động, có khi chỉ là bản năng tham sống sợ chết đã khiến hắn nhanh tay đưa tôi ra làm bia chắn mà thôi.
Nếu không phải tôi thấp hơn hắn, nhát kiếm kia đã đâm vào tim và lấy mạng tôi rồi.
“Ít ra cậu cũng phải mời cơm tôi chứ!” Tôi ngước nhìn hắn, vờ ra vẻ đã thấm thía và cảm thông trước lời giải thích kia. “Đau chết được.”
“Cho mày ăn đến vỡ bụng thì thôi.” Hắn đáp.
Tôi cười, cười xong lại nhíu mày vì đau. Tôi sống sót có lẽ không phải kì tích, nhưng việc tôi giữ được tỉnh táo đến lúc về phòng, ra vẻ kiên cường từ chối đề nghị giúp băng bó của những người khác trong đoàn chính là kì tích.
Đến cuối cùng, trong mắt họ, tôi vẫn là một đứa con trai.
…
Tình hình ở Lạng Sơn hoá ra còn phức tạp hơn tôi nghĩ.
Lúc tấu chương của Trịnh Khả được gửi về kinh, dịch bệnh vẫn chưa nghiêm trọng lắm, bản thân ông ấy và Bùi Cầm Hổ cũng chưa mắc bệnh. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính Lê Khắc được cử đến trà trộn vào đoàn thuyền của chúng tôi. Ngoài Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ, thế lực lớn nhất thuộc triều đình ở Lạng Sơn lúc này là Lê Khắc. Không phải do địa vị của hắn trong quân đội, mà là do quan hệ cha con giữa hắn và Lê Sát. Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ không muốn Lê Khắc nhân cơ hội này mở rộng ảnh hưởng của mình đối với dân chúng Lạng Sơn, nhưng lại cần hắn đảm bảo việc cứu trợ diễn ra thuận lợi. Sự phân công nhiệm vụ này cũng vừa vặn phù hợp với con người Lê Khắc, vốn là con nhà tướng nên hứng thú với việc truy quét sơn tặc để lập quân công hơn là ở lại lo việc phân phát từng bát cơm đấu gạo.
Thế nhưng, nếu đã biết rõ thuyền có thể bị bọn sơn tặc tấn công bằng đường thuỷ, việc quân lính ở Lạng Sơn chỉ thiết lập phạm vi bảo vệ trên đường bộ, để mỗi mình Lê Khắc trà trộn lên thuyền, chẳng phải là quá chủ quan sao? Tôi không tin với khả năng của Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ, sau khi biết chuyện đánh tráo thuốc lại không nghĩ đến khả năng bọn sơn tặc sẽ đổi địa điểm tấn công. Trừ khi họ hoàn toàn không được thông báo việc này.
Cả hai người họ đều mắc bệnh, có kẻ nhân cơ hội này che giấu thông tin cũng không phải là không thể. Vấn đề là ai đã làm việc ấy thôi.
Tôi bị thương nặng, suốt ba ngày liền đều nằm lì trên giường không dậy nổi, đến ngày thứ tư mới có thể gắng gượng ra trước cửa quan sát xung quanh một chút. Mấy hôm nay không hiểu sao tôi cứ thấy bồn chồn. Có lẽ vì vừa trải qua một biến cố lớn không ngờ đến, có lẽ vì rời khỏi cung cũng đã gần mười ngày, nên thấy nhơ nhớ Phạm Nguyên, nhớ cái giọng vừa dịu dàng vừa ngang ngược của cậu ta.
Cũng có thể vì mấy ngày rồi không có trứng cút muối tiêu ăn…
“Chẳng phải đã bảo không được ra gió sao?”
Tôi xoay người lại, ngẩng đầu nhìn chiếc bóng màu nâu nhạt vừa lên tiếng phía sau mình.
“Cháu ngồi trong phòng mãi buồn quá ạ.” Nhận ra lão thầy lang đã bốc thuốc cho mình hôm trước, tôi đáp lại bằng một nụ cười từ tốn.
“Muốn ra ngoài cũng nên khoác áo dày một chút. Còn trẻ không giữ gìn thân thể, sau này về già sẽ rất có hại cho sức khoẻ.” Ông lão chậm rãi cất lời.
Tôi lễ phép gật đầu: “Vâng ạ.”
Một mình tôi không thể xử lý vết thương, nên sau một đêm lên cơn sốt, rốt cuộc tôi cũng phải nhờ người tìm thầy lang đến bốc thuốc cho mình, dù phải đối diện với nguy cơ người này có thể thông qua quá trình bắt mạch mà phát hiện ra tôi là con gái. Cũng may lão thầy lang này chưa từng có biểu hiện gì khác thường khi bắt mạch cho tôi, chỉ chữa đúng bệnh mình cần chữa. Ông ấy lại là người xứ khác đến Lạng Sơn tìm gặp người thân, không có liên quan gì đến những nhân vật lớn của triều đình nên tôi cũng yên tâm được ít nhiều, dù mỗi lần gặp người này tôi vẫn có cảm giác hơi là lạ, chỉ là không biết lạ ở điểm nào.
Cách vén tay áo bắt mạch của ông ấy khiến tôi nhớ đến thầy tôi, nhưng dường như đấy không phải là điều duy nhất.
Tôi ngồi bên lò sưởi giữa đại sảnh, dõi mắt nhìn theo dòng người thưa thớt đang qua lại trên đường, chợt thấy may mắn vì ngày ấy đã không theo lời Phạm Nguyên đưa mẹ đến Lạng Sơn để tránh tầm mắt phe phái Lê Ngân và Lê Sát. Nếu không có khi mẹ tôi đã trở thành một trong những nạn nhân xấu số vừa được đưa đi hoả thiêu ấy cũng nên. Hơn nữa, nếu mẹ tôi đến đây theo sự sắp xếp của Phạm Nguyên, vai trò của bà có khi cũng chẳng khác một con tin để đảm bảo lòng trung thành của tôi là mấy. Trước đây tôi đã không nghĩ đến việc này, nhưng những ngày tháng sống bên Phạm Nguyên đã cho tôi thấy: một hoàng đế trẻ con tư duy chắc chắn sẽ thâm sâu hơn nhiều so với một đứa trẻ bình thường. Ai lật ngược thế cờ trong việc đưa người vào cung của Phạm thái phi, ai cố tình khoét sâu hiềm khích ngầm giữa hai phe văn võ trong triều, ai trở nên tử tế với Trịnh thái phi để Phạm thái phi nhìn nhận lại kẻ địch thật sự của mình… Thế giới của cậu ta gai góc như vậy, tôi không tin cậu ta chưa từng tính toán đối với tôi.
“Ông nghĩ sự việc nay mai có khả quan hơn không ạ?”
“Thuốc của quan phủ thì còn thiếu khá nhiều, nhưng sáng nay nhiều người đã được các thầy mo dùng phép thuật chữa khỏi bệnh rồi.” Ông lão đáp lại bằng một vẻ vô cùng điềm tĩnh, dường như chẳng hề nghi ngờ gì về việc phép thuật có thể giúp người ta lành bệnh.
“Phép thuật làm sao chữa lành bệnh được ạ, cháu không tin lắm.”
Ông lão nhàn nhã nhấp một ngụm trà, khẽ mỉm cười: “Ừm, thì lời đồn là như vậy.”
Thầy mo…
Người man?(1)
Xem ra mọi việc đã dần dần sáng tỏ. Tháng hai năm ngoái, quản lĩnh trấn Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý mưu phản, bị triều đình sai tư mã Lê Văn An đánh dẹp, bắt về hơn nghìn thổ dân(2). Những thổ dân này sau đó được triều đình thả trở về, nhưng vợ con Hoàng Nguyên Ý lại bị sung làm nô tì ở nhà các đại thần, còn bản thân hắn thì trốn sang đất nhà Minh, đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Nếu hôm nay những thầy mo kia đã có hành động phô trương thanh thế, mở rộng ảnh hưởng của mình, khả năng kẻ đứng sau họ là Hoàng Nguyên Ý rất lớn. Một trận bệnh dịch có thể trừ đi Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ, đồng thời tung tin đồn thất thiệt, mê tín kích động lòng dân. Xem ra, hơn một năm nay nhà Minh tốn công vỗ béo con chó này để nó quay lại cắn Đại Việt cũng không phải là lãng phí.
Chiều hôm ấy, Lê Khắc đến gặp tôi, mang theo một túi mơ to. Cũng chẳng hiểu là do hắn nghĩ tôi thích ăn mơ hay là do hắn thích gì mang nấy.
“Sức khoẻ quan tuyên uý và quan an phủ sứ thế nào rồi ạ?” Tôi quan tâm hỏi.
Lê Khắc muốn diệt bọn sơn tặc kia là thật, nhưng điều đó không có nghĩa là hắn không có ý nhân cơ hội này kết liễu cả Trịnh Khả và Bùi Cầm Hổ. Minh thương dễ đỡ, ám tiễn khó phòng.
“Trước đây từng có kẻ giở trò trong thuốc nên hai người họ hồi phục khá chậm.” Hắn đáp.
Tôi chau mày lo lắng, nhưng trong lòng cười nhạt. Kẻ giở trò trong thuốc không chừng chính là hắn chứ đâu phải ai xa lạ. Đến khi mọi việc kết thúc, nếu hắn đổ hết tất cả cho bọn Hoàng Nguyên Ý thì cũng chẳng ai tra ra được, còn công trạng thì một mình hắn hưởng.
“Nghe đồn bọn thầy mo mấy ngày nay chữa được bệnh cho nhiều người lắm.” Tôi dò hỏi.
“Người bệnh ngày ngày được chúng cho uống một loại nước bùa, rồi ngồi quanh đống lửa để chúng nhảy múa đọc chú suốt đêm.” Hắn vừa nói vừa cắn một miếng mơ to, nhếch môi có vẻ khinh thường. “Toàn trò buôn thần bán thánh.”
“Thế cậu Khắc có định mang lính đến trấn áp bọn chúng không? Ở đây người man rất nhiều, lại dễ ngả về phe bọn thầy mo hơn là quan phủ chúng ta. Lỡ như họ bị bọn ấy xúi giục tạo phản thì nguy lắm.”
Hắn lắc đầu, nhè nhẹ rung đùi tiếp tục sát phạt một quả mơ khác trên bàn.
Tôi nghĩ, có lẽ hắn cũng đoán ra kẻ chủ mưu rồi, trước cả tôi, thậm chí đã nghĩ ra phương án giản quyết vấn đề.
“Mày giúp tao ngăn cản Nhật Lệ tiến cung, tao chia một phần công trạng cho mày, thấy thế nào?” Hắn ngả người vào thành ghế, cằm hơi ngẩng lên, ánh mắt thoáng nét bông đùa chăm chú nhìn tôi.
Tôi khó xử cúi đầu vò vò vạt áo: “Việc tiểu thư Nhật Lệ tiến cung là ý của quan tư mã Lê Ngân và Phạm thái phi, tôi chỉ là một kẻ hèn mọn trong cung, sao có thể…” Sau đó lại ngần ngừ: “Nếu như được tiểu thư hỗ trợ thì may ra…”
Hắn cười lớn: “Chẳng phải con bé từng bảo với mày là đang tìm cách để thất tiết sao?”
Tôi khẽ “Ồ” lên một tiếng, gật gù vỡ lẽ.
Sáng hôm sau, hắn đánh xe đưa tôi đến phủ thăm Trịnh Khả.
…
Lúc cùng tiên đế xông pha trận mạc, dựng nên cơ nghiệp nhà Lê, vị dũng tướng có gương mặt đẹp như tạc cùng đường đao uyển chuyển mà mạnh mẽ ấy có lẽ chưa bao giờ nghĩ kết thúc của mình lại đến từ một trận dịch bệnh thế này.
Tôi cẩn thận che mặt bằng một chiếc khăn, ngồi xuống cạnh bên giường Trịnh Khả.
“Con có một số việc cần xin ý kiến của quan lớn ạ.” Tôi vừa nói vừa khẽ xoay mặt trong chiếc nhẫn đeo trên ngón cái về phía ông.
“Có chuyện gì?” Những ngày bị bệnh tật hành hạ đã khiến giọng ông khản đặc, rất khó nghe, nhưng nếu chú ý vẫn có thể hiểu được ý ông.
“Ngài mới tỉnh dậy nên có lẽ vẫn chưa biết, hiện nay bọn thầy mo đang được dân chúng tin tưởng lắm. Nghe nói bọn chúng có một loại nước phép tạo ra từ bùa có thể chữa lành bệnh dịch. Con và vệ uý Lê Khắc thấy việc này không thể trùng hợp như vậy được. Thuốc men cứu trợ của triều đình bị sơn tặc đánh tráo, vừa lúc bọn thầy mo lại trổ tài chữa bệnh mua chuộc lòng dân, chắc chắn là đã có âm mưu từ trước.” Giọng tôi không lớn không nhỏ, vừa đủ để kẻ đang ẩn nấp phía bên kia cánh cửa, nếu có, nghe được.
Trong lúc nói, ngón tay tôi cũng không ngừng di chuyển trên bàn tay Trịnh Khả, vẽ nên những con chữ lời ít ý nhiều đã suy nghĩ suốt đêm qua.
“Là Hoàng Nguyên Ý.”
“Vệ uý Lê Khắc và con cũng nghĩ như vậy ạ.” Tôi đáp. “Nếu để bọn thầy mo thuận lợi thao túng lòng dân, cục diện ở Lạng Sơn e rằng sẽ rất khó thu xếp ạ, nên chúng ta phải ngăn chặn việc này càng nhanh càng tốt. Ngài là người có quyền cao nhất ở đây, không có lệnh của ngài những người phía dưới không dám hành động khinh xuất, nên xin ngài nhân lúc vẫn còn tỉnh táo xem xét dự định của chúng con để đưa ra mệnh lệnh chính thức ạ.” Ở Lạng Sơn, với thanh thế của cha mình Lê Khắc có thể ngấm ngầm làm nhiều việc, nhưng dù sao vẫn có một số việc cần phải danh chính ngôn thuận, không thể cứ một tay che trời được. Đó mới là lý do chính hắn muốn hợp tác với tôi.
Tôi chẳng có gì hết. Thế lực không, năng lực cũng không. Chỉ có cái tiếng là người thân cận với Phạm Nguyên, là cầu nối duy nhất giữa Phạm Nguyên và Trịnh Khả lúc này. Với hoàn cảnh hiện tại của mình, Trịnh Khả sẽ phải đắn đo suy tính rất nhiều đối với những đề nghị từ Lê Khắc, nhưng nếu những lời đề nghị ấy xuất phát từ tôi, ông ấy sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Sau nửa canh giờ, tôi bước ra khỏi phòng với một tờ mật lệnh có con dấu của quan tuyên uý. Lê Khắc đợi tôi trước cổng, theo lời hứa đánh xe lừa dẫn tôi đi ăn thịt vịt quay, tiện thể mua một ít quà cho những người ở điện Thường Xuân. Tôi nghĩ có đánh chết hắn cũng không ngờ, bao hồng khô to tướng tôi nhờ hắn vác về chẳng phải để tặng cô nào cả, mà là dành cho tên nhóc ngồi trên ngai vàng suốt ngày cứ thích cầm đĩa cuốn chiếu doạ tôi.
…
Tôi ở lại y xá dưỡng thương suốt bốn ngày liền không bước ra ngoài. Trong bốn ngày ấy, những việc Lê Khắc cần làm đã làm rồi, những việc Trịnh Khả cần làm có lẽ cũng đã làm rồi. Vết thương của tôi đã lành hơn phân nửa, nhưng có một việc quan trọng tôi lại quên tính đến, lúc này khiến tôi lao tâm khổ trí.
Tôi bắt đầu có những triệu chứng của bệnh dịch, đồng thời những ngày nhắc nhở cho tôi biết tôi là con gái cũng quay lại tìm tôi.
Không tìm thầy lang để kịp thời chữa trị, tôi sẽ chết. Tìm thầy lang, tin tức về thân phận con gái của tôi sẽ nhanh chóng đến tai Lê Khắc. Cũng có khi lúc đưa tôi đến tìm Trịnh Khả, Lê Khắc đã sớm bày ra nấm mồ này để đẩy tôi vào. Cứu rồi giết, giết rồi lại cứu, đều là vì giá trị của tôi trong ván cờ lợi ích của hắn thôi. Giờ thì hắn đã chẳng cần tôi nữa.
Những ngày tháng tư, lúc mặt trời vừa ló dạng, Lạng Sơn vẫn còn rất lạnh. Tôi trùm kín người bằng một tấm áo choàng lớn màu đen, khó nhọc nhích từng bước trên đường, chốc chốc lại phải tựa vào một thân cây nào đấy nghỉ ngơi một lát, cắn răng ôm bụng vì đau. Bệnh không thể không chữa, nhưng bí mật cũng không thể không bảo vệ. Tất cả những gì tôi có thể làm là tìm một thầy lang lạ mặt ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó để bắt mạch, rồi dùng tiền mua thuốc của bọn thầy mo từ người khác.
Mưa rơi.
Tôi bước vội vào một hốc cây lớn trên đường, khẽ thở dài thu người tránh những hạt mưa lạnh buốt. Mùa này hoa gạo nở nhiều, phủ đầy triền núi. Dưới làn mưa mỏng, những tán hoa màu đỏ rực trông xa như những đốm lửa chập chờn đang chờ một cơn gió giúp chúng cháy bùng lên. Tôi mệt mỏi tựa đầu vào thân cây chờ mưa tạnh. Lẫn trong tiếng mưa, dường như có tiếng chuông ngọc thanh thanh đang nhẹ rung lên.
“A, xin lỗi.” Người thanh niên áo lam đang lao đi dưới mưa vội vàng đứng chững lại khi nhìn thấy tôi đang co ro nép vào hốc cây. Lúc ấy, tôi vô tình ngước lên, chạm phải ánh mắt anh ta.
Cây cổ thụ này tuy lớn nhưng dù sao hốc cây cũng chỉ đủ để che chắn một người. Nhìn anh ta đứng dưới tán cây, vạt áo lướt thướt nước mưa, lòng trắc ẩn trong tôi trỗi dậy, thỉnh thoảng lại len lén liếc mắt sang quan sát anh ta.
Trên tay anh ta có một bó lá cây. Chắc là vừa đi chợ mua rau cho mẹ.
Bụng tôi vừa dịu xuống chưa bao lâu lại quặn đau. Tôi hít một hơi thật sâu, nhắm mắt, cảm thấy sinh lực cứ như đang dần bị cơn mưa này rút cạn. Tôi thật sự chẳng thích làm con gái chút nào.
“Em nhỏ, ăn vài lá này đi, giảm đau tốt lắm.”
Tôi nhìn đăm đăm bàn tay đang cầm nắm lá trước mặt mình, sau đó ngạc nhiên ngước lên nhìn anh ta không chớp mắt. Tôi nghĩ lúc đó chắc mặt tôi đần lắm.
Đây là rau, tôi từng thấy người ta bán ở chợ rồi, ăn được, nên tôi ngoan ngoãn theo lời anh ta bỏ đôi ba lá vào mồm. Ăn rồi mới sực nhớ ra lá này công hiệu lắm cũng chỉ chữa được chứng đau dạ dày. Tôi đau bụng vì tới tháng, hai việc ấy rất khác nhau.
Thế nhưng, rốt cuộc cơn đau của tôi lại tan biến thật. Mặt tôi nóng bừng lên, chỉ hận không thể đào một cái lỗ mà chui xuống. Từ đấy, cả buổi tôi đều dán mắt xuống đám rễ cây dưới đất, nhìn giun.
Lúc ngẩng mặt lên, mưa đã tạnh, bóng áo lam kia cũng đã biến mất tự lúc nào.
Mũi giày tôi tình cờ giẫm phải một vật gì đó trên bãi cỏ. Tôi cúi xuống nhặt lên, phát hiện ra đó là chiếc chuông ngọc của mình, bèn dùng tay áo lau thật sạch rồi treo lại bên hông.
Thế nhưng, lúc này tôi lại nhận ra, chiếc chuông ngọc luôn theo tôi từ bé đến giờ vẫn còn nằm chiễm chệ trên đai áo, chưa từng rơi xuống.
Chiếc chuông này không phải của tôi.
Đỗ…
Đỗ…
Đỗ Tương?
Chú thích:
(1) Người man: người dân tộc thiểu số ở cao nguyên phía bắc.
(2) Trước kia, bọn Hoàng Nguyên Ý, Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh, Nguyễn Công Đình ở trấn Lạng Sơn đều là tù trưởng các phụ đạo của trấn Lạng Sơn, vì theo triều đình nên đều được làm quản lĩnh, vẫn được ở đất cũ của mình. Bọn Tuyên úy Lê Đồ, Lê Lộng lúc ấy không biết vỗ về, chế ngự nên bọn Nguyên Ý đều mang lòng oán hận. Quận Vương Lê Tư Tề có người vợ lẽ, vì có lỗi phải đuổi đi. Nguyên Ý về chầu trông thấy rất thích, ngầm đem theo về, đến nỗi lộ việc. Năm 1434, tên gia nô của Nguyên Ý là Phi Báo, vì bị Nguyên Ý đánh nên chạy đến chỗ tuyên úy Lê Đồ, Lê Lộng vu cáo là Nguyên Ý đã dấy binh. Lê Thái Tông liền sai Lê Văn An đem quân Ngự tiền, Thiết đột và quân ở Bắc đạo đi đánh. Khi đến nơi thì Văn Ngạc đã bị trấn binh giết chết, bọn Nguyên Ý đều bỏ cả vợ con chạy trốn sang đất Minh. Lê Văn An liền chia quân lùng bắt thân thích, nô tì, tài sản, gia súc của bốn tên đó cùng vợ con của trấn quân được tới hơn nghìn người đem về dâng nộp. Vua thả hết dân thường, đem gia thuộc của bốn tên đó ban cấp cho các quan.
[Trích “Đại Việt sử ký toàn thư”]