Tẫn Tuyệt Tình Phi Ánh Tuyết Triều Dương Chim Cụt Lê La Starlight bupbecaumua mEothMeoth ngocnungocnu giovotinh_ji Lâm Diệu Anh, Bí đã trở lại và bại hoại hơn xưa đây.
Chương 22: Ngọc Phương
Ký ức của tôi về tuổi thơ khá mập mờ, hầu hết chỉ nhớ được những chuyện từ lúc lên ba.
Thuở ấy còn giặc giã, tháng đôi ba lần thầy mẹ lại phải mang theo tôi đi chạy nạn khắp nơi, cuối cùng nán lại ở một ngọn đồi nhỏ phía nam trấn Thiên Quan. Chúng tôi yên bình sống ở đấy cũng được vài năm. Thầy tôi biết chữa bệnh bốc thuốc nên đi đâu cũng được người ta quý. Lúc ấy cạnh nhà tôi có một gia đình giàu lắm, lại từng chịu ơn thầy tôi nên thỉnh thoảng có gì ngon lại mang sang biếu chúng tôi một ít. Tôi đang ở tuổi thèm ngọt, thời buổi ấy lại không có kẹo nên tôi thích nhất là ăn mía. Người hay mang mía đến cho tôi là con trai nhỏ của nhà ấy, cũng là người từng được thầy tôi cứu sống, tên là Đỗ…
Đỗ… Đỗ…
Chắc là Đỗ Tương hay sao đấy.
Anh ta là học trò của thầy tôi, lớn hơn tôi vài tuổi. Tôi cũng chẳng nhớ rõ vì sao khi ấy hai gia đình lại quyết định hứa hôn, chỉ nhớ có một hôm nọ, tôi đang hớn hở ngồi gặm mía ngoài sàn nước thì anh ta thình lình bước đến, đè má tôi ra hôn một cái thật kêu, bảo: “Bé con à, vậy là chúng ta hứa hôn rồi nhé.”
Tôi vừa kéo tay áo lên lau mặt vừa ngây thơ hỏi anh ta: “Hứa hôn là gì?”
Anh ta nghiêm túc đáp: “Có nghĩa là từ nay ngoài anh ra, em không được hôn tên con trai nào khác, nếu không sẽ có thai.”
“Có thai là gì?”
“Là to bụng. Em có muốn bị to bụng không?”
Tôi lắc lắc đầu, nhưng thật ra cũng không hoàn toàn tin tưởng anh ta.
Tối hôm đó, tôi lén hỏi thầy: “Thầy ơi, anh Mía nói con và anh ấy đã hứa hôn, từ nay ngoài anh ấy ra con không được hôn mấy tên con trai khác, nếu không sẽ bị to bụng. Anh ấy nói có thật không thầy?”
Tôi nào có biết rằng, người cha đáng kính luôn yêu thương chiều chuộng tôi, tối hôm ấy lại nhẫn tâm đứng về phe giặc, ngọt ngào xoa đầu tôi, đáp: “Ừm, đúng rồi con.”
Từ đó, suốt mấy năm liền, tôi đều cho rằng hai người một nam một nữ hôn nhau nhất định sẽ có thai. Mãi đến năm chín tuổi, sau khi bắt gặp chị hàng xóm lén hôn một anh trai làng ngoài bụi chuối mà mãi chẳng thấy ai trong họ có thai, tôi mới ngờ vực đi tìm hiểu, phát hiện ra hôn nhau không có thai được, phải ngủ với nhau mới có thai.
Dĩ nhiên, về sau, rốt cuộc cũng có người giúp tôi giác ngộ ra chân lý: Ngủ với nhau cũng không có thai được, phải thức với nhau mới có thai.
Năm sáu tuổi, thầy và mẹ đưa tôi trở về quê. Ngày chia tay mọi người ở đấy tôi khóc như mưa, cứ bấu chặt lấy thắt lưng anh chàng Đỗ Tương kia mà kéo. Anh ta thấy tôi khóc quá đành trước mặt cả làng tháo thắt lưng ra nhét vào hành lý của tôi, sau đó chạy vào nhà lấy thêm ba cây mía đã róc sẵn đặt vào tay tôi, dịu dàng bảo: “Ngọc Phương ngoan, hôn anh một cái nào. Sau này gặp lại, lấy anh, anh róc mía cho em ăn cả đời luôn nhé.” Tôi ngửi được hơi mía thì cười hề hệ, ngoan ngoãn hôn anh ta một cái rồi nhảy chân sáo theo thầy mẹ rời đi, trên đường đi cũng chẳng biết đã vứt mất cái thắt lưng ấy ở đâu.
Tuổi nhỏ vô tâm. Về quê rồi, sau vài năm, dần dần tôi cũng đã không còn nhớ đến con người ấy. Không ngờ ký ức lại diệu kỳ đến vậy. Chỉ một mùi hương, chỉ một âm thanh giản đơn vô vị lại có thể bỗng chốc kéo tất cả quay về.
Mây tan, trời hửng nắng. Sau một cơn mưa tầm tã, mặt đất lúc này đã phủ đầy hoa gạo. Dưới ánh mặt trời, sắc đỏ kia càng lúc càng rực rỡ đến ngỡ ngàng, âm thầm phản chiếu qua những hạt nước đọng giăng tầng tầng lớp lớp, chẳng mấy chốc đã nhuộm kín cả không gian.
Tôi nhẹ rung chuông, lắng nghe tiếng ngọc trong vắt rót vào tai.
Ngọc Phương…
Ngọc Phương…
Đã rất lâu rồi, không còn ai gọi tôi bằng cái tên này.
Chiếc chuông ngọc này từng gắn với quãng thời gian đẹp đẽ nhất của đời tôi. Năm ấy, tôi là một đứa bé con được cha yêu thương bảo bọc, được mọi người trong làng ưu ái nâng niu. Tôi không phải giả trai, không phải nhẫn nhịn trước những lời dè bỉu của họ hàng nhà nội nhiều tiền lắm của, càng không phải ấm ức nhìn mẹ lúc nào cũng chọn cách cam chịu cho qua chuyện.
Năm ấy, thầy tôi còn sống.
Giờ thầy đã chết rồi. Thầy chết, ngay cả mẹ cũng bỏ rơi tôi.
Nếu tôi tìm đến anh ta, nói cho anh ta biết tôi là con bé Ngọc Phương ngày ấy, anh ta có yêu thương chăm sóc tôi như đã hứa với thầy không? Có còn nhớ lời hẹn sẽ róc mía cho tôi ăn cả đời không?
Gió lao xao lướt qua tán lá. Một giọt nước mưa khẽ khàng chạm xuống môi tôi, lan toả thứ vị mặn nhàn nhạt, nhưng lại thấm buốt tim.
Bảy năm rồi.
Tôi đã đổi thay, sao lại mong mỏi người xưa vẫn như xưa được!
Nắng đã lên rồi, những thứ mông lung cũng tan rồi. Tôi là Nguyễn Đình Phương, hiến sát sứ quan thất phẩm, thư đồng kề cận của hoàng đế Lê triều Đại Việt. Tôi chỉ cần tiền, chỉ cần quyền. Tiền và quyền là những thứ dù có mất đi cũng đều có thể tự mình tìm lại được, không cần phải đặt hy vọng vào ai cả.
Tôi cúi xuống, thong dong tìm một chiếc nhánh khô, đào đất, chôn hai chiếc chuông ngọc dưới gốc cây.
Tưởng là kết thúc. Hoá ra, tất cả chỉ mới bắt đầu.
…
Những ngày sau đó trong trấn thường xảy ra tai dị. Giữa đêm súc vật kêu inh ỏi, trên đường thỉnh thoảng lại xuất hiện những đốm lửa chập chờn, cây cối chết không rõ nguyên do. Có người đang tỉnh bỗng điên, có người cứ tối đến lại thấy bóng quỷ bay qua cửa sổ.
Những lời đồn đoán lan ra càng lúc càng muôn hình vạn trạng, nhưng cuối cùng đều đi đến kết luận rằng thần linh đang nổi giận, muốn trừng phạt dân chúng trong vùng. Qua lời những thầy mo đang được trọng vọng nhờ tài dùng bùa phép, quan quân triều đình nhanh chóng trở thành những kẻ xúc phạm thần linh, mang đến tai hoạ cho dân chúng. Mà trận dịch lần này chính là minh chứng hùng hồn nhất.
Người Kinh trong vùng vì vậy cũng bị vạ lây, suốt ngày thấp thỏm lo bị dân người Man xua đuổi. Nhiều nơi đóng quân của binh lính triều đình bị đám thầy mo nọ kích động dân chúng giữa đêm phóng hoả. Phủ của Trịnh Khả cũng liên tục bị ném đất đá, không ai dám bước ra ngoài. Bầu không khí thù hằn bao phủ khắp nơi. Ngay cả y xá tôi đang ở cũng không còn an toàn như trước nữa.
“Họ sẽ không tấn công vào đây đâu. Đừng lo, cứ ngủ đi.”
Chiếc bóng dong dỏng cao in trên bức tường chầm chậm tiến lại gần tôi. Tôi dụi mắt, từ từ quay đầu lại. Giọng nói này mấy ngày nay tôi nghe đã quen tai, thật ra không cần nhìn vẫn có thể nhận ra đấy là ai.
“Cháu là người của triều đình, dù hôm nay không bị liên luỵ thì lúc về triều cũng khó mà chối bỏ trách nhiệm đối với việc này, không lo sao được ạ.” Tôi nhẹ nhàng đáp.
“Đại Việt này chưa lụn bại đến độ đưa một đứa trẻ mười ba tuổi ra gánh hết trách nhiệm đâu. Huống hồ…” Khoé môi ông lão khẽ cong lên, nhưng giọng điệu lại vờ ra vẻ vô cùng nghiêm trọng. “Ông có thuốc, cháu có muốn giả chết trốn đi thì ông giúp, chỉ là không biết thuốc này công hiệu đến đâu thôi.”
“Tiền bạc cháu để cả trong cung, trốn rồi làm sao sống ạ?” Tôi cũng bông đùa đáp lại. “Trừ khi ông thương tiếc đứa trẻ tội nghiệp này, nói bừa với láng giềng cháu là cháu ruột của ông, cưu mang cháu cơm canh ba bữa qua ngày.”
“Cơm canh ba bữa thì được, nhưng nói bừa cháu là cháu ông thì không được.”
“Vì sao ạ?”
“Ông chưa có vợ.” Ông lão điềm nhiên đáp.
“Làng cháu có vài cụ bà còn đẹp lắm, để cháu làm mai cho ông nhé.”
Ông mỉm cười lắc lắc ngón tay: “Vợ càng không thể lấy bừa, không thể chọn qua mai mối được.”
Trong cung không dễ tin người. Từ dạo tổng quản Cung bị giáng chức, cũng lâu lắm rồi tôi không có ai để trò chuyện chân tình vui vẻ thế này. Ông lão này khiến tôi có cảm giác thân thiết như thầy tôi vậy, nhất là những động tác tinh tế khi bắt mạch, hỏi han, không hiểu sao lại cũng rất giống thầy tôi. Đôi lúc tôi tưởng như mình được trở lại những ngày thơ bé, lúc thầy tôi còn sống, chiều chiều vẫn dẫn tôi ra ngoài ao câu cá, cố nhồi nhét đám kiến thức y dược kia vào cái đầu trơ như gỗ của tôi nhiều chừng nào hay chừng ấy.
“Thể chất cháu hơi yếu. Để ông dạy cháu vài bài thuốc đơn giản phòng thân, sau này nếu gặp chuyện cũng tự lo cho mình được.” Ánh mắt ông lão chợt trở nên nghiêm túc.
Tôi xấu hổ: “Cháu tối dạ lắm ông ơi, học chẳng hiểu nổi đâu.”
“Này, không nên làm mất mặt cha cháu chứ!”
“Thì cháu bảo rồi mà, cháu chỉ là con nuôi thôi, trông cháu không giống cha cháu đâu nên có mất mặt thì cũng chỉ mất mỗi mặt cháu thôi.” Tôi cười hì hì rồi nhanh chân phóng tót lên trên gác. “Thôi, cháu buồn ngủ rồi, cháu xin phép về phòng trước nhé.”
Tình hình bệnh dịch ở Lạng Sơn gần đây đã khả quan hơn, nhưng vị thế của triều đình cũng đi xuống nhanh không kém. Thật ra nếu loạn lạc lan ra, Trịnh Khả vẫn có thể dễ dàng dùng vũ lực trấn áp, ở Lạng Sơn quan quân không thiếu. Chỉ là chính trị vùng này vô cùng nhạy cảm, không thể đàn áp thẳng tay. Năm ngoái Lê Văn An đưa quân đến đây tiêu diệt Hoàng Nguyên Ý đã gây không ít náo động, làm mất lòng dân chúng nơi này(1). Giờ nếu lại đụng đến binh đao, e rằng hậu quả khó lường.
Tôi đứng bên cửa sổ, phóng tầm mắt nhìn ra cột lửa phía xa xa. Đám cháy đêm nay có vẻ lớn hơn đêm trước, cũng chẳng biết là “điềm trời” hay là do loạn dân gây ra nữa.
…
Tôi ở Lạng Sơn thấm thoát đã hơn nửa tháng. Nhìn dịch bệnh hoành hoành, nhìn tai dị liên miên, nhìn dân đen mê muội. Thế nhưng, thứ hôm nay tôi nhìn rõ nhất, lại là thứ vốn dĩ không thể dùng mắt để nhìn: bản chất của chốn quan trường.
Tỷ như, Lê Khắc không ngại dùng thủ đoạn, không tiếc hy sinh, từ đầu đến cuối dù loạn thế nào cũng vẫn bình thản bỏ trước bắt sau.
Trong số những thầy mo được người người bái lạy kia, không biết có ai ngờ đến một ngày những bát cháo mang lòng thành kính được đều đặn dâng lên cho họ lại bị tẩm độc không(2). Hoặc là, thứ thuốc chữa bệnh được họ phủ lên sắc màu thần thánh ngày nào lại bỗng dưng khiến người ta phần chết, phần điên loạn?
Hoặc là, một thầy mo không tiếng không danh đột nhiên xuất hiện, dùng kì hoa dị thảo mê hoặc lòng người, chẳng mấy chốc đã cướp trọn công lao những ngày qua của họ, đẩy họ trở thành những kẻ xúc phạm thần linh?
Thói quen là một thứ vô cùng đáng sợ. Chỉ cần ngày ngày bình yên, mọi việc diễn ra như mong đợi, không sớm thì muộn người ta cũng sẽ sinh ra chủ quan, lơ là cảnh giác.
Chưa đầy một giờ, đen thành trắng, trắng thành đen. Để thực hiện vụ này, e rằng Trịnh Khả đã phải huy động không ít gián điệp triều đình đang nằm vùng ở Lạng Sơn. Tung tin, trà trộn, diễn kịch, hạ độc, chỉ cần có lệnh, không có gì là gián điệp ngần ngại ra tay. Lê Khắc không có bất kỳ quyền hành gì đối với lực lượng này, nên hắn mới cần Trịnh Khả ra mật lệnh. Nếu không, có lẽ hắn đã sớm nhân dịch bệnh này kết thúc tính mạng của Trịnh Khả rồi.
Trời còn chưa sáng, ông lão thường ngồi bên cửa sổ trò chuyện cùng tôi mỗi đêm đã biến mất không còn chút dấu vết nào, để lại cho tôi một gói thuốc to. Đó là một người đàn ông thông minh. Tôi tin ông đã an toàn trốn khỏi Lạng Sơn, chứ không phải đã bị triều đình diệt khẩu.
Tiếc thật, tôi còn chưa kịp hỏi ông cách nhuộm những đoá hoa bảy màu trên chiếc gùi của thầy mo bí ẩn nọ thế nào(3).
Tôi xốc lại chiếc áo khoác trên vai rồi bước xuống đại lao. Nơi này tối tăm ẩm thấp, máu tanh nồng nặc. Chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua, âm thanh vang vọng giữa khoảng không heo hút cũng đủ khiến người ta thấy rợn người.
“Đây không phải chỗ cho con nít.” Bên ánh lửa màu cam nhạt đang hừng hực cháy, tôi nhìn thấy nụ cười ngạo nghễ quen thuộc của gã thiếu niên áo đen. Trên tay hắn là một chiếc roi da dài, nhưng hắn không dùng đến, chỉ thỉnh thoáng vung vẩy một chút như tiêu khiển.
“Hắn đang nói gì vậy?” Tôi liếc nhìn tên tù nhân người loang lổ máu bị treo trên vách, lúc này đang gào thét liên hồi bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu được. Đây là một trong những thầy mo tay sai của Hoàng Nguyên Ý. Ngoài mặt, những kẻ này đều vì phạm tội giả danh thần linh mà bị trời phạt, giữa đám đông phát điên mà chết. Thật ra họ chỉ hôn mê, sau khi giả vờ mang đi chôn liền bí mật bị đưa đến đại lao tra khảo.
“Chỉ chửi thôi, vẫn chưa khai gì cả.” Chiếc roi da trong tay Lê Khắc phất phơ qua lại uyển chuyển như dải lụa. “Tao nghĩ có lẽ phải dùng biện pháp thất đức hơn một chút rồi.”
Lúc nói câu ấy, sắc mặt hắn cũng không hề thay đổi. Sức khoẻ của tôi vẫn còn yếu nên không có hứng thú ở lại xem hắn giở trò gì. Lúc rời khỏi đại lao, tôi chỉ có dịp nhìn thoáng qua một thiếu phụ bị trói gô vừa được dẫn vào.
Đó là một người đàn bà đẹp.
Chiều hôm ấy, tôi nhận được tin một đội tinh binh thân tín của Lê Khắc do chính hắn dẫn đầu đã âm thầm tiến vào rừng, chuẩn bị cho một cuộc truy quét lặng lẽ máu chảy thành sông.
Hắn không hề biết rằng, ngay lúc hắn vừa đi, một gã thầy mo ở căn phòng khác đã nhanh chân trốn thoát khỏi đại lao, sống chết chạy về đại bản doanh thật sự ẩn sâu trong cánh rừng phía tây nam của Hoàng Nguyên Ý.
Lê Khắc biết chờ đợi. Một người có kinh nghiệm chiến trường bấy nhiêu năm như Trịnh Khả dĩ nhiên càng được tôi luyện khả năng này.
Quan trường, có thể có trung thần, có thể có gian thần, nhưng dù là trung thần hay gian thần, họ đều phải là những người không sống bằng trái tim khẳng khái.
Giống như có một lần Nguyễn Trãi dạy thay người thầy ở Quốc Tử Giám của tôi, khi bàn về trung quân ái quốc, ông đã hỏi cả lớp: “Vua nghe gian thần, ta khuyên mãi không được, phải làm sao?” Lúc ấy có người trả lời đã là trung thần thì phải biết hy sinh, lấy cái chết để cảnh tỉnh vua. Nguyễn Trãi lắc đầu: “Trước lúc chết, cùng lắm vua chỉ nghe trò nói được một lần, nhưng gian thần sống, có thể nói từ ngày này qua ngày nọ, từ tháng này qua tháng nọ, trò nghĩ vua sẽ theo ai?”
Dùng hai chữ thiện ác để nhìn quan trường là sự ngây thơ của tôi. Thật ra, để làm quan được, chẳng ai hiền cả, cùng lắm họ chỉ không ác mà thôi.
Lê Khắc biết dùng tôi để thuyết phục Trịnh Khả, thì Trịnh Khả cũng biết dùng tôi để khiến Lê Khắc ngủ quên trên chiến thắng.
Còn tôi, mặc kệ họ làm gì, chỉ cần lần này trở về trên vai có chút công lao là được.
Tôi chẳng cần nhúng tay gì cả.
Thế nhưng, không hiểu sao, tự dưng tôi lại muốn thử làm thánh mẫu với trái tim bao dung nhân hậu một lần cho biết.
Chú thích:
(1) “Năm Thiệu Bình thứ nhất, tháng 2, ngày mồng 3, quản lĩnh trấn Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý mưu phản. Sai Bắc đạo tư mã Lê Văn An đi đánh dẹp.” (Trích ĐVSKTT)
(2) Loại độc này có thể được pha trộn từ cà độc dược và nấm có tác dụng gây ảo giác, khó kiểm soát hành vi, lá trúc đào gây co giật, khó hô hấp dẫn đến hôn mê.
(3) Có thể chẻ phần gốc của cuống hoa ra thành nhiều nhánh, mỗi nhánh nhúng vào một màu nhuộm khác nhau, để màu thẩm thấu lên cánh hoa. Sau khi nhuộm xong thì cắt bỏ phần chẻ nhánh đi để cuống hoa trông bình thường.