Vạn Dặm Xuân - Cập nhật - Bí Bứt Bông

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0
Chị Bí ơi chị đi đâu mất tăm 2 tháng rồi. :(( :((
Chị đi lâu quá! Chị đi xa quá! Chị có biết không em đang đợi chờ.
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
Chị Bí ơi chị đi đâu mất tăm 2 tháng rồi. :(( :((
Chị đi lâu quá! Chị đi xa quá! Chị có biết không em đang đợi chờ.
Chị ấy quên tài khoản với mật khẩu nên không vào Gác được nữa rồi bé Búp ơi. =))
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Chị ấy quên tài khoản với mật khẩu nên không vào Gác được nữa rồi bé Búp ơi. =))
Tài khoản thì quên sao được chị, chắc chỉ quên mật khẩu thôi. :D
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
Tài khoản thì quên sao được chị, chắc chỉ quên mật khẩu thôi. :D
Chị ấy quên luôn mail nào dùng để đăng nhập nên không lấy lại mật khẩu được đó mà. :v
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Chị ấy quên luôn mail nào dùng để đăng nhập nên không lấy lại mật khẩu được đó mà. :v
Bên blog chị cũng thấy có hoạt động chi mô. Nghĩ là dạo này Bí bận chứ không nghĩ quên mail.
Bí có blog đăng cùng truyện này, em kêu Bí lập nick khác rồi vô hỏi anh Hex xem xét được không? Hồi trước chị mất nick Iris_Nguyen, ảnh dồn hết bài đăng của chị từ nick đó sang nick Ivy_Nguyen bây giờ. Chị thấy thế cũng ok. ^^
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Chào mọi người, Bí đã trở lại và bại hoại, à nhầm, lợi hại hơn xưa.
Hai tháng nay Bí quên mật khẩu vào Gác, quên luôn email đăng ký nên không vào được. Vừa rồi liên lạc qua Facebook của sếp Hexagon nên được sếp cấp lại mật khẩu rồi. Để bù đắp, tối nay Bí sẽ đăng liền 3 chương nhé.
 

mEothMeoth

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
21/10/14
Bài viết
278
Gạo
0,0
Chào mọi người, Bí đã trở lại và bại hoại, à nhầm, lợi hại hơn xưa.
Hai tháng nay Bí quên mật khẩu vào Gác, quên luôn email đăng ký nên không vào được. Vừa rồi liên lạc qua Facebook của sếp Hexagon nên được sếp cấp lại mật khẩu rồi. Để bù đắp, tối nay Bí sẽ đăng liền 3 chương nhé.
Ui ui.
 

Lâm Diệu Anh

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/14
Bài viết
1.705
Gạo
600,0
Đậu hũ Bí ơi!
Chào mọi người, Bí đã trở lại và bại hoại, à nhầm, lợi hại hơn xưa.
Hai tháng nay Bí quên mật khẩu vào Gác, quên luôn email đăng ký nên không vào được. Vừa rồi liên lạc qua Facebook của sếp Hexagon nên được sếp cấp lại mật khẩu rồi. Để bù đắp, tối nay Bí sẽ đăng liền 3 chương nhé.
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Chương 28: Đỗ Huy

Cứ đến tháng bảy, trời đêm lại chìm trong những đợt mưa ngâu rả rích.

Nước mưa tí tách rót xuống mái hiên, róc rách thành dòng qua những ô gạch vỡ, lặng lẽ quyện vào hương thơm âm ỉ của những chùm nguyệt quế rụng trắng bậc thềm. Hơi lạnh ngập ngừng phả vào phòng. Hương hoa thoang thoảng, nhưng dư vị điêu tàn của cỏ úa đất trôi lại nồng đậm đến miên man. Nến nương theo gió khi tỏ khi mờ. Nhiều lúc tưởng chừng như sắp tắt, rốt cuộc vẫn le lói đến tận canh tư.

Tôi chăm chú nhìn đôi chuông ngọc chính tay mình chôn xuống gốc cây ba tháng trước. Sắc ngọc trắng trong không tỳ vết, vốn là lời thề hẹn, hôm nay lại đại diện cho một lời cảnh cáo ngấm ngầm.

Từng yêu thương tôi thì sao? Từng được thầy chọn để phó thác tôi cả cuộc đời còn lại thì sao? Ai mà chẳng phải đổi thay! Trước mắt đã có hàng chục, hàng trăm tấm gương như thế, cớ sao tôi còn ngốc nghếch ôm hy vọng rằng sau bảy năm, một người vẫn có thể giữ được sự chân thành tốt đẹp của năm mười một tuổi?

Thậm chí còn nhớ lại những lời hứa vu vơ trẻ con năm ấy, nhớ lại những tháng ngày lên rừng xuống suối chẳng biết âu lo, gieo hạt trồng cây, hái hoa bắt bướm, tết lá làm vòng.

Chẳng khác gì lũ con gái suốt ngày chỉ biết mơ mơ mộng mộng.

Ngây thơ như thế, làm sao đưa được đội mật thám qua mắt tay chân Lê Sát? Làm sao trừ bỏ được những kẻ xum xoe bên Phạm Nguyên muốn ngáng đường mình? Làm sao phát giác được ý đồ của Phạm thái phi và Trịnh thái phi? Làm sao lập công? Làm sao ngăn người khác cướp công? Làm sao tránh bị mang ra làm vật thí?

“Thầy ơi, trước lúc lâm chung thầy dặn con dùng vật này để tìm người mang đến hạnh phúc cho con, nhưng không phải…”

Thế nào là hạnh phúc, thế nào là ái tình, tôi không biết, nhưng tôi biết bạc bẽo là gì.


“Người ta dùng vật này để uy hiếp con thầy ạ.”


Ngọc Phương, Ngọc Phương… Ngọc trong châu ngọc, phương của hương hoa.

Tiếng mưa át tiếng chuông. Rung mãi, vẫn không ra được thanh âm thánh thót thuần khiết của năm nào.



.

.

.

Đêm đằng đẵng mấy cũng phải sáng. Mưa dai dẳng mấy cũng phải tạnh.

Lúc tôi bước ra sân, mặt trời chỉ vừa lên, hơi mưa ẩm ướt vẫn còn vấn vít quanh những hàng cột gỗ chạm hình hoa. Những hoạn quan lo việc quét dọn tất bật lau rửa hành lang, chuẩn bị đón thánh giá đi qua. Một vết bùn, một cánh hoa rơi vãi cũng không dám lơ là. Vua ngồi trên kiệu, dĩ nhiên sẽ không để ý nhiều tiểu tiết, họ sợ là sợ những người hộ tống vua. Tôi thấy vậy đành vòng sang một con đường nhỏ khác đến phòng của Phạm Nguyên.

Trước đây kẻ hầu người hạ còn thưa thớt, mỗi ngày tôi đều lãnh nhiệm vụ đánh thức Phạm Nguyên, sau đó giúp cậu ta mặc long bào chuẩn bị vào triều. Nay hoạn quan cung nữ mỗi lúc một nhiều, độc chiếm cơ hội gần vua cũng chẳng tốt lành gì, nên tôi nhường Đinh Thắng phụ trách việc này, còn bản thân chỉ cần lo sửa soạn sách vở vào Quốc Tử Giám học đến trưa. Thế nên, hôm nay thấy tôi xuất hiện trước cửa phòng Phạm Nguyên vào sáng sớm, không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên.

Nguyên nhân tôi đến cũng chẳng có gì to tát, chỉ là xin một tấm thẻ bài để xuất cung. Sau sự kiện phanh phui danh sách tham quan, Phạm Nguyên ban thưởng và thăng quan cho khá nhiều người. Vì công trạng cũng có, vì tình riêng cũng có. Việc xử lý bệnh dịch ở Lạng Sơn không được công khai nên phần thưởng của tôi có thể xem là vì tình riêng, có điều phần thưởng vì tình riêng này không hề do chữ “riêng” mà nhỏ.

Tôi được ban một căn nhà ở kinh thành.

Hiện tại tôi không quan không chức, mua nhà cũng không thể mua to, nên chỉ chọn một căn be bé trên đường lớn. Tôi ở trong cung suốt nên nhà thường xuyên để trống, muốn tránh lãng phí chỉ còn cách mở một hàng buôn bán vặt rồi thuê người giúp mình quản lý. Việc kinh doanh giao dịch tôi không hiểu lắm, nên nhà là tôi nhờ người anh họ của Đinh Thắng chọn, còn buôn bán thì nhờ em vợ của người thầy dạy ở Quốc Tử Giám tìm mối lấy hàng. Với những việc không lấy gì làm quan trọng thế này, đôi lúc nên để người ta có dịp ban ơn cho mình, để người ta có cảm giác đứng trên cao.

Rời khỏi cấm thành, tôi đi bộ một đoạn rồi đón xe bò đến bến đò. Chốn này lắm người qua kẻ lại, vừa nhộn nhịp vừa tấp nập nên bọn trẻ ăn xin cũng thường xuyên lui đến, nhiều đứa chỉ mới hai ba tuổi đã phải lăn lóc đầu đường xó chợ kiếm hạt cơm mẩu bánh sống qua ngày. Người đi đường không phải ai cũng có lòng nhân ái, nên cuộc sống của chúng khá bấp bênh. Bước vào một quán ăn hơi lụp xụp, tôi ra hiệu gặp riêng bà chủ quán, rồi đề nghị làm một bản khế ước mua năm mươi phần cơm cho bọn trẻ mỗi tháng ba lần, sau đó lại lên xe đến thăm căn nhà đang sửa chữa dở dang.

Ba ngày sau, tôi lại xuất cung lần nữa, giữa đường tình cờ nhìn thấy một gã cậu ấm áo xiêm loè loẹt, thoạt trông có vẻ là con cái nhà quan, đang đòi bắt em gái người ta gán nợ. Tôi nhìn một lần rồi cho xe đi thẳng đến một quán trà cách đấy năm ba dặm.

Lúc vào quán, nhân lúc gọi thêm một đĩa bánh phục linh, tôi thuận miệng kể cho tên bưng trà về chuyện vừa gặp trên đường. Bánh còn chưa mang đến, người đàn ông trung niên vận quan phục mới đấy vẫn nhàn nhã ngồi bên cửa sổ đã chạy ngay ra cửa, giục gia đinh nhanh chóng cáng võng đưa ông ta về phía con đường tôi kể.

Giá trị của mật thám chính là ở đấy!

Giải quyết xong phần trà bánh của mình, tôi lại bắt xe về. Lần này thì vô tình gặp phải một đứa trẻ ăn xin.

Tôi làm theo chỉ dẫn trên bức thư thằng bé vừa lén dúi vào tay, tìm đến quán trọ Bích Vân cạnh bến đò, rồi hỏi thăm phòng một thầy lang quê ở Thái Nguyên. Đón tôi sau cánh cửa là một người đàn ông choàng khăn nâu khắc khổ, tóc đã bạc gần nửa mái đầu, dáng đi hơi run rẩy. Sau khi thận trọng khoá cửa phòng, trên gương mặt già nua ấy chợt xuất hiện một nụ cười lạ mà quen. Ông ta nhẹ nhàng mở cửa sổ, kéo tay tôi leo ra ngoài, men theo hàng tre đến một con đường vắng, rồi đẩy cửa bước vào một căn nhà hoang yên ắng.

“Đã đến nơi rồi, anh còn định thần thần bí bí đến bao giờ?”

Người đàn ông cúi đầu, nhìn tôi thật lâu, bóng cây ngoài cửa phủ đi ánh mắt. Tôi im lặng làm mặt lạnh xoay người sang hướng khác, hạ tầm mắt liếc nhìn thanh nhuyễn kiếm ẩn dưới đai lưng, cẩn thận quan sát quang cảnh xung quanh.

Lúc quay đầu lại, đứng trước mặt tôi đã là một chàng trai trẻ.

Người tôi từng gặp dưới tàn hoa gạo vào một ngày mưa giăng sương dệt. Người từng ân cần chữa bệnh cho tôi suốt những ngày ở Lạng Sơn dưới thân phận một lão thầy lang.

Tên anh ta là… Đỗ Huy.

“Hồi trước em chỉ đứng đến thắt lưng tôi thôi, vậy mà mới mấy năm đã cao lớn vậy rồi.” Anh ta khom người định lau đi mẩu bánh vụn trên môi tôi, nhưng tôi gạt tay anh ta ra, cau mày nghiêng người tránh sang một phía.

Sau đó, nước mắt lã chã rơi.

“Em giận tôi gạt em phải không?” Anh ta định chạm vào tôi, nhưng có lẽ nhớ đến thái độ vừa rồi của tôi nên bàn tay hơi khựng lại. “Lúc ở Lạng Sơn tôi không nắm rõ tình hình nên không thể nói thật với em.”

Tôi vuốt nước mắt cười khẩy: “Tôi không phải con ngốc! Anh chẳng quan chỉ muốn giữ kín bí mật rồi đợi dịp dùng nó để uy hiếp tôi thôi, nếu không thì anh đào cặp chuông ngọc mà tôi chôn ở Lạng Sơn lên gửi vào cung để làm gì? Anh đừng nói với tôi là anh khờ đến nỗi không biết trong cung tai vách mạch rừng, người người chờ chực bắt lỗi nhau để hãm hại thế nào!” Lúc gặp anh ta trong rừng, tôi đang dùng một tấm vải lớn trùm kín cả người, chỉ lộ ra gương mặt, thoạt nhìn không rõ gái trai, càng không thể tra ra thân phận dù anh ta có quay lại và tìm được cặp chuông tôi chôn vội dưới đất đi chăng nữa. Đó là lý do tôi đoán ra anh ta từng tiếp xúc với tôi dưới một thân phận khác.

Trong số những người tôi từng gặp, chỉ có lão thầy lang nọ là gốc gác không rõ ràng, biết được chức vụ của tôi, cũng là người từng được tôi nhẹ dạ cả tin tiết lộ về hoàn cảnh gia đình nhiều nhất.

“Tôi chỉ gửi em cặp chuông kia, không hề viết thêm một chữ nào, ngoài em ra không ai có thể hiểu được ẩn ý của tôi.”

“Được, cứ xem như anh đủ lo lắng cho tôi, không để người trong cung bắt được điểm yếu của tôi, nhưng ý đồ uy hiếp của anh chẳng phải quá rõ ràng sao? Anh nghĩ tôi không tra ra được anh là ai, anh muốn gì ở tôi chắc? Thật tội nghiệp cho cha tôi, trước lúc lâm chung còn nhớ đến anh, bảo rằng mai này anh sẽ là người chăm sóc cho tôi.” Tôi vung tay rút cặp chuông gói kĩ trong chiếc khăn ra, ném về phía anh ta. “Tôi chẳng dám phiền anh chăm sóc, chỉ không ngờ có ngày người mang bí mật của tôi ra uy hiếp lại là anh.”

Anh ta dịu giọng, nhưng ngữ điệu không vì vậy mà thiếu phần kiên định: “Chúng ta đã bảy năm không gặp. Đối phương thay đổi thế nào so với trước đây, không ai biết được. Em lại sống trong cung, nơi hang hùm hổ huyệt, tuổi còn nhỏ địa vị đã hơn người, tính cách bị ảnh hưởng thế nào tôi càng không rõ. Nếu không thăm dò em một chút, tôi làm sao dám manh động gặp em.” Tia nắng trưa chói mắt xuyên qua mái lá, in một vệt dài trên vầng trán anh ta. “Em vốn là một đứa trẻ ngoan, năm ấy cùng tôi vào rừng, biết rõ con thú con nằm bên gốc cây là con sói thế mà vẫn mang nó về chữa thương cho nó. Sống trong cung không dễ dàng gì, tôi biết em không thể vẫn đơn thuần hồn nhiên như lúc nhỏ, nhưng trải qua mấy ngày quan sát, tôi vẫn thấy được thiện tâm trong em chưa biến mất. Ít ra em tra được thân phận của tôi nhưng đến giờ tôi vẫn còn sống sót đứng ở đây.”

“Anh muốn tôi giúp cha anh thoát tội?” Tôi ngước nhìn anh ta bằng đôi mắt đã không còn dấu vết giọt nước nào, cất giọng khô khốc.

“Cha tôi là người thẳng thắn thanh liêm, được dân kính dân yêu, lần này chắc chắn là bị người ta vu oan giá hoạ.” Tôi cảm nhận được mùi sát khí tản mát trong giọng nói có vẻ bình thản của anh ta.

“Danh sách này là do hoàng đế đưa ra, vậy anh đang buộc tội hoàng đế vu khống cha anh?” Tôi không dùng từ ‘vua’, mà dùng từ ‘hoàng đế’.

“Lúc vừa lên ngôi, tiên đế đã định ra luật lệ vô cùng nghiêm khắc để giữ kỉ cương phép nước, tham ô một quan tiền cũng bị mang đi chém. Danh sách năm mươi ba người, nếu đều kết tội chẳng lẽ cùng lúc giết ngần ấy người sao? Với tuổi tác và hậu thuẫn hiện tại của ấu chúa, thật chất cậu ta không đủ khả năng để thu tóm quyền lực lúc này, tạo nên một cơn cuồng phong lớn như vậy trong triều chỉ khiến bứt dây động rừng. Nếu cậu ta đã đủ thông minh để tra ra bấy nhiêu mầm mống, lẽ nào không đủ nhìn xa trông rộng để nhận ra giết đi một lượng quan viên đông như thế sẽ gây ra hậu quả gì đối với những nhân vật còn lại của quan trường? Tôi nghĩ, danh sách ấy có phải thật sự do chính cậu ta sai người thu thập hay không vẫn còn là một nghi vấn lớn.”

Tôi nhếch môi, xoay tròn thanh chuỷ thủ trong tay: “Biết nhiều khó sống, mấy ngày qua tôi không giết anh không có nghĩa là tôi sẽ tiếp tục tha cho anh.” Theo tin tình báo, người thanh niên đang đứng trước mặt tôi đây chỉ là một gã lông bông, không phải loại người quan tâm đến chính trường. Thế nên dẫu đã đoán được phần nào sự tỉ mỉ của anh ta qua hành động gửi cặp chuông ngọc vào cung nhưng không kèm theo bất cứ lời nào, sau đó chờ đợi để quan sát tôi lang thang ở kinh thành suốt mấy ngày qua, việc một người ngoài cuộc như anh ta có khả năng phân tích vấn đề như vậy không khỏi khiến tôi kinh ngạc.

Phạm Nguyên cũng chưa từng khẳng định với tôi danh sách ấy là do cậu ta tra.

Tôi nghĩ ra, anh ta nghĩ ra. Vậy, Lê Sát có khi cũng nghĩ ra…

“Cha tôi làm quan luôn nghĩ cho dân, không khỏi đắc tội nhiều người quyền quý, vô tội vào tay những người này cũng thành có tội.” Giọng anh ta chợt nhẹ hẫng đi. “Ngọc Phương, trước đây cha mẹ tôi đều rất tốt với em. Em có thể…”

Khi thì phô trương suy đoán, lúc thì dùng tình thân lay động. Người này xem ra cũng không tồi.

“Anh không nghe câu nói vừa rồi của tôi sao? Tôi bảo: Biết nhiều khó sống, mấy ngày qua tôi không giết anh không có nghĩa là tôi sẽ tiếp tục tha cho anh.” Tôi tuốt thanh nhuyễn kiếm ra khỏi đai lưng, chậm rãi đặt mũi kiếm lên má anh ta, ấn xuống, nhìn giọt máu đỏ tươi như màu hoa gạo từ từ chảy dọc theo sống kiếm.

“Em định giết tôi?” Anh ta mỉm cười, tia bông đùa trong đáy mắt chợt vụt sáng lên, khiến tôi cũng không rõ anh ta tự tin thật hay chỉ giả vờ. “Hay… định huỷ dung tôi?”

“Huỷ dung?” Tôi nhanh như chớp lướt mũi kiếm xuống yết hầu của anh ta. “Mấy ngày qua ta chưa ra tay, chẳng qua là chưa có dịp mà thôi.”

“Tôi là vị hôn phu đã qua mai mối, có song thân đính ước của em đấy, giết tôi tức là tội sát phu.” Anh ta mỉm cười yếu ớt, nhưng nét tự tin trong ánh cười vẫn chưa tàn lụi.

“Sát phu?” Mũi kiếm trên tay tôi lại ấn sâu hơn một chút. “Nơi này đồng không mông quạnh. Chỉ sợ là còn không ai biết ngươi chết ở đây, chứ đừng nói là vì sao chết, chết do ai.”

“Ngọc Phương, ở Lạng Sơn tôi từng cứu em một mạng, em định lấy oán báo ơn sao?”

“Ta sẽ cứu cha ngươi, nhưng ngươi thì không – thể – sống.” Tôi lạnh lùng nhấn mạnh ba chữ cuối.

“Giảng luân thường đạo lý em không chịu tiếp thu, vậy chúng ta chuyển sang bàn về độc dược đi.”

“Độc dược?”

“Lẽ nào em lại nghĩ tôi chỉ biết bốc thuốc cứu người?” Anh ta đưa tay đẩy nhẹ mũi kiếm của tôi ra, mặc cho lưỡi kiếm cắt vào da. “Sao em thánh thiện đến đáng yêu vậy Ngọc Phương?”

Tôi giật mình, hốt hoảng nhận ra sống lưng mình đang dần dần tê buốt. Cũng chẳng biết anh ta đã hạ độc lúc nào.

“Kim khắc mộc, thuỷ khắc hoả. Nếu vị hôn phu của em không có chút bản lĩnh thì làm sao sống sót để sau này rước em về? Ngoan ngoãn một chút, lấy tôi rồi mỗi ngày tôi sẽ cho em ăn dược thiện để em được đẹp da. Còn nếu cứ thích doạ tôi thế này…” Anh ta co rúm hai vai, nhăn mặt vờ sợ hãi. “Em cũng biết tôi là thư sinh yếu đuối mà. Tôi… tôi… tôi sẽ run tay bỏ nhầm thuốc đấy.”

“Đồ tiểu nhân!”

“Em nghĩ mục đích của tôi là dùng thân phận con gái của em để uy hiếp em sao?” Anh ta khoanh tay, lắc lắc đầu. “Em sai rồi.”

Thứ anh ta cần chính là cơ hội tiếp xúc để hạ độc tôi, sau đó dùng thuốc giải để làm điều kiện.

“Chắc em còn nhớ đám thầy mo phản loạn ở Lạng Sơn bị độc dược của tôi hành hạ thế nào.”

“Ngự y trong cung không thiếu, ta không tin không ai chữa được loại độc này!”

Anh ta tặc lưỡi: “Chậc chậc, sao em nghĩ xa xôi thế, trước hết em phải nghĩ đến việc mình có toàn mạng về cung không đã chứ!”

“Giết tôi anh chẳng được lợi gì, bệ hạ cũng sẽ nhanh chóng cho người điều tra để trả thù cho tôi, đến lúc đó người chết sẽ không phải chỉ một mình anh. Thậm chí chia nhỏ thuốc giải ra nhiều lần để khống chế tôi cũng không phải ý hay đâu! Ngự y không phải toàn một đám lão già vô dụng như anh tưởng.” Tôi gượng cười, thân thể lúc này đã lạnh ngắt, đầu đau như bị kim châm. Nếu không phải lúc ở Lạng Sơn từng chịu qua cơn đau thể xác dữ dội hơn, có lẽ lúc này tôi ngay cả đứng cũng không đứng nổi. “Chúng ta trao đổi điều kiện có lợi cho cả hai bên đi, như vậy sẽ có thể cùng sống tốt dài lâu.”

“Chúng ta từng lớn lên bên nhau, hôm nay thật sự phải đi đến bước này sao?” Anh ta thở dài, ánh nhìn sâu lắng lúc chiếu vào tôi dường như có chút gì tiếc nuối. “Có lẽ… không thể khác đi được nhỉ…”

Tôi vờ như không quan tâm đến những lời ấy của anh ta: “Anh là con trai quan phủ, tính tình lại phóng khoáng, hẳn là giao du với không ít công tử nhà quan. Tôi cần anh tiếp cận họ để dò hỏi tin tức về những việc cha mẹ họ làm.” Những mật thám của Phạm Nguyên dù trà trộn được vào nhà quan cũng không thể tra được loại tin tức vợ chồng con cái đóng cửa bảo nhau này.

Anh ta im lặng hồi lâu, chân cứ bước đều quanh chiếc bóng của tôi, một vòng rồi lại một vòng.

Một lúc sau, cuối cùng cũng dừng lại, gật đầu, khẽ rút từ ống tay áo ra một một mũi kim châm vào thái dương bên trái của tôi, trầm giọng.


“Được.”


Ai mà chẳng phải đổi thay…

Anh bế em mãi nhé? Anh róc mía cho em ăn cả đời nhé?

Gieo hạt trồng cây, hái hoa bắt bướm, tết lá làm vòng…

Ngọt ngào đấy, nhưng chỉ là quá khứ thôi. Tôi đã không còn là tôi của ngày xưa. Anh ta cũng không còn là anh ta của ngày xưa.

Ai mềm lòng, kẻ đó thua.

Ai tính toán trước, người đó thắng.



Tôi trở về cung lúc trời đã xế chiều. Vào phòng, việc đầu tiên tôi làm là đóng cửa đọc một mẩu giấy, thứ được tên bưng trà âm thầm đặt vào tay thậm chí còn sớm hơn cả bức thư của Đỗ Huy ban sáng.

Dĩ nhiên, đây không phải thư của Phạm Nguyên, cũng không phải thư của đội mật thám, càng chẳng phải thư của Đỗ Huy.

Tôi xếp gọn mẩu giấy, mở toang cửa sổ, chống cằm nhìn ra phía mặt sân nắng chang chang.

Đề nghị này… có thể là một cái bẫy không?

Tôi đáng để Lê Sát giăng một cái bẫy lớn vậy sao?
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Chương 29: Không người lớn, chẳng trẻ con


Việc điều tra nhanh chóng được giao lại cho thẩm hình viện và Phạm Vấn. Thế nên dù hiện tại Lê Sát đang cáo bệnh nghỉ chầu, công vụ của Phạm Nguyên cũng chẳng bận rộn hơn là mấy, thậm chí còn có phần thảnh thơi hơn trước. Những người vây quanh cậu ta để nịnh nọt vì vậy cũng nhiều hơn.

Nhân lúc Đinh Thắng ra ngoài dặn dò công việc, tôi vào phòng, giao lại cho Phạm Nguyên bức thư ban sáng Lê Sát vừa lén sai người gửi đến.


Đứng bên bàn, tôi im lặng nhìn cậu ta đọc bức thư, chú ý kĩ từng cái mím môi, từng cái nhíu mày. Việc này hệ trọng nên tôi cũng không dám lên tiếng trước. Lỡ có việc gì, dù tôi có một trăm cái đầu cũng không gánh nổi.


Đang lúc tôi chăm chú đợi chờ phản ứng của cậu ta, khoé môi cậu ta chợt nhếch lên: “Thế ngươi có chắc bức thư này là Lê Sát gửi không?”


“Sao ạ?” Tôi ngây ngốc hỏi.


Cuối thư ký tên Lê Sát, nội dung thư lại khiến tôi lo ngại quá nhiều, nên nhất thời quên mất điểm mấu chốt này.


Chủ nhân bức thư muốn Phạm Nguyên âm thầm để lộ tin mình sẽ bí mật xuất cung thăm Lê Sát. Một khi tin tức lan ra, nhận thấy đây là cơ hội tốt, Quận vương rất có khả năng sẽ chuẩn bị sát thủ để ám sát dọc đường. Đến lúc ấy, võ sĩ của Lê Sát và cấm quân mai phục sẵn sẽ xông vào tóm gọn, đồng thời triều đình cũng có đầy đủ chứng cứ để nhổ cỏ tận gốc Quận vương.


Nếu kẻ viết thư này mạo danh Lê Sát, tôi không dám tưởng tượng hậu quả sẽ đáng sợ đến thế nào!


“Lê – Sát – không – biết- chữ.” Phạm Nguyên nhấn nhá từng lời một, nhìn tôi giễu cợt. Tôi xấu hổ dùng nắm tay chà chà má đến nóng lên, cố tìm một lý do gỡ gạc: “Có khi nào ông ấy sai người viết hộ không? Giống như tấu chương ấy ạ, tấu chương của ông ấy đều do người khác viết hộ mà.”


“Trẫm hỏi lại lần nữa: Ngươi có chắc bức thư này do Lê Sát gửi không?’ Ánh mắt cậu ta lúc này đã không còn nét cười đùa nữa. Đấy là ánh mắt của bậc bề trên.


Tôi lùi ra sau ba bước, vội vàng quỳ xuống chắp tay mà lạy: “Thần bất cẩn, thần sai rồi, xin bệ hạ hãy tha thứ cho thần.” Nói hết câu, đầu vẫn không dám ngẩng lên.


Cậu ta im lặng một lúc, sau đó mới nhẹ nhàng lên tiếng: “Ngươi vào cung mới hai năm, vẫn còn non lắm, làm gì cũng phải suy xét cho cẩn thận, hiểu chưa? Lơ ngơ một chút thôi là sẽ giống như vụ nấu cháo ngày trước đấy!”


“Vâng ạ, sau này thần nhất định sẽ cẩn thận hơn.” Tôi chậm rãi cung kính đáp lời. Bát cháo tôi nấu lần ấy khiến cậu ta nằm vật vạ trên giường suốt mấy ngày, bản thân tôi cũng bị tiên đế trừng phạt răn đe, lại còn bị cậu ta nghi ngờ và lạnh nhạt, làm sao tôi có thể quên được việc này!


“Lại đây!” Cậu ta vung ngón trỏ vẫy vẫy tôi.


Tôi thấy vậy liền hớn hở sà đến bên giường của cậu ta, chỉ tiếc sau lưng không mọc được thêm cái đuôi để vẫy.


“Có thấy câu thứ hai trong bức thư có chữ THIÊN THỜI không, còn câu cuối cùng có một chữ NHẬT?”


Tôi đọc lại bức thư thật kĩ rồi gật đầu: “Vâng, đúng là thế ạ.”


“Nhu cầu liên lạc trong kháng chiến năm ấy là rất lớn, nên để đảm bảo giặc không thể giả mạo thư từ dụ nghĩa quân vào bẫy, tiên đế đã phân cho những tướng lĩnh cao cấp hai từ để ghi vào thư. Chỉ cần nhìn thấy những từ này ở câu thứ hai và câu cuối, sẽ biết được bức thư có thật sự xuất phát từ những tướng lĩnh ấy không.”


“Thế… giả sử bức thư này là Trịnh Khả giả mạo Lê Sát viết thì sao ạ? Thần chỉ giả sử thôi, tức là nếu xảy ra trường hợp phản bội rồi vu hãm lẫn nhau.”


“Sau khi lên ngôi tiên đế đã phân cho mỗi người hai từ khác nhau. Quan hệ giữa các tướng lĩnh sau kháng chiến đã không còn như trước nữa, nên cách quản lý họ cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời thế.”


Chả trách lúc bé thầy tôi từng kể tiên đế thích ngồi bệt dùng tay không xé đùi heo quay, rồi uống rượu bằng bầu gì gì đấy, nhưng từ lúc vào cung chẳng thấy người hành xử như thế bao giờ. Có lẽ năm ấy người muốn tỏ ra hoà đồng nên mới bỗ bã như thế để được tướng sĩ tin yêu, cảm thấy bản thân không phải chỉ là những con tốt thấp hèn dùng thí mạng. Sau này lên ngôi rồi, cần thể hiện địa vị đế vương, cần được người ta nể sợ, nên cách sống của người cũng khác đi.


“Thế bức thư này đúng là do Lê Sát sai người viết ạ?” Tôi ngẩng đầu lên, trở lại với điểm chính của vấn đề.


“Ừ, nhưng trước khi ngươi đưa bức này cho trẫm, trẫm đã nhận được một bức khác rồi.” Cậu ta vừa nói vừa chỉ vào góc bị xé trông hơi kì lạ của bức thư. “Đây là dấu hiệu thông báo nội dung cần trao đổi đã được chia ra làm hai phần. Bức thư mà ngươi nhận được thật ra chỉ thể hiện một phần nội dung thôi.”


Việc này vừa cơ mật vừa nghiêm trọng, có lẽ vì vậy mà cách thức liên lạc cũng thật rắc rối nhiêu khê.


“Gan Lê Sát cũng chưa to đến nỗi mang trẫm ra làm mồi nhử, ông ta chỉ bảo ngươi dẫn theo một người giả dạng trẫm thôi. Có ngươi xuất hiện kẻ địch mới dễ dàng tin kẻ giả dạng kia là trẫm.” Cậu ta nói xong thì im lặng một lúc, dường như đang quan sát thái độ của tôi.


“Thế… thế bệ hạ có định làm theo không ạ?” Tôi tham sống sợ chết, nhưng lại càng sợ Phạm Nguyên nghĩ tôi không đủ trung thành. Cậu ta đã cho tôi biết quá nhiều. Nếu nhận thấy tôi không đủ trung thành, có lẽ… Có lẽ, cậu ta sẽ giết tôi.


“Chuyện này còn tuỳ thuộc vào việc Đình Phương có nguyện ý hy sinh cho trẫm hay không.” Giọng cậu ta nửa đùa nửa thật.


“Chỉ cần có thể giúp bệ hạ nhổ cỏ tận gốc Quận vương, thần cam nguyện vì bệ hạ hy sinh.” Trong thoáng chốc, tôi cảm giác đôi tay mình đang phải nắm lấy hai khối sắt nặng đến nghìn cân, có thể kéo tôi ngã xuống bất cứ lúc nào. Đến nước này tôi chỉ còn cách cúi mặt chấp nhận số phận mà thôi.


Đao kiếm không có mắt, nhưng nếu may mắn tôi vẫn có thể tìm được một nơi ẩn náu. Còn một khi Phạm Nguyên muốn giết tôi, tôi sẽ không còn đường thoát.


“Yên tâm, trẫm sẽ cho người bảo vệ ngươi cẩn thận.” Cậu ta vò đầu tôi, cười cười bảo. “Nếu ngươi có bề gì, trẫm biết lấy ai đêm đêm xoa bụng trẫm đây.”


Tôi cũng chẳng còn sức giả vờ hăng hái hay xu nịnh đáp lại cậu ta. Tranh thủ lúc Đinh Thắng còn chưa xong việc trở về, tôi cúi lạy cậu ta rồi bước khỏi phòng.





Đêm ấy tôi không ngủ được. Đến đêm tiếp theo vẫn không ngủ được.


Hoá ra tôi không tự tin như mình tưởng, cũng chẳng đủ thông minh như mình tưởng. Trên đời này có quá nhiều thứ buộc tôi phải xuôi theo, có quá nhiều người biết những điều mà tôi không biết, làm những việc mà tôi không đủ khả năng hoặc không đủ quyền lực để làm. Quanh đi quẩn lại, tôi vẫn chỉ là một thư đồng ngự tiền nhỏ bé. Nếu người ta thật sự muốn dồn tôi vào con đường chết thì nào có khó khăn gì!


Trời tháng này lạnh thật…


Mấy hôm nay hình như cứ mưa mải nhỉ?


Cũng sắp đến Trung Thu rồi thì phải. Lúc thầy tôi còn sống, năm nào thầy cũng làm cho tôi một chiếc lồng đèn hình cao đến nửa người.


Tôi mở rương, chong đèn lục lọi chiếc tai nải màu xanh xám đã sờn, cuối cùng lấy ra một con chuồn chuồn tre sơn xanh đỏ lớn cỡ bàn tay, đặt xuống gối nằm.


Chỉ có thầy là yêu tôi nhất!





Màu sen mất hút, cúc nở hoa. Mùa trăng tháng tám mới đấy mà đã ngấp nghé bên ô cửa.


Có một dạo Phạm Nguyên rất khác. Đại thần đến xin ý chỉ, cậu ta chỉ ậm ừ vài tiếng rồi im lặng nghe họ tấu trình. Nguyên phi đến thăm, đưa cơm đưa bánh, cậu ta cũng chỉ ậm ừ vài tiếng rồi phất tay ra lệnh trở về. Ngay cả tôi, người có thể xem là thân cận của cậu ta, cả ngày quanh đi quẩn lại cũng chỉ được nghe từ cái miệng vàng ngọc kia vỏn vẹn mấy tiếng: “Ừ”, “Được”, “Thôi đi”.


Mãi đến hôm tình cờ thay Đinh Phúc bưng nước vào hầu cậu ta rửa mặt, tôi mới được nghe cậu ta nói một câu trọn vẹn.


Cậu ta hỏi:


“Hôm nay ngự thiện phòng có sâm cầm tiềm táo đỏ không?”


Đó là một câu hỏi rất bình thường mà tôi đã nghe hàng trăm lần suốt mấy năm qua, nhưng hôm ấy, cảm giác của tôi khi nghe được lại khác vô cùng. Giọng cậu ta, nói sao nhỉ, ồm ồm cũng không ra ồm ồm, mà the thé cũng chẳng ra the thé. Giống… Giống như con vịt bị người ta bóp cổ.


Xoay lưng lại, phát hiện ra tôi, gương mặt cậu ta chợt đỏ ửng lên, cuống quýt chỉ thẳng tay ra cửa, lệnh cho tôi biến đi càng nhanh càng tốt.


May là những ngày ngượng ngùng ấy kết thúc cũng rất nhanh. Nghe đâu là nhờ anh em Đinh Thắng, Đinh Phúc ngày ngày ca ngợi cậu ta đã lớn rồi, càng lúc càng có cái uy của bậc quân vương, rồi khai chi tán diệp gì gì đấy, khôi ngô tuấn tú gì gì đấy. Lạ một nỗi là họ khen thì cậu ta vui, đến lượt tôi khen thì cậu ta lại cố lảng sang chuyện khác. Tôi biết thân biết phận nên về sau cũng không khen nữa.


Có lẽ làm những việc thực tế như dâng cậu ta thuốc bổ thận tráng dương sẽ tốt hơn chăng?


Tôi đưa chiếc lồng đèn hình con thỏ lên cao, ngắm nghía một lúc lâu, sau đó quay sang Phạm Nguyên, thỏ thẻ: “Bệ hạ, người xem nó trông đã giống con Búi Bông chưa?”


Búi Bông là tên con thỏ trắng Phạm Nguyên vừa mang về nuôi hồi đầu tháng, cực kỳ tham ăn tham uống, vào tay cậu ta chưa bao lâu đã tròn như một búi bông. Sự sủng ái của Phạm Nguyên đối với nó kể chi tiết ra thì rất dài dòng. Còn nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, thì con “ngự thố” này khiến tất cả cung nữ hoạn quan đều muốn đâm đầu xuống giếng để được đầu thai làm thỏ.


“Tai Búi Bông tròn hơn một chút.” Cậu ta nghiêm túc đáp.


Tôi âm thầm nghiến răng, ấn ấn khung tre xuống để cái tai con thỏ trông có vẻ tròn hơn. Con Búi Bông dường như biết tôi ghét nó, lần nào tôi quay sang cũng rúc vào bụng Phạm Nguyên, chẳng biết là do sợ tôi hay muốn trêu tôi không được thương yêu như nó.


Sao những ngôn quan như Phan Thiên Tước, Nguyễn Chiêu Phủ còn chưa dâng sớ khuyên cậu ta không nên quá yêu chìu con thỏ tinh này nhỉ? Chẳng lẽ họ cảm thấy yêu thỏ lành mạnh hơn yêu nữ sắc, nên thà để cậu ta quấn quýt nó chứ không muốn cậu ta đi trêu hoa ghẹo nguyệt?


“Nghĩ vẩn vơ gì đấy? Xong rồi thì vẽ con mắt đi, sau đó lấy màu khác vẽ mấy sợi râu vào.”


Tôi ngoan ngoãn gật đầu, đợi cậu ta quay sang hướng khác lại len lén thè lưỡi biểu tình.


Mùa màng năm nay khả quan hơn năm ngoái nên triều đình tổ chức Trung Thu cũng lớn hơn, lại còn mở cả cuộc thi múa sư tử giữa các nhóm quan võ còn trẻ nữa. Tôi thì qua tuổi thích xem múa sư tử lâu rồi, chỉ thích nghe hát trống quân thôi. Trước đây làng tôi có chị Lan hát vừa hay vừa sắc sảo, nức tiếng khắp cả huyện Đông Sơn chứ chẳng riêng gì xã Bố Vệ. Em gái chị ấy thì giọng thánh thót cứ như vàng anh vậy, lại còn biết chơi đến mấy loại đàn, tương lai trưởng thành có lẽ cũng không thua kém. Tiếc rằng đấy là tục dân gian, trong cung không có. Dù có, cũng không phải người ấy, hoa ấy, mâm cỗ ấy, cảm giác cũng khác nhiều.


Lê Sát đã quay lại với việc triều đình. Có lẽ ông ta từng bệnh thật, cũng có lẽ không. Tôi không rõ, cũng không điều tra kỹ, chỉ biết ông ta đã tận dụng quãng thời gian nghỉ bệnh của mình rất tốt. Gia quyến những quan viên cần cầu cạnh đều không tiếp cận được ông ta, các quan pháp ti muốn nhìn sắc mặt ông ta để định hướng giải quyết tình hình cũng không nhìn được. Thần kỳ thay, trong số năm mươi ba quan viên có tên trong danh sách nọ, rốt cuộc chẳng ai bị giết. Có người được xử vô tội, có người tội nhẹ, có người tội nặng, nhưng chẳng có cái đầu nào bị buộc phải rời khỏi cổ.


Không khó để nhìn ra hầu hết những người này đều chạy án. Nếu cần, tôi có thể kể ra vanh vách hơn nửa số người kia ai giúp ai chạy án, nhưng tôi không công khai việc ấy. Công khai làm gì khi mục đích thật sư của Phạm Nguyên vốn cũng chẳng phải dồn họ vào con đường chết!


Nếu Đỗ Huy phát hiện ra cha anh ta có tên trong danh sách là do tôi cố ý bảo Phạm Nguyên viết thêm vào, không biết anh ta sẽ nghĩ gì.


Ngày ấy, tôi theo lời Lê Sát, mang theo một tên hoạn quan bề ngoài từa tựa Phạm Nguyên xuất cung đến phủ ông ta, định dụ người của Quận vương ra. Tin tức đã được khéo léo lan truyền, quân mai phục cũng đã âm thầm chuẩn bị, vậy mà cả lượt đi lẫn lượt về chúng tôi đều tay trắng, chẳng ai ám sát. Đối với tôi, chuyện ấy vừa rủi lại vừa may. May là sinh mạng nhờ vậy vẫn được bảo toàn, rủi là không có cơ hội lập công để thăng quan tiến chức. Lê Sát bảo đấy là cơ hội tốt để đạt được công danh nên mới chọn tôi hộ tống hoàng đế giả, tôi tin ông ta một nửa. Tôi chẳng đáng để ông ta giăng một cái bẫy lớn như vậy để thủ tiêu, nhưng nói ông ta vì thích tôi nên giúp tôi có cơ hội lập công, tôi nghi ngờ lắm. Có lẽ chỉ là thấy tôi được Phạm Nguyên ưu ái nên muốn thâu tóm tôi từ thuở bé thôi. Ngoài lý do này, tôi cũng chẳng nghĩ được điểm gì có thể khiến ông ta thật lòng thật dạ thích tôi.





Sau Trung Thu vài ngày, triều đình chọn một vài nhà sư có danh tiếng làm phép điểm nhãn cho tượng tiên đế và quốc mẫu, sau đó đưa vào Thái miếu để thờ. Có vài văn thần phản đối việc này, xem đấy là không hợp với lệ Nho gia, nhưng những lời phản kháng ấy lại quá yếu ớt, chẳng ai nghe.


Từ năm Thiệu Bình thứ nhất, Lê Sát đã cho dựng chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ hơn chín mươi gian, đồng thời ráo riết trùng tu lại chùa Báo Thiên vừa nguy nga vừa bề thế. Ngay cả hội Vu Lan cũng do triều đình tổ chức, trước đấy còn theo lệ tiền triều tụ tập trăm quan ở đền Đồng Cổ cắt máu ngựa trắng ăn thề(1). Hai triều Lý, Trần đều theo Phật, dư âm của Phật giáo, Đạo giáo vẫn còn rất lớn trong dân chúng. Các quan phụ chính đại thần lại xuất thân võ tướng, học Nho thì ít, tin thần tin Phật thì nhiều. Thế nên những văn thần biết thời thế đều mắt nhắm mắt mở cho qua mọi việc, ngay cả những chuyện mê tín như giết vượn trắng để “cứu mặt trời” vào ngày nhật họ cũng phớt lờ. Chỉ những quan viên trẻ mới chân ướt chân ráo vào triều nhờ tiến cử, chữ nghĩa nhiều còn kinh nghiệm chẳng bao nhiêu, lại khao khát thể hiện bản thân mới hấp tấp bày tỏ thái độ mà thôi.


Sau những ngày lễ kéo dài, việc học của tôi càng lúc càng nhàn nhã. Bấy giờ, các giáo quan Quốc Tử Giám nhiều người không xứng chức hoặc nói xấu lẫn nhau, chuyện đến tai triều đình, nên các đại thần đề nghị tổ chức thi tuyển lại, đồng thời chọn thêm người có tài trong dân gian vào bổ khuyết. Các thầy đều tập trung ôn luyện nên đám học trò chúng tôi vào trường chả học hành là mấy, nộp xong bài luận thì ra sân chơi bắn cung hoặc đá cầu mây. Thấy đây là dịp tốt để kết giao nên tôi cũng hào hứng tham gia, chỉ đến khi nào họ lột áo ra vì nóng thì mới vờ đau bụng để lui vào.


Nhờ nấp bóng Lê Khắc và Lê Sát nên giờ đây bọn con ông cháu cha quan võ cũng không chướng mắt tôi như trước nữa, thậm chí còn có phần thân thiết với tôi hơn bọn họ trò dân gian nhờ học giỏi mà được tuyển vào. Hoá ra chỉ cần thay đổi về thân phận và địa vị, lòng người cũng sẽ đổi thay. Người ta khác đi đã đành, ngay cả tôi cũng không cưỡng lại được sự biến chuyển từ trong tư tưởng ấy. Đôi lúc nghĩ vu vơ, tôi thấy mình giống như đang đi lại con đường của Lê Sát năm nào. Xuất thân dân dã, nhưng cuối cùng lại xa cách dân gian. Bắt đầu bằng lý tưởng, nhưng rốt cuộc lại chìm trong thú vui của tiền bạc và quyền lực.


Dường như thấy mình đã lớn nên từ hồi vỡ giọng Phạm Nguyên không còn hay bắn chim chọi dế như ngày xưa nữa. Hồi tháng tư người Mường Tàm từng dâng một con voi rất đẹp, ai thấy cũng khen. Lúc làm lễ rước tượng tiên đế và quốc mẫu vào Thái miếu, con voi này lại được chọn để đưa cậu ta đến nơi tế lễ, nên cậu ta khá hứng thú với nó, gọi người quản tượng đến hướng dẫn cách cưỡi voi. Lúc tôi từ Quốc Tử Giám trở về thì chẳng thấy cậu ta trên lưng voi nữa, chỉ thấy một đám người vây quanh cái giếng trời.


Nghe đâu cậu ta hứng lên, để voi đấu với sơn dương, giằng co được một lúc thì sơn dương cùng đường, giương sừng húc voi, voi sợ hãi lùi lại nên sẩy chân rơi xuống giếng, gây náo loạn suýt nữa chết người. Vừa nhận được tin, ngôn quan Phan Thiên Tước đã cùng với Lê Sát, Lê Ngân đến hiện trường, hết dùng đạo thánh hiền lại lấy công ơn tiên đế ra răn dạy cậu ta. Tôi không tham gia việc ấy, nhưng vì không biết chọn lúc để xuất hiện nên cũng bị mắng lây. Phạm Nguyên thì từ đầu đến cuối không nói một lời. Giống như biết lỗi, lại giống như ấm ức.


Lúc họ rời đi, tôi đứng cạnh nên thoáng nghe cậu ta lầm bầm trong miệng: “Văn võ gì cũng leo lên đầu được, làm vua cái quái gì!”


Nhiều lúc đúng sai không quan trọng. Trong thâm tâm, Phạm Nguyên có lẽ đã sớm nhận ra mình phạm sai lầm, nhưng cậu ta biết mình sai là một chuyện, người khác lao vào cấu xé cái sai ấy lại là chuyện khác. Cái tính bốc đồng không phân rõ trắng đen này của cậu ta về sau đến năm mười lăm mười sáu tuổi vẫn y như vậy.


Chiều hôm ấy, cậu ta la cà ngoài hồ câu cá suốt mấy canh giờ, đêm về đổ bệnh.


Thấy tôi đến thăm, cậu ta trở chứng bắt tôi ngồi hát, sau đó lại bắt tôi múa bài bông. Biết cậu ta đang cần giải toả bức xúc nên tôi dù không biết múa vẫn huơ tay huơ chân vài cái lấy lệ, làm vài điệu bộ ngốc nghếch để gây hài. Nét mặt cậu ta vì thế cũng khá hơn một chút, với tay kéo đai lưng tôi lại, giật giật mấy cái trêu chọc rồi cười.


“Bệ hạ có thèm ăn gì không ạ?”


“Đoán xem!”


“Bệ hạ thích ăn ngọt, lại đang bệnh, thần làm củ cải tẩm mật ong cho người ăn nhé?”


“Thì ngoài món ấy ra ngươi có còn biết nấu nướng gì đâu!” Cậu ta chợt bật cười.


Tôi định nói mình còn nấu được cả cháo cơ, nhưng nghĩ đến chuyện cũ liền im lặng cười trừ.


“À, tháng Chạp này thần xin phép về quê được không ạ? Thần muốn thắp nhang vào ngày kỵ của cha thần.”


“Vậy ra ngươi tỉ tê lấy lòng trẫm nãy giờ là cốt để xin xỏ đấy à?”


Tôi lắc đầu, nhẹ nhàng xoa bóp cánh tay của cậu ta: “Thần hầu hạ người đã bấy lâu, có nô tính, nên biết người bệnh là đến chăm sóc ngay, không phải vì việc riêng đâu ạ, xin người minh xét.”


Cậu ta cười nhạt: “Khá khen cho từ nô tính.”


Tôi lại làm ra vẻ tội nghiệp: “Ngày kỵ năm ngoái thần không về được, người bên họ nội thần thể nào cũng nói xiên nói xỏ mẹ thần. Thần nghĩ đến đấy là không cầm lòng được.”


“Thôi được rồi, miễn là phải sắp xếp thời gian đi núi Dục Thúy với trẫm.” Cậu ta nói. “À, nhưng trẫm nhớ có lần ngươi từng bảo mẹ ngươi là mẹ nuôi, nên từ sau khi cha nuôi ngươi mất quan hệ với ngươi đã phai nhạt nhiều mà.”


“Phai nhạt thì phai nhạt, nhưng dù sao bà cũng nuôi thần ngần ấy năm rồi. Bà ấy là người thân duy nhất của thần.” Tôi đáp.


“Ừ, có mẹ đã là tốt lắm rồi, mẹ ruột hay mẹ nuôi cũng đều tốt cả.” Ánh mắt cậu ta chợt trầm xuống, giọng man mác như khói như sương, như chìm vào một góc quá khứ nào đấy tôi không nhìn thấy được. “Trẫm giờ không còn mường tượng được mặt mẹ ruột nữa rồi. Còn mặt mẹ nuôi, sợ là hai ba năm nữa cũng không còn nhớ.”


Thấy cậu ta sắp nghĩ đến chuyện buồn, tôi nhanh chóng đỡ cậu ta ngồi dậy, vừa đút cậu ta ăn củ cải vừa kể cậu ta nghe vài chuyện ở quê. May mà cậu ta vẫn còn tính hiếu kỳ của trẻ con, nghe đến mấy chuyện chọi trâu, chọi gà, hát rí ren, đánh đu thì thích lắm, dần dần cũng không còn nghĩ đến chuyện vừa rồi nữa.


Ăn xong củ cải, thấy áo cậu ta đã ướt mồ hôi, tôi quan tâm lên tiếng nhắc:


“Bệ hạ mau thay quần áo đi, kẻo lạnh người bệnh thêm nặng đấy.”


“Ừm.” Cậu ta gật đầu, bước xuống giường tiến đến chỗ cái rương.


Sau khi mở rương ra, lại nhìn sang tôi chờ đợi.


Đứng mãi vẫn không thấy cậu ta cởi áo, tôi đoán có lẽ cậu ta quen được hoạn quan hầu hạ nên không biết tự mặc thế nào, bèn tốt bụng nhận luôn công việc vốn không thuộc về mình: “Bệ hạ có cần thần hầu không ạ?”


“Ngươi…” Hơi thở cậu ta đột nhiên gấp gáp hẳn lên. “Ngươi… Ngươi mau ra ngoài cho trẫm!”


Nói xong lại còn siết chặt tấm áo vừa lấy trong rương, đưa lên ngang ngực: “Còn đứng đấy làm gì? Cút ngay cho trẫm!” Cơn sốt dường như vẫn chưa tan, nên tôi thấy hai má cậu ta phơn phớt ánh hồng.


Tôi cúi đầu “Vâng” một tiếng thật kêu rồi nhanh chóng phóng ra ngoài, trong lòng không khỏi nhen nhóm một ý đồ đen tối, muốn vòng qua cửa sổ nhìn cậu ta một cái cho bõ ghét.


Cậu ta cứ làm như tôi là con gái không bằng!



Chú thích:


(1) Năm Thiệu Bình thứ nhất:


*Tháng Giêng, ngày 15, vua bái yết Thái miếu, sau đó sai quan văn làm lễ. Vua ra trường đấu xem bọn đại thần Lê Sát và các quan văn võ trong ngoài tế cáo trời, đất, thần kỳ danh sơn, đại xuyên, giết ngựa trắng lấy máu cùng thề. Đồng thời sai các quan đi tế thần kỳ ở các xứ trong nước. (ĐVSKTT)


Hồi đầu thời Lý, hằng năm, cứ đến tháng trọng xuân, hội họp quần thần ăn thề ở đền thờ thần Đồng Cổ. Nhà Trần vẫn làm theo. Đến đời Hồ Quý Ly, vì có vụ Trần Khát Chân, nên lễ minh thệ này mới phế bỏ. Đầu đời Lê, lễ này cũng bỏ qua, không nói tới. Đến đây, bọn Lê Sát mới xin với nhà vua, lập đàn thờ ở trường đua, khấn cáo với thần linh trên trời dưới đất, tập hợp trăm quan văn võ trong kinh đô và ngoài các đạo, cắt tiết ngựa bạch làm lễ ăn thề. Nhà vua tới xem. (KĐVSTGCM)


*Tháng 4, thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng 1 tháng 5 có tinh vượn đen ăn mặt trời, hôm ấy sẽ có nhật thực. Có nhật thực thì trong nước có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem giết để trấn yểm thì có thể chấm dứt được tai biến. Đại tư đồ Lê Sát tin là thực, tâu xin ra lệnh cho quan lại các trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên đốc thúc dân chúng bủa lưới săn lùng khắp rừng núi khe hang, bắt vượn khỉ đóng cũi gửi về nườm nợp không ngớt. Đến ngày ấy nghỉ chầu, làm phép trấn yểm trong cung cấm, các quan không một ai được biết. Thì Hanh chỉ tâu cho Lễ bộ thị lang Trình Toàn Dương, trước là đạo sĩ, cùng làm phép với mình. Hai người đều được thưởng rất hậu.


*Tháng 5, điều động thợ ở các cục tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, một người thợ tên là Sư Đãng phải làm lụng vất vả, nói vụng rằng: “Thiên tử không có đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế”. Bị người cáo giác. Đại tư đồ Lê Sát giận lắm. Quan thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói: “Nó dám nói càn đến việc nước, nên chém”.


Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ đều xin tha tội chết, vua sắp nghe theo, thì Sát nói: “Trước đã nghe lời bọn Thiên Hựu không giết Nguyễn Đức Minh, để rồi nó bỏ thư nặc danh vu cho nhau, nay lại định tha thằng này thì làm thế nào cho đứa khác răn sợ?”. Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa. Bèn chém Sư Đăng. Ngay hôm ấy vừa gặp có mưa nhỏ.


Hôm sau, Sát nói trong triều rằng: “Nếu nghe lời ngôn quan, làm gì có trận mưa ấy?”.

Lê Ngân nói: “Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ có điều xương người chất đầy đường khó đi thôi”.


*Tháng 6, Đại tư đồ Lê Sát dựng xong các chùa Thanh Đàm và Chiêu Độ, có đến hơn 90 gian.


*Tháng 7, ngày 15, mở hội Vu Lan, tha cho 50 tên tù tội nhẹ, ban cho các sư tụng kinh 220 quan tiền.


(ĐVSKTT)
 
Bên trên