bupbecaumua Kem Dâu Lâm Diệu Anh Ivy_Nguyen giovotinh_ji Tẫn Tuyệt Tình Phi Ánh Tuyết Triều Dương mời đọc chương mới nhé.
Chương 4: Hồ sen
Kể từ buổi sáng định mệnh và oan nghiệt ấy, Phạm Nguyên bắt đầu theo đuổi một sở thích không lấy gì làm hay ho cho lắm: nuôi cuốn chiếu.
Cậu ta nuôi, nhưng trên danh nghĩa người bảo trợ lũ vật gớm ghiếc ấy lại là tôi, vì cậu ta cần giữ gìn hình tượng một thái tử thanh cao tôn quý thông minh nghiêm túc. Mà đã thanh cao tôn quý thông minh nghiêm túc, thì không có lý do nào lại đi nuôi cuốn chiếu.
“Đình Phương, ngươi xem này…”
“Thần không xem! Không xem đâu!” Từ van xin nài nỉ, giờ tôi đã tức đến nỗi đầu cũng phát nhức rồi, cũng chẳng thèm quan tâm đến lễ nghi làm gì nữa. Từ ngày này qua ngày nọ, cứ hễ rảnh tay là cậu ta lại mang cái đĩa cuốn chiếu kia đến khoe tôi, lượn qua lượn lại như một bóng ma, tôi chịu hết nổi rồi.
“Này, trông nó hay thật mà…” Cậu ta lại lấy đó làm vui, mỗi lần nhìn tôi trốn bọn cuốn chiếu là phá lên cười, cứ như từ nhỏ đến lớn chưa từng được cười vui như vậy. Tôi rất muốn nói: “Thái tử, người chưa đăng cơ mà đã có dáng hôn quân rồi đấy. Chưa gì đã thích chèn ép hãm hại trung thần.”, nhưng dĩ nhiên là không dám nói.
“Điện hạ, thần phải làm sao người mới tha cho thần đây?” Tôi cất giọng nhừa nhựa, nhìn cậu ta bằng ánh mắt đáng thương.
“Phải làm sao nhỉ? Chậc chậc…” Cậu ta chợt chuyển sang trầm mặc, năm ngón tay nhịp nhàng gõ gõ xuống bàn một hồi lâu. “Chuyện gì Đình Phương cũng có thể làm à?”
Tôi bạo miệng hứa suông: “Vâng ạ.”
Không hiểu sao mỗi lần cậu ta gọi tên tôi, tôi lại có cảm giác rờn rợn thế nào.
Phạm Nguyên cầm chiếc đĩa, chậm rãi bước ra sân, dùng phong thái quý tộc ngời ngời hất trọn bọn cuốn chiếu xuống cái ao súng nhỏ. Sau đó quay lại nhìn tôi, nở một nụ cười rất nhẹ.
“Giả gái, múa điệu người Chiêm ta xem thử.”
“Giả… Giả gái?” Tôi hoá đá.
“Đình Phương không múa cũng không sao, ta không ép, nếu chán quá ta tự chơi với cuốn chiếu cũng được mà.” Cậu cất giọng chân thành, nhìn tôi bằng ánh mắt trong veo.
Thời niên thiếu của tôi gắn liền với hai khuôn mặt: Một khiến tôi vừa nhìn đã muốn ngược đãi, một khiến tôi sợ hãi nhưng lại thầm ôm mộng chờ thời cơ ngược đãi.
“Điện hạ…” Tôi đổi sang giọng con gái the thé, cao vút, vừa uốn éo hông, vừa lắc mông ưỡn ngực một cách vô cùng cường điệu tiến về phía cậu ta, chớp mắt liên hồi. “Điện hạ à… Ư ừ ứ ứ ư… Ự ự í a… Í a… Í í a…”
Cậu ta quay mặt đi, khinh bỉ chỉ tay về phía cổng: “Cút!”
“Vâng ạ í a… Í í í a….”
Tôi chỉ chờ có thế, ba chân bốn cẳng biến khỏi tầm mắt của cậu ta.
Phạm Nguyên thoạt nhìn quả có lạnh lùng một chút, nhưng một khi đã nghịch là toàn nghịch cho người ta lên bờ xuống ruộng, cứ như sợ nhân từ quá thiên hạ lại không biết mình là thái tử. Lúc đầu tôi còn e ngại thân phận cậu ta nên luôn hành xử thận trọng, việc gì cũng nhún nhường theo khuôn phép. Về sau lại nghĩ cậu ta từ bé đã chịu nhiều áp lực, ít có dịp vui đùa, có lẽ đôi khi cũng thích được đối đãi như những đứa trẻ bình thường khác, nên tôi liều lĩnh đáp trả cậu ta, dĩ nhiên là cũng chỉ trong chừng mực. Mà dường như Phạm Nguyên cũng thích tôi làm thế, nên dù lúc nào cũng hất mặt thị uy, từ trước đến nay lại chưa bao giờ thật sự phạt tôi.
Ước mơ lớn nhất của tôi là hành hạ cho cậu ta khóc thút thít, môi run run, mắt đỏ hoe, nhưng điều này lại quá viễn vông, nhiều lúc nghĩ đến tôi u sầu quá đỗi.
…
Cuối tháng sáu, sen trong hồ nở rộ. Hương thơm thanh khiết theo gió tản khắp khu vườn rộng lớn, khiến những đợt nắng gay gắt của buổi trưa hè như cũng dịu đi. Những khi không cần phải hầu hạ Phạm Nguyên, tôi thường ra đây tản bộ, ngắm cảnh, nhớ lại những ngày khi thầy tôi còn sống, cả nhà vui vẻ hạnh phúc chèo thuyền ra giữa hồ hái hoa sen.
Phạm Nguyên cho phép tôi về quê thăm mẹ ba tháng một lần, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa dám trở về. Tôi sợ nhìn lại cái giếng thầy từng gánh nước, sợ nhìn lại con ngựa gỗ thầy từng đóng cho tôi, sợ nhìn lại cả những quyển sách thuốc mà thầy vẫn thường thức đêm hí hoái ghi ghi chép chép. Tôi sợ cái cảm giác rất rõ rệt rằng thầy đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi.
Ở đây, ít ra những hồi ức ấy xa xôi, mông lung hơn một chút, đôi khi còn có thể tự lừa mình rằng thật ra thầy tôi vẫn còn sống, đang ở nhà cùng mẹ đợi tôi, dẫu niềm vui nhỏ bé ấy của tôi rồi cũng tan nhanh như những bọt nước mà thôi.
Dù ban đầu chỉ định giết mỗi đứa trẻ kia, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình sai khi đã hại chết mẹ con người đàn bà ấy, bởi bà ta đáng chết. Xấu xa như vậy, làm sao xứng đáng sinh con nối dõi cho thầy tôi? Huống hồ, thầy tôi cũng chẳng thương yêu gì bà ta cả, chỉ vì bị mẹ tôi sống chết ép buộc nên mới cưới bà ta làm lẽ, không ngờ lại có một ngày bà ta ăn cháo đá bát, quay lại ức hiếp mẹ tôi. Nếu thầy tôi còn sống, và phải chọn lựa giữa mẹ con tôi và mẹ con người đàn bà ấy, ông nhất định sẽ chọn chúng tôi. Tôi chỉ thay ông làm việc đó mà thôi. Thầy tôi thương yêu tôi như vậy, ông chắc chắn sẽ không trách tôi đâu.
Con nuôi thì sao? Con gái thì sao? Tôi chẳng những sẽ ngày đêm hương khói cho ông, mà mai này sẽ còn áo gấm phong hầu, xây đền phát chẩn lấy tên ông, đặt mộ phần ông vào nơi phong thuỷ tốt nhất vùng, khiến ông nơi chín suối cũng được nở mặt nở mày. Những gì một đứa con trai thừa tự có thể cho ông, tôi đều có thể, thậm chí sẽ làm tốt hơn gấp trăm, gấp nghìn lần!
Cứ vừa đi vừa suy miên man suy nghĩ như thế, cũng không biết từ lúc nào tôi đã vô tình tiến vào khu biệt viện của hậu cung.
Rêu phong tịch mịch, nhang khói cô liêu. Tôi đứng bên hồ sen mênh mông nắng, lặng lẽ nhìn tấm biển ghi ba chữ ‘Cung Bạch Liên’ nằm chênh vênh trên cánh cổng nặng nề phía xa xa. Nghe nói vị chủ nhân của tẩm cung này là công chúa tiền triều, theo hoàng đế từ lúc người còn kháng chiến, nhưng về sau lại thất sủng, nên từ ngày này qua tháng nọ chỉ giam mình giữa bốn bức tường tụng kinh niệm Phật. Xuất thân tôn quý, đồng cam cộng khổ, nếm mật nằm gai, đáng tiếc, cái nhận được rốt cuộc cũng chỉ là ái tình nhạt nhẽo của đế vương.
Người ta bảo đế vương bạc lắm.
Tôi định rời đi, nhưng lại bị tiếng hét thất thanh phát ra từ phía giữa hồ kéo lại. Hồ phủ đầy sen. Tôi chạy dọc thành hồ, nhìn mãi mới phát hiện ra chiếc thuyền con đang đậu lẩn khuất giữa đám lá sen cao vút, phía say là một thân hình nhỏ bé đang vừa vùng vẫy vừa kêu khóc.
“Cứu với! Có người chết đuối!”
Tôi gân cổ hét, rồi nhìn đi nhìn lại, thấy xung quanh chẳng có ai, đành tự mình tháo thắt lưng, vừa bám chặt thành hồ vừa vươn người cố ném một đầu về phía đứa trẻ đang quẫy đạp trong hoảng loạn.
Thế nhưng, càng quẫy đạp, nó lại càng bị lạc xa ra phía giữa hồ, cũng chẳng đủ bình tĩnh để với lấy cái thắt lưng tôi vừa ném xuống. Thấy nó huơ huơ bàn tay nhỏ xíu, cố phản kháng trong vô vọng, lòng tôi nóng cứ như lửa đốt, phân vân không biết có nên đánh liều nhảy xuống cứu nó không. Nào ngờ, đến lúc quyết định xong, vừa đặt chân xuống nước một bóng đen chẳng biết từ đâu đến đã vụt lên lao thẳng xuống hồ.
Tôi theo trực giác bì bõm đứng yên tại chỗ. Không lên bờ, cũng chẳng bơi thêm nữa.
Đứa trẻ vừa được cứu lên đã ôm chầm lấy người kia, oà khóc, khóc như mưa, luôn miệng gọi phụ hoàng. Tôi nghe tiếng gọi, nhìn lên mà tim giật thót, bởi người nhảy xuống hồ vừa rồi quả thật là hoàng đế.
Cảm nhận được ánh mắt người chuẩn bị hướng sang mình, tôi vờ cuống quýt vung tay vung chân, loay hoay đập nước, bơi vào một cách vừa vụng về vừa vô cùng chậm chạp.
Cũng may lúc nãy tôi quyết định không bơi ra nữa. Nếu không, thể nào lát nữa cũng sẽ bị chất vấn tại sao biết bơi mà lại đứng trên bờ lâu như vậy mới chịu xuống cứu người.
“Con… Con kính… Kính chào bệ hạ.” Tôi thở hổn hển, run rẩy quỳ xuống cất lời.
“Đứng dậy đi.” Ngài nhìn tôi một thoáng, sau đó lại dồn sự chú ý sang đứa trẻ kia.
“Thần vô dụng, khiến bệ hạ phải nhọc công, xin bệ hạ trách phạt.” Hoàng đế tuổi đã cao, khỏi bệnh chưa lâu, thế nhưng lại không ngần ngại nhảy xuống hồ để cứu người. Tôi dựa vào đó ít nhiều cũng đoán ra được thân phận đứa trẻ kia, nhưng lại nghĩ đó là việc mình tốt nhất không nên đề cập đến.
“Cũng không phải lỗi của ngươi.” Ngài ôn tồn đáp. “Khi trở về chú ý luyện tập cho thuần thục hơn là được.”
Gánh nặng trong lòng tôi cuối cùng cũng bay đi: “Vâng, thưa bệ hạ.”
Tôi cúi đầu, vừa định xin phép rời đi thì nghe thấy giọng thanh thanh như tiếng ngọc của đứa trẻ kia: “Phụ hoàng, người đừng trách phạt mọi người nha, là Ngọc Châu sai, là Ngọc Châu nghịch ngợm trốn mọi người ra chèo thuyền hái sen thôi.”
“Ừm, không phạt.” Ngài đáp lại bằng một giọng dịu dàng.
“Cũng đừng nói cho mẹ con biết nhé.”
“Ừm, không nói.”
Tôi hít một hơi thật sâu, cố giữ không cho nước mắt tuôn ra. Lúc còn ở nhà, mỗi khi làm gì sai quấy, tôi vẫn thường nài nỉ thầy tôi bao che như vậy. Nhưng giờ ông đã không còn bên tôi nữa.
“Mảnh ngọc đeo trên cổ ngươi là vật gia truyền sao?” Hoàng đế bất ngờ lên tiếng.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn đáp trơn tru: “Bẩm, mảnh ngọc này là do cha thần mua tặng cho thần chứ không phải vật gia truyền ạ.”
Câu trả lời ấy thật ra có đến một nửa là nói dối. Đúng là trước lúc lâm chung thầy đã đưa tôi mảnh ngọc này, nhưng nó không phải của ông mua tặng cho tôi, mà là vật được tìm thấy trong bọc tã của tôi lúc ông và mẹ nhặt được tôi trên đường chạy giặc. Ông dặn tôi giữ kĩ, đừng cho ai thấy kẻo người ta sinh lòng tham lấy mất. Lúc vào cung, tôi nhớ ông quá, lại nghĩ phòng riêng hiện giờ của mình cũng an toàn, nên mới lấy ra đeo, không ngờ vừa đeo được ít lâu đã có người hỏi đến, mà người này lại còn là hoàng đế. Giá trị của mảnh ngọc này xem ra có lẽ cao hơn tôi nghĩ rất nhiều.
Nghe xong câu trả lời của tôi, hoàng đế cũng không hỏi gì thêm nữa, chỉ ra hiệu cho tôi rời khỏi.
Nửa tháng sau, phòng tôi bị trộm. Tôi bị đánh thuốc mê, mảnh ngọc trên cổ đêm ấy cũng theo số tiền tôi dành dụm không cánh mà bay.
…
Thấy tôi hầu hạ đã quen tay, giữa tháng bảy, Phạm Nguyên xin phép hoàng đế cho tôi được vào học ở Quốc Tử Giám, chủ yếu là để ghi chép lại lời bàn luận của thầy và các học sinh khác cho cậu ta tham khảo. Đây là vinh dự lớn đối với một đứa trẻ xuất thân từ vùng quê hẻo lánh như tôi, nên cùng với sự ngưỡng mộ của không ít cung nữ nội thị mà tôi quen biết, tôi cũng nhận được vô số cái nhìn không lấy gì làm thiện cảm của những tên vương tôn công tử trong trường. Trực tiếp gây sự thì không ai dám, nhưng giấu sách đẩy bàn, chèn ép xô đẩy lúc luyện võ, đá cầu thì dường như ngày nào cũng có.
Thật ra tôi có thể bẩm việc ấy với Phạm Nguyên, rồi dùng chút khổ nhục kế van nài cậu ta ra mặt giúp mình, nhưng sau khi nghĩ kĩ, lại thấy đấy không phải là điều tốt. Thứ nhất là có đến một nửa “kẻ thù” hiện tại của tôi là con cháu những đại thần có thể giúp sức cho việc kế ngôi của Phạm Nguyên, vì tôi mà nội bộ xích mích là không đáng. Thứ hai là nếu tôi để Phạm Nguyên nhúng tay vào, bọn con ông cháu cha kia nhất định sẽ còn ghét tôi hơn trước, không biết sẽ còn ngầm bày ra những trò gì ghê gớm hơn để trả thù. Thế nên lần nào Phạm Nguyên hỏi về mấy vết thương trên mặt tôi, tôi cũng bảo là do tôi chơi hào hứng quá, không cẩn thận nên tự ngã. Ai thắt nút thì người đó gỡ. Nếu hôm nay ngay cả việc này tôi cũng giải quyết không xong, về sau làm sao có thể lăn lộn tìm chỗ đứng giữa nơi quyền thế?
Sau nhiều ngày cẩn thận quan sát, mò mẫm thu thập thông tin từ những hoạn quan, cung nữ xung quanh, cuối cùng tôi cũng lập ra được một kế hoạch nho nhỏ, với hy vọng có thể thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Thế nhưng, ngay trước ngày tôi hành động, Phạm Nguyên sau khi ăn xong bát cháo tôi nấu lúc nửa đêm lại gục xuống sàn, ôm bụng nôn mửa liên hồi, mặt trắng nhợt không còn giọt máu.