Vạn Dặm Xuân - Cập nhật - Bí Bứt Bông

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0
Thế này Phạm Nguyên lại càng gặp nhiều nguy hiểm hơn nhỉ. Khổ thân, mới chỉ là một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi mà phải gánh vác bao nhiêu việc, lại phải lo ngay ngáy đề phòng lòng dạ người khác.
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Chương 7: Đăng cơ

Mùa đông năm Thuận Thiên thứ sáu chìm sâu trong những trận mưa dai dẳng.

Đã qua rồi những đợt mưa thu ào ạt nước, sau khi tạnh bầu trời bỗng chốc lại về với sắc xanh trong nguyên thuỷ, nắng rọi chim reo. Mưa mùa đông âm ỉ nhẹ nhàng như một làn sương mỏng, nhưng dù có dù không, từ ngày này qua ngày nọ bầu trời vẫn phủ một màu xám âm u và ảm đạm.


Bệnh tình của hoàng đế lần này không mấy khả quan. Phạm Nguyên và hai vị Huệ phi, Thần phi cùng hai vị công chúa đã hạ giá(1) dường như luôn phải túc trực bên ngài, sợ ngài ra đi đột ngột lại không kịp nhìn mặt mọi người lần cuối. Quận vương dạo trước đến thăm mấy lần đều bị ngài từ chối gặp, chỉ có thể quỳ trong tổ miếu cầu nguyện, mấy ngày gần đây mới được cho vào.

Rốt cuộc những tội danh không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn trời đất của Quận vương được ghi trong chiếu chỉ ngày ấy cụ thể ra sao, đến giờ hoàng đế vẫn không nói rõ. Có người bảo Quận vương hay nổi giận vô cớ, mỗi lần giận không đánh đập người ăn kẻ ở trong nhà thì cũng phá phách đồ đạc lung tung, nay lại giết cả ái thiếp, nên hoàng đế càng lúc càng bất mãn. Cũng có người bảo năm ngoái khi dẫn quân đi đánh Triệu Lễ, Quận vương vì muốn nhanh chóng lập công mà mâu thuẫn với chủ soái lúc bấy giờ là đại tư đồ Lê Sát, suýt nữa rơi vào bẫy giặc, khiến hoàng đế lúc ngự giá thân chinh tức giận vô cùng. Nay trong lúc thay hoàng đế chấp chính Quận vương lại nhiều lần phớt lờ ý kiến của Lê Sát và các công thần khác, nên hoàng đế cảm thấy tính khí của Quận vương đã đến lúc không thể dung thứ được. Lại có người nói Quận vương không phục người em nhỏ hơn mình gần hai mươi tuổi, kinh nghiệm chiến trường lẫn chính trường chẳng bao nhiêu lại được nối ngôi, nên…

Đều là tin đồn, đúng sai thế nào không ai dám chắc. Chỉ biết lúc chiếu chỉ kia được ban ra trong triều không ai đứng ra ý kiến, Quận vương cũng chẳng phân trần, giống như trong lòng đều đã hiểu nguyên nhân.

Phạm Nguyên tuy chưa chính thức tiếp quản ngôi vua, nhưng ấn kiếm đều đã nhận nên ngày ngày đều không được một khắc nghỉ ngơi, phải vừa học vừa lo việc nước, lại vừa chăm sóc cho hoàng đế, nhiều lúc giữa trưa mới vươn vai một cái đã có đại thần xin vào yết kiến. Tôi nhìn cậu ta, lại nhớ đến cuộc sống ung dung tự tại của bọn nhà quê chúng tôi giữa cá tôm đồng ruộng, chợt thấy đúng là người nghèo có cái phúc của người nghèo, người giàu có cái khổ của người giàu. Những đêm cùng nhau ngồi dưới gốc cây si ăn bánh, chơi đố chữ cũng không còn nữa. Nụ cười chân thật trên gương mặt cậu ta vốn thưa thớt, giờ lại càng ít ỏi hơn.

Hoàng đế bệnh nặng, trong cung không ai dám nói cười lớn tiếng, mỗi ngày trôi qua đều tẻ nhạt, có chút nặng nề. Tôi thấy Phạm Nguyên vất vả nên nài nỉ tổng quản Cung dung túng bọn tôi một chút, cho tôi mang mấy thứ mứt ngọt đến thư phòng để Phạm Nguyên nhấm nháp đỡ buồn. Thật ra Phạm Nguyên là thái tử, vốn dĩ muốn ăn gì cũng không cần phải xin ý kiến ai. Có điều tổng quản Cung là người hầu cận cậu ta từ tấm bé, được cậu ta kính trọng, nên khi ông ngăn cậu ta ăn mứt vì sợ hỏng răng, cậu ta cũng ngoan ngoãn nghe theo, cùng lắm chỉ len lén ăn với sự giúp sức từ tôi. Phạm Nguyên thấy đĩa mứt thì có vẻ rất hài lòng, hào phóng thưởng cho tôi một trăm đồng. Tôi vui lắm, tự nhủ dù có phải lê lết đến rách cả đũng quần cũng phải xin được tổng quản Cung mỗi ngày đều cho phép tôi mang mứt đến phục vụ Phạm Nguyên. Dù sao cậu ta cũng là hoàng đế tương lai, sau này chẳng may có bị sứt sẹo thì xung quanh cũng có vô số cung tần mỹ nữ cung phụng và hầu hạ, huống hồ chỉ là sún mấy cái răng.

Giữa tháng có sao chổi xuất hiện ở phương tây, mọi người đều ngầm hiểu đó là điềm trời, nhưng không ai dám nói. Mấy ngày trước công chúa Trang Từ đội mưa từ biệt viện phía nam đến thăm hoàng đế, khiến ngài vô cùng cảm động, tâm trạng phấn chấn hẳn lên, sức khoẻ cũng vì vậy mà tốt hơn nhiều. Tôi thường theo hầu Phạm Nguyên đến tẩm điện hoàng đế nên có nhiều dịp nhìn qua cô công chúa ấy. Vẻ trẻ con, nũng nịu bên hồ sen ngày nào đã không còn nữa. Bàn tay nhỏ nhắn kia bón cơm, đấm bóp đều vô cùng thuần thục, nhìn thôi đã thấy mát lòng. Có lần tôi còn thấy cô bé mang theo một cây đàn bầu, ngồi trên chiếu mà say sưa đánh. Tiếng đàn tuy còn vụng về nhưng nghe rất có hồn. Trong một lúc vô tình, tôi nhìn thấy khoé mắt vị đế vương kia long lanh một hạt châu. Khi cô bé bảo: “Khúc này là mẹ con gửi cho người”, ánh mắt ngài có vẻ thất thần.

Dường như đến lúc gần đất xa trời người ta mới chợt thấy tình thân quý giá. Hoàng đế trước giờ nghiêm nghị là thế, khiến người người nể sợ, những ngày này lại thường hiền từ ngồi ngoài hiên kể chuyện xưa, cười đùa cùng con cháu như một lão nông. Thỉnh thoảng ngài ngồi võng, sai thị vệ cáng đi thăm mấy cung điện bị tàn phá hồi chiến tranh đang được tu sửa lại, Phạm Nguyên cũng đi theo. Nghe ngài nhắc đến việc cung điện này đến nay người mới dám tiến hành xây lợp lại vì lúc trước đất nước còn khó khăn, lại dặn dò Phạm Nguyên phải biết làm một vị vua cần kiệm, tôi thấy một trăm đồng tiền thưởng trong túi như có lửa. Những ngày sau đó khi được Phạm Nguyên ban thưởng, tôi đều trả lại. Cậu ta nhìn tôi cười cười không nói. Nhiều lúc suy nghĩ lại, tôi có cảm giác cậu ta hôm ấy cố ý để tôi nghe mấy lời kia. Tiếc rằng về sau, khi quốc khố càng lúc càng đầy, cuộc sống càng lúc càng sung túc, tôi, Phạm Nguyên, và cả những người từng đồng cam cộng khổ cùng hoàng đế năm xưa đều chóng quên đi lời dạy ấy.

Quốc Tử Giám hồi đầu tháng có một thầy dạy đến tuổi về hưu, được thay bằng một người khác chỉ mới ngoài ba mươi tuổi, xuất thân từ dòng dõi thư hương. Sau khi biết vị này thuộc họ ngoại người thiếp thứ ba của Quận vương, trong lớp thường có nhiều người cố tình gây khó dễ, ngấm ngầm nghịch phá trong giờ học. Thật không may, ngay hôm lũ môn sinh quý tộc trong lớp tác quai tác quái công khai nhất, hoàng đế lại đến kiểm tra.

Người thầy kia bị chèn ép không ít lần, nay lại bị hoàng đế chứng kiến tận mắt cảnh ồn ào trong lớp, nên cũng không giấu giếm, trình bày tỏ tường việc học sinh chỉ trích chương trình học có nhiều thứ rập theo sách vở người Ngô(2). Hoàng đế nghe xong cũng không vội phán xét đúng sai, chỉ hỏi trong lớp có bao nhiêu người theo ý ấy. Thấy hơn nửa lớp đều giơ tay, lại toàn là con cái những nhà theo phe Phạm Nguyên, nên tôi cũng giơ theo, dù biết rõ việc bắt bẻ kia chủ yếu là do thù ghét cá nhân. Có bị phạt tôi cũng tình nguyện bị phạt chung, chứ không muốn trở thành anh hùng để hôm sau trở thành cái gai trong mắt đám vương tôn quý tộc này.

“Tuy đa số không hài lòng với cách dạy hiện nay, nhưng cũng có hơn mười người không phản đối, tức là chấp nhận, nếu thay đổi cũng không công bằng với họ.” Hoàng đế từ tốn nói. “Trẫm muốn nghe một kiến giải nào đó từ những người muốn thay đổi. Làm việc gì cũng phải có suy tính cẩn trọng, có cân nhắc, không thể cứ nói suông chỉ để làm khó thầy, đó là tội lớn.”

Ánh mắt ngài lướt qua thiếu niên chừng mười bốn mười lăm tuổi ở bàn đầu, cạnh lối ra vào: “Lê Khắc, việc này chẳng phải ngươi là kẻ khởi xướng sao?”

Cậu ta lễ phép cúi chào, kính cẩn tâu:

“Bẩm bệ hạ, sự học là vô biên, gương thánh hiền dù là người Việt, người Ngô, hay người Chiêm đều đáng cho đời sau học tập. Thế nhưng cái hận quân Ngô vừa xâm lược nước ta đến giờ vẫn chưa nguôi, biết bao đền đài sách vở của ta đã bị người Ngô đốt phá, máu và nước mắt nhân dân đất vẫn còn chưa thấm hết. Chúng con đều là con cháu những người từng tham gia chinh chiến, không ít người có thân nhân tử trận ở chiến trường. Giờ lại bảo chúng con ca ngợi cơ nghiệp của Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thái Tổ, chúng con cảm thấy giống như mình đang bất hiếu với cha ông, khó mà chấp nhận. Con trộm nghĩ, học theo người Ngô cũng có cái hay, biết địch biết ta trăm trận không bại được. Huống hồ nước ta trên danh nghĩa còn đang phải xưng thần, cần mềm dẻo lấy cái lý của họ mà địch lại họ, mới vừa giữ quốc thể, vừa tránh được cảnh binh đao. Tuy vậy, dù gì chúng ta cũng là dân Đại Việt, con nghĩ ca ngợi tiền nhân trước hết phải tôn vinh những bậc như Tiền Ngô Vuơng, Trưng Trắc, Lý Thái Tông, Hương Đạo Vương, để đời sau ngoài học tập được cái đức làm người còn biết mà ghi nhớ nợ nước nghìn năm, chứ không nên cứ cái hay cái đẹp gì đều nhắc đến gương của người Ngô.”

Nghe xong những lời ấy, người trong phòng đều im lặng.

Hoàng đế mỉm cười, quay sang quan đại tư đồ Lê Sát đang đứng phía sau: “Con trai ngươi khắc phục được tính cứng nhắc của ngươi rồi đấy.”

Ánh mắt Lê Sát lộ rõ vẻ tự hào: “Tất cả là nhờ ơn bệ hạ.”

“Trước đây trẫm bận rộn quốc sự nên không có thời gian để mắt đến việc học của các ngươi. Học trò ở Quốc Tử Giám đều là rường cột nước nhà, định hướng tư tưởng từ nhỏ vô cùng quan trọng. Trẫm đồng ý với những điều Lê Khắc nói, nhưng thái độ của các ngươi trong lớp học như vậy là sai, cần nghiêm phạt. Những người lúc nãy làm ồn trong lớp, tất cả phạt chạy mười vòng. Những người lúc nãy không giơ tay, phạt ngồi lại viết một bài luận về Binh thư yếu lược(3) đi.”

Sau khi hoàng đế rời đi, trong phòng có đôi ba ánh mắt liếc sang tôi. Lê Khắc nhếch môi nhìn tôi, cười đắc ý, sau đó phất tay ra hiệu cho những kẻ chuyên theo đuôi hắn ta cùng ra ngoài chạy.

Những lời hắn nói ban nãy, toàn bộ đều lặp lại từ lời kiến nghị của tôi khi được thầy gọi đứng lên không lâu trước lúc hoàng đế bước vào, nhưng không ai dám chỉ ra điều ấy. Kể cả thầy, và kể cả chính tôi.

Lê Khắc…


Thằng béo khốn kiếp này, tôi sẽ nhớ.





Vào một buổi bình minh ấm áp hiếm hoi ngày hai mươi hai tháng tám nhuận, hoàng đế băng hà ở tẩm điện, hưởng thọ bốn mươi chín tuổi.

Cả hoàng cung phủ một màu tang tóc, ngày đêm ngập trong tiếng khóc thương. Phạm Nguyên quỳ bên linh cữu suốt ba đêm, lúc trở ra mặt mày phờ phạc như già đi mấy tuổi, ngay cả đi cũng đi không vững. Quan lại, dân chúng cũng được lệnh để tang. Yến hội, cưới hỏi trong thời gian quốc tang đều bị cấm.

Kinh thành được đặt lệnh giới nghiêm, an ninh thắt chặt, cấm quân cũng tuần tra liên tục. Ngày tám tháng chín, Phạm Nguyên thuận lợi lên ngôi, đặt niên hiệu cho năm sau là năm Thiệu Bình thứ nhất, ban chiếu đại xá cho cả nước. Cuối tháng mười một, linh cữu của tiên đế được đưa đến Vĩnh Lăng ở Tây Kinh an táng, dâng tôn hiệu là Thống Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Khoan Minh Dũng Trí Hoàng Nghĩa Chí Minh Đại Hiếu Cao Hoàng Đế.

Trong số những tướng lĩnh từ biên cương được gọi về dự lễ tang, có không ít người bị chuyển giao binh quyền cho phó tướng, hoặc phân tán một phần binh lực. Một số quan văn cũng được lệnh luân chuyển địa phương công tác. Trong vòng hai tháng, kết cấu quan lại từ trung ương đến địa phương tuy thoạt nhìn không có sự thay đổi lớn, nhưng thế cục về quyền lực đã có sự phân định rõ ràng.

Sau khi đăng cơ, Phạm Nguyên dọn đến điện Trường Xuân. Một số cung nữ, hoạn quan từng hầu hạ Phạm Nguyên ở Đông Cung nay bị điều sang nơi khác, xung quanh cậu ta cũng xuất hiện một vài người mới nhập cung mà tôi chưa biết mặt. Về sau tôi mới hiểu, nếu xét về xuất thân lẫn kinh nghiệm, họ vốn dĩ không thể gọi là người mới, chính tôi mới là người mới.


Đêm Tất Niên năm ấy trôi qua trong bình lặng. Sinh nhật của tôi lẫn Phạm Nguyên đều đã qua, mỗi người thêm một tuổi, dường như trong thoáng chốc cũng cao hơn một chút.

Sáng hôm sau phải lên đường sớm theo Phạm Nguyên đi Thái Miếu nên đêm nay tôi không ngủ, một mình chong đèn ngồi bên cửa sổ, nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc đoàn viên năm ngoái. Phòng của tôi ở điện Trường Xuân không có cây lộc vừng cổ thụ như hồi còn ở Đông Cung, chỉ có một cây vải lớn nhưng cành lá khẳng khiu, không thể leo lên để phóng tầm mắt về phía quê nhà như trước.


Tôi mở cửa, giữa đêm lạnh băng băng tiến bước trở về căn phòng cũ của mình ở Đông Cung.


Ở đấy, tôi nhìn thấy Phạm Nguyên. Giống như lúc vẫn còn là thái tử, ngồi dưới gốc cây si.


Cậu ta ngồi một cách lặng lẽ trong bóng tối, hai tay bó gối. Nếu không mang theo đèn, tôi hẳn đã đi lướt qua mà chẳng phát hiện ra.


“Bệ hạ…”


Tôi quỳ xuống, cũng đặt chiếc đèn lồng xuống đất. Ánh sáng hắt lên gương mặt Phạm Nguyên, lộ ra ánh mắt có chút u buồn. Trên tay cậu ta là một cuộn vải màu vàng đang trải dài trên nền cỏ.


“Trẫm gặp thời tao loạn, dựng nghiệp gian nan, hơn hai mươi năm mới nên nghiệp lớn, những nỗi đau khổ của nhân dân, thảy đều hiểu biết, những đường gian nan trong thế sự, thảy đều trải qua, thế mà đến khi lên ngôi, lòng người thực hay giả, cũng chưa dễ gì tỏ tường, những việc nghi ngờ, cũng chưa dễ gì phán đoán. Như vậy đạo làm vua không khó ư?

Huống chi con, đương thời tuổi trẻ, nối nghiệp gian nan, nghe biết càng nông, tư lường chưa thấu. Vậy nên dốc lòng kính cẩn, như giẫm trên băng mỏng vực sâu, thờ trời đất nên hết lòng, cung phụng tôn miếu nên tròn đạo hiếu, thân ái anh em, hoà mục tông tộc, cho tới việc đối xử trăm quan và muôn dân, thảy đều nên nghĩ sao cho phải đạo. Chớ đổi phép cũ của tiên vương; chớ bỏ cách ngôn của tiên triết; chớ gần thanh sắc mà chuộng tiền tài; chớ thích đi săn mà ham dâm đãng; chớ nghe lời gièm mà xa người can thẳng; chớ dùng tân tiến mà bỏ cựu thần. Trời khó tin, mệnh không thường, phải nghĩ phép trị khi chưa loạn; công khó thành, việc dễ hỏng, phải nghĩ giữ nước lúc chưa nguy. Khi con được vui thú, phải nghĩ tới cơ nghiệp khó nhọc của ta; khi con hưởng cao sang, phải nghĩ tới công đức tích lũy của Tổ. Phải cẩn thận trước để toan sau, phải làm sự lớn trước sự nhỏ, phải theo chí trước mới có thể giữ được nghiệp trước, phải thuận lòng trời mới có thể hợp được lòng người. Một giây một phút, chớ trễ chớ quên.”(4)

Đó là sắc chỉ cuối cùng của tiên đế, cũng là những lời răn dạy cuối cùng người dành cho Phạm Nguyên trước lúc lâm chung. Tôi đã nhiều lần thấy cậu ta ngồi một mình trong thư phòng nhìn đăm đăm tờ sắc chỉ này. Không giống đọc, chỉ là nhìn. Có một lần còn nói bâng quơ: “Văn phong của phụ hoàng tệ thế…”, rồi vuốt nhẹ lên tấm vải.

Lúc tiên đế băng hà cậu ta đã khóc, nhưng lúc đó mọi người đều khóc, tôi cũng không biết có bao nhiêu phần là thật, chỉ biết những ngày sau đó cậu ta rất lạnh lùng. Đăng cơ rồi, cậu ta cũng dần trở nên trầm mặc, không vui cũng chẳng buồn. Chiếc long bào trên người cậu ta khiến khoảng cách giữa chúng tôi đã xa lại càng xa, nên tôi cũng không dám hỏi.


Phạm Nguyên về đây, có lẽ cũng muốn tìm lại chút ký ức những ngày còn sum họp một nhà, giống như tôi.


“Đình Phương…” Cậu ta gọi tên tôi, nhưng mắt vẫn không rời tờ chiếu chỉ. “Phụ hoàng… Phụ hoàng mất rồi.”


Tôi không lên tiếng, chỉ gật đầu.


“Nếu lúc đó trẫm bảo với phụ hoàng mình đã tha thứ cho người, có lẽ người ra đi sẽ vui hơn một chút.” Giọng cậu ta càng lúc càng nhỏ lại, giống như đang nói với chính mình chứ không phải nói cho tôi.


Cậu ta đang nghĩ đến cái chết của mẹ mình sao?


Tôi im lặng. Sau đó thấy cậu ta bất động hồi lâu, lại ngần ngừ chạm tay vào vai áo cậu ta.


“Bệ hạ, lúc cha thần qua đời, thần cũng buồn lắm, thậm chí còn giận mẹ vì mẹ không khóc nhiều như thần, không tỏ ra đau khổ vật vã bỏ ăn bỏ uống như thần.” Tôi nói, chợt nhận ra giọng mình đã run run. “Cuối cùng thần đổ bệnh, sốt mấy ngày liền. Mẹ thần vừa chăm sóc cho thần vừa hỏi: Thầy con lúc còn sống, con bị gai đâm một chút ông cũng xót, nếu biết con thế này ông ở dưới yên lòng được sao? Chẳng lẽ con muốn ngay cả khi chết thầy con cũng phải lo lắng vì con, mãi mãi làm một linh hồn vất vưởng, không an tâm để đầu thai?” Nói chưa hết câu, tôi đã không kềm được nấc lên một tiếng. “Người chết rất linh, chúng ta nghĩ gì họ cũng biết, nếu biết những người họ yêu thương ở dương thế sống không vui vẻ, họ sẽ rất đau lòng. Nếu người thương tiên đế thì càng phải sống cho hạnh phúc.”


Tôi lôi trong túi ra một bao trứng cút luộc, vừa lột vừa nói: “Lúc nhỏ nhà thần nghèo, có trứng cút ăn là thần đã thấy quý rồi, nên thần rất thích ăn trứng cút, mỗi lần buồn ăn trứng cút sẽ thấy hết buồn.” Tôi tỉ mẩn lột xong lại dúi đám trứng cút ấy vào tay của Phạm Nguyên.


Bàn tay cậu ta cứng đờ. Không giữ lấy, cũng không buông.


“Bệ hạ, nếu buồn quá thì nên khóc, không nên giữ trong lòng.” Tôi nói, hai tay che mắt lại, lắc lắc đầu. “Thần sẽ không nhìn đâu. Thần không thấy gì hết, người có thể kiểm tra.”


Cậu ta cầm bao trứng cút của tôi, xoay mặt về phía gốc cây. Tôi nghe loáng thoáng có mấy tiếng sụt sịt nho nhỏ vang lên.


Nhớ cha, tôi không kềm lòng được cũng khóc theo, dần dần khóc còn lớn hơn cả cậu ta, nghe như tiếng con mèo.


“Ngươi khóc cái gì?” Cậu ta bực bội xoay người lại.


“Thần…” Tôi lau nước mắt, vừa định giải bày, nhìn thấy bao trứng cút trống không trong tay cậu ta lại càng đau xót đến muốn khóc thêm lần nữa. “Sao người ăn hết trứng cút của thần rồi?”


“Đồ ngốc!” Cậu ta cốc tay lên trán tôi một cái.


Bắt đầu từ đó, Phạm Nguyên có thêm một sở thích mới ngoài nuôi cuốn chiếu: đó là cốc đầu tôi.


Chú thích:

(1) Hạ giá: Công chúa là con vua, thân phận cao quý, gia đình khác không thể sánh ngang hàng được, nên lúc xuất giá xem như hạ thấp thân phận để lấy chồng, gọi là “hạ giá”.

(2) Người Ngô, nước Ngô: chỉ người phương Bắc, cụ thể là nước Đại Minh lúc bấy giờ. Trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi viết trong niên đại này, ông cũng dùng từ “Ngô” để chỉ giặc từ phương Bắc, dân ta cũng hay dùng như vậy. Có nhiều thuyết giải thích cách dùng của chữ “Ngô” này, nhưng phổ biến nhất vẫn là do vua lập quốc của nhà Minh (Chu Nguyên Chương) lúc khởi nghĩa tự xưng là Ngô vương, nên khi dân ta nhắc đến giặc thì gọi thẳng tổ tông của giặc ra. Còn “Minh” trong quốc hiệu ‘Đại Minh” có nghĩa là sáng, mang ý nghĩa tốt đẹp, vì vậy không thích hợp để dân ta dùng chỉ giặc.

(3) Binh thư yếu lược: là binh pháp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thời Trần, người có công lớn trong cuộc chiến chống Nguyên – Mông của nước ta.

(4) Phần này được trích nguyên văn từ Đại Việt Thông Sử.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

giovotinh_ji

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/11/14
Bài viết
362
Gạo
20,0
Ta không có lời bình gì dành cho chương này. *Cảm động quá trời quá đất*
Mà choáng nhất là cái tôn hiệu của vị hoàng đế mới qua đời, vừa dài mà còn khó hiểu...X﹏X
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Ta không có lời bình gì dành cho chương này. *Cảm động quá trời quá đất*
Mà choáng nhất là cái tôn hiệu của vị hoàng đế mới qua đời, vừa dài mà còn khó hiểu...X﹏X

Cái tôn hiệu ấy vẫn chưa phải là dài nhất sử Việt đâu, có ông vua còn gần 60 chữ ấy. :tho11:
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Tag chương 3-7 vào #1 đi nàng cho tiện theo dõi. ^^
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
bupbecaumua Kem Dâu Lâm Diệu Anh Ivy_Nguyen giovotinh_ji Tẫn Tuyệt Tình Phi Ánh Tuyết Triều Dương mời đọc chương mới nhé. Tiện thể chúc mừng năm mới.

Chương 8: Nịnh thần

Sáng mồng một năm Thiệu Bình thứ nhất, Phạm Nguyên vận long bào màu đỏ tía, đội mũ xung thiên, đeo đai ngọc dẫn theo văn võ bá quan đến bái yết Thái Miếu.

Thân mũ xung thiên khảm hơn ba mươi con rồng vàng, giữa những hoa văn lại đính đầy trân châu, hồng ngọc, nên sau nửa ngày làm lễ cả người Phạm Nguyên đều mỏi rã rời. Vừa về đến phòng, cậu ta đã lăn ngay xuống đệm, dang tay dang chân gọi tôi xoa bóp.

“Bên phải, xuống một chút… Không không, lên chút nữa… Sang trái… Mạnh hơn một chút… Ừm… Ừm… Ấn vào, đừng xoa… Chỗ đấy nhẹ một chút… Không, chỗ này phải mạnh hơn cho trẫm… Mạnh thêm chút nữa, mạnh nữa, tay chân ngươi sao cứ như con gái ấy!” Cậu ta vừa cằn nhằn vừa nằm ườn ra tận hưởng sức lao động của tôi, mắt lim dim. Nhìn bộ dạng yểu xìu, không có khả năng tự vệ nhưng kiêu ngạo trưởng giả của cậu ta, tôi chỉ muốn vung chân đạp cho cậu ta mấy cái. Đạp xong rồi chà, chà rồi lại đạp, cả ngày chà đạp không ngừng.

“Ngươi đang nghĩ gì đấy?” Phạm Nguyên chợt mở mắt nhìn tôi.

Tôi chột dạ, vội vội vàng vàng dùng hết sức mà xoa bóp tấm lưng của cậu ta, mi mắt cụp xuống ra vẻ đáng thương, lí nhí: “Bẩm, hôm nay mồng một nên thần nhớ mẹ và vú già ở quê nhà.”

“Mỗi lần nhớ đến mẹ và vú già ánh mắt ngươi đều có vẻ độc ác hả hê vậy à?”

Tôi nói dối không chớp mắt: “Không ạ, đó là ánh mắt ruột đau chín chiều của thần đấy bệ hạ.”

“Buồn thì khóc đi, không nên để trong lòng.” Giọng cậu ta chợt chuyển sang ân cần nhỏ nhẹ, dịu dàng như gió, khiến tôi không khỏi cảm thấy rùng mình.

“Thần không dám quấy nhiễu nhã hứng của bệ hạ.” Tôi khách sáo đáp.

“Không sao, trẫm đang có nhã hứng nhìn Đình Phương khóc.” Đôi môi cậu ta nở một nụ cười ngọt như đường.

Về sau, tôi rút ra một kinh nghiệm máu xương: Mỗi lần cậu ta gọi tên tôi với một nụ cười, phía sau đấy chắc chắn là một cái bẫy chết người đang chờ tôi ngã xuống.

Lệnh vua khó cãi. Lệnh của một vị vua mười một tuổi ngang ngược chẳng biết trắng đen lại càng khó cãi. Tôi cúi đầu vò vò gấu áo, cố làm cho nước mắt tuôn ra. Tâm hồn tôi tìm về những năm tháng tuổi thơ yên ả bên cây đa bến nước, nơi tôi thường cùng thầy đi hái quả bồ kết về cho mẹ gội đầu. Bàn tay thầy vừa to vừa ấm, âu yếm nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của tôi, mỉm cười trìu mến nhìn tôi. Giờ không còn được bàn tay ấy chở che bảo bọc nữa, tôi rất đau lòng, rất rất rất đau lòng. Môi tôi run run, nhắm mắt lại cố gắng mường tượng nụ cười và tiếng nói của thầy…


Thế nhưng đợi mãi, đợi mãi, nước mắt tôi vẫn không rơi xuống nổi. Có lẽ thầy biết tôi đang lợi dụng ông nên không phù hộ cho tôi.

Lúc mở mắt ra, nhìn thấy đôi môi đang mím chặt vì nén cười của Phạm Nguyên, tôi tức đến nỗi muốn bỏ hết tôn ti quy củ, đè ngay cậu ta xuống đạp như người ta giã bánh dày cho hả giận.

“Đồ ngốc!” Cậu ta nhoẻn miệng cười, đưa tay cốc lên trán tôi một cái. “Lời trẫm nói thật giả thế nào cũng không biết phân biệt. Chẳng lẽ trẫm bảo ngươi đi chết ngươi cũng chết?”

Tôi hèn mọn quỳ xuống lạy cậu ta: “Bệ hạ là đấng chí tôn, thần sao dám cả gan đoán thánh ý? Thần chỉ có thể tuân theo lời bệ hạ.”

Tôi biết Phạm Nguyên quá rõ những lời sáo rỗng này là giả dối, nhưng tôi vẫn nói. Cậu ta đang có hứng đùa, thì tôi phải đùa với cậu ta.

“Thật sao?” Cậu ta hỏi.

“Vâng ạ, chỉ mong bệ hạ cho phép thần chết dễ nhìn một chút. Nếu không ngay cả Hắc Bạch Vô Thường nhìn thấy cũng sợ thần, không dám dẫn thần xuống gặp Diêm Vương, thần sẽ phải trở thành hồn ma lang bạt, tội nghiệp thần lắm ạ.”

“Phụ hoàng lúc sinh thời rất ghét nịnh thần. Trước khi lâm chung cũng dặn trẫm cảnh giác những kẻ bề tôi dẻo mồm dẻo miệng, nếu cần thì giết không tha để trừ hậu hoạ.” Cậu ta cười nhạt, nhưng ánh mắt lại vô cùng nghiêm nghị, khiến tôi không dám chắc đấy chỉ đơn giản là một lời bông đùa để doạ tôi, hay thật sự là lời cảnh cáo sau này tôi nên biết rõ vị trí của mình.

“Bệ hạ, thần chỉ muốn diễn trò để làm người vui một chút thôi.” Tôi khúm núm. “Nếu bệ hạ không thích, sau này thần không dám nữa đâu.”

Chúng tôi quen nhau cũng sắp tròn năm, nhưng tôi biết những gì Phạm Nguyên thể hiện trước mặt tôi chỉ là một phần của cậu ta, nên nhiều lúc cũng không cố thông minh, cứ nghĩ sao nói vậy, khiến cậu ta an tâm vì cho rằng đã nhìn thấu lòng dạ của tôi. Có như thế, dần dần cậu ta mới tin tưởng mà chia sẻ thế giới phức tạp của cậu ta cùng tôi được.

“Trẫm có nói ngươi là nịnh thần à? Hay là ngươi có tật giật mình?” Cậu ta lại cốc đầu tôi cái nữa, sau đó nằm xuống nhìn ra cửa sổ. “Trẫm đang chán, mau nghĩ trò gì khiến trẫm vui đi.”

Lúc nói câu ấy, giọng lại chẳng có chút hào hứng tìm vui, chỉ có buồn man mác.


Từ lúc lên ngôi cậu ta vẫn thế, vui vui buồn buồn thay đổi nhanh chóng chẳng biết đâu mà lần, học hành lười hơn trước, nhiều lúc lại còn ngồi một góc trầm tư. Tôi nghĩ chuyện này có liên quan gì đó đến việc trong triều nhưng chưa dám hỏi, chỉ có thể bày ra vài trò giúp cậu ta tiêu khiển.

“Chiều hôm qua thần thấy ngoài vườn có cái hang dế mới đào đấy bệ hạ.”

“Ừm.” Cậu ta gật đầu, rồi thong thả ngồi dậy, phóng xuống giường cùng tôi đi đào dế.

Tuy Phạm Nguyên từng sống nơi thôn dã, nhưng do sinh hoạt trong cung cũng đã sáu năm, lại phải tuân thủ theo những chuẩn mực giáo dục dành cho thái tử, những chuyện dò hang bắt dế cậu ta hơi vụng, thường phải đợi tôi làm trước rồi mới làm theo. Có lẽ mải chơi nên nhiều khi cậu ta cũng không câu nệ chuyện quân thần, tôi phân công cậu ta làm việc này việc nọ cậu ta cũng không phản đối. Những lúc ấy, cậu ta mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, trông rất có khí phách đàn ông, chỉ là còn chưa được khí phách bằng tôi. Thỉnh thoảng để con dế xổng mất cậu ta cũng có mắng tôi một chút, nhưng rồi lại quên đi việc ấy rất nhanh, quệt mũi hỏi tôi: “Còn cách nào bẫy nó nữa không?”

Về sau, Phạm Nguyên càng lớn càng khôi ngô tuấn tú, phong thái đế vương cao quý hiên ngang, nhưng nếu cho tôi chọn, tôi vẫn chỉ muốn cậu ta mãi mãi dừng lại ở khoảnh khắc này – nóng nảy, trẻ con, nhếch nhác, rong ruổi giữa trời chiều bắt dế cùng tôi. Không toan tính, không dày vò, không dằn vặt, mỗi nụ cười ánh mắt đều thuần khiết, đều thuộc về tôi. Đến khi chúng tôi có trong tay dường như tất cả, ngoảnh đầu nhìn lại, phát hiện thứ quý giá nhất đã mất đi, thứ ấy đã vĩnh viễn không thể nào tìm lại được.





Trong những ngày đầu năm Thiệu Bình thứ nhất, rất nhiều chỉ dụ đã được ban ra. Đa số là thăng quan cho người cũ, sắc phong cho người mới, còn lại là đốc thúc quan lại các cấp đắp đê, làm đường, giám sát việc phân chia ruộng đất. Những việc này đều do các vị tể tướng và đại thần bên dưới báo lên, ý kiến giữa các bên cũng không có nhiều xung đột, nên Phạm Nguyên chỉ việc đóng ngọc ấn thông qua.


Tôi không được dự chầu, hầu hết đều là nhờ mài mực cho Phạm Nguyên mà tình cờ đọc được tấu chương cậu ta đang phê duyệt, nên tình hình trong triều tôi không rõ lắm. Chỉ có thể qua sắc mặt của Phạm Nguyên mỗi đêm khuya khi dửng dưng nhìn chồng tấu sớ cao như núi, đóng ngọc ấn một cách thờ ơ mà cảm giác được dưới thế cuộc yên bình kia là một nguồn sóng triều mãnh liệt cậu ta không cách nào khống chế. Tiên đế để lại cho cậu ta ngai vị, nhưng ngai vị và quyền lực nhiều lúc không cùng một chỗ.

Bị cậu ta liên tục sai vặt, chê bai rồi mắng mỏ không nguyên cớ, nhiều khi tôi giận lắm, nhưng chỉ mấy câu “Xin lỗi”, “Thưởng cho ngươi”, “Tìm cái gì chơi với trẫm đi” của cậu ta, cùng với ánh mắt cô đơn có phần day dứt và chiếc túi nhỏ đựng mấy trăm đồng, cơn giận của tôi liền nhanh chóng tiêu tan. Tôi hiểu, chẳng qua ở chốn hoàng cung này cậu ta không tìm được ai vừa có thể tin tưởng vừa có thể giải toả nỗi phẫn hận trong lòng, nên cậu ta mới trút tất cả vào tôi.

Năm nay hạn hán kéo dài, suốt mấy tháng liền không một hạt mưa dù đã làm lễ tế trời. Đầu tháng tư, trời nắng chang chang, nhưng Phạm Nguyên lại dẫn tôi đến thao trường xem cậu ta cưỡi ngựa, bắn cung, luyện kiếm.

Thao trường hôm ấy cát bụi mịt mù, cỏ vàng cháy nắng, cây cối xác xơ, dưới ánh mặt trời như thiêu như đốt càng giống như một cái lò than. Tôi đứng một mình giữa khoảng sân rộng thênh thang, nhìn cậu ta từ sáng đến trưa hết luyện kiếm lại phi ngựa như bay, bắn hết mũi tên này đến mũi tên khác xuyên qua hồng tâm mà lòng lại không có chút vui mừng hăm hở, chỉ thấy tim càng lúc càng đập mạnh. Cậu ta không phải đang biểu diễn tuyệt kĩ, mà giống như một con ngựa điên chạy không ngừng nghỉ, chạy đến khi rơi xuống vực mới thôi. Cứ như thế, dù là thân thanh niên trai tráng cũng không chịu nổi, huống hồ là một đứa trẻ thân hình gầy gò mười một tuổi.

Cậu ta… Cậu ta giống như mất hết lí trí rồi.

“Bệ hạ! Dừng lại đi, bệ hạ!” Tôi hét lớn, ba chân bốn cẳng hối hả chạy theo ngựa của Phạm Nguyên. Tất cả cấm quân đều bị cậu ta bắt đứng bên ngoài, không ai có thể làm gì để giúp tôi, càng không dám lên tiếng cản cậu ta.

“Bệ hạ, dừng lại đi, đừng chạy nữa nguy hiểm lắm!”

Cậu ta không đoái hoài đến tiếng gọi khản cổ của tôi, vẫn phóng ngựa đi như cuồng phong bão táp.

“Bệ hạ! Aaa…” Tôi hốt hoảng thét lên một tiếng rồi ngã xuống, theo đà lăn vài vòng sân mặt sân nóng bỏng da.

Lúc tôi chống tay ngồi dậy, phủi phủi lớp cát bám trên người, Phạm Nguyên đã quay ngựa lại tự lúc nào, nhảy xuống chạy đến chỗ tôi.

“Ngươi bị sao vậy? Sao lại vụng về quá vậy?” Cậu ta tức giận kéo tôi dậy, nhíu mày nhìn vết thương rướm máu trên khuỷu tay tôi.


“Thần… Thần vấp phải cục đá trên đường.” Tôi cúi đầu, rụt rè đáp.

Thật ra tôi đã kịp nhìn thấy hòn đá ấy và tránh đi, nhưng sau đó vẫn cố tình ngã xuống.


Cậu ta buông tôi ra, vung mạnh tay áo, xoay người bước về phía con ngựa ô đang đứng chờ cách đó không xa.

Tôi sợ cậu ta lại tiếp tục cưỡi ngựa, liền lấy hết dũng khí chạy theo ghì chặt lấy cậu ta. “Bệ hạ nghỉ đi, đừng cưỡi nữa!”

“Buông trẫm ra!”

“Thần không buông!”

“Ngươi dám kháng chỉ?”

“Thần không buông! Không buông! Không buông!” Sự liều lĩnh của tôi hôm ấy từ đâu mà có, cả đời này tôi cũng không hiểu nổi.

Gió thổi phần phật, cát bay tán loạn dưới nắng như đổ lửa, tạt vào mặt tôi rát buốt. Tôi thở hổn hển, đầu óc trống rỗng, lúc lấy lại được chút bình tĩnh cũng chỉ nhìn thấy hai chiếc bóng sát nhau đổ dài trên nền đất, ngoài ra chẳng biết gì.

“Đồ chết tiệt nhà ngươi, được trẫm dung túng sinh hư.” Cậu ta hít một hơi thật sâu, hung hăng mắng tôi, nhưng cũng không bỏ tay của tôi ra.

“Bệ hạ, chúng ta hồi cung đi, cũng đói rồi.”

“Ai đói?”

“Bệ hạ đói.” Tôi đáp, từ từ rút hai bàn tay không biết sống chết của mình về. “Thần cũng đói.”

“Đồ nịnh thần!” Cậu ta quay lại, cốc lên trán tôi một cái, sau đó chỉ tay về phía cây cung đang nằm lăn lóc bên chân ngựa. “Vác về cho trẫm, nó mà trầy xước gì trẫm lấy mạng ngươi.”

“Thần tuân chỉ.”

Tôi bước đến nhặt lấy cây cung, cẩn thận phủi sạch đất cát rồi chạy theo Phạm Nguyên ra xe ngựa. Cây cung này là do cố tể tướng Lưu Nhân Chú(1) tặng cho cậu ta, kĩ thuật cưỡi ngựa bắn cung của cậu ta nghe nói cũng là do ông ấy dạy. Từ ngày ông ấy bị người ta độc chết, cậu ta quý nó như vàng.

Lưu Nhân Chú không chỉ là thầy cậu ta, mà còn là anh họ cậu ta, là cháu gọi tiên đế bằng cậu, là hoàng thân quốc thích. Thế mà ngay cả khi ông ấy chết oan, cậu ta cũng không thể đòi lại công bằng, lại còn phải chính tay ra lệnh lưu đày người muốn đưa sự việc ấy ra ánh sáng. Triều đình kia trên danh nghĩa là của cậu ta, nhưng từ lâu người một tay che trời đã là kẻ khác.

Đối với cậu ta, đấy không chỉ là một nỗi đau, mà còn là nỗi nhục.

Ngày nào Phạm Nguyên không thể ngẩng cao đầu, ngày ấy tôi vẫn chỉ là một thư đồng nhỏ bé quanh quẩn nơi bốn bức tường của điện Trường Xuân, không quyền không thế, bị đám vương tôn quý tộc ở Quốc Tử Giám kia hiếp đáp. Tôi có thể nhịn một ngày, một tháng, một năm, nhưng chắc chắn sẽ không nhịn được cả đời.


Chú thích:

(1) Lưu Nhân Chú là một công thần quan trọng trong khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia nghĩa quân ngay từ những ngày đầu, từng lập nhiều chiến công quyết định. Mẹ ông là chị ruột Lê Lợi, nên ông là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu. Vào giai đoạn cuối khởi nghĩa, Lê Lợi đưa Lưu Nhân Chú và con cả của mình là Lê Tư Tề làm con tin trao đổi với quân Minh, điều này vừa chứng tỏ vị trí quan trọng của ông trong nghĩa quân, vừa góp thêm một công lao của ông vào thắng lợi cuối cùng. Sau khi lên ngôi, Lê Lợi phong cho ông làm bình chương (tể tướng) đồng thời nắm giữ binh quyền, đến nay vẫn còn chế văn lưu lại. Thế nên có thể nói, sau khi Lê Lợi chết, ông là nhân vật quyền lực số một triều đình. Có lẽ vì vậy mà ông bị Phạm Vấn và Lê Sát, vốn là hai nhân vật có quyền ngang ngửa đầu độc chết để nắm quyền, theo một lời tố cáo đương thời.

Lá thư tố cáo ấy là nặc danh, nhưng một học sinh Quốc Tử Giám bị nghi ngờ là người viết, nên người này bị Lê Sát đề nghị xử tử với tội danh vu cáo. Quan xử án thấy tình tiết vụ án còn nhiều điểm mập mờ nên xin đổi án tử thành án lưu đày.

Giai đoạn này đấu đá giữa vua - quan, quan - quan rất gay gắt, liên quan đến nhiều nhân vật, nên thực hư vụ án này thật ra vẫn không có bằng chứng rõ ràng.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên