Ấp tập viết

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
- Bữa giờ Ngoại toàn kể chiện cổ tích cho con nghe không vầy Ngoại? - Cẩm Tiên xị mặt, kéo dài giọng phàn nàn. - Con cũng hăm mốt, trẻ con nữa đâu?
Ngoại vẫn nhắm mắt, tay chắp trước ngực dập đầu lần thứ ba trước bàn thờ. Ngoại khẽ mỉm cười khi nghe giọng con bé mè nheo quanh quẩn bên tai. Còn cái Tiên cũng ngước nhìn theo làn khói nhang mỏng trong phòng, loại nhang không để lại tàn và chỉ có mùi thoang thoảng. Mấy năm nay, Ngoại dẫn Tiên lên chùa miên, nó cũng quen mùi nhang, mùi như mùi gỗ xém ngoài nắng, hơi hăng hăng, ngửi nhiều lại thành mê.


Lúc này, Ngoại bắt đầu mở mắt, đổi dáng ngồi. Cuốn Kinh Địa Tạng vẫn mở trên bàn kẹp, trang giấy lật nhanh theo một chiều gió thổi qua bậu sổ.


- Nay, Ngoại kể con nghe chiện…

- Thôi Ngoại ơi! - Cẩm Tiên bĩu môi - Con hổng nghe chiện cổ tích nữa đâu!​


Ngoại lườm yêu đứa cháu gái. Tay Ngoại vuốt khẽ theo mái tóc ngắn của Cẩm Tiên. Những ngón chai sần của bàn tay đã nhăn nheo cả, cọ nhẹ nghe ram ráp trên da. Tiên thấy hơi nhột, nó nghiêng đầu rụt cổ. Ngoại khàn giọng cười nhỏ trong họng. Giọng Ngoại vẫn thế, Cẩm Tiên cứ ngỡ như Ngoại ngay bên mình và dường như, chẳng có chuyện gì xảy ra, rằng, Ngoại với nó không cùng một thế giới.



- Tía má con dạo này sao rồi? - Ngoại hỏi vu vơ khi tay lần tràng hạt.

Đôi mắt to tròn của Cẩm Tiên ngước trông Ngoại rồi lại nhìn ngang ra ngoài cửa. Nắng ươm vàng trên lát gạch ngoài sân đỏ au. Tiếng gió rì rì qua khoảnh vườn bé của Ngoại. Cẩm Tiên như trông thấy cây đu đủ đang vẫy tay chào mình.


- Ngoại vẫn ở đây luôn ạ? Ngoại về nhà con ở cho vui! - Cẩm Tiên không trả lời câu hỏi của Ngoại.

Cẩm Tiên thấy Ngoại cụp mắt, miệng lại lẩm nhẩm một câu Kinh Địa Tạng. Nó nén một tiếng thở dài.

- Tía má bận miên. Đầu tháng rồi con cũng hổng gặp má. Chắc má quên! Cái Linh cũng ốm suốt Ngoại ạ, mà má con lại đang bầu đứa thứ ba. Tía con vui lắm, là một thằng cu mà.

Ngoại dừng lại một chốc, quay đầu coi đứa cháu gái.

- Ngoại kể con chiện cổ tích ha?

- Thôi, Ngoại giỡn hoài! - Cẩm Tiên nhăn mặt - Ngoại cứ trêu con! Con lớn rồi mà Ngoại!

- Mồ tổ! - Ngoại buột miệng.

Cẩm Tiên phá lên cười. Ngoại vẫn thế, đương lúc đọc kinh lại buông một câu chửi thề đến tự nhiên.

- Ngoại hạnh phúc nha! - Cẩm Tiên ngó lên nén nhang đã tàn hơn hai phần. - Ngoại đừng lo cho tía má con hoài, Ngoại lo cho Ngoại ấy. Dầu con biết Ngoại quen lo cho gia đình con rồi. Nhưng con mong Ngoại lo cho mình một xíu. Ngoại ốm quá! Ngoại cũng bảy mấy mà tía má con lại chẳng lo nổi cho Ngoại.

- Ông nội cha mày! Mi người lớn quá hen! - Ngoại cười trừ, thấp giọng mắng - Ngoại biết rồi! - Ngoại ngừng một chút rồi gật đầu.

- Chắc mốt con không về nữa Ngoại ạ! - Cẩm Tiên lí nhí.

Ngoại gật đầu.

- Hổng nghe chiện cổ tích nữa he? - Ngoại cười. Mà mắt Ngoại rưng rức. Cẩm Tiên trông thấy đôi mắt Ngoại đỏ au, môi Ngoại run bần bật. Rồi Ngoại cúi đầu nhìn cuốn Kinh, bàn tay run run lật trang kế như bình thường. Ngoại không khóc lấy một giọt.

- Con xin lỗi Ngoại! - Nước mắt Cẩm Tiên chảy dài tự bao giờ

- Hổng phải... Hổng phải... Hổng phải lỗi của con! - Giọng Ngoại đã gãy cả. Trên gương mặt những nếp nhăn đã xô lại, nhăn nhúm cả. Nhưng răng Ngoại nghiến chặt, Ngoại gắng không khóc. Ngoại nghẹn ngào, cục nghẹn ứ lên tận họng, tận mũi khiến Ngoại thấy khó thở mà ngực nhói lên.

Ngoại giận mình nhiều. Ngoại nắm trang giấy kinh kệ hồi lâu. Những dòng chữ cứ mờ đục, nhòe nhoẹt cả ra. Ngoại đọc không nổi. Cơn đau tái nơi ngực trái hằng đêm lại dằn lấy Ngoại. Giá mà... Giá mà Ngoại kể chuyện cổ tích cho cái Tiên như kể với cái Linh, thì hẳn cháu gái cả của bà chẳng phải đi tới bước đường đó. Phải, giá mà Ngoại ôm cái Tiên nhiều hơn mỗi khi trông nó trốn trên gác xép để mà khóc, thì hẳn chẳng có chuyện người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Giá mà Ngoại đừng nghĩ, ai cũng phải tự giải quyết nỗi buồn của mình, cháu gái Ngoại phải mạnh mẽ, phải kiên cường, thì có khi… có khi… Ngoại thấy giọng mình lạc cả đi.

- Lỗi... là do… Ngoại…

Cái ôm của Cẩm Tiên vòng qua vai Ngoại. Ngoại thấy bên thoang thoảng mùi của con bé.

- Hổng phải đâu Ngoại! - Cẩm Tiên ngừng lại, nó cố hít một hơi lấy lại giọng - Cũng đã hơn hai năm nay, Ngoại đừng đổ lỗi hoài cho mình… nghe Ngoại! Con… - Mắt Cẩm Tiên đã nhòe nước cả, nước mắt thi nhau rơi lã chã, đầy ứ khóe mi. - Hổng phải mình lỗi con, hổng phải mình lỗi Ngoại, có những thứ… - Nó ngừng lại, cái đau tái vẫn ịn trên ngực trái và cổ tay. - Đối với con,... - Cẩm Tiên nén một tiếng nấc - Đó là con đường tốt nhất rồi…

Nén nhang đã cháy rụi cả. Hương ngào trong phòng, Ngoại ngẩng đầu trông lên. Bên khóe mắt trái lăn dài một giọt. Vỡ tan.

- Con thương Ngoại lắm…
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Cưa sừng làm trẻ nghé :))))))) khiếp cái giọng văn nói nó trầy trật gần chớt :)))))))))))))
- 1… 2… 3… Chết thằng Lâm Bồn nha!
- Tao làm gì?
- Tao thấy mày cử động rồi! Đi lên! Đi lên!

Giọng cái Linh Béo hét chói tai ngay dưới gốc dâu da xoan tỏa một bóng râm mát. Nó chạy về phía đám bọn trẻ đang tụ tập tíu tít bên dưới, cách chừng đến năm mét. Trời sau mưa, những vũng nước vẫn chưa ráo hẳn, nảy nước đọng trên bắp chân trắng nõn mập mạp của nhỏ Linh. Nhỏ hướng về phía thằng Lâm, đập bộp vào vai thằng bạn bằng tuổi nhưng lùn hơn nó một cái đầu. Tiếng mấy đứa nhỏ trong xóm cũng ríu rít theo như tiếng se sẻ.

Thằng Lâm ấm ức lườm nhỏ Linh. Đúng là cái nhỏ Linh Béo, lúc nào cũng “om” nó đầu tiên! Nhỏ Linh chạy về đoạn vạch xuất phát đánh dấu bằng đôi dép xỏ ngón đỏ trong khi thằng Lâm thay nó lên làm nhà cái. Nhỏ Linh nháy mắt cười đắc ý với đám bạn, vừa làm khẩu hình miệng nói nhỏ:

- Bồ tao đấy!
Tiếng rúc rích cả lũ sau lưng thằng Lâm mà thằng nhóc mười hai tuổi vẫn điềm nhiên chẳng biết gì.

- 1… 2… 3…

*

Thằng Lâm là thằng đẹp trai nhất xóm, nhà lại giàu. Bố mẹ nó đều làm bác sĩ bệnh viện Việt Pháp tít trên Đống Đa.

- Nhà chồng tao đấy! Biết chưa?

Nhỏ Linh vẫn thường hất cằm về căn nhà năm lầu nằm trong ngõ hẻm, tường rào che kín khu vườn nhỏ ươm đầy cây, mà dõng dạc nói thế với lũ bạn. Chẳng rõ vì sao bố mẹ thằng Lâm lại ở tít trong xóm hẻo người này. Nhỏ Linh vẫn thường nghe bố mẹ nói do ở đây yên tĩnh, chắc mẩm ông bà bác sĩ không ưa ồn ào nên mua căn nhà của ông Bình Vôi cũ rồi chuyển về sửa sang mà ở. Nhưng có lẽ đúng thật. Nhà thằng Lâm chẳng bao giờ có tiếng động nào. Kể cả con chó to ơi là to nằm gần cổng, trước còn hay sủa người lạ, dần dà, ngay cả bây giờ nhỏ Linh có đu lên trên cửa sắt nhà thằng Lâm con Tony đấy cũng chả buồn dựng tai ngồi dậy. Nhỏ Linh ban trưa hay đi mua cà cho mẹ ăn, kiểu gì cũng phải tạt qua nhà thằng Lâm. Trưa nắng đứng sào mà nhà thằng Lâm còn chẳng buồn mở cửa. Nắng hất vạt dài nằm im lìm xen trong tiếng dép loẹt xoẹt.

Nhỏ Linh thích nhà thằng Lâm lắm. Trông cứ y như lâu đài cổ tích trong cuốn “Công chúa ngủ trong rừng” nó vẫn thường tưởng tượng. Nhưng mà chắc ở đây phải là “Hoàng tử ngủ trong rừng”. Cái Linh mỗi lần nghĩ tới đó là không nhịn được lại lấy tay bụm miệng cười.


Tại sao ấy hả?


Vì thằng Lâm siêu đẹp trai! Da nó trắng nõn, mắt lại to tròn nhìn đã thấy yêu. Mấy cô, mấy bác giờ này vẫn hay chọc thằng Lâm đẹp trai lại giàu thế này, sau phải lấy cô người mẫu nào, rồi tiện tay béo má nó. Thằng Lâm còn hiền ơi là hiền, nhỏ Linh nói gì thằng nhóc cũng làm. Kể cả có ấm ức, hậm hức gì, thằng Lâm chỉ lườm cái Linh một cái rồi thôi. Đã thế, nhỏ Linh còn thích nhất ở chỗ thằng Lâm khéo tay phải biết. Nó đan len, rồi thêu hình con vật lên áo, xinh ơi là xinh! Nhỏ Linh đã đòi thằng Lâm biết bao đồ tự tay thằng nhóc làm. Mà nhóc Lâm cũng tự hào khi nhỏ Linh khen nó. Nhìn mặt nhóc ta như thể muốn bay lên trời.

- Bồ mày như đàn bà! - Lũ nít ranh lại nhao nhao khi tụ tập ban sáng không có thằng Lâm.
- Đúng rồi! Đúng rồi!
- Bố tao bảo nhá! Đàn ông con trai ai lại đan len, cắm hoa, phải vùng vẫy, mạnh mẽ! Như tao này! - Thằng Hùng, thằng nhóc mê con Linh như điếu đổ dè bỉu trong khi xắn áo gồng lên phần bắp tay mảnh khảnh. - Đấy, đô như tao, chơi bóng bánh nó phải như này.

Cái Linh cười khanh khách.

- Đần như con gâu gâu! - Nhỏ ngả cả đầu ra sau mà cười lớn - Xời! Bồ tao chơi bóng như mày chắc tao chết!

- Ý tao … - Thằng Hùng sấn sổ cãi lại.

- Thôi! - Nhỏ Linh nhảy khỏi bệ tường rào như lệ cũ - Bồ tao hiền lành, chiều chuộng tao, mắc mớ gì tao phải kiếm đứa nào hơi tí lại “mạnh mẽ” bật tao ầm ầm. Đúng là - Cái Linh chép miệng tỏ vẻ bà cụ non - Lũ nhóc con, không hiểu chuyện tình yêu là gì!

***

- Ê mày không thấy tao như đàn bà à? - Thằng Lâm dè dặt đi theo sau cái Linh.

- Hả? - Nhỏ Linh giật mình quay lại nhìn.

Tầm hai giờ chiều thằng Lâm sẽ lại lén chạy ra cổng sau để chơi với nhỏ Linh. Nhỏ Linh là đứa đầu tiên bắt chuyện với thằng bé khi nó mới chuyển đến. Nhỏ là một đứa vừa cao vừa to, chẳng như thằng Lâm, người thì gầy một mẩu mà đầu lại to quá khổ người. Da nhỏ Linh ngăm ngăm. Mẹ nó la suốt, thằng Lâm ngồi trên tầng hai ngày nào cũng nghe thấy mẹ nó la nhỏ vì cứ trưa nắng nhỏ lại lao ra chạy nhảy ngoài đường. Nhỏ Linh hay buộc tóc, tóc nhỏ ngắn tí tẹo, nhưng nhỏ cố buộc lên. Mẹ nhỏ Linh bảo buộc lên cho giống con gái, chứ ai tưởng nhỏ là con trai thì chết dở. Nhưng thằng Lâm lại ứ thấy thế. Nhỏ Linh duyên ơi là duyên, lúm đồng xu ngay dưới má trái và cái răng khểnh đang hơi mọc cùng bên. Thế nên lũ thằng Hùng, thằng Minh chết mê chết mệt vì cái Linh: xoài vặt trộm nhà thằng Lâm, lũ chúng nó đưa cho cái Linh chứ ai. Nhưng chẳng sao, vì sau cái Linh lại đưa cho thằng Lâm ăn cùng. Thế là lại huề!

- Mày bị dở hơi à? - Cái Linh nhăn nhó khó hiểu vừa tiếp tục đi tiếp. Nhỏ nhảy lò cò theo mấy khoảnh nắng chiếu qua những tán cây xòe từ trong nhà mấy bác hàng xóm.

Thằng Lâm không hài lòng về câu trả lời của nhỏ. Nó lườm nhỏ, cố ý dừng lại để xem nhỏ có quay lại nhìn mình không. Thế mà nhỏ Linh chẳng quan tâm, cứ đuổi theo bóng nắng, mặc kệ thằng bạn sau lưng đang nhìn cháy xém người. Cái Linh hay trêu gọi thằng Lâm là “bồ” nhỏ, nhỏ làm thế để kéo thằng Lâm vào chơi cùng. Hôm đầu tiên thằng Lâm tới, thằng bé run như cầy sấy khi nhỏ Linh cầm thanh cửa cổng sau nhà nó mà đu người trèo vào bên trong. Nghĩ lại nhỏ Linh lại bật cười.


Nhỏ Linh cũng quý thằng Lâm, nhưng nó thích anh Giang đầu xóm hơn. Anh Giang học giỏi ơi là giỏi, lại nhẹ nhàng nữa chứ. Mẹ kể anh Giang còn tham gia giải tranh biện trên thành phố. Thằng Lâm chỉ đứng thứ hai thôi. Nếu anh Giang không chịu lấy nhỏ. “Mẹ làm sao mà hiểu sự thông minh của mình”, nhỏ thường tự hào nghĩ ngợi như thế.

- Này! - Thằng Lâm đã chạy bám vai nhỏ Linh tự bao giờ - Tao hỏi thật!

- Khiếp! Quan trọng thế à? - Nhỏ đứng khựng lại. Bóng nắng trưa đổ chói mắt làm nhỏ nheo nheo đôi con mắt hí lại.

Thằng Lâm gật đầu. Nó căng thẳng nhìn nhỏ Linh. Hai tay nó nắm chặt, bấu vào túi quần kaki ngắn tới đầu gối.

- Không! Mày không đàn bà! Mà cái từ “đàn bà” nghe kỳ ghê! - Giữa hai lông mày nhỏ nhíu lại, trông như thể đang nghĩ tới điều gì kinh lắm - “Đàn bà” thì có gì mà tởm lợm à! Vớ vẩn! - Nhỏ gắt lên.

- Ừ thì ai con trai mà lại đàn bà! - Thằng Lâm chắc nịch giọng.

- Thôi đi! - Nhỏ Linh quát lên một tiếng. Mắt nó sắc lẹm nhìn về phía thằng Lâm khiến thằng nhóc đứng hình. Rồi nhỏ Linh không thèm để ý thằng Lâm chạy một mạch về nhà.

Đấy là lần đầu tiên nhỏ Linh dỗi thằng Lâm.


***


Mẹ nhỏ Linh cầm lược chải cho thẳng mớ tóc mềm của đứa con gái đầu lòng. Nhà nhỏ Linh có ba chị em cả thảy: nhỏ Linh, cái Ngân Linh, em thứ hai và cái Giang Linh, em gái thứ ba. Ông nội bảo mẹ: “Vẫn đẻ vịt giời thì đặt tên khác làm gì cho khổ.” Thế là cả ba chị em nhà nó dùng chung một cái tên. Nhỏ Linh ghét lắm! Nó thương mẹ ơi là thương. Khổ thân mẹ, mấy lần nhỏ Linh thấy mẹ khóc lúc ăn cơm với họ nhà bố. Mà bố chẳng biết gì, vẫn chén chú chén anh suốt. Ông với bố chỉ thèm thằng cháu đích tôn. Nhỏ Linh chẳng thể hiểu nổi!

- Sao lại giận thằng Lâm à? - Mẹ mỉm cười hiền. Rõ con gái lớn của mẹ tóc đẹp như thế, mà tới năm lớp hai nó đòi cắt bằng được, lại sinh ra cái thói thích mặc quần cộc. Mẹ lờ mờ hiểu, nhỏ Linh làm thế là vì mẹ.

- Hừ! - Nhỏ dựa đầu vào chân mẹ, thở mạnh một hơi.

Mẹ cười lớn khi ngó xuống thấy hai đầu lông mày rậm của con gái lại giao vào với nhau. Mẹ nghe đâu con gái lông mày thẳng sau làm ăn lớn, tính tình khảng khái, cha mẹ được nhờ lắm.

- Thế làm sao? - Giọng mẹ nhẹ.
Nhỏ Linh thích lúc mẹ nói như thế này. Thường khi mẹ la, giọng mẹ lên hẳn một bậc, đến mấy con sẻ đậu trên dây điện cũng phải hốt hoảng bay vèo lên trời.

- Thằng nhỏ đứng ngoài cửa mấy bữa rồi - Mẹ lại thủ thỉ - Hôm thì xoài nhá, hôm thì nhãn. Nhãn ngọt phải biết! - Tiếng mẹ cười trong như chuông - Còn có cả mấy móc cài thêu tay nữa đấy!
Nhỏ Linh vẫn im thít. Tay mẹ bện chặt một đoạn tóc tết.

- Nó bảo “con trai thì không được đàn bà”. - Nhỏ nói liền một hơi. Càng nói lại càng tức. Nhỏ thấy uất ức dồn lên tận não.

- Ơ hay, cái con bé này! - Mẹ cười lớn, đến độ, người mẹ ngửa ra sau, tay cũng kéo theo chỏm tóc ngắn của nhỏ Linh. Nhỏ la oai oái. - Thế có gì không đúng nào? Con trai thì phải ra con trai chứ!

- Vớ vẩn! - Nhỏ Linh đanh giọng lại - Mẹ chả hiểu! Con chả hiểu nhé! Thế “con trai phải ra con trai” là kiểu gì? Thế người ta thích đan, thích thêu, thích hát, thích hò tự dưng lại bảo đàn bà! Mà đàn bà thì xấu à? Con thì xấu à?

Nhỏ Linh nói liền một chập. Mắt nó đỏ hoe lên. Nhỏ ức ơi là ức! Ông cũng bảo thế, bố cũng bảo thế, thằng Lâm bảo thế đã đành, mà mẹ nó cũng coi thế là bình thường. Nó ghét ơi là ghét! Đàn bà thì sao, đàn ông thì sao. Chẳng hiểu sao… Chẳng hiểu kiểu gì… Nó cũng làm cháu ông nội được chứ bộ. Nó cũng mạnh mẽ được chứ bộ. Nó cũng muốn bảo vệ cho mẹ chứ bộ. Thế mà… Nhỏ Linh lại nghẹn ứ lên tận họng. Nó nghiến chặt răng, nó lắc đầu quầy quậy dứt hết mớ tóc mẹ vừa đan.

- Con ứ cần! - Nó gằn giọng.

Mẹ nhỏ Linh lắc đầu. Nhỏ Linh mới có mười tuổi, mỗi khi ức lên, nhỏ lại nói năng lộn xộn cả lên. Mẹ có hiểu đôi chút, nhưng mẹ vẫn chưa hiểu lắm. Ừ thì đúng, ai nói “đàn ông” là xấu đâu nào, nhưng “đàn bà” thì có. “Ngồi lê đôi mách”, “ẻo lả”, “yếu đuối”, “ủy mị”, đủ các tính xấu là người ta lại gán lên hai chữ “đàn bà”. Chuyện này thì đúng là không nên như thế. Nhưng nói “đàn ông mà tính đàn bà” thì sao nhỏ Linh lại nổi giận nhỉ? Con trai thì vẫn nên ra dáng mạnh mẽ bảo vệ con gái chứ? Chuyện thường tình mà? Mẹ vẫn chưa hiểu đoạn này. Con gái cả của mẹ cũng bắt đầu có suy nghĩ riêng rồi đấy. Nắng đổ ra ngoài hiên, bóng nhỏ Linh giậm chân thình thịch đi xiêu vẹo trong cái nắng giữa trời mùa hạ.


Mẹ lại ngóng xuống cái bụng phẳng và gò ngực lép kẹp của mình. Mẹ cười buồn.

“Biết đâu được. Phận đàn bà, vốn là cái phận khổ.”


Nhỏ Linh lúc này vừa đi vừa lẩm bẩm trong miệng:

- Tức quá đi mất! Trời ơi là trời! Hừ!
- Tức ơi là tức!
Mặt nó đỏ lựng lên. Cái nắng oi giữa trưa hè đổ thẳng xuống đầu. Thế mà mẹ còn không thèm cản nó lại. Mẹ có thương nó gì đâu! Nhỏ Linh vừa tức, mặt đã mếu máo cả lại. Nắng như thế này! Trời còn không lấy một đám mây, mà giờ mà về khác gì nhận thua. Nhỏ Linh vừa ức vừa tức, mặt nó xị cả xuống, mắt nhíu cả lại.

- Huhuhuhuhu… - Con bé cứ thế khóc giữa mười một giờ trưa. Chả ai hiểu nó cả. - Huhuhuhu…
Cơn ức vỡ tan nơi họng. Nó thấy mắt mình mặn chát cả. Nước mắt nước mũi thi nhau rơi xuống nóng hôi hổi. Ức! Ức chế đi được! Giọng nhỏ Linh càng lúc lại càng to tợn. Nó cứ cúi đầu đi về phía trước, chẳng để ý điều gì.

- Ơ? Linh? Sao em …

Nhỏ Linh quay ra phía sau, hướng về phía giọng nói. Mồm nó vẫn há hốc, cả gương mặt đỏ bừng cả lên. Khung cảnh đằng sau đã nhòe nhoẹt trong nước mắt cả.

- Huhuhuhu - Con bé lại càng khóc to tợn. - Anh Giang! Huhuhuhuhu…
*

Anh Giang có chút bối rối khi thấy nhỏ Linh khóc. Anh lúng túng, xoa gáy rồi cuối cùng cầm tay nhỏ dắt vào nhà mình. Nhỏ Linh vẫn mếu máo khóc nhè khi mẹ anh Giang từ bên trong chạy ra hỏi. Anh Giang lắc đầu. Mẹ anh Giang đưa cho Linh cốc nước, dỗ Linh đôi câu rồi bỏ vào trong bếp. Phòng khách còn mỗi anh Giang với nhỏ Linh. Mãi sau nhỏ mới nín lại, người cứ nấc cụt cả lên. Mắt nhỏ sưng húp, còn môi thì đỏ như thế bặm quá lâu.

- Thế em làm sao thế? - Anh Giang gọt quả táo trên mặt bàn thành mấy miếng rồi đưa cho nhỏ.

- Huhuhuhu - Nhỏ lại mếu máo. Nhỏ vừa nói vừa khóc. - Huhu… Tại thằng Lâm! Huhuhu… Mẹ em cũng bảo...

Cứ thế, trong những cơn nấc cụt và miếng táo lạnh anh Giang gọt sẵn, nhỏ Linh kể tuốt ấm ức của nó cho anh Giang. Anh Giang cúi đầu, lâu lâu lại khẽ gật một chút. Khi cái nắng chợt biến mất bởi một đám mây che ngang, nhỏ Linh mới dừng lại.

- Thế đó! Thế em mới tức! - Nhỏ Linh nhăn mặt
- Hừm! E nói đúng đó! Ai đời thuở, danh “đàn bà” lại là cái vòng kim cô như thế được! - Anh Giang gật đầu, vừa bỏ một miếng nho bóc vỏ vào miệng.
- Kể cả danh “đàn ông”!
Anh Giang lại gật gù, giơ một ngón cái đồng ý với nhỏ. Nhỏ Linh tiếp tục.
- Mẹ em cho rằng chuyện bé tí xíu. Câu nói trêu của mọi người thôi mà.
- Ừ, nhưng nó lại là gốc của việc phân biệt nam nữ. Ý em là vậy? - Anh Giang tủm tỉm cười, bóc một quả nho đưa cho nhỏ Linh.
- Đúng rồi! Ý em là thế đó! - Nhỏ Linh mếu máo - Mà em không nói cho mẹ nghe được! Vì mẹ nghĩ đàn ông phải mạnh mẽ, nên mẹ yếu đuối ấy chứ. Chứ mẹ em không thế! Mẹ em buồn suốt.
Anh Giang gật gù, anh có thể hiểu được ngôn ngữ của nhỏ Linh. Nhỏ là một đứa cá tính và thông minh. Có lẽ, đó là việc thứ phát xảy ra, anh nghĩ, trong một môi trường gia trưởng hau háu cháu trai nối dõi.

- Nhưng cũng khó phải không? - Anh Giang lại ngẫm nghĩ - Vốn giới tính sinh ra để bao quát một số tính cách đặc trưng phổ biến. Phải, từ ngữ sinh ra là để làm hẹp. Nhưng dần dà, khi không cơi nới cái giếng khái niệm, vô hình chung, con người đã tự biến mình thành con ếch với thành giếng vừa dày vừa chật chội. Lỗi sai nằm ở đây, người ta sợ mới lạ. Việc định danh và nhãn dán làm con người có thứ bám vào và không mông lung với những câu hỏi “mình là ai?”, “mình giới tính nào và sẽ thích gì?”, nhưng cũng bù trừ vào đó, một thứ bám rễ đã hình thành. Đó là bảo thủ. Khi tư duy con người đã lặp lại thành một chuỗi quy luật.

- Hả? Anh nói gì thế ạ? - Nhỏ Linh há hốc miệng. Anh Giang lại như thường lệ lẩm bẩm những câu kì quặc. Vì thế, trong xóm chẳng mấy ai chơi với anh Giang ngoài hai anh sinh đôi ở khu dân phố phía trên. Nhưng nhỏ Linh thích anh Giang lắm. Anh Giang lúc nào cũng có thể nghe và hiểu những thứ lộn xộn nó nói.

- À, không! - Anh Giang cười trừ. - Hừm, đây là một vấn đề khó thật khó đấy nhóc ạ!
Nhỏ Linh lại mếu xệu. Nó biết chứ.

- Nhưng xem ra không phải là không có cách nếu mình bắt tay vào ngay hôm nay nhỉ? - Anh Giang cười. - Nếu khi nào nhóc rảnh, nhóc có thể tham gia với anh vài dự án về bình đẳng giới nhé! Anh nghĩ nhóc sớm sẽ khiến bố mẹ lẫn nhóc Lâm hiểu nhóc thôi. Hôm nay nhóc đã cho anh một câu hỏi rất hay. Nào, anh bắt tay với nhóc một cái nhé - Anh Giang khẽ chìa tay trước mắt nhỏ Linh.

Nhỏ bật cười lớn. Nắng đã lại treo bên ngoài sân trước nhà.

- Dạ vâng! Chắc chắn sẽ thế!

- Phải!

“Vì con người là con người”, anh Giang lẩm bẩm khi trông mắt nhỏ Linh đã phát sáng cả.


***


Sớm thứ hai đầu tuần sau, người ta lại trông thấy nhỏ Linh đi cạnh thằng Lâm tới lớp. Cứ như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Cũng chẳng ai biết giữa hai chúng nó đã làm lành như thế nào. Chỉ biết rằng, từ đó, chẳng thấy khi nào thằng Lâm ấm ức khi bị trêu là “thằng đàn bà” trong lớp. Nó đôi khi còn nói lại. “Đàn bà thì đã làm sao? Tao sạch sẽ, khéo tay hay làm, rồi mốt đứa nào làm thủ công nhờ tao, tao không giúp cho đâu nhe! Ở đó mà trêu tao!”

Riết chẳng thấy ai lại trêu thằng Lâm. Mà nhỏ Linh thì lại hất cằm về phía thằng nhóc với lũ bạn, giọng đầy tự hào.

- Đúng là bồ tao!
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Tôi giật mình tỉnh dậy. Trời tối om trong mê man một cơn đau nhức.

Những đốm hoa trắng, lóe sáng từ rèm đôi mắt đang khép hờ. Chừng ba giờ đêm. Tôi không tỉnh vì một cái hụt chân như thường lệ, cả giấc mơ hợp lý đến mức kinh hãi, đến mức như thể không phải là một giấc mơ. Không chuyển cảnh vô lý, không nhảy cốt, không có hình thù kỳ dị. Tôi há hốc mồm thở hồng hộc. Tiếng quạt ro ro trên trần nhà vẫn thổi mặc cho mồ hôi túa ra từ trên đỉnh đầu.


Vì chúng, đâu chỉ là một giấc mơ.


Máu nóng vẫn bốc ngùn ngụt. Xuyên suốt mọi thứ chân thật đến độ, những ấm nóng và miền cảm xúc cuồng loạn cháy rực thân người. Thoáng, tôi đã bình tĩnh lại, chỉ là cơn âm ỉ như có ngọn lửa cháy bập bùng bên trong mình vẫn còn dai dẳng. Ký ức của giấc mơ còn nóng hôi hổi và tươi mơn mởn lại đổ ập xuống giữa cơn nửa tỉnh nửa mê. Khoảng tối đen ngòm chẳng phân biệt nổi mười đầu ngón tay cứ thế loáng những sắc màu của loạt ký ức tưởng như chưa bao giờ biến mất.


Gã sẽ lại chiếm lấy phần cơ thể, ăn mòn mọi cảm xúc kích thích. Gã ép tôi phải hiểu ký ức sinh ra để quên đi. Miệng gã đấy máu me và hàm răng nhọn hoắt trong suốt như mảnh thủy tinh ai đập vỡ cắm trên hàm. Gã không bao giờ cười, nhưng gương mặt bao giờ cũng đượm vẻ thích thú. Hàng lông mày nhướng cao và đôi mắt đen đúa sâu hun hút trên gương mặt trắng bệnh bợt bạt. Gã thích mùi cồn trong một cơn say nắng, gã thích hương nhài trên vai người trinh nữ, gã thích cả vị mát đắng đậm mùi bia tươi áp trên niềm vui thú, và điều gã thích nhất, chính là mùi của ký ức. Chúng đầy ăm ắp hoài niệm, những cảm xúc loang lổ không phân rõ hình thù. Và với một kẻ ăn tạp như gã, đó là cả bữa tiệc.


Tôi sợ gã. Gã nhai rau ráu ký ức của tôi. Nhưng ký ức không chết theo bữa ăn của gã. Chúng sống lại, mỗi lần sống lại là một lần biến dị, kèm cả đó là những cảm xúc mới trổ và những thiên kiến hạn hẹp. Thường tôi sẽ cố giấu kín chúng. Tôi sợ phơi bày trước mặt gã, gương mặt vô cảm lạnh lùng như thể coi thường. Gã hỏi tôi “Nhớ có ích không?”. Tôi lắc đầu. Và thế là gã lại đẩy ngã tôi trên nệm giường. Gã hôn tôi khi nước mắt tôi đã nhòe nhoẹt cả. Và ký ức tan biến trong một khắc. Gã là liều moocphin. Một liều moocphin chậm rãi. Chân tay tôi tê rần khi gã đổ áp trên người. Tôi run rẩy khi tiếng gã nhai hau háu thân mình.


Ký ức lại tan biến.


***


Giấc mơ lãng xẹt, dù chân thật tới mấy.

Phân cảnh kết thúc là khi tôi mất một chiếc xe ô tô mà chỉ chừng trước đó, tôi đã chủ quan để chìa khóa lại trên vô lăng. Sự thảng thốt trong cơn mất mát, chúng khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi không rõ chiếc xe quý ra sao, nhưng đó là xe của một người khác và tôi dùng chung. Khi nhìn về bãi đậu trống không, nỗi lo sợ áp lên trên ngực tôi, chúng đẩy nhanh tới họng và mồ hôi túa ra liên tục. Tôi hốt hoảng. Trong cơn mơ, cả cầu mắt tôi căng lên, vai run lại, tôi chạy về khu đất trống. Có thể… có thể… phải… có thể người ta chỉ dịch xe đi chỗ khác thôi. Nhưng nó đã biến mất. Chiếc xe ô tô đó đã biến mất không một vết. Không lằn bánh, không còn một mảnh vỏ xe kim loại nào.


Nó mất rồi!


Câu chuyện lấy bối cảnh là tôi làm thuê trong một quán cà phê của hai anh chị chủ ít tuổi. Xem chừng chỉ là sinh viên năm tư sắp ra trường. Vào mỗi lúc mười một giờ đêm, khi tôi lật tấm biển Open trở lại thành Close, anh chủ sẽ bắt đầu bật một bản nhạc rock mạnh. Tiếng trống và ghita điện đập chói tai trong căn phòng nhỏ chừng hai mươi mét vuông. Giọng anh gào to và chị bắt đầu lắc lư theo tiếng nhạc nhanh. Chị gằn theo âm thanh. Tôi thấy mình cũng cháy lên. Cháy theo một ngọn lửa bốc ngùn ngụt trong quãng năm tháng nào đó tôi chẳng còn nhớ rõ. Rằng khi ấy, trong ký ức lợt lạt và xước xát cả, tôi đã từng chạy quanh một sân vận động lớn. Cỏ xước trên chân trần. Những ánh sao quay cuồng trong tiếng thở dốc. Khi mồ hôi và sức cháy vẫn nốc cạn lấy tôi. Những nụ cười khoái trá và vị say của cảm xúc. Tôi cuồng loạn, này đây, này tay, này chân. Chúng tôi bám lấy nhau quanh đám lửa ngùn ngụt. Khói xám ảm xóa bầu trời. Tôi thấy mình gào to. Âm của một loạt trống đánh nảy bập bên tai. Tôi thấy mình gào lên, gằn giọng. Chị nhảy trên bàn ngồi bằng chân trần. Đôi môi đỏ mọng và mắt đã nhắm chặt. Chị giả như đang đánh một cây đàn ghi ta, chị hét lệch cả tông trong điệu múa say cuồng.


Khi tiếng trống đánh loạt cuối cùng, cả chị cả tôi đều ngả rạp trên bàn. Mồ hôi túa trong nụ cười. Tôi nhớ lại bầu trời đầy sao đầu năm nhất. Chúng sáng rực. Như những đóa pháo hoa cuối năm. Tim tôi đập rộn ràng. Nó khao khát được tỏa sáng, và bùng cháy lần nữa.


Sau đó thì tôi mất xe. Hai cảm giác chênh vênh khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Và gã xuất hiện. Tôi chẳng rõ tôi nên vui hay buồn.

Lần này, gã lại hỏi “Nhớ có ích chứ?”. Tôi không lắc đầu như thường lệ. Tôi không lắc đầu được. Tôi không muốn dùng tới gã, liều moocphin của tôi, ngay cả trong một cơn mê.


Gã bỏ đi. Và lần này, ký ức trong giấc mơ đã không tan biến.

Hôm đó, tôi đã uống hai lon bia vào ba giờ sáng.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Ánh hỏi tôi trong khi đang đọc dở cuốn truyện tranh “Dr. Slump” tập thứ 18 - cả bộ nàng thuê ở một cửa hiệu cũ, dọc phố Bát Đàn. Những tập truyện khác tẽ ngang, nàng để bừa trên nệm giường. Đôi khi nàng cười khanh khách, và da thịt trần nơi bắp chân lại khẽ cọ lên đùi tôi. Tôi nghe tiếng điều hòa và gió quạt thốc khi nàng hỏi khẽ bằng âm giọng mỏng tang của mình.


  • Thứ gì luôn ở phía sau mình hả Đắng?

Tôi không trả lời. Có lẽ, là không trả lời được.


***


Suốt tháng nghỉ hè, Ánh lang thang một mình trên những cửa hiệu cũ. Nàng kiếm cho trọn bộ “Ngọn lửa Recca”. Tôi đã bảo mãi nhà xuất bản Kim Đồng chỉ xuất bản có 33 cuốn, nhưng nhất quyết nàng nói với tôi rằng, bộ đó trọn vẹn đúng 34. Nàng kể nàng vẫn nhớ như in khung cảnh khi nàng đọc cuốn truyện đó. Cha nàng đã cấm tiệt thứ truyện tranh nhảm nhí, nên nàng phải giấu cha đọc lén trong một buổi trưa đầu hạ. Cũng là ngày giỗ đầu của mẹ nàng. Cái nắng vàng ươm đổ bên khung cửa sổ đó nàng không bao giờ quên được. Hoặc, nàng không cho phép mình quên.


  • Một màu vàng trong Đắng ạ. Tưởng như màu mật ong sánh mịn, quyện lại mà đổ trên tay. Tớ còn nghĩ, kiến sẽ lên đầy nhà, vì nắng thơm mà ngọt lịm. Khi với tay ra, lọn nắng tròn rơi ăm ắp trong lòng bàn tay tới nỗi tràn ra, sánh trên lòng bàn tay khác. Trời xanh bạt ngàn và trong văn vắt, tưởng như là nước biển soi và những đám mây thì đánh thành cuộn trông như miếng bông lan ngậy mùi trứng, lẫn kem tươi. Tớ đọc truyện dưới gầm giường. - Nàng bật cười nhẹ khi nói - Mùi bụi và hơi gỗ ẩm quanh. Đó là một mùi lạ, phần nhiều cậu sẽ không ngửi thấy gì vì bụi đã khiến mình tắc tị cả. Nhưng cố thì vẫn ngửi thấy đấy. Đó đích xác là một mùi mà bình thường mình không ngửi thấy, cũng chưa từng nghĩ sẽ ngửi thấy. Bên ngoài phòng thì ồn ào lắm. Người ta đang cười gì thế? Người ta đang nói gì thế? Tiếng loảng xoảng làm tớ chẳng còn nhớ nội dung truyện nữa, nhưng cảm giác đau lòng ấy thì vẫn còn. Cứ khóc thôi, tới mức, trang truyện đổ đầy những nốt tròn thấm sang mặt khác. Thấy tim mình ghẹt lại và gương mặt thì mếu máo cả. Thế nên, cậu đừng bảo tớ lầm, Đắng ạ. Tớ… - Nàng ngừng một lát, giọng nàng cứ bàng bạc - Tớ không nên lầm kiểu thế.

Tôi bảo nàng đọc trên điện thoại. Nhưng nàng không chịu. Có lẽ nàng đang kiếm tìm một thứ gì đó khác, không phải nằm trong trang truyện tranh thuê từ những cửa hiệu đã cũ sờn.


*

Trong một lần nàng hôn lên cổ tôi, nhạc đang phát bài “The promise of world” - một bản nhạc phim nhà Ghibil. Tôi buột miệng bảo nàng.

  • Tớ biết thứ gì ở phía sau rồi Ánh ạ.
Ánh chậm lại nụ hôn buồn buồn nơi má cổ trái. Tay nàng vòng qua vai và mùi vape quen thuộc lại át trên người. Hơi nàng khẽ khàng quấn quít từ làn môi âm ẩm, vương trên chóp mũi.

  • Hử? - Nàng không ngẩng đầu. Môi nàng dần chạm trên má. Tôi thấy nắng vuốt nhẹ trên tấm lưng trần của nàng. Làn da nàng phát sáng. Một màu mật ong ngọt ngào và ấm áp.

  • Là quá khứ. - Tôi đáp, chừng cố để khiến nàng bớt đau lòng.

Nàng khựng lại.

Nước mắt thấm trên vai tôi và hơi nàng thì nóng hôi hổi. Nàng cứ thế bật khóc. Đến nức nở. Tưởng như thế giới đang nứt ra, và nàng thì vỡ đôi. Những mảnh vỡ của nàng, rơi đầy trong lòng, tưởng như rỉ máu.

Cho tới khi nắng tắt tôi, không bao giờ còn trông thấy màu mật ong trên lưng nàng như thế lần nào nữa.


***

Ngày ...,

Đắng ạ,


Gã không bao giờ cười, nhưng gương mặt bao giờ cũng đượm một vẻ thích thú. Hàng lông mày nhướng cao trên gương mặt trắng bợt bạt. Gã thích mùi cồn trong một cơn say, gã thích mùi cỏ khô ấp trong nỗi buồn, gã thích cả vị mát đắng đậm mùi bia tươi áp trên niềm vui thú, và điều gã thích nhất, chính là mùi của ký ức. Chúng đầy ăm ắp hoài niệm, những cảm xúc loang lổ không phân rõ hình thù. Và với một kẻ ăn tạp như gã, đó là cả bữa tiệc. Gã là ảo mộng.


Gã nhai rau ráu ký ức người ta. Còn ký ức không chết theo bữa ăn của gã. Chúng sống lại và mỗi lần sống lại là một lần biến dị. Thường tớ sẽ cố giấu kín vì với gã, ký ức là những điều tầm thường biết bao. Gã hỏi tớ “Nhớ có ích không?”. Tớ lắc đầu. Và chỉ biết lắc đầu.


Nhưng Đắng ạ, phải rồi. Ký ức thì luôn ở phía sau. Dù mình có trốn chạy đến đâu, đi tới góc nào, thì chúng cũng không ngừng đeo bám lấy mình. Ký ức ở một góc chết nào đó, mình không thể thực sự sống trong chúng được, không thể chạm tới chúng được, như kiểu tay phải không thể cầm chính cổ tay phải vậy. Dẫu có sống ngàn lần lại trong quá khứ thì mình cũng sẽ chết ngàn lần bằng thế trong ký ức. Chúng dứt mình và rời bỏ mình. Nhưng, không có cổ thì sao có bàn tay. Ký ức không sinh ra để quên, ký ức tạo ra mình. Có lẽ là vậy, phải không Đắng?

thương,

Ánh
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Chết sốt vì con vaccine đô vật huhuhuhuhuhuhu TT
Ánh đưa cho tôi một bức ảnh cháy sáng. Vệt trắng ăn hết hai phần ba tấm phim. Trên ray đường đỏ phân khung chỉ còn vương lại chút hình mờ không rõ toàn cảnh. Ánh gọi chúng, là những “điểm cháy dở”.


“Ừ.”


Ánh không đáp lời nữa. Nắng chảy miên trên áng tóc thả bên vai nàng. Màu nâu mịn, tóc nàng đã dài hơn so với đợt đông trước. Con máy Minotla 101 cũ, nàng mua lại từ một anh người quen, vẫn đang nằm trên những ngón tay mảnh khảnh. Tôi không nghĩ nàng mua máy chụp phim, vì thường kiểu cách nàng chụp bất chợt, trong khi chụp phim thì cần nhiều hơn thế, một chút hữu duyên và nhiều phần hữu ý.


“Cậu không dùng máy số.”


Nàng nghiêng đầu nhìn tôi, đôi con mắt mở to trong veo. Chốc, nàng cúi đầu mỉm cười.


“Ừ nhỉ?”


Đó là một chuyện thường thấy ở Ánh. Ánh không ý thức, mình đang làm gì.

Mà hình như cả tôi cũng vậy.


***


Tôi thích lúc nàng chuẩn bị máy để chụp. Lắp ống kính, kéo cuộn cũ, thay cuộn mới, kiểm tra khẩu độ, lên cò và bấm chụp hai lần để lên phim mới. Tiếng lách cách của những khớp nối nghe như tiếng lửa cháy nhỏ trên bếp pha với âm thanh của kim loại bập bùng bên tai. Mắt nàng nhìn chiếc máy trong veo, thoáng một niềm vui nho nhỏ. Thường những lúc ấy, tôi và nàng đều quên chuyện cái chết đang kề cổ mình. Ánh hỏi tôi khi tôi đang nằm dài trông nàng lên phim.


“Biết sao tớ dùng không?” Nàng lắc lắc thân con máy Minotla trên tay.


Tôi lắc đầu. Điệu nhạc “Tôi biết em không biết” của Kiên vẫn văng vẳng từ phía loa bluetooth chỗ nàng. Nàng bật cười lúc lắc cái đầu theo.


“Tớ đang kiếm một điểm cháy hoàn hảo”.


Lúc đó tôi không hiểu ý nàng. Tôi không hiểu “điểm cháy hoàn hảo”, cũng không hiểu chuyện đó thì liên quan gì tới con máy ảnh phim cũ nàng mua lại. Có lẽ chỉ có những bức chụp phim mới để những vệt cháy vàng như thế, điều kiện cần để tạo “điểm cháy hoàn hảo” mà thôi.


***
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Tự nhận viết tệ. Nhưng luyện viết lên xuống thất thường thì mình phải chịu thôi~
Mẫn lang thang qua khu tập thể đoạn đường Phương Mai. Chiều hoàng hôn, ánh tím nhòa trên chiếc sơ mi khoác ngoài của chàng trai chừng hai mươi. Bóng chiều nghiêng theo bước chân chậm. Những ban công leo hoa giấy và sắc vàng quen thuộc nhá nhem trong ánh hoàng hôn chập choạng. Mẫn đi bộ về nhà trọ từ bệnh viện, chiếc áo blouse vẫn đang nhét bừa trong cặp quai chéo ngang hông.


Mẫn đi về phía ngôi sao. Cậu nghĩ vậy. Mẫn cũng nghĩ rằng, dưới ngôi sao có một chân trời đảo ngược. Bên thế giới ấy, người ta qua phố bằng những dòng đường song song. Người ta đi chân trần trên những đám mây bồng, đầu hướng về phía dưới này. Không gian bẻ ngược như ai gấp đôi một tờ giấy. Mẫn nghĩ tới cái âm ẩm và mềm mại của mây xốp bồng quanh chân. Cơn nhức từ bắp đùi sau một ngày chạy dài lại lan lên.


Một ngày nhiều máu. Mẫn nhớ thế. Những đôi mắt bàng bạc nơi bệnh viện trông ra ngoài cửa sổ. Ánh trắng của băng ca, rèm và giường bệnh. Mẫn nghĩ bệnh viện nơi thế giới kia hẳn sẽ toàn một màu hồng. Và có lẽ, cái chết sẽ thôi nhuốm màu tang thương?


“Daylight, I dream of you softly

I wrote you a letter that will never reach you

In Montreal, the days are much colder there

Now you grow older there, without me”


Tiếng đệm ghi ta. Mẫn ngước nhìn theo dáng hình của âm thanh. Chúng nhảy nhót dọc trên những dây điện nối nhau chùng chình. Cậu chỉnh lại vai cặp, đi thẳng. Nhưng dường như nghĩ gì, Mẫn quay người lại, rẽ lên cầu thang khu tập thể E5. Cầu thang bậc thấp, chừng chỉ độ bằng nửa bậc so với bệnh viện ẩm mùi rêu phong đã cũ, như mùi của người già, mùi Mẫn từng thấy trên những người cậu chăm sóc hàng ngày.


Mẫn đi theo tiếng hát. Một âm giọng tan vỡ đến mênh mang.


***


Sáu giờ.


Mẫn không rõ mình chờ đợi gì. Cô bạn thay ca tối có vẻ bối rối thì quán đã mất điện được hồi lâu. Đèn đường không lên. Bóng phủ trên phố thị, trên những dãy tập thể song song. Gió lộng ngang qua vai và tiếng thì thào bên dưới vọng lên.


Mất điện.

- Xin lỗi bạn! - Cô bạn phục vụ gãi đầu hướng về phía Mẫn. Mẫn không trông rõ mặt cô nàng. Trời đã tối lắm rồi. - À thì… - Cậu ta ngập ngừng - Khu tập thể nay lại mất điện, bạn thông cảm giùm bọn mình nhé! Đồ bạn order không biết bạn còn muốn không nhỉ? Nếu không bọn mình sẽ hoàn tiền…

- À mình vẫn đặt bạn nhé! - Mẫn nhẹ giọng.

Người ta vẫn thường bảo giọng Mẫn như con gái. Chẳng trách mẹ Mẫn hướng cậu làm hộ lý cho bệnh viện của người bác họ trên Hà thành. Mẫn làm thực tập ba năm, Mẫn quen với cái chết rồi. Mẫn hiểu, chuyện chết là một chuyện bình thường, một chuyện tự nhiên. “Phải, mình đâu nên buồn vì một chuyện bình thường và tự nhiên tới thế?”, Cậu thầm nhủ mỗi sớm thức dậy, thay áo, chuẩn bị đồ, và đi bộ tới nơi làm việc.


Tiếng nhạc vẫn phát đều từ loa, có vẻ như bạn phục vụ cắm từ điện thoại chuyển sang.


“Dim light, I'm drunk at the bar again

Holding a stranger's hand, a crowd with no faces”


Mẫn không biết sao mình rẽ tới quán. Cậu cũng chẳng biết mình chờ đợi gì trong một quán nước mất điện, chỉ bóng tối và độc một ngôi sao nằm chéo dưới vành trăng khuyết, trỏ về với mình. Mẫn bị thu hút, đó là điều duy nhất Mẫn biết.

Bất ngờ, một âm giọng vang lên:

- Hẳn cậu đang chờ tớ nhỉ? - Âm thanh dịu và mềm. Y như một chiếc gối bông. Mẫn không rõ là nam hay nữ. Có lẽ là một người nữ lý tính.

- Chào! - Vẫn là giọng nói ấy. Mẫn có chút sợ, trong bóng tối lờ mờ, một thân hình ngả màu đậm tiến về phía cậu trên lối đường dây điện. Cậu thấy những chập dây rung rinh và giọng nói lần nữa lại âm vang - Mình là Bóng Ma.

***


Bóng Ma theo Mẫn từ lúc nhỏ. Không phải là khi lớn. Nó vẫn thường ở trong những khoảng tối, kể cả chỉ là khoảng râm mát so với trời nắng. Ở những ngày đó, Bóng Ma nằm cạnh Mẫn cả ngày. Bọn chúng lớn cùng nhau, và dường như Mẫn bao giờ cũng thân quen với Bóng Ma hơn cả. Đôi khi Mẫn gọi nó là Khủng Long vì dáng hình Bóng Ma giống đặc loài này.


Lớn thì Mẫn không còn thấy Bóng Ma nữa. Cậu đã quên mất Bóng Ma. Nhưng Bóng Ma thì bao giờ cũng theo sau Mẫn. Đôi khi trong những cơn mơ, đôi khi trong những khoảng tối không cất lời, đôi khi bên những nỗi buồn mênh mang và kín đáo. Lời bài hát chen ngang khi Bóng Ma nhẹ kể về mình với Mẫn. Bóng Ma nghe tan vỡ trên từng khuông nhạc. Những nốt đàn vỡ đôi như mảnh thủy tinh. Một chiếc cốc từ trên tầng hai. Rơi. Choang. Vỡ vụn. Mảnh thủy tinh sáng loáng. Bóng Ma tin Mẫn cũng thấy những mảnh sáng phản chiếu ấy. Những mảnh sáng đã vỡ.

- Vậy cậu hẳn là con chim tớ nuôi hồi đó nhỉ? - Mẫn khẽ khàng - Con chim sẻ gãy chân bên hiên nhà. Sớm tuần thứ hai, con chim sẻ lành chân mà bay mất. Tớ chưa lần nào gặp lại…

- Có lẽ là vậy - Bóng Ma khó nhọc trả lời.

Im lặng dài và vẻ như Mẫn tư lự.

- Và không chỉ có vậy. - Bóng Ma nói tiếp.

- Cậu… - Mẫn nhìn về phía Bóng Ma. Khoảng tối lại đổ áp, Bóng Ma liệu có tồn tại thực? Hay chỉ là trí tưởng tượng cho những điều siêu nhiên? - Cậu là ma từ bệnh viện hả?
Bóng Ma lắc đầu.

- Hay là Hoài? Phải Hoài đó không em? - Mẫn la vội.

“And there you are, beautiful just like the first time

You reach out, I'm shaking again

You're gone in a moment, you leave me alone

But I swear you were real in my hands

And oh, I'm not in love anymore

But I will keep you close to me forever”



Bóng Ma lắc đầu. Mẫn nghe một điệu cười buồn và khẽ.

- Bọn tớ sống ở chốn đó - Bóng Ma chỉ vào ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Ngôi sao mà Mẫn vẫn thường nghĩ tới, rằng dưới ngôi sao, hẳn có một thành phố sống ở đó. - Những Bóng Ma ấy.

Mùi nồng đượm của cà phê xoay ở những mảng tối. Mẫn nghĩ Bóng Ma đang nhấp một ly bạc xỉu.

- Mẫn này, đèn sắp lên rồi. - Bóng Ma ngừng một lát - Tớ chẳng thể biết phải bắt đầu nói từ đâu và phải nói ra sao. Tớ mến cậu Mẫn ạ. Toàn bộ, và cậu là một con người tốt. Tớ thề có mặt trăng, có vì sao nơi bọn tớ sống, tớ không có ý kết tội cậu. Tớ thề là vậy. Rằng, tớ biết, cậu đã cố để sống tốt.

- Mẫn ạ, tớ biết có những lúc cậu từng mong bọn tớ chưa từng xuất hiện. Và vì thế, bọn tớ không còn xuất hiện thật. Bọn tớ không phải Hoài, không phải con chim đã bỏ đi, bọn tớ là Bóng Ma. Đúng trên từng câu từ. Bọn tớ là Bóng Ma. Và bọn tớ đích xác gần nhất là với cậu. Tớ không kết tội cậu. Một lần nữa, tớ thề có mặt trăng và những vì sao, tớ thề có trời đất. Cậu thực không có lỗi.”

- Tớ chỉ mong - Giọng Bóng Ma nghẹt đặc - Cậu đừng nghĩ cái chết là bình thường tới thế. Đừng, Mẫn ạ. - Mẫn nghe một nụ hôn không nặng không nhẹ đặt trên trán mình.

- Nếu khó khăn quá, cậu hãy cứ tin có một lối đi khác dành cho mình. Nhé Mẫn! Chắc chắn là vậy. Vì những lối nhỏ, không phải bao giờ cũng toàn ngõ cụt.

Phố lên đèn. Ánh sáng sáng choang. Mùi bạc xỉu không vương lại. Mẫn thấy mình đã rơi một giọt nước mắt tự bao giờ. Dây điện rung rinh theo nhịp đều. Có chăng Bóng Ma đang hướng về ngôi sao phương Bắc, nằm ngay chéo vầng trăng khuyết kia mà trở về đó chăng?


““I know these words might mean nothing now

I'm stuck in this ghost town

Your softness still haunts me

Someday I'll find my way out of here

If you don't change your mind, my dear

I'll take you with me”
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
- Mẹ! - Fatu reo lên khi phát hiện mẹ đang đứng tư lự dưới một gốc keo gai.

Bốn chân con bé dậm thình thịch trên nền cỏ rậm ẩm dưới đất. Nắng ngả màu nâu cam nơi thảo nguyên đổ lửa, trải dài ấp trên tấm lưng ghi đậm của nó. Mắt Fatu đen như cườm, trong veo, ánh những rặng đồi thấp bao quanh lấy khu bảo tồn Ol Pejeta vùng Đông Phi. Trảng cỏ xavan đổ theo chiều gió thổi ngược, Fatu thấy bụi cỏ lau táp nhẹ trên bắp chân mình, còn gió thì luồn qua khe mắt nhồn nhột.

- Mẹ ơi! - Nó cao giọng. Tiếng con bé vẫn còn trong, nó hú gọi mẹ trong chiều gió. Gió ôm lấy âm thanh con bé, tỏa ra khắp vòm trời thanh thiên rộng mở.

Naji chậm chạp quay chiếc đầu lớn về phía âm thanh quen thuộc. Ánh mắt bà trìu mến dầu toàn cảnh phía trước mặt đã bị che phần lớn bởi hai chiếc sừng ngày càng nhô cao. Naji nhẹ giọng:

- Chậm thôi con.

Naji là một bà tê giác trắng phương Bắc tuyệt đẹp. Đến mức Fatu vẫn thường ghen tị với đường lưng cong óng ả và bờ hông săn nảy nở của mẹ mình. Lớp lông của mẹ Fatu trắng hơn so với con bé, một màu ghi trắng ánh bạc, tựa màu kim loại lấp loáng khi bà đứng dưới nắng mặt trời. Fatu cười tươi khi chạy về phía cây keo gai này, con bé thở hồng hộc khi phanh kít ngay trước mặt mẹ mình. Má con bé dụi vào cổ Naji nhè nhẹ. Naji bật cười. Hồi bà còn trẻ, bà cũng chạy như cái cách Fatu từng chạy, bốn chân tung vó trên nền đất. Tiếng Sudan hú gọi bà văng vẳng trong những buổi hoàng hôn, bụi tung mịt mù trên nền đất. Sudan hướng về phía thung lũng bên dãy Aberdare, ánh hoàng hôn ngả trên triền đồi, thơm mùi cỏ mới. Naji nhớ những ngày trời còn xanh thăm thẳm, còn Sudan, còn Saut, còn Suni, còn Nola, còn Nesari. Ngày họ còn sống…

- Xe vans … hộc hộc… - Fatu hít một hơi - lại tới! Lại tới mẹ ạ! Chú Mwenda lại tới rồi đó! - Giọng con bé lanh lảnh. Fatu thích nhất là chú Mwenda, chú canh gác ở khu bảo tồn này. Bắp tay bắp chân chú rắn chắc phải biết, con bé không kìm được nụ cười khi nghĩ tới vòng tay của chú Mwenda ôm ghì lấy đầu và cổ mình.

Naji gật gù, rồi bà trông thấy bộ dạng phấn khích của đứa con gái liền bật cười lớn:

- Con thích người tới vậy hả Fatu?

Chẳng để mẹ hỏi thêm, Fatu nhảy cẫng lên. Trần đời Naji chưa bao giờ thấy con tê giác trắng phương Bắc nào nhảy cao tới thế. Bụi hắt vào mắt bà khiến bà lùi lại mà ho sù sụ.

- Tất nhiên ạ! Họ rất mến con đó! - Fatu hất cằm, nhưng dường như do chiếc đầu và lớp sừng mới nhú nặng mà con bé chỉ chừng như đang gật gật cái đầu.

Mẹ Naji cười hiền. Bà quay nhìn về phía dãy Aberdare. Naji không biết nên vui hay buồn bởi câu trả lời của Fatu. Naji ghen tị với con bé. Bà ước mình cũng được trong trẻo như thế. Naji không nói gì nữa, im lặng đi về phía vùng đồi. Tiếng Sudan lại văng vẳng hút lấy bà. Fatu đi cùng mẹ, nó nghịch ngợm những bụi lau mọc ngang bắp chân, đổ óng màu trắng như một tấm chăn nhung ấm áp.

Khoảng lặng thật dài, ấp giữa im lìm là màu nắng chiều ấm nóng tới mức có vẻ khô ráp, là tiếng gió bạt ngàn vút trên những đồi thảo nguyên, là âm thanh của lũ kền kền Châu Phi rủ rỉ bên kia rặng bao báp. Những đốm sao đã lấp ló trên vùng trời chuyển tím.


Fatu cảm giác mẹ đang hơi buồn. Dạo này mẹ buồn suốt. Tưởng như trong mẹ có một chiếc hũ nút, mẹ trốn trong chiếc bình đó, im lặng hàng giờ. Mẹ tư lự điều gì vậy nhỉ? Fatu gặng hỏi nhưng mẹ chẳng bao giờ trả lời. Hoặc, cách mẹ im lặng là sự trả lời đối với Fatu, âm thanh của mẹ đã bị chiếc bình đó nuốt trọn, dầu Fatu và mẹ Naji có cố ra sao, âm thanh cũng chẳng thể tới được với nhau.


Con bé gắng nghĩ một điều gì đó thật vui để kể cho mẹ. Nó chợt nhớ ra vài điều bọn trẻ trên chiếc xe vans reo lên khi gặp nó:

- Mẹ ơi! Mẹ biết không, mình là hai cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng, đại diện cho toàn thế giới đó mẹ.

Sầm!


Fatu đâm sầm vào người mẹ Naji. Mẹ Naji đứng sững lại. Mẹ im bặt. Cả cơ thể mẹ im bặt. Fatu tưởng như gió đang rắn đanh mà nén lại thành khối nặng, nhét vào trong một không gian nào đó.

- Fatu … - Giọng mẹ run rẩy - Fatu đáng thương… - Mẹ ngừng lại - Con có biết… cảm giác … chỉ một mình … - Tưởng như gió đã chẻ giọng mẹ thành trăm mảnh xác - là thế nào không?

***

Naji biết một ngày Fatu sẽ chỉ còn một mình. Không phải trên ngữ nghĩa, mà chính xác là vậy, mắt thấy rành rành. Fatu chỉ còn một mình. Nghĩ tới đó, tim Naji như bị ai bóp nghẹt lại. Bà thấy mình khó thở, một điều tưởng như bất khả với loài tê giác trắng phương Bắc. Thế mà bà đã cảm thấy. Bà cảm thấy nghẹn ngào và nỗi buồn phủ lấy bà như bóng tối của dãy Aberdare, như cái cách Sudan rời đi và để lại bên bà một nụ hôn cuối cùng. Naji không dám nhìn Fatu. Những bóng ma cuốn lấy bà. Những bóng ma về đàn tê giác trắng trong lời của bà Nesari, rằng trên những đồng thảo nguyên ấm áp, nắng trải những nụ cười. Đôi khi Naji vẫn mơ về đồng loại, tiếng hú gọi vang trên những triền đồi, cách Sudan hươ hươ hai chiếc sừng trên đầu ra vẻ điệu nghệ. Trong giấc mơ, đàn tê giác trắng phương Bắc gọi bà rời bỏ Fatu, rời bỏ những cuộc tiêm thuốc mê để lấy trứng, rời bỏ cả nỗi sợ về máu, về nỗi đau réo gọi rằng có ai đó sẽ tới mà cưa đi tấm sừng. Và vì thế, khi Fatu kể về chú Mwenda, kể về những đứa trẻ trắng ngọt ngào như thiên sứ trên chiếc xe vans, Naji không thể vui cho được. Thứ trong trái tim bà chỉ là một hố đen. Một hố đen ngòm. Đến bất lực.

Con người đã không cho bà được quyền "sống".
***

- Vào một ngày mùa đông tháng 12-2009, bốn con tê giác trắng phương Bắc đã được vận chuyển đến Ol Pejeta. Bốn cá thể bao gồm hai con đực tên là Suni và Sudan, và hai con cái tên là Najin và Fatu. vào mùa xuân năm 2018, Sudan, con tê giác trắng đực phương Bắc cuối cùng trên trái đất đã chết. Kể từ đó, hai cá thể tê giác cái Fatu và Najin là đại diện duy nhất của loài này.

- Vậy cha ơi, lỗi hoàn toàn thuộc về con người ạ? - Mộc Trà giương đôi mắt trong ngần hỏi cha Mwenda.

Cha xứ ngẫm nghĩ. Ông gấp lại cuốn Kinh Thánh và có phần tư lự. Cha ngẫm tới lâu tới mức con bé hết muốn hỏi. Nó cảm thấy sốt ruột, hết ngóng gương mặt phần nhiều đầy nếp nhăn của cha, lại rung rung đôi chân nhỏ bé của mình. Nó lắc lắc cái đầu, rồi nhíu mày nói chêm vào dòng suy nghĩ của cha:

- Con người cũng là tự nhiên Cha nhỉ? Nếu lỗi ở con người, sao không ai đổ lỗi cho con cá sấu? - Bé con nhăn mày khó hiểu.

Cha bật cười lớn. Giọng cha cười sang sảng

- Nhỉ? Cha nhỉ? Con nói đúng mà ta? - Mộc Trà cười khúc khích thắc mắc.

- Ừ phải, “Sao không ai đổ lỗi cho con cá sấu nhỉ?” - Cha cười hiền, và chừng rất lâu Cha mới lên tiếng - Cha không biết Camel ạ. - Cha gọi con bé bằng tên thật - Cha không trả lời chính xác được lỗi có hoàn toàn nằm ở con người hay không. Nói thực là vậy, cha không lần theo hết được những mắt xích nguyên nhân kết quả. Con người là tự nhiên, phải, sự phát triển của con người cũng tất là tự nhiên. Tuy thế, Cha nghĩ chúng ta đã thúc đẩy nhanh quá trình “sống” đó, và phần nào đã đi ngược với tiến trình. Cha nghĩ vậy. Có lẽ thế, mà giữa năm nay, chúng ta đã dùng sạch tài nguyên có thể tái phục hồi của môi trường. Hay cả Fatu và Naji là hệ quả của việc săn bắn trái phép. Điều này, hoàn toàn rõ rành. - Cha ngừng lại - Và rằng, nếu ta đã lấy đi một phần đã mất, mình phải trả cho tự nhiên từng ấy, Camellia ạ. Không phải chuyện ai lỗi hơn ai - Cha mở hai bàn tay một khoảng bằng nhau - Mà là sự cân bằng sẽ biến mất - Cha xô lệch cán cân tưởng tượng ở trước mắt - Khi ta làm mà không nghĩ cho bên nào khác, tội lỗi đã hình thành. Đó là quan điểm của Cha.

Camellia vẫn thấy hơi khó hiểu, dù nó thích cái cách Cha trả lời nó một cách chân thành.

- Vậy mình phải bù đắp và phải trả tự nhiên hả Cha? - Camel thắc mắc.

- Không phải “phải” - Cha nhẹ giọng - Nếu con thực lòng yêu, thực lòng thấy có lỗi, chuyện đó sẽ là chuyện tất nhiên. Và Cha nghĩ chúng ta nên như vậy.

Cha Mwenda vỗ lên mái tóc Camellia. Con bé gật gù.

- Với trái tim thuần khiết, hẳn con sẽ hiểu nhiều điều thấu suốt hơn cha đó Camellia ạ. Mạng nào, kể cả cây cỏ, cũng như nhau cả thôi. Máu nào chẳng là máu, nỗi đau nào chẳng là nỗi đau, phải không Camel?

Mộc Trà quay đầu. Cha Mwenda đã khuất dạng sau đám sồi trắng bên sân nhà thờ. Nó ngẩng đầu nhìn bầu trời, tựa như hai đám mây lớn đang vẽ nên hình Fatu và Naji trên vùng trảng cỏ xavan Đông Phi nắng cháy. Con bé lúc lắc cái đầu.


“Hẳn Fatu sẽ đau buồn lắm.”
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Chạy KPI nào :> luyện viết mỗi ngày một bài :>
--------------
[Hồ sơ nhân vật: Thùy Chi - Yuki]

Thùy Chi thường lấy tên Yuki, cắt từ Yukiko trong tiếng Nhật, nghĩa là “đứa trẻ của hy vọng”. Nhưng, thường mọi người vẫn lầm tưởng Yuki là “tuyết”, hoặc “hạnh phúc”. Ít khi cô phản bác lại. Thùy Chi không thích những trận cãi cọ.

Năm nay cô vừa tròn 25, tức là sinh vào năm 96. Thùy Chi cầm tinh con chuột, mẹ vốn bảo cô số sướng. Nhưng Thùy Chi không phải một con chuột lanh lẹ “nhiều đường léo lắt” như mẹ bảo, cô là một con chuột tinh ý thì đúng hơn. Mẹ rất hài lòng về Thùy Chi, dù sự thể hiện của bà chỉ rặt những điều mỉa mai, kiểm soát hay ép buộc. Còn trước mắt người ngoài, mẹ luôn ca ngợi về đứa con gái rượu trong nhà.

Thùy Chi có gương mặt khả ái, phần lớn nét lấy từ họ nội. Chiếc mũi thấp hài hòa trong tổng thể gương mặt với hàm răng trắng đều, đôi mắt to kiểu búp bê. Mọi người hay bảo: “Con bé có kiểu buồn rất thơ”. Thùy Chi là một trong số người mẫu chụp cho tạp chí của câu lạc bộ nhiếp ảnh gia trên trường. Đuôi tóc dài chấm lưng đen tuyền và phần mái bằng được tỉa tót tỉ mỉ. Người ta bảo cấm có sai, con bé có cái nhìn sáng, thông minh, tuy thế, cảm tưởng như tròng mắt cô bao giờ cũng có điều gì lạnh căm. Chúng mơ màng như chùm sơ ri trong một buổi đầu mùa tuyết lạnh.

- Tiêu cự của mày có vấn đề! - Trân, bạn cùng bàn cấp 3 của Thùy Chi bảo.

Mà hình như thế thật. Đôi khi Yuki nhìn vào gương, thấy mắt mình nhìn ở một điểm nào khác xa hơn so với bề mặt. Cô nghĩ mình lác mắt chăng? Nhưng Trân bảo không phải kiểu lác mắt. Vấn đề là mắt Yuki nhìn vào điểm sâu nào đó khác, đôi khi là trên đầu mũi, đôi khi là trên trán, đôi khi là dưới cằm. Yuki ít khi nhìn vào mắt ai bao giờ.

Thùy Chi ra trường tốt nghiệp bằng giỏi ngành Kế toán. GPA Thùy Chi vừa hay đủ 3.2. Cô chuyển về chỗ công ty tư nhân người quen mẹ giới thiệu. Đó là một văn phòng thuê từ căn biệt thự nấp trong một khu dân cư vắng người, điểm nhìn hướng ra hồ nước ngay trước mặt. Khi mọi người nói chuyện phiếm, đôi khi Thùy Chi sẽ lơ đãng quên mất mà mải mê nhìn ra giữa hồ. Mọi người đôi khi bàn tán về cô: chuyện anh trưởng phòng thích Thùy Chi. Cô có thể cảm nhận điều đó. Nhưng cô không muốn tiến xa hơn.

Có một thứ gì đó cộm hẳn lên trong người khi Thùy Chi nhắc tới chuyện tình cảm. Dầu vận đào hoa đi theo cô không ngớt. Mẹ vẫn rủ rỉ là đứa em trai bị sảy của mẹ bám chị, không cho chị đi lấy chồng. Nhưng chẳng phải. Thùy Chi biết đích xác điều gì cộm lên trong lòng mình. Tới mức, đến cả những suy nghĩ về tình dục, cô cũng không bao giờ dám nhắc tới.

Yuki đã mơ thấy nó.

Giấc mơ ám lấy cô, một giấc mơ đẹp và không bao giờ mở rõ mười mươi. Thùy Chi lạc vào một cánh rừng bất tận. Một cánh rừng xanh ngan ngát và thơm mùi cỏ đẫm sương sớm. Cảm giác mát lạnh nơi ít khi ánh sáng chiếu rọi áp trên da tay và luồn qua cần cổ. Trên những cành cây cổ thụ, một loài dây leo uốn quanh, ngả xuống đôi bờ những rặng lá non mơn mởn. Thùy Chi nghe rõ tiếng chiêm chiếp chuyền bầy và đôi chim non đậu ngay trên vai và cánh tay. Đối diện cô là một cây cổ thụ sừng sững, Thùy Chi phải ngửa cả đầu để trông thấy cả tán. Những đường gân cành ngoằn ngoèo và tán bao tròn như một đầu nấm lớn, về sau, cô mới biết, đó là cây Huyết Rồng. Một cây Huyết Rồng cổ thụ. Dưới cây Huyết Rồng đó là một chiếc hang lớn, trông như chiếc hang thỏ trong “Alice ở xứ sở thần tiên”, đen ngòm và sâu hun hút. Thùy Chi cúi mình mà ngó vào trong hang. Tiếng thở và nhịp tim ngày càng căng hai bên tai. Nghe như tiếng dây đàn cót két. Một hình người nằm dưới hang, dáng nằm quỳ úp sấp như bào thai còn nằm trong bụng mẹ. Tóc nàng ta dài ôm trọn lấy thân hình chỉ để lộ bụ chân chắc và trắng trẻo. Tiếng khóc thút thít của nàng ta. Thùy Chi thấy nàng khẽ quay đầu.

Hụt!

Bóng tối và ánh sáng cuốn lấy trong một khắc. Cô hụt chân mà rơi miên vào một khoảng không khác. Thùy Chi tỉnh dậy. Cảnh bao giờ cũng sẽ cắt ở đó. Thứ nổi cộm trong lòng cô chính là nàng tiên dưới gốc cổ thụ đó. Nàng không lộ mặt, chỉ có áng tóc xanh mơn mởn như màu cỏ mới ám lấy Thùy Chi.

Gia đình Thùy Chi là một gia đình ba đời truyền thống sống bên đường Lý Quốc Sư. Bố là giảng viên trường Luật Hà Nội và mẹ là giáo viên cấp 3 ở trường công. Nhìn Thùy Chi đôi khi Trân cảm giác có một cúc áo vô hình chẹn ngang cổ cổ. Chúng giữ vai cô thẳng, khuôn ngực đầy ưỡn cao và tưởng như có một chiếc cooc-xe đang thít chặt lấy phần bụng. Trân nhìn thấy gia đình nhiều thế hệ trên vai Thùy Chi, bao giờ cũng vậy. Trân gọi Thùy Chi là người mắc bệnh “Tấm”. Hiệu ứng Tấm là hiệu ứng nhẫn nhục từ lần này qua lần khác, kể cả có chết đi thì cũng sẽ sống lại, mỗi lần sống lại là một lần khác đi, cho đến ranh giới cuối cùng, bệnh nhân nhất định sẽ bùng nổ, nhất định biến chất. Trân bảo vậy. Nhưng nhất quyết trong quá trình từ lúc bắt đầu đến lúc bùng nổ, “người mắc bệnh Tấm” không hé một lời về thể trạng, cũng như tìm cách thỏa hiệp đôi bên. Họ lặng lẽ và âm thầm, kết toán mọi việc.

Thùy Chi thường có xu hướng đổ những quyết định của mình cho người khác sau một cụm câu cửa miệng “Thế nào cũng được.” Mẹ thường khó chịu với kiểu cách ỷ lại của Thùy Chi, bà muốn con mình tự lập, nhưng bà không cho phép Thùy Chi được sai. Thùy Chi học cách thích mọi thứ mà mọi người cho mình.

____

Vài tình huống tặng nhân vật:

- Chuyện tình cảm: Thùy Chi sẽ yêu một anh bất cần đời, có tính khí trái ngược chẳng hạn. Quá trình yêu đương “một lời không rõ” sẽ kéo khá dài :))))) Nếu mình theo phe hài hước thì hẳn có mấy tình huống tréo ngoe và buồn cười. Hoặc chơi lớn chuyển sang bách cho Thùy Chi và Trân là một cặp. Kết: Thùy Chi vui vẻ.

- Chuyện giả tưởng cổ tích: Khai thác sâu về thế giới trong mơ của Thùy Chi, phiêu lưu mạo hiểm bùm chíu, Thùy Chi sẽ dũng cảm hơn, hơi hướm Alice bản phim phần 1. Cơ mà thế thì là lớp nghĩa 1 thôi, vấn đề được giải quyết rất nông trên một cá nhân. Kết: Thùy Chi vui vẻ và sống tốt hơn :D

- Chuyện siêu thực: Khai thác về các khía cạnh tâm lý nhân vật - cách chọn tên, giấc mơ, hiệu ứng tâm lý. Từ đó xây dựng tầng nghĩa hai không tách bạch với đời sống gốc. Dẫu sao thì Thùy Chi vẫn phải đi đâu đó. Chuyện này không khác được. Thùy Chi phải là người khởi phát chuyện dứt ra khỏi những điều xung quanh. Có thể để là sự kích động của hiệu ứng Tấm. Lớp nghĩa tốt, gắn từ hai phía môi trường và bản thân nhân vật, nhưng sẽ rối, chắc chắn! Kết: Thùy Chi vui vẻ và biết gốc vấn đề để giúp những Thùy Chi khác.
Chuyện tâm linh: Khai thác em bé :))))) Và giấc mơ. Kết: Thùy chi làm được điều mình muốn.

- Chuyện trinh thám - tâm lý: Chịu :))))))) Kết: hạnh phúc thỏa mãn.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Tôm và Tép là cặp sinh đôi cháu nội nhà bà Tư. Hai đứa nổi tiếng quậy phá và nghịch ngợm nhất làng nhất xóm. Mọi người vẫn thường lắc đầu than thở:


  • Phải tội bà Tư! Một đứa thôi là đã … Hầy...
Bố mẹ Tôm Tép đi từ sáng tới tối, từ nhỏ hai đứa đã do bà Tư chăm sóc là chính. Nhưng ai cũng biết, bà Tư cũng già cả rồi, chăm không nổi hai thằng cháu ranh. Nhà bà Tư bao giờ cũng ồn ào, không phải tiếng khóc tiếng la của hai đứa nhỏ, cũng là vạn câu hỏi của lũ nhóc bập bẹ hỏi tới tấp. Lớn hơn một chút khi Tôm Tép đã bắt đầu đứng được.

Khi ấy, mọi thứ mới gọi là bắt đầu.


Kinh hoàng!


Bà Tư không dám gọi cái nhà là nhà nữa. Bà nghĩ hẳn năm tầng đã trở thành một hang đá nguyên thủy nhiều lớp để mặc cho hai tiểu quỷ muốn làm gì thì làm.


  • Bà nội! Bà đừng giận anh Tôm nha, anh Tôm xé hết cuốn lịch rồi ạ!

  • Bà nội! Bà cũng đừng giận thằng Tép nha, thằng Tép nó phá két sắt rồi bà ạ!

Và bao giờ cũng thế, xóm nhỏ cứ tầm dăm tiếng lại nghe tiếng kêu thất thanh của bà Tư.


  • Ối dồi ôi! Thằng Tôm đâu! Thằng Tép đâu rồi? Nằm ra đây!

***

Bị bố đánh bao nhiêu trận nhưng hai nhóc dường như vẫn chưa chừa thói. Hai nhóc sẽ lặp lại câu xin lỗi và hứa hẹn quen thuộc:


  • Con xin lỗi bố mẹ, con sẽ không thế nữa - Má thằng Tôm làu bàu trong khi vẫn chưa ráo nước mắt.

  • Thế nữa! Thế nữa! Thế nữa! - Thằng Tép lặp lại cuối câu.

  • Mốt con không phá đồ! - Thằng Tôm liếc đứa em sinh sau mình một ngày, tủm tỉm cười đánh mắt.

  • Phá đồ! Phá đồ! Phá đồ! - Đứa em ngước mắt lên nhìn bố mẹ đang ôm trán, lặp lại lần nữa.

Hai đứa nhóc có gương mặt nhau y tạc, chỉ khác kiểu tóc. Từ gương mặt tròn đôi má bầu bĩnh hồng hào đến vết nốt ruồi nằm trên sống mũi thẳng. Dường như hai đứa chúng nó đều biết lợi dụng ngoại hình của mình để trót lọt những vụ quậy phá trong xóm. Chỉ cần cái Tép mở to đôi mắt, ngước nhìn “người bị hại” với đôi mắt ngây thơ vô số tội, và thằng Tôm bắt đầu rơm rớm nước mắt. Giọng hai đứa trẻ ngọt như mía lùi, lại thêm dăm lời hứa hẹn. Tuy thế, phương pháp đó không sử dụng được bao lâu, vì chẳng ai còn tin từ thằng Tôm lẫn cái Tép. Đến mức, bà Tư còn đùa với ông Dần hàng xóm, đến phải treo cái biển trước cửa nhà đề “Cẩn thận cháu dữ” để đề phòng đối với người khách lạ.


Càng lớn, húng thường bày ra vô số câu hỏi, mà thường là những câu hỏi hợp tình hợp lý chứ không phải kiểu hỏi nhăng hỏi cuội của lũ con nít. Cậu Thông đầu xóm vẫn bảo Tôm Tép thực là thông minh, dù bà Tư vẫn khiêm tốn không nhận, nhưng chúng biết thừa bà nội đang phổng mũi tự hào.


  • Người lớn kì nhỉ Tôm nhỉ? - Thằng em thường không gọi anh là anh.

  • Ờ! Tao cũng thấy thế! - Điểm khác biệt có lẽ nằm ở Tôm hay có chứng “ông cụ non” so với Tép. Tính khí cậu chàng thường thất thường, xét nét và cằn nhằn hơn cả.

  • Mẹ đang buồn nhưng mẹ lại bảo là tức giận! Tôm thấy chứ! - Cậu Thông vẫn nhận xét Tép là một quý ông hài hước lịch thiệp.

  • Phải! Người lớn là thế! Mày phải quen dần nếu mày trưởng thành! Hiểu không chú em?

Nhưng thường những câu chuyện của hai đứa nhỏ không được ghi nhớ lại lâu. Chúng quên khuấy mất những điều đó trong hành trình khám phá của bản thân. Chúng mang trong mình một đôi mắt tò mò và tinh thần không sợ bị đánh. Điều duy nhất khiến chúng dừng những trò đùa là khi mẹ bật khóc nức nở vì Tép nhập viện do ngã từ trên cây. Hai anh em tự hứa sẽ không để mẹ khóc lần nào nữa, chúng dừng những trò có khả năng gây thương tổn tới 80%, qua người tính toán, Tôm.


Tôm có ước mơ lớn lên trở thành một phi hành gia hài hước, trong khi Tép lại thích trở thành một phi hành gia biết nói chuyện với người ngoài hành tinh. Dù bố không tin hai đứa chúng nó theo được nghề nó mong muốn, thì với mẹ, hai đứa nhóc chắc chắn là những nhà tài ba nhất mà bà từng gặp.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.032
Gạo
0,0
Re: Ấp tập viết
Gã còn trẻ. 28 tuổi, ở gần nửa cuộc đời. Gã là một người bình thường tới mức tầm thường:.

Có cái tôi cao và lòng tự trọng thấp: gã vẫn thích tự gọi mình là “lão”. Nhân vật trong game của gã đều đặt là “lão” cả, gã thường cài đặt tuổi của mình lớn thêm ba đến bốn tuổi, đó là một thói quen từ khi gã bắt đầu cày game. Tiền gã kiếm đổ vào game đến chừng phần ba, phần tư. Gã cày game trọn suốt những khoảng trống đời mình. Gã ghét phải trở về thăm họ hàng, dù ở thời đại xã hội của gã, gã buộc lòng gắn với “thân thích”. Truyền thống đạo đức. Gã phát ốm khi người ta lại hỏi hai chữ “sự nghiệp” với gã, rằng đàn ông con trai sao bao nhiêu năm chạy chân văn phòng vẫn không khá khẩm lên được. Rằng tại sao 28 tuổi mà bạn gái chưa có, gia đình tính sao, rồi lại chuyện lương lậu. Gã ghét cay ghét đắng. Vì gã hèn. Gã không biết chuyện gã hèn. Gã nghĩ người ta vô duyên, dân trí thấp, gã nghĩ người ta áp đặt và ép buộc gã lên quy chuẩn xã hội. Nhưng chẳng sai khi nói gã hèn, gã đã từ bỏ nhiều thứ chẳng phải để theo cái quy chuẩn xã hội gã ghét cay ghét đắng đó hay sao? Gã bỏ những câu hỏi “gã thích gì” hay “gã là ai”, “gã muốn gì”. Gã vào trường kinh tế với điểm tầm cao, ra bằng giỏi, nhưng thực chất gã có gì? Gã chẳng có gì. Ai chẳng như gã, và gã sai ư khi chọn cuộc sống ổn định an toàn.


Gã không sai. Tiếng cười và dăm lời của bố mẹ bảo gã điều đó.


Gã đã mất tính tò mò lâu rồi. Gã chẳng thèm gì cả, gã giờ chỉ sống cho trọn cái trách nhiệm của gã. Thế thôi.

Gã đổ tội cho mẹ gã. Gã đổ tội cho gia đinh. Gã đổ tội cho xã hội. Có phải gã muốn gã trở nên như thế này đâu?


Gã làm việc tại một công ty thời trang, chức trợ lý quản lý chuỗi cửa hàng. Gã làm năm năm nay, công việc chính chủ yếu là giúp cho chị quản lý vài việc vặt. Đôi khi gã thay chị kiểm tra, kiểm kê số liệu, lập báo cáo. Công việc nhàn nhưng đòi hỏi không được sai, và gã thì luôn phải có mặt mỗi khi chị ta cần, kể cả là giờ hành chính hay không. Gã làm quen với những dòng kẻ, con số trọn ngày.


Tiền gã không thiếu, lương hoa hồng cao nhờ công ty cũng là một công ty có tiếng tăm. Nhưng gã biết, gã chẳng có gì. Ngoài một cái xác.


Gã không có người yêu. Dăm cuộc tình thời đại học chết ngang chừng. Người ta bỏ gã. Nhưng đúng hơn, gã bỏ người ta trước, chỉ là gã không nói lời chia tay, gã khiến người ta chán mình. Và người ta bỏ gã. Gã sợ nói lời chia tay. Mối tình đầu của gã là một con bé chưa tròn 18. Gã quen con bé qua game. Con bé thích gã, con bé yêu gã. Gã chẳng biết gã có thứ gì đẹp đẽ tới thế. Nhưng nó thích gã và nó yêu gã đến táo tợn. Nó đòi đủ thứ chuyện. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc với gã. Nhưng gã không yêu nó, gã thấy nó đáng thương, nó đã yêu gã tới thế cơ mà. Mối tình đầu kết thúc khi gã cố tình ghen tuông áp đặt để nó ngoại tình với một đứa bạn giàu có của mình. Gã đã bỏ nó.


Gã thích xem anime và manga lồng chi tiết tình cảm. Có điều, gã không tin thứ tình yêu tiểu thuyết sẽ tới với mình.


Cả đời gã gắn với số năm trên mọi bảng xếp hạng, luôn luôn top 5 và gã nằm cuối cùng. Gã gọi mình là kẻ ở thế giới thứ 5.
 
Bên trên