Chuyện chưa kể của Tuyên Phi - Cập nhật - Ivy_Nguyen

Tẫn Tuyệt Tình Phi

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
24/6/14
Bài viết
1.060
Gạo
0,0
Mẹ nó! Hổ dữ không ăn thịt con, lão này thua cầm thú. Thằng con lão tương lai cũng chẳng ra gì. Lấy bài người ta đỗ Tiến sĩ, mốt vào triều làm quan, ngu dốt chỉ tổ hại dân hại nước. Cái đoạn thằng Ốc chết, bà miêu tả đẹp vậy... Tình tiết tui thấy đắc giá nhất đấy, bớt khô khan hơn.

Tui thấy mọi người nói tình tiết nhanh nhưng hình như hợp với tui, dồn dập, kích thích.

P.s: Sao tag không thấy thông báo vậy? Tui tự mò vô đấy.
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Sao mọi người bảo khô nhở. Tui thấy hai chương này bình thường mà. Tình tiết hai chương này dồn dập, khẩn trương vì cái kết của phần 1 này chẳng có gì vui cả.
Giọng văn của bà bảo mượt mà thì không đúng, chỉ có thể nói là trơn tru thôi, chắc thế mà mọi người bả khô. Theo quan điểm của tui viết tiểu thuyết lịch sử mà giọng văn ướt át quá thì không hay. Với lại, tính cách con người thời đó, dù tình cảm dào dạt cũng không dám biểu lộ ra ngoài nhiều nên nếu bà viết không mùi mẫn lắm tui vẫn thông cảm được.
Cái đoạn thằng Ốc chết, bà miêu tả đẹp vậy... Tình tiết tui thấy đắc giá nhất đấy, bớt khô khan hơn.

Tui thấy mọi người nói tình tiết nhanh nhưng hình như hợp với tui, dồn dập, kích thích.
Thanks nhận xét hai người nhá, tối qua tới giờ tui đọc lại chương 2 lượt mà chưa biết sửa thế nào cho mượt với bớt gượng. Đồng ý với Ten là viết sang thể loại này tui thấy cực khó viết bay bổng hay viết hài tưng tửng như những truyện khác. Chắc tạo chính tôi cũng chưa quen vơi giọng văn này nữa cũng nên.
Mẹ nó! Hổ dữ không ăn thịt con, lão này thua cầm thú. Thằng con lão tương lai cũng chẳng ra gì. Lấy bài người ta đỗ Tiến sĩ, mốt vào triều làm quan, ngu dốt chỉ tổ hại dân hại nước.
Triều đình thời này thối nát mà bà.
 

tennycin

Homo sapiens
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
18/7/14
Bài viết
2.823
Gạo
700,0
Thanks nhận xét hai người nhá, tối qua tới giờ tui đọc lại chương 2 lượt mà chưa biết sửa thế nào cho mượt với bớt gượng. Đồng ý với Ten là viết sang thể loại này tui thấy cực khó viết bay bổng hay viết hài tưng tửng như những truyện khác. Chắc tạo chính tôi cũng chưa quen vơi giọng văn này nữa cũng nên.

Triều đình thời này thối nát mà bà.
Lịch sử mà bà. Muốn hay không cũng phải ít nhiều nghiêm túc. Hoan nghênh bà đổi tông.
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Lịch sử mà bà. Muốn hay không cũng phải ít nhiều nghiêm túc. Hoan nghênh bà đổi tông.
Đại khái truyện này tui thấy phong cách viết của tui bị trục trặc. Cụ thể phần sau, Cô gái hái chè, tui lại thấy viết mượt. Tiếp đó lại gường gượng. =.=
 

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Chương 8:
Phần 2

Không biết mất bao lâu Hân mới kìm nén được cơn run rẩy để gượng dậy, khi chắc chắn Cốc đã đi xa rồi, Hân mới lần lấy tay nải giấu dưới giường. Từ hôm biết mình có khả năng bị gả đi làm thiếp, Hân đã chuẩn bị phòng trường hợp Vũ không về kịp để trốn đi. Mấy ngày đầu ốm là thật, nhưng từ ngày thứ ba dược cô uống không phải là hạ sốt mà là gây sốt. Cái này phải cám ơn thầy đồ Đặng. Một năm qua vì con gái nên ông đã rất thân quen với thầy lang, nhờ thầy đồ giúp mà cô mới xin được dược gây sốt. Phải nhân cơ hội cha đang bận bịu không để ý mà trốn. Đáng lí nên chọn gần sáng mà rời đi, nhưng vừa rồi kích động cô đã nói những điều không nên nói với gã Chanh nên tốt nhất cô phải trốn ngay.

Nhưng vừa sửa soạn xong Hân thấy tiếng bước chân, quay người lại thì giật mình đánh rơi tay nải vì người bước vào phòng là gã Chanh.

- Con Cau nói cô Sáu ốm liệt giường, đi đứng phải có người đỡ, xem ra không phải. May mà đức ông cẩn thận không thì cô đã kịp trốn rồi cũng nên.

Khuôn mặt nhẵn bóng thường ngày của hắn hằn nên nét dữ tợn. Vừa nói hắn vừa rút bên hông ra một thanh đoản kiếm sáng loáng và nói bằng giọng rất bình thản:

- Đầy tớ, con ở tập trung hết ngoài đình để hầu đức ông, lệnh bà khao[1] khách quý và làng xã rồi, cô có gào khản cổ cũng không ai nghe thấy cô đâu.

Hân cũng muốn gào lắm nhưng cổ họng vì sợ hãi mà như bị chẹn cứng, cả người run rẩy không nói lên lời. Nhìn thái độ kinh hoảng của Hân, gã Chanh cười nhẹ:

- Có trách thì trách sao cô quá thông minh hoặc trách cha cô ấy. Vừa nghe cô đoán được mọi chuyện ông ta kêu tôi đi xử cô ngay, mặc dù tôi đã nói nửa đêm thuận tiện hơn. Đúng là ông ta rất hiểu cô thì phải. – Vừa nói hắn vừa liếc nhìn tay nải rơi dưới đất.

Đúng lúc Hân nghĩ mình chết chắc rồi và quyết định nhắm mắt lại thì cô nghe thấy tiếng “Ối” của gã Chanh. Hân mở choàng mắt ra thấy thằng Ốc đang cầm đòn gánh đánh liên hồi vào người gã Chanh. Hân nhìn thấy Ốc từ bé, đây là lần đầu tiên cô thấy nó đánh người. Mặt thằng Ốc trắng bệch, xem ra nó cũng sợ lắm. Khi Hân còn đang ngây người ra thì thằng Ốc gào lên:

- Cô Sáu chạy đi…

Ngay sau câu nói ấy gã Chanh rạch được một đường trên ngực của Ốc, vết rạch không sâu chỉ làm rách áo và rớm máu, nhưng từ ngực áo hắn Hân nhìn thấy những đóa hoa lụa mà Ốc luôn đòi mỗi khi cô nhờ nó làm cho điều gì đó.

Tiếng của Ốc lại gào lên kêu cô chạy đi. Hân chạy, lấy hết sức mà chạy, cô có ngoái đầu nhìn lại một lần nhưng sau đấy đã vô cùng ân hận vì cái ngoái đầu đó. Cô thấy Ốc sống chết ôm chân gã Chanh, tay gã Chanh cầm thanh đoản kiếm chém xuống, dưới nền đất là đầy những cánh hoa lụa nhuộm máu.

Ốc bảo nó xin hoa để tặng người thương. Mỗi lần đưa cho nó xong cô đều hỏi: thế đã tặng chưa? Mặt nó lần nào cũng đỏ tưng bừng mà gật đầu với cô. Nó chưa bao giờ nói với cô người thương của nó là ai…

Hân gạt phăng nước mắt, sống chết chạy dù cô chẳng biết phải chạy về đâu. Những gì vừa xảy ra quá kinh khủng đối với một cô gái mười bốn tuổi như Hân. Hân chỉ dừng lại khi cô va phải cái gì đó và ngã lăn xuống đất. Ngày hôm nay cô ngã nhiều quá thì phải, Hân đã nghĩ như thế lúc ấy.

Hến đỡ cô dậy. Mặt chị ta xanh mét.

- Cô Sáu, cô Sáu, lúc tôi mang nước lên đãi khách ở nhà trên thì chị Cau kéo tôi ra góc khuất bảo tôi nhắn với cô trốn đi, trốn ngay đi, tránh xa gã Chanh ra, và đám đầy tớ trông cửa đã được dặn là không cho cô xuất phủ.

Hân thẫn thờ nhìn Hến. Muộn rồi, cô gặp gã Chanh rồi, gã giết Ốc rồi. Không xuất phủ được thì sớm muộn gì gã cũng tìm được cô và giết cô thôi. Trong cái phủ này ai có thể cứu được cô đây?

- Tôi với Ốc chia nhau ra đi tìm cô, thằng Ốc nó chạy tới phòng cô còn tôi chạy tới chỗ thầy đồ Đặng, sáng nay thầy ấy tới xin cáo biệt đức ông với lệnh bà, nên tôi đoán cô chắc cũng tới đó chia tay. Cô Sáu, đức ông định gả cô làm thiếp thật hả cô? Kể cả thế cũng từ từ đã, trốn đi không chuẩn bị gì thế này…

- Ông ấy không muốn gả tôi đi nữa, ống ấy muốn… - Hân không thể nói ra được hai từ “giết tôi” bởi cổ họng cô đã khản đặc.

- Thật thế? Thế sao mụ Cau giọng có vẻ nghiêm trọng đáng sợ như thế? Thế thì việc gì phải trốn nữa hả cô Sáu? Hơn nữa cậu Vũ đâu? Sao tôi không nhìn thấy cậu ấy? Cô đã gặp cậu ấy chưa?

Hến không hiểu nên liên tục hỏi Hân. Đầu óc Hân đau dị thường. Cô muốn nghĩ nhưng không thể nghĩ gì, mắt cô bỗng hoa lên, đất trời xoay tròn và cô ngất. Lúc đó cô đã nghĩ, không chạy được mà ngất thế này thì cô chết chắc rồi.



Khi Hân tỉnh lại thấy cả người đau ê ẩm, mở mắt ra chỉ nhìn thấy một màu tối đen. Nghe tiếng rên rỉ của cô, xe dừng lại. Lúc ấy Hân mới ý thức mình đang nằm trên một cái xe kéo bằng gỗ có mui che. Hân đặt hai tay xuống sàn xe để lấy điểm tự dò dẫm tìm đường đi ra. Khi tấm vải bạt treo lên làm cửa được vén lên, nhờ ánh trăng Hân bước ra khỏi xe. Cái xe kéo này rất nhỏ, Hân bé như vậy mà nằm còn thấy chật, vừa nãy khi cô ngồi thì mui xe chỉ cách đầu cô một ngón tay. Khi đi ra khỏi xe Hân mới nhận ra, xe nhỏ như vậy vì kéo xe không phải là trâu mà là thầy đồ Đặng và cái xe này chẳng phải là cô đưa tiền cho thằng Ốc ra ngoài chuẩn bị cho cha con thầy đồ khi biết họ chuẩn bị cáo biệt sao? Huệ không đi đứng được đó là lí do Hân nghĩ phải tìm một cái xe kéo.

Hân mơ hồ nhớ lại lúc tỉnh tỉnh mê mê có nghe thấy tiếng thầy đồ Đặng hỏi chuyện Hến, rồi trong cơn mê sảng hình như Hân đã bấu chặt lấy thầy đồ Đặng mà van xin thầy cứu mình. Hân chợt giật mình, cô nhìn vào xe kéo đang đỗ ở gần một gốc cây xà cừ, lại nhìn thầy đồ Đặng đang ngồi khoanh chân ở một gốc cây xà cừ cũng ngay gần đó. Hân vội vã nhìn ra xung quanh chẳng thấy bóng người nào khác. Chỉ có cô và thầy đồ Đặng trên đường quốc lộ.

- Thầy đồ, em Huệ đâu? – Hân run run hỏi.

Thầy quay lại nhìn Hân, thở dài, vẫy tay gọi cô lại gần.

Hân ngất, chỗ đó lại cách không xa phòng cha con thầy đồ Đặng, Hến bèn kéo Hân tới đó. Sáng nay Huệ khỏe hơn, có thể tự ngồi dậy được, thầy đồ Đặng mừng lắm, tuy biết con gái khó lòng qua khỏi, nhưng thầy chỉ hi vọng nó đủ sức để vượt qua chặng đường dài về nhà cho mẹ nó, em nó nhìn nó một cái rồi hẵng đi. Thế nên ông vội vã tới cáo biệt đức ông và lệnh bà. Lúc rời đi là lúc ông nghe cậu lính chạy tới tri thông là nhà này có người đỗ tiến sĩ. Hắn va phải ông do chạy nhanh quá nên thiếp canh đề tên tiến sĩ rơi xuống, ông nhặt dùm hắn và cũng nhanh mắt đọc được cái tên của vị tân tiến sĩ là: Đỗ Nam chứ không phải Nguyễn Vũ như ông dự kiến. Trong lòng ông lúc đó đã ẩn ẩn không yên. Câu hỏi hôm đó của đức ông về việc cô Sáu có khả năng phân biệt nét chữ hay không đúng là khiến ông nghi ngờ. Ông nghĩ rằng câu trả lời của ông có thể khiến cô bé đó an toàn hơn một chút.

Khi trở về ông mới biết thì ra là hồi quang phản chiếu, con gái ông trong lúc ông đi từ biệt đã trút hơi thở cuối cùng. Đã chuẩn bị tâm lí nhưng ông vẫn thấy đau thắt lòng. Khi ấy cô bé này lại xuất hiện. Một cô gái tốt như vậy sao cha nó có thể nhẫn tâm đến thế. Khi con bé túm lấy vạt áo ông trong cơn mê sảng cầu xin ông cứu thì ông đã quyết định, ông muốn cứu đứa bé này.

Ông để lại con gái mình và đem đứa bé này theo.

- Thầy đồ để em ấy lại trong phủ sao? Vì cứu con sao thầy?

- Còn Hến thì sao? Thằng Chanh không tha cho Ốc, thế thì chị Hến thì sao?

- Còn thầy đồ thì sao? Thầy mang con theo nhỡ con liên lụy cả nhà thầy thì sao?



Dưới ánh trăng, Hân nhìn thấy hàng râu của ông đồ Đặng khẽ run rẩy sau mỗi câu hỏi của Hân nhưng thầy không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Đợi Hân hỏi hết, thầy xoa đầu Hân.

- Đứa bé này, sao nghĩ nhiều cho người khác thế. Nghĩ cho bản thân mình đi, từ giờ con là con gái ta, chỉ cần nhớ như thế là đủ.



Sáng sớm mấy ngày sau Hân và ông đồ Đặng về đến nhà. Bà đồ Đặng chết ngất đi khi nghe tin dữ của con gái và ngay ngày hôm sau đổ bệnh còn cậu em trai tên Lân mà Huệ hay kể thì nhìn Hân đầy dò xét.

Hân xuống bếp nấu cháo cho cả nhà. Nhà thầy đồ Đặng nghèo lắm, chĩnh gạo lèo tèo được mấy nắm gạo, thóc cũng có mỗi nửa tải, và một nửa gầm giường khoai lang. Hân nhặt nhạnh quanh nhà được một ít rau dại, nhóm lửa và nấu món cháo rau khoai lang.

Vì trước chưa bao giờ nấu cho hơn hai người ăn nên Hân nấu hơi ít một chút. Lúc múc tô cháo thứ ba đưa cho Lân thì trong nồi chỉ còn nửa tô cháo. Hân im lặng, tự múc nửa tô cháo còn lại vào bát, nhưng vừa quay người đặt cái nồi ra sau lưng quay lại đã thấy tô cháo của mình gần đầy. Bàn tay thầy đồ Đặng còn chưa kịp thu lại, bát cháo của thầy vơi đi một phần mà hẳn là thầy chưa ăn đâu, còn nóng thế cơ mà.

Hân chưa kịp nói cám ơn thì trong buồng đã vang tiếng khóc. Lân bê cháo vào cho mẹ, gọi mẹ dậy, vợ thầy đồ Đặng tỉnh dậy lại nhớ thương con gái mà bật khóc. Thầy đồ Đặng dặn Hân cứ ăn đi, ông đi vào buồng trong với vợ. Hân nghe thấy tiếng nức nở càng to hơn, cả thằng bé Lân chưa hiểu chuyện cũng anh anh khóc theo mẹ. Hân không nghe thấy tiếng thầy đồ Đặng nhưng đoán được thầy hẳn cũng rất đau lòng.

Hân cúi đầu nhìn tô cháo rau, nước mắt mà cô kìm nén mãi cuối cùng cũng rơi. Hân bê bát cháo ra sau nhà, dựng một viên gạch đứng lên rồi đặt bát cháo bên cạnh. Người thích nhất món cháo cám lợn của cô chắc đã không còn nữa rồi. Cô là con gái của ông ta mà còn bị ông ta sai người giết vậy thì Vũ sao thoát chết được? Hân gạt nước mắt, ngồi xổm trên đất nhìn bát cháo bốc khói.

- Nếu muốn tìm em thì anh phải nhớ từ giờ em là Đặng Thị Huệ, em mười hai tuổi chứ không phải mười bốn tuổi đâu nhé. Nhà em ở Phù Đổng, Gia Lâm chứ không phải ở Đỗ phủ, trấn Sơn Nam. Nhà em chỉ có một cậu em trai và cha em chỉ có một vợ chứ không phải em có tới tám người anh em và cha em có tới tám bà vợ…

Huệ vẫn nhớ rõ cái ngày hôm ấy, ngày tên cô chuyển thành Đặng Thị Huệ là một ngày đầu xuân năm Cảnh Hưng thứ hai mươi ba.

-----
Chương 8(1) << >> Chương 9(1)
Chú thích:

Mình tìm tài liệu mô tả trang phụ tiến sĩ của thời Lê trung hưng nhưng không thấy có. Đây là trang phục Tiến sĩ thời Nguyễn, mình tạm thời mô tả theo nó vậy:


[1] Khao: ở đây từ chính xác là khao vọng, theo Khoa cử Việt Nam, Thi Hội – Thi Đình (Nguyễn Thị Châu Quỳnh) thì: Về đến làng, kỳ mục và dân làng ra đón tận cổng làng, đưa về nhà. Ðến nhà, Tân khoa làm lễ bái tổ rồi ra đình miếu lễ, giết trâu mổ bò, dựng rạp hát chèo... để ăn khao hàng bốn, năm ngày. Ðầu thế kỷ XX, Lãng Nhân còn chép : "Có việc khao khoán to, chủ nhân thường phải mời một nhà khoa bảng hàng huyện về "đóng đám" để chỉ bảo nghi lễ tế tự, thù tiếp".

Tìm hiểu thêm ở link này:
http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/thihoi/Ph2 Ch9 - VINH QUY - BO DUNG.htm#Phan2chuong9
Giờ mới ra cô Đặng Thị Huệ rồi. Làm mình cứ thắc mắc từ đầu truyện: sao nhân vật chính lại là cô Hân, chẳng nhẽ sau này con ông đồ vào làm phi còn cô này thì thành tì nữ hầu cận cô ấy. :D
 

Phong Vu

Gà cận
Tham gia
13/9/14
Bài viết
387
Gạo
600,0
Mạch truyện hai chương này đúng là gấp gáp, nhưng tui cũng không thấy gượng đâu Ivy. Ừ, nhưng đồng ý có chút khô, nhưng không đến mức đọc lướt. Cái đoạn miêu tả vinh quy bái tổ cũng khéo, đoạn thẳng Ốc thì cảm động. Nhưng chắc quen truyện hài của bà rồi, nên đọc sang truyện này thấy "sao sao" ấy.
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Câu này cứ sao sao.
Ờ, h tui cũng thấy sao sao rồi. Để xíu chỉnh lại. Thank bà.
Giờ mới ra cô Đặng Thị Huệ rồi. Làm mình cứ thắc mắc từ đầu truyện: sao nhân vật chính lại là cô Hân, chẳng nhẽ sau này con ông đồ vào làm phi còn cô này thì thành tì nữ hầu cận cô ấy. :D
Thế tui mới nói cái tên truyện lộ quá à. Thay được cái tên khác thì đến đây chắc mọi người mới đoán được tui viết có dựa vào lịch sử ha. ^^
Mạch truyện hai chương này đúng là gấp gáp, nhưng tui cũng không thấy gượng đâu Ivy. Ừ, nhưng đồng ý có chút khô, nhưng không đến mức đọc lướt. Cái đoạn miêu tả vinh quy bái tổ cũng khéo, đoạn thẳng Ốc thì cảm động. Nhưng chắc quen truyện hài của bà rồi, nên đọc sang truyện này thấy "sao sao" ấy.
Cho tui xíu thời gian ổn định cách viết. Tui đã nói ở trên rồi mà, tui đang trục trặc cách viết. ^^
 

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Phần ba: Cô gái hái chè
Chương 9(1): Cô gái hái chè

Huệ thấy mình đang đứng trong màn sương mù dày đặc, cô mải miết tìm đường ra nhưng trước mắt chỉ có sương mù và sương mù. Khi cô bắt đầuthấy hốt hoảng và lo sợ thì trông thấy một cánh cổng rất cao. Huệ có cảm giáccánh cổng đó rất quen thuộc và dường như cô đã đi qua nó hàng trăm nghìn lần nhưng lại không thể nhớ ra đó là nơi nào. Bước lên ba bậc đá ong vàng sậm mới tới cửa lớn, cánh cửa sơn màu đỏ thắm. Huệ lấy tay đẩy cánh cửa, trước mắt cô là một con đường lát gạch đỏ trải rộng.

Phía xa xa cuối con đường là một hình bóng dong dỏng cao mặc áo giao lĩnh và đầu chít khăn màu xanh thiên thanh. Huệ cố gắng nhìn nhưng khuôn mặt người đó cứ nhạt nhòa nhạt nhòa, Huệ lớn tiếng gọi nhưng càng gọi người ấy lại càng như xa xôi hơn nữa. Thoảng như trong gió, Huệ nghe thấy giọng của người ấy:

- Ngoan, anh đi đây.

- Anh đi đâu? Đi đâu?

Huệ gào thét đuổi theo hình bóng ấy nhưng cô vấp ngã, Huệ nhìn xuống dưới chân là những cánh hoa lụa nhiều màu lẫn trong máu. Huệ không dám nhìn tiếp vì biết rằng tiếp đó sẽ là một khuôn mặt thiếu niên mười lăm, mười sáu tái xám, vô hồn. Khuôn mặt ấy đã từng đỏ lựng mỗi lần Huệ hỏi: người thương là ai?

Huệ gắng gượng bò dậy, cô phải tới cứu cô bạn thân đang làm bếp, cứu cô ấy trước khi gã mặt mày nhẵn bóng tìm thấy. Nhưng khi tìm được thì gã mặt mày nhẵn bóng đang đẩy cô bạn ấy ngã, và Huệ thấy cô ấy ngã trong vũng máu. Tay cô ấy đặt vào bụng, mặt nhăn nhó khốn khổ. Cô ấy sao rồi, em bé của cô ấy sao rồi? Huệ muốn chạy tới chỗ cô bạn nhưng Huệ nhìn thấy đứng cạnh cô bạn bây giờ không còn là gã mặt mày nhẵn bóng mà là một người đàn ông trung niên, có đôi mắt sắc lẻm đặt trên một khuôn mặt béo tròn phúc hậu. Bắt gặp ánh nhìn của người đàn ông ấy, toàn thân Huệ run rẩy, cô chùn chân ngã khuỵu xuống trước khi chạy tới được chỗ cô bạn. Một bàn tay kéo Huệ dậy. Cô bé mười hai tuổi ấy nở nụ cười yếu ớt nhìn cô, chỉ cho cô cánh cổng được sơn màu son đỏ.

- Đi đi chị.

Huệ hỏi lại:

- Còn em?

- Chúng em ở lại.



Lần nào cũng thế Huệ tỉnh lại khi cánh cổng sơn đỏ kia một lần nữa mở ra. Huệ thấy mình đã vã mồ hôi như tắm. Lâu lắm rồi cô mới mơ lại giấc mơ ấy. Quá khứ của Huệ cũng lâu lắm rồi mới lại cựa mình như thể nhắc Huệ rằng đó không chỉ là một giấc mơ.

Huệ thở dài, định nằm xuống ngủ tiếp lại nghe tiếng gà gáy. Cô ngồi dậy, dùng khăn quấn qua loa tóc và mặc quần áo nghiêm chỉnh rồi rời giường. Mấy năm trước mẹ cô mất, kể từ đó cô đã phải thay mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà từ săn sóc thầy, bảo ban chỉ dạy thằng em trai cho đến cơm nước chợ búa.

Vừa đi ra tới gian ngoài đã nghe tiếng rên hừ hừ của thằng Lân, trời hãy còn chưa sáng nên Huệ dù hốt hoảng cũng phải lần mò một lúc mới ra được cái chõng tre thằng Lân đang nằm. Căn nhà tranh này có ba gian, một gian ngoài, hai gian buồng, Huệ ngủ một gian buồng, và bình thường Lân ngủ với thầy* ở gian còn lại nhưng tối nào đi chơi đến gần sáng mới về thì nó nằm ở cái chõng tre gian ngoài ngủ. Nghe tiếng rên là Huệ đoán nó lại trêu chọc gì người ta và bị đánh. Mấy năm gần đây, thằng Lân ngày càng bất trị, suốt ngày đi phá phách làng trong xóm ngoài. Huệ toàn phải vác mặt mo đi xin xỏ người ta cho nó.

*Thầy: nơi này gọi cha là thầy. Tác giả cũng muốn dùng là thầy để phân biệt với cha (Đỗ Minh) của Hân.

Sờ được cái chân nó, Huệ hấp tấp hỏi:

- Đau ở đâu, đau thế nào?

Thằng Lân nằm nghiêng trái, mặt hướng về phía Huệ, đầu gối co vào bụng, đầu gục xuống. Huệ thấy bộ dáng này của nó thì lại càng sợ.

- Giời ơi, bị đứa nào đạp vào bụng hả? Có phải đau lắm không? Chờ chị tí, chị đi gọi ông lang.

Huệ toan đứng lên thì bị thằng Lân kéo lại.

- Chị nhỏ mồm thôi cho thầy ngủ, nằm ngoài này chết rét thì chả phải co người à?

Ngân ngớ người ra, ừ nhỉ, trời cuối đông nhưng nửa đêm về sáng vẫn rất lạnh, nhất là chiều qua rét nàng Bân[1] đổ về. Đêm lạnh lại nằm không chăn không chiếu ở gian ngoài, gió lùa thì đúng là thiếu nước chết rét thật. Huệ vội lật đật chạy vào buồng trong, lấy cái chăn của mình ra, đắp cho thằng Lân.

- Tiên sư anh, anh đi tận đâu mà gần sáng mới về, cuối đông rồi chứ giữa đông thì có ngày chết rét cho anh chừa. - Mới có vài năm mà một tiểu thư nhà đại quan đã có thể nói năng hệt như một mụ nông thôn chính cống. Đôi lúc chính Huệ cũng ngạc nhiên vì sự thích ứng của mình.

Thằng Lân cười khùng khục, cuộn chăn lại như con sâu.

- Tối qua em với mấy thằng mò sang tận làng thượng, tới nhà ông xã trưởng, tí nữa thì bắt được con chó nhà ông ta.

Huệ trố mắt ra nhìn thằng em.

- Chúng mày tốn công đi bắt chó nhà ông ý để làm gì?

- Để thịt chứ còn làm gì. Chị nhớ hội làng mấy ngày trước không? Ông ta không cho mấy đứa em xem hội thì chớ còn xua chó ra cắn mấy đứa em, chửi tụi em lũ mất dạy. Tức quá nên tụi em mới…

Huệ nhớ ra cái điệu bộ ngông nghênh của thằng em cùng mấy đứa bạn khố dây* hôm hội Gióng. Chúng nó đi đến đâu thì cà khịa với người này lại ghẹo con gái người kia. Đến Huệ là chị nó mà nhìn còn khó chịu chứ đừng nói đến người khác. Huệ thò tay véo vào mạn sườn thằng em làm nó đau tới nhe răng, trước khi véo còn “tốt bụng” khẽ dặn:

*Khố dây: khố và dây buộc của đàn ông ngày xưa, ý chỉ người cùng cực, khốn khổ với ý coi thường.

- Đừng có làm ồn, thầy dậy bây giờ. - Thằng Lân không dám kêu to, nghiến răng hít hà chịu trận, bên tai không thoát khỏi màn lầu bầu của bà chị. - Ông ý chửi chị chả thấy sai tí nào, chúng mày toàn đi cướp đi phá, người ta không đánh chết là chị phải thắp hương khấn tạ vì được mẹ phù hộ rồi.

Lân biết Huệ nói cứng mồm thế thôi chứ thương hắn lắm nên giở giọng nịnh nọt.

- Ông ý chửi gì thì chửi, nhưng lại bảo em mất dạy là em không nghe, thầy còn đó, chị còn đó, còn người dạy em lại chửi em mất dạy, nên em phải có ý kiến…

Huệ nghe đến đây thì buồn cười lắm nhưng vẫn làm bộ hừ giọng rồi phát cho một cái rõ mạnh vào chân Lân.

- Lại bôi mật vào mồm đấy hả? Có mà con chó nhà ông xã trưởng hôm ấy cắn cho mày một miếng, phải nằm nhà mấy hôm nên mày hận chứ gì? Ai chả biết xã trưởng quý con chó ấy, tụi mày mà thịt được con chó ấy thì chị chỉ có nước quỳ lạy xin xã trưởng nếu ông ta đến bắt đền, có biết không?

Lân nhăn nhó giơ cái chân bị phát lên, chỉ chỉ vào cổ chân.

- Chị bênh con chó không bênh em, vừa nãy chạy trẹo cả chân, lê mãi mới về đến nhà đây này, chị xem có cao nóng hay lá láng[4] bóp cho em.

Giờ Huệ mới nhìn ra cái cổ chân sưng vù của thằng em, thảo nào vừa nãy nó rên hừ hừ, cô mải nghĩ tại nó bị lạnh mà quên mất. Mắt Huệ lập tức đỏ lên, cô vội sờ nắn xem người nó còn chỗ nào bị thương nữa không rồi mới kéo chăn đắp lại cho Lân. Miệng Huệ cằn nhằn không dứt mắng cái thằng trời đánh, chỉ biết phá nhưng kéo xong chăn lại tất tả cầm con dao bổ cau ra vườn cắt lá láng. Nhờ phước thằng Lân mà cao nóng cứ mua được vài bữa lại hết, bụi láng cứ mọc được tốt lên được một chút lại bị cắt trụi.

Huệ lôi thằng Lân xuống bếp, đốt lửa hơ lá cho nóng, vò mềm lá với vài hạt muối trắng rồi bóp chân cho nó. Thằng em không tránh khỏi lại phải nghe Huệ lầu bầu thêm một trận nữa. Xong cái chân cho thằng Lân, Huệ sẵn bếp mới nhóm luộc nồi khoai, rồi lựa mấy củ to đặt lên mâm, dặn thằng Lân:

- Thầy tỉnh thì đem vào cho thầy, muốn đi đâu thì đi nhưng phải sắc thuốc đợi thầy uống xong mới được đi, nhớ chưa?

Thấy thằng em ngoan ngoãn gật đầu thì Huệ mới tất tả gánh quang gánh* lên đồi hái chè. Sáng nay vì thằng Lân mà cô đi muộn rồi.

upload_2015-5-20_18-24-14.png

(*Quang gánh)​

Trên đường đi Huệ không khỏi nghĩ ngợi một chút về giấc mơ ban nãy. Không biết có phải điềm báo gì không vì mấy năm rồi cô không mơ thấy nó nữa. Ngày đó khi thầy đưa Huệ về nhà, bà Đặng đến nửa năm trời không nói năng gì với cô. Thằng Lân khi đó đã tám tuổi, tuy hơn một năm không thấy chị gái nhưng nó vẫn nhận ra sự khác thường ở Huệ. Nó cứ nghi hoặc nhìn Huệ, mặc cho thầy kêu nó gọi chị mấy lần nó vẫn mím chặt môi. Thầy bảo thằng Lân tính rất ương, quả đúng thế. Được mấy hôm thân thân hơn, nó tìm cách gặng hỏi Huệ chuyện xưa. Trước đó bị bệnh nằm ở Đỗ phủ cả năm, nói chuyện với cô Sáu nhà đấy nhiều như thế, Huệ “thật” làm gì có chủ đề nào khác để nói ngoài mẹ, thằng em trai với mấy sào ruộng. Thế nên Lân “kiểm tra” câu nào Huệ chậm rãi trả lời câu ấy. Khi nó không còn câu nào để hỏi thì Huệ nhìn nó, làm bộ tức giận hỏi:

- Đi có hơn một năm mà không nhận ra chị hả thằng ranh kia?

Lúc đó nó mới bặm môi nói thật:

- Tại chị khác quá.

- Khác thế nào?

Thằng bé nghĩ nghĩ một hồi mới nói.

- Đẹp hơn, khó bắt nạt hơn.

Ừ, lí do này không tồi. Huệ đã nghĩ như thế đó.



Nửa năm sau khi cha con thầy đồ trở về, bà Đặng ốm một trận hơn tháng rồi mất. Trước khi mất bà gọi Huệ vào buồng, chảy nước mắt dặn dò cô chăm lo cho thằng Lân. Chẳng biết vì lời hứa với bà Đặng, vì áy náy với người mà cô đã chiếm vị trí, hay vì thực lòng thương thằng Lân mà từ đó cô luôn đối xử tốt với nó, bao bọc nó, hi sinh vì nó. Cứ như thế Huệ đã sống ở đây được tới năm năm.
---
Chú thích:

[1] Rét nàng Bân: là cách gọi của dân gian chỉ đợt rét cuối cùng của mùa Đông xảy ra ở miền Bắc Việt Nam.

[2] Hội Gióng: là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộcvùng Hà Nộiđể tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyếtThánh Gióng

[3] “Ai ơi mùng chín tháng tư, không đi hội Gióng cũng hư mất người”: Ca dao về hội Gióng

[4] Lá náng: Khi bị bong gân, sai khớp, dân gian thường bó bằng cây náng hoa trắng, rất hiệu nghiệm. Theo nghiên cứu từ Đông y, lá láng có vị cay, tính mật, có tác dụng thông huyết tán ứ, giảm sưng đau xương khớp, ổ khớp.

Hình:
upload_2015-5-20_18-24-53.png


---
Chương 8(2) << >> Chương 9(2)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên