Chương 3
Nhật trình: Sol 25
Có còn nhớ mấy câu hỏi toán cũ rích trong lớp Đại số hay không? Khi nước chảy vào một cái thùng theo một vận tốc nào đó và chảy ra theo một vận tốc khác và bạn phải tính xem khi nào thì thùng sẽ trống trơ? À thì, khái niệm ấy có tính then chốt trong dự án “Mark Watney không chết” mà tôi đang thực hiện.
Tôi cần tạo ra calories. Và tôi cần một lượng đủ để sinh tồn bốn năm ròng. Tôi cho là nếu mình không được Ares 4 cứu thì đằng nào cũng chết. Cho nên đó là mục tiêu của tôi: bốn năm.
Tôi có rất nhiều vitamin đủ loại; gấp đôi số lượng tôi cần. Và trong mỗi bọc thức ăn thì có gấp năm lần lượng chất đạm, nên cẩn thận hạn chế khẩu phần đã đủ lượng đạm tôi cần trong bốn năm. Các chất dinh dưỡng nói chung cho tôi coi như được đảm bảo rồi. Tôi chỉ cần calories.
Tôi cần 1500 calories mỗi ngày. Tôi có 400 ngày lương thực để bắt đầu. Vậy tôi cần tạo ra bao nhiêu calories mỗi ngày trong suốt quãng thời gian này để sống tổng cộng cho 1400 ngày (thời điểm Ares 4 sẽ đến)?
Để tôi giúp bạn làm bài tính. Câu trả lời là số 1000 hoành tráng. Tôi cần tạo ra 1000 calories mỗi ngày với công việc đồng áng của mình để sinh tồn cho tới khi Ares 4 đến đây. Thật ra, nhiều hơn vậy một chút, vì ngay bây giờ đã là Sol 25 rồi và tôi vẫn chưa trồng khỉ gì cả.
Với thửa ruộng 62 mét vuông của mình, tôi sẽ có thể tạo ra chừng 288 calories mỗi ngày. Tôi cần tăng nó lên đến số 1000. Tôi cần một sản lượng gấp bốn lần kế hoạch hiện tại của mình để sống sót.
Tôi cần nhiều diện tích bề mặt hơn cho việc trồng trọt, và tôi cần nước để làm ướt đất cát. Nên ta hãy giải quyết từng vấn đề một.
Thật sự thì tôi có thể tạo ra được bao nhiêu đất trồng trọt?
Có cả thảy 92 mét vuông trong căn Hab. Cho là tôi có thể dùng hết chúng đi.
Còn nữa, có năm chiếc giường tầng không ai sử dụng. Cho là tôi có thể đổ đất lên đó nữa đi. Mỗi chiếc 2 mét vuông, vậy tôi có thêm 10 mét vuông. Thế là chúng ta có đến 102 rồi.
Căn Hab có ba bàn lab, mỗi bàn 2 mét vuông. Tôi muốn giữ lại một bàn để làm việc của mình, còn lại hai bàn cho công cuộc. Đó là thêm bốn mét vuông, đưa con số tổng cộng lên 106.
Tôi có hai chiếc rover (xe do thám) sao Hỏa. Chúng có xi dán áp suất, giúp những người bên trong lái xe dễ dàng, không cần áo phi hành gia, khi họ dành nhiều thời gian khảo sát bề mặt. Chúng quá nhỏ hẹp để trồng trọt, và dù sao thì tôi cũng muốn có thể lái chúng đi lòng vòng. Nhưng cả hai chiếc rover đều có lều bật khẩn cấp.
Có quá nhiều vấn đề nếu dùng lều bật cho đất trồng trọt, nhưng mỗi chiếc lều đều có 10 mét vuông dưới sàn. Cho là tôi có thể vượt qua những vấn đề ấy, chúng cho tôi thêm được 20 mét vuông, đưa số lượng đất trồng của tôi lên 126.
126 mét vuông đất có thể dùng để trồng trọt. Đó là một số lượng có thể dùng được. Gần như không đủ nước để làm ẩm đống đất ấy, nhưng như tôi đã nói, từng việc một thôi.
Chuyện kế tiếp cần cân nhắc là tôi có thể trồng khoai tây với hiệu suất ra sao. Tôi ước tính sản lượng của mình dựa theo công nghiệp khoai tây dưới Trái đất. Nhưng nông dân trồng khoai tây không gặp phải một cuộc đua sống còn tuyệt vọng như tôi đây. Tôi có thể nào đạt được sản lượng cao hơn không?
Trước tiên là, tôi có thể chú ý nhiều hơn đến từng cây một. Tôi có thể tỉa chúng và giữ cho chúng khỏe mạnh và không làm phiền lẫn nhau. Còn nữa, khi nhánh cây có mầm hoa của chúng trồi lên bề mặt, tôi có thể trồng chúng sâu hơn phía bên dưới mặt đất, rồi trồng một cây non hơn phía trên nó. Đối với những nông dân khoai tây bình thường, chuyện này chẳng đáng làm vì họ trồng nói đúng theo nghĩa đen là cả triệu cây khoai tây.
Hơn nữa, trồng trọt kiểu này là hủy diệt đất đai. Nông dân nào mà làm thế chỉ có mà biến đất của mình thành bãi cát bụi trong vòng 12 năm. Việc này chẳng phải thứ lâu dài được. Nhưng ai thèm quan tâm làm quái gì chứ? Tôi chỉ cần sống sót bốn năm thôi.
Tôi ước chừng mình có thể tăng 50% sản lượng với phương thức này. Và với 126 mét vuông đất trồng (chỉ vừa hơn gấp đôi số 62 mét vuông mà tôi có) thì nó sẽ có thu hoạch chừng 900 calories mỗi ngày.
Đó là một tiến triển thật sự. Tôi vẫn sẽ có nguy cơ bị đói, nhưng nó đưa tôi vào phạm vi của sự sống sót. Tôi có thể chờ đến ngày ấy bằng cách thiếu ăn nhưng không đến nỗi phải chết. Tôi có thể giảm lượng calories của mình bằng cách giảm thiểu lao động chân tay. Tôi có thể chỉnh nhiệt độ căn Hab cao hơn bình thường, có nghĩa là cơ thể tôi sẽ tiêu ít năng lượng hơn để duy trì nhiệt độ của nó. Tôi có thể cắt một tay mình và ăn nó, tăng lượng calories quý giá và giảm lượng calories tổng thể mà tôi cần.
Không, không phải thật đâu.
Cho nên hãy cho là tôi có thể dọn ra cho đủ ngần ấy đất trồng. Nghe có vẻ hợp lý chứ. Thế tôi lấy nước đâu ra? Từ 62 tăng lên đến 162 mét vuông đất trồng với độ dày 10 cm, tôi cần thêm 6.4 mét khối đất (được xúc đất nữa rồi, yay!) và chúng sẽ cần hơn 250 lít nước.
50 lít nước tôi có là để cho tôi uống nếu lỡ máy tái tạo nước bị hỏng. Vậy thì tôi thiếu hụt 250 lít của mục tiêu 250 lít nước của mình.
Bleh. Thôi tôi đi ngủ.
Nhật trình: Sol 26
Hôm qua là một ngày mệt gãy cả lưng nhưng cũng rất hiệu quả.
Tôi thấy chán nản việc suy nghĩ, nên thay vì cố tìm cách xem lấy đâu ra 250 lít nước, tôi lao động chân tay một chút. Tôi cần đem thêm cả đống đất chết tiệt vào căn Hab, ngay cả khi chúng khô khan và vô dụng trong lúc này.
Tôi đem được một mét khối vào thì đã mệt rã rời.
Rồi, một cơn bão bụi nho nhỏ ghé thăm chừng một giờ và phủ bề mặt pin năng lượng mặt trời với đống rác rến. Nên tôi phải mặc *lại* áo phi hành vào và làm *thêm* một chuyến EVA. Tôi ở trong tâm trạng bức bối suốt thời gian đó. Quét một cái sân lớn đầy những giàn pin năng lượng mặt trời vừa chán ngắt vừa đòi hỏi nhiều về mặt thể lực. Nhưng một khi công việc hoàn thành, tôi trở lại Ngôi Hab Trên Thảo Nguyên của mình.
Cũng vừa đến lúc nhân đôi số đất, nên tôi thấy thôi thì cứ làm hết cho xong. Mất thêm một giờ. Thêm một lần nhân đôi nữa số đất dùng được sẽ sẵn sàng rồi.
Thêm nữa, tôi thấy rằng đã đến lúc gieo hạt. Tôi nhân đôi đủ để mình có thể chừa ra một góc nho nhỏ. Tôi có 12 củ khoai tây để trồng.
Tôi đúng là thằng khốn may mắn vì chúng không bị ướp lạnh và làm khô hoặc bị đóng gói. Vì sao NASA lại gửi 12 củ khoai tây nguyên vẹn, để trong tủ lạnh chứ không đông đá chúng? Và vì sao gửi chúng cùng chuyến với chúng tôi trong thùng hàng có áp suất thay vì gửi riêng trong sọt cùng những vật dữ trữ cho căn Hab? Bởi vì lễ Tạ Ơn sẽ xảy ra trong thời điểm chúng tôi làm nhiệm vụ trên bề mặt, và đám bác sĩ tâm lý ở NASA nghĩ rằng nấu một bữa ăn chung là chuyện tốt. Không phải chỉ ăn thôi, mà còn phải nấu nữa. Có lẽ có logic nào trong đó, nhưng ai thèm quan tâm chứ?
Tôi cắt củ khoai thành 4 miếng, đảm bảo rằng mỗi miếng phải có ít nhất 2 mắt. Mắt khoai là nơi chúng nảy mầm. Tôi cho chúng ngồi chơi xơi nước vài giờ đồng hồ để chúng cứng lại, rồi tôi trồng chúng, cách khoảng rộng rãi, trong góc. Ơn Trời thương giúp, khoai nhỏ chúng mày ơi. Cuộc đời của tao trông chờ vào mày.
Bình thường, phải mất 90 ngày để có được khoai lớn hết cỡ. Nhưng tôi không thể chờ đợi lâu vậy. Tôi cần cắt hết đống khoai từ vụ mùa này để gieo trồng trong phần đất ruộng còn lại.
Bằng cách chỉnh căn Hab đến mức nhiệt độ dễ chịu ở 25,5 C, đám cây này sẽ mọc nhanh hơn. Còn nữa, đèn đuốc bên trong sẽ cung cấp rất nhiều “ánh sáng mặt trời” và tôi sẽ đảm bảo để chúng có nhiều nước (khi tôi tìm ra chỗ để lấy nước). Sẽ chẳng có thời tiết tồi tệ, hay ký sinh trùng làm phiền chúng, hay đám cỏ dại tranh giành đất và các chất dinh dưỡng với chúng. Với tất cả mọi thứ thuận lợi, chúng sẽ mọc những thân củ khỏe mạnh có thể mọc thành cây mới trong vòng 40 ngày.
Tôi kết luận làm anh Nông dân Mark nhiêu đó là đủ trong một ngày rồi.
Một bữa ăn toàn phần cho tối nay. Tôi xứng đáng được. Cộng thêm chuyện tôi đã đốt cả mớ calories và tôi muốn thu hồi chúng lại.
Tôi lục lọi đồ đạc của Chỉ huy Lewis cho đến khi tìm thấy thẻ nhớ cá nhân của cô ấy. Mỗi người đều được đem theo bất cứ món giải trí kỹ thuật số nào họ muốn, và tôi chán ngấy chuyện nghe mấy album Beatles của Johanssen quá rồi. Đến lúc xem coi Lewis có gì nào.
Mấy chương trình TV dở ẹc. Đó là thứ cô ấy có. Hàng hà sa số không thể đếm nỗi toàn tập các chương trình TV từ đời nảo đời nào.
Thôi. Ăn mày thì không được lựa chọn. “Three’s Company” vậy.
Nhật trình: Sol 29
Trong mấy ngày vừa qua, tôi đem hết đống đất cát mình cần vào trong. Tôi sửa sang cho mấy chiếc bàn và giường tầng để chúng có thể chịu đựng trọng lượng của đất, và tôi còn đem đất vào đó nữa. Vẫn không có nước để giúp chúng sống được, nhưng tôi có vài sáng kiến. Sáng kiến thật sự tồi tệ, nhưng chúng vẫn là sáng kiến.
Thành tựu lớn nhất trong ngày là dựng mấy chiếc lều bật lên.
Vấn đề với những chiếc lều bật của con rover này là chúng không được thiết kế để sử dụng thường xuyên.
Cách dùng thông thường là bạn bật lều lên, chui vào, và đợi cứu hộ. Cửa khóa khí chẳng qua chỉ là mấy cái van và hai cánh cửa. Làm cân bằng lượng khí với bên cửa của vị trí của bạn, chui vào, rồi làm cân bằng lượng khí với cửa bên kia, chui ra. Điều này có nghĩa rằng bạn sẽ mất rất nhiều khí cho mỗi lần sử dụng. Và tôi cần ra vào ít nhất một lần một ngày. Thể tích toàn bộ của mỗi chiếc lều đều rất nhỏ, cho nên tôi không thể nào để mất khí thoát ra từ chúng được.
Tôi dành *cả mấy giờ đồng hồ* cố tìm cách làm thế nào gắn liền cửa khóa khí của căn lều với cái bên căn Hab. Tôi có ba cửa khóa khí bên căn Hab. Tôi chấp nhận dùng hai cái để nối với lều bật. Nếu được vậy thì thật tuyệt.
Phần đau đầu chính là cửa khóa khí của lều bật *có thể* được gắn với những cửa khóa khí khác! Có thể có người bị thương trong ấy, hoặc không đủ đồ phi hành. Bạn cần có khả năng đưa mọi người ra ngoài mà không để họ bị phơi thân ra giữa bầu khí quyển của sao Hỏa.
Nhưng những chiếc lều bật này được thiết kể để phi hành đoàn dùng những chiếc *rover* đến đón bạn. Cửa khóa khí của căn Hab to hơn rất nhiều và hoàn toàn khác hẳn cửa khóa khí trên xe rover. Nếu bạn suy nghĩ một chút, bạn sẽ thấy thật sự không có lý do gì để phải nối lều bật vào căn Hab cả.
Trừ khi bạn bị mắc kẹt lại trên sao Hỏa và ai cũng nghĩ bạn đã đi đời nhà ma và bạn đang chiến đấu đến tuyệt vọng với thời gian và môi trường để tìm cách sống tồn. Nhưng, trừ tình huống gay go này thì chẳng có lý do nào cả.
Thế nên, cuối cùng thì tôi đành chịu trận. Tôi sẽ mất một lượng khí mỗi khi tôi ra vào lều bật. Tin tốt là mỗi căn lều đều có ống van để truyền khí từ bên ngoài, và bạn có thể cung cấp khí cho chiếc rover bằng cách nối một ống khí vào đó. Nó cũng chỉ là một cái ống dẫn có khả năng cân bằng lượng khí trong rover và lều bật mà thôi.
Căn Hab và xe rover đều dùng cùng một chuẩn van, nên tôi có thể nối chúng trực tiếp với nhau. Nó sẽ tự động làm đầy nguồn khí bị thoát ra mỗi khi tôi ra vào (cái này đám NASA gọi nó là luồng ra và luồng vào).
NASA chẳng xuề xòa với mấy chiếc lều khẩn cấp này đâu nhé. Ngay lúc tôi bấm nút báo động trong chiếc rover, lập tức có một tiếng vút chói tai bắn ra từ chiếc lều đang tự bung ra, gắn liền vào cửa khóa khí của rover. Chỉ mất chừng hai giây.
Tôi đóng cửa khóa khí bên phía chiếc rover và thế là tôi sẽ ở bên trong một căn lều cô lập, dễ chịu. Thiết lập vòi khí để cân bằng cũng không đáng kể gì (một lần duy nhất tôi dùng các thiết bị theo đúng hướng dẫn sử dụng). Rồi sau vài chuyến ra vào cửa khóa khí (lượng khí bị mất đi lập tức được căn Hab cân bằng lại), tôi đem đống đất cát vào trong.
Tôi lập lại trình tự y chang cho chiếc lều kia. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ dễ dàng.
Thở dài… nước.
Thời trung học, tôi rất hay chơi trò Dungeons & Dragons (Hang động & Rồng). (Có lẽ bạn không đoán ra nhà thực vật học kiêm kỹ sư cơ khí này cũng khá là một mọt nerd trong thời trung học, nhưng thật sự tôi thế đó). Trong trò chơi, tôi đóng vai một Giáo sĩ. Một trong những ma thuật tôi có thể làm phép là “Tạo nước”. Lúc nào tôi cũng nghĩ đó là lời chú ngu xuẩn, vì chẳng bao giờ có dịp dùng nó. Ôi giờ thì tôi muốn đánh đổi mọi thứ chỉ để được dùng lời chú đó trong đời thực đây này.
Nhưng thôi. Đó là vấn đề của ngày mai.
Còn đêm nay, tôi phải xem tiếp “Three’s Company.” Hôm qua dừng lại giữa chừng ở tập ông Roper nhìn thấy cái gì ấy và ông ấy hiểu nhầm và làm ầm ĩ cả lên.
Nhật trình: Sol 30
Tôi có một kế hoạch nguy hiểm đến là ngu ngốc để lấy lượng nước mình cần. Tôi nói *nguy hiểm* thật đấy nhá. Nhưng tôi không có nhiều chọn lựa. Tôi đã hết ý tưởng và trong vài ngày sắp tới tôi phải nhân đôi số lượng đất của mình. Khi làm việc nhân đôi lần cuối, tức là khi phải nhân đôi số đất cát tôi mới đem vào. Nếu tôi không tưới nước cho chúng ẩm ướt trước, chúng sẽ chết ngay thôi.
Trên sao Hỏa này chẳng có nhiều nước. Ở hai cực có băng, nhưng xa xôi quá. Nếu tôi muốn có nước tôi phải tạo chúng ra từ các nguyên tố cơ bản. May thay, tôi biết công thức: Lấy hydrô. Thêm ôxy. Đốt.
Để giải quyết chúng từng cái một thôi nào. Bắt đầu với ôxy.
Tôi có kha khá lượng O2 dự trữ, nhưng không đủ để tạo ra 250 lít nước. Hai thùng áp suất cao ở cuối căn Hab là tất cả lượng dự trữ của tôi (đương nhiên tính cả không khí trong căn Hab nữa). Mỗi thùng chứ 25 lít O2 lỏng. Căn Hab chỉ dùng chúng khi khẩn cấp; chúng có máy lọc ôxy để trung hòa bầu không khí. Thùng O2 được đặt ở đây là để cung cấp nguồn khí cho mấy bộ đồ phi hành gia và con rover.
Dù thế nào thì, lượng ôxy dự trữ cũng chỉ đủ để tạo ra 100 lít nước (50 lít O2 tạo ra một 100 lít phân tử mà mỗi phân tử có một nguyên tố O). Vậy có nghĩa là tôi không thể có chuyến EVA nào, và không có gì dự trữ phòng hờ. Và nó chỉ tạo ra một nửa lượng nước tôi cần. Chuyện này miễn bàn đi.
Nhưng tìm kiếm ôxy trên sao Hỏa dễ dàng hơn bạn nghĩ. Khí quyển ở đây có đến 98% là CO2. Và tôi tình cờ có được một cái máy mà lẽ sống duy nhất của nó là giải phóng ôxy từ CO2. Yay máy lọc ôxy!
Một vấn đề thôi: Khí quyển rất mỏng. Chỉ bằng 1/90 áp suất của Trái đất. Nên rất khó mà thu gom chúng lại. Đem khí từ bên ngoài vào trong gần như là chuyện không thể. Mục đích của căn Hab là giữ không cho những chuyện như thế xảy ra. Lượng khí cỏn con từ khí quyển sao Hỏa lọt vào được khi tôi dùng cửa khóa khí thì thật nực cười.
Và đây là lúc máy năng lượng của chiếc MAV phát huy tác dụng.
Các đồng đội của tôi đã đem chiếc MAV đi từ mấy tuần trước. Nhưng phần dưới của nó vẫn còn lại đây. NASA không có thói quen vứt rác rến không cần thiết vào quỹ đạo. Họ để lại thiết bị hạ cánh, đường băng đi vào, và máy tạo năng lượng. Còn nhớ MAV tạo năng lượng nhờ sự trợ giúp của khí quyển sao Hỏa ra sao không? Bước một là thu gom CO2 và trữ chúng trong thùng áp suất cao. Khi tôi kết nối nó vào nguồn điện của căn Hab, nó sẽ cho tôi nửa lít CO2 lỏng mỗi giờ, vô hạn định. Sau 5 ngày là nó sẽ tạo được 125 lít CO2, tức có thể tạo 120 lít O2 sau khi tôi cho nó đi qua máy lọc ôxy.
Nhiêu đó vừa đủ để tạo ra 250 lít nước. Thế nên tôi có kế hoạch để lấy ôxy rồi.
Hydrô thì khó khăn hơn một chút.
Tôi cân nhắc xem có nên cướp bóc từ đống pin năng lượng hydrô, nhưng tôi cần số pin đó để duy trì điện đuốc buổi tối. Nếu không có chúng thì nhiệt độ sẽ lạnh lắm. Tôi có thể mặc thêm áo vào, nhưng cái lạnh sẽ giết chết đám cây trồng của tôi. Dù sao thì mỗi cục pin chỉ có một lượng H2 nho nhỏ thôi. Chúng chẳng đáng phải hy sinh nhiều thứ hữu dụng như thế chỉ để đổi lại chút lợi ích tí ti. Một thứ duy nhất tôi có lợi thế đó là năng lượng không phải là vấn đề. Tôi không muốn từ bỏ chuyện đó.
Vậy nên tôi phải đi đường khác.
Tôi thường hay nói về chiếc MAV. Nhưng giờ tôi muốn nói về chiếc MDV.
Trong suốt 23 phút kinh hãi nhất đời mình, bốn người đồng đội và tôi cố gắng không tè cả ra quần khi Martinez điều khiển chiếc MDV đáp xuống bề mặt. Cảm giác đó giống như ở trong chiếc máy sấy khô quay mòng mòng.
Trước hết, chúng tôi giảm độ cao từ Hermes, và giảm vận tốc quỹ đạo để có thể bắt đầu rơi một cách đường hoàng. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến khi chúng tôi đi vào khí quyển. Nếu bạn nghĩ những nhiễu loạn trên không khi đi bằng máy bay phản lực với vận tốc 720 km/giờ là gay go, thử tưởng tượng khi đi với vận tốc 28.000 km/giờ xem nào.
Những chiếc dù tự động bật ra trong nhiều chặng để giúp làm chậm lại giai đoạn hạ cánh của chúng tôi, rồi Martinez tự lái tàu để đưa chúng tôi đáp đất, dùng thiết bị đẩy lực để chầm chậm đi xuống và điều khiển con tàu di chuyển theo chiều ngang. Cậu ấy được huấn luyện thao tác này suốt mấy năm ròng, và thực hiện chúng xuất sắc phi thường. Cậu vượt cả mọi sự mong đợi hợp lý về việc đáp tàu, đưa chúng tôi đến vị trí cách đích đến chỉ vỏn vẹn chín mét. Cậu này đã hoàn toàn làm chủ việc hạ cánh này.
Cảm ơn, Martinez! Có lẽ cậu vừa cứu sống mình đây!
Không phải vì cú hạ cánh hoàn hảo, nhưng vì cậu ấy đã để lại rất nhiều năng lượng. Hàng trăm lít Hydrazine chưa dùng đến. Mỗi phân tử hydrazine có bốn nguyên tử hydrô. Cho nên mỗi lít hydrazine đủ để tạo ra *hai* lít nước.
Hôm nay tôi làm một chuyến EVA ngắn ngủi để kiểm tra. Chiếc MDV còn 292 lít năng lượng trong thùng chứa. Đủ để tạo gần 600 lít nước! Thật rất nhiều hơn so với lượng tôi cần!
Chỉ một hạn chế thôi: Giải phóng hydrô khỏi hydrazine thì… à là… hỏa tiễn hoạt động như thế đó. Nó rất là, rất là nóng. Và nguy hiểm nữa. Nếu tôi làm việc này trong khí quyển đầy ôxy, sức nóng và đám hydrô mới thoát ra sẽ nổ tung. Khi ấy sẽ có rất nhiều H2O, nhưng tôi sẽ ngủm mất tiêu chứ không còn ở đó mà dùng chúng được.
Xem xét tận gốc rễ thì hydrazine khá đơn giản. Người Đức từng dùng chúng thời xửa xưa trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai cho năng lượng máy bay chiến đấu có gắn tên lửa (và thỉnh thoảng dùng chúng để tự thổi bay đầu mình đi).
Bạn chỉ cần làm mỗi việc là cho chúng chạy qua một chất xúc tác (thứ này thì tôi có thể chiết ra từ động cơ của chiếc MDV) và nó sẽ chuyển hóa nitơ thành hydrô. Tôi sẽ không bắt bạn làm bài tập hóa ở đây, nhưng kết quả cuối cùng 5 phân tử hydrazine sẽ trở thành 5 phân tử N2 vô hại và 10 phân tử H2 đáng yêu. Trong suốt quá trình, nó sẽ trải qua bước trung gian là trở thành dung dịch ammonia. Hóa học, như bản chất chó chết của nó, sẽ đảm bảo có vài phân tử ammonia không phản ứng với hydrazine, và cứ thế mà ở lại làm ammonia thôi. Bạn thích mùi hương ammonia chứ? Thôi thì nó cũng sẽ trở nên thịnh hành trong sự tồn tại đang ngày càng tối tăm của tôi.
Hóa học đang về phía phe tôi. Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để thật sự chuỗi phản ứng này diễn ra chậm chạp và làm thế nào để thu hồi số hydrô? Câu trả lời là: Tôi không biết.
Tôi cho rằng mình sẽ nghĩ ra điều gì đó. Hoặc chết.
Dù sao đi nữa, chuyện quan trọng hơn hết: Đơn giản là tôi không thể chịu đựng chuyện Cindy thay thế Chrissie. “Three’s Company” sẽ không bao giờ trở lại như ban đầu được nửa. Chỉ thời gian mới có câu trả lời.