Chương 4
Nhật trình: Sol 32
Và rồi tôi gặp phải cả đống rắc rối với dự án nước của mình.
Ý tưởng của tôi là tạo ra 600 lít nước (do bị hạn chế bởi lượng hydrô tôi có thể lọc từ chất hydrazine N2H4). Có nghĩa là tôi sẽ cần 300 lít ôxy lỏng.
Tôi có thể dễ dàng chế tạo ôxy. Mất chừng 20 giờ để máy tạo năng lượng của chiếc MAV lấp khí CO2 đầy thùng chứa kích cỡ 10L. Máy lọc ôxy có thể chuyển hóa chúng thành O2, rồi máy điều chỉnh khí quyển sẽ thấy lượng O2 trong căn Hab quá cao và tự động hút chúng ra và trữ lại trong thùng chứa O2. Thùng chứa sẽ đầy, thế rồi tôi sẽ phải chuyển O2 qua thùng chứa bên chiếc rover và thậm chí là dùng cả thùng chứa khí của bộ đồ phi hành gia nếu cần.
Nhưng tôi không thể chế tạo chúng nhanh chóng được. Với tốc độ ½ lít CO2 một giờ, mất chừng 25 ngày mới có đủ lượng ôxy tôi cần. Khoảng thời gian đó chậm hơn tôi muốn.
Tôi cân nhắc chuyện dùng một trong những chiếc rover như một thùng chứa. Chắc chắn nó đủ lớn, nhưng nó không được thiết kế để chịu đựng áp suất lớn vậy. Nó được làm để chứa (bạn đoán thử xem) 1 atm (đơn vị áp suất atmosphere). Tôi cần mấy cái thùng có thể chịu đựng áp suất gấp 50 lần hạn mức đó. Tôi chắc rằng chiếc rover sẽ nổ tung.
Cách tốt nhất để dự trữ thành phần tạo nước chính là tạo chúng thành nước. Cho nên đó là điều tôi sẽ làm.
Khái niệm nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện nó sẽ là điều nguy hiểm khôn tả.
Mỗi 20 giờ, tôi sẽ có 10 lít CO2 nhờ vào máy năng lượng của chiếc MAV. Tôi sẽ dẫn cho nó thoát khí vào căn Hab bằng cách thức cực kỳ khoa học: gỡ thùng chứa từ thanh chống hạ cánh của chiếc MAV, đem nó vào căn Hab, mở van cho đến khi khí thoát ra hết.
Máy lọc ôxy sẽ chuyển hóa chúng thành ôxy theo tốc độ riêng của nó.
Rồi, tôi sẽ cho chất hydrazine thoát ra, RẤT TỪ TỪ THÔI, hòa với chất xúc tác iridium, để chuyển hóa nó thành N2 và H2. Tôi sẽ dẫn cho khí hydrô đi trực tiếp vào một khu vực nho nhỏ và đốt chúng.
Bạn thấy đó, kế họach này tạo nhiều cơ hội cho tôi được chết trong một vụ nổ đổ lửa.
Trước hết, hydrazine là chất chết người nghiêm trọng. Nếu tôi mắc phải sai lầm nào, sẽ chẳng còn gì ngoài “Miệng núi lửa Tưởng niệm Mark Watney” ngay vị trí căn Hab đang đứng.
Cho là tôi không phá hỏng việc với mớ hydrazine, thì vẫn còn chuyện đốt hydrô. Tôi sẽ nhóm một ngọn lửa. Trong căn Hab. Có chủ ý.
Nếu bạn hỏi bất kỳ kỹ sư nào của NASA tình huống nào là tồi tệ nhất cho căn Hab, họ đều sẽ trả lời “cháy lửa”. Nếu bạn hỏi kết quả là gì, họ sẽ nói “chết cháy.”
Nhưng nếu tôi thành công, nó sẽ liên tục tạo ra nước mà không cần trữ hydrô hay ôxy. Nó sẽ hòa trong không khí với vai trò độ ẩm, nhưng máy tái tạo nước có thể thu nó về.
Tôi thậm chí còn không cần phải kết nối đầu hydrazine với đầu CO2 của máy năng lượng một cách hoàn hảo gì cả. Trong căn Hab có rất nhiều ôxy, và càng nhiều hơn trong nguồn dự trữ. Tôi chỉ cần phải chắc chắn để không tạo ra quá nhiều nước đến nỗi dùng hết lượng O2 của mình.
Tôi nối máy năng lượng của chiếc MAV vào nguồn điện của căn Hab. May sao chúng cùng điện áp với nhau. Chúng cứ thế mà bình bịch chạy, thu về CO2 cho tôi.
Nửa khẩu phần cho bữa tối. Hôm nay thành tựu của tôi chỉ có mỗi việc nghĩ ra một kế hoạch miễn đừng tự giết mình, và chuyện đó chẳng tốn nhiều năng lượng lắm.
Tối nay tôi sẽ xem hết phần cuối của bộ “Three’s Company.” Tôi thích ông Furley hơn người nhà Ropers.
Nhật trình: Sol 33
Đây có thể là nhật trình cuối cùng của tôi.
Từ ngày Sol 6 là tôi đã biết có xác suất cao rằng mình sẽ chết ở đây. Nhưng tôi ước chừng đó sẽ là khi tôi hết thức ăn. Tôi không nghĩ sẽ toi đời sớm như thế này.
Tôi sắp sửa cho hệ thống hydrazine hoạt động.
Phi vụ của chúng tôi được chuẩn bị với hiểu biết rõ ràng rằng bất cứ thứ gì cũng cần bảo trì, cho nên tôi có rất nhiều đồ nghề. Ngay cả khi mặc áo phi hành, tôi cũng có thể mò mẫm vượt qua cửa vào của chiếc MDV và lấy ra sáu thùng hydrazine. Tôi để chúng trong khu râm mát của chiếc rover để chúng khỏi bị nóng lên quá mức. Gần căn Hab có nhiều bóng râm và nhiệt độ mát mẻ hơn, nhưng kệ mẹ nó chứ. Nếu chúng phải nổ tung, thì chúng có thể nổ tung trong chiếc rover, chứ không phải trong nhà tôi.
Rồi tôi táy máy lấy mở ra được hộp phản ứng. Cũng mất khá nhiều công sức và tôi phải làm vỡ cái đồ quỷ sứ ấy ra làm hai, nhưng rồi tôi cũng lấy được nó ra. May cho tôi là tôi không cần một phản ứng năng lượng đúng nghĩa. Thật ra, tôi thật sự, rất rất rất không muốn có một phản ưng năng lượng đúng nghĩa.
Tôi đem hết đống hydrazine và hộp phản ứng vào trong. Tôi thoáng cân nhắc chỉ nên dùng từng thùng một để giảm rủi ro. Nhưng mấy bài tính toán viết trên miếng khăn giấy nhắc tôi nhớ rằng chỉ cần một thùng thôi cũng đủ nổ tanh bành căn Hab, vậy thì sao lại không đem hết chúng vô?
Mấy thùng này có van thoát khí bằng tay. Tôi không chắc 100% chúng dùng để làm gì. Rõ ràng họ chẳng có dự định gì cho chúng tôi dùng đến chúng. Tôi nghĩ chúng dùng để nhả bớt áp suất trong vô vàn các quá trình kiểm tra chất lượng suốt thời gian chúng được chế tạo và trước khi được đổ đầy nhiên liệu vào. Dù lý do là gì đi nữa, tôi cũng có van để dùng. Và chỉ cần một cái chìa vặn đai ốc là mở được ngay.
Tôi cho lượng nước dư thoát ra từ ống của máy tái tạo nước. Với vài con đinh ốc tháo ra từ bộ đồng phục (Xin lỗi nhé, Johanssen), tôi gắn nó vào van cho chiều ra. Hydrazine là chất lỏng, cho nên tôi chỉ việc dẫn nó đến hộp phản ứng (bây giờ nói đúng hơn là “cái tô phản ứng”).
Trong khi đó, máy năng lượng của chiếc MAV vẫn hoạt động, tôi đã đem vào một thùng CO2, cho nó thoát khí, và đem nó trở ra để đổ đầy lại.
Chẳng còn lý do nào để trì hoãn nữa. Đã đến giờ làm nước.
Nếu bạn tìm thấy những phần thi thể cháy đen thui trong căn Hab, điều đó có nghĩa là tôi đã làm sai chỗ nào đó. Tôi copy quyển nhật trình này vào cả hai chiếc rover để nó có cơ hội sống sót cao hơn.
Xem mọi chuyện thành công cốc đây.
Nhật trình: Sol 33 (2)
Ôi này, tôi chưa chết.
Điều tôi làm đầu tiên là mặc vào phần áo lót bên trong cho bộ đồ EVA của mình. Không phải phần lộm cộm bên ngoài, chỉ phần áo bên mặc bên dưới lớp áo ngoài mà thôi, bao gồm cả bao tay và bao chân. Rồi tôi lấy mặt nạ ôxy từ đống vật dụng y khoa và vài chiếc kính bảo hộ trong thùng đồ nghề hóa học của Vogel. Hầu như cả cơ thể tôi đều được bảo vệ và tôi sẽ hít thở từ không khí trong lon.
Vì sao? Vì hydrazine
rất độc hại. Nếu tôi hít quá nhiều phổi tôi sẽ gặp rắc rối to. Nếu tôi để nó dính vào da, tôi sẽ bị bỏng hóa học cho đến hết cuộc đời. Tôi chẳng dại gì mà thử.
Tôi mở van cho đến khi một dòng hydrazine nho nhỏ nhiểu ra. Tôi để một giọt rơi vào tô iridium.
Nó xèo xèo một cách vô vị rồi biến mất.
Nhưng này, đó là điều tôi muốn. Tôi đang giải thoát đám hydrô và nitơ. Yay!
Một thứ tôi có rất nhiều là bao bị. Nó chẳng khác mấy bao rác dùng trong bếp là mấy, mặc dù tôi chắc rằng nó ngốn mất chừng $50.000 chỉ vì NASA thôi.
Ngoài việc làm chỉ huy của chúng tôi, Lewis còn là nhà địa chất. Cô định sẽ thu thập những mẫu đá và sỏi từ khắp vùng hoạt động (trong bán kính 10 km). Giới hạn trọng lượng kiểm soát khối lượng cô thật sự có thể mang theo, nên cô định thu thập trước, rồi phân loại 50 kg thú vị nhất để đem về. Đống bao bị này dùng để trữ và đánh dấu những mẫu vật ấy. Vài bao nhỏ hơn bao nhựa hiệu Ziploc, còn vài bao khác thì to như bao đựng rác hay lá khô hiệu Hefty.
Ngoài ra, tôi còn có băng keo đa dụng (duct tape). Loại thường thôi, như bạn có thể mua ở mấy tiệm bán đồ ngũ kim. Hóa ra ngay cả NASA cũng chẳng thể cải tiến băng keo đa dụng được.
Tôi cắt vài bao cỡ Hefty và dán chúng lại để làm cái lều sơ sài. Thật sự nó đúng hơn chỉ là một cái bao to đùng. Tôi có thể phủ trùm cả cái bàn nơi thiết bị Hydrazine của nhà khoa học điên được dàn dựng. Tôi để vài thứ lặt vặt trên bàn để giữ cho phần bao nhựa không rơi vào tô iridium. Ơn trời, mấy bao này trong suốt, nên tôi có thể nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra.
Tiếp theo, tôi hiến tế một bộ áo phi hành gia cho công cuộc. Tôi cần một vòi khí. Xét cho cùng, tôi có dư áo phi hành. Bảy áo tất cả; mỗi phi hành gia được một bộ và dư ra một bộ. Cho nên tôi không ngại chuyện phải sát hại một trong số chúng nó.
Tôi cắt một lỗ phía trên cùng của bao nhựa và dùng băng keo đa dụng dán vòi vào đó. Xi dán tuyệt chứ, tôi nghĩ vậy.
Dùng vài sợi chỉ từ quần áo của Johansen, tôi treo đầu vòi kia lên tuốt đỉnh căn Hab bằng hai con ren góc (để giữ cho chúng xa khỏi lối ra của vòi). Bây giờ tôi có một ống khói be bé. Cái vòi có đường kính chừng bên ngoài 1 cm. Hy vọng độ mở rộng bên trong cũng tốt.
Hydrô sẽ nóng sau chuỗi phản ứng, và nó sẽ muốn bay lên trên. Cho nên tôi sẽ để nó bay lên từ ống khói, và đốt nó khi nó đi ra.
Rồi tôi phải phát minh ra lửa.
NASA bỏ nhiều công sức để đảm bảo không thứ gì trong này có thể cháy được. Tất cả mọi thứ đều làm bằng kim loại hoặc nhựa chống cháy và các bộ đồng phục đều là vật liệu tổng hợp. Tôi cần thứ gì đó có thể giữ lửa, một loại ánh sáng hoa tiêu nào đó. Tôi không có kỹ năng đẩy đủ lượng H2 bồi vào ngọn lửa mà không tự giết mình. Ranh giới ở đây quá mong manh.
Sau khi lục lọi vật dụng cá nhân của mọi người (này, nếu họ muốn quyền riêng tư, thì họ đã không nên bỏ tôi lại một mình trên sao Hỏa với đống đồ đạc của họ) tôi tìm thấy câu trả lời của mình.
Martinez là một con chiên ngoan đạo. Tôi đã biết điều đó. Nhưng cái tôi không biết là cậu đem theo một thánh giá gỗ nhỏ. Tôi chắc rằng NASA đã làm ầm ĩ với cậu về chuyện này, nhưng tôi cũng biết Martinez là một tên khốn cứng đầu cứng cổ.
Tôi dùng một cái kìm và một chìa vít để bào món vật thiêng liêng của cậu thành những mảnh gỗ vụn. Tôi kết luận rằng nếu có Thiên Chúa, Ngài sẽ không thấy phiền lòng sau khi cân nhắc hoàn cảnh mà tôi đang mắc phải.
Phá hủy biểu tượng tôn giáo duy nhất làm cho tôi dễ dàng bị tổn thương bởi đám Ma cà rồng sao Hỏa. Tôi phải đánh liều thôi.
Có rất nhiều dây điện và pin để phát lửa. Nhưng bạn không thể làm gỗ bắt lửa chỉ bằng tia lửa điện. Nên tôi tìm vài vòng vỏ cây cọ cây dừa trong vùng, rồi thêm vài nhánh cây và cọ sát chúng vào nhau cho đến khi đủ ma sát để…
Không, không phải vậy. Tôi mở lỗ thông khí ôxy nguyên chất vào nhánh gỗ và bắt lửa. Đồ chết dẫm này phát sáng như một que diêm.
Với ngọn đuốc mini trong tay, tôi bắt đầu một dòng chảy hydrazine chầm chậm. Nó xì xèo trên chất iridium rồi biến mất. Chẳng mấy chốc tôi có ngọn lửa ngắn ngủi vọt ra từ ống khói.
Điều chính yếu tôi thật sự để tâm chính là nhiệt độ. Hydrazine phân hủy tỏa nhiệt cực cao. Nên tôi chỉ làm từng chút một, liên tục quan sát số đo từ nhiệt kế mà tôi đã đính vào hộp iridium.
Điểm cốt yếu là, quy trình này thành công!
Mỗi thùng hydrazine chứa hơn 50 lít một tí, nhiêu đó đủ để tạo ra 100 lít nước. Tôi bị giới hạn bởi lượng sản xuất ôxy của mình, nhưng bây giờ tôi thật kích động làm sao, tôi sẵn sàng dùng nửa lượng dự trữ của mình. Nói ngắn gọn, tôi sẽ dừng lại khi thùng chứa đầy phân nửa, và khi đó tôi sẽ có 50 lít nước!
Nhật trình: Sol 34
Ôi quá trình đó mất quá nhiều thời gian. Tôi đã làm việc suốt cả đêm với mớ hydrazine. Nhưng cũng đã xong việc.
Tôi đã có thể hoàn thành sớm hơn, nhưng tôi cho rằng cẩn thận là tốt nhất khi nhóm lửa vào đống năng lượng hỏa tiễn trong một không gian bị đóng kín.
Eo ôi cái chỗ này cứ như rừng nhiệt đới ấy, tôi nói bạn biết.
Gần 30 độ C trong này, và ẩm ướt như địa ngục ấy. Tôi vừa tống cả mớ nhiệt và 50 lít nước vô bầu không khí.
Trong quá trình này, căn Hab phải làm mẹ của một đứa trẻ chập chững bừa bãi. Nó đã thay thế lượng ôxy tôi dùng rồi, và máy tái tạo nước cố giữ độ ẩm thấp xuống mức ôn hòa. Nhưng chẳng có gì để xử lý mớ nhiệt lượng này. Thật ra không có máy điều hòa trong căn Hab. Sao Hỏa lạnh. Bỏ bớt hơi nóng không phải là thứ chúng tôi đã nghĩ mình sẽ phải đối mặt.
Bây giờ tôi đã quen với việc máy còi báo động lúc nào cũng kêu inh ỏi. Kèng báo lửa cuối cùng cũng im mồm, vì giờ thì không còn lửa cháy nữa. Chuông báo hiệu lượng ôxy xuống thấp cũng sớm sẽ dừng lại thôi. Còi báo độ ẩm quá cao sẽ phải mất thêm ít thời gian. Máy tái tạo nước hôm nay đã có đủ việc được phân công.
Trong chốc lát, lại có thêm một kèng báo hiệu khác. Thùng chứa trong máy tái tạo nước đã đầy. Ôi chao! Đó mới là loại rắc rối mà tôi muốn có!
Còn nhớ bộ đồ phi hành mà tôi cố ý phá hoại hôm qua không? Tôi treo nó trên giá và khệ nệ khiêng vài xô nước từ máy tái tạo nước đến chỗ nó. Nó có thể chứa 1 atm khí trong đó. Như vậy nó cũng có thể chứa vài xô nước.
Mèn ơi tôi mệt. Thức suốt cả đêm rồi đã đến giờ đi ngủ. Nhưng tôi sẽ đi vào vùng đất mơ màng trong tâm trạng tốt nhất từ hồi Sol 6 đến giờ.
Mọi chuyện đều thuận lợi cho tôi. Thật ra, mọi chuyện thật tuyệt vời! Cuối cùng thì tôi cũng có cơ hội sống sót!
Nhật trình: Sol 37
Tiêu mẹ đời tôi và tôi sẽ chết mất!
Ok, bình tĩnh lại đã. Tôi chắc mình sẽ vượt qua được vụ này.
Tôi đang viết nhật trình này cho bạn, nhà khảo cổ sao Hỏa tương lai thân mến, từ Rover 2. Bạn sẽ tự hỏi vì sao ngay lúc này đây tôi không ở trong căn Hab. Vì tôi đã bỏ trốn trong cơn hoảng sợ, đó là lý do! Và tôi không chắc việc tiếp theo cần làm là cái con mẹ gì nữa.
Có lẽ tôi nên giải thích chuyện gì đã xảy ra. Nếu đây là nhật trình cuối cùng của tôi, ít ra bạn cũng biết lý do.
Mấy ngày vừa qua, tôi đã vui vẻ tạo nước. Mọi chuyện đều thông đồng bén giọt. (Thấy tôi ghi gì không? “bén giọt”)
Tôi còn nâng cấp máy nén năng của chiếc MAV. Cũng rất kỹ thuật nhé (tôi tăng dòng điện áp đến máy bơm lên). Thế nên giờ tôi tạo nước càng nhanh hơn nữa.
Sau lần thu hoạch đầu với 50 lít, tôi quyết định an phận chút và chỉ tạo nước theo tốc độ nhận O2 của mình. Tôi không muốn xuống còn ít hơn 25 lít khí dự trữ. Nên khi nó xuống quá thấp, tôi ngừng việc chơi hydrazine đến khi lượng O2 được đong đầy trên hẳn mức 25 lít.
Ghi chú quan trọng: Khi tôi nói tôi tạo 50 lít nước, đó chỉ là một giả định. Tôi đã không *lấy về* được 50 lít nước. Khối đất tôi đem vào căn Hab cực kì khô cằn và chúng tham lam hút lấy hút để rất nhiều độ ẩm. Dù sao đó cũng là chỗ tôi muốn đống nước này quy về, nên tôi cũng không lo lắng, và tôi không ngạc nhiên khi máy tái tạo nước chẳng thu về số lượng nước gần mức 50 lít gì cả.
Tôi có được 10 lít CO2 mỗi 15 giờ đồng hồ sau khi “tân trang” máy bơm. Tôi đã thực hiện quy trình này bốn lần. Bài tính của mình cho tôi biết, bao gồm cả 50 lít nước thu hoạch ban đầu, đáng lý tôi nên có 130 lít thêm vào hệ thống nữa.
À thì bài toán của tôi là thằng gian dối chết tiệt!
Tôi chỉ thu thêm 70 lít về máy điều hòa nước và trong áo phi hành kiêm thùng nước. Có rất nhiều nước cô đọng lại trên tường và trên mái vòm, và đất cũng hấp thụ một phần không nhỏ. Nhưng cộng đi cộng lại cũng chẳng thể là 60 lít nước mất tích. Có chỗ nào sai bét rồi.
Đó là khi tôi chú ý thấy thùng O2 kia.
Căn Hab có hai thùng dự trữ O2. Mỗi thùng nằm ở một đầu của tòa kiến trúc, vì lý do an toàn. Căn Hab có thể tự quyết định coi nó muốn dùng từ thùng nào bất cứ khi nào nó muốn. Thì ra từ đó đến giờ nó đổ đầy vào không khí từ Thùng 1. Nhưng khi tôi thêm O2 vào hệ thống (thông qua máy lọc ôxy), căn Hab chia đều lượng khí với cả hai thùng. Thùng 2 đã từ từ có thêm ôxy.
Đó không phải là vấn đề, chúng chỉ làm việc của mình thôi. Nhưng điều đó có nghĩa rằng tôi đã có thêm O2 trong thời gian qua. Tức là tôi đã không tiêu thụ chúng nhanh như tôi tưởng.
Ban đầu, tôi nghĩ “Yay! Có thêm ôxy! Giờ thì mình cò thể tạo nước nhanh hơn!” Nhưng một ý nghĩ càng đáng ngại hơn nảy ra trong đầu tôi.
Theo lý luận logic của tôi này: Tôi có thêm O2. Nhưng lượng khí tôi đem từ bên ngoài vào vẫn không đổi. Nên cách duy nhất để “có thêm” chính là nhờ sử dụng ít hơn tôi nghĩ. Nhưng tôi đã làm phản ứng hydrazine với giả định rằng tôi sẽ dùng hết lượng khí ấy.
Cách giải thích duy nhất có thể là tôi đã không đốt hết lượng hydrô thải ra.
Giờ nghĩ lại, quá rõ ràng rồi. Nhưng tôi đã không hề nhận ra rằng một vài nguyên tử hydrô sẽ không bị đốt đi. Chúng bay qua ngọn lửa, và chu du đâu đó. Mẹ kíp, Jim ơi, ta chỉ là nhà thực vật học chứ không phải nhà hóa học!
Hóa học thật lộn xộn, thế nên có mớ hydrô chưa bị đốt bay lang thang trong không khí. Xung quanh tôi. Lẫn trong đám ôxy. Chỉ… nhởn nhơ đó. Chờ cho một tia lửa lập lòe để nó có thể
làm nổ tung căn Hab khốn kiếp này ra!
Một khi tôi đã hiểu ra, và bình tâm trở lại, tôi lấy bao cỡ Ziploc và huơ huơ nó trong không trung một tí, rồi đóng kín nó lại.
Sau đó, tôi làm chuyến EVA nhanh chóng đến con rover, nơi chúng tôi có một máy phân tích khí quyển. Nitơ: 22%. Ôxy: 9%. Hydrô: 64%.
Từ lúc đó đến giờ tôi ẩn nấp trong chiếc rover.
Giờ thì nó là Làng Hydrô trong căn Hab.
Tôi rất may mắn là nó chưa bùm một cái. Ngay cả một luồng điện tĩnh phóng ra cũng có thể dẫn đến “Ôi trời nhân loại ơi!”
Cho nên, tôi ở đây trong Rover 2. Nhiều lắm thì, tôi có thể ở đây chừng một hai ngày, trước khi máy lọc CO2 từ chiếc rover và áo phi hành của tôi hết hạn. Tôi có ngần ấy thời gian để tìm cách giải quyết vụ này.
Căn Hab giờ là một trái bom.