Chương 5
Nhật trình: Sol 38
Tôi vẫn còn trốn chui trốn nhủi trong chiếc rover, nhưng tôi đã có nhiều thời gian suy nghĩ. Và tôi biết làm cách nào để giải quyết mớ hydrô.
Tôi nghĩ đến máy điều hòa khí quyển. Nó để tâm đến chuyện có thứ gì trong không khí và cân bằng chúng. Đó là cách mà lượng O2 dư ra do tôi nhập vào đã được cho vào thùng trữ. Vấn đề là, nó không được chế tạo ra để hút hydrô ra khỏi bầu không khí.
Máy điều hòa dùng kỹ thuật đóng băng – tách biệt để phân chia các loại khí. Khi chúng quyết rằng có quá nhiều ôxy, chúng sẽ bắt đầu thu không khí vào thùng và hạ nhiệt độ xuống còn 90 độ Kelvin. Ở nhiệt độ đó ôxy chuyển hóa thành chất lỏng, nhưng để nitơ vẫn tồn tại ở dạng khí (nhiệt độ cô đọng: 77 K). Rồi nó trữ lượng O2.
Nhưng tôi không thể làm vậy với hydrô, vì hydrô cần nhiệt độ dưới 21 K để chuyển hóa thành thể lỏng. Và máy điều hòa không thể đưa nhiệt độ xuống thấp đến thế. Ngõ cụt.
Giải pháp là đây:
Hydrô thì nguy hiểm vì nó có thể nổ. Nhưng nó chỉ có thể nổ nếu có khí ôxy xung quanh. Hydrô mà không có ôxy thì vô hại. Còn máy điều hòa thì chỉ để dùng hút ôxy khỏi không khí.
Có bốn khóa liên động để ngăn ngừa máy điều hòa khiến cho lượng ôxy trong căn Hab xuống mức quá thấp. Nhưng chúng được thiết kế để hoạt động tránh sai lầm về mặt kỹ thuật, chứ không phải những chiêu trò cố tình phá hoại (Muah ha ha!).
Nói ngắn gọn, tôi có thể gạt máy điều hòa hút hết ôxy ra khỏi căn Hab. Rồi tôi mặc áo phi hành (để có thể thở được) và làm bất cứ gì trong đó mà không sợ bị nổ banh xác. Yay!
Tôi sẽ dùng một thùng O2 để phun vài dòng ôxy ngăn ngắn vào đám hydrô, và tạo ra tia lửa nhỏ bằng vợi sợi dây điện và một cục pin. Chúng sẽ khiến hydrô bắt lửa, nhưng chỉ đến khi chút ôxy đó bị đốt hết mà thôi.
Tôi sẽ cứ tiếp tục làm thế, với những tia lửa có chủ ý, cho đến khi đốt hết đám hydrô.
Chỉ một khuyết điểm nhỏ xíu trong kế hoạch này: nó sẽ giết hết đám đất của tôi.
Đất chỉ là đất sống khi có vi sinh vật phát triển trong đó. Nếu tôi loại bỏ hết khí ôxy, bọn vi sinh vật sẽ chết hết. Và tôi chẳng có sẵn 100 tỉ bộ đồ du hành để mà dùng.
Dù sao cũng chỉ là một nửa giải pháp mà thôi.
Đã đến lúc nghỉ ngơi sau khi suy nghĩ quá nhiều rồi.
Chỉ huy Lewis là người cuối cùng dùng chiếc rover này. Cô đã lên kế hoạch để dùng nó lần nữa vào ngày Sol 7, nhưng thay vì vậy cô lại đi về nhà. Túi đựng đồ du hành cá nhân của cô vẫn còn ở phía sau. Moi móc lục lọi, tôi tìm thấy một thanh protein và chiếc USB, có lẽ có đầy nhạc để nghe cho đoạn đường lái xe.
Đến giờ ăn rồi và để xem coi Chỉ huy Lewis đã đem theo nhạc gì.
Nhật trình: Sol 38 (2)
Disco. Quỷ tha ma bắt nhà ngươi, Lewis.
Nhật trình: Sol 39
Này tôi nghĩ là tôi đã nghiệm ra.
Vi sinh vật trong đất quen với thời tiết mùa đông. Chúng ít hoạt động hơn, và đòi hỏi ít ôxy để sống sót hơn. Tôi có thể hạ nhiệt căn Hab xuống còn 1 độ C, và chúng sẽ gần như là ngủ đông. Chuyện như thế này lúc nào chả xảy ra dưới Trái đất. Chúng có thể sống sót vài ngày bằng cách này. Nếu bạn đang tự hỏi làm cách nào vi sinh vật có thể sống một thời gian dài trong cái lạnh dưới Trái đất, câu trả lời là chúng không sống sót. Vi sinh vật tuốt dưới lòng đất ở nơi ấm áp hơn sinh sôi nảy nở và trồi lên phía trên để thay thế đám đã chết cóng.
Chúng vẫn cần một lượng ôxy, nhưng không nhiều. Tôi nghĩ chừng 1% lượng khí là đủ. Nhiêu đó vừa đủ chút khí cho chúng thở nhưng không đủ để giữ một ngọn lửa bùng cháy. Và như thế bọn hydrô sẽ không nổ tanh bành.
Nhưng chuyện này dẫn đến một vấn đề khác. Đám cây khoai tây sẽ không thích kế hoạch này.
Chúng không nề hà chuyện thiếu ôxy nhưng cái lạnh sẽ giết chết chúng. Nên tôi phải bỏ chúng vào chậu (thật ra là bỏ vào bao bị) và chuyển chúng vào trong rover. Chúng vẫn chưa đâm chồi, cho nên chúng cũng chẳng cần đến ánh sáng.
Thật phiền phức bất ngờ khi phải tìm cách giữ cho máy sưởi trong rover hoạt động khi chẳng có người trong đó. Nhưng tôi đã tìm ra cách. Xét cho cùng, tôi chẳng có gì ngoài thời gian.
Vậy đó, đó là kế hoạch. Trước tiên, bỏ cây khoai tây vô bao và đem chúng sang rover (đảm bảo chắc chắn để máy sưởi vẫn mở). Rồi hạ nhiệt căn Hab xuống còn 1 độ C. Rồi giảm lượng O2 xuống còn 1%. Rồi đốt hết hydrô với một cục pin, vài sợi dây điện và một thùng O2.
Yeah. Nghe như là một ý tưởng tuyệt vời và không có cơ hội nào cho một thất bại thê thảm.
Nhân tiện, đó là lời mỉa mai thôi.
Thôi, tôi đi làm đây.
Nhật trình: Sol 40
Mọi chuyện đã không thành công 100%.
Người ta nói chẳng kế hoạch nào thực hiện lần đầu mà thành công. Tôi phải đồng ý với điều đó. Chuyện là vầy:
Tôi vận hết can đảm để trở về căn Hab. Khi đến đó, tôi cảm thấy tự tin hơn một tí. Mọi thứ vẫn ở chỗ cũ lúc tôi rời khỏi (Tôi đã trông mong cái gì chứ? Mấy người sao Hỏa hôi của ăn cắp đồ đạc của tôi?)
Phải mất một thời gian dài để căn Hab hạ nhiệt, nên tôi bắt đầu chỉnh nhiệt độ xuống 1 C ngay lập tức.
Tôi bọc hết mấy cây khoai tây, và sẵn tiện kiểm tra chúng một thể. Chúng đã mọc rễ rất tươi tốt và chuẩn bị đâm chồi. Một chuyện tôi chưa tính tới là làm cách nào để đem chúng từ căn Hab vào chiếc rover.
Câu trả lời khá dễ dàng. Tôi bỏ chúng vào hết trong áo phi hành của Martinez. Rồi tôi lôi xềnh xệch chúng đi với mình đến chiếc rover nơi tôi thiết lập một vườn ương tạm thời.
Sau khi chắc chắn máy sưởi vẫn hoạt động, tôi trở về căn Hab.
Lúc tôi về đến, nó đã lành lạnh rồi. Đã xuống còn 5 độ C. Run lẩy bẩy và nhìn thấy hơi thở mình cô đọng trước mặt, tôi trùm thêm vài lớp quần áo. May sao tôi không to con lắm. Quần áo của Martinez vừa vặn trên lớp quần áo của tôi, và của Vogel vừa vặn trên lớp quần áo của Martinez. Đám quần áo rác rưởi này đượng may để mặc trong môi trường có nhiệt độ trung hòa. Ngay cả khi mặc ba lớp, tôi vẫn thấy lạnh. Tôi leo lên giường tầng của mình trùm mền cho ấm người hơn.
Khi nhiệt độ xuống còn 1 C, tôi đợi thêm một giờ nữa, chỉ để đám vi sinh vật trong đất kịp nhật tin nhắn rằng đã đến giờ sống chậm lại rồi đấy.
Trục trặc tiếp theo tôi gặp phải là máy điều hòa. Mặc sự tự tin vênh váo của mình, tôi chẳng thể nào láu cá hơn nó được. Nó
thật sự không muốn hút quá nhiều O2 khỏi không khí. Mức thấp nhất tôi có thể khiến nó chịu làm là đến 15%. Sau mức đó thì nó thẳng thừng từ chối chuyện hạ thấp hơn nữa, và chẳng việc nào tôi làm khiến nó thay đổi ý định. Tôi có cả đống kế hoạch để xâm nhập và lập trình nó lại. Nhưng quy trình an toàn hóa ra đều được viết bằng ROM (read-only memory, bộ nhớ chỉ đọc).
Tôi không thể trách nó. Mục đính của nó là
phòng ngừa việc không khí trở nên độc chết người. Chẳng ai ở NASA lại nghĩ “Này, hãy cho phép nó được thiếu ôxy đến mức tai hại đi để đảm bảo mọi người đều lăn quay ra chết!”
Cho nên tôi phải dùng một kế hoạch thô sơ hơn.
Loại ống thoát khi khi máy điều hòa dùng để lấy mẫu khí khác với loại khi dùng để tách khí. Khí được đóng băng – tách biệt đi vào một ống thoát khí lớn ở bộ máy chính. Nhưng nó lại lấy mẫu khí từ chín ống thoát khí nhỏ dẫn về bộ máy chính. Bằng cách này nó có thể lấy được mẫu khí trung bình chuẩn hơn từ khắp căn Hab, và ngăn ngừa một mẩu khí không cân bằng ở vùng nào đó làm lệch đi kết quả.
Tôi dán kín tám ống vào của khí, để lại duy nhất một ống còn hoạt động mà thôi. Rồi tôi dán miệng bao Hefty trên lỗ cổ áo của một bộ đồ du hành (lần này là của Johanssen). Ở đầu kia của bao, tôi đục một lỗ thủng nhỏ và dán nối nó vào ống vào còn lại.
Rồi tôi dùng khí O2 nguyên chất từ thùng O2 để thổi phồng bao lên. “Trời đất quỷ thần ơi!” chiếc máy điều hòa nghĩ, “tốt hơn hết mình nên hút đám O2 này vào ngay!”
Hữu hiệu vô cùng!
Rốt cuộc tôi quyết định không mặc đồ du hành nữa. Áp suất không khí sẽ không sao cả. Tôi chỉ cần mỗi ôxy. Nên tôi lấp một lon O2 từ khu vật liệu y tế dự trữ. Cách này, tôi sẽ có nhiều tự do trong chuyển động của mình. Nó còn có cả một sợi thun để tôi cột lon O2 lên mặt mình!
Mặc dù tôi vẫn cần bộ đồ du hành để theo dõi mức ôxy thật sự trong căn Hab (Máy vi tính chính của căn Hab khăng khăng rằng mức ôxy là 100%). Đương nhiên, mỗi bộ đồ du hành đều biết cách tự theo dõi lượng khí bên trong người nó.
Để xem… Áo của Martinez thì trong xe rover. Áo của Johanssen thì đang lừa gạt máy điều hòa. Áo của Lewis thì làm nhiệm vụ thùng chứa nước. Tôi không muốn làm hỏng áo của mình (này, chúng được đặt may cho vừa thân tôi đấy!). Thế nên tôi chỉ còn ba bộ áo phi hành để dùng.
Tôi lấy bộ áo của Vogel, tháo mũ bảo hộ ra và khởi động bộ cảm ứng bên trong. Một khi lượng ôxy giảm xuống còn 12% tôi đeo mặt nạ để thở vào. Tôi giám sát nó giảm càng lúc càng thấp. Khi nó chỉ còn 1% tôi tắt nguồn điện của máy điều hòa.
Tôi có lẽ không có khả năng lập trình máy điều hòa lại, nhưng tôi có thể cho thằng mắc dịch ấy im lìm hoàn toàn.
Căn Hab có đèn pin khẩn cấp ở nhiều vị trí để phòng khi mất điện trong tình trạng nguy kịch. Tôi tháo rời bóng đèn L.E.D ra khỏi một chiếc đèn pin và để hai sợi dây điện tua tủa lại rất gần nhau. Rồi tôi bật nó lên và có được một tia lửa điện nhỏ.
Tôi lấy một lon O2 từ bộ áo của Voguel, nối dây đai vào hai đầu và treo nó lủng lẳng trên vai. Xong tôi ống truyền khí với thùng khí và dùng ngón cái gấp ống lại. Tôi bật một dòng O2 cho nó chầm chậm chảy ra; chỉ một dòng nhỏ thôi vừa đủ mạnh nhưng không thể áp đảo nếp gấp của ống dẫn trên tay tôi.
Đứng trên bàn với một tia điện trên tay này và vòi ôxy trên tay kia, tôi với lên để thử.
Và ôi mẹ cha tổ sư nhà nó, làm được rồi! Thổi khí O2 qua tia lửa, tôi bật đèn pin lên và một luồng lửa tuyệt diệu bắn ra từ vòi. Đương nhiên, còi báo cháy vang lên. Nhưng gần đây tôi nghe thấy nó quá nhiều lần đến nỗi giờ tôi gần như chẳng để ý đến nó nữa.
Tôi làm lại lần nữa. Rồi lần nữa. Những tia lửa ngắn ngủi. Chẳng lòe loẹt chút nào. Tôi rất vui khi có thể làm từ từ.
Tôi phấn chấn hẳn lên! Đây là kế hoạch số 1 từ trước đến giờ! Tôi không chỉ đốt bớt hydrô, mà còn tạo ra thêm nước nữa!
Mọi chuyện diễn ra hoàn hảo hơn cả tưởng tượng cho đến giây phút vụ nổ xảy ra.
Đang vui vẻ đốt hydrô, chớp mắt cái tôi đã nằm ễnh người ở đầu kia căn Hab còn đồ đạc rơi rụng tứ tung. Tôi loạng choạng đứng lên và nhìn thấy căn Hab đang trong tình trạng hỗn độn.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Lỗ tai mình đau chết điếng được!”
Rồi tôi nghĩ “mình chóng mặt,” và té xuống, đầu gối đập xuống sàn. Tiếp theo tôi thấy nằm sóng soài. Tôi chóng mặt
đến thế đấy. Tôi dùng cả hai tay để mò mẫm đầu mình, xem coi có vết thương trên đầu nào không, tôi hoàn toàn không muốn có một vết thương nào ở đó cả. Dường như không có gì hỏng hóc cả.
Nhưng nhờ cảm nhận toàn phần đầu và mặt mới lộ ra vấn đề thật sự. Mặt nạ ôxy của tôi đã bị xé toạc trong vụ nổ. Tôi đang thở khí nitơ nguyên chất.
Sàn nhà phủ đầy đồ đạc lắt nhắt bay về từ khắp mọi phía trong căn Hab. Chẳng có hy vọng tìm được thùng O2 khẩn cấp. Chẳng có hy vọng tìm thấy được thứ gì trong đống lộn xộn này trước khi tôi rơi vào tình trạng bất tỉnh.
Rồi tôi thấy bộ đồ của Lewis treo ngay vị trí của nó. Nó chẳng nhúc nhích tí gì trong vụ nổ. Nó quá nặng vì có 70 lít nước trong đó.
Lao về hướng ấy, tôi nhanh chóng vặn khí O2 lên và chui đầu vào lỗ nơi cổ áo (tôi đã tháo mũ bảo hộ từ lâu để có thể dễ dàng lấy nước). Tôi thở một chút đến khi cơn chóng mặt tan biến dần đi, rôi hít một hơi thật sâu rồi nín thở.
Vẫn nín thở, tôi nhìn sang chỗ bộ đồ du hành và bao Hefty nơi tôi dùng để gạt máy điều hòa. Tin xấu là tôi chưa hề tháo gỡ chúng ra. Tin tốt là vụ nổ đã thổi bay chúng đi. Tám trong chín ống vào vẫn còn bị bao bọc lại, nhưng ống này ít ra vẫn nói sự thật.
Tôi chếnh choáng đi đến chỗ máy điều hòa, rồi bật nó lên lại.
Sau hai giây khởi động (nó được thiết kế để khởi động nhanh vì lý do gì thì quá rõ ràng rồi), ngay lập tức nó liền nhận biết ngay vấn đề.
Tiếng kèng lanh lảnh báo hiệu lượng ôxy thấp vang điếc tai khắp căn Hab khi máy điều hòa đổ ôxy nguyên chất vào không khí với tốc độ nhanh nhất mà an toàn nhất trong khả năng của nó.
Tách ôxy khỏi không khí vừa khó vừa mất thời gian, nhưng
thêm chúng vào thì dễ dàng như chơi, đơn giản chỉ cần mở cái van là xong.
Tôi leo qua đống đổ nát để trở về bên áo phi hành của Lewis và chui đầu vào đó để hít thêm nguồn không khí trong lành. Sau ba phút, máy điều hòa đã đưa lượng ôxy trong căn Hab về tiêu chuẩn ban đầu.
Lần đầu tiên tôi để ý thấy quần áo mình bị cháy đến thế nào. Đúng là dịp tốt khi mặc đến ba lớp áo. Đa số phần bị hư hỏng nằm ngay trên tay áo. Lớp ngoài cùng cháy rụi hết cả rồi. Lớp giữa cháy sém và vài chỗ gần như không còn mảnh nào. Lớp trong cùng, bộ đồng phục của tôi, vẫn còn khá tôi. Xem ra tôi lại may mắn thêm lần nữa.
Ngoài ra, nhìn về hướng máy tính chủ của căn Hab, tôi thấy nhiệt độ tăng lên 15 C. Xem ra thứ gì đó rất nóng và rất dễ nổ đã xảy ra, nhưng tôi không chắc là thứ gì. Và xảy ra như thế nào.
Đó là tình trạng của tôi ngay lúc này. Phân vân tự hỏi chuyện quái quỷ gì đã xảy ra.
Làm hết đống công việc này và trải qua vụ nổ te tua khiến tôi kiệt quệ cả người. Ngày mai tôi phải làm cả triệu kiểm tra thiết bị và cố tìm hiểu xem cái gì bị nổ, bây giờ tôi chỉ muốn đi ngủ.
Tối nay tôi lại ở trong con rover. Ngay cả khi đám hydrô đã đi hết, tôi vẫn miễn cưỡng không muốn ở chơi trong căn Hab với cái lịch sử nổ bừa bãi không lý do của nó. Hơn nữa, tôi không chắc rằng không hề có lỗ rò rỉ đâu đó.
Lần này, tôi đem theo một bữa ăn đàng hoàng, và thứ gì ngoại trừ loại nhạc disco để nghe.
Nhật trình: Sol 41
Tôi dành cả ngày chạy chương trình chẩn đoán cho tất cả mọi hệ thống trong căn Hab. Việc này thật tẻ ngắt, nhưng sự sống tồn của tôi lệ thuộc vào mấy cái máy này, nên đó là việc phải làm. Tôi chỉ có thể giả định rằng vụ nổ đã không để lại hư hỏng lâu dài nào.
Tôi chạy chương trình kiểm tra quan trọng trước. Chương trình đầu tiên là để kiểm tra tính nguyên vẹn của vải bạt của căn Hab. Tôi cảm thấy rất tự tin rằng nó vẫn còn tốt, vì tôi đã ngủ mấy tiếng trong chiếc rover và khi quay trở lại căn Hab, áp suất bên trong vẫn bình thường. Máy tính báo cáo không có sự thay đổi áp suất nào trong suốt quãng thời gian đó, ngoài những dao động nhỏ vì sự thay đổi nhiệt độ.
Rồi tôi kiểm tra máy lọc ôxy. Nếu nó ngưng hoạt động và tôi không thể sửa chửa nó, đời tôi sẽ đi tong. Không vấn đề gì.
Rôi đến máy điều hòa không khí. Cũng không vấn đề gì.
Máy sưởi, giàn pin năng lượng chính, thùng dự trữ O2 và N2, máy tái tạo nước, cả ba cửa khóa khí, hệ thống đèn đuốc, máy tính chủ… cứ thế mà tiếp tục, tôi càng lúc càng cảm thấy yên tâm hơn vì mỗi hệ thống đều vẫn trong trạng thái hoạt động hoàn hảo.
Phải khen thưởng NASA chỗ này. Họ đã không hề làm ăn xuề xòa khi chế tạo những thứ ấy.
Sau đó đến phần quan trọng… kiểm tra đất. Tôi lấy vài mẫu đất từ khắp căn Hab (có còn nhớ, bây giờ sàn căn Hab phủ đầy đất rồi) làm thành vài slide (bản kính mẫu vật).
Tôi đem chúng sang chỗ kính hiển vi và kiểm tra bọn vi sinh vật yêu dấu của mình. Tôi thở phào nhẹ nhỏm khi thấy chúng vẫn khỏe mạnh, hoạt động và đang nhởn nhơ làm mấy trò vi sinh vật của chúng.
Xong tôi dọn dẹp hết đống lộn xộn. Và tôi có rất nhiều thời gian để suy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra.
Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? À, tôi có một giả thuyết.
Theo máy tính chủ, trong suốt thời gian xảy vụ nổ, áp suất bên trong tăng vọt lên 1.4 atm, và chưa đến một giây thì nhiệt độ tăng lên 15 C. Nhưng áp suất nhanh chóng rút xuống còn 1 atm. Điều này hợp lý nếu máy điều hòa không khí được bật lên, nhưng tôi đã tắt nguồn điện của nó rồi.
Nhiệt độ vẫn ở nguyên 15 C một hồi lâu sau đó, thế nên những giản nỡ do nhiệt đáng lý vẫn còn đó. Nhưng áp suất lại giảm xuống, thế thì những áp suất dư ra đi đâu mất? Tăng nhiệt độ và giữ nguyên số lượng nguyên tử bên trong thì áp suất cũng phải thường trực mà tăng. Nhưng nó lại không xảy ra như vậy.
Tôi nhanh chóng nhận ra câu trả lời. Hydrô (thứ duy nhất có sẵn để đốt) kết hợp với ôxy (do đó dẫn đến sự tự bốc cháy) và trở thành nước. Nước đặc hơn khí cả ngàn lần. Nên trong khi nhiệt lượng làm tăng áp suất, thì sự chuyển hóa hydrô và ôxy thành nước lại làm giảm áp suất xuống.
Câu hỏi trị giá triệu đô: Vậy ôxy đến từ nơi quỷ quái nào chứ? Cả kế hoạch là để giớ hạn lượng ôxy và phòng tránh xảy ra cháy nổ. Và nó đã hoạt động như thế một hồi lâu cho đến khi vụ nổ xảy ra.
Tôi nghĩ mình có câu trả lời. Rốt cuộc thì là do đầu óc bã đậu lú lẩn của tôi. Còn nhớ lúc tôi quyết định không mặc áo phi hành không? Quyết định đó xém chút giết chết tôi.
Thùng O2 y tế hòa trộn ôxy nguyên chất với không khí xung quanh, rồi cung cấp nó cho bạn thông qua mặt nạ. Chiếc mặt nạ trên mặt bạn được dây thun cột quanh cổ bạn. Đó chẳng phải là xi kín khí gì cả.
Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Chiếc mặt nạ rỉ ôxy ra ngoài. Nhưng không. Tôi đã thở ôxy. Khi tôi hít vào, tôi tạo ra một xi gần như kín mít khi hút khí vào mặt mình.
Vấn đề ở chỗ
thở ra. Bạn có biết khi hít bình thường thì bạn hấp thụ bao nhiêu ôxy trong không khí hay không? Tôi cũng không biết, nhưng đó không phải là 100%. Với mỗi hơi hít vào, tôi thu vào ôxy, phổi tôi lấy một chút để xài, rồi tôi thở chúng ra trong không gian bên trong căn Hab. Mỗi lần tôi thở ra, tôi thêm khí vào trong hệ thống.
Chỉ là tôi không nhận ra điều đó. Nhưng đáng lý tôi phải hiểu. Nếu phổi bạn dùng hết lượng ôxy, thì hô hấp nhân tạo từ miệng này sang miệng kia không có tác dụng. Tôi thật là thằng ngốc khi không nghĩ đến điều đó! Và sự củ chuối của mình xém nữa là giết chết tôi!
Tôi thật sự phải cẩn thận hơn.
Cũng may là tôi đã đốt gần hết hydrô trước khi vụ nổ xảy ra. Nếu không thì mọi thứ đã kết thúc. Như tình trạng lúc đó, vụ nổ không đủ mạnh để lật tung căn Hab. Nhưng nó cũng đủ để gần như xuyên thủng màng nhĩ tôi.
Tối qua máy tái tạo nước làm niệm vụ của nó và thu về thêm 50 lít nước. Trước khi hydrô trở thành trọng điểm của đời tôi, vấn đề khi ấy của tôi là thiết hụt 60 lít nước. Giờ đây 50 lít trong số ấy nằm trong áo phi hành của Lewis, và từ đây trở đi tôi gọi nó là “Bể Chứa” (nguyên văn: The Cistern) vì nghe tên này có vẻ hay ho hơn. 10 lít nước còn lại đã thấm vào đất cát khô cằn.
Hôm nay có nhiều hoạt động tay chân. Tôi đã làm đủ để đáng được một bữa ăn toàn phần. Và để ăn mừng đêm đầu tiên trở về căn Hab, tôi thư giãn và xem vài chương trình truyền hình dở bà cố của thế kỷ 20, cảm ơn nhà tài trợ Chỉ huy Lewis.
“The Dukes of Hazzard” à? Xem thử thế nào.
Nhật trình: Sol 42
Hôm nay tôi ngủ nướng. Tôi đáng được mà. Sau bốn đêm ngủ vật vờ trong rover, tôi cảm thấy giường tầng của mình là chiếc giường lông êm ái, mềm mại tươi đẹp lạ lùng nhất từng được tạo ra.
Mà thôi này, tôi lê mông ra khỏi giường và dọn dẹp cho xong mớ lộn xộn sau vụ nổ.
Hôm nay tôi chuyển mấy cây khoai tây của mình vào trong. Cũng vừa đúng lúc. Chúng đang đâm chồi. Trông chúng thật vui vẻ và khỏe khoắn. Đây chẳng phải hóa học, hay y học, hay vi sinh vật học, hay phân tích dinh dưỡng, hay động lực học về các vụ nổ, hay mấy thứ ba xàm ba láp gần đây tôi đã thực hành, đây là
thực vật học. Tôi chắc chắn ít ra mình có thể trồng vài ngọn cây cọng cỏ mà không gây họa.
Tôi có nhiều thời gian rảnh tay rảnh chân. Mất 10 tiếng để đổ đầy mỗi thùng CO2. Chỉ mất 20 phút để giảm lượng hydrazine và đốt hydrô. Tôi sẽ dành hết thời gian còn lại để xem TV vậy.
Và có nghiêm túc không đây… Rõ ràng Đại tướng Lee có thể chạy thoát chiếc xe tuần tra của cảnh sát. Tại sao Roscoe không cứ thế mà đến nông trại của Duke và bắt bọn chúng khi chúng
không có ở trong xe?