Chương một. Cuộc gặp lúc sáng sớm.
Tháng Chín, thời tiết Hà Nội đang chuyển giao giữa mùa thu sang mùa đông, không khí lạnh và hanh khô làm cho cô con gái hơn chín tháng tuổi của tôi khó chịu, sụt sịt, sổ mũi và ho suốt từ đêm hôm qua. Chồng tôi đang đi công tác ở Singapore, ngôi nhà ba tầng chỉ có hai mẹ con và cô giúp việc. Chiều nay trước lúc tan làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã kịp hỏi Lan - bạn thân từ hồi đại học và hiện tại cũng là đồng nghiệp của tôi số điện thoại của một bác sĩ chuyên khoa Hô hấp làm tại viện Nhi Trung ương, đề phòng ngày mai con tôi không có chuyển biến tốt thì sẽ cho đi khám. Sở dĩ tôi hỏi Lan vì Lan đã có con trai ba tuổi, con trai Lan ốm hay được vị bác sĩ này khám và kê đơn rất nhanh khỏi, nghe nói đây bác sĩ rất có uy tín trong ngành Nhi khoa nên tôi nhanh chóng lưu số vào điện thoại.
Buổi tối con gái tôi bỏ ăn, con bé bắt đầu ho nhiều hơn và quấy khóc. Từ lúc sinh ra đến giờ đây là lần đầu tiên con bé ốm, lại không có kinh nghiệm gì nên tôi cứ cuống hết cả lên. Chồng tôi gọi điện về, nghe thấy giọng tôi lo lắng liền động viên:
“Em chịu khó theo dõi con, nếu không đỡ sáng mai xin nghỉ việc cho con đi khám. Anh xin lỗi vì lúc này không ở nhà, anh sẽ cố gắng thu xếp về sớm.”
Tôi biết chồng tôi chỉ đang cố làm tôi yên lòng, công việc của anh luôn bận rộn. Làm kiểm toán nội bộ cho một công ty đa quốc gia của Nhật, chi nhánh đặt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có lúc nào chồng tôi rảnh rỗi đâu. Bình thường anh tan làm về nhà vào khoảng chín, mười giờ tối, muộn thì một, hai giờ sáng hôm sau. Còn đa số là những lần anh đi công tác trong và ngoài nước, mỗi lần đi ít nhất hai mươi ngày, nhiều nhất một tháng rưỡi. Tôi đã quá quen với việc vắng mặt của chồng trong những lúc tôi cần anh nhất suốt bốn năm qua. Đó cũng giải thích cho lý do tôi và Lan cưới chồng cùng năm hai mươi ba tuổi mà bây giờ con trai Lan hơn ba tuổi, con gái tôi mới gần một tuổi. Chồng tôi không muốn có con vội, anh muốn chuyên tâm cho công việc và thăng chức nên tạm dừng việc sinh em bé một thời gian.
Chồng tôi tên là Trần Bình, hộ khẩu gốc Hà Nội, anh hơn tôi sáu tuổi. Khi chúng tôi yêu nhau và quyết định kết hôn thì gặp phải không ít lời phản đối của bố mẹ anh. Bình sinh năm con Khỉ, tôi sinh năm con Hổ, tuổi của chúng tôi phạm vào “tứ hành xung” và nghe đâu mẹ Bình đi xem quẻ, thầy bói phán tôi sẽ khắc chồng, cản trở con đường công danh, sự nghiệp cũng như làm ảnh hưởng đến sinh mệnh quý giá của anh. Hôn nhân của chúng tôi một là đỗ vỡ, hai là có người bị ốm đau, bệnh tật.
Còn có lý do nữa, tôi là một cô gái mồ côi tỉnh lẻ. Mẹ mất khi tôi còn rất nhỏ, bố một mình nuôi tôi ăn học, chắt chiu tích cóp tiền mua được một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành Hà Nội (khoảng chục năm trước đất ở Hà Nội chưa sốt giá như bây giờ) chờ lúc tôi vào đại học. Năm cuối khi tôi tốt nghiệp, bố muốn đến dự buổi bảo vệ luận văn của con gái nên một mình đi xe máy xuống trường tôi học. Số phận thật bất công khi trên đường đi bố đã gặp tai nạn và qua đời tại chỗ, tôi bảo vệ luận văn xong thì nhận được tin dữ, choáng váng ngất xỉu giữa đường.
Sau này nghe Lan kể lại, có một người đàn ông đi xe ô tô, dừng lại đưa tôi đến bệnh viện rồi dùng di động của tôi gọi điện cho Lan đến, số của Lan là cuộc gọi gần nhất. Khi tỉnh lại, tôi đau khổ gào khóc gọi bố ơi và muốn bỏ chạy khỏi viện, tôi muốn về quê, muốn ngay lập tức được gặp bố mình. Biết chuyện Lan đau đớn ôm tôi dỗ dành để tôi bình tĩnh lại. Hôm ấy tôi khóc đến không biết gì cả, người đàn ông lạ đã thay tôi nộp tiền viện phí, sau đó còn nhận đưa tôi và Lan về quê mà không cần một lời cảm ơn nào. Sau khi tổ chức tang lễ cho bố xong, tôi thu dọn đồ đạc ở nhà cũ, quay lại Hà Nội tiếp tục can đảm, mạnh mẽ sống như kỳ vọng và mong muốn của bố. Tôi tìm gặp người đàn ông ấy qua thông tin anh ta để lại ở bệnh viện để cảm ơn. Và người đó chính là Trần Bình.
Vì yêu tôi, Bình đã bất chấp lời ngăn cản của bố mẹ, chúng tôi kết hôn và dọn ra ở riêng trong căn nhà mà ông nội anh để lại cho đứa cháu đích tôn duy nhất của dòng họ Trần. Quan hệ của tôi với bố mẹ chồng không được tốt lắm, lại chưa sinh được con trai nên hai ông bà có phần thất vọng.
Khoảng 1 giờ sáng, con gái tôi bắt đầu sốt cao và ho dữ dội. Tôi bấm nhiệt độ cho con là gần 39 độ nên vội vàng cho con bé uống thuốc hạ sốt, lấy khăn ấm chườm mát cho con như cách Lan đã chỉ bảo. Một tiếng sau con gái vẫn không hạ sốt, thân nhiệt duy trì ở mức 39 và 40 độ. Con bé khóc ngằn ngặt cả đêm không ngủ, tâm trạng tôi trở nên hoảng sợ và lo lắng cực độ. Đã gần 4 giờ sáng, nhiệt độ trên người con bé tiếp tục tăng trên bốn mươi độ, linh tính của người mẹ tin chắc là có gì đó không ổn, phải đưa con đến bệnh viện ngay. Rất nhanh, tôi lấy ba lô của con ra, nhét vội quần áo, bỉm sữa, khăn xô, máy đo nhiệt độ, giấy tờ liên quan rồi bấm máy gọi taxi đưa con lên viện Nhi trung ương. Bà Xuân (tôi gọi là bà thay cho con gái) – giúp việc trong nhà, sốt sắng muốn đi cùng nhưng tôi bảo không cần, bà cứ ở lại đợi tôi gọi điện về.
Bệnh viện Nhi Trung ương 4 giờ sáng không đông như giờ hành chính nhưng cũng có nhiều em bé được bố mẹ đưa đến khám vào giờ này. Con gái vẫn cứ khóc liên tục, tôi phải mua sổ y bạ, viết tên, nộp tiền rồi ngồi đợi đến lượt gọi tên mang con vào khám. Lan đã nói không phải trong giờ hành chính thường là bác sĩ đa khoa khám chứ không phải bác sĩ chuyên khoa nên tôi cảm giác không yên tâm. Trong đầu tôi rất sợ con gái gặp phải chuyện xấu, cảm giác mất đi người thân lúc bố qua đời khiến tôi rơi vào hoảng loạn thực sự và không ý thức được bản thân đang làm gì. Tôi lấy điện thoại di động ra, tra đến số bác sĩ Quân mà Lan đã cho lúc chiều.
Sau năm hồi chuông dài thì có tiếng nghe máy, tôi lơ mơ nhận ra không phải giọng vừa ngủ dậy nên liến thoắng nói:
“Bác sĩ Quân có phải không ạ? Tôi, con gái tôi hiện đang ngồi ngoài phòng khám số năm của bệnh viện Nhi Trung ương, cháu sổ mũi, ho và sốt cao quá. Người quen cho tôi số của bác sĩ, tôi biết giờ này đang rất sớm nhưng hôm nay bác sĩ có trực trên khoa không ạ? Bác sĩ có thể xuống khám cho cháu được không? Thật không còn cách nào khác nên mới phiền bác sĩ vào giờ này.”
Cứ nghĩ sẽ không có chuyện bác sĩ Quân đồng ý nhưng lỡ gọi rồi nên tôi cũng cố nói cho hết câu. Vì con gái, tôi có thể làm mọi chuyện nói gì một cuộc gọi điện. Một bác sĩ bận rộn và đông bệnh nhân như vậy làm gì có thời gian mà khám riêng cho con gái một người lạ hoắc gọi điện vào giờ này. Khi tôi bắt đầu cảm thấy hối hận thì đầu dây bên kia truyền đến một giọng nói ấm áp.
“Chị cứ ngồi ở đấy, may cho chị là hôm nay tôi trực trên khoa, đợi tôi mười phút tôi sẽ xuống khám cho con gái chị.”
“Ôi, vâng ạ, cảm ơn bác sĩ, cảm ơn bác sĩ!”
Vui mừng ngắt điện thoại, năm phút sau tôi nghe thấy tiếng cô y tá gọi tên con gái vào khám nhưng tôi giả vờ không có mặt để cho người khác vào khám trước. Sao tôi lại có cảm giác vô cùng tin tưởng rằng bác sĩ Quân sẽ xuống khám cho con gái mình như đã nói.
Quả nhiên, năm phút sau đó tôi thấy một người đàn ông cao ráo, tuổi trên dưới ba mươi lăm, vận một chiếc áo blu trắng, gương mặt cương trực, đeo kính cận, tiến về phía tôi ngồi.
“Chị có phải là người gọi điện cho tôi?”
“Dạ, đúng, đúng rồi. Anh là bác sĩ Huy Quân?”
Vui mừng ôm con gái đứng dậy, tôi rối rít hỏi lại để khẳng định, con bé vẫn đang thút thít trong lòng tôi. Bác sĩ Quân không trả lời mà đưa tay lên sờ lên trán con bé rồi khẽ bảo:
“Sốt cao quá, đưa cháu vào phòng số bốn đi. Tôi sẽ khám cho cháu.”
Tôi ôm con theo chân bác sĩ Quân vào phòng số bốn. Trong phòng có một cô bác sĩ trẻ và một y tá cũng đang khám cho một em bé khác. Bác sĩ Quân nói nhỏ gì đó với cô bác sĩ trẻ, cô ấy gật đầu nhìn về phía tôi. Bác sĩ Quân vẫy tôi ôm con lại chiếc bàn phía sau cô bác sĩ, lấy ra hai chiếc ghế, một chiếc anh ta ngồi còn một chiếc bảo mẹ con tôi ngồi xuống. Bác sĩ Quân mở sổ y bạ, hỏi về tình hình bệnh của con gái từ đêm hôm kia đến rạng sáng hôm nay có biểu hiện như thế nào. Anh ta ghi lại cẩn thận rồi nhẹ nhàng nịnh con bé há mồm để bác sĩ kiểm tra họng. Lạ thật, con bé đang khóc nhưng nhìn thấy bác sĩ Quân nó lại im lặng, kể cả khi bác sĩ bóp nhẹ mồm, dùng chiếc que bằng thiếc đè lưỡi nó xuống để xem họng nó cũng không gào lên. Tôi ngạc nhiên buột miệng:
“Ơ, cái con bé này từ tối đến giờ cứ khóc mãi, bây giờ bác sĩ khám lại tự nhiên im bặt!”
Bác sĩ Quân rút que khám ra cười cười:
“Có lẽ nó thích tôi đấy… Họng hơi đỏ. Chị vén áo con lên để tôi kiểm tra phổi.”
Lập tức nghe theo, tôi vén áo con gái lên. Con bé ngồi im cho bác sĩ khám, bác sĩ Quân đưa ống nghe nghe quanh vị trí tim trước ngực, sau đó chuyển ống nghe ra sau lưng nghe toàn bộ phổi. Bác sĩ Quân khẽ nhăn trán.
“Con gái chị viêm phổi cấp, để qua hai đêm một ngày nhưng cũng không nặng lắm đâu. Tuy nhiên phải nhập viện để điều trị. Tôi sẽ giúp chị làm thủ tục nhập viện, đến giờ hành chính sẽ đưa chị phiếu đi chụp X-quang và thử máu cho con.”
Mặt tôi cắt không ra giọt máu, lần đầu tiên con gái ốm lại đã viêm phổi phải nằm viện, liệu tôi có phải là người mẹ tồi không biết chăm con? Con gái đã nín khóc, nó mệt và ngủ lả đi trên tay mẹ. Bác sĩ Quân hỏi thẻ bảo hiểm, giấy khai sinh phô tô của con bé rồi cầm theo sổ y bạ bảo tôi đi cùng ra làm thủ tục nhập viện. Trước khi đi ra cửa, tôi có lơ mơ nghe được tiếng cô bác sĩ trẻ nói với theo:
“Chẳng phải việc làm thủ tục nhập viện của bộ phận khác sao? Anh Quân sao lại…”
Bác sĩ Quân đưa tay đóng cửa phòng, nói vừa đủ nghe.
“Đã nói cô ấy là người quen của tôi rồi!”
Mở đầu << >> Chương hai.