Vạn Dặm Xuân - Cập nhật - Bí Bứt Bông

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Vậy mà tui còn nghĩ Lê Khắc thấy ở bạn Phương có giá trị sử dụng gì chứ. Còn nghĩ nó sẽ lợi dụng con bé gây nguy hiểm gì đó cho bạn Nguyên.

Tới giờ phút này thì thằng Khắc chưa có ý định gì xấu với Phạm Nguyên cả, nhưng vụ giá trị lợi dụng của con Phương thì đúng đấy. Có điều ở góc nhìn của truyện (ngôi thứ 1 aka con Phương) thì nó không nhận ra được.
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Lê La Chim Cụt bupbecaumua giovotinh_ji mEothMeoth Lâm Diệu Anh Tẫn Tuyệt Tình Phi Starlight có chương mới nhé.

Chương 25: Vòng xoáy


Những ngày giữa tháng năm, trời vừa nóng vừa khô. Phố phường có lẽ cũng vì vậy mà vắng bóng người qua kẻ lại, khiến người ta chẳng còn nhận ra con đường hoa lệ đông đúc nhất Đông Kinh những ngày xuân nữa.

Từ cổng cấm thành, chiếc võng phủ mành tre xuyên qua nắng mai, lướt băng băng dưới những hàng bằng lăng tím biếc đang nghiêng mình đón gió, chẳng mấy chốc đã đưa tôi đến phủ Đại tư đồ.


Lê Sát không phải người nho nhã gì nên vườn nhà chỉ lác đác vài chậu địa lan, nguyệt quế, còn lại toàn cây ăn quả, vừa may hợp với tiết trời mùa hạ. Lúc tôi được gia nhân đưa đến ngôi đình nhỏ cạnh bờ ao, Lê Sát đang ngồi đấy cởi trần câu cá, đôi bờ vai vững chãi vẫn còn lờ mờ những vết sẹo chưa phai. Cảnh tượng ấy khiến sống lưng tôi lạnh buốt.


Tôi sợ ông ta bắt tôi cùng cởi trần câu cá với mình.

“Con… Con kính chào quan đại tư đồ ạ.” Tôi khom người cúi gầm mặt xuống, cố dùng vẻ cung kính che lấp nỗi sợ đang nhen nhóm trong lòng.

Những gợn sóng tròn lăn tăn bất ngờ xuất hiện ở mép ao. Sau một cú vung tay quyết đoán, con cá trắm nặng gần năm cân từ dưới ao bay vút lên không, lượn một vòng, rồi vừa vặn rơi xuống ngay đúng chỗ tôi đang đứng. Thấy dáng vẻ ngơ ngơ ngẩn ngẩn của tôi, Lê Sát phá lên cười, sau đó bước đến vỗ đầu tôi một phát, mắng to: “Thằng khờ, có thế mà cũng không biết tránh!” Tôi lúc ấy cũng chỉ còn biết gãi đầu cười hì hì lấy lệ. Dĩ nhiên không thể để ông ta biết thứ khiến tôi hồn vía lên mây lúc ấy không phải là con cá.

Trong đình có một chiếc chiếu hoa đã bày sẵn trà nước, hạt sen. Gia nhân trong nhà thấy Lê Sát đã câu xong bèn chạy ra nhặt con cá, đưa vào bếp đánh vảy nấu canh, động tác nhanh nhẹn như người làm trong quân đã lâu năm. Lúc ở Lạng Sơn tôi có mua hai bình rượu, định bụng khi về sẽ mang biếu Lê Sát làm quà, nhưng ngày về lại vô tình bị Lê Khắc khui ra uống mất, không kịp mua bình khác. Giờ nghĩ lại, như thế lại may. Nếu hôm nay tôi mang rượu đến, không chừng Lê Sát sẽ bắt tôi ngồi đây chén tạc chén thù với ông ta đến say khước mới thôi.

“Vết thương của mày đã lành chưa? Định khi nào thì tập kiếm?”

“Lẽ ra đã sớm lành rồi ạ, nhưng hôm nọ con vô ý ăn hải sản với mọi người nên vết thương vẫn còn hơi khó chịu.” Nói xong, tôi ra sức che miệng hắt hơi, rồi gồng mình cho đỏ mặt lên. Chỉ cần thấy tôi đang bệnh, việc gì ông ta cũng sẽ châm chước cho tôi, cũng sẽ không bảo tôi cởi trần hay uống rượu.

“Thanh niên trai tráng gì mà kém quá.” Ông ta tặc lưỡi, ném một vốc vỏ hạt sen vừa bóc ra bãi cỏ. “Mà nói đi thì cũng phải nói lại, mạng thằng Khắc lần này là nhờ mày cứu. Nhà này không thích nợ nần ai, mày ưng chức quan nào thì cứ nói, ta sẽ giúp cho.”

“Bẩm… không cần đâu ạ… Hồi Tết cậu Khắc đã cứu con một lần rồi, giờ con cứu lại là phải phép, đâu dám đòi hỏi chức tước gì. Huống hồ tuổi con còn nhỏ, làm chức gì người ta cũng không phục, không khéo lại gây thù chuốc oán.” Tôi từ tốn đáp.

Lê Sát có vẻ không vừa ý: “Mày cứ hở ra là sợ này sợ nọ như thế thì làm được tích sự gì? Triều đình là nơi cá lớn ăn cá bé, mày không làm gì cũng có cả khối người rỗi hơi ghen ghét đố kị mày. Sống cầu an chẳng khác nào tự tìm con đường chết.”

“Con đội ơn quan đại tư đồ dạy bảo ạ, nhưng quả thật năng lực con còn kém lắm, nếu người đề bạt con, con sợ sẽ có kẻ lợi dụng chuyện này để chỉ trích người.”

“Chỉ trích ta?” Lê Sát buông chén trà cười ha hả. “Ta cũng muốn biết thằng nào muốn nối gót Bùi Ư Đài với Bùi Cầm Hổ lên núi lắm, bọn chúng cứ thử xem!” Gương mặt rắn rỏi dần dần đanh lại, sau đó nhường chỗ cho một nụ cười khẩy ngang tàng khinh thị. “Lê Sát này đông tây nam bắc gì cũng đánh rồi. Đổ bao nhiêu máu, chịu bao nhiêu vết sẹo đến nay vẫn không đếm xuể. Bọn văn nhân không nhấc nổi cây đao để bảo vệ nước nhà như chúng có tư cách gì mà lên tiếng?”

Tôi nửa thành thật nửa nịnh bợ gật đầu: “Con thấy cũng chính vì bọn họ công lao chẳng bao nhiêu, ghen tị với những công thần hiển hách như người nên mới tìm mọi cách để tìm lá vạch sâu đấy ạ.”

“Mày đi học đừng như chúng.” Lê Sát nghiêm giọng dặn dò. Tuy bản thân một chữ cắn đôi cũng không biết, lại ghét cánh quan văn, nhưng thật ra ông ta cũng không bài xích việc học hành, con gái con trai trong nhà nếu muốn đều được mời thầy về dạy cả. Ông ta chỉ không ưa người khác dùng sách vở để đánh phủ đầu mình.

Tôi lễ phép khoanh tay: “Vâng, con xin ghi nhớ lời người dạy ạ.”

Đầu bếp nhà Lê Sát tay nghề không tồi. Nhất là món lươn xào măng và canh cá nấu chua, ăn vào những ngày nóng thế này đúng là không còn gì tuyệt vời hơn. Một bữa ăn cây nhà lá vườn tự trồng tự bắt thế này thật ra đáng quý hơn nhiều so với sơn hào hải vị. Đáng tiếc, tôi và ông ta lại đứng ở hai chiến tuyến khác nhau, đâu thể vì chút thân tình này mà quên đi mục đích của mình.

Lê Sát hỏi tôi nhiều chuyện trong cung. Với thế lực của một người từng dùng Nội mật viện để đánh đổ hai vị công thần Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, tôi không tin Lê Sát phải cần đến một đứa như tôi để nắm thông tin. Ông ta chẳng qua chỉ muốn thử lòng tôi.

Thế nên, chẳng những tôi báo cho ông ta những chuyện mọi người đều tai nghe mắt thấy, mà ngay cả những việc kín như Phạm Nguyên thường bực dọc mỗi lần phải theo ý các đại thần, hay việc cậu ta ghét học ra sao, để ý đến cung nữ của vị thái phi nào, thích nghe hoạn quan nào kể chuyện, tôi cũng kể ra rành mạch.

Tôi là một trung thần.

Trước mặt ai tôi cũng trung thành cả.



Lúc tôi từ Lạng Sơn về lại hoàng cung, quan hệ giữa Phạm Nguyên và Phạm thái phi đã khăng khít hơn xưa. Tuy không thể so được với trước khi xảy ra vụ Lý Thị Hoa, nhưng nhìn chung cũng có thể tạm gọi là mẫu từ tử hiếu hiếm có ở đời. Dù sao Phạm thái phi cũng không phải mẹ ruột cậu ta.

“Hôm nay con đến không báo trước, sao người biết mà làm sẵn bánh cho con thế?” Vừa ngồi xuống bàn, đôi mắt Phạm Nguyên đã sáng rực lên khi nhìn thấy đĩa bánh đậu xanh yêu thích của mình.

Phạm thái phi cúi đầu nhổ bã trầu vào chậu, vừa đón lấy ly trà sen từ tay cung nữ vừa nhoẻn miệng cười: “Ngày ngày đi ra đi vào nhàm chán quá nên ta xuống bếp nấu nướng một chút cho đỡ buồn, tiện thể làm một ít bánh, định đưa sang chỗ con, nào ngờ mới sáng sớm con đã đến rồi.”

“Chắc cái bụng con nó tâm linh tương thông với cái bếp của người.” Cậu ta cười hì hì bỏ ngay một mẩu vào mồm, ăn đến quên cả sự đời. “Tháng trước con bị cảm, ăn gì cũng không vô, đang lúc thèm bánh, định sai ngự trù làm thì người đã mang bánh đến, tính ra còn trùng hợp hơn hôm nay nữa.”

Dĩ nhiên, ở chốn cấm cung này, những thứ được gọi là ‘trùng hợp’ thật sự rất hiếm hoi. Nếu ngày ấy trước khi đến Lạng Sơn tôi không phao tin Phạm Nguyên bị bệnh thèm ăn bánh, Phạm thái phi cũng chẳng tự dưng mà mang bánh đến điện Trường Xuân. Cả bà ta lẫn Phạm Nguyên đều không muốn cứ mãi căng thẳng với nhau, tạo cơ hội cho Trịnh thái phi ngư ông đắc lợi. Thứ họ cần chẳng qua chỉ là một cái cớ để nối lại “tình mẫu tử” kia nhưng không cần ai phải hạ mình lên tiếng xin lỗi ai thôi.

“Con nghe nói chùa Báo Thiên vừa được trùng tu rất đẹp, hay là hôm nào người gọi thêm vài mệnh phụ cùng đến đấy ăn chay đàm đạo cho khuây khoả?”

“Ta cũng đang có ý này.” Phạm thái phi nhè nhẹ gật đầu, sau đó đưa mắt nhìn sang khay trầu cánh phượng đang ăn dở nằm trên sập. “Mớ cau tiến cống con sai người mang đến thật là ngon, ăn kèm với mấy lá trầu do Ngọc Châu têm phải nói là… ôi chu choa…”

Phạm Nguyên nghe bà ta xuýt xoa như thế cũng tò mò liếc mắt sang, giọng nói không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Không ngờ con bé Ngọc Châu này lại tiến bộ nhanh đến vậy. Nhớ ngày nào nó cầm lá gì lên cũng chỉ biết vấn thành kèn thổi, giờ xem ra càng ngày càng có dáng thiếu nữ rồi.”

“Thư đồng ta chọn cho con bé toàn là các cô chiêu chững chạc đoan trang cả, nên con bé cũng học hỏi được ít nhiều.” Khoé mắt hằn vết chân chim của Phạm thái phi lấp lánh tự hào, cứ như công chúa Trang Từ là con ruột của mình chứ không phải con một người đàn bà chung chồng khác. Không rõ là do che giấu giỏi, hay cảnh sống đơn chiếc lâu đã thật sự làm trỗi dậy mẫu tính ở bà ta.

“Thế có cô nào…” Phạm Nguyên vừa buộc miệng bật ra vài chữ đã vội bỏ lửng câu nói, ánh mắt có vẻ đắn đo.

“Con vừa định nói gì?”

“À không, không có gì đâu ạ.”

Buổi chiều còn phải gặp một số đại thần để bàn về việc định thuế lúa, thuế dâu, nên dùng xong cơm trưa Phạm Nguyên cũng nhanh chóng ra về. Lúc ra khỏi cung Vạn An, ánh mắt cậu ta khẽ lướt qua khay trầu lần nữa, đáy mắt thấp thoáng một tia sát khí.

Những thứ này… lẽ ra phải thuộc về người mẹ nuôi quá cố(1) của cậu ta.



Phạm Nguyên càng lúc càng dùng nhiều thời gian để chơi đùa. Tuy việc triều chính không đến nỗi lơ là, nhưng cứ buông tấu chương xuống là cậu ta lại phóng đi đá cầu đá dế với bọn hoạn quan, chẳng mấy khi luyện chữ hay đọc sách, khiến các quan trong triều vô cùng lo lắng. Với những vị đại thần nhận nhiệm vụ phò tá ấu chúa như Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, việc này hiện thời đối với họ càng hại nhiều hơn lợi. Nếu Phạm Nguyên tin dùng hoạn quan, chểnh mảng học hành, sớm sa đà vào tửu sắc, những đại thần này dù thế nào cũng sẽ khó tránh khỏi cái tiếng cố tình làm hư ấu chúa để tiện lộng quyền. Đây là thứ tội danh lưu truyền đến ngàn đời chứ không đơn giản chỉ là vài lời chỉ trích từ những quan viên thuộc vây cánh bên kia.

Ban đầu các quan còn mượn lời uyển chuyển nhắc nhở Phạm Nguyên, nhưng sau thấy tình hình không mấy khả quan, đầu tháng sáu, toàn bộ đại thần trong triều từ tam phẩm trở lên đều bàn nhau ký một bản tấu chương, xin cử một số văn thần như Nguyễn Trãi, Trình Thuấn Du… thay phiên vào hầu cậu ta ở Kinh Diên, để thuận lợi cho việc giúp cậu ta chú tâm vào việc học. Bản tấu chương ấy đọc được nửa đầu đã đoán được nửa sau, nên cậu ta chỉ liếc mắt vài chữ đã sai Đinh Phúc trả lại các quan, đồng nghĩa với việc không chuẩn tấu.

Phản ứng của Phạm Nguyên khiến cánh hoạn quan hớn hở trong lòng, đồng thời làm thất vọng cánh đại thần. Họ sợ cậu ta đi càng lúc càng xa, nên hôm nào thiết triều cũng cử một người đứng ra nhắc lại những đề xuất đã ghi trong bản tấu chương kia, khiến cậu ta nghe nhiều đến nỗi phát phiền. Tôi thấy vậy, liền hiến cho cậu ta một cách vẹn cả đôi đường: Thay vì để các quan vào Kinh Diên giám sát việc học của mình, cậu ta sẽ chọn một vài con cháu đại thần vào cung cùng mình đọc sách. Như thế cậu ta vừa không mất cái uy của bậc đế vương, mà các quan trong triều cũng sẽ không lải nhải bên tai cậu ta từ ngày này sang ngày nọ nữa.

Những người Phạm Nguyên gọi vào cung đa số đều do tôi bóng gió đề xuất với cậu ta. Họ đều là học sinh ở Quốc Tử Giám, thành tích xuất sắc, lại thuộc dòng dõi thư hương, ví dụ như con trai cả quan tham nghị Nguyễn Liễu, hay con trai thứ ba của tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, con trai út tham tri bạ tịch Đào Công Soạn. Những người này trước đây từng được tiên đế tuyển chọn để làm thư đồng cho Phạm Nguyên, nhưng sau khi lên ngôi cậu ta lại gạt họ đi, chỉ giữ lại mỗi mình tôi. Đinh Thắng biết chuyện này, khuyên tôi nên tìm cách gạch bỏ tên họ để tránh sau này họ vì ganh ghét mà trả thù, nhưng tôi lấy lý do danh sách đã đưa ra, nếu rút lại sẽ có vô số mũi dùi trong triều sẽ chĩa vào mình, vẫn giữ nguyên như cũ.

Chưa đến mười ngày, cảnh gà bay chó sủa đã nổi lên. Những thư đồng vừa được tuyển chọn kia vì bất đồng ý kiến và quyền lợi mà cùng với nhóm hoạn quan thân tín bên cạnh Phạm Nguyên thù nhau như nước với lửa. Không tranh cãi thì cũng mỉa mai nhau, chỉ còn thiếu mỗi màn lao vào nhau thượng cẳng tay hạ cẳng chân.


Tôi luôn cố xa lánh thị phi, lúc nào cũng ra vẻ bận rộn vì phải giải quyết núi bài vở tồn đọng sau những ngày đến Lạng Sơn. Những thư đồng kia về nhà có than thở với ai không thì tôi không rõ, nhưng Đinh Thắng, Đinh Phúc thì cứ có dịp lại khóc lóc kể lể trước mặt Phạm Nguyên về việc mình bị khinh ghét thế nào, không quên thêm mắm thêm muối cho lâm li bi đát. Cuối cùng, mưa dầm thấm đất, Phạm Nguyên ra lệnh trả những tên nhóc con ông cháu cha kia về lại gia đình.

Tôi lại là thư đồng duy nhất bên cạnh cậu ta.

Những hoạn quan kia rốt cuộc cũng nhận ra họ cần sự tồn tại của tôi, cần cả sự tin cậy của Phạm Nguyên đối với tôi. Họ không thể triệt hạ tất cả những người không thuộc thế giới của mình. Các đại thần trong triều sẽ không cho họ cơ hội làm việc ấy. Con đường duy nhất của họ, là để lại bên Phạm Nguyên một người có thể phần nào vuốt ve lòng tin của cánh đại thần, đồng thời không đe doạ đến những quyền lợi mà họ đang nắm trong tay bấy lâu nay.

Người đó, chẳng phải tôi sao?

.

.

.



Bóng chiều mờ ảo tràn qua mái ngói, trải một tầng nắng nhạt hồng hồng tím tím lên những ngọn cỏ lưng lửng ngả vàng trước cửa phòng.


Tôi đã thắng, nhưng chốn quan trường không bao giờ có chỗ cho những chiến thắng hoàn mỹ không tỳ vết.


Tôi nghĩ một, sẽ có người biết nghĩ mười. Nhiều lúc, kẻ nghĩ mười ấy lại không phải ai xa lạ, chính là người tôi những tưởng mình đã lợi dụng thành công.

Lê Sát chướng mặt tổng quản Cung đã lâu, sao có thể không nhân dịp triều thần phẫn nộ cánh hoạn quan, lôi kéo họ khép ông vào tội ly gián vua tôi? Nói miệng không được, họ dâng tấu sớ. Dâng tấu không xong, họ hùa nhau cáo bệnh không đến thiết triều. Cảnh tượng cả điện Hội Anh rộng thênh thang chỉ còn lơ thơ vài bóng quan phục nhuốm màu ảm đạm đã đánh mạnh vào tinh thần của Phạm Nguyên.

Một ngày, rồi lại một ngày, thứ áp lực vô hình ấy như cơn lũ dữ, đói khát chực chờ nhấn chìm cậu ta trong bất lực.

Cũng nghiền nát trái tim tôi.

Trong ánh sáng le lói của toà điện lặng ngắt như tờ, tôi quỳ xuống ôm lấy đôi chân trơ như gỗ của Phạm Nguyên, không khóc mà nước mắt cứ ứa ra, tuôn đầy mặt. Đó là người đã dạy dỗ bảo ban tôi từ những ngày đầu tôi bước vào chốn sài lang hổ báo này. Là người đã tỉ mỉ liên lạc từng chuyến đò, chuyến xe giúp tôi về quê thăm mẹ. Là người đã chỉ cho tôi từng sở thích của Phạm Nguyên, không lúc nào quên đốc thúc tôi uống thuốc khi tôi đổ bệnh.

Tôi đã mất thầy rồi. Tôi không thể mất đi cả một người xa lạ hiếm hoi đối xử tốt với tôi.

Tôi không cố tình muốn hại tổng quản Cung…


Tôi không muốn ông ấy chết.


Không muốn…

Không muốn…

Không muốn…

“Bệ hạ…” Tôi chụp lấy bàn tay lạnh ngắt của Phạm Nguyên, đôi môi run rẩy đến nỗi còn không nghe rõ được những lời bản thân đang nói nữa. “Người đừng… đừng đóng dấu!”

“Đình Phương, buông tay trẫm.” Thanh âm bình thản đến dịu dàng của cậu ta chợt khiến tôi lạnh người hốt hoảng.

“Bệ hạ…”

“Trẫm là đế vương.”

“Đừng bệ hạ ơi…” Tôi sợ hãi lắc đầu một cách điền cuồng, gục mặt vào đầu gối cậu ta oà khóc.

Dưới ánh nến khi tỏ khi mờ, những sợi tóc đen mềm thoang thoảng hương bạc hà của Phạm Nguyên phủ xuống trán tôi, bàn tay nhỏ bé chậm rãi lau đi những giọt nước mắt đang không ngừng rơi xuống trên gương mặt nóng hổi của tôi.

“Trẫm sẽ không để những người trẫm yêu thương phải vì trẫm mà chết nữa. Cả tổng quản Cung, cả ngươi nữa Đình Phương…”

Thân thể mệt lả của tôi vô lực ngã vào lòng Phạm Nguyên. Không khóc, không than. Chỉ đơn giản chìm vào một giấc mộng bình yên, dẫu biết rõ giấc mộng ấy chẳng khác chi một sợi chỉ mỏng manh.

Đêm ấy, con dấu Chế Cáo Chi Bảo(2) đỏ như son đã đóng vào một tờ chiếu chỉ.



Chú thích:


(1) Sau khi bà Phạm Thị Ngọc Trần, mẹ ruột Lê Thái Tông (tức Phạm Nguyên trong truyện) bị hiến tế cho thần Cá Quả, Lê Thái Tông đã được giao cho một người vợ khác của Lê Lợi nuôi. Sử sách không ghi chép lại tên họ của người này. Theo “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ, lúc lên ngôi Lê Thái Tông đã sai Nguyễn Trãi viết hai bài chế để truy phong mẹ nuôi của mình, vì người mẹ nuôi này đã qua đời không lâu sau khi Lê Lợi chính thức trở thành hoàng đế.


Theo những chi tiết ghi trong bài chế, thì lúc lên ngôi Lê Lợi đã phong cho bà chức chiêu nghi, tức thấp hơn Phạm thái phi và Trịnh thái phi (bậc phi trong tam phi địa vị chỉ sau hoàng hậu; nhưng Lê Lợi không có hoàng hậu vì danh phận này đã được truy phong cho mẹ ruột của Lê Thái Tông là bà Phạm Thị Ngọc Trần). Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tông đã lần lượt truy phong cho bà làm Trinh Ý Nguyên phi (trong nhiều triều đại, phẩm trật này cao quý hơn các phong hiệu phi khác, nếu không có hoàng hậu thì Nguyên phi là vị trí đứng đầu của hậu cung), và sau đó là Hoàng thái phi.


(2) Tháng 3 năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), sáu quả ấn bằng vàng và bạc đã được đúc để Lê Thái Tông dùng trong các văn bản chính thức đại diện hoàng quyền, bao gồm:


“Thuận Thiên thừa vận chi bảo”, để dùng vào việc truyền ngôi;

“Đại thiên hành hóa chi bảo”, để dùng vào việc đánh dẹp;

“Chế cáo chi bảo”, để dùng đóng vào bài chiếu hoặc bài chế;

“Sắc mệnh chi bảo”, để dùng vào việc ra hiệu lệnh, thưởng hay phạt;

“Ngự tiền chi bảo”, để dùng đóng vào sổ sách;

“Ngự tiền tiểu bảo”, để dùng vào việc cơ mật;


Loại ấn mà Phạm Nguyên dùng ở cuối chương là “Chế cáo chi bảo”, thường được dùng để đóng dấu vào các bài chế, ví dụ như bài chế truy phong Trinh Ý Nguyên Phi, mục đích sử dụng của loại ấn này khác với “Sắc mệnh chi bảo” chuyên dùng thưởng phạt. Tức là, bạn ấy chuẩn bị cho viết bài ca ngợi tang bốc ai đấy chứ không phải ra lệnh giết tổng quản Cung.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tẫn Tuyệt Tình Phi

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
24/6/14
Bài viết
1.060
Gạo
0,0
Bé Phương đi đến nước này thực không dễ dàng. Một câu nói sẽ bảo vệ của đế vương... có làm được không? Hay tương lai có lúc lực bất tòng tâm?

P.s: Hoạn quan tranh sủng cơ đấy. :v
 

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0
Haizz, đấu đấu đá đá, cuối cùng thằng ruồi muỗi vẫn là thằng chế trước.
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
bupbecaumua mEothMeoth Tẫn Tuyệt Tình Phi Chim Cụt giovotinh_ji Lê La Starlight Lâm Diệu Anh có chương mới nhé.

Chương 26: Ấu chúa


Cuối tháng sáu năm Thiệu Bình thứ hai, Lê Ngọc Dao – con gái thứ ba của quan đại tư đồ Lê Sát chính thức được sắc phong.

Tôi không quen thuộc với Lê Ngọc Dao như Lê Nhật Lệ, nhưng ấn tượng của tôi đối với cô gái này lại rất sâu. Không hẳn là nhan sắc, cũng không hẳn là khí chất…

Chẳng hiểu sao, ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, tôi đã cảm giác Phạm Nguyên có tình cảm với cô ta.

Dưới bóng trăng mờ, hai chiếc võng đào song song nhau một trước một sau lặng lẽ lướt qua khu vườn trúc. Tiệc mừng đã kết thúc từ lâu, nhưng tuổi Phạm Nguyên còn nhỏ, chưa thích hợp viên phòng. Để Lê Ngọc Dao lẻ loi một mình trong tẩm cung cũng không hay lắm, nên mấy vị thái phi ngầm bảo Phạm Nguyên đưa cô ta đến ngự hoa viên dạo chơi một lát, để tỏ ra mình cũng quan tâm đến người vợ mới cưới này.


Suốt cả quãng đường dài ánh mắt Phạm Nguyên luôn hướng về phía trước, nét mặt nghiêm nghị không lộ ra chút cảm xúc nào. Lê Ngọc Dao tuân thủ lễ nghi, cũng không dám lên tiếng trước. Mãi đến khi viên hoạn quan khiêng võng vì vấp phải hòn sỏi nên thân người hơi chao đảo, Phạm Nguyên mới như vừa sực tỉnh khỏi cơn mơ, quay sang Lê Ngọc Dao với một nụ cười hoà nhã:

“Nguyên phi chuyển sang cung mới đã quen chưa?”

Nguyên phi là phẩm trậc cao nhất hậu cung, chỉ sau hoàng hậu, mà hiện nay ngôi hoàng hậu vẫn còn đang bỏ trống. Ngoài con gái của đại tư đồ Lê Sát một tay che trời quyền khuynh triều dã, khắp Đại Việt còn vị tiểu thư nào đủ tư cách ngồi lên vị trí này?

“Bẩm bệ hạ, thần thiếp ở đấy đã quen rồi ạ.” Ngồi trên chiếc võng bên kia, Lê Ngọc Dao lễ phép khom người đáp.

Phạm Nguyên khẽ gật đầu một cái rồi im lặng xoay mặt sang hướng khác. Cây quạt có tác dụng làm cảnh trong tay cậu ta sau đó cứ bị bung ra rồi xếp lại liên hồi.

Tuy đến nay mới được sắc phong, nhưng Lê Ngọc Dao thật ra đã vào cung từ năm ngoái với tư cách là thư đồng của công chúa Trang Từ, những cảnh đẹp trong cung như vườn trúc này đã quá quen thuộc với cô ta. Thế nên từ đầu đến cuối, hai người họ chỉ dán mắt vào ngọn đèn lồng phía trước. Gió mặc gió, cây mặc cây. Thỉnh thoảng họ kín đáo đưa mắt liếc sang đối phương, nhưng ánh nhìn ấy không đọng lại lâu. Lúc đến cung Thái Ninh, thậm chí cả hai còn chưa nói được với nhau quá năm câu.



Từ cung Thái Ninh về điện Trường Xuân không xa lắm, nhưng Phạm Nguyên lại muốn đi vòng. Đường khuya yên ắng, dường như có thể nghe rõ đến từng tiếng bước chân vọng lại trong đêm, thứ âm thanh nghe chữ hai tiếng “tịch mịch”, “tịch mịch” lặp lại đều đều. Gió đêm hiu hiu khiến tôi càng lúc càng đắm chìm trong cơn buồn ngủ. Lúc đầu còn gục mặt xuống nhìn đất để đi, lúc sau đã lim dim nhoài người về phía trước theo quán tính. Mãi đến khi lướt ngang qua chỗ rẽ, cảm nhận được hương quỳnh thoang thoảng, mới chợt giật mình ngơ ngác ngó nghiêng.

Phạm Nguyên thích hoa quỳnh, nhưng lần này đi qua ngang hoa đang nở, cậu ta lại không dừng lại.

Đường dài, đêm sâu hun hút, kéo dư âm của buổi dạ yến linh đình dần lùi lại phía sau. Đoàn người lặng lẽ bước đi. Đèn đu đưa, võng đu đưa, xuyên qua vườn mai, men theo con đường nhỏ bên hồ Ẩm Nguyệt. Trăng cuối tháng nhạt nhoà như khói, nhưng Phạm Nguyên cứ nằm đấy nhìn mãi không thôi. Mi mắt khép hờ, thoạt nhìn rất giống như đang ngủ. Thật ra, có lẽ ngoại trừ tôi, tất cả mọi người ở đây đều nghĩ cậu ta đang ngủ.

Lúc chúng tôi về đến điện Trường Xuân, trời đã quá nửa đêm. Phạm Nguyên vừa đặt lưng xuống giường đã lăn ra ngủ. Thấy cả Đinh Thắng lẫn Đinh Phúc đều thấm mệt, tôi ngỏ ý giúp họ lo việc gác cửa hầu hạ Phạm Nguyên, để họ về phòng chợp mắt một chút, mai lại đến hầu.

“Ngươi mà gác cái gì? Chẳng phải lúc nãy còn ngủ gật trên đường sao?” Giữa căn phòng lặng ngắt như tờ, tôi nghe thấy tiếng cười nhàn nhạt của Phạm Nguyên.

“Thần định tối nay hầu hạ người nên lúc nãy tranh thủ ngủ một chút đấy ạ.” Tôi sà đến bên giường cậu ta, noi theo ánh nến mơ hồ tháo cây quạt trầm hương đang treo ở đầu giường xuống, nhè nhẹ phẩy tay. “Bệ hạ thấy thần quạt mạnh quá thì báo cho thần biết nhé.”

“Hơi lạnh.” Cậu ta lên tiếng.

Tôi quạt chậm hơn một chút.

“Trẫm bảo lạnh chứ có bảo ngươi quạt chậm hơn đâu?”

Tôi lại quạt nhanh hơn một chút.

“Ai bảo ngươi quạt nhanh hơn bao giờ?”

Tôi nghe xong thì len lén bĩu môi, không quạt nữa, gục mặt xuống giường vờ ngủ.

Cậu ta véo má tôi kéo lên cao: “Còn dám ngủ trên long sàng của trẫm?”

Tôi ngây thơ dụi mắt rồi quỳ xuống lạy: “Bệ hạ tha tội! Đêm nay thần lao tâm lao lực quá, không kiềm chế được nên ngủ gật, xin bệ hạ suy xét cho tấm lòng trung hiếu của thần!”

“Trung hiếu cái gì? Chỉ giỏi lẻo mép!” Cậu ta phì cười, nhào đến vò đầu tôi thành một cái ổ gà. Tôi thầm nghĩ, may mà tóc tôi là tóc ngắn, nếu để tóc dài thì có phải giờ nó đã trở thành ổ ngỗng ngồi không!

Cậu ta chịu đùa như thế, xem ra tâm trạng đã tốt hơn nhiều.

“Bệ hạ đừng lo lắng nữa, lúc chiều thần đã lén đi thăm tổng quản Cung rồi, còn mang theo cả thuốc và thức ăn ngon cho ông ấy.” Tôi nhoài người về phía trước, ghé vào tai cậu ta thỏ thẻ. “Tổng quản cung dặn thần phải chăm sóc người chu đáo, dặn người phải chú ý giữ gìn sức khoẻ, đừng lo nghĩ vì ông ấy nữa. Chúng ta phải mạnh mẽ thì sau này mới có thể đưa ông ấy trở về.” Lúc mới nói tôi vẫn còn cười. Nói xong, mắt đã rơm rơm nước.

“Ngươi lén đi thăm ông ấy, không sợ bị Lê Sát bắt tội sao?”

Câu hỏi mập mờ ấy chợt khiến tôi chột dạ vì có tật giật mình, không hiểu cậu ta có ẩn ý gì không. May mà tình cảm của tôi đối với tổng quản Cung cũng không phải giả dối, không cần vòng vo tìm một lý do xuôi tai để khiến cậu ta tin tưởng: “Cả hoàng cung ai cũng tất bật vì hôn lễ, dù có phát hiện họ cũng chẳng để tâm, nên thần liều thử một lần. Bệ hạ cũng thấy tình trạng sức khoẻ của tổng quản Cung trước khi bị chuyển sang khu quét dọn rồi đấy. Thần ở bên ông ấy cũng hơn hai năm rồi, làm sao cầm lòng được. Huống hồ Lê Sát đang vui vì con gái được sắc phong, thần nghĩ ông ta sẽ không làm khó thần nếu chẳng may việc này bị phát hiện ra.”

Nghe nói năm xưa tiên đế từng đề cập hôn sự này với Lê Sát, nhưng danh phận của Lê Ngọc Dao chưa định thì tiên đế đã băng hà. Với thế lực của Lê Sát, việc gả con gái vào cung chỉ là vấn đề sớm muộn. Chẳng qua Phạm Nguyên chỉ đẩy sự việc diễn ra sớm hơn một chút, đúng dịp đúng lúc, lấy lý do không nên để máu tươi ảnh hưởng đến hỉ sự để cứu tổng quản Cung một mạng.

“Dù sao cũng nên cẩn thận, trẫm không muốn ngay cả ngươi cũng bị người ta mang đi mất.”

Nghe xong lời ấy của cậu ta, lòng tôi vừa ray rứt vừa ấm áp. Những người thật lòng thật dạ với Phạm Nguyên vốn dĩ không nhiều. Ngay cả tôi cũng…

“Tổng quản Cung là nô bộc nhà mẹ trẫm, từ lúc còn bé trẫm đã được ông ấy chăm sóc rồi. Nghe nói khi ấy mỗi lần linh cảm trẫm sắp tè dầm, mẹ trẫm đều nhanh tay đưa trẫm cho người khác bế, lần nào cũng trúng ngay ông ấy.” Tôi tựa người vào chân giường, chăm chú lắng nghe những dòng hồi tưởng ngọt ngào hạnh phúc của Phạm Nguyên.

“Vậy là linh cảm của Quốc mẫu rất chính xác rồi!” Tôi cười. “Tổng quản Cung thật đáng thương.”

Phạm Nguyên cũng cười khúc khích: “Nghĩ lại, có đại tướng nào trong nghĩa quân năm ấy chưa từng bị trẫm tè lên đâu? Nhất là những người để râu dài, nghe nói râu càng dài càng thường bị trẫm tè.”

Tôi ngạc nhiên: “Lúc nhỏ bệ hạ thường được các tướng quân bế lắm à?”

“Một phần là do thời thế còn loạn lạc, nhiều lúc họ phải thay phiên nhau bảo vệ trẫm. Một phần là do thời ấy lễ quân thần chưa nghiêm, những lúc vui vẻ phụ hoàng vẫn thường đưa trẫm cho mọi người chuyền tay bế.”

Tôi lại nghĩ, có khi từ lúc ấy tiên đế đã có ý lập Phạm Nguyên làm người kế vị, nên muốn những tướng lĩnh thân tín của mình có tình cảm tốt đối với cậu ta. Ngay cả cái tên Lê Nguyên Long của cậu ta cũng đã thấp thoáng ẩn ý này. Ngoài vua ra, còn ai dám sánh với loài rồng, lại còn là ‘Nguyên Long’? Nếu hôm nay người ngồi trên ngai vàng là Quận vương chứ không phải cậu ta, chỉ cái tên này thôi cũng đủ để khiến cậu ta sống không yên.

“Nghe tổng quản Cung kể, người lúc ấy trẫm thích giật râu nhất là Trịnh Khả, lần nào bế lên cũng giật.”

“Trịnh Khả…” Tôi thận trọng nhìn sắc mặt cậu ta. “Nghe đâu trước đây Trịnh Khả khá thân với Quận vương.”

Khoé môi cậu ta khẽ cong lên: “Nếu không phải vì trước đây từng theo Quận vương, giờ ông ta sẽ chịu tìm mọi cách để chứng minh lòng trung thành với trẫm sao?”

Đã hiểu dụng ý của cậu ta, nhưng nỗi lo trong tôi vẫn chưa tan.

“Dù sao bệ hạ cũng không nên hoàn toàn tin tưởng người này.” Tôi đáp. “Ảnh hưởng của con người này không nhỏ, dễ sinh dã tâm.”

“Đình Phương, ngươi thấy Lê Sát ác hay hiền? Nguyễn Trãi ác hay hiền?”

“Lê Sát lộng quyền, dĩ nhiên là ác. Nguyễn Trãi liêm khiết, có thể tính là hiền.”

“Ngươi rất may mắn, chỉ nhìn thấy Lê Sát và Nguyễn Trãi của hôm nay.” Cậu ta cười, nhưng nụ cười ấy lại có chút gì chua chát. “Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Lê Thụ, Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng, Trần Nguyên Hãn… Tất cả họ đều có một thời uống chung bầu rượu, kề vai sát cánh, chỉ có một lý tưởng duy nhất là đuổi sạch giặc Ngô để dân chúng được cơm no áo ấm. Trong số những người đối địch nhau đến ta sống ngươi chết hôm nay, có những người gần hai mươi năm trước từng thay nhau đỡ tên, chia nhau bát cháo loãng, giúp nhau xin tội trước mặt phụ hoàng của trẫm. Đình Phương, ngươi không hiểu thứ cảm giác lúc nhỏ sùng bái một người nào đó, lớn lên lại thấy họ thay đổi đến đáng sợ, đến khiến ngươi ghét cay ghét đắng. Không phải một người, cũng không phải hai người, mà là hàng chục, hàng trăm người đều như vậy.”

Hàng chục người, hàng trăm người đều như vậy…

Quyền lực giống như một con rắn độc. Chỉ một vết cắn nhỏ thôi cũng đủ khiến chất độc lan ra khắp toàn thân, gặm nhắm lấy cơ thể từng phần từng phần một, huỷ hoại không sót một ngóc ngách nào. Như tình cha con giữa tiên đế và Quân vương, như nghĩa quân thần giữa Trần Nguyên Hãn và tiên đế, như tình đồng đội giữa Lê Sát và Trịnh Khả. Cũng có thể, như tình bạn…

Tôi chạm tay vào má Phạm Nguyên.

Lúc mẹ tôi mang cậu ta về nhà, tôi cũng từng len lén chạm vào cậu ta như thế. Lúc ấy trong lòng tôi không có quyền lực, không có tiền tài, cũng không mơ tưởng đến những thứ cao xa như danh vọng. Chỉ đơn giản nghĩ: “Mặt mũi thằng bé này nhìn cũng thích lắm, thôi thì cứ cho nó ở nhờ.”

Cậu ta chụp lấy cổ tay tôi.

Hai năm trước… cũng là như vậy…

“Thôi quên đi, nghĩ nhiều cũng chẳng thay đổi được gì, trẫm chỉ thuận miệng nói vậy thôi.” Ánh nến ấm áp dịu dàng phủ lên đáy mắt cậu ta. Đôi môi cong cong tinh nghịch ẩn hiện nét cười như có như không. “Thật ra trẫm chỉ cần mỗi Đình Phương cũng đủ rồi.”

Trái tim tôi khẽ rung lên.

Vầng sáng trước mắt tôi dần dần khép lại. Trong thoáng chốc, tôi cảm nhận được cậu ta đang nghiêng người áp sát vào tôi, hai tay giữ chặt lấy tay tôi.

Tôi mở to mắt nhìn cậu ta.

Cậu ta cũng nhìn tôi.

Vẫn nắm tay, vẫn tiếp tục cười.

Sau đó, thình lình cụng mạnh vào trán tôi một cái.

Thấy tôi giật mình, cậu ta hí hửng cười: “Ăn hiếp một mình Đình Phương cũng đủ khiến trẫm thấy vui rồi.”

Tôi lách người tránh khỏi vòng tay cậu ta, vừa vung tay vung chân bò đi vừa nghiến răng lẩm bẩm: “Đồ hôn quân còi, chỉ biết ăn hiếp trung thần!” Sau đó lại thấy luồn cúi mãi thế này cũng không phải cách, quyết định quay lại báo thù. Sống, là phải oanh liệt! Phải quật cường!

“Ngươi dám… dám… cù…a… cù…cù…” Những tiếng la đứt quãng của kẻ bị đè trên thảm khiến tôi thật hả lòng hả dạ, chỉ muốn nghe thứ âm thanh đó kéo dài mãi đến lúc khản cổ mới thôi. Tôi đang ngồi trên vua. Vua là vàng là bạc là ngọc là ngà. Tôi đang ngồi trên một đống vàng bạc ngọc ngà!

“Cái con b…” Cậu ta xô tôi ngã sóng soài, sau đó nhanh tay giật tấm lấy tấm chăn lụa trên giường phủ lên người tôi, gầm gừ: “Trẫm cột ngươi lại, cột ngươi lại rồi thả vào hang cuốn chiếu cho chúng nó tha!”

“Bệ hạ…” Giọng tôi tan ra thành nước. “Thần sai rồi, bệ hạ nhân từ, tha thứ cho thần đi mà…”

“Tha ngươi, ngươi cho trẫm cái gì?”

“Thần… cả đời này thần sẽ làm con chó nhỏ luôn theo chân bệ hạ. Vẫy vẫy đuôi, kêu ẳng ẳng.”

“Trẫm không thích chó!”

“Vậy… vậy… vậy thần sẽ là con thỏ nhỏ luôn theo chân bệ hạ.” Tôi trốn ra khỏi chăn, từ từ ngẩng đầu lên. “Con thỏ trắng nhỏ, vẫy vẫy đuôi theo chân bệ hạ.”

Số trời đã định, tôi không thể làm trung thần, chỉ có thể làm nịnh thần thôi.

“Con thỏ kêu thế nào?”

Tôi nắm hai nắm tay lại đưa lên má, chu mỏ ra, nhìn cậu ta bằng đôi mắt long lanh: “Con thỏ con, kêu chịt chịt… chịt chịt… chịt chịt…”

Ánh mắt cậu ta quả nhiên biến đổi.

Ồ, hoá ra cậu ta cuồng thỏ!



Tôi ở lại bên cậu ta đến khi trời sáng, làm nịnh thần đến say mê. Rốt cuộc, lại quên mất việc hỏi cậu ta một câu quan trọng.


Cậu ta có thích Lê Ngọc Dao không?




Mùa hạ là lúc nông vụ đang vào kỳ bận rộn. Từ cuối tháng năm, triều đình đã ban bố lệnh cấm quan viên lạm dụng sức dân, tất cả đều phải lấy việc đồng áng làm đầu. Sau lại ra lệnh các vệ quân năm đạo tập trung sửa chữa các chiến khí bị mối mọt làm hỏng nát, nên những ngày này tấu chương báo cáo tình hình gửi về từ các tỉnh chất cao như núi. Những sự vụ này tuy không quan trọng lắm, nhưng đều liên quan đến quốc khố, dễ dẫn đến tham ô, nên Phạm Nguyên khá quan tâm. Tin tức này chẳng bao lâu đã đến tai các quan lại trong triều. Không hẹn mà gặp, người người đều quay sang ca ngợi Lê Sát giỏi dạy con, nuôi dưỡng được một vị Nguyên phi kết hôn chưa bao lâu đã khiến ấu chúa trở thành minh quân cần chính yêu dân.

Đến đầu tháng bảy, thậm chí cậu ta còn sai Nguyễn Trãi viết một tờ sắc dụ sai trăm quan phải tu tỉnh, chăm lo làm tròn chức vụ, từng câu từng chữ đều thẳng thừng chỉ rõ những sai phạm mà chẳng biết từ đâu cậu ta nắm được.

“Gần đây ít kẻ biết giữ phép công, tuân theo pháp luật: Người giữ tiền bạc, để bê trễ đọng lại, cố ý làm khó khăn; kẻ coi quân đội, không thương xót binh lính. Còn cai trị dân, thì không lo chăn dắt nuôi dậy, chỉ buông tha cho bọn giàu có, riêng trút sai dịch vào hạng bần cùng; xử kiện thì không giữ công bằng, chỉ nghĩ đến bè đảng và ăn hối lộ; làm việc thì không cần mẫn, chỉ chè chén và tiệc tùng. Những kẻ canh giữ quan ải, không nghĩ đến việc kiểm tra xét hỏi, chỉ mưu tính buôn bán để làm giàu.

Các người cùng hưởng lộc trời, chăn dân của trời, thế mà làm việc như vậy há chẳng trái nghịch với trời sao? Từ nay các ngươi nếu biết sửa đổi lỗi trước, noi theo đường thiện, hết lòng trung ái, thương yêu quân và dân, hòa thuận giữa bạn đồng liêu, công bằng xét xử việc hình ngục và kiện tụng, khuyến khích canh nông và tằm tang, dẹp yên trộm cướp, trao dồi đức hiển vinh, con cháu sẽ được hưởng phúc. Nếu không thế thì nhà nước đã có pháp luật đây.”(1)

Tờ sắc này khiến nhiều nụ cười hớn hở trước kia trở nên đông cứng.


Hai hôm sau, một cuộn giấy trắng được buộc cẩn thận bằng chỉ đỏ được lạnh lùng ném xuống từ chiếc sập vàng uy nghi ở điện Hội Anh, nơi tháng trước gần ba phần tư số đại thần đã lũ lượt kéo nhau theo Lê Sát nghỉ chầu, gây áp lực buộc Phạm Nguyên giết tổng quản Cung. Lúc những cái tên trong cuộn giấy ấy được Phạm Vấn đọc lên, cả đại điện chợt như dậy sóng.


Vẫn không ai biết cậu ta đào ra bảng danh sách ấy từ đâu.


Chỉ biết, đó là lời tuyên chiến đầu tiên của một ấu chúa mười ba tuổi.


Chú thích:

(1) Trích từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
 

Tẫn Tuyệt Tình Phi

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
24/6/14
Bài viết
1.060
Gạo
0,0
Lời của fan cuồng: "Bệ hạ dám phản bội bé Phương, thần phải thiến!"

Lời của đọc giả: "Haiz... Vậy là bạn Nguyên trưởng thành rồi đấy, biết gạt tình riêng lo cho chính sự. Haiz... Nhưng một quân vương như thế thường không bảo vệ được người yêu.
Haiz... bé Phương lần này nịnh có phần gượng gạo... có lẽ con bé đang bị cảm giác trong lòng chi phối: "Hắn có yêu Lê Ngọc Dao không?""

P.s: Chương này hơi ngắn vậy Bí?
 

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0
Chị Bí toàn thích tung hàng lúc đêm khuya.
Càng lớn Đình Phương lại càng bị ăn đậu hũ nhiều mà không hay biết.
13 tuổi đã lấy vợ rầu.
Suýt nữa thì nhỡ mồm.
Chuyện của 2 đứa này làm em liên tưởng đến Vi Tiểu Bảo và Khang Hy.
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Chị Bí toàn thích tung hàng lúc đêm khuya.
Càng lớn Đình Phương lại càng bị ăn đậu hũ nhiều mà không hay biết.
13 tuổi đã lấy vợ rầu.
Suýt nữa thì nhỡ mồm.
Chuyện của 2 đứa này làm em liên tưởng đến Vi Tiểu Bảo và Khang Hy.

Nhiều bạn cũng bảo đôi này giống VTB- KH. Hôm nay ss xem bản Lộc Đỉnh Ký 2008 vì có 2 anh trai đẹp, đúng là hint tung toé thật.:tho8:
 
Bên trên