Hoàn thành Về quê - Hoàn thành - Lê La

Tham gia
11/10/14
Bài viết
5
Gạo
0,0
Chắc nàng cũng viết được kha khá rồi nhỉ. Ta thấy có đoạn "chè bưởi" nữa và nghĩ rằng đấy chắc là một đoạn trong "Về quê".
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Đọc comment của chị Mưa Mùa Hạ mà đã quá :D. Lúc đọc em nghĩ sẽ trả lời chị thế này, đến khi đọc xong thì không biết trả lời thế nào nữa. :((
Đầu tiên là em cảm thấy rất vui vì chị có thể đọc liền một lúc sáu chương dày đặc chữ em viết ra. :v Sau đó là em thấy sung sướng vì có phần nào đó gợi lên cảm xúc và sự đồng cảm nơi chị. Đọc xong mà em còn ngồi ngây ra cười ngơ ngẩn như một con hâm, may mà có mình em trong phòng. :))
Em cảm ơn vì chị đã đọc và chia sẻ những cảm nhận rất chân thành như vậy. >:D<>:D<
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Chắc nàng cũng viết được kha khá rồi nhỉ. Ta thấy có đoạn "chè bưởi" nữa và nghĩ rằng đấy chắc là một đoạn trong "Về quê".
Ta mới đang viết chương 7 nàng ạ. Cái đoạn chè bưởi và mấy chuyện thường ngày ta viết kia là muốn ghi lại những việc diễn ra hàng ngày, lúc viết cái đó thì ta chưa viết và cũng chưa nghĩ ra truyện "Về quê". Nhưng giờ thì ta thấy may vì đã viết lại, có thể ta sẽ đưa nó vào một chỗ nào đó trong truyện này cũng nên. :D
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Chương 7: Thợ đánh giấy ráp, thợ sơn, đầu bếp và nhân viên vệ sinh

Trong những ngày đợi người ta xây xong nhà, tôi không có việc gì để làm. Tôi ngủ đến tám giờ mới dậy, ăn sáng, ngồi đọc sách hoặc nghĩ vẩn vơ, buổi chiều lại tiếp diễn những công việc đó. Đến giờ nấu cơm thì tôi nấu cơm, đến giờ quét dọn thì tôi quét dọn. Thời gian cứ chậm chạp trôi đi từng ngày như thế nhưng không hề mang lại cho tôi cảm giác nhàm chán. Tôi đang tận hưởng sự tĩnh lặng trong cuộc sống của mình.

Trước đây, tôi từng có ý định học tiếp sau khi tốt nghiệp đại học, bố tôi cũng đồng ý với dự định đó. Thời gian gần đây, suy nghĩ của bố có sự thay đổi. Bố nói: “Con gái việc quan trọng nhất là xây dựng và chăm lo cho gia đình, học như vậy đủ rồi. Cuộc sống cần phải cân bằng mọi thứ, không nên chỉ mải theo đuổi một cái xa vời mà bỏ qua những việc khác.”

Mẹ thì vẫn luôn thích tôi về quê, lấy chồng làng cho gần gũi, sau này đỡ vất vả. Nếu như trước đây tôi thi trượt đại học và ở nhà, mẹ tôi cũng không lấy làm thất vọng lắm, như vậy thì bây giờ mẹ đã có cháu ngoại rồi. Vì vậy, việc tôi học xong và về quê không khiến bố mẹ buồn phiền mà ngược lại, rất được tán thành. Bố mẹ hi vọng sẽ xin cho tôi vào một chỗ nào đó ổn định, rồi lấy chồng, sinh con, có việc gì cũng gần bố mẹ mà bố mẹ cũng yên tâm. Tôi biết xin việc không đơn giản chút nào, cũng tự xác định trước khi về quê khả năng tôi thất nghiệp và phải học nghề của mẹ, nên tôi không suy nghĩ gì nhiều về việc này nữa.

Tầng hai được xây xong, bố mẹ và tôi bắt tay vào dọn dẹp, lau chùi. Bố và mẹ đều là những người ưa sạch sẽ nên việc dọn dẹp diễn ra trong vài ngày, lau từng ngóc ngách, từng milimét trên nhà. Kể ra thì đây cũng là một điểm chung giữa hai cực đối lập ấy mà tôi vô tình quên mất, đến bây giờ mới nhớ ra.

Bố tôi là thợ mộc. Bố chuyên làm giường Hàn Quốc [1], nhưng nếu phải làm những cái khác như tủ, ghế, kệ… bố cũng làm được. Trong làng, bố là thợ có tiếng vì bố làm cẩn thận, đẹp và chắc chắn. Mọi đồ đạc trong nhà đều một tay bố làm, từ giường chúng tôi nằm, kệ ti vi, tủ đựng quần áo, bàn ghế ngồi uống nước, bàn học của hai chị em cho đến cái giá sách của tôi và em trai...

[1] Tên một loại giường có kiểu dáng đơn giản, không đục nhiều chi tiết ở trên, có độ chắc chắn cao.

Trong suy nghĩ của tôi, bố nói riêng và những người thợ mộc khác nói chung đều là những người tài giỏi. Những người thợ mộc trong làng đều không được học hành đến nơi đến chốn, đa số ngày trước chỉ học hết lớp bảy rồi về học nghề, có người đi bộ đội sau đó cũng về xây dựng sự nghiệp. Trong nhóm đồng ngũ của bố, có bác bây giờ là giám đốc một công ty đồ gỗ lớn nhất nhì làng, có bác thì chỉ làm công như bố tôi thôi, nhưng ai cũng gắn bó với cái nghề truyền thống.

Những con người không biết gì về nghệ thuật theo những định nghĩa trong sách vở và cũng chưa qua đào tạo mỹ thuật hoặc điêu khắc chuyên nghiệp nào nhưng những sản phẩm họ làm ra đều hài hòa về hình khối và chi tiết. Trước khi bắt tay vào làm một sản phẩm, người thợ sẽ phải vẽ mẫu (nếu đã có mẫu sẵn thì không phải vẽ), dịch mẫu, xác định kích thước, đi mua gỗ về xẻ (cái này gọi là pha gỗ), sau đó mới vanh, bào… tạo hình theo mẫu, đục mộng, lắp ghép, dùng cốnđể gắn hoặc đóng đinh để cố định… Có rất nhiều công đoạn và mỗi sản phẩm yêu cầu một số lượng công việc khác nhau. Đấy mới là việc của thợ mộc, ngoài ra còn những việc khác cần đến các thợ khác như thợ chạm, thợ đánh giấy ráp, véc ni hoặc thợ sơn.

Trước đây, chưa có máy móc thì mọi việc đều được làm thủ công. Bây giờ có nhiều loại máy móc thiết bị hỗ trợ nên tiết kiệm thời gian và sức lao động hơn, đồng thời năng suất cũng được nâng cao. Chỉ có điều, khi bắt đầu áp dụng thành tựu khoa học kĩ thuật vào sản xuất như vậy, những người thợ sẽ phải tự mày mò cách sử dụng máy móc sao cho có hiệu quả. Bố tôi bảo, toàn loại nông dân mù chữ ít học nên cứ phải làm thực tế rồi mới biết cách sử dụng cho đúng. Lúc mới có cái máy bào Tàu ở làng tôi, không ít người bị mất ngón tay vì chưa biết hết mức độ nguy hiểm mà nó có thể gây ra. Bây giờ thì đỡ hơn, một phần vì đã quen sử dụng, một phần vì có nhiều máy khác thay thế.

Khi công việc lau dọn kết thúc, bố bắt đầu làm cửa cho tầng hai. Có bốn cửa ra vào trong đó có một cửa lắp hai cánh và ba cửa sổ, trong đó một cửa lắp hai cánh, hai cửa lắp bốn cánh.Như vậy, bố sẽ phải làm năm cánh cửa ra vào và mười cánh cửa sổ. Bố tự làm cửa vì muốn tận dụng những miếng gỗ thừa vẫn còn rất nhiều ở góc lán sau mỗi lần pha gỗ cho loạt hàng mới. Bố làm đến đâu, tôi đánh giấy ráp và sơn đến đó.

Đánh giấy ráp thường gồm hai công đoạn, đánh nước và đánh khô, nhưng tôi chỉ phải đánh khô thôi. Vì cửa không cầu kì, chủ yếu là những mặt phẳng đã được bố bào qua nên tôi dùng máy rung để đánh. Máy rung mẹ tôi mượn bên nhà cô Huệ chứ nhà tôi không có, máy được lắp giấy ráp và người đánh chỉ việc điều khiển nó chạy trên mặt phẳng, chỉ loáng một cái là mặt gỗ đã nhẵn thín. Những chỗ bố soi để tạo độ tròn và có li, tôi phải dùng tay để chà xát miếng giấy ráp lên đó, nếu không nó sẽ bị mòn và mất hết hình dạng. Đánh giấy ráp tay rất hại da tay, nếu không quen sẽ nhanh cảm thấy đau rát. Những thợ đánh giấy ráp thường buộc vải quanh đầu ngón cái và ngón trỏ để hạn chế da tay tiếp giáp với mặt giấy ráp cho đỡ đau, nhưng cũng chỉ đỡ phần nào thôi. Hồi chưa có máy rung thì người ta lót giấy ráp quanh một miếng gỗ vuông nhỏ, rồi cứ cầm miếng gỗ chà qua chà lại là được.

Bố mua sơn tổng hợp về cho tôi sơn cửa. Hồi trước, nhìn bố sơn tôi nghĩ đó là việc khá dễ dàng, cứ cầm chổi quét lên bề mặt gỗ là xong, giống như mình tô màu vậy. Đến lúc tự tay làm tôi mới thấy mọi việc không đơn giản như thế. Sơn rất đặc, nếu để nguyên như vậy và quét, sơn dễ nổi cục, không mịn và khó quét cho đều. Nếu muốn sơn loãng ra thì phải hòa với một chút dầu hỏa. Nguyên tắc quét sơn cũng giống nguyên tắc đánh giấy ráp, phải đưa tay quét theo chiều dọc của vân gỗ, quét đều và đường quét dài để lớp sơn mịn phủ kín bề mặt gỗ. Nếu để sơn nhỏ giọt và đọng thành những hạt nhỏ nhìn sẽ rất xấu. Sơn này hoàn toàn khác với việc phun sơn của thợ sơn ở làng tôi. Thợ sơn cần nhiều kĩ năng hơn và họ có máy phun sơn chứ không dùng tay để quét. Gần đây việc phun sơn mới thịnh hành vì phun sơn đắt hơn đánh véc ni.

Địa điểm làm việc của tôi thay đổi liên tục. Lúc thì ở dưới sân, lúc thì ở trên tầng hai, lúc ngoài ban công, lúc lại ở trên mái tôn. Tôi thích một mình làm ở trên ban công tầng hai hoặc một mình ngồi trên mái tôn đánh giấy ráp hoặc quét sơn. Buổi chiều, mặt trời di chuyển sang hướng tây, bị ngôi nhà che khuất, tôi đội mũ, đeo khẩu trang, trèo qua lan can xuống mái tôn và bắt đầu công việc. Vừa làm tôi vừa nghĩ đủ thứ chuyện trên đời.

Những lúc tâm trí được rảnh rỗi, tôi lại nhớ bạn bè, trường lớp. Có lúc tôi thấy mọi thứ trôi qua thật nhanh chóng, nhanh đến mức mình không theo kịp để nắm giữ, có khi vừa đang vui vẻ nghĩ rằng thời khắc quan trọng này mình sẽ nhớ mãi, vậy mà lúc sau, sự việc khác lại diễn ra với ấn tượng riêng của nó, ý nghĩa riêng của nó, đè lấp mất sự kiện trước và trí não ta, con tim ta không biết chứa đựng nó như thế nào cho phải. Trong ngăn tủ ký ức và kỉ niệm, mọi thứ bỗng trở nên lộn xộn, giống như lúc ta nổi hứng muốn lục tung căn phòng của mình lên để sắp xếp mọi thứ lại từ đầu.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi bước chân vào học viện, lần đầu tiên đặt chân vào Hội trường lớn, lần đầu tiên tôi và Huyền thay vì bắt xe về quê lại bắt xe lên Thái Nguyên chơi với bạn… Những ngày mới lên Hà Nội, chúng tôi vừa cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới, vừa hoài niệm quá khứ với bạn cũ trường cũ thời phổ thông, cũng như giờ đây tôi đang hoài niệm những tháng ngày đầu tiên ấy. Chúng tôi hẹn nhau giữa thành phố chật chội đông đúc, gặp gỡ, ăn uống, kể cho nhau về trường, về nhà trọ, về việc học đầy mới mẻ. Dần dần, những người bạn thời cấp ba bị thay thế bởi những người bạn hiện tại chúng tôi đang gặp gỡ từng ngày. Không phải lãng quên nhau mà nhịp sống mới đã cuốn chúng tôi đi cùng nó, thời gian để hoài niệm không còn nữa, thay vào đó, chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước và vị trí của mỗi người đối với những người còn lại cũng thay đổi theo.

Trời dần tối, nền trời đã chuyển sang xanh thẫm và những đám mây ánh lên sắc đỏ của mặt trời, gió chiều mát mẻ thổi lào xào những lá cau cao quá mái tôn, in hình sắc nét lên nền không gian mịn như nhung. Tôi dựng cánh cửa sổ vừa mới sơn xong lên lan can, trèo lên ban công, nhấc cánh cửa gỗ lên theo, thu dọn đồ nghề.

Từ trên này nhìn ra xung quanh, chỉ thấy những mái nhà được lợp tôn hoặc những mái trần chứ rất ít thấy những mái ngói đỏ như ngày trước. Cũng không còn những làn khói bếp lẩn quẩn trong không gian trời chiều, chỉ còn duy nhất một làn khói đen giữa nền trời phía xa, được nhả ra từ cái ống khói cao ngút của lò gạch bên kia sông. Làng tôi bây giờ so với làng trong thời ấu thơ của tôi đã có rất nhiều thay đổi. Làng rộng hơn nhưng cũng chật chội hơn vì có nhiều người từ nơi khác đến đây sinh sống. Rất ít nhà còn vườn, bởi bao nhiêu đất đai đều được tận dụng làm lán xưởng cả rồi, thế mà vẫn chật. Sân nhà tôi từng để một nửa là vườn, bây giờ chỉ còn một khoảnh nhỏ, có trồng hai cây cau cảnh, nhưng vườn đó cũng để củi và gỗ vụn là chính. Cái ao trước cửa nhà tôi giờ được lấp đi, thành bãi đổ gỗ của mấy người buôn gỗ.

Trước khi xuống dưới, tôi nhìn ngắm bầu trời đang chuyển mình chuẩn bị đi vào giấc ngủ, mỉm cười mà không vì một lý do nào cả. Tôi thở hắt ra, thấy vui vì một ngày trôi qua nhẹ nhàng và bình lặng giữa đất trời thoáng đãng.

Từ khi xây xong tầng hai, việc quét nhà của tôi tăng thời gian lên gấp đôi. Khi quét nhà xong thì cũng sáu rưỡi tối, tôi đi cắm cơm, nhặt rau. Nấu ăn không phải sở trường của tôi. Hồi sinh viên, phòng có năm người, Huyền với Trang nấu ăn ngon nên thường phải nấu, tôi chỉ rửa bát là chính, nên trình độ nấu ăn chỉ bình thường, không đến nỗi không nuốt nổi. Vậy nhưng về nhà thì tôi phải nấu tuốt, may là nhà tôi chỉ ăn những món rất đơn giản. Nấu ăn xong tôi đi tắm, cũng vừa lúc bố tôi nghỉ làm và mẹ tôi quét sân, quét đường xong. Bố mẹ tôi tắm xong là khoảng bảy rưỡi, nhà tôi ăn cơm tối.

Hệ thống cửa được hoàn thành trong khoảng một tháng. Có cửa là tôi có thể lên trên phòng mới để ngủ. Bố đã chuyển chiếc giường ở phòng khách lên đó và đang làm một chiếc giường khác để kê trên gác xép. Tôi ngủ ở tầng hai, mình tôi một tầng, tha hồ vùng vẫy, không sợ ai làm phiền. Em trai tôi nếu thỉnh thoảng có về sẽ ngủ ở gác xép.

Tôi chỉ đợi đến lúc này để tháo dỡ hai thùng sách tôi đã gửi xe ô tô mang về trước khi tôi tốt nghiệp. Lúc đang làm nhà và mọi thứ còn ngổn ngang, vì không có chỗ để nên sách của tôi vẫn nằm im trong hai cái thùng giấy được dán vài lớp băng dính và bên trên vẫn còn ghi tên bố tôi cùng số điện thoại của bố. Giá sách của tôi được treo trên gác xép. Tôi khệ nệ bê hai thùng sách lên đó, xong phải ngồi thở một lúc để lấy lại hơi. Cả sách mới và sách cũ, tôi lấy hết xuống, để kín cả mặt phòng. Tôi soạn riêng các tác phẩm văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, tiếp đến là những cuốn giáo trình, sách tham khảo, sách bổ trợ kiến thức, mấy quyển hạt giống tâm hồn… Sau đó, tôi xếp lên giá sách. Những sách ít đọc và tài liệu phô tô, tôi xếp chung vào một thùng giấy to, để bên dưới giá sách. Mọi thứ xong xuôi, tôi đứng nhìn ngắm thành quả trong sự thỏa mãn và thích thú.

Việc sắp xếp lại giá sách là một việc rất thu hút tôi, không hiểu tại sao lại như thế nữa. Chỗ nào bừa bộn thì bừa bộn chứ giá sách nhất quyết phải gọn gàng ngăn nắp. Có một lần, vì ngứa mắt không chịu được với giá sách của Huyền, Trang và Duyên mà tôi dành ra một buổi để xếp lại sách cho bọn nó. Mình tôi một giá sách, ba đứa nó chung một cái. Chúng nó để sách nọ lẫn sách kia, sách lẫn với giấy tờ, tài liệu, quyển để ngang quyển để dọc. Nhìn vào là tôi khó chịu và buồn bực trong người, nên tôi quyết định tự ý hành động. Nhưng một thời gian sau mọi thứ lại trở về tình trạng ban đầu, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán.

Thỉnh thoảng tôi nổi hứng dọn dẹp trong phòng, dành ra cả ngày để vứt bớt những đồ không dùng đến và sắp xếp lại mọi thứ cho ngăn nắp. Mỗi lần như vậy, tôi được thoải mái tận hưởng thành quả trong vài ba ngày, rồi lại ngậm ngùi sống tiếp như những ngày trước đó. Phòng trọ có năm người cơ mà, có phải của riêng tôi đâu. Tôi cũng dễ chấp nhận mọi thứ như vậy, cũng có khi tôi còn bừa bãi hơn bọn nó. Nếu có lúc nào đó sự khó tính trong tôi nổi dậy, nhất là khi tôi đang bực mình, tôi sẽ trở nên khó chịu vô cùng, nhìn vào chỗ nào tôi cũng thấy ức chế và muốn cãi nhau, thế là tôi phải nằm nhắm tịt mắt lại cho khỏi nhìn thấy gì nữa. Sau khi nỗi bực tức trong tôi qua đi, tôi lại bình thản sống giữa sự bừa bộn đó.

Ở nhà, tôi không phải chịu tình trạng bừa bộn kéo dài nhưng mặc nhiên tôi cũng không thể tùy hứng mà vứt mọi thứ lung tung như trước. Mẹ tôi sẽ cho tôi nghe một bài ca và tôi phải giải quyết sự ngẫu hứng của mình trong nỗi tức giận không thể nói với ai. Dù sao thì, khả năng chịu đựng những lời mẹ mắng của tôi vẫn chỉ ở mức trung bình thôi.

Mẹ sẽ bảo tôi là: “Mai quét nhà thì khỏa luôn mạng nhện trên tường, trên cửa sổ đi, suốt ngày chỉ quét khoen khoén dưới đất.” Nhiều lúc tôi cũng phải ngạc nhiên về cách dùng từ của mẹ và của những cô, những bác hàng xóm. Có nhiều từ nghe lạ hoắc nhưng rất phù hợp với ngữ cảnh và hiệu quả tác động của nó thì khỏi phải bàn, tôi có nghĩ nát óc cũng không tìm ra từ nào hay hơn để thay thế. Chẳng hạn như câu trên, ý là tôi phải quét cả mạng nhện nữa chứ không phải chỉ quét nguyên cái nền nhà, tôi chỉ diễn đạt được như thế thôi, cái từ “khoen khoén” nó hay ho hơn nhiều.

Cũng có khi mẹ nhắc: “Mai trước khi tắm thì tiện tay lau tường nhà tắm đi, nó bẩn lắm rồi đấy.”Hoặc mẹ lại mắng tôi cái tội nấu xong không lau bếp luôn, để mỡ dính đầy trên tường… Không ngày nào tôi thoát được những lời như thế, mẹ không than phiền chỗ này thì cũng than phiền chỗ khác chưa sạch. Nhất là bữa ăn, hầu như bữa ăn nào tôi cũng phải nghe mẹ mắng vài câu rồi mới được ăn. Nhìn nền nhà bẩn là mẹ càu nhàu, vừa lau vừa bảo tôi “Bẩn như thế cũng để yên mà ngồi ăn được.”, khi ngồi vào bàn, đến lượt cái bàn bị đưa vào đối tượng lau chùi tiếp theo. Nếu thần kinh không vững vàng, chắc tôi không sống nổi với mẹ tôi một ngày và sẽ không nuốt nổi một miếng cơm. Nhưng tất nhiên là tôi quen rồi, tôi vẫn làm tất cả những việc mẹ tôi nhắc hàng ngày. Khi nấu xong, tôi lau bếp, lau tường, rửa luôn bát đĩa xoong nồi cho sạch tinh tươm, lau phòng ăn, lau bàn ăn. Đến khi tôi với bố ngồi vào bàn ăn, mẹ vẫn phải lấy chổi lau nhà lau thêm lần nữa. Tôi biết, không phải tôi lười mà là tính mẹ tôi quá sạch sẽ.

Có một hôm, đang ngồi xem ti vi, mẹ nghe điện thoại của dì xong thì nói với tôi: “Mày chết chưa… con điên kia, người ta đang nói mày không quét sân, quét đường mà toàn thấy mẹ quét kia kìa…” Mẹ tôi vẫn thường nói ra những câu như thế đấy, sống ở làng tôi thì chẳng mấy ai là không nói tục. Nói tục đã thành một thói quen, trở nên rất bình thường, trừ khi là quá tục và nói không đúng lúc mới bị đánh giá này nọ. Em tôi thỉnh thoảng lại nhắc nhở mẹ tôi: “Mẹ nói rất tục đấy.” hoặc “Đúng là con gái họ Nguyễn”, mẹ cười bảo: “Kệ tao!”

Tôi nghe xong lời mẹ nói mà tức sùi bọt mép (tôi nói quá thôi, nhưng thật sự là tôi đang điên lắm). Đúng là cái làng La, chuyện này mà cũng lôi ra soi mói, bàn luận và la làng được. Nhà người ta, người ta muốn quét thế nào kệ người ta, liên quan gì đến họ mà họ phải ý kiến chứ. Mẹ nói tôi vậy thôi chứ cũng bực mình lắm, lúc nãy tôi cũng nghe mẹ nói với dì là: nó nấu cơm với quét nhà, còn sân với đường, tôi làm xong tiện thì quét luôn chứ có phải nó đi chơi đâu… Haiz, đã bảo người làng tôi quan tâm đến nhau lắm mà, chuyện của người khác cũng coi như chuyện của mình, chỉ khổ cái thân tôi, từ sau hôm đó, tôi được kiêm luôn chức quét đường, thêm một việc vào danh sách công việc hàng ngày. Còn mẹ tôi có thời gian rảnh đi bộ để rèn luyện sức khỏe với mấy cô hàng xóm.

Kể ra quét đường cũng có cái hay, ít ra thì tôi cũng bước ra khỏi cổng chứ không chỉ mãi “ru rú trong nhà” như lời mẹ tôi hay nói. Tôi gặp gỡ nhiều người qua lại, và dần dần học cách chào hỏi. Với tôi, quét đường giờ như là một cơ hội để tôi hòa nhập với xã hội bên ngoài, vì tôi gặp rất nhiều người, kể cả những người tôi không biết và quan trọng là gặp ai tôi cũng phải chào. Cứ thử không chào mà xem, hôm sau sẽ có tin đồn khắp làng, đại khái như cái con đấy ít nói lắm, gặp ai cũng không mở mồm ra mà chào, như vậy thì khả năng ế chồng của tôi cứ theo gió gặp bão mà tăng lên vù vù, chưa kể tuổi tôi mà trước đây nghỉ học ở nhà thì chắc chắn đã thuộc diện ê sắc ế.

Chào hỏi trong lúc quét đường như vậy, tôi thấy mình sống cởi mở hơn trước và có nhiều mối quan hệ hơn trước, dù là những mối quan hệ rất đặc biệt. Chẳng hạn như thế này, lần đầu tiên gặp ông Khánh điếc, tôi không biết ông là ai, không biết tên ông cũng không biết ông bị điếc. Thấy ông nhìn tôi nên tôi chào ông, ông gật đầu cười rất tươi, một vài lần như vậy, cứ đi qua thấy tôi quét đường, ông lại nhìn và tôi lại tươi cười chào, ông sẽ đáp lại một câu: “Ừ, cháu đá [2], xinh gái mà chăm nhất xóm đấy.” Ông nói xong thì cũng đạp xe qua, tôi chỉ kịp phì cười với câu nói của ông. Chắc cả cái làng này có mỗi mình ông khen tôi như vậy. Một hôm, ông dừng xe trước cổng, nói với mẹ tôi là: “Con này được đấy, vừa chăm chỉ vừa dẻo mồm.” Không phải nói cũng biết mẹ tôi sướng rơn, vậy mà vẫn phải nói với ông là tôi không có ma nào thèm hỏi, ông có ai thì giới thiệu cho tôi. Quả là mẹ tôi, không bao giờ khen tôi được một câu.

[2] Lời chào, phát âm đúng là “cháu đã” nhưng do nói nhanh nên âm bị biến đổi thành “cháu đá”.

Nói thì nói vậy thôi, so với những người ở làng, nhất là đám con gái mới lớn, tôi vẫn thuộc dạng ít nói, cần được đào tạo thêm. Túm lại là tôi vẫn chưa đủ tiêu chuẩn làm con dâu nhà người ta.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mưa Mùa Hạ

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
6/8/14
Bài viết
2.926
Gạo
4.000,0
Bố nói: “Con gái việc quan trọng nhất là xây dựng và chăm lo cho gia đình, học như vậy đủ rồi. Cuộc sống cần phải cân bằng mọi thứ, không nên chỉ mải theo đuổi một cái xa vời mà bỏ qua những việc khác.” => Trời ôi! Bố chị không nói câu này mà lão chồng chị hay nói. Đọc ngay đầu chương đã thích thích rồi.

Mẹ thì vẫn luôn thích tôi về quê, lấy chồng làng cho gần gũi, sau này đỡ vất vả. => Mẹ chị đấy, giờ vẫn còn than là con gái lấy chồng xa. Thương mẹ quá!

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi bước chân vào học viện, lần đầu tiên đặt chân vào Hội trường lớn, => Chỗ này chắc em viết đúng nhưng chị vẫn thắc mắc về việc không viết hoa và viết hoa ở 2 chỗ này đã chuẩn chưa?

“Mày chết chưa… con điên kia, người ta đang nói mày không quét sân, quét đường mà toàn thấy mẹ quét kia kìa…” => Thích mẹ của "tôi" quá đi. À, không chỉ ở làng đâu. Nhà chị ở thành phố hẳn hoi mà cũng có rất nhiều các bà cô rảnh việc ngồi săm soi và bàn tán mỗi khi chị về quên. Chuyện này khá phổ biến.

Chương này miêu tả công việc của bố rất tỉ mỉ, tác giả đã quan sát và học hỏi rất nhiều nên mới có thể viết được các đoạn miêu tả cẩn thận như vậy. Bản thân chị đọc đoạn đấy cũng hình dung ra phần nào công việc của "bố". Thích đoạn cuối, quả thật là rất "quê" tác giả ạ. :x
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Em cảm ơn chị Mưa ạ, em viết mà chỉ sợ làm người đọc chán thôi, thật ra tiếng là sinh ra ở làng nghề và sống ở làng nghề mà đến bây giờ em mới biết chút chút thôi. :P
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi bước chân vào học viện, lần đầu tiên đặt chân vào Hội trường lớn, => Chỗ này chắc em viết đúng nhưng chị vẫn thắc mắc về việc không viết hoa và viết hoa ở 2 chỗ này đã chuẩn chưa?
"Học viện" nếu đi với tên trường thì viết hoa: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, còn chỉ viết như là danh từ chung thì không phải viết hoa chị ạ. :)
"Hội trường lớn" có lẽ không cần viết hoa, nhưng em nghĩ các dãy nhà, dãy lớp học của trường đều được đánh dấu A, B, A1, B1... riêng Hội trường lớn thì nằm riêng nên cũng nên viết hoa như một tên gọi. Không biết có đúng không chị a.
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Chương 8: Những người hàng xóm (phần 1)

Thấy tôi rảnh rỗi quá, mẹ bảo: “Mai đục nhá!”

Vậy là tôi bắt đầu học đục.

Bố làm cho tôi một bộ bàn ghế ngồi đục mà theo lời bố giới thiệu với ông Phùng thì cả làng hiếm có bộ bàn ghế nào được làm từ toàn gỗ lõi như vậy. Ông Phùng cười ha hả.

Ông Phùng là hàng xóm của nhà tôi, nhà ông Phùng và nhà tôi nằm đối diện nhau. Từ bé tôi đã thấy nhà ông ở đó rồi, qua lời kể của ông và bố mẹ thì nhà ông ở đây trước khi bố mẹ tôi chuyển ra. Ông Phùng và bà The có năm người con: Mận, Trung, Tâm, Thái, Bình. Các anh chị đều đã có gia đình và con cái. Chị Mận sau khi lấy chồng, bị lây căn bệnh thế kỷ của chồng mà cả chồng, cả con, cả chị lần lượt qua đời. Anh Trung và anh Bình giờ cũng là hàng xóm của nhà tôi, ông Phùng chia mảnh đất làm ba, cho hai anh mỗi anh một mảnh, ông bà một mảnh. Hai chị Tâm và Thái thì đã về nhà chồng.

Hồi nhỏ, không có ngày nào là tôi không sang nhà ông Phùng chơi. Sân nhà ông rất rộng, có cái bể nước mưa, trồng hoa hồng và cau hai bên, gần cổng có cái giếng nước mát lành dưới gốc dừa, mà chúng tôi vẫn lấy lá dừa kết hình con này con nọ. Cũng có khi chúng tôi lấy lá chuối đan chiếu rồi giấu dưới đầu giường của anh Trung, anh Bình, bảo là tặng anh chiếu để anh cưới vợ. Chuối thì hầu như nhà nào cũng trồng, nhà tôi cũng có một bụi, tôi nhớ em trai tôi đã từng bị bố trói vào thân chuối dọa cho một trận vì cái tội gì thì tôi không nhớ. Tôi hay kè kè ngồi cạnh chị Tâm, chị Thái trong gian buồng nhỏ gần bếp nhà ông Phùng, xem các chị đục, thỉnh thoảng được các chị cho nạo linh tinh là tôi thích lắm.

Ông Phùng gắn liền với tuổi thơ, với từng tháng ngày trưởng thành của tôi. Khi tôi lên huyện học, ông suốt ngày ngồi tính quãng đường tôi phải đạp xe, dần dần con số lên bằng quãng đường từ làng tôi vào Sài Gòn, ông lại khoái chí cười ha hả. Ông rất hay cười, có khi nói xong một câu ông lại cười, chuyện không có gì đáng buồn cười cả ông cũng vẫn cười. Hình như với ông, mọi chuyện đều có thể trở thành chuyện vui. Kể ra sống như ông cũng sướng, không lo toan, tính toán gì nhiều, tìm thấy niềm vui trong mọi thứ nhỏ nhặt của cuộc sống, cứ thế trải qua từng ngày luôn có những điều thú vị.

Hơn một tuần trước ông bị ngã, bàn chân ông sưng vù đến nỗi không đi được dép. Ông sang nhà tôi, kể lại sự tích cái chân đau. Ông bước từ trên nhà xuống sân, chẳng biết vấp thế nào mà ngã chúi ra gần cổng, may mà chỉ bị đau chân. Đêm ông còn ngồi nắn bóp khắp lưng và bụng xem có gãy cái xương nào không. Ông bảo: “Cứ tưởng quả này đi mà vẫn chưa đi.” Ông nói xong thì cười ha hả. Mẹ tôi nói với ông: “May mà không chết.” Ông càng khoái, càng cười to. Thế rồi ngày nào ông cũng sang nhà tôi ngồi kể chuyện cái chân đau, tự kết luận câu “May mà không chết.” kèm với một tràng cười lớn.

Nếu là bà nội tôi ấy à, bà tôi sẽ nhăn nhó, kêu ca như là sắp chết đến nơi, sẽ nằm trên giường cho đến khi cái chân khỏi thì thôi, nằm nhiều càng mệt nên sau khi khỏi chân bà sẽ chuyển sang ốm, và mọi người phải chiều theo ý bà mà mua thức ăn mang vào. Vì vậy, việc ông Phùng coi cái chân đau là một chuyện mừng và ngày nào cũng nói để giải khuây khiến tôi phục ông lắm, tự bản thân tôi rút ra cho mình một thái độ sống và nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn, chứ không phải ngày nào cũng nghe ông nói đi nói lại mà chán.

Bố tôi thì không nghĩ như tôi, bố bảo chuyện của ông Phùng không mấy khi làm cho bố buồn cười, lúc nào cũng nhai đi nhai lại, không có gì hấp dẫn. Duy nhất có một hôm bố kể chuyện ông Phùng mà cả nhà phải bật cười. Sáng hôm ấy bố đang ngồi chơi bên nhà ông, bà The chuẩn bị đi làm còn dặn đi dặn lại ông là nếu chị Tâm đến thì bảo chị không phải đi rắc phân đâu, bà rắc xong rồi. Lúc chị Tâm đến, chị hỏi ông:

“Bố ơi, mẹ có bảo ấy không?”

“Không phải ấy đâu.” Ông Phùng trả lời.

“Không phải ấy à?” Chị Tâm hỏi lại.

“Ừ.”

Kể xong bố còn bình luận một câu: “Toàn siêu sao, chỉ cần nói như vậy là cũng hiểu ý nhau.” Tôi với mẹ cười ra nước mắt.

Việc đầu tiên tôi làm khi bắt đầu học đục là lấy chân hạt. Đường hạt là sự mô phỏng một chuỗi hạt cườm xâu liền vào nhau và cái đang nằm trước mặt tôi là một thanh gỗ dài một mét sáu, trên đó, từng nửa hạt một nối đuôi nhau từ đầu này đến đầu kia. Bố soi đường hạt bằng máy, rồi lấy chân hai bên cũng bằng máy, còn những phần gỗ thừa ở kẽ mỗi hạt, tôi phải dùng đục để lấy nốt. Để làm việc này, tôi chỉ cần hai cái đục thôi, một cái đục cong (đục vụn) vừa với chân hạt, và một cái đục bạc để gọt chỗ gỗ thừa đi.

Khi đã lấy xong gần chục đường hạt như thế trong vài ngày, tôi học chặt vặn thừng. Vặn thừng nói đơn giản là nó mô phỏng hình ảnh một cái dây thừng quấn quanh một cái trục. Bố phải soi một đường cho tôi làm thử trước khi làm trực tiếp vào hàng. Làm xong bố vào ngó, bình một câu: “Nhìn như mấy viên kẹo ấy nhỉ.” Vậy nhưng tôi vẫn được làm luôn vào hàng của nhà, không phải thử nữa. Mấy thứ này đều lắp vào giường cả.

Thời gian đầu, mẹ dạy tôi với một thái độ khá là kiên nhẫn, càng về sau tôi càng bị chửi nhiều vì cái tội học trước quên sau, nhất là lúc đục cái hoa lá tây. Nhìn cái hoa chẳng có gì mà dùng rất nhiều loại đục mới đục được. Tôi nhìn mẹ làm mãi mà vẫn không nhớ hết chỗ này dùng đục nào, chỗ kia đục làm sao, trầy trật cả buổi tôi cũng không làm xong một cái.

Cái tôi đang học có tên chính thức là nghề chạm khắc gỗ. Nhưng thật ra bên trong nó có nhiều công đoạn, thường mỗi thợ sẽ chỉ làm một vài công đoạn thôi. Thợ vỡ sẽ là người chịu trách nhiệm mua gỗ, vanh gỗ, vẽ mẫu, lộng hoặc lấy nền (việc này thường đưa cho những người có máy lộng làm), vỡ (tạo hình theo mẫu cho sản phẩm), chà. Tiếp đến là công việc của thợ gọt. Thợ gọt sẽ gọt sản phẩm đã được vỡ cho mềm mại, sắc nét hơn, nạo cho nhẵn, quật là công đoạn làm nhẵn cuối cùng, đôi khi nạo và quật có thể làm trước hay sau tùy ý người thợ gọt. Công đoạn cuối cùng của nghề chạm khắc là tách. Tách có thể do thợ vỡ hoặc thợ gọt làm, tùy vào khả năng mỗi người. Tách là giai đoạn tạo những chi tiết nhỏ trên sản phẩm như đường gân lá, trên những cánh hoa, nhị hoa hay những chi tiết như lông, cánh, mắt trên thân một con vật... Tách đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và cẩn thận. Có người vừa vỡ vừa gọt rồi tách luôn, có người thì chỉ biết gọt thôi (như mẹ tôi chẳng hạn). Nếu học gọt bình thường thì thời gian học khoảng một năm đến một năm rưỡi, làm nhiều sẽ lên tay.

Từ khi còn nhỏ, nhìn mọi người đục là tôi khâm phục lắm. Sao có thể làm được những hình đẹp như thế từ một khúc gỗ vuông vức chứ? Tôi chỉ toàn tự nghĩ, thầm thán phục trong lòng chứ không dám nói ra. Chạm khắc gỗ còn mang tính nghệ thuật cao hơn nhiều so với làm mộc. Mà có chạm khắc gỗ thì đồ gỗ mới trở nên tinh xảo và sang trọng như vậy. Nếu làm mộc là tạo nên cái tổng thể cho một sản phẩm thì chạm khắc gỗ tạo nên cái chi tiết cho sản phẩm ấy.

Từ lúc ngồi làm với mẹ ở ngoài sân, tôi thường xuyên được “phỏng vấn” với một nội dung tương tự nhau. Ai đi qua hay ghé vào nhà tôi chơi đều hỏi: “Cái Linh đã ra trường rồi à, xin việc ở đâu chưa?” Sau khi tôi trả lời, cuộc nói chuyện sẽ tiếp diễn thế này:

“Nó học ngành gì vậy?” Ý hỏi mẹ tôi, vì tôi với mẹ ngồi gần nhau.

“Cháu nó học báo chí bác ạ.” Mẹ tôi chuyên gia nói tên trường chứ không nói ngành học, mà tên trường cũng được rút gọn xuống còn hai từ.

“À, thế là làm nhà báo à?”

Tôi phải đính chính ngay:

“Không, cháu học xuất bản.”

“Học xuất bản là ra làm gì vậy cháu?”

“Nếu đúng ra thì là vào làm ở nhà xuất bản, làm biên tập sách ạ.”

“À, vậy à…?” Bác ấy sẽ nói như hiểu rồi nhưng nhìn mặt là biết bác vẫn chưa hình dung ra cái gì cả. Ngồi một lúc bác sẽ hỏi:

“Biên tập là viết sách à?”

Tôi cười như mếu. Nhưng câu hỏi đó vẫn chưa thảm bằng câu: “Sao ngày xưa không học sư phạm ấy, giờ có phải dễ xin việc không?” Vâng, cái ngày xưa ấy nếu có quay lại thì tôi cũng vẫn học ngành tôi đã chọn, đơn giản vì tôi thích. Ngay từ ngày ấy, tôi đã biết trước những khó khăn về việc làm khi ra trường rồi. Mẹ cũng bắt tôi thi sư phạm đấy chứ, nhưng tôi không nghe. Mà bây giờ nói chuyện ngày xưa có phải hơi vô nghĩa quá không? Chẳng phải chỉ riêng ngành của tôi, bao nhiêu người học kinh tế, sư phạm, hàng hải, xây dựng… cũng về nhà làm thợ đấy thôi. Thời thế nó thay đổi rồi, việc học không còn được ưa chuộng như trước nữa.

Hồi tôi thi đỗ đại học, bố mẹ mừng lắm, còn mở tiệc liên hoan, mời anh em đến chung vui. Bây giờ mấy em học sinh mới học lớp mười một, mười hai bố mẹ đã khuyên nghỉ học về nhà lấy chồng giàu. Nghỉ sớm, học nghề sớm, lấy chồng rồi sinh con sớm, sau này nhàn hạ. Không ít người lấy tôi ra làm dẫn chứng cho sự vô nghĩa của việc học để động viên con bỏ học. Cảnh đó không biết khiến người ta nên vui hay nên buồn.

Năm nay cái Thương nhà chú Hinh thi cấp ba. Nhà chú Hinh cũng coi như là hàng xóm nhà tôi, chỉ cách nhà tôi một đoạn. Như nhà người ta (trước đây thôi, bây giờ ít hơn) thì con cái thi cử chuyển cấp quan trọng như vậy là bố mẹ quan tâm, lo lắng lắm. Thế mà nhà chú Hinh hoàn toàn ngược lại. Cả chú Hinh với cô Nga đều động viên con nghỉ học, không phải thi cử gì cho mệt. Cái Thương chưa học hết lớp chín, chú Hinh đã đi nhờ người làm một bộ bàn ghế để thi trượt cấp ba xong cho nó ngồi đục.

Cái Thương cũng không dại gì nghe theo, nó nhất quyết thi bằng được, vì rằng nó chơi với ba đứa nữa, cả ba đứa đều đi thi. Thêm vào đó, nó đặt ra điều kiện nếu thi đỗ, chú Hinh phải mua xe đạp điện cho nó. Chú Hinh càng mong nó trượt. Ai đời, con đang ôn thi, đã không chăm sóc đặc biệt lại còn suốt ngày nói ngu như mày thì đỗ làm sao được. Cái Thương mặc kệ, nó tức thì tức, cũng chỉ đến nước cãi lại là cùng.

Cãi lại thì cãi lại, cái Thương cũng vẫn sợ sẽ trượt, nó bảo chú Hinh là nó không thi trường Tống nữa mà thi trường Phạm. Chú Hinh nhất quyết: “Đây chỉ có Bùi, hoặc Tống chứ không có Phạm có Lương gì hết, thi Tống thì thi, không thì thôi.” [1] Phải nói thêm là chú Hinh họ Bùi.

[1] Các tên trường được gọi tắt bằng chữ đầu tiên, tức họ của người được lấy tên để đặt cho tên trường: THPT Tống Văn Trân, THPT Phạm Văn Nghị, THPT Lương Thế Vinh.

Gần ngày thi mới biết trường Tống lấy 480 học sinh, trong khi có hơn 500 thí sinh thi thôi. Tỷ lệ chọi không cao. Chú Hinh ngồi chửi trường Tống.

Cô Nga thỉnh thoảng lại sang kể tình hình ở nhà cô cho mẹ tôi nghe. Cô cũng lo cái Thương thi đỗ, lấy đâu ra tiền mà mua xe đạp điện cho nó. Nó nghỉ học ở nhà làm, vừa đỡ tốn tiền học, vừa biết làm sớm, một hai năm nữa lấy chồng là cô chú nhàn, chỉ phải lo cho thằng Chính nữa thôi.

Hôm đi thi, trời nắng chang chang, chú Hinh lai cái Thương đi từ một giờ trưa. Trời nắng mà tay chú không có cái gì che. Đến đường từ làng Lũ Phong lên Thị trấn Lâm, tăm tia thấy mấy cây khoai, chú xuống hái hai cái lá khoai che lên tay cho đỡ rát. Cái Thương thấy vậy không chịu ngồi trên xe nữa. Nó bảo, bố nó như vậy đến trường thì nó dơ mặt, nó thà đi bộ còn hơn. Thế là nó lững thững đi bộ, chú Hinh tè tè đi xe máy bên cạnh, bảo nó lên nó không lên. Trời thì nắng, lại sắp vào giờ thi mà hai bố con vừa đi vừa nì nèo nhau như vậy một đoạn. Cuối cùng, chú phải chịu thua nó.

Thi xong môn cuối, chú Hinh hỏi cái Thương làm bài thế nào, nó nói làm bình thường, khoảng bao nhiêu điểm đấy. Chú Hinh nhẩm nhẩm, nghĩ chắc nó trượt nên lai nó vào quán ăn uống để liên hoan.

Cô Nga sang kể chuyện hai bố con chú Hinh lai nhau đi thi mà tôi với mẹ cứ cười đau cả ruột. Cô bảo: “Đúng là hai cha con nhà Ấm (chú Hinh có biệt danh là Ấm), bố hâm con cũng hấp.”

Lúc cái Thương có điểm thi, chưa biết điểm chuẩn, khả năng nó đỗ là chín mươi phần trăm. Chú Hinh với cô Nga lo lắm. Chú Hinh thỉnh thoảng lại ngồi, nói: “Chết chết… Kiểu này thì chết!” Cái Thương mà đỗ thì không thể bắt nó ở nhà được. Đến lúc biết điểm chuẩn, mẹ tôi đi chợ về, thông báo với tôi: “Cái Thương đỗ rồi. Trường lấy 480 đứa thì nó đứng thứ 478.”

Cô Nga lại sang nhà tôi tâm sự với mẹ. Nếu giờ mua xe đạp điện thì phí, biết đâu nó học một năm rồi chán lại bỏ. Mà xe đạp điện nhanh hỏng lắm, sau này nó nghỉ rồi có đi đến nữa đâu. Mua một cái xe bây giờ phải ba chỉ vàng chứ ít gì, để đến lúc nó lấy chồng rồi cho nó có phải tốt hơn không. Thế nên hai vợ chồng cô chú cứ khất quanh, bảo nó là sẽ mua nhưng lúc nào có tiền mới mua. Chú Hinh nói về chuyện mua xe, chốt hạ: sẽ mua nhưng mua lúc nào chưa biết, cứ biết là một trong ba năm cấp ba.

Cứ nhìn chuyện nhà chú Hinh là biết cái sự học bây giờ nó được coi trọng đến mức nào. Có lẽ ở nơi khác, học vẫn là con đường sáng giá để thoát nghèo, nhưng ở làng tôi, với những người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, học chỉ tổ tốn tiền.

Tôi chưa xin được việc nên chỉ bị hỏi thăm về công việc, còn cái Nhung bạn tôi đã có công việc ổn định thì bị hỏi chuyện người yêu. Những câu hỏi kiểu: “Cháu đã có người yêu chưa?”, “Bao giờ thì cho cô ăn cỗ?”… Nói chung, rất là mệt. Mà chẳng hiểu sao nhà tôi lại nhiều người đến chơi như vậy, cứ như ông Phùng chẳng hạn, ngày nào cũng sang nhà tôi vài lần. Thê nên số lần tôi bị "phỏng vấn" không phải là ít.

Có những buổi bố tôi ngồi tiếp khách suốt từ sáng đến trưa, khách vừa về, bố vừa ra làm được một vài phút lại có người đến. Những lúc công việc bận rộn thì thật sự rất sốt ruột. Nhưng bố bảo: “Phải chấp nhận vậy con ạ, nhiều lúc cũng lo nhưng nghĩ lại thì người ta có quý mình thì người ta mới đến chơi, nhiều nhà có mời họ cũng không vào đâu.” Tôi nghe bố nói thấy cũng đúng, dù nhà tôi, bố chỉ làm một cái bàn nhỏ với mấy cái ghế gỗ kê ngoài sân, khách đến ngồi luôn ở đó, hút thuốc lào, thuốc lá thoải mái vì sợ vào bên trong sẽ làm bẩn nhà, nhưng người ta vẫn vui vẻ sang, ngồi nói chuyện dăm ba câu rồi mới về làm.

Không chỉ có ông Phùng là khách thường xuyên mà bác Lý cũng hay gia nhập hội buôn dưa lê với mẹ con tôi mỗi ngày, thật ra là chỉ có mẹ và bác nói chuyện thôi, tôi ngồi nghe là chính. Nhà bác Lý cũng là hàng xóm từ lâu lẩu lầu lâu của nhà tôi. Ngày bé, tôi không ở bên nhà ông Phùng thì ở bên nhà bác Lý.

Chương 7 <== =:) ==> Chương 8 (phần 2)
* * *
(Lời của Ban quản trị Gác Sách: Truyện đã được đăng lên thư viện nên mời các bạn đọc tiếp các chương cuối tại ĐÂY.)
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Hoạ sĩ

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/14
Bài viết
105
Gạo
408,0
Ôi nhiều chữ quá nhưng tiện thể Ai thích Rukia với Byakuya nhất Bleach. ;)
 

Mưa Mùa Hạ

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
6/8/14
Bài viết
2.926
Gạo
4.000,0
Tưởng có chương mới, vào nhòm 1 cái rồi lại cun cút đi ra... Mà thôi, truyện của Lê La để dành nửa đêm chị Mưa đọc cho nó ngấm. :D
 
Bên trên