mavis_dracula
Gà tích cực
Re:
Ấp tập viết
Ôi cậu ơi cậu cũng thích nghe nhạc của Lee Hi hả?! Hu hu giống tui nè.“Lần đầu gặp gỡ là bất ngờ, là không kịp chuẩn bị mà mắc sai lầm
Chung sống cùng nhau là vô số cuộc cãi vã mà ta phải vượt qua
Nước mắt là khi yêu hận đã khô héo, kết lại thành quả đắng
Tiếc nuối là khúc ca mà cả quãng đời còn lại ta hát mãi không xong”
Cụ Cẩn để chiếc bát xuống dưới mâm, rồi đột ngột nhớ ra nhà đã vắng người lại chậm rãi bám vào tường cất trở lại chạn. Nếu để lại, cụ có lẽ sẽ khó lòng ăn nổi bữa cơm chiều. Những bóng mờ trong ký ức từa tựa âm vọng của đài radio nào không tắt đi nổi, hay một bộ phim rè rè lúc mở lúc không. Giá mà cụ có thể quên đi những ký ức xưa cũ, dù là hạnh phúc hay tầm thường bình dị - mà lúc này đây, đương trở thành niềm tiếc nuối day dứt thăm thẳm; giá mà cụ có thể như vậy, thì hẳn là tốt quá.
- Bà nó thấy tôi thế này chắc đang thích thú lắm ấy nhỉ? - Cụ cao giọng.
Âm thanh loảng xoảng của chạn bát chậm rãi trở về im ắng. Dải đèn chiều ngả bên ngoài cửa để mở, ám mùi nhang vẫn đang thắp trong lễ bốn chín ngày.
- Tôi dọn ra rồi, bà ăn chửa? Nay con Minh nó nấu cơm, kêu mời mẹ về xơi.
- Thế bà nó muốn xem gì? Vẫn kênh cũ hở?
Tiếng độc thoại im lìm trong căn nhà bé mọn ảm xanh bờ tường.
- Ơ hay, sao bà không nói gì? Chọn đi chứ? Không là tôi xem thể thao kệ thây đấy.
Loáng nghe chân chạy của đám trẻ nào roi rói đuổi nhau bên ngoài sân ngõ. Chúng ồn áo và huyên náo tệ. Nghe ríu rít như bầy se sẻ đầu ngày. Hẳn lẽ thế, Cụ Cẩn thôi không nói năng gì cả. Cụ cầm bát, nhẹ nhàng và cơm.
Một nén thở nặng nề chẳng lần ra hơi, lẫn trong âm vang của đóm nhang đã tàn nguội lạnh.
***
“Khi người bị vận mệnh trêu đùa hết lần này đến lần khác
Thì người đã cất giữ được bao nhiêu lời tâm tình cảm động rồi?
Một nửa là cuộc đời nở hoa
Một nửa là trở thành bùn cát
Nhưng chúng đều từng tô điểm cho tuổi trẻ của người”
***
Đã nhiều năm không ai gọi bà Cẩn là cô Hoài. Cô Khương Hoài nhà cụ Tô Ngọc, thầy đồ nho kì cựu trong làng. Đã rất lâu, mà có khi người ta đã quên hẳn cái nghĩa tên tròn vẹn đấy cho tới ngày viết cáo phó.
“Nếu em lấy anh, em sẽ khổ.” Anh Cẩn nắm đôi tay của cô Hoài, mắt đăm đăm nhìn về phía con sông dài bên ngõ.
“Khi nào thì anh định đi?”
“Có lẽ là tới tháng sau.”
“Em sẽ đợi. Nhớ viết thư gởi về.”
Nụ cười hiền của cô Hoài, làm lộ ra đôi lúm đồng chinh dưới khuôn cằm đầy.
“Em không đợi được thì anh phải làm sao?” Anh Cẩn nhìn người yêu, vẻ kìm nén mà sốt ruột buột miệng.
Cô Khương Hoài vẫn tủm tỉm, chẳng nói chẳng rằng mà rụt tay mình giữa đôi bàn tay của anh thanh niên nọ, chạy thẹn về nhà.
*
Trước ngày anh đi, cô Khương Hoài lén đeo một chiếc nhẫn cỏ, ấp trên một bờ vai nào mà thề. Lời thế cuốn tơ trời kéo đến ba, bốn năm sau, để rồi đem tên cô đi mà đặt vào đó một danh xưng khác khi bước vào nhà “người ta”: Cô Cẩn.
*
“Cô Cẩn! Cô Cẩn! Cô Cẩn ơi! Lại mà xem anh nhà làm sao mà bị lũ chúng nó đánh cho bầm dập kia!”
“Dạ? Dạ, dạ, dạ! Dạ, bác đợi, em ra ngay đây! Rõ phải tội chửa?”
Ra tới đầu ngõ, thoáng nghe tiếng anh Cẩn đang chửi đổng đứa nào.
“Cha bố chúng mày! Chúng mày im ỉm ìm im! Một ruột một lứa! Tao bộ đội đây! Tao thương binh đây! Cha bố cái bọn nợ đời!”
“Tao sẽ chém chết cha cái thằng nào … Cái thằng nào…”
“Ôi mình ơi!”
Tiếng cô Cẩn vang trong âm thanh của đám đông lộn xộn. Trời sáng bảnh mà mắt anh Cẩn chỉ thấy tối sầm trên gương mặt tròn dìu dịu.
“Ôi nhà nó ơi!” Tiếng anh rưng rức. “Chúng nó lừa… lừa tôi rồi.”
Anh Cẩn mất danh bộ đội, không có lương trợ cấp, lầm lũi ở nhà chăn lợn, chăn gà, lại ngặt tao đoạn bao cấp nuôi gia cầm gia súc phải trốn chui trốn nhủi. Người ta gọi là “phường buôn manh bán thúng”, cái “phường dân chợ”. “Người ta cười vào mặt tôi thối mũi mất thôi!”, tiếng anh Cẩn lẩm bẩm trong những đêm thanh cô Cẩn nép vào ngực anh thủ thỉ vỗ về. Kể tự đấy, anh Cẩn sinh thói rượu chè, mà trong lúc rượu chè lại không kiềm cản nổi lòng vũ phu. Độ mấy năm đó, cô Cẩn cũng vì thói của anh mà làm sảy mất hai đứa con đầu.
“Thôi u nó im đi!”
“Ôi… Con ơi… Lỗi tại u... “
“Tôi bảo u nó im đi! Tôi cũng nhức hết cả đầu đây!”
“Là tại u… Là tại u… Ôi con ơi!”
Tiếng cô Hoài cứ rưng rức. Ngôi nhà nằm nào xây trước những năm chiến tranh, xây bằng mộng tưởng bên bờ sông, rốt ráo chỉ còn lại những ảm đạm ê chề phủ phục tan nát. Anh Cẩn dợm bước ra khỏi nhà, nắm chặt tay cắn răng bỏ đi. Cũng ngày hôm đó, anh ăn nằm với cô đào Mận người xóm trên. Lòng cô Hoài theo tiếng đồn đại vang khắp xóm, nguội lạnh từ đó.
*
“Tôi xin mình nó, mình đừng bỏ tôi. Tôi xin mình, mình đừng bỏ tôi.”
Tháng mười trời trở rét ngọt. Người ta thấy cô Hoài tay xách nách mang bao lớn bao nhỏ bước ra ngoài.
“Em với anh còn duyên, còn nợ. Số con cái thôi thì cũng tận.” Mắt cô Hoài lạnh căm căm. Rồi lại tiếng thở uẩn ức não nề. “Em về nhà thầy u ít hôm. Anh cứ bỏ tay em ra.”
Mặt anh Cẩn lúc này đã xám ngoét cả. Thường cô Cẩn lâu nay đã không còn xưng “anh - em” với anh như dạo thời còn yêu nhau. Chả lẽ…
“Thôi mình ơi! Tôi xin mình! Mai tôi xin theo mình về đằng ngoại. Tôi xin mình! Mình ơi! Ôi mình ơi! Mình nỡ lòng nào…”
Thế là cô Cẩn bỏ về nhà cụ Tô Ngọc nhận lời đay lời nghiến. Cô cũng rõ, mình chỉ đang trốn, đang rời khỏi cái lồng cũ mà nhịn nhục ở cái lồng khốn khổ mới mà thôi, nhưng cớ sao cái lồng cũ, cái lồng đã trói rịt cô từng ấy năm lại chẳng chịu biến mất thế? Mặt anh Cẩn vẫn cứ hiển hiện về, lần giữa những hạnh phúc và tan nát. Hay anh Cẩn của cô đã chết mất rồi? Chết sau những năm binh lửa nơi đất Lạng? Cô Cẩn không khóc lấy một giọt nước mắt nào. Nỗi buồn tái tê như cái rét cắt da cắt thịt xóm Ao Dài lầm lũi những kiếp người.
“Đã cạn cả rồi.” Cô thẫn thờ trông lửa bập bùng bên bếp. Cái ấm sừng sực nơi củi khô chẳng làm cháy trong cô chút tàn dư nào.
*
“Con xin thầy! Cho con gặp nhà con!”
Đám đông xì xào trước nhà cụ giáo Ngọc. Bên trong, cụ giáo đứng lạnh nghiêm mặt, mới hôm trước thấy cụ vẫn đang diếc móc cô Cẩn mà nay lại trông biểu hiện tối sầm lạ quá.
“Đấy! Nhà cụ Ngọc thật tình … Đúng cái số cái kiếp thật! Thôi thì trai tráng, ăn nằm với đàn bà rồi cũng phải về nhà cả thôi. Bác nói có phải không?”
“Chưa biết được. Mấy lời ngon ngọt, thằng nào chả nói cho rõ hay. Chỉ tội thân cô Cẩn nhà cụ Ngọc thôi. Đợi thằng Cẩn cũng ba năm chứ ít gì, mấy năm nay lại sảy thây cả hai đứa. Chị thử hỏi xem thế thì sống làm sao?”
“Ôi, chứ chị ơi! Cái phận đàn bà là nó phải thế. Một điều nhịn là chín điều lành. Kể ra con nhà cụ Ngọc cũng kinh thật, dám bỏ hết về nhà thầy u…”
“Lại chả? Thế là bác đây lại không nhớ, trước cô Hoài “Chinh” vốn nổi danh giấu bộ đội suốt đấy thôi. Lũ bọn nó dí cả họng súng vào mồm mà vẫn cười lộ hai lúm đồng chinh dỗ ngọt. Bác không nhớ à? Chả thế mà …”
Lúc này thì nhà cụ Ngọc đã mở cửa, tiếng sướt mướt của anh Cẩn vẫn vọng cả ra ngoài.
“Nhưng nói thật, không thằng đàn ông nào dám lạy lục như thằng Cẩn này đâu. Phải như đằng nhà tôi”, tiếng chẹp miệng tiếc rẻ, “thì có trời sập.”
Độ dăm ngày sau, anh Cẩn xun xoe đi đằng sau rước cô Cẩn về nhà. Chàng ta nói gì thì người ta không hay, chỉ thấy má cô Cẩn phơn phớt hồng, lẽ do nẻ hanh hay vì điều gì thì có giời mới rõ.
Rồi cuối năm đấy, cô Cẩn sinh thằng cu mẹ tròn con vuông, đặt tên là Bình.
Ai mà ngồi rảnh bên đoạn xóm chợ hồi đó, hẳn vẫn nghe cô rủ rỉ với đứa con bé bằng con chó con mới đẻ.
“Bình của u ngoan. Ừ, ừ, u thương em, u thương em nhờ? Ừ, em của u ngoan, chuyện khó nhiều là chuyện nhỏ, chuyện khó ít là chuyện to. Em của u ngoan, u thương, u thương.
***
“Năm tháng thúc giục người và tôi đến bạc cả mái đầu
Phải chăng người vẫn đau khổ chờ đợi ai đó hay không?
Ngọn gió này vẫn thổi
Cơn mưa này vẫn rơi
Người ấy rồi sẽ đến
Đón người về nhà thôi”
***
Ông Cẩn tự hỏi những năm tiếp theo mình sẽ sống thế nào. Ông đã tưởng như cái chết của bà Cẩn sẽ chỉ như biến mất của một bóng hình, nhưng vẻ như có nhiều thứ đã đi theo cùng xuống nấm mồ hôm đó. Cả một đời ông đã yêu một người, xây dựng gia đình với người đó, và con cái ông giờ đã sống một cuộc sống độc lập so với ông. Tình yêu của ông Cẩn vẫn sẽ tiếp tục khi bà Cẩn qua đời chứ? Ông Cẩn không biết được. Suốt những năm dài đằng đẵng, chuyện to chuyện nhỏ nơi căn gác đôi người bắt đầu, để cuối cùng đây, ông Cẩn nhận lại gì? Ông Cẩn không biết được.
Cái áo len xám màu lông chuột của Đức cũ vẫn xếp gọn nơi trái giường.
- Này! Sao bà không mắng tôi chưa dọn giường?
- Hay ra bà lại lang chạ với thằng nào hả?
- Tôi mà biết bà bỏ tôi sớm thế này, tôi lấy quách cô Mận, thèm mà rước bà về.
- Ơ, thế mà nay lại không nói gì à?
Kỷ vật của bà Cẩn đã nhập quan cả. Đi theo gương mặt thanh thản của bà, theo cái vỗ tay ủ rũ của bà an ủi ông lúc lâm chung. Ấy thế, ông Cẩn không sao xóa đi những dáng hình vẫn đang hiện hữu ngay lúc này. Cái dáng cặm cụi của bà nơi căn gác nhỏ ông đã quen bao lâu này. Ông tưởng mình đã khóc đủ cho nỗi buồn thương trong suốt ba ngày bên linh cữu. Ấy thế mà không. Nỗi buồn trải dài và tách bạch với cuộc sống hiện thời. Một nỗi đau âm ỉ, mỗi nỗi tiếc thương hèn mọn tầm thường, khi bà Cẩn đã đem theo một ông Cẩn của bà xuống nấm mồ còn xanh ngọn cỏ. Lúc này đây, ông lại loay hoay trong những gương mặt người ngờ ngợ, thấy mình đã bị đẩy ra ngoài rìa vực, một rìa vực đơn côi cô độc. Vì rằng, quá khứ của ông đã bỏ ông mà đi rồi.
- Bà với tôi là bao nhiêu năm rồi bà Hoài nhỉ?
- Đấy, còn mình tôi nhớ nổi tên bà chứ đùa?
- Cơ mà bà với tôi là bao nhiêu năm rồi bà Hoài nhỉ?
Vẫn như lệ, chẳng ai nghe thấy tiếng đáp trả lời cụ Cẩn. Chỉ loang loáng trong căn nhà đôi khi có vài trung niên dạm bước quay về hỏi han đôi câu, bóng người đã đi gần thế kỷ, đã qua những mặt trận khói lửa, qua những tầm thường bé mọn đời người, nay lặng lẽ như một mạn sông, êm đềm giấu những sóng xô trong lòng.
Quá khứ của Người cứ thế bỏ Người mà đi.
( Lời bát hát: Đợi, Mao Bất Dịch, Dừa Dã dịch)
Chờ một ngày tui đến chơi với cậu nha, hi hi.