“Đó là lần thứ một ngàn - lần thứ một ngàn tay chăn gia súc ở sa mạc trông thấy Kẻ Lãng Khách lại lao về phía cồn cát lớn nhất hướng Đông Nam. Anh ta gọi to, ý chào hỏi như mọi lần:
- Này đằng ấy! - Giọng hắn ta vang đập khắp vòm trời - Vẫn thế hả?
- Vâng. Shajarat-al-Hayat. - Người được gọi là Kẻ Lãng Khách đáp lại bằng tiếng Ả Rập lơ lớ. Chốc đã thấy anh ta quay người, ánh mắt đăm đăm nhìn về phía điểm xanh duy nhất giữa hoang mạc. “Tiến về Cây Sự Sống, mình phải tiến về Cây Sự Sống” , anh ta mụ mị nghĩ.
Tay chăn gia súc lắc đầu lẩm bẩm với cô con gái lớn cạnh mình đương đẩy chốt cánh cửa trang trại dê:
Người con gái không nói gì, chỉ vươn ánh mắt ảm đạm về thân người dần biến mất nơi cơn lốc bão bụi đang kéo tới.
Chập hoàng hôn ngả dưới bóng râm của Cây Sự Sống cách mười lăm dặm tính từ trại gia súc. Đám dân buôn người Bồ Đào Nha hay vài tên thương gia Ba Tư đã thôi cãi cọ tranh nhau ngã giá đàn lạc đà, mà chỉ trỏ theo bóng dáng tay “điên rồ” nọ. Vạt chiều tàn tím ngát thôi bỏng rát lấp loáng ngả trên những tầng lá cao.
“Kẻ Lãng Khách lại tới Cây Sự Sống đấy.”
“Ừ! Để xem nào? Mấy năm ấy nhỉ?”
“Từ lúc tôi chuyển đến đã trông thấy anh ta, ít nhất cũng cỡ bốn năm.”
“Khác hẳn với các tay Lãng Khách khác ấy nhỉ?”
Tiếng xì xào của dân du mục reo giữa âm gió samhsa nóng hầm hập thổi từ bên dãy Zagros bên kia Vịnh Ba Tư. Cái nóng ở sa mạc như con kiến đâm chích nay đã quen trên da thịt thô sần, họ gạt những giọt mồ hôi, cười hềnh hệch cá cược xem Kẻ Lãng Khách liệu có tới được Cây Sự Sống, hay như cả trăm lần trước đó, bị vùi đi và biến mất bởi cơn bão bụi kỳ lạ. Vài người phụ nữ tìm chỗ nghỉ trên chạc cây mọc ngang tầm mặt đất, tư lự không hiểu rốt cuộc Cây Sự Sống mình đang dừng chân đây, có điều gì mà quan trọng với Kẻ Lãng Khách đến thế? Chỉ là một thân cây gỗ thôi mà? Ừ thì cũng kỳ lạ rằng nó có thể sống, mà không chỉ sống lại còn sống tốt: cao tới tám, chín mét, năm sáu chạc cây và phiến lá dầu mỏng dẹt nhưng vẫn tươi tốt quanh năm. Đến cái giếng cho dân bản địa lấy nước còn chẳng có, huống chi nước trồng cây giữa vùng hoang mạc? Một người phụ nữ tò mò đập lên thân cây nghe rõ âm chắc nịch vọng lại. Không hề có dấu hiệu mối mọt. Lẽ thế, dân buôn cứ một đồn mười, mười đồn trăm, rằng cây đã bắt rễ từ nơi suối nguồn của Vườn Địa Đàng xưa kia. Cũng đôi người khảo cổ ngoại quốc đã tới mà lẩm bẩm luôn, “Dilmun! Dilmun” - ấy đang chỉ nền văn minh Lưỡng Hà xa xưa.
“Nhưng phét lác cả thôi”, mấy tay dân buôn người Bồ nhìn nhau cười ý nhị, “hoang mạc thì vẫn là hoang mạc”.
Dù sao đi nữa, Cây Sự Sống là một cây thân gỗ bình thường, một cây giống bụi gai khổng lồ, không suối nguồn bất tử, không táo vàng, không kho báu cổ tích nào hết. Nó là một cây thân gỗ, một cây thân gỗ với tính sống bất diệt.
Còn Kẻ Lãng Khách này lại là một tên kỳ quặc không kém nếu so với sự sống của thân cây cổ thụ kia. Dân bản địa tại trấn Nam đảo Bahrain vẫn thường ngấm ngầm với nhau “Một tên lãng khách còn tồi tệ hơn đám du mục”. Họ ghét cái cách những kẻ phiêu du đến với vùng đất của họ, hời hợt ngắm những vẻ đẹp bề trên mà không sao nhúng trọn mình vào sự sống rực lửa hỗn loạn ẩn sâu dưới vẻ đẹp đó. Đất mẹ với người dân chưa bao giờ là bộ sưu tập thuộc quyền sở hữu của ai, để những tay lãng khách hống hách rêu rao: “À, vâng tôi đã từng sống ở Vịnh Ba Tư. Vâng, quả là một hành trình khó khăn với tôi.” Chúng chưa bao giờ sống thực để cảm rõ thứ “khó khăn” ấy. Chưa bao giờ.
Ấy thế, người có mục đích và bất chấp tất cả để đến sa mạc này, bị sa mạc chối bỏ, đã tự nhận mình là một tay lãng khách như thế. Điều đó khiến dân bản địa phải tư lự hồi lâu. Bộ quần áo bó kín toàn thân bạc phếch sau ngàn lần bị khước từ, dầu số mệnh anh ta hẳn đã được định đoạt từ lần thứ ba.
“Anh ta là kẻ không được ban phước. Cây Sự Sống chẳng bao giờ cho một kẻ máu dữ bén mảng.” Một bô lão nheo nheo đôi mắt già cả ậm ừ bằng âm giọng khàn khàn.
Chín trăm chín mươi chín lần. Phải, anh ta đã tới được chín trăm chín mươi chín lần, đồng thời bị bão cuốn chín trăm chín mươi chín lần y hệt. Giờ đây, cái tên thực mà anh ta mang đã bạc ra khỏi người. Vòng lặp tái hồi khốn khổ - đi, lạc lối, trở về, lại lạc lối, đi, trở về - đã biến anh thành một sinh vật nào, một sinh vật thuộc quyền sở hữu của sa mạc, một sinh vật lang thang chốn cùng trời, không tên không tuổi.